Quyết định 24/2001/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch ngành Văn hóa - Thông tin thời kỳ 2001 - 2010
Số hiệu: 24/2001/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình Người ký: Đinh Hữu Cường
Ngày ban hành: 15/08/2001 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2001/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 15 tháng 8 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V “PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH NGÀNH VĂN HÓA - THÔNG TIN THỜI KỲ 2001 - 2010”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;

Căn cứ vào quyết định số 2371QĐ/UB ngày 8/12/1993 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ bổ sung hoàn chỉnh và xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2010 của các ngành và huyện thị;

Căn cứ vào quyết định 25/2000/QĐ-UB ngày 25/9/2000 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh thời kỳ 2001 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 324/KHĐT-TH ngày 9/7/2001 và của Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tại công văn số 421CV/VHTT ngày 11/6/2001,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt quy hoạch ngành Văn hóa - Thông tin thời kỳ 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I/ Mục tiêu nhiệm vụ phát triển đến năm 2010:

- Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh hoạt động văn hóa thông tin và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xoá điểm trắng về văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa thông tin, tạo môi trường lành mạnh trong việc xây dựng con người, gia đình, làng văn hóa. Phấn đấu đến năm 2010 có 85% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, 60% làng bản, tiểu khu đạt tiêu chuẩn làng văn hóa.

- Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin, phấn đấu có những tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm văn hóa thông tin tốt đáp ứng yêu cầu đổi mới và xây dựng cuộc sống mới của quê hương.

- Tăng cường tôn tạo, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trên cơ sở tiếp thu những giá trị văn hóa tiên tiến của thế giới, trong nước, đồng thời giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, kiên quyết đẩy lùi văn hóa độc hại.

- Tập trung xây dựng và cải tạo một số công trình văn hóa, kể cả nhà văn hóa trung tâm huyện thị. Từ nay đến năm 2010 đầu tư xây dựng trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh, phấn đấu hoàn thiện một số thiết chế văn hóa cho từng cấp quản lý (tỉnh, huyện) như: nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, trung tâm thông tin triển lãm, nhà luyện tập đoàn nghệ thuật, công viên văn hóa tỉnh và hệ thống tượng đài lịch sử, văn hóa....

- Kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành từ tỉnh xuống cơ sở có đủ số lượng và chất lượng để đảm nhận nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa - thông tin ngày càng tăng. Dào tạo và đào tạo lại đội ngủ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, năng động, sáng tạo.

II/ Định hướng phát triển từng lĩnh vực:

1. Công tác bảo tồn, bảo tàng:

- Tăng cường đầu tư vốn, kinh phí để chóng xuống cấp và trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng trên địa bàn tỉnh. Cần kết hợp giữa đầu tư tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phục vụ cho phát triển du lịch.

- Tiến hành đầu tư xây dựng nhà bảo tàng tổng hợp tỉnh, coi trọng công tác sưu tầm, bảo quản và giữ gìn hiện vật cho thế hệ mai sau.

- Tiếp tục đầu tư để bảo tồn, phục hồi các đặc trưng văn hóa của Quảng Bình như: văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực....

- Khuyến khích sáng tác và xây dựng các tượng đài lịch sử, lập hồ sơ khoa học và gắn bia, biển lưu niệm các di tích lịch sử, kiến trúc.

2. Công tác thư viện:

Xây dựng mới thư viện tỉnh theo hường thư viện tổng hợp đạt cấp quốc gia. Từng bước đổi mới và hiện đại hóa trang thiết bị cho thư viện. Bỏ sung quỹ sách đặc biệt là sách tư liệu địa phương, sách nghiên cứu khoa học phục vụ công tác phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Áp dụng công nghệ tin học, sao chụp trong hoạt động khai thác bảo quản và lưu trữ.

Từng bước củng cố và xây dựng thư viện các huyện thị theo hường thư viện tổng hợp, mở rộng mạng lưới bạn đọc, đồng thời với việc hoàn chỉnh hệ thống thư viện trường học.

