Quyết định 2382/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
Số hiệu: 2382/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai Người ký: Đinh Quốc Thái
Ngày ban hành: 31/07/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 2382/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 31 tháng 07 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN  NHƠN TRẠCH TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư và xây dựng công trình;
Căn cứ Quyết định số 33/2003/QĐ-TTg ngày 04/03/2003 của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2001- 2010;
Theo đề nghị của UBND huyện Nhơn Trạch, tại Tờ trình số 122/TTr-UBND ngày 28/05/2007 về việc xin phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020; đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 383/TTr-SKHĐT ngày 13 tháng 07 năm 2007 về việc phê duyệt hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; với nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN:

- Phát triển Nhơn Trạch tương xứng với vị trí, tiềm năng, thế mạnh về công nghiệp nhằm thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và đô thị hóa của tỉnh.

- Phát huy lợi thế, chủ động nắm bắt cơ hội, phối hợp chặt chẽ với các ngành của tỉnh và các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển kinh tế với nhịp độ cao đồng thời tạo chuyển biến và đẩy nhanh tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị.

- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và chuyển đổi cơ cấu đất đai hợp lý, bảo đảm ổn định và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

- Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ xã hội, tăng trưởng kinh tế gắn với phát triển con người, nâng cao điều kiện sinh hoạt và sản xuất cho người lao động, giải quyết công bằng xã hội, khắc phục chênh lệch mức sống giữa các tầng lớp dân cư.

- Phát triển kinh tế đi kèm với bảo vệ và giữ gìn môi trường sinh thái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quỹ đất, đảm bảo phát triển bền vững.

- Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU:

- Tăng trưởng kinh tế:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2006 - 2010 là 16,5%/năm.

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2011- 2015 là 17%/năm.

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2016 - 2020 là 16%/năm.

- GDP bình quân đầu người theo giá thực tế năm 2010 là 1.034 USD, năm 2015 là 2.136 USD và năm 2020 là 3.850 USD.

- Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu kinh tế năm 2010: Công nghiệp - xây dựng chiếm 53 - 54%; dịch vụ chiếm 34 - 35%; Nông, lâm nghiệp chiếm 12%. Năm 2015: Công nghiệp - xây dựng chiếm 51 - 52%; dịch vụ chiếm 42 - 43%; Nông, lâm nghiệp chiếm 6%. Năm 2020: Công nghiệp - xây dựng chiếm 49 - 50%; dịch vụ chiếm 47 - 48%; Nông, lâm nghiệp chiếm 3%.

- Quản lý và tổ chức tốt nguồn thu ngân sách trên địa bàn huyện. Phấn đấu đảm bảo tốc độ tăng thu ngân sách địa phương bình quân từ 20 - 25%/năm.

- Dân số trung bình năm 2010 là 265.000 người, năm 2015 là 398.000 người, năm 2020 là 600.000 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đến năm 2010 giảm xuống dưới 1,1%.

- Củng cố, duy trì kết quả phổ cập tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Phấn đấu đến năm 2010 hoàn thành phổ cập bậc trung học.

- Duy trì trên 99% trẻ em được tiêm chủng mở rộng. Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 13%, 8% và 3% vào năm 2010, 2015 và 2020.

- Tỷ lệ hộ dùng điện đạt 98% vào năm 2010 và 100% vào giai đoạn 2011 – 2015.

- Nâng tỷ lệ che phủ của rừng và cây xanh lên 25%, 29% và 32% vào năm 2010, 2015 và 2020.

- Thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường các loại rác công nghiệp không độc hại, rác thải đô thị đạt 75% vào năm 2010 và đạt 100% đến năm 2015. Rác thải y tế 100% vào năm 2010. Chất thải rắn, độc hại trên 60% vào năm 2010, trên 85% vào năm 2015 và 100% vào năm 2020.

- Phòng, chống ô nhiễm môi trường nước, tất cả các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung vào năm 2010. Nước thải đô thị được qua hệ thống xử lý tập trung trước khi tiêu thoát đạt 50% vào năm 2010, đạt 70% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ CHỦ YẾU:

1. Ngành công nghiệp xây dựng:

- Phấn đấu đạt tốc độ giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 1,9 – 2,1 lần sau các giai đoạn kế hoạch 5 năm từ nay đến năm 2020.

- Tập trung ưu tiên thu hút các dự án ít ảnh hưởng đến môi trường, dự án công nghệ kỹ thuật cao. Hạn chế thu hút các dự án thuộc các ngành sản xuất giày da, may mặc, chế biến gỗ.

2. Ngành nông lâm nghiệp:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 4%/năm, giai đoạn 2011- 2015 là 3%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 là 1,5%/năm.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung thâm canh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; nâng giá trị sản xuất nông nghiệp/ha đất nông nghiệp từ 27 triệu đồng/ha năm 2005 lên 40 triệu đồng/ha, 70 triệu đồng/ha và 100 triệu đồng/ha vào năm 2010, 2015 và 2020.

- Trồng trọt: Diện tích gieo trồng ổn định: Rau xanh từ 150 - 250 ha, lúa 6.000 ha, bắp 50 ha, mì 200 ha, đậu các loại 1.400 ha, mía 1.000 ha, cây ăn trái từ 2.500 - 3.000 ha. Đến năm 2010 diện tích cao su 400 ha, điều 300 ha; sau 2010 diện tích cao su và điều sẽ chuyển một phần sang trồng cây ăn trái có hiệu quả hơn, một phần chuyển sang đất đô thị theo quy hoạch.

- Chăn nuôi: Phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng chọn lọc giống chất lượng cao, sử dụng giống lai để nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm. Quy mô chăn nuôi ổn định: Đàn trâu, bò 1,2 nghìn con, đàn heo 25 nghìn con, đàn gia cầm 500 nghìn con.

- Thủy sản: Duy trì diện tích nuôi thả cá, tôm hiện có, ổn định diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 1.600 - 1.800 ha, trong đó 1.250 ha nuôi tôm.

- Lâm nghiệp: Tập trung khoanh vùng, bảo vệ và tái sinh rừng ngập mặn, rừng phòng hộ và cân bằng sinh thái. Ổn định diện tích rừng ngập mặn khoảng 7.000 - 7.500 ha.

3. Phát triển dịch vụ:

- Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng trưởng kinh tế đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua phát triển các dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội.

- Ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các ngành dịch vụ và phát triển các dịch vụ có thế mạnh như dịch vụ kho cảng, vận chuyển và các dịch vụ có thị trường tiềm năng lớn như dịch vụ tài chính - ngân hàng, đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ, viễn thông, du lịch để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ và đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.

- Đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển các dịch vụ xã hội để phục vụ dân sinh như giáo dục, đào tạo nghề, khám chữa bệnh, bảo hiểm an sinh, văn hóa, thông tin, nhà ở, vệ sinh môi trường.

- Xây dựng và phát triển các khu du lịch sinh thái, gồm:

+ Khu du lịch sinh thái Cù lao Ông Cồn 750 ha.

+ Khu du lịch Ông Kèo 250 ha;

+ Khu du lịch xã Đại Phước (giáp sông Cái) 400 ha;

+ Khu du lịch gắn với di tích lịch sử Giồng Ông Sắn 150 ha.

+ Khu du lịch sinh thái đồi Mồ Côi (Phú Hội) 100 ha.

+ Khu du lịch xã Long Tân nằm dọc sông Cái và đường vành đai từ Quận 9, TP. Hồ Chí Minh sang Nhơn Trạch 400 ha.

+ Khu du lịch xã Long Tân 200 ha.  

4. Phát triển kết cấu hạ tầng:

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành các công trình về hạ tầng giao thông, cấp và thoát nước, cấp điện và viễn thông tạo điều kiện phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị. Tập trung huy động đầu tư cho các dự án, công trình phục vụ việc hình thành và phát triển các khu đô thị mới, phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, cảng, công nghiệp. Tăng cường liên kết không gian kinh tế, mở rộng giao lưu thương mại giữa Nhơn Trạch với các trung tâm đô thị và công nghiệp của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhất là đối với TP.Biên Hòa, TP.Hồ Chí Minh và TP.Vũng Tàu.

- Phối kết hợp chặt chẽ với tỉnh và Bộ, ngành Trung ương phát triển hệ thống giao thông đối ngoại gắn kết Nhơn Trạch với các thành phố, cảng biển trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời triển khai xây dựng hệ thống giao thông đô thị của thành phố mới Nhơn Trạch đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị hiện đại và lâu dài. 

- Cấp điện: Phụ tải điện năm 2010: Công suất cực đại Pmax = 181 MW, điện thương phẩm 1.201 triệu kwh, tổng điện nhận 1.235 triệu kwh. Năm 2015: Công suất cực đại Pmax = 365 MW, điện thương phẩm 2.419 triệu kwh, tổng điện nhận 2.493 triệu kwh. Phát triển lưới điện trên địa bàn huyện theo quy hoạch ngành đã được phê duyệt.

- Phát triển hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, mở rộng độ phủ ra toàn địa bàn về các xã, ấp với thông lượng lớn và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đa dạng các dịch vụ viễn thông và thương mại điện tử.

- Cấp nước: Xây dựng hệ thống cấp nước sạch trên địa bàn Nhơn Trạch đáp ứng nhu cầu về tăng quy mô dân số. Ước tính nhu cầu dùng nước đến 2010 cần khoảng 130.000m3/ngày, trong đó nước sinh hoạt 25.000m3/ngày và đến năm 2020 khoảng 250.000m3/ngày, trong đó nước cho sinh hoạt cần khoảng 75.000m3/ngày. Đầu tư Nhà máy nước Nhơn Trạch, mở rộng Nhà máy nước Thiện Tân phục vụ cho các đô thị và khu công nghiệp tập trung, bảo đảm 100% dân số đô thị dùng nước máy đến  2010 và 100% dân số dùng nước máy vào giai đoạn 2015- 2020.

- Xây dựng hệ thống xử lý nước thải khu vực trung tâm đô thị, thị trấn, khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp-TTCN, tránh gây ô nhiễm, ngập úng vào mùa mưa.

- Rác thải sinh hoạt được đưa đi xử lý tại khu xử lý rác thải tập trung thuộc xã Bàu Cạn huyện Long Thành.

5. Phát triển đô thị và dân cư:

- Phát triển đô thị: Xây dựng và phát triển Nhơn Trạch trở thành thành phố Nhơn Trạch, một đô thị lớn và hiện đại của tỉnh Đồng Nai và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đạt đô thị loại II với quy mô dân số 50 - 60 vạn người trong đó dân số đô thị 40 - 45 vạn người vào năm 2020. Chức năng đô thị là thành phố công nghiệp, dịch vụ của tỉnh Đồng Nai và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, bao gồm:

+ Khu dân cư và khu trung tâm thành phố (khu số 1), diện tích khoảng 1.500 ha.

+ Khu dân cư đô thị trung tâm phía Bắc thành phố (khu số 2), diện tích khoảng 1.500 ha.

+ Khu dân cư đô thị trung tâm phía Đông Nam thành phố (khu số 3), diện tích 1.700 ha.

+ Khu đô thị Long Tân (khu số 4) thuộc xã Long Tân, diện tích 950 ha.

+ Khu đô thị Đồng Mu Rùa (khu số 5 - cửa ngõ Đông Nam) thuộc xã Phước An, diện tích 150 ha.

+ Khu đô thị Hiệp Phước (khu số 6 - cửa ngõ phía Đông) thuộc xã Hiệp Phước, diện tích 130 ha.

- Khu dân cư nông thôn, gồm khu dân cư xã Đại Phước và khu dân cư xã Phú Đông (khu số 7). Khu dân cư xã Vĩnh Thanh (khu số 8). Khu dân cư xã Phước Khánh (khu số 9). Khu dân cư xã Phước Khánh (khu số 9 và số 10). Khu dân cư xã Long Tân và xã Phú Hội (khu số 11). Khu dân cư xã Phước Thiền (khu số 12).

6. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội:

- Huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt trên 30%, 80% và 100% vào năm 2010, 2015 và 2020. Đến lớp mẫu giáo đạt trên 90% và 100% vào năm 2010 và 2015. Từ nay đến năm 2010: Phấn đấu duy trì và thực hiện đạt tỷ lệ huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; đạt 100% học sinh tiểu học vào học lớp 6; tuyển mới 70-80% học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10, số còn lại sẽ học ở các trường dạy nghề, Trung học chuyên nghiệp và các hình thức học tập khác.

- Thực hiện tốt các chương trình Quốc gia về chăm sóc sức khỏe, các chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; thực hiện tốt chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình và chương trình môi trường; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, nhất là cấp cứu. Phát triển mạng lưới y tế, đến năm 2010 bình quân có 9 - 10 giường bệnh/vạn dân và 2 bác sỹ/vạn dân; đến năm 2020 bình quân có 18 - 20 giường bệnh/vạn dân và 4 - 5 bác sỹ/vạn dân.

- Phấn đấu đến năm 2010 có 98% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 90% ấp, cụm dân cư đạt danh hiệu ấp, cụm dân cư văn hóa và 2/3 số xã đạt chuẩn xã văn hóa.

- Bảo tồn và phát triển đa dạng về văn hóa dân tộc, văn hóa truyền thống, nhằm góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; củng cố và phát triển các phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao trong nhân dân; phát huy dân chủ, nâng cao tính cộng đồng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cơ quan và cộng đồng.

- Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách xã hội.

7. Nhu cầu vốn đầu tư:

Để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng về kinh tế, dự báo tổng nhu cầu vốn đầu tư xã hội cho từng giai đoạn như sau:

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư:

+ Thời kỳ 2006 - 2010: 35.000 tỷ đồng.

+ Thời kỳ 2011 - 2015: 66.000 tỷ đồng.

+ Thời kỳ 2016 - 2020: 150.000 tỷ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư: Huy động các nguồn lực bao gồm vốn Nhà nước, nguồn vốn trong dân và doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Giải pháp huy động vốn đầu tư:

- Rà soát, bổ sung cơ chế chính sách để tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng cơ chế chính sách đặc thù phát huy được lợi thế và vai trò của địa bàn. 

- Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, đào tạo nghề, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tư vấn để khai thác các nguồn lực trong xã hội cho phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội. 

- Phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh xây dựng các phương án huy động các nguồn vốn đầu tư từ thị trường tài chính trong nước và quốc tế. Thúc đẩy phát triển thị trường tài chính, thị trường bất động sản để đa dạng hóa các kênh huy động vốn đầu tư.

2. Củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, tăng cường cải cách hành chính, phát huy vai trò của các cấp chính quyền trong quản lý và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội:

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, củng cố bộ máy chính quyền các cấp, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn đáp ứng yêu cầu đổi mới để hội nhập theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

- Tăng cường xây dựng toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức đi đôi với hoàn thiện cơ chế lãnh đạo, quản lý và chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Thực hiện phân cấp quản lý theo hướng nâng cao thẩm quyền và trách nhiệm, gắn phân cấp công việc với phân cấp tài chính, tổ chức và cán bộ để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và đơn giản hóa thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành trên địa bàn.

3. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực, phát huy sức lao động, sáng tạo của con người để phát triển kinh tế - xã  hội: 

- Tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề để nâng cao nhanh trình độ chuyên môn, tay nghề cho lực lượng lao động. Chú trọng đào tạo đội ngũ lao động, quản lý đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và đào tạo lao động ở nông thôn, tạo điều kiện để chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp.

- Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân tài trong tất cả các lĩnh vực và ngành nghề để phục vụ phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội. Xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến 2020 và sớm triển khai để đưa vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

4. Phát triển doanh nghiệp trên địa bàn đáp ứng yêu cầu cạnh tranh hội nhập Quốc tế:

- UBND huyện Nhơn Trạch phối hợp với các Sở ngành của tỉnh thực hiện chương trình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, chương trình nâng cao sức cạnh tranh hội nhập cho doanh nghiệp. Phát động phong trào cổ vũ, tôn vinh tinh thần lập nghiệp, sáng kiến kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp trong xã hội.

- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết kế, mẫu mã, công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề mới, sản phẩm mới. Phối hợp với Sở Thương mại Du lịch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.

5. Phát triển các loại thị trường kết hợp với chính sách quản lý Nhà nước để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực:

Phát triển lành mạnh các loại thị trường bao gồm thị trường hàng hóa và dịch vụ, thị trường lao động, thị trường công nghệ, thị trường bất động sản và thị trường tài chính. Tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh để thúc đẩy kinh doanh, phát triển sản xuất và mở mang các ngành nghề mới, khai thác tối đa tiềm năng, nguồn lực phát triển trong xã hội. 

V. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:

1. Ủy ban nhân dân huyện Nhơn Trạch:

- Căn cứ quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu và triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, các dự án đầu tư, xây dựng các kế hoạch 5 năm và hàng năm để tổ chức quản lý và điều hành thực hiện. Trong quá trình thực hiện quy hoạch UBND huyện Nhơn Trạch phối hợp với các Sở, ngành trong tỉnh cập nhật tình hình để có những điều chỉnh kịp thời.

- Thông báo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong vòng 30 ngày sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt cho các Sở, ngành, các xã, các doanh nghiệp làm căn cứ hiệu chỉnh quy hoạch chuyên ngành và triển khai lập các quy hoạch cụ thể.

- Phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành trên địa bàn huyện trong việc tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.

2. Nhiệm vụ các Sở, ngành:

Các Sở ngành liên quan trong tỉnh, theo lĩnh vực của mình có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Nhơn Trạch để thực hiện quy hoạch được duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban ngành, Thủ trưởng các đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Quốc Thái