Quyết định 2366/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Sưu tầm và phổ cập điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La
Số hiệu: 2366/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Phạm Văn Thủy
Ngày ban hành: 09/09/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2366/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 09 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN SƯU TẦM VÀ PHỔ CẬP MỘT SỐ ĐIỆU XÒE MANG BẢN SẮC VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC SƠN LA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới;

Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1223/TTr-SVHTTDL ngày 28 tháng 8 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La.

Điều 2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài chính; Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- TT HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- PCVP UBND tỉnh PTVHXH;
- Lưu: VT.VX.HA.30b.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Văn Thủy

 

ĐỀ ÁN

SƯU TẦM VÀ PHỔ CẬP MỘT SỐ ĐIỆU XÒE MANG BẢN SẮC VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC SƠN LA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2366/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2014 của UBND tỉnh Sơn La

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Những năm gần đây, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đã trở thành một tất yếu khách quan mà không một quốc gia, dân tộc nào có thể đứng ngoài.

Toàn cầu hóa có những mặt tích cực cơ bản tạo điều kiện thuận lợi để giao lưu, hội nhập văn hóa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa thế giới; thúc đẩy hình thành nền kinh tế tri thức; hình thành lối sống văn minh hiện đại. Tuy nhiên nó cũng có mặt trái đó là: Nhiều giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Sơn La nói riêng có nguy cơ bị phai nhạt, biến dạng; đạo đức truyền thống bị xói mòn, lối sống thực dụng, vị kỷ, có chiều hướng phát triển.

Vì vậy, việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa ở nước ta vừa có tính cấp bách, trước mắt, vừa mang tính chiến lược, lâu dài nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, để văn hóa thực sự là nền tảng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

2. Trước đây người Thái gọi nghệ thuật múa của mình là “Xe”. Đến giữa thế kỷ XX trong tiếng Việt, từ “Xe” biến âm thành “Xòe”. Ngày nay nghệ thuật múa, tác phẩm múa được nhân dân quen dùng để gọi nghệ thuật xòe, điệu xòe, bài xòe.

Xòe được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc, được coi đó là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau, là nét đẹp văn hóa được nhân dân lấy làm hãnh diện, tự hào về văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền. Không những thế, xòe còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu và gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe, sau đó là kết tình hạnh phúc.

Đời sống văn hóa nhân dân các dân tộc Tây Bắc nói chung, nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng vô cùng phong phú, trong đó xòe là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc và có tính phổ biến trong cộng đồng dân cư vùng Tây Bắc. Xòe là tài sản vô giá của đồng bào dân tộc Thái, là sợi dây gắn kết cộng đồng, là cốt lõi của bản sắc dân tộc và là cơ sở để sáng tạo những giá trị văn hóa mới, góp phần tăng cường giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các quốc gia. Đông đảo nhân dân vùng Tây Bắc đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe. Đây là di sản văn hóa quý giá của dân tộc Thái nói riêng đã được phổ cập, tiếp thu có sức sống bền vững trong nhân dân vùng Tây Bắc.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án: Sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La” là việc làm vô cùng cần thiết, nhằm giữ gìn, phát huy nét văn hóa truyền thống đặc sắc phát triển đúng hướng, toàn diện và bền vững, đưa nghệ thuật xòe tiếp tục thấm sâu vào cuộc sống thực tiễn và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc Sơn La, để điệu xòe Tây Bắc cùng với những bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các vùng, miền (cồng chiêng Tây Nguyên; quan họ Bắc Ninh; đờn ca tài tử Nam Bộ; Nhã nhạc cung đình Huế...) sẽ góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng ta.

II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ ÁN

1. Cơ sở lý luận

Trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập với sự phát triển khoa học công nghệ phá vỡ mọi ngăn cách quốc gia, dân tộc. Một cuộc xâm nhập sâu rộng về văn hóa từ nhiều nguồn đang diễn ra dưới nhiều hình thức đã tác động mạnh mẽ vào tư tưởng, tình cảm, tâm lý, thói quen và cách sống của các dân tộc Việt Nam nói chung, cộng đồng các dân tộc Sơn La nói riêng. Quá trình tiếp biến văn hóa, bổ sung văn hóa, tồn tại và phát triển không ngừng của các giá trị văn hóa trong lịch sử chính là đặc thù cơ bản, là bản chất và quy luật kế thừa biện chứng của văn hóa.

Việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa ở nước ta vừa có tính cấp bách, trước mắt, vừa mang tính chiến lược, lâu dài nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, để văn hóa thực sự là nền tảng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định sâu sắc vai trò của văn hóa và việc bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa ở nước ta. Đảng và Nhà n­ước ta đã đưa ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu chung của đất nư­ớc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị nêu rõ: Xây dựng nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nhân cách con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chỉ rõ: Phải tiếp tục kế thừa, bổ sung và phát triển những quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa đã được nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII. Đồng thời nhấn mạnh tư tưởng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước; văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Trong xây dựng văn hóa phải lấy xây dựng, phát triển con người có nhân cách, đạo đức, có lối sống tốt đẹp làm trọng tâm; xây dựng môi trường văn hóa (gia đình, cộng đồng và xã hội) lành mạnh làm cốt lõi; nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với những đặc trưng tiêu biểu là dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp nên qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước; con người Việt Nam là sự kết tinh của nền văn hóa Việt Nam.

Vì vậy, quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy các giá trị gia đình, cộng đồng, dân tộc Việt Nam. Đẩy nhanh việc cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa và có chế tài đủ mạnh để tổ chức thực hiện Nghị quyết, ngăn ngừa những vi phạm trong hoạt động văn hóa. Chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, "Tự diễn biến", "Tự chuyển hóa" trên lĩnh vực văn hóa.

Tích cực đấu tranh với những biểu hiện lai căng, những sản phẩm độc hại, những hành vi phi văn hóa, phản văn hóa, góp phần bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc và tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của anh chị em văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa. Tăng cường nguồn lực cho văn hóa. Tiếp thu tinh hoa văn hóa và kinh nghiệm phát triển, quản lý văn hóa của các nước trên thế giới...

2. Thực trạng tình hình kết quả đạt được trong bảo tồn và phát huy giá trị các điệu xòe trong địa bàn tỉnh những năm qua

Trong những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc Sơn La nói chung, nghệ thuật xòe nói riêng được quan tâm chú trọng. Phong trào văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh diễn ra rất sôi nổi phát triển rộng rãi cả về số lượng và chất lượng, với các nội dung đặc sắc đáp ứng cơ bản nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Từ năm 1992, mô hình đội văn nghệ quần chúng của các bản, tiểu khu, tổ dân phố được xây dựng và nhân rộng. Ðến nay tỉnh Sơn La có trên 3.000 đội văn nghệ thuộc các bản, trong đó phần lớn là các đội văn nghệ thuộc các bản dân tộc Thái được coi là hạt nhân để duy trì và phát triển nghệ thuật xòe, nhiều điệu xòe được trực tiếp giới thiệu rộng rãi tới các tỉnh bạn ở nước ngoài, đặc biệt là điệu xòe vòng truyền thống, phổ biến và là biểu tượng của tình đoàn kết bao giờ cũng được sử dụng để kết thúc trong các chương trình giao lưu với các đoàn nước ngoài.

Hiện nay, với giá trị nghệ thuật và nhân văn, các điệu xòe dân vũ được biên soạn và đưa thành bài học múa cơ bản, nhiều tiết mục xòe được đưa đi tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn cấp quốc gia đạt giải cao và được lưu diễn nhiều nơi trong nước và quốc tế. Đồng thời, nghệ thuật xòe còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh thông qua các dịch vụ du lịch cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Trong xu thế hội nhập của đất nước có sự giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài nên bên cạnh những điệu xòe truyền thống diễn ra trong sinh hoạt cộng đồng đã xuất hiện và đan xen những điệu nhảy và âm nhạc hiện đại, ít nhiều đã phá vỡ tính nguyên bản của điệu xòe truyền thống. Cùng với nó là sự biến đổi về âm nhạc, nhiều nơi đã thay thế nhạc truyền thống bằng âm nhạc hiện đại, vì vậy khi xòe, có thể thấy rõ thế hệ trẻ không thể hiện được động tác nhịp nhàng, tinh tế như những người cao tuổi. Có nhiều điệu xòe đến nay chỉ còn đọng lại trong trí nhớ của một số người đam mê, am hiểu về múa và những người cao tuổi, còn lại không được thực hành rộng rãi.