Có chính sách đầu tư phát triển tủ sách làng xã và động viên phát triển tủ sách gia đình.

Phấn đấu đến năm 2010 có bình quân 8 bản sách ở thư viện/người.

3. Công tác điện ảnh:

Quy hoạch lại hệ thống rạp chiếu bóng ở các địa phương, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cấp các rạp cho phù hợp với yêu cầu mới. Tăng cường chiếu bóng phục vụ miền núi và những nơi chưa phủ sóng truyền hình. Khuyến khích các thành phần kinh tế, tư nhân tham gia kinh doanh chiếu bóng.

Phấn đấu đến năm 2010 có 3 lượt người xem điện ảnh/năm.

4. Về nghệ thuật chuyên nghiệp:

Củng cố đoàn nghệ thuật tổng hợp, nâng cao chất lượng và tăng buổi diễn phục vụ các địa phương trong tỉnh. Đầu tư thích đáng cho các loại hình nghệ thuật truyền thống, cho sáng tác, đội ngủ diễn viên, trang thiết bị, tạo được nhiều sản phẩm và tiết mục có nội dung tốt và nghệ thuật cao, vừa bảo tồn và phát triển vốn nghệ thuật truyền thống, có tiếp thu nghệ thuật hiện đại.

Tăng cường các buổi biểu diễn phục vụ các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mở rộng giao lưu nghệ thuật với các tỉnh bạn và các tỉnh của nước bạn Lào.

Duy trì và phát triển nghệ thuật không chuyên, nghệ thuật quần chúng, đội văn nghệ xung kích của các đơn vị, ngành. Tổ chức, tham gia các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật toàn quốc và khu vực, phục vụ các lễ hội văn hóa, du lịch...

Sử dụng tốt trung tâm văn hóa thông tin làm cơ sở biểu diễn cho các loại hình nghệ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của nhân dân.

5. Về mỹ thuật:

- Khuyến khích mọi người có ý thức tham gia sáng tạo nghệ thuật, mỹ thuật, duy trì thuần phong mỹ tục, tôn tạo, giữ gìn, khai thác các giá trị văn hóa, phản ánh cuộc đấu tranh cách mạng của quân, dân ta qua hai cuộc kháng chiến và sự nghiệp đổi mới. Có chính sách sử dụng các tài năng mỹ thuật và bảo trợ những tác phẩm có giá trị.

- Từ nay đến năm 2010 tập trung xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh, tượng đài Mẹ Suốt, một số tượng đài chiến thắng, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, tượng đài Quảng Bình 2 giỏi và một số tượng đài danh nhân văn hóa lịch sử.

- Tổ chức tốt các cuộc triển lãm mỹ thuật, điêu khắc, đồ họa. Phấn đấu đưa âm nhạc, mỹ thuật vào chương trình giáo dục tại các trường phổ thông. Từng bước nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân.

6. Công tác thông tin:

- Cần nâng cao số lượng và chất lượng công tác xuất bản, in ấn, báo chí, phát thanh truyền hình.

- Tập trung hiện đại xí nghiệp in, ốp sét hóa 100%, nâng cao chất lượng và số lượng ngành in, củng cố Công ty phát hành sách, xây dựng trung tâm sách tự chọn ở Đồng Hới, xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh hàng mỹ nghệ, văn hóa phục vụ khách du lịch.

- Thực hiện chính sách ưu tiên đưa sách lên phục vụ miền Núi, vùng sâu vùng xa. Xây dựng ở mỗi huyện thị một hiệu sách trung tâm và phát triển mạng lưới cửa hàng, cửa hiệu phục vụ sách và văn hóa phẩm cho nhân dân.

- Tăng cường công tác quản lý báo chí, phát thanh truyền hình. Nâng cao chất lượng nội dung, kỹ thuật, mỹ thuật của các chương trình phát thanh truyền hình, xuất bản, báo chí, ấn phẩm. Tăng cường phát hành các bản tin nội bộ, tuần tin của các chuyên ngành.

- Cần xây dựng các cụm thông tin cổ động ở các trục đường lớn, các trung tâm dân cư nhằm tuyên truyền, giáo dục mọi người chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

7. Về văn hóa thông tin cơ sở:

- Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa quần chúng ở cơ sở, nhất là phong trào văn nghệ quần chúng, sinh hoạt câu lạc bộ. Củng cố và hoàn thiện cơ chế tổ chức, hoạt động của hệ thống nhà văn hóa, câu lạc bộ của các huyện, xã. Đầu tư nâng cấp hệ thống nhà văn hóa ở các huyện thị, đầu tư xây dựng nhà văn hóa ở các phường xã. Phấn đấu đến năm 2010 có 100% số xã có nhà văn hóa và bưu điện văn hóa. Củng cố cơ sở vật chất, cải tiến và duy trì hoạt động của các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa để đủ sức tổ chức các hoạt động văn hóa tại chỗ, đồng thời tổ chức các hội diễn ở các huyện thị vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa vừa thu hút quần chúng tham gia các hoạt động văn hóa.

- Hướng các hoạt động văn hóa cơ sở và giáo dục đạo đức, nâng cao trình độ thẩm mỹ, nghệ thuật nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chống hủ tục, mê tín dị đoan.

- Xây dựng các đội thông tin tuyên truyền lưu động đủ mạnh để làm lực lượng xung kích đưa văn hóa thông tin về các vùng sâu, vùng xa.

III/ Các giải pháp thực hiện:

- Triển khai quy hoạch chi tiết hệ thống di tích được xếp hạng, để có kế hoạch thu hút vốn đầu tư, chú trọng công tác phục chế, tôn tạo, nâng cấp các công trình có giá trị lịch sử, văn hóa.

- Đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hóa và xã hội hóa hoạt động văn hóa thông tin đến tận thôn bản nhằm huy động tối đa nguồn lực, vạt lực và tài lực của các thành phần kinh tế để phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin.

- Thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia về văn hóa. Tranh thủ nguồn vốn viện trợ ODA, vốn các chương trình dự án khác cho việc bảo tồn các di tích văn hóa địa phương và trùng tu tôn tạo các di tích lịch sử. Mặt khác tìm mọi nguồn vốn liên doanh liên kết trong nước, ngoài nước trong việc bảo quản và khai thác các di tích danh thắng.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hóa thông tin nhất là công tác thông tin, quy hoạch, sắp xếp lại các thiết chế ngành từ tỉnh xuống cơ sở, tập trung xây dựng các thiết chế cơ bản chưa có như viện, nhà bảo tàng, nhà truyền thống, trung tâm thông tin triển lãm, công viên văn hóa, tượng đài văn hóa, hiệu sách nhân dân, nhà văn hóa làng xã.

- Tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngủ cán bộ văn hóa thông tin từ tỉnh xuống cơ sở, tập trung đào tạo tài năng về văn hóa văn nghệ, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ quản lý, phát hiện bồi dưỡng tài năng để phục vụ lâu dài, chú trọng đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn hóa thông tin cho cơ sở.

- Phối hợp chặt chẽ với các ngành kinh tế - xã hội, trước hết là Du lịch, Giáo dục đào tạo, Thể dục thể thao, Lao động, Thương binh và Xã hội để có các chương trình phát triển, xây dựng các công trình, các thiết chế văn hóa, vừa đảm bảo tính toàn diện vừa tập trung được sức mạnh tổng thể của các ngành, các địa phương.

Điều 2: Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về quản lý, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện quy hoạch của ngành Văn hóa - Thông tin.

- Sở Văn hóa - Thông tin căn cứ vào nội dung quy hoạch, phối hợp với các ngành, các huyện thị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên từng địa bàn nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Kho Bạc;
- Lưu.

T/M UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH




Đinh Hữu Cường