Quyết định 245/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn và rau chế biến tỉnh Bắc Giang đến năm 2020
Số hiệu: 245/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Giang Người ký: Nguyễn Văn Linh
Ngày ban hành: 28/12/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 245/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 28 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH VÙNG SẢN XUẤT RAU AN TOÀN VÀ RAU CHẾ BIẾN TỈNH BẮC GIANG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến năm 2015; Quyết định số 05/2009/QĐ-TTg ngày 13/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Giang đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 52/2007/QĐ- BNN ngày 05/6/2007 của Bộ nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển rau quả và hoa cây cảnh đến năm 2010, tầm nhìn 2020;

Căn cứ Quyết định số 52/2006/QĐ-UBND ngày 11/08/2006 của UBND tỉnh Bắc Giang về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế Nông nghiệp, Nông thôn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2006-2020.

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 107/TTr-SNN, ngày 22/11/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn và rau chế biến tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch

1.1. Quan điểm quy hoạch

- Quy hoạch phát triển theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô lớn, tập trung chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội và thị trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

- Quy hoạch phải gắn với đầu tư Khoa học - Công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm khi tiêu thụ trên thị trường.

- Quy hoạch phải gắn với tổ chức quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo nhiều hình thức khác nhau để gắn kết giữa sản xuất và thị trường.

1.2. Mục tiêu quy hoạch

a. Mục tiêu chung:

- Hình thành được các vùng rau an toàn và rau chế biến với quy mô ngày càng lớn nhằm đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tỉnh, từng bước nâng cao sản lượng cung cấp cho trị trường ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

- Góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, từng bước đưa nghề sản xuất rau tại các vùng quy hoạch trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang.

- Từng bước nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái.

b. Mục tiêu cụ thể:

- Về quy mô diện tích quy hoạch.

+ Giai đoạn (2010 - 2015): Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và kỹ thuật cần thiết của 30 xã vùng quy hoạch và một số vùng khác có truyền thống và tiềm năng trong sản xuất rau để duy trì và phát triển thành vùng rau an toàn và rau chế biến được sản xuất theo hướng VietGAP. Tổng diện tích quy hoạch đạt 6.050 ha với hệ số canh tác bình quân đạt 1,5 lần và diện tích gieo trồng đạt 8.955 ha.

+ Tầm nhìn đến năm 2020: Tiếp tục đầu tư, mở rộng và phát triển ổn định về diện tích rau an toàn và rau chế biến được sản xuất theo hướng VietGAP tại 30 xã vùng quy hoạch và một số vùng khác có truyền thống và tiềm năng trong sản xuất rau để duy trì và phát triển thành vùng rau an toàn và rau chế biến được sản xuất theo hướng VietGAP. Tổng diện tích quy hoạch đạt 7.503 ha với hệ số canh bình quân đạt 1,8 lần và diện tích gieo trồng đạt 13.674 ha.

- Về sản lượng, chất lượng rau an toàn và rau chế biến trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

+ Giai đoạn (2010 -2015): áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất rau an toàn tại vùng quy hoạch, từng bước nâng dần sản lượng rau an toàn và rau chế biến trên địa bàn tỉnh, chiếm 36% tỷ trọng sản phẩm rau của tỉnh. Đáp ứng được 100% nhu cầu về công suất tiêu thụ của các nhà máy chế biến trong tỉnh. Trong đó rau chế biến vùng quy hoạch đạt khoảng 55 nghìn tấn, chiếm khoảng 85 - 90% sản lượng rau chế biến của toàn tỉnh; 90% sản lượng cung cấp trong tỉnh đáp ứng 75% công suất nhà máy và 10% sản lượng được cung cấp ngoài tỉnh; rau an toàn đạt khoảng 100 - 110 nghìn tấn, chiếm 28% sản lượng rau tươi toàn tỉnh, trong đó khoảng 35 - 40% sản lượng được cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chiếm 20% nhu cầu trong tỉnh, 60-65% sản lượng còn lại được tiêu thụ ngoài tỉnh.

+ Đến năm 2020: Tiếp tục phát triển và nâng cao sản lượng, chất lượng rau an toàn và rau chế biến của vùng quy hoạch, đạt 44% tỷ trọng rau của toàn tỉnh. Đáp ứng được 100% nhu cầu công suất tiêu thụ của các nhà máy chế biến trong tỉnh. Trong đó rau chế biến của vùng quy hoạch đạt khoảng 75 - 80 nghìn tấn, chiếm 85-90% sản lượng rau chế biến của toàn tỉnh; 90% sản lượng cung cấp trong tỉnh đáp ứng 95-100% công suất nhà máy và 10% sản lượng được cung cấp ngoài tỉnh; rau an toàn đạt 175 - 180 nghìn tấn, chiếm 35 - 40% sản lượng rau tươi toàn tỉnh, trong đó 30% sản lượng được cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chiếm 25% nhu cầu trong tỉnh, 70% sản lượng còn lại được tiêu thụ ngoài tỉnh.

- Về xã hội.

+ Giai đoạn 1 (2010 -2015): Vùng quy hoạch sẽ giúp cho 181,5 nghìn lao động có việc làm thường xuyên chiếm 16% lực lượng lao động nông thôn của tỉnh; giá trị sản xuất đạt từ 81- 172 triệu đồng/ha/năm.

+ Giai đoạn 2 (2016 -2020): Vùng quy hoạch sẽ giúp cho 225 nghìn lao động có việc làm thường xuyên chiếm 19% lực lượng lao động nông thôn của tỉnh; giá trị sản xuất đạt khoảng trên 165- 265 triệu đồng/ha/năm.

2. Nội dung quy hoạch

2.1. Quy hoạch đất đai

- Lấy mẫu và phân tích mẫu đất, mẫu nước: Trên cơ sở khảo sát lấy mẫu đất, nước, kết quả phân tích mẫu đất, mẫu nước và tình hình cụ thể tại các địa phương quy hoạch quỹ đất với tổng diện tích canh tác đến năm 2020 là 7.503,2 ha.

- Lập bản đồ quy hoạch vùng rau chế biến và rau an toàn đến năm 2020 từng xã trong vùng Quy hoạch tỷ lệ 1:5.000, bản đồ Quy hoạch toàn tỉnh tỷ lệ 1: 50.000.

2.2. Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn và rau chế biến theo mức độ sử dụng đất

Duy trì quỹ đất luân canh hiện có, chỉ chuyển đổi khoảng 10 - 30% diện tích đất luân canh liền kề sang đất chuyên canh sản xuất rau để khai thác sử dụng có hiệu quả cao.

2.3. Quy hoạch sử dụng công nghệ

- Sản xuất rau an toàn và rau chế biến trong điều kiện che chắn (nhà lưới, vòm che...) theo hướng công nghệ cao. Đối tượng sản xuất: sản xuất cây giống rau, sản xuất rau mầm, rau non, sản xuất rau an toàn, trái vụ (chủ yếu rau ăn lá, rau gia vị).

- Sản xuất rau an toàn và rau chế biến tự nhiên ngoài đồng ruộng có áp dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP (Giống mới, quy trình sản xuất an toàn, công nghệ sinh học). Đối tượng sản xuất là tất cả các chủng loại rau (rau ăn lá, rau ăn củ, quả và rau gia vị) hiện đang phổ biến trên thị trường.

4.4. Quy hoạch theo chủng loại rau

- Đến năm 2015 diện tích rau an toàn trên địa bàn tỉnh đạt 3.624,9 ha; rau chế biến đạt 2.2491,0 ha.

- Đến năm 2020 diện tích rau an toàn trên địa bàn tỉnh đạt 4.675,9 ha; rau chế biến đạt 2.827,3 ha.

3. Các giải pháp quy hoạch

3.1. Giải pháp đầu tư về cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch.

- Cải tạo và xây dựng hệ thống thuỷ lợi cho toàn vùng quy hoạch.

- Nâng cấp và hoàn chỉnh hệ thống giao thông nội đồng cho toàn vùng quy hoạch.

- Cải tạo và xây dựng hệ thống truyền tải điện cho toàn vùng quy hoạch.

- Xây dựng bể chứa vỏ bao bì thuốc Bảo vệ thực vật cho vùng quy hoạch.

- Đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển vùng quy hoạch theo hướng ứng dụng công nghệ cao

3.2. Giải pháp đầu tư cho Khoa học - Công nghệ và Khuyến nông.

- Đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn và rau chế biến.

- Đầu tư đào tạo, tập huấn cho cán bộ, nông dân về sản xuất rau an toàn và phát triển vùng rau chế biến.

- Đầu tư cho công tác chỉ đạo, giám sát sản xuất rau an toàn và rau chế biến.

3.3. Giải pháp thị trường tiêu thụ và xúc tiến thương mại

- Xác định các thị trường tiêu thụ mục tiêu, chủ yếu của rau an toàn và rau chế biến, từng bước xây dựng chiến lược khai thác và mở rộng thị trường tiêu thụ.

- Nâng cao khả năng đáp ứng các yêu cầu của thị trường về: giá cả, chất lượng, số lượng và sự đa dạng về chủng loại rau của vùng quy hoạch.

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống trung gian, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh rau an toàn và rau chế biến phát triển như: mô hình liên kết 4 nhà; củng cố và xây dựng các chợ đầu mối; xây dựng mạng lưới cửa hàng hoặc quầy hàng chuyên kinh doanh rau quả.

- Xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại về rau an toàn và rau chế biến cho các vùng quy hoạch

+ Đăng ký tiêu chuẩn sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP

+ Đăng ký mã số, mã vạch; in ấn bao bì, nhãn mác đựng sản phẩm rau an toàn để người tiêu dùng tin cậy vào sản phẩm.

+ Tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia các tổ chức hội trợ, triển lãm thương mại, hội thảo, hội nghị khách hàng.

3.4. Giải pháp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng

- Ban hành các văn bản, quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn và rau chế biến trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và đủ điều kiện về sản xuất, chế biến và kinh doanh.

3.5. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Hỗ trợ 40% kinh phí cho xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, kỹ thuật vùng quy hoạch.

- Hỗ trợ các mô hình sản xuất và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới: 100% kinh phí cho công tác tập huấn, hội nghị, hội thảo đầu bờ và công chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công tác giám sát, kiểm tra; 40% kinh phí cho giống mới; 30% cho vật tư (phân vi sinh, thuốc Bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, nylon che phủ).

- Hỗ trợ xây dựng thị trường và xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm rau an toàn và rau chế biến.

+ Hỗ trợ thành lập Hợp tác xã, nhóm tổ sản xuất với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hợp tác xã.

+ Hỗ trợ 100% kinh phí cho cơ sở đăng ký, cấp mới về tiêu chuẩn vùng sản xuất rau an toàn trong lần đầu, 50% kinh phí cho cấp lại; hỗ trợ 100% kinh phí đăng ký mã số, mã vạch và kinh phí quảng bá, xây dựng thương hiệu và các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng hệ thống tiêu thụ rau an toàn (thuê gian hàng, cửa hàng bán rau an toàn tại các chợ, khu dân cư ở các địa phương).

- Khuyến khích dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng (trên cơ sở tự nguyện) để phát triển thành vùng sản xuất rau an toàn và rau chế biến tập trung, chuyên canh trên phạm vi vùng quy hoạch.

- Chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau chế biến, rau an toàn trên địa bàn tỉnh.

- Tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi (theo quy định hiện hành) với thời gian vay vốn phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh để phát triển sản xuất.

3.6. Giải pháp về vốn đầu tư

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 619.806 triệu đồng, trong đó:

+ Ngân sách nhà nước: 249.240 triệu đồng, chiếm 40%.

+ Vốn khác (doanh nghiệp, dân): 370.566 triệu đồng, chiếm 60%.

- Phân kỳ vốn theo giai đoạn đầu tư:

+ Giai đoạn 2010-2015 là 194.496 triệu đồng.

+ Giai đoạn 2015-2020 là 425.310 triệu đồng.

- Huy động vốn.

+ Vốn ngân sách, trong đó: Ngân sách trung ương thông qua các chương trình khuyến nông, dự án khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ chiếm 6,8%, nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ như ODA, ADB, WB, JCA... chiếm 36,1%. Ngân sách tỉnh từ nguồn ngân sách sự nghiệp hàng năm của tỉnh cấp cho các Sở, ngành các huyện, thành phố chiếm 58,1%.

+ Nguồn vốn huy động khác: vốn tự có của nhân dân chiếm 78,6%; vốn từ các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chiếm 15,1%; vốn vay tín dụng chiếm 8,1%.

4. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư

4.1. Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, hệ thống giao thông và điện của các vùng quy hoạch.

4.2. Dự án đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật cần thiết (nhà lưới nhân giống, nhà lưới sản xuất rau an toàn, rau trái vụ, nhà sản xuất giá thể, rau mầm và các hạng mục công trình phụ trợ khác).

4.3. Dự án hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất và kinh doanh rau an toàn và rau chế biến như:

- Hỗ trợ xây dựng mô hình gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ.

- Hỗ trợ vật tư, thiết bị cần thiết cho xây dựng mô hình cho sản xuất rau an toàn và rau chế biến theo hướng ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

- Hỗ trợ đào tạo tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho vùng quy hoạch.

4.4. Dự án hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến thương mại cho vùng quy hoạch.

4.5. Dự án quản lý chất lượng sản phẩm rau an toàn và rau chế biến.

5. Tổ chức thực hiện quy hoạch

1. Sở nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn và rau chế biến trên địa bàn tỉnh; hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tiến độ và kết quả thực hiện.

2. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP, xây dựng thương hiệu, triển khai các đề tài, dự án... liên quan đến phát triển sản xuất rau an toàn và rau chế biến.

3. Sở Công thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện thực hiện các nội dung liên quan tới hoạt động tiêu thụ và xúc tiến thương mại.

4. Sở Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện việc kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, kinh doanh rau an toàn.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: bố trí quỹ đất quy hoạch sản xuất rau an toàn và rau chế biến không thực hiện vào mục đích khác.

6. Sở kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt các dự án xây dựng các vùng sản xuất, kinh doanh rau an toàn và rau chế biến theo sự phân cấp quản lý của tỉnh.

7. Sở Tài chính: Căn cứ vào các nội dung quy hoạch, phối hợp với các sở, ban ngành cân đối kinh phí từ ngân sách tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

8. Cục thuế tỉnh Bắc Giang: Căn cứ vào các quy định của Nhà nước xem xét miễn giảm thuế cho các tổ chức cá nhân kinh doanh rau an toàn và rau chế biến.

10. Các tổ chức xã hội, đoàn thể: phối hợp phổ biến tuyên truyền vận động hội viên chấp hành tốt các qui định của Nhà nước và tỉnh trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ rau an toàn và rau chế biến.

11. UBND các huyện, thành phố: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch thực hiện, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức triền khai thực hiện quy hoạch; xây dựng các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện địa phương trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện theo đúng quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Linh