Xòe truyền thống có ý nghĩa rất lớn trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc Sơn La nói chung. Vì thế thời gian qua xòe truyền thống đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo và bảo vệ, tiếp tục duy trì, tránh chung chung, hình thức, xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng bộ phận và đào tạo đội ngũ cán bộ am hiểu, nhiệt tình trong thực hiện nhiệm vụ, bám sát thực tế cơ sở như:

- Sưu tầm, phục dựng lại các điệu xòe cổ của từng vùng miền, dân tộc trong tỉnh. Bên cạnh đó có sự lựa chọn, kế thừa của âm nhạc truyền thống tránh việc đem nhạc thị trường lồng ghép vào điệu xòe truyền thống.

- Tạo môi trường nhận thức đầy đủ, toàn diện cho thế hệ trẻ, khôi phục từ trong xã, bản, (Người cao tuổi dạy lại cho thế hệ trẻ, con cháu...).

- Xây dựng chương trình phối hợp giữa các ngành, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để lồng ghép chương trình nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có đưa Xòe vào các chương trình ngoại khóa.

Ngoài ra, việc duy trì, phát triển các điệu xòe cùng góp phần phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh thông qua các dịch vụ cộng đồng phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước.

Cần tiếp tục, thường xuyên đưa xòe Thái vào thực hành trong các sự kiện văn hóa, xã hội của địa phương để thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân và du khách cùng tham gia.

Xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng của công tác quảng bá vẻ đẹp con người, nét văn hóa phong phú độc đáo của các dân tộc Sơn La, giới thiệu rộng rãi với bạn bè trong nước và quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; công tác đối ngoại của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong tình hình mới, đặt ra yêu cầu cần thiết phải phục dựng nguyên bản, chỉnh lý và nâng cao các điệu xòe, kết hợp với các điệu múa cổ truyền khác mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La. UBND tỉnh Sơn La xây dựng Đề án “Sưu tầm và phổ cập một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La”.

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La.

2. Đối tượng

Cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Phần II

MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Bảo tồn, kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa truyền thống, xây dựng và phát triển những giá trị mới về văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

2. Nghiên cứu, lựa chọn một số điệu xòe và nhạc xòe tiêu biểu mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La để phổ cập đến cán bộ, Đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng và giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập.

3. Giới thiệu nét đặc trưng văn hóa các dân tộc Sơn La tới đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh, bạn bè trong và ngoài nước, góp phần tăng cường tình đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

II. NỘI DUNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Sưu tầm, biên đạo, chỉnh lý một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La

1.1. Nội dung

- Khảo sát, sưu tầm (ghi âm, quay phim, chụp ảnh, ghi chép, phỏng vấn) các bản nhạc xòe, điệu xòe truyền thống.

- Nghiên cứu đề xuất 05 nhạc xòe và điệu xòe tiêu biểu.

1.2. Thành phần

Thành lập đoàn từ 6 - 8 nhạc sĩ, biên đạo, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa.

1.3. Đơn vị thực hiện: Trung tâm văn hóa tỉnh.

1.4. Thời gian hoàn thành: Quý I năm 2015.

2. Mở trại “Sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La”.

2.1. Nội dung

- Khảo sát, sưu tầm động tác, tư thế…, của các điệu xòe truyền thống; âm nhạc, giai điệu xòe truyền thống của dân tộc Thái.

- Chỉnh lý, nâng cao các điệu xòe mang tính cộng đồng.

- Sáng tác, phát triển nhạc xòe trên các giai điệu xòe truyền thống.

2.2. Thành phần: 25 người (Trại viên và Ban tổ chức).

2.3. Đơn vị thực hiện: Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật.

2.4. Địa điểm mở trại

- Thành phố Sơn La.

- Đi thực tế tại 8 bản thuộc 8 xã của 3 huyện: Yên Châu, Mộc Châu, Quỳnh Nhai và Thành phố Sơn La.

2.5. Thời gian thực hiện: Quý I năm 2015.

3. Tổ chức Hội thi điệu xòe tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2014

3.1. Nội dung

- Biên tập nhạc và thể hiện bằng dàn nhạc cụ dân tộc truyền thống.

- Biên tập, dàn dựng, chỉnh lý nâng cao điệu xòe trên cơ sở xòe truyền thống.

- Lựa chọn trang phục truyền thống phù hợp với sự phát triển và hòa nhập hiện nay.

- Viết lời dẫn về ý nghĩa, mục đích, xuất xứ, nét tiêu biểu của điệu xòe.

* Yêu cầu: Kết hợp tất cả các nội dung trên thành một điệu xòe hoàn chỉnh, thời lượng từ 15 đến 20 phút.

3.2. Thành phần

Đại biểu