Quyết định 2410/QĐ-UBND năm 2006 phê duyệt Chương trình khống chế và thanh toán bệnh Lở mồm long móng gia súc ở tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010
Số hiệu: | 2410/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế | Người ký: | Nguyễn Ngọc Thiện |
Ngày ban hành: | 17/10/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2410/QĐ-UBND |
Huế, ngày 17 tháng 10 năm 2006 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHỐNG CHẾ VÀ THANH TOÁN BỆNH LỞ MỒM LONG MÓNG GIA SÚC Ở TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2006-2010
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;
Căn cứ Quyết định số 3660/QĐ-BNN-TY ngày 27/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh Lở mồm long móng giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Quyết định số 38/2006/QĐ-BNN ngày 16/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc;
Xét tờ trình số 357/TT-TY ngày 25/8/2006 của Chi cục Thú y tỉnh về việc xin thẩm định và phê duyệt Chương trình khống chế và thanh toán bệnh lở mồm long móng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 52/SKHĐT-NN ngày 6/10/2006,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình khống chế và thanh toán bệnh Lở mồm long móng gia súc ở tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên chương trình: Chương trình khống chế và thanh toán bệnh Lở mồm long móng gia súc ở tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010.
2. Mục tiêu của chương trình:
a. Mục tiêu chung:
- Chủ động phòng chống, khống chế bệnh Lở mồm long móng (LMLM), đến năm 2010 cơ bản khống chế được dịch bệnh LMLM trên toàn tỉnh, từng bước tiến tới thanh toán bệnh LMLM trên địa bàn tỉnh; xây dựng thành công mốt số vùng an toàn dịch bệnh LMLM được tổ chức thú y thế giới công nhận.
- Nâng cao nhận thức về bệnh LMLM cho toàn thể cán bộ và nhân dân; đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ thú y các cấp từ tỉnh đến huyện, xã.
- Xây dựng được hệ thống giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở.
b. Mục tiêu của từng vùng:
- Đối với vùng khống chế và vùng dịch: Khống chế bệnh làm giảm tỷ lệ mới mắc, giảm số ổ dịch, ngăn chặn dịch lây lan từ tỉnh khác và nước ngoài vào, từng bước thu hẹp vùng khống chế, vùng dịch.
- Đối với vùng đệm: Khống chế dịch ở vùng đệm, từng bước khống chế 80% số xã trong vùng đệm để chuyển sang vùng an toàn.
3. Địa điểm thực hiện: 150 xã, phường trong toàn tỉnh.
4. Nội dung của chương trình:
4.1. Điều tra tình hình dịch tể và phân chia vùng:
- Điều tra tình hình dịch LMLM trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua.
- Phân chia vùng: Vùng dịch, vùng khống chế, vùng đệm.
Vùng dịch: Gồm 24 xã phường có dịch LMLM ở trâu, bò, lợn trong năm 2006, cụ thể:
Thành phố Huế 4 (2 xã: Hương Sơ, Hương Long và 2 phường: Vĩ Dạ, Xuân Phú); Quảng Điền 1 xã (Quảng Thái); Phong Điền 3 xã (Phong Xuân, Phong Mỹ, Phong An); Hương Trà 4 xã (Hồng Tiến, Hải Dương, Hương Văn, Hương Toàn); Hương Thủy 2 (thị trấn Phú Bài và xã Thủy Lương); Phú Vang 3 xã (Phú Dương, Phú An, Vinh Thái); Nam Đông 5 xã (Hương Hữu, Hương Hoà, Thượng Long, Hương Sơn, Hương Giang); A Lưới 2 xã (Hồng Vân, Hồng Hạ).
Vùng khống chế: Gồm có 2 huyện giáp Lào (A Lưới, Nam Đông) và 47 xã đồng bằng gồm: thành phố Huế 4 (xã Thuỷ An và 3 phường: An Cựu, Thuận Lộc, Kim Long); Quảng Điền 5 xã (Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Công, Quảng An, Quảng Phú); Phong Điền 8 (thị trấn Phong Điền và 7 xã: Phong Sơn, Phong Thu, Phong Hiền, Phong Chương, Điền Lộc, Điền Hoà, Điền Hải); Hương Trà 11(thị trấn Tứ Hạ và 10 xã: Hương Bình, Bình Điền, Bình Thành, Hương Vân, Hương Xuân, Hương Chữ, Hương An, Hương Vinh, Hương Hồ, Hương Thọ); Hương Thuỷ 8 xã (Thuỷ Phương, Thuỷ Dương, Thuỷ Châu, Dương Hoà, Thuỷ Phù, Thuỷ Bằng, Thuỷ Vân, Phú Sơn); Phú Vang 10 (thị trấn Thuận An và 9 xã: Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Thượng, Phú Mỹ, Phú Tân, Phú Lương, Phú Đa, Vinh Phú, Vinh Hà); Phú Lộc 1 xã (Lộc Bổn)
Vùng đệm: Gồm 39 xã và 15 phường còn lại.
4.2. Tiêm phòng vắc xin:
- Đối tượng tiêm phòng cho gia súc: trâu, bò, lợn, dê, ...
-Tiêm phòng vắc xin vùng dịch: Tiêm bắt buộc; ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%.
-Vùng khống chế: Tiêm phòng định kỳ 100% số gia súc, mỗi năm tiêm 2 lần. Trung ương cấp vắc xin cho 2 huyện miền núi Nam Đông, A Lưới (giáp Lào), các xã còn lại do ngân sách của tỉnh cấp.
- Vùng đệm: Tiêm phòng định kỳ 80% số gia súc trong diện tiêm nơi có nguy cơ cao: ổ dịch cũ, ven đường giao thông chính, chợ buôn bán gia súc. Vắc xin tiêm phòng do ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% trong 3 năm đầu, 80-90% trong 2 năm cuối; công tiêm phòng do dân đóng góp 100%.
4.3. Xử lý gia súc mắc bệnh, chết:
Giết hủy toàn bộ lợn, dê trong đàn mắc bệnh; giết mổ bắt buộc tất cả trâu, bò mắc bệnh lâm sàng và có phản ứng huyết thanh dương tính.
4.4. Giám sát dịch bệnh, điều tra huyết thanh:
Tăng cường công tác giám sát và thông tin dịch bệnh. Tiến hành điều tra dịch bệnh hàng năm bằng việc kiểm tra huyết thanh tại ổ dịch cũ, vùng bị uy hiếp; sớm phát hiện dịch và kịp thời bao vây dập tắt.
4.5. Kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ:
a. Vùng dịch và vùng khống chế:
- Tăng cường công tác kiểm dịch tại nơi có dịch và kiểm dịch vận chuyển tại các trạm kiểm dịch xuất nhập khẩu và các chốt kiểm dịch.
- Thành lập chốt kiểm dịch tạm thời khi dịch xảy ra.
- Tất cả gia súc mẫn cảm với bệnh khi nhập vào trong nước theo con đường chính ngạch, tiểu ngạch đều phải tập trung vào khu cách ly kiểm dịch gần biên giới để kiểm dịch theo quy định.
- Kiểm dịch gia súc và sản phẩm gia súc xuất ra khỏi tỉnh, tiến hành đánh dấu tai nhận biết gia súc.
b.Vùng đệm:
Cách ly gia súc ốm; lập chốt kiểm dịch tạm thời trên đường giao thông chính ra, vào ổ dịch; ngăn chặn không đưa gia súc, sản phẩm gia súc mẫn cảm ra ngoài ổ dịch.
4.6. Vệ sinh tiêu độc môi trường:
a.Vùng dịch và vùng khống chế:
Thực hiện vệ sinh tiêu độc định kỳ và vệ sinh tiêu độc đột xuất; vệ sinh tiêu độc tại các ổ dịch khi có dịch xảy ra.
b.Vùng đệm:
Vệ sinh tiêu độc khu chuồng trại, xung quanh chuồng trại chăn nuôi, bãi chăn thả trâu, bò.
4.7. Tuyên truyền, hội nghị hội thảo:
- Tăng cường công tác tuyên truyền về bệnh LMLM qua nhiều kênh và phương tiện thông tin khác nhau với nhiều hình thức phong phú để nâng cao nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh LMLM.
- Tổ chức hội thảo chuyên đề tiêm phòng vắc xin LMLM.
- Đánh giá kết quả thực hiện chương trình theo từng giai đoạn.
4.8. Tập huấn, đào tạo:
Hàng năm tổ chức tập huấn cho cán bộ của Chi cục Thú y tỉnh, Trạm Thú y huyện về dịch tễ học, công tác giám sát dịch tễ, các biện pháp phòng chống. Chi cục Thú y tỉnh tập huấn cho Thú y viên cơ sở mỗi năm 1 lớp.
4.9. Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ của bệnh LMLM.
- Điều tra các yếu tố nguy cơ.
- Phân tích các yếu tố nguy cơ.
- Đề ra các biện pháp phòng chống bệnh LMLM thích hợp, tránh các nguy cơ xảy ra dịch.
5. Cơ chế tài chính:
a. Kinh phí trung ương:
- Kinh phí mua vắc xin tiêm phòng vùng khống chế (ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới) với đàn gia súc giống gốc, giống ông bà của Nhà nước, đàn gia súc của các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện phải tiêm phòng bắt buộc.
- Kinh phí triển khai báo cáo dịch bệnh, điều tra huyết thanh học, chẩn đoán xác định typ virut, gửi mẫu xác chẩn, nghiên cứu các yếu tố nguy cơ bệnh LMLM, xây dựng khu cách ly kiểm dịch, đánh dấu gia súc khi vận chuyển, in các mẫu chứng nhận kiểm dịch, xây dựng bản đồ dịch tễ, giám sát và đánh giá.
b. Kinh phí địa phương và nhân dân đóng góp:
- Ngân sách địa phương đảm bảo 100% kinh phí mua vắc xin tiêm phòng vùng dịch, vùng khống chế ( trừ Nam Đông và A Lưới), vùng đệm của 7 huyện đồng bằng (Theo thực tế phân vùng tại TT Huế sau khi đã xuất hiện dịch từ 5/2006-7/2006) đối với đàn gia súc giống, đàn gia súc của các hộ gia đình, cá nhân thuộc diện tiêm phòng bắt buộc.
- Chi phí tổ chức tiêm phòng ở tỉnh do ngân sách địa phương đảm bảo cho các ông việc: xử lý, tiêu huỷ gia súc mắc bệnh và sản phẩm gia súc mang mầm bệnh, hoá chất khử trùng, dụng cụ, vật tư trang thiết bị bảo quản vắc xin, tập huấn, thông tin tuyên truyền, hội thảo, sơ kết, tổng kết, bảo hộ lao động cho người đi tiêm phòng và các chi phí khác.
Căn cứ tổng mức kinh phí chương trình đã được phê duyệt, uỷ quyền cho Giám đốc Sở Tài chính duyệt chi kinh phí phục vụ công tác tổ chức tiêm phòng và các hoạt động khác trong Chương trình này theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Kinh phí thường xuyên của Chi cục Thú y: Tự đảm bảo cho hoạt động của cơ quan thú y tỉnh, huyện, xã trong việc thực hiện chương trình.
- Nhân dân đóng góp toàn bộ công tiêm phòng và một phần kinh phí mua vắc xin 02 năm cuối. Riêng đối với các hộ nghèo thì xem xét để có chính sách miễn giảm phù hợp.
c. Kinh phí thuộc doanh nghiệp tự đảm bảo:
Đối với đàn gia súc của cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trang trại (theo tiêu chí phân loại trang trại của liên Bộ Nông nghiệp & PTNT - Tổng cục Thống kê) thì các doanh nghiệp, trang trại có trách nhiệm tiêm phòng toàn bộ đàn gia súc của đơn vị mình và phải thanh toán toàn bộ chi phí tiêm phòng (Vắc xin và chi phí tiêm phòng).
6. Kinh phí chương trình:
Tổng cộng: 6.736.108.000 đồng
Trong đó:
- Ngân sách Trung ương: 1.073.860.000 đồng
- Ngân sách địa phương: 4.253.165.000 đồng
Gồm:
+ Ngân sách tỉnh: 4.015.265.000 đồng
+ Ngân sách huyện: 117.900.000 đồng
+ Ngân sách xã: 120.000.000 đồng
- Nhân dân đóng góp: 1.409.083.000 đồng
7. Tiến độ thực hiện: Từ năm 2006-2010.
7.1. Giai đoạn 1: 2006-2008
- Vùng khống chế bệnh và vùng dịch: Tiêm phòng 100% số gia súc có nguy cơ cao trong diện tiêm ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới, các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ mắc bệnh cao; giảm 50% số ổ dịch so với số ổ dịch trung bình 5 năm trước đó.
- Vùng đệm: 80% số xã chuyển sang vùng dự kiến thanh toán với chỉ tiêu tiêm phòng trên 90% số gia súc trong diện tiêm ở vùng có nguy cơ mắc bệnh cao, ổ dịch cũ liên tục trong 3 năm; số ổ dịch giảm 80% so với số ổ dịch trung bình 5 năm trước đó.
- Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện dịch.
- Xử lý số gia súc mắc bệnh và chết theo Quyết định 38/2006/QĐ/BNN-TY ngày 16/5/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy định về phòng chống bệnh LMLM gia súc.
7.2. Giai đoạn 2: 2008-2010
- Vùng khống chế bệnh và vùng dịch: Co hẹp vùng khống chế bệnh, giảm 50% số ổ dịch so với số ổ dịch trung bình 5 năm trước đó.
- Vùng đệm: 50% số xã ở vùng đệm trở thành vùng sạch bệnh, số xã còn lại chuyển sang vùng dự kiến thanh toán bệnh.
8. Tổ chức thực hiện:
- Tiến hành thành lập Ban chỉ đạo chương trình khống chế và thanh toán bệnh LMLM cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố, cấp xã, phường.
- Xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh LMLM cấp tỉnh, huyện, xã; dự trù kinh phí và các khoản đầu tư cho chương trình hoạt động; dựa trên công tác sơ kết hàng năm để sửa đổi, bổ sung các hoạt động nếu cần thiết.
- Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo Chi cục Thú y thực hiện công tác phòng chống dịch theo quy định của Pháp lệnh Thú y và các văn bản, chỉ thị của Chính phủ, của UBND tỉnh. Chi cục Thú y là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức thực hiện chương trình này.
- Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại, Y tế, Văn hoá Thông tin, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Công an tỉnh; Cục Hải quan, Chi cục Quản lý Thị trường; Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh phân công và phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Thú y tỉnh nhằm tập trung lực lượng phòng chống dịch có hiệu quả.
- UBND các huyện, thành phố: Xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức việc phòng chống dịch và chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định của Pháp lệnh Thú y; báo cáo tình hình lên UBND tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Y tế, Văn hoá Thông tin, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Công an tỉnh, Chi cục trưởng: Chi cục Thú y tỉnh, Chi cục Quản lý Thị trường, Cục trưởng cục Hải quan; Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 38/2006/QĐ-BNN quy định phòng chống bệnh Lở mồm long móng gia súc Ban hành: 16/05/2006 | Cập nhật: 20/05/2006