Quyết định 239/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Số hiệu: 239/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn Người ký: Phạm Duy Hưng
Ngày ban hành: 07/02/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 239/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 07 tháng 02 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN, NĂM 2018

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số: 212/TTr-SYT ngày 01 tháng 02 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, năm 2018.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Duy Hưng

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH, BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2018
(Kèm theo Quyết định số: 239/QĐ-UBND ngày 07/02/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NĂM 2017

I. TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM

1. Tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam

Trong năm 2017, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm phát sinh, tiếp tục gia tăng tại nhiều nước trên thế giới. Dịch bệnh MERS-CoV tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh ở các quốc gia khu vực Trung Đông. Bệnh cúm A(H7N9) liên tục ghi nhận tại Trung Quốc, trong đó có đợt tăng cao nhất vào cuối năm 2016 và đầu năm 2017.

Tại Việt Nam, đã ngăn chặn không để các dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch đặc biệt nguy hiểm như MERS-CoV, dịch hạch, cúm A(H7N9) xâm nhập vào nước ta. Kiểm soát tốt các dịch bệnh lưu hành trong nước như cúm A(H5N1), tay chân miệng, sốt rét,... Hầu hết các bệnh truyền nhiễm lưu hành có số mắc và tử vong giảm đáng kể so với năm 2016 và trung bình giai đoạn 2011 - 2016. Tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Số mắc của một số bệnh có vắc xin tiêm chủng giảm, đặc biệt là bệnh sởi giảm mạnh sau chiến dịch tiêm vắc xin sởi năm 2014 - 2015. Tuy nhiên, số mắc sốt xuất huyết bùng phát ở Hà Nội, gia tăng so với năm 2016 ở các tỉnh miền Nam, khu vực Tây Nguyên, ven biển miền Trung và một số tỉnh miền Bắc. Tình hình mắc, tử vong của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch trong năm 2017 cụ thể như sau:

- Bệnh Tay, chân, miệng: Ghi nhận 105.953 trường hợp mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 48.404 trường hợp nhập viện, 01 trường hợp tử vong. So với năm 2016, số mắc cả nước tăng 2,2 lần (số mắc tăng ghi nhận ở cả 03 khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, tăng nhiều nhất tại khu vực miền Nam (2,7 lần), số trường hợp nhập viện giảm 0,9%.

- Dịch bệnh do vi rút Zika: Ghi nhận 34 mẫu dương tính với vi rút Zika tại 09 tỉnh, thành phố phía Nam.

- Bệnh Sốt xuất huyết: Ghi nhận 183.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong. Trong đó có 154.552 trường hợp nhập viện. So với năm 2016 (130.125 trường hợp mắc, 42 trường hợp tử vong), số mắc nhập viện tăng 18,8%, số tử vong giảm 10 trường hợp.

- Bệnh Viêm não vi rút: Ghi nhận 755 trường hợp mắc, trong đó có 26 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. So với năm 2016 (980 trường hợp mắc, 33 trường hợp tử vong), số mắc cả nước giảm 22,9%, tử vong giảm 07 trường hợp.

- Bệnh Sốt rét: Giảm nhiều so với năm trước đây, cả nước ghi nhận 7.968 trường hợp sốt rét, trong đó có 04 trường hợp tử vong tại Ninh Thuận và Đắk Lắk, Bình Phước và Hà Nội. So với năm 2016, số mắc giảm 21,3% (10.446/3), số bệnh nhân có ký sinh trùng tăng 1,6%.

- Bệnh Dại: 63 trường hợp tử vong do bệnh dại, xảy ra tại 32 tỉnh/thành phố. Các trường hợp tử vong chủ yếu tại các tỉnh miền núi phía Bắc (84,6%). Số tử vong giảm 28 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016 (91 trường hợp).

- Bệnh Liên cầu lợn ở người: Ghi nhận 170 trường hợp mắc, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với năm 2016 (104 trường hợp mắc, 07 trường hợp tử vong), số mắc tăng 66 trường hợp, số tử vong tăng 07 trường hợp.

- Bệnh Sởi: Ghi nhận 142 trường hợp xét nghiệm dương tính trong tổng số 456 trường hợp mắc bệnh, không có trường hợp tử vong. So với năm 2016, (609 trường hợp mắc), số mắc giảm 33,5%.

