Quyết định 2388/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu: 2388/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
Ngày ban hành: 05/08/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2388/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 05 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG ĐÔ THỊ BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/01/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31/3/2008 của Bộ Xây dựng về Ban hành quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 05/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 589/2008/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng Vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 04/2008/NQ-HĐND7 ngày 22/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm và mục tiêu:

a) Quan điểm:

- Các đô thị của tỉnh phải được phát triển trong mối liên kết với hệ thống đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm khai thác được các thế mạnh về hệ thống giao thông, vận tải, sân bay, bến cảng, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đào tạo… để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Phát triển và phân bổ hợp lý các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh gắn với đô thị trung tâm sẽ hình thành tại Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương; kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo, chỉnh trang các đô thị cũ và quy hoạch xây dựng các đô thị mới, phát triển và phân bổ hợp lý các đô thị sinh thái dọc các trục lộ chính và các tuyến ven sông; phát triển đô thị phải gắn kết hài hòa với phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ với quá trình đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới;

- Phát triển đô thị phải chú trọng xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cơ cấu chức năng trong đô thị được phân bổ hợp lý; bảo vệ các vùng cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ an ninh- quốc phòng và an sinh xã hội; áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào cải tạo, xây dựng đô thị;

- Phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với đặc điểm, truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của Bình Dương.

b) Mục tiêu:

- Xây dựng tỉnh Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc; cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; đảm bảo có sự kết nối giữa đô thị cũ và các đô thị mới một cách có hệ thống, đồng bộ; đạt các tiêu chí đô thị loại I; có đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước; liên kết với các tỉnh trong vùng thành phố Hồ Chí Minh, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ khu vực Đông Nam Á.

- Phấn đấu phát triển hệ thống đô thị của tỉnh theo quy hoạch các đơn vị hành chính, cụ thể là:

Đến năm 2010, tỉnh Bình Dương gồm 1 thành phố, 2 thị xã, 4 huyện; với 27 phường, 10 thị trấn và 64 xã;

Đến năm 2015, tỉnh Bình Dương gồm 1 thành phố, 5 thị xã, 4 huyện; với 49 phường, 11 thị trấn và 51 xã;

Đến năm 2020 tỉnh Bình Dương đạt tiêu chí đô thị loại I và chuyển thành đô thị Bình Dương trực thuộc Trung ương với 6 quận, 4 huyện; gồm 60 phường 13 thị trấn và 40 xã.

2. Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch chung xây dựng:

a) Phạm vi nghiên cứu:

Phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Bình Dương và các tỉnh xung quanh, gồm: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh; với diện tích khoảng 21.572 km2.

b) Ranh giới:

Ranh giới lập đồ án quy hoạch chung bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Bình Dương, với diện tích 2.695,22 km2.

3. Tính chất đô thị Bình Dương đến năm 2020:

Là đô thị loại 1 với cấp hành chính là thành phố trực thuộc Trung ương; đô thị công nghiệp, dịch vụ trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; vùng phát triển đô thị tổng hợp cấp quốc gia, cấp vùng; phát triển công nghiệp và sinh thái nghỉ dưỡng trong quy hoạch Vùng thành phố Hồ Chí Minh.

4. Một số chỉ tiêu cơ bản dự kiến về dân số, đất đai và hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị của đồ án:

a) Quy mô dân số:

Đến năm 2010 khoảng 1,25 đến 1,3 triệu người;

Đến năm 2015 khoảng 1,6 triệu người;

Đến năm 2020 khoảng 2 triệu người.

b) Quy mô đất đai xây dựng đô thị:

Đến năm 2020 quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 24.000 ha (bình quân khoảng 100-120m2/người) và đất dành cho xây dựng công nghiệp khoảng 14.000 ha. Tổng cộng đất đai xây dựng đô thị và công nghiệp khoảng 38.000 ha.

c) Các chỉ tiêu chính về hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị của đồ án:

Chỉ tiêu

Đơn vị tính

Năm 2006

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

Tỷ lệ đô thị hóa

%

26

40

50

75

Diện tích nhà ở

m2 sàn/người

11,53

15

17

20

Tỷ lệ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị

%

17,45

21

23

25

Tỷ lệ dân số được cấp nước sạch

%

88

97

99

100

Tỷ lệ nước bẩn được thu gom xử lý

%

42

60

70

80

Đất cây xanh đô thị

m2/người

7,4

10

11

12

Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý

%

77,43

90

95

100

Đối với các khu vực đô thị mới áp dụng theo quy định của Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 05/01/2006 của Chính phủ về việc ban hành quy chế khu đô thị mới. Cụ thể là việc khảo sát, thiết kế, xây dựng công trình và quản lý chất lượng xây dựng trong khu đô thị mới phải tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng, quy chuẩn xây dựng Việt Nam; đối với các tiêu chuẩn xây dựng thuộc diện không bắt buộc áp dụng mà Việt Nam chưa có hoặc tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đã lạc hậu thì khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn cao, tiên tiến của nước ngoài để nâng cao chất lượng các dự án khu đô thị mới.

5. Các yêu cầu nghiên cứu chủ yếu đối với đồ án quy hoạch:

a) Đề xuất mô hình phát triển tỉnh Bình Dương dựa trên nguyên tắc gắn kết với các đô thị khác trong Vùng thành phố Hồ Chí Minh.

b) Đề xuất hướng phát triển không gian đô thị Bình Dương bao gồm khu vực nội thị và ngoại thị. Xác định vùng trung tâm đô thị Bình Dương đến năm 2020 gồm đô thị hạt nhân là Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương với vùng bán kính khoảng 20km;

c) Đề xuất các phương án phân vùng chức năng; xác định vùng phát triển đô thị, vùng phát triển công nghiệp, vùng sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vùng nông nghiệp, vùng bảo tồn thiên nhiên;

d) Đề xuất các chỉ tiêu kỹ thuật phù hợp mô hình phát triển của đô thị Bình Dương, với đặc thù của điều kiện địa hình, địa chất thủy văn trong từng vùng, từng khu chức năng và theo từng giai đoạn phát triển của đô thị.

e) Đề xuất các khu chức năng và cơ cấu tổ chức không gian đô thị, bao gồm:

- Khu dân dụng (khu nội thị cũ, khu nội thị mới phát triển, khu ngoại thị; các khu dân cư nông thôn; các khu cải tạo, chỉnh trang nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội); trong đó chú trọng phát triển các khu đô thị sinh thái dọc bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, các khu đô thị mới gần các khu công nghiệp lớn để hỗ trợ nhu cầu nhà ở của lao động trong các khu công nghiệp;

- Các cụm, khu công nghiệp: theo hướng di dời các loại hình công nghiệp ô nhiễm ra khỏi khu vực nội thị cũ; hạn chế phát triển công nghiệp trong các khu vực nội thị phát triển; sắp xếp công nghiệp theo chuyên ngành và thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông và không gây ô nhiễm môi trường;

- Hệ thống các trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành (văn hóa, đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng...), trung tâm đô thị;

- Hệ thống các khu công viên cây xanh, mặt nước, không gian mở, đặc biệt là cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; các điểm cây xanh trong khu vực nội thị dựa trên nguyên tắc khai thác các trục cảnh quan, sông nước và kênh rạch của đô thị để thực hiện đồng thời chức năng giao thông thủy, tiêu thoát nước, điều tiết nước và cảnh quan;

- Các khu vực bảo tồn, đặc biệt bảo vệ khu vực lòng hồ Dầu Tiếng, rừng phòng hộ; cấm và hạn chế xây dựng trong các khu an ninh quốc phòng; hạn chế phát triển đô thị trong các khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái của đô thị.

f) Xác định hệ thống công trình ngầm, tổ hợp công trình ngầm đa năng, tiến tới lập quy hoạch hệ thống công trình ngầm trong đô thị và đề xuất các yêu quản lý, sử dụng.

g) Đề xuất định hướng phát triển kiến trúc đô thị:

Dựa trên quan điểm và mục tiêu phát triển, định hướng phát triển không gian đô thị, nghiên cứu định hướng phát triển kiến trúc- cảnh quan các khu đô thị mới, các khu vực chỉnh trang trong khu đô thị cũ, các khu chức năng quan trọng; đặc biệt chú ý việc xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu trung tâm hiện hữu theo hướng hiện đại kết hợp giữ gìn các công trình văn hóa, kiến trúc có giá trị; triển khai nghiên cứu thiết kế đô thị tại các khu đô thị quan trọng, làm cơ sở cho công tác quản lý xây dựng đô thị.

h) Dự kiến sử dụng đất của đô thị theo từng giai đoạn quy hoạch:

- Đợt đầu tới năm 2015.

- Dài hạn tới năm 2020.

i) Đề xuất định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

Dựa trên mối quan hệ vùng và các quy hoạch chuyên ngành, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phải được thiết kế và xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được mục tiêu và quan điểm phát triển đô thị; đáp ứng được nhu cầu sử dụng, đảm bảo mỹ quan, an toàn và vệ sinh môi trường; cụ thể như sau:

- Giao thông:

+ Xác định mạng lưới giao thông đối ngoại, giao thông đối nội (đường sắt, đường bộ, đường thủy), xác định hệ thống cảng.

+ Đề xuất các giải pháp về hệ thống giao thông ngầm (metro), giao thông công cộng, tuyến và phương tiện (ôtô buýt, đường sắt trên cao...);

+ Đề xuất bố trí đất dành cho phát triển giao thông tĩnh ( bến xe, bãi đậu xe ngầm và trên mặt đất).

- Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng: Xác định cốt khống chế xây dựng từng khu vực, các trục giao thông chính của đô thị; đề xuất các giải pháp về thoát nước mưa (lưu vực và hướng thoát, hệ thống cống) kết hợp các giải pháp tạo hồ điều hòa, nạo vét kênh rạch, tạo không gian mở, cây xanh; các giải pháp về chống ngập úng, sạt lở bờ sông, ảnh hưởng của triều cường.

- Cấp nước: Xác định nguồn cấp nước, nhu cầu, vị trí, quy mô các công trình đầu mối, mạng lưới đường ống cấp nước và các thông số kỹ thuật chủ yếu; đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước mặt và ngầm.

- Cấp điện:

+ Xác định nguồn cấp điện, công suất, nhu cầu phụ tải, vị trí, quy mô nhà máy, trạm biến áp, các hành lang tải điện và mạng lưới phân phối chính cùng các thông số kỹ thuật chủ yếu.

+ Xác định nguồn và mạng cung cấp năng lượng ga, nhiên liệu và chất đốt khác.

- Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

+ Xác định vị trí và qui mô các trạm xử lý nước thải, công trình xử lý nước thải, công trình xử lý chất thải rắn; giải pháp và mạng lưới thoát nước chính, hồ điều hòa và các giải pháp bảo vệ môi trường;

+ Xác định vị trí, quy mô các khu nghĩa trang và công nghệ hỏa táng.

- Hệ thống hạ tầng bưu chính viễn thông.

k) Đánh giá tác động môi trường và đề xuất giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường.

l) Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư phù hợp với dự báo nguồn lực; đề xuất cơ chế, chính sách quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị và giải pháp thực hiện đồ án quy hoạch chung đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

m) Dự thảo Quy định quản lý xây dựng theo nội dung đồ án quy hoạch chung đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

6. Danh mục hồ sơ đồ án:

Hồ sơ đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31/3/2008 của Bộ Xây dựng về ban hành quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng.

7. Thành phần hồ sơ:

- Thuyết minh nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Sơ đồ vị trí đô thị Bình Dương trong Vùng thành phố Hồ Chí Minh.

- Sơ đồ hiện trạng các khu công nghiệp và dân cư tỉnh Bình Dương.

- Sơ đồ định hướng quy hoạch hệ thống đô thị và dân cư nông thôn.

Điều 2. Giao Sở Xây dựng khẩn trương tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Điều 3. Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thủ trưởng các cơ quan ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn