Quyết định 24/2008/QĐ-UBND quy định về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Số hiệu: 24/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau Người ký: Phạm Thành Tươi
Ngày ban hành: 03/10/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2008/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 03 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đê điều số 79/2006/QH11 ngày 29/11/2006;

Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ngày 04/4/2001;

Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

Căn cứ Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 198/TTr-SNN ngày 17 tháng 7 năm 2008 và ý kiến thẩm định của Giám đốc Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 118/BC-STP ngày 04 tháng 8 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau;
- Như Điều 2;
- CT và PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh; LĐVP UBND tỉnh;
- Báo Cà Mau, Website tỉnh Cà Mau;
- Chuyên viên các khối;
- Lưu: VT, H16/10.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thành Tươi

 

QUY ĐỊNH

VỀ BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 24 /2008 /QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2008 của UBND tỉnh Cà Mau)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau bao gồm: đê, đập, cống bọng, âu thuyền, kênh mương là tài sản quốc gia. Mọi tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ tham gia bảo vệ, gìn giữ để phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Điều 2. Chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về bảo vệ công trình thủy lợi là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các cấp, các ngành và của mọi tổ chức, công dân.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Đê là công trình ngăn nước lũ, triều cường của sông hoặc ngăn nước biển, được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phân loại, phân cấp theo quy định của pháp luật.

2. Đê điều là hệ thống công trình bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê và công trình phụ trợ.

3. Đê sông là đê của sông ngăn nước lũ, triều cường.

4. Đê biển là đê ngăn nước biển.

5. Đê cửa sông là đê chuyển tiếp giữa đê sông với đê biển hoặc bờ biển.

6. Kè bảo vệ đê là công trình xây dựng nhằm chống sạt lở để bảo vệ đê.

7. Cống qua đê là công trình xây dựng qua đê dùng để cấp nước, thoát nước hoặc kết hợp giao thông thủy, bộ.

8. Công trình phụ trợ là công trình phục vụ việc quản lý, bảo vệ đê điều; bao gồm: công trình tràn sự cố, cột mốc trên đê, cột chỉ giới, biển báo đê điều, cột thủy chí, giếng giảm áp, trạm và thiết bị quan trắc về thông số kỹ thuật phục vụ công tác quản lý đê, điếm canh đê, kho, bãi chứa vật tư dự trù phòng, chống lũ, lụt, bão, trụ sở Hạt quản lý đê, trụ sở Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão, công trình phân lũ, làm chậm lũ, dải cây chắn sóng bảo vệ đê.

9. Chân đê đối với đê đất là vị trí giao nhau giữa mái đê hoặc mái cơ đê với mặt đất tự nhiên được xác định tại thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê. Chân đê đối với đê có kết cấu bằng bê tông hoặc vật liệu khác là vị trí xây đúc ngoài cùng của móng công trình.

10. Chân bờ là vị trí giao nhau giữa mái bờ với mặt đất tự nhiên được xác định tại thời điểm công trình đưa vào sử dụng.

Điều 4. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi như sau:

1. Phạm vi bảo vệ công trình bao gồm: bản thân công trình và vùng phụ cận (hành lang bảo vệ).

2. Vùng phụ cận (hành lang bảo vệ) của các công trình thủy lợi được giới hạn cụ thể như sau:

a) Đối với đê sông:

- Trường hợp vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch: Tính từ chân đê trở ra mỗi bên 5 m về phía sông và phía đồng.

- Trường hợp khác:

+ Tính từ chân đê trở ra 20 m về phía sông.

+ Tính từ chân đê trở ra 15 m về phía đồng (trong trường hợp đào kênh phía đồng để đắp đê, đập thì khoảng cách này được tính là 25 m).

b) Đối với đê biển:

- Trường hợp vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch: Tính từ chân đê trở ra mỗi bên 5 m về phía sông và phía đồng.

- Trường hợp khác:

+ Tính từ chân đê trở ra 200 m về phía biển.

+ Tính từ chân đê trở ra 25 m về phía đồng (trong trường hợp đào kênh phía đồng để đắp đê, đập, thì khoảng cách này được tính là 40 m).

c) Đối với âu thuyền, cống bọng và kè bảo vệ:

- Trường hợp nằm trên tuyến đê biển: Tính từ giới hạn phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía là 50 m.

- Trường hợp khác: Kể từ giới hạn phần xây đúc cuối cùng trở ra mỗi phía đối với:

+ Âu thuyền và cống có khẩu độ cửa từ 3,5 m trở lên là 50 m.

+ Kè bảo vệ và cống có khẩu độ cửa nhỏ hơn 3,5 m là từ 10 ÷ 20 m.

d) Đối với sông rạch tự nhiên và kênh đào:

- Cách chân bờ phía trong đồng: 20 m - đối với sông.

- Cách chân bờ phía trong đồng: 10 m - đối với kênh trục và kênh cấp I.

- Cách chân bờ phía trong đồng: 5 m - đối với kênh cấp II trở xuống.

e) Đối với công trình đập trên đê bao:

- Đập cấp I: Đập có chiều dài từ 30 m trở lên, chân đập được bảo vệ 30 m trở ra phía sông, 20 m trở về phía đồng.

- Đập cấp II: Đập có chiều dài từ 20 m đến dưới 30 m, chân đập được bảo vệ 20 m trở về phía sông, 15 m trở về phía đồng.

- Đập cấp III: Đập có chiều dài 10m đến dưới 20 m, chân đập được bảo vệ 15 m trở về phía sông, 10 m trở về phía đồng.

- Đập nhỏ hơn 10 m, chân đập bảo vệ tối thiểu mỗi bên là 5 m về phía sông và phía đồng.

Điều 5. Tại các công trình lớn, tùy theo quy mô, đặc điểm, vị trí, tầm quan trọng, đơn vị trực tiếp quản lý công trình phải có bảng thông báo quy định bảo vệ cụ thể.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Khi tiến hành các hoạt động trong hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi có liên quan đến an toàn và hiệu quả công trình, phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Đất trong hành lang bảo vệ đê chỉ được phép quy hoạch trồng lúa, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày (trừ đất trên hành lang bảo vệ ngoài đê biển), cây chắn sóng. Riêng việc khai thác cây chắn sóng, phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý về thủy lợi cho phép.

Điều 7. Trong phạm vi đê, đập và hành lang bảo vệ, nghiêm cấm:

1. Trồng cây lâu năm; chất rơm, rạ, vật liệu trên mặt đê, đập gây cản trở giao thông hoặc cản trở cho công tác kiểm tra, bảo dưỡng, duy tu thường xuyên các công trình đê, đập.

2. Khoan, đào bới, lấy đất, đá; khai thác tài nguyên khoáng sản, vật liệu trong phạm vi bảo vệ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Xây dựng mới và mở rộng, nâng cấp các công trình kiến trúc (nhà cửa, kho tàng, cơ sở sản xuất, …).

4. Sử dụng công trình làm bến bãi đậu thuyền, tàu bè, bốc dỡ hàng hóa, họp chợ, chăn thả gia súc, gia cầm.

5. Xe cơ giới đi trên những đoạn đê không đồng thời là đường giao thông (trừ xe công an, cứu hỏa, phòng chống lụt bão, quân đội, hộ đê, nhưng những xe này không được vượt tải trọng cho phép của đê và các công trình dưới đê).

Điều 8. Trong phạm vi kênh đào, sông rạch tự nhiên và hành lang bảo vệ, nghiêm cấm:

1. Xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp nhà cửa, cơ sở sản xuất kinh doanh… làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông và nâng cấp sau này.

2. Đào (xẻ) kênh, xây dựng cống mới, cải tạo cống cũ, đắp đất trên kênh khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

3. Xây dựng cầu tiêu, đổ rác, rơm rạ hoặc nước thải chưa được xử lý sạch; không được khoan đất, sên vét bùn đổ ra lòng kênh, sông rạch, bờ kênh làm ô nhiễm nguồn nước trong kênh (trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép).

4. Dùng chất nổ đánh bắt thủy sản trong kênh đào, sông rạch và các công trình trên kênh.

5. Chất chà, đăng đó, nò, lú, đáy trên các kênh, sông rạch dẫn nước, làm cản trở dòng chảy và giao thông (trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép).

6. Phá hủy, tự lấy đi hoặc xê dịch các thiết bị quan trắc, bảo vệ và quản lý công trình.

7. Bắc cầu kiên cố qua kênh, sông rạch (từ bất cứ nguồn vốn nào) không phù hợp với quy hoạch của ngành giao thông, hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

8. Xả nước thải vào công trình thủy lợi (trừ trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép).

Điều 9. Trong phạm vi cống bọng, âu thuyền, kè và hành lang bảo vệ nghiêm cấm:

1. Xâm phạm cơ sở vật chất kỹ thuật và quyền sử dụng công trình.

2. Vận hành hoặc ra lệnh vận hành công trình trái với quy định, quy trình kỹ thuật được duyệt.

3. Dùng chất nổ đánh bắt thủy sản; đổ rác, đất, đá xuống cống; khoan, đào, khoét lấy đất mở luồng, lạch.

4. Xây dựng kiến trúc (nhà, kho tàng, cơ sở sản xuất kinh doanh…) và xây dựng các công trình vào những mục đích khác, làm tổn hại đến công trình và mỹ quan của công trình thủy lợi.

5. Các phương tiện giao thông thủy, bộ khi qua cống không tuân thủ bảng thông báo cố định tại nơi có công trình thủy lợi.

Điều 10. Trường hợp có nhu cầu đặt cầu kéo tại các đê, đập phục vụ giao thông thủy, phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Chương III

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 11. Khen thưởng

Những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ được xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Xử lý vi phạm

Các trường hợp vi phạm về bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều phải được ngăn chặn kịp thời. Mọi tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này và các quy định của pháp luật có liên quan đến việc bảo vệ công trình thủy lợi, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành tỉnh, cơ quan thông tin đại chúng, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm phổ biến và thực hiện tốt Quy định này.

Điều 14. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố thông báo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, các đơn vị quản lý thủy lợi và nhân dân thực hiện tốt Quy định này./.