- Bệnh Bạch hầu: Ghi nhận 13 trường hợp xét nghiệm dương tính, trong đó có 04 trường hợp tử vong. So với năm 2016 (05 trường hợp mắc,) số mắc tăng 08 trường hợp.

- Bệnh Ho gà: Ghi nhận 354 trường hợp xét nghiệm dương tính trong tổng số 580 trường hợp mắc bệnh, 03 trường hợp tử vong. So với 2016 (248 trường hợp mắc, 03 tử vong), số mắc tăng 133,8%.

2. Tình hình bệnh truyền nhiễm tại tỉnh Bắc Kạn

Năm 2017, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được kết quả quan trọng, các bệnh truyền nhiễm cơ bản được kiểm soát, giám sát, quản lý và xử lý kịp thời, không có vụ dịch lớn xảy ra. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, cúm A/H5N6, MERS-CoV, bệnh do vi rút Zika,… không xảy ra. Cùng với cả nước, tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, các bệnh có vắc xin dự phòng thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Lao, Bạch hầu, Ho gà, Sởi, Viêm não Nhật Bản, Viêm gan B, Hib,…).

Trong năm 2017, toàn tỉnh ghi nhận 61 ca bệnh Sốt xuất huyết (tất cả đều là ca bệnh ngoại lai, năm 2016 không có ca bệnh); 357 ca bệnh Tay chân miệng (tăng gần gấp 03 lần so với năm 2016); 01 trường hợp bệnh Dại tử vong tại xã Thượng Ân huyện Ngân Sơn, nguyên nhân do làm thịt chó ốm bị phơi nhiễm (năm 2016 có 02 ca tử vong); 01 ca bệnh Liên cầu lợn ở người; 02 ca Ho gà; 01 ca bệnh Viêm não Nhật Bản; 05 ca bệnh Sốt rét; Quai bị có 351 ca mắc (năm 2016 mắc 1081 ca); 616 ca thủy đậu (năm 2016 mắc 338 ca); 566 ca bệnh do Adeno vi rút (Đau mắt đỏ, năm 2016 mắc 398 ca); 11.123 ca bệnh Cúm (tăng 2065 ca so với năm 2016); 1.510 ca mắc tiêu chảy.

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHỈ TIÊU NĂM 2017

Các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2017

Thực hiện năm 2017

So với năm 2016

Kết quả

Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh truyền nhiễm

Tử vong 01 ca bệnh dại

Tử vong 02 ca bệnh dại

Không đạt

100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời

Đạt chỉ tiêu

Đạt chỉ tiêu

Đạt chỉ tiêu

100% các ổ dịch được chẩn đoán bằng xét nghiệm

Đạt chỉ tiêu

Đạt chỉ tiêu

Đạt chỉ tiêu

100% các vụ dịch được khoanh vùng xử lý đúng hướng dẫn

Đạt chỉ tiêu

Đạt chỉ tiêu

Đạt chỉ tiêu

100% ca bệnh truyền nhiễm được giám sát, báo cáo qua phần mềm

Đạt chỉ tiêu

Đạt chỉ tiêu

Đạt chỉ tiêu

III. KHÓ KHĂN, HẠN CHẾ

1. Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, luôn có nguy cơ bùng phát bệnh dịch, bệnh mới nổi, tái nổi, bệnh chưa rõ nguyên nhân, sự biến chủng tác nhân gây bệnh. Đặc biệt là các bệnh dịch nguy hiểm, dịch bệnh Cúm A(H7N9), MERS-CoV, Sốt vàng... chưa khống chế được triệt để, nguy cơ bùng phát thành dịch hoặc xâm nhập và bùng phát trong nước và trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

2. Các bệnh dịch chủ yếu do vi rút (Tay chân miệng, Sốt xuất huyết...), không có thuốc điều trị đặc hiệu, một số bệnh chưa có vắc xin dự phòng, các biện pháp phòng, chống dịch chủ yếu là các biện pháp không đặc hiệu. Các bệnh truyền nhiễm đã được thanh toán, loại trừ tại Việt Nam như dịch hạch, bại liệt luôn có nguy cơ tái xâm nhập. Sự xuất hiện tác nhân gây bệnh nguy hiểm và mới nổi, sự biến chủng tác nhân gây bệnh.

3. Sự biến đổi khí hậu, biến động về dân cư, đô thị hóa, đặc biệt là thói quen vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của một bộ phận lớn dân cư chưa được tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh mới phát sinh, cũng như các dịch bệnh đã được khống chế nay xuất hiện trở lại.

4. Vẫn còn 01 trường hợp tử vong do bệnh dại, nguyên nhân do bị phơi nhiễm khi làm thịt chó ốm nhưng bệnh nhân không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

5. Đầu tư kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch còn hạn chế, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch chưa được đầu tư đúng mức, khi xảy ra dịch bệnh mới có kinh phí hoặc cấp muộn dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác phòng, chống dịch; mặt khác, kinh phí các Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số như tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt xuất huyết, sốt rét, lao... bị cắt giảm đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức triển khai hoạt động y tế dự phòng, có thể làm phát sinh, phát triển dịch bệnh.

IV. DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH NĂM 2018

Với sự giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều hoạt động thương mại và du lịch đang diễn ra, Bắc Kạn sẽ đối mặt với khả năng nhiều dịch bệnh mới xâm nhập từ các nước trên thế giới trong khi vẫn phải tiếp tục đối phó với các loại dịch bệnh đang lưu hành, có diễn biến phức tạp, không ổn định và có thể bùng phát thành dịch bất cứ thời điểm nào trong năm như: Cúm A/H5N1, Cúm A/H7N9, bệnh do vi rút Zika, Dại, Tay chân miệng, Sởi, Ho gà, Quai bị, Thủy đậu, trong đó có những dịch bệnh diễn biến hết sức thầm lặng mà chỉ phát hiện được thông qua xét nghiệm như: HIV, Viêm gan vi rút (B, C), Lao…; tình trạng buôn lậu gia cầm còn diễn biến phức tạp, tập quán chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, đàn gia cầm sống gần người là đa số; việc quản lý mua bán, giết mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết còn nhiều khó khăn; ý thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế, do tâm lý còn chủ quan...

Bên cạnh đó, các nhóm bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, các bệnh chưa có vắc xin dự phòng, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu luôn có nguy cơ xâm nhập và lan rộng ra cộng đồng, việc giải quyết mầm bệnh trên động vật nuôi còn nhiều khó khăn, các bệnh dịch luôn có nguy cơ bùng phát thành dịch nếu không chủ động giám sát và kiểm soát kịp thời như: Tay chân miệng, cúm, tiêu chảy, viêm màng não do não mô cầu, viêm não vi rút, dịch đau mắt đỏ do vi rút,... đặc biệt là những khu vực có sự biến động dân cư lớn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phần II

KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH, NĂM 2018

I. MỤC TIÊU CHUNG

Giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Chủ động phòng ngừa sớm không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

2. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh và xử lý triệt để các ổ dịch để đảm bảo giảm số mắc; thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhằm giảm biến chứng và hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong; 100% vụ dịch được giám sát, báo cáo bằng phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm và được chẩn đoán bằng xét nghiệm.

3. Giảm 05-10% số mắc, chết bệnh truyền nhiễm phổ biến so với trung bình giai đoạn 2011 - 2016 như Sởi, Rubella, tay chân miệng, tiêu chảy...

4. Bảo đảm hiệu quả công tác phối hợp liên ngành triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại địa phương. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh.

5. Đảm bảo kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, nguồn lực, sẵn sàng đáp ứng kịp thời với các tình huống về dịch bệnh tại các tuyến.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

- Tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh; sớm phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, cấp và bổ sung kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch tại địa bàn.

- Các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội chủ động và phối hợp với Ngành Y tế để phát hiện, thông báo và xử lý dịch bệnh tại địa phương phòng tránh dịch bệnh lan rộng.

- Xã hội hóa công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, huy động các tổ chức chính trị - xã hội và người dân cùng với cơ quan quản lý nhằm phát huy được hiệu quả cao nhất.

- Duy trì hệ thống báo cáo dịch theo quy định (thường xuyên và đột xuất).

2. Công tác kiểm tra, giám sát, thông tin, báo cáo

- Củng cố, kiện toàn đội cơ động chống dịch, đội điều trị tại các đơn vị trong Ngành Y tế; kiện toàn mạng lưới y tế cơ sở, mạng lưới cộng tác viên, truyền thông viên trực tiếp tham gia hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống các dịch bệnh tại địa phương, nhất là những nơi có dịch cũ và vùng nguy cơ cao.

- Chủ động giám sát hng ngày tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm bệnh nhân đầu tiên, lấy mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán tác nhân gây bệnh. Phối hợp chặt chẽ giữa y tế và các cấp, ngành, tổ chức chính trị xã hội trong khi giám sát.

- Tổ chức tốt các biện pháp phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện, các chiến dịch vệ sinh phòng bệnh tại cộng đồng, phun hóa chất sát khuẩn, hóa chất diệt véc tơ chủ động phòng, chống dịch tại các vùng có nguy cơ cao.

- Thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện hoạt động phòng, chống dịch tại các huyện, thành phố khi có nguy cơ dịch xảy ra.

- Duy trì đường dây điện thoại nóng giữa cơ quan thường trực và các thành viên ban chỉ đạo các cấp; thực hiện nghiêm quy chế thông tin, báo cáo, cập nhật báo cáo trên phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định.

3. Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật

a) Các giải pháp giảm tỷ lệ mắc bệnh:

- Tăng cường giám sát bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung và điều trị kịp thời; thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch ở từng ổ dịch để có biện pháp phòng chống hiệu quả;

- Thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng, đặc biệt tại các xã, phường vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng có dân tộc thiểu số sinh sống, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%; tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, nâng cao chất lượng thực hành trong tiêm chủng và giám sát phản ứng sau tiêm;

- Chủ động dự báo các bệnh dịch nguy hiểm có thể xảy ra tại địa phương để có biện pháp phòng, chống. Tổ chức thường trực dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch;

- Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, phát động phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; thực hiên tốt chỉ tiêu 03 công trình vệ sinh: Nhà tắm, giếng nước và nhà tiêu tại các hộ gia đình.

b) Các giải pháp giảm tử vong:

- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, tổ chức phân tuyến điều trị, phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh;

- Triển khai kịp thời phác đồ điều trị một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, phác đồ chống sốc, chống kháng thuốc. Chuyển kịp thời lên bệnh viện Trung ương điều trị các trường hợp rất nặng; bệnh viện tuyến tỉnh điều trị các trường hợp nặng; bệnh viện huyện điều trị các trường hợp thông thường;

- Tăng cường năng lực hệ thống chẩn đoán sớm bằng xét nghiệm, nâng cao năng lực điều trị để thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong;

- Tổ chức các đội điều trị cấp cứu cơ động để hỗ trợ tuyến dưới khi có yêu cầu hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật.

4. Đầu tư tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị

a) Từ nguồn kinh phí của tỉnh:

- Đảm bảo kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch chủ động, đồng thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cấp bổ sung kinh phí cho hoạt động phòng, chống dịch chủ động trên địa bàn;

- Mua sắm bổ sung trang thiết bị thiết yếu đảm bảo cho công tác thu dung, điều trị, chẩn đoán nguyên nhân dịch theo quy định của Bộ Y tế.

b) Từ các nguồn khác:

Sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ các Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

5. Công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống các loại bệnh dịch theo mùa, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...;

- Phát động “Phong trào vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân” nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch và cải thiện sức khỏe;

- Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh vào các hoạt động của cơ quan, đơn vị mình và hệ thống quản lý theo ngành dọc đến tận cơ sở.

6. Công tác phối hợp liên ngành

- Tăng cường phối hợp liên Ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, bệnh từ động vật lây truyền sang người, phòng, chống buôn lậu gia cầm, gia súc, các sản phẩm từ gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

- Huy động các ban ngành, đoàn thể xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp... chỉ đạo, phát động các phong trào vệ sinh môi trường phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

IV. KINH PHÍ

1. Từ nguồn ngân sách của tỉnh

- Khi chưa có dịch xảy ra: Triển khai các hoạt động phòng, chống dịch chủ động; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình/dự án mục tiêu quốc gia.

- Khi có dịch xảy ra: Sở Y tế căn cứ tình hình diễn biến của bệnh dịch, phối hợp với Sở Tài chính xây dựng kế hoạch cụ thể, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.

2. Kinh phí từ Trung ương

- Đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thuốc điều trị và kinh phí mua thuốc, vật tư, hoá chất phục vụ công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

- Trong những trường hợp khẩn cấp, bệnh dịch xảy ra với mức độ nghiêm trọng, trên diện rộng, tỉnh sẽ đề nghị các bộ, ngành trung ương liên quan cấp bổ sung kinh phí để phòng chống dịch.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng loại bệnh dịch cụ thể khi có dịch xảy ra.

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng liên quan xây dựng các phương án dự phòng chủ động với cấp độ dịch bệnh. Thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch, triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống dịch tại cộng đồng.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện tốt việc bố trí đầy đủ nguồn lực, trang thiết bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện và báo cáo theo quy định.

- Lập dự toán kinh phí chi tiết trình Sở Tài chính thẩm duyệt để trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí phòng chống dịch chủ động cho ngành Y tế.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì giám sát, phòng chống dịch bệnh lây truyền từ động vật, gia súc, gia cầm lây truyền sang người; kịp thời thông báo cho Ngành Y tế các ổ dịch bùng phát hoặc tái phát để cùng phối hợp triển khai các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm từ động vật có nguy cơ lây sang người.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh thực hiện chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, nhằm góp phần tích cực nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh chủ động trong trường học. Cung cấp kịp thời thông tin về dịch bệnh trong trường học cho Ngành Y tế để phối hợp xử lý. Tuyên truyền cho học sinh về dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch trong nhà trường.

- Thực hiện tốt công tác y tế học đường, chủ động thực hiện hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện sớm, báo cáo cho cơ sở y tế khi có ca bệnh truyền nhiễm.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí của tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố thông tin kịp thời, chính xác về diễn biến dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

- Tăng cường tuyên truyền các biện pháp, phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, đa dạng hóa các loại hình truyền thông nhằm truyền tải các thông tin về phòng, chống dịch bệnh đến với người dân.

5. Sở Công Thương

Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát và xử lý việc lưu hành các động vật không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhằm chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế phân bổ ngân sách đầu tư và các nguồn vốn khác của tỉnh, bảo đảm kinh phí cho kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.

7. Sở Tài chính

Cân đối ngân sách địa phương, đảm bảo kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn.

8. Sở Giao thông Vận tải

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp tốt với các cơ quan liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh khi có dịch bệnh xảy ra; chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải, các bến xe trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế quy định.

9. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh

Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và lập dự toán kinh phí chi cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh từ nguồn kinh phí của đơn vị. Hỗ trợ Ngành Y tế khi có tình huống dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, đảm bảo kinh phí chi cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh từ nguồn kinh phí của địa phương.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành trực tiếp theo dõi và chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch theo địa bàn được phân công.

- Chỉ đạo và kiểm soát công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, phòng chống ô nhiễm môi trường, xử lý môi trường, trực tiếp điều hành công tác tổ chức giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch quyết liệt, sâu sát, nắm chắc thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn quản lý.

- Thường xuyên kiểm tra công tác xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của các ngành, đặc biệt tại những nơi mật độ dân cư cao, nguy cơ ô nhiễm lớn; huy động lực lượng của các Ban, Ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch, công tác đảm bảo an ninh trật tự khi có dịch xảy ra trên địa bàn.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; quan tâm tuyên truyền để nhân dân biết cách tự phòng bệnh, chủ động đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ và tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng.

- Vận động nhân dân tham gia thực hiện các chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm, các chương trình mục tiêu quốc gia y tế để tăng hiệu quả phòng bệnh, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân tại địa phương.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh

Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cấp, ngành chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch theo hệ thống từ tỉnh đến cơ sở. Phát động nhân dân thực hiện tốt phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”./.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.