Quyết định 2423/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”
Số hiệu: 2423/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Lê Văn Nưng
Ngày ban hành: 30/08/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2423/QĐ-UBND

An Giang, ngày 30 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI CHỢ, SIÊU THỊ, TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 166/TTr-SKHĐT ngày 16 tháng 8 năm 2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

a) Đối với phát triển mạng lưới chợ:

Phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh vừa phù hợp, vừa thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của từng huyện, thị, thành phố. Đồng thời, phát triển mạng lưới chợ vừa phù hợp với quy hoạch s dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị, vừa góp phần thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch ngành thương mại của tỉnh cũng như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh một mặt thích ứng với trình độ phát triển kinh tế xã hội của khu vực và cả nước, mặt khác là cơ sở để dẫn dắt thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập, kích thích và định hướng tiêu dùng của cư dân (đặc biệt ở khu vực nông thôn). Từ đó, hướng tới không chú trọng phát triển vào số lượng và qui mô chợ, mà tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của chợ.

Phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh kết hợp chặt chẽ với trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác giữa các địa phương, vùng miền, phòng chống buôn lậu và bảo vệ môi trường.

b) Đối với phát triển mạng lưới siêu thị, TTTM:

Phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là quy hoạch đô thị và khu dân cư, quy hoạch hệ thống giao thông.

Phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại theo hướng văn minh, hiện đại để một mặt đảm bảo phát triển hài hòa trong tổng thể không gian thương mại giữa hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, của hàng tự chọn...) và truyền thống (chợ, cửa hàng, bách hóa...) thể hiện quan hệ tương hỗ và bổ trợ cho nhau, mặt khác đáp ứng nhu cầu tiêu dùng văn minh của cư dân trên địa bàn.

Phát triển hệ thống mạng lưới siêu thị, TTTM trên cơ sở thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước, phục vụ sản xuất tiêu dùng trên địa bàn và khách vãng lai, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

2. Mục tiêu phát triển:

a) Mục tiêu tổng quát:

Mục tiêu cơ bản của phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang là nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng; nâng cao mức sống của người dân, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và người sản xuất; đảm bảo cho các thị trường hàng hóa phát triển ổn định; huy động tối đa mọi nguồn lực vào công tác đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong đó ưu tiên, đầu tư cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hiện có, đảm bảo tiêu chuẩn thiết kế theo quy định, kết hợp với xây dựng mới các chợ, siêu thị, trung thương mại với số lượng, loại hình, cơ cấu, qui mô… phù hợp với sự phát triển của các hoạt động thương mại bán buôn, bán lẻ trên từng địa bàn; chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu các nguy cơ gây tác hại đến môi trường trong hoạt động của chợ, siêu thị, TTTM trên địa bàn tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể:

* Đối với mạng lưới chợ:

Đến năm 2025, sẽ nâng cấp cải tạo 108 chợ, xây mới trên nền cũ 22 chợ, di dời, xây mới 27 chợ và phát triển mới 51 chợ; Xây mới và đưa vào hoạt động ít nhất một chợ đầu mối nông sản trên địa bàn toàn tỉnh; Xây dựng mới hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải đối với 77 chợ và cải tạo hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải của 96 chợ; Đảm bảo mỗi chợ phục vụ 7.800 dân, bán kính phục vụ không quá 2km/chợ; Đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu của hộ kinh doanh cố định tại chợ đến năm 2025 đạt 12 m2/hộ; 100% số chợ đạt chuẩn về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; số hộ kinh doanh cố định trung bình/chợ đến năm 2020 sẽ là 130-140 hộ/chợ.

Đảm bảo tỉ trọng bán lẻ hàng hóa qua mạng lưới chợ trong tỉnh sẽ chiếm khoảng 50-60% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ vào năm 2020, 45- 50% vào năm 2025. Trong đó, tỷ trọng hàng nông sản, thực phẩm lưu thông qua mạng lưới chợ khoảng 60 - 65%. Hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, các xã đạt chỉ tiêu nông thôn mới sẽ có ít nhất 1 chợ có công trình đạt chuẩn được quy định tại Quyết định số 12151/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 7 về chợ trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cải thiện điều kiện cơ sở vật chất chợ, áp dụng các tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật vào xây dựng và thiết kế chợ, tăng cường công tác quản lý vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao trình độ văn minh thương nghiệp trên chợ. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý chợ trên cơ sở đổi mới mô hình kinh doanh chợ, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý chợ, đổi mới và hoàn thiện cơ chế, nội dung quản lý Nhà nước về chợ.

* Đối với mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại:

Nâng cấp cải tạo 03 siêu thị và phát triển mới 25 siêu thị (trong đó 23 siêu thị giai đoạn 2016 - 2020, 05 siêu thị giai đoạn 2021 - 2025); Tiếp tục hoàn thiện và phát triển mới 08 trung tâm thương mại (trong đó 05 trung tâm thương mại giai đoạn 2016 - 2020, 03 trung tâm thương mại giai đoạn 2021 - 2025); Tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh chiếm 10-15% tổng mức bán lẻ hàng hóa đến năm 2020. Đến năm 2025, tỷ trọng này tăng lên và chiếm khoảng 15-20% tổng mức bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh; 100% hàng hóa bán qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh được dán nhãn hàng hóa, thường xuyên kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác liên quan đến hàng hóa.

3. Nội dung quy hoạch:

a) Đối với mạng lưới chợ:

Thực hiện Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng đến năm 2025 như sau: giữ nguyên 78 chợ; nâng cấp, cải tạo 108 chợ; di dời, xây mới 27 chợ; xây mới trên nền cũ 22 chợ; phát triển mới 51 chợ và xóa bỏ khỏi quy hoạch 25 chợ so với Quyết định số 2502/2008/QĐ-UBND ngày 22/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, TTTM tỉnh An Giang đến năm 2020. Trong đó:

Thành phố Long Xuyên: giữ nguyên 04 chợ, nâng cấp - cải tạo 09 chợ, xây mới trên nền cũ 04 chợ, di dời, xây mới 04 chợ, phát triển mới 09 chợ. Cụ thể: Chuyển đổi công năng chợ Mỹ Long thành chợ ẩm thực; Nâng cấp - cải tạo các chợ đã xuống cấp một số hạng mục công trình, cơ sở vật chất như chợ Long Xuyên, Chợ Trà Ôn, Chợ Cần Xây, Chợ Mỹ Phước, Chợ Lộ Xã, Chợ Mỹ Hòa mở rộng, Chợ Tây Khánh 5, Chợ Trà Mơn; Di dời, xây mới chợ Chợ Cái Sắn, chợ Cái Sao, Chợ Vàm Cống, chợ Cái Chiêng; xây mới trên nền cũ chợ Bình Khánh, chợ Mỹ Xuyên và Chợ Mỹ Long; phát triển thêm 09 chợ ở các khu dân cư mới như phường Mỹ Thới, Mỹ Hòa, Mỹ Thạnh, Mỹ Phước, Bình Khánh.

Thành phố Châu Đốc: giữ nguyên 03 chợ, nâng cấp - cải tạo 06 chợ, di dời, xây mới 01 chợ, phát triển mới 05 chợ. Cụ thể: Nâng cấp cải tạo một số hạng mục công trình đã xuống cấp tại các chợ Trung tâm, chợ Châu Thạnh, chợ Vĩnh Đông, chợ Kinh Đào, chợ Cống Đồn, chợ Vĩnh Châu; di dời xây mới chợ Giồng do không đủ diện tích; phát triển thêm mới 05 chợ gồm các chợ đầu mối rau quả và chợ khu vực biên giới phường Vĩnh Ngươn, Vĩnh Mỹ và xã Vĩnh Tế.

Thị xã Tân Châu: giữ nguyên 01 chợ, nâng cấp - cải tạo 13 chợ, xây mới trên nền cũ 01 chợ, di dời, xây mới 04 chợ, phát triển mới 07 chợ. Cụ thể: nâng cấp cải tạo hầu hết các chợ từ nay đến năm 2025, trong đó xây mới trên nền cũ chợ Long Hưng và di dời xây mới chợ Tân An. Phát triển một số chợ tại các khu dân cư phát triển và có nhu cầu tại xã Vĩnh Xương, phường Long Hưng, xã Tân An, phường Long Châu, phường Long Phú, xã Tân Thạnh, xã Châu Phong, phường Long Sơn, xã Phú Lộc.

Huyện Thoại Sơn: giữ nguyên 15 chợ, nâng cấp - cải tạo 04 chợ, xây mới trên nền cũ 01 chợ, di dời, xây mới 04 chợ. Cụ thể: Nâng cấp cải tạo một số hạng mục công trình đã xuống cấp tại các chợ: Phú Thuận, Hòa Tây B, Kênh F; di dời xây mới chợ Bình Thành, Phú Hòa cũ; xây mới trên nền cũ các Tây Cò.

Huyện Châu Thành: giữ nguyên 03 chợ, nâng cấp - cải tạo 16 chợ, xây mới trên nền cũ 01 chợ, di dời, xây mới 02 chợ, phát triển mới 04 chợ. Cụ thể: Nâng cấp cải tạo một số hạng mục công trình đã xuống cấp tại các chợ: An Châu, Hòa Phú, Bình Hòa, Vĩnh Lợi, Số 10, Số 8, Đông Bình Nhất, Đông Phú 1, Tân Thành, Sáu Miên, Cần Đăng, Thạnh Hòa, Vĩnh Hanh, Tân Phú, Vĩnh Nhuận, Vĩnh Thuận; xây mới trên nền cũ các chợ đã xuống cấp, công trình tại chợ lán tạm như Rạch Gộc; di dời xây mới chợ cụm dân cư Xếp Bà Lý, chợ Kênh Quýt; phát triển thêm các chợ mới ở cụm dân cư mới ở thị trấn An Châu, xã Cần Đăng, xã Hòa Bình Thạnh.

Huyện Tịnh Biên: giữ nguyên 03 chợ, nâng cấp - cải tạo 12 chợ, xây mới trên nền cũ 02 chợ, di dời, xây mới 03 chợ, phát triển mới 03 chợ. Cụ thể: Nâng cấp cải tạo một số hạng mục công trình đã xuống cấp tại các chợ: biên giới Tịnh Biên, Bách hóa cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (chuyển đổi công năng), An Hảo, Chi Lăng, Nhà Bàng, Bàu Mướp, Vĩnh Trung, Lâm vồ, Núi Voi, Ba Xoài, Tân Lợi, bò Tà Ngáo; xây mới trên nền cũ các chợ lán tạm và công trình đã xuống cấp như Núi Cấm, Cây Mít; di dời, xây mới các chợ Xuân Phú, Lâm Viên, Sơn Đông; phát triển mới các chợ ở khu vực biên giới xã An Phú, xã An Nông và xã Nhơn Hưng.

Huyện Tri Tôn: giữ nguyên 06 chợ, nâng cấp - cải tạo 07 chợ, di dời, xây mới 02 chợ, phát triển mới 06 chợ. Cụ thể: Nâng cấp cải tạo một số hạng mục công trình đã xuống cấp tại các chợ: Ba Chúc, Tân Tuyến, Lương An Trà, Cô Tô, Ô Lâm, Tà Đảnh, Lạc Quới; di dời, xây mới chợ Cây Me chuyển đến Kênh 24 Cây Dầu; phát triển thêm mới các chợ phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa khu vực biên giới và một số cụm dân cư tại xã Liên Trì, An Tức, Vĩnh Phước và Vĩnh Gia.

Huyện Phú Tân: giữ nguyên 07 chợ, nâng cấp, cải tạo 05 chợ, xây mới trên nền cũ 05 chợ, di dời, xây mới 02 chợ, phát triển mới 04 chợ. Cụ thể: Giải tỏa các chợ Mỹ Lương, chợ Đình, chợ Vàm; nâng cấp cải tạo một số hạng mục công trình đã xuống cấp tại các chợ: Hòa Bình, Tân Phú, Phú Bình, Phú Hưng, Mương Kinh, Thơm Rơm, Mương Chùa, Hiệp Hưng; Di dời, xây mới chợ Hiệp Hưng; phát triển mới các chợ ở xã Tân Trung, Phú Hiệp, Bình Thạnh Đông, Thị trấn chợ Vàm.

Huyện An Phú: giữ nguyên 08 chợ, nâng cấp - cải tạo 05 chợ, phát triển mới 07 chợ. Cụ thể: Nâng cấp cải tạo một số hạng mục công trình đã xuống cấp tại các chợ An Phú, chợ cửa khẩu Long Bình, chợ biên giới Khánh An, chợ biên giới Nhơn Hội (Bắc Đai), chợ biên giới Vĩnh Hội Đông; phát triển mới chợ tại các xã có nhu cầu như xã Đa phước, xã Nhơn Hội, xã Khánh Bình, xã Vĩnh Trường, xã Vĩnh Hội Đông.

Huyện Châu Phú: giữ nguyên 08 chợ, nâng cấp - cải tạo 13 chợ, xây mới trên nền cũ 04 chợ, phát triển mới 03 chợ. Cụ thể: Xây mới các chợ có hạ tầng xuống cấp như chợ TT Bình Phú, chợ Hào Xương, chợ kinh 13, chợ Long Bình; nâng cấp cải tạo một số hạng mục công trình đã xuống cấp tại các chợ Cái Dầu; chợ Vịnh Tre; chợ Mỹ Đức; chợ Kinh 7; chợ Long Châu; chợ Châu Phú; chợ Bình Thủy; chợ Cây Dương; chợ Nam Kinh 10; chợ Đình; Chợ Vòng Xoài; Chợ Nam KĐ tây K11; chợ Năng Gù; phát triển thêm 1 chợ ở xã Khánh Hòa.

Huyện Chợ Mới: giữ nguyên 20 chợ, nâng cấp - cải tạo 18 chợ, xây mới trên nền cũ 04 chợ; di dời, xây mới 05 chợ, phát triển mới 03 chợ. Cụ thể: Xây mới trên nền cũ một số chợ lán tạm, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp như chợ Mỹ Luông, Chợ Trà Bư, Chợ Bình Phú, Chợ Tấn Mỹ; di dời, xây mới chợ Trà Thôn, Chợ trung tâm Bình Phước Xuân, Chợ An Bình, Chợ An Lương; nâng cấp cải tạo một số hạng mục công trình đã xuống cấp tại các 19 chợ trong toàn huyện (phụ lục 04); phát triển mới chợ ở một số khu vực có nhu cầu trao đổi hàng hóa tại xã An Thạnh Trung, xã Bình Phước Xuân, Xã Mỹ An.

b) Đối với mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại:

Mạng lưới siêu thị: giữ nguyên 06 siêu thị (trong đó 03 siêu thị cần tiến hành các thủ tục đăng ký tên siêu thị theo đúng quy định), nâng cấp cải tạo 03 siêu thị và phát triển mới 25 siêu thị (trong đó 23 siêu thị giai đoạn 2016 - 2020, 05 siêu thị giai đoạn 2021 - 2025).

Mạng lưới trung tâm thương mại: Trong giai đoạn này giữ nguyên 02 trung tâm thương mại và phát triển mới 08 trung tâm thương mại (trong đó 05 trung tâm thương mại giai đoạn 2016-2020, 03 trung tâm thương mại giai đoạn 2021 - 2025).

4. Một số giải pháp chủ yếu:

a) Giải pháp về nguồn vốn đầu tư:

Căn cứ chính sách hiện hành về hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ từ Ngân sách trung ương, tỉnh cần tranh thủ nguồn vốn ngân sách trung ương để xây dựng mới cơ sở hạ tầng khu kinh doanh bán buôn của chợ đầu nối rau quả xuất khẩu Khánh Bình.

Theo các chính sách hiện hành, ngân sách địa phương chủ yếu hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản và chợ hạng II, hạng III ở địa bàn nông thôn, miền núi, nhất là các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tỉnh An Giang xem xét đưa ra một số chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các loại hình chợ từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Để đảm bảo vốn thực hiện quy hoạch phát triển chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, tỉnh An Giang cần phải huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, của tỉnh đồng thời phải tăng cường khuyến khích thu hút các nguồn vốn đầu tư từ xã hội vào xây dựng các công trình này.

b) Giải pháp về đất đai:

Căn cứ quy hoạch được phê duyệt, kế hoạch sử dụng đất, lập đồ án xây dựng chi tiết, cần quan tâm sắp xếp quỹ đất dành cho phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phù hợp, đảm bảo hiệu quả, hợp lý, tránh sự chồng chéo trong quản lý sử dụng đất. Thực hiện nghiêm chỉnh chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo điều kiện cho công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng và có chính sách hỗ trợ người bị thu hồi đất. Thực hiện tốt việc phân kỳ đầu tư và thu hồi đất, khai thác sử dụng đất đi đôi với bảo vệ môi trường, chú ý xử lý ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đất đai, nguồn nước, không khí... sử dụng đất hiệu quả, bền vững.

c) Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước:

Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với sự phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; Đổi mới phương thức, công cụ, biện pháp quản lý; Tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

d) Giải pháp chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ:

Thực hiện chủ trương của nhà nước về chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh An Giang. Xây dựng lộ trình chuyển đổi các Ban/Tổ quản lý chợ sang hình thức đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải chi phí hoặc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ.

Đẩy nhanh tiến độ thành lập các hợp tác xã chợ cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Sở Công Thương và Liên minh hợp tác xã tỉnh trong việc triển khai thực hiện Chương trình, kế hoạch phối hợp. Kết hợp chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ trong thời gian tới theo hướng rà soát, lựa chọn lại các chợ tiêu biểu, có đủ điều kiện thuận lợi để thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý trước, trong đó chú trọng việc kết hợp chuyển đổi mô hình quản lý chợ với xây dựng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sau đó nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh.

đ) Giải pháp bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ:

Giải pháp bảo vệ môi trường: Thực hiện các giải pháp kỹ thuật xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, thu gom và xử lý rác thải, nước thải và tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với công tác bảo vệ môi trường khu vực các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; tăng cường công tác thanh, kiểm tra xử lý về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật, thực vật khu vực các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Giải pháp phòng chống cháy nổ: Các dự án đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đều phải có đầy đủ các hạng mục công trình đảm bảo phòng chống cháy, nổ theo đúng quy định hiện hành; Các dự án xây dựng mới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại không đấu nối trực tiếp với đường quốc lộ, song cần chú ý đến thiết kế đầu tư hệ thống đường giao thông nội bộ, khu vực đỗ xe... thuận tiện, thông thoáng; Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ tại chợ, siêu thị và trung tâm thương mại.

e) Giải pháp xây dựng chợ đảm bảo an toàn thực phẩm:

Căn cứ theo Quyết định số 2288/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh An Giang về việc ban hành Kế hoạch xây dựng và nhân rộng mô hình “Chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2014 - 2016. Sở Công Thương phổ biến rộng rãi hiệu quả mô hình cho các chợ khác trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các chủ thể tham gia mô hình (đơn vị quản lý chợ, các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ) chợ đảm bảo các tiêu chí an toàn thực phẩm.

5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư: (Phụ lục kèm theo)

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương: Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh tập trung vào các công việc sau:

Công bố Quyết định “Điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” để thay thế Quyết định số 2502/QĐ-UBND ngày 22/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh An Giang đến năm 2020 là rất quan trọng và hết sức cần thiết đến các tổ chức, các tầng lớp dân cư;

Tổ chức, quản lý việc thực hiện Quy hoạch và các báo cáo định kỳ của các đơn vị kinh doanh chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các huyện, thành phố, thị xã trong việc lập và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn phù hợp với Quy hoạch này và các văn bản pháp luật có liên quan; Phối hợp với các Sở, ngành liên quan làm việc với các Bộ, ngành tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ Trung ương để đầu tư phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình chợ, siêu thị và trung tâm thương mại hàng năm; thẩm định các dự án đầu tư chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định theo thẩm quyền.

3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách về giá, thu phí, lệ phí trong hoạt động kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại thực hiện các chính sách, chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp (khi doanh nghiệp có nhu cầu).

4. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với Sở Công Thương hướng dẫn, kiểm tra các chủ đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại thực hiện quy định về hành lang an toàn giao thông.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Trong quy hoạch sử dụng đất cần bố trí quỹ đất phục vụ nhu cầu phát triển chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, đồng thời chỉ đạo các địa phương khi lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm luôn dành quỹ đất cho xây dựng các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường ở các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Xây dựng: Khi xem xét thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng có trách nhiệm quan tâm quy hoạch sử dụng đất hợp lý cho việc phát triển chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo quy hoạch được phê duyệt.

7. Sở Khoa học và Công nghệ: Phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia quản lý hoạt động chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Triển khai công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phối hợp với Sở Công Thương tham gia ý kiến các dự án đầu tư các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đảm bảo các yếu tố thuộc về văn hóa và du lịch của địa phương và khu vực.

9. Công an tỉnh: Phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác an ninh, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy trong quản lý hoạt động chợ, siêu thị và trung tâm thương mại. Tham gia thẩm định hạng mục phòng chống cháy nổ trong các dự án đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại. Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về PCCC. Triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Chủ trì phối hợp các đơn vị lập kế hoạch ứng cứu sự cố PPCC tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

10. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã, thành phố: Phổ biến Dự án Điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tới các đơn vị quản lý, kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và quần chúng nhân dân biết để thực hiện.

Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan liên quan thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn; Hàng năm căn cứ vào quy hoạch và kế hoạch của UBND tỉnh, UBND cấp huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo chợ trên địa bàn trình UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng kế hoạch vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ bằng nguồn vốn ngân sách đối với những dự án được UBND tỉnh phê duyệt.

Xét duyệt dự án đầu tư chợ theo phân cấp hoặc theo ủy quyền của UBND tỉnh; thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng chợ. Theo dõi, tạo điều kiện cho các Ban Quản lý, doanh nghiệp, HTX tổ chức kinh doanh và quản lý chợ có hiệu quả.

11. Các đơn vị quản lý, kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại: Các dự kiến về phát triển mạng lưới kinh doanh, mở rộng kinh doanh chợ, siêu thị, trung tâm thương mại phải căn cứ vào Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tỉnh An Giang và các quy định khác của nhà nước. Chủ động xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở không phù hợp quy hoạch; cải tạo nâng cấp mở rộng hoặc đầu tư phát triển mới cơ sở kinh doanh theo đúng quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng