Quyết định 240/QĐ-TTg năm 2011 về Tiêu chí quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020
Số hiệu: 240/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trương Vĩnh Trọng
Ngày ban hành: 17/02/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/03/2011 Số công báo: Từ số 111 đến số 112
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 240/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TIÊU CHÍ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công chứng số 82/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;
Căn cứ Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020";
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Tiêu chí quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trương Vĩnh Trọng

 

TIÊU CHÍ

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

I. MỤC ĐÍCH BAN HÀNH TIÊU CHÍ QUY HOẠCH

Tiêu chí Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Tiêu chí Quy hoạch) được ban hành làm cơ sở cho các địa phương xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2020 bảo đảm đúng mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020" để tổng hợp, xây dựng và phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020.

II. YÊU CẦU ĐỐI VỚI VIỆC XÂY DỰNG QUY HOẠCH

Việc xây dựng Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Đánh giá đúng thực trạng tổ chức, hoạt động công chứng, sự phân bố mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng, số lượng, năng lực của các tổ chức hành nghề công chứng, nhu cầu công chứng hiện tại và dự báo nhu cầu công chứng các giai đoạn tiếp theo ở địa phương.

2. Bám sát Tiêu chí Quy hoạch để vận dụng cụ thể vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương; kết hợp đầy đủ, hài hòa, hợp lý tất cả các tiêu chí quy hoạch khi xây dựng quy hoạch, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương.

3. Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng phải hình thành được "bản đồ" mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn về số lượng quy hoạch, vị trí quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng gắn với lộ trình phát triển cụ thể, tránh việc phát triển "nóng" các tổ chức hành nghề công chứng cũng như kìm hãm sự phát triển hợp lý của các tổ chức hành nghề công chứng; phát triển đồng bộ về số lượng và chất lượng dịch vụ của các tổ chức hành nghề công chứng.

4. Phù hợp với chủ trương và định hướng xã hội hóa hoạt động công chứng, chủ yếu phát triển văn phòng công chứng; những nơi khó khăn chưa có điều kiện xã hội hóa hoạt động công chứng có thể thành lập phòng công chứng để đáp ứng yêu cầu công chứng của nhân dân, có tính đến lộ trình chuyển đổi các phòng công chứng sang hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn hoặc một phần về tài chính.

5. Bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, sự phát triển ổn định, bền vững của hoạt động công chứng, góp phần vào sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế và yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với thông lệ quốc tế.

III. TIÊU CHÍ QUY HOẠCH

Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng phải được xây dựng căn cứ vào 4 tiêu chí cơ bản sau đây:

1. Đơn vị quy hoạch

Lấy đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) làm đơn vị quy hoạch các tổ chức hành nghề công chứng.

2. Diện tích, điều kiện địa lý, số lượng dân cư và sự phân bố dân cư

Căn cứ vào diện tích, điều kiện địa lý, hệ thống hạ tầng giao thông, số lượng dân cư và sự phân bố dân cư trên địa bàn cấp huyện để quy hoạch vị trí các tổ chức hành nghề theo các nguyên tắc sau:

a) Hình thành mạng lưới tổ chức hành nghề công chứng phân bố hợp lý gắn với số lượng dân cư và địa bàn dân cư.

b) Không tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng tại một khu vực trên một đơn vị quy hoạch.

c) Đáp ứng thuận lợi các yêu cầu về dịch vụ công chứng của nhân dân.

3. Sự tác động chính sách và pháp luật đến hoạt động công chứng.

Căn cứ vào sự thay đổi, cải cách các chính sách và pháp luật có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động công chứng (như chính sách về chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã sang cho tổ chức hành nghề công chứng; chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị; chính sách phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm; các dự báo về chính sách như chuyển việc công chứng từ hình thức bắt buộc sang tự nguyện đối với một số loại hợp đồng, giao dịch …) mà kết quả sẽ làm tăng hoặc giảm số lượng hợp đồng, giao dịch cần công chứng để tính toán xác định, điều chỉnh số lượng phát triển tổ chức hành nghề công chứng cho phù hợp.

4. Nhu cầu công chứng của xã hội

Nhu cầu công chứng của xã hội được biểu hiện qua số lượng hợp đồng, giao dịch có nhu cầu công chứng, phản ánh sự tổng hòa của mức độ phát triển kinh tế - xã hội, quá trình và tốc độ đô thị hóa, sự phát triển của thị trường bất động sản, thị trường vốn, tài chính, ngân hàng, nhận thức pháp luật của xã hội và các vấn đề có liên quan. Nhu cầu công chứng là tiêu chí chủ yếu để quy hoạch số lượng các tổ chức hành nghề công chứng. Việc xác định số lượng các tổ chức hành nghề công chứng quy hoạch trên một địa bàn cấp huyện từ nay đến năm 2020 phải căn cứ vào nguyên tắc sau đây:

a) Quy hoạch ít nhất 01 tổ chức hành nghề công chứng trên một địa bàn cấp huyện.

b) Quy hoạch tối đa không quá 2 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng trung bình (dưới 6.000 hợp đồng, giao dịch/năm).

c) Quy hoạch tối đa không quá 4 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng cao (từ 6.000 hợp đồng, giao dịch đến dưới 12.000 hợp đồng, giao dịch/năm)

d) Quy hoạch tối đa không quá 5 tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có nhu cầu công chứng rất cao (trên 12.000 hợp đồng, giao dịch/năm).

đ) Bảo đảm tính phát triển bền vững, hiệu quả và bình đẳng trong hoạt động công chứng; tránh xu hướng phát triển lệch lạc, cạnh tranh không lành mạnh. Kết hợp việc quy hoạch số lượng tổ chức hành nghề công chứng với phát triển quy mô, chất lượng tổ chức hành nghề công chứng và phát triển số lượng công chứng viên để đáp ứng đầy đủ yêu cầu công chứng trên địa bàn.

e) Trong những trường hợp đặc biệt cần phát triển thêm tổ chức hành nghề công chứng so với mức tối đa đã quy định, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần giải trình rõ về căn cứ trong đề xuất Quy hoạch gửi về Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong Quy hoạch tổng thể.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Lộ trình phát triển tổ chức hành nghề công chứng

Quy hoạch số lượng tổ chức hành nghề công chứng trên một đơn vị quy hoạch phải gắn với lộ trình phát triển tổ chức hành nghề công chứng theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 2011-2015 và Giai đoạn 2016-2020, bảo đảm sự phát triển phù hợp trong từng năm, từng giai đoạn, không quy hoạch phát triển quá 02 tổ chức hành nghề công chứng trên một đơn vị quy hoạch trong một năm.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan trên địa bàn thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

a) Rà soát, đánh giá lại Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương mình đã ban hành theo quy định của Nghị định số 02/2008/NĐ-CP .

b) Căn cứ vào Tiêu chí Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 và yêu cầu đối với việc xây dựng Quy hoạch, thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh và đề xuất Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoàn thành và gửi đề xuất Quy hoạch về Bộ Tư pháp trước ngày 15 tháng 4 năm 2011.

c) Bảo đảm điều kiện về kinh phí và các điều kiện khác cho việc xây dựng Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng của địa phương mình.

3. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan:

a) Trách nhiệm của Bộ Tư pháp:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành liên quan thẩm định các đề xuất Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trên cơ sở đó xây dựng Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Trách nhiệm của các Bộ, ngành:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thẩm định các đề xuất Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và xây dựng Quy hoạch tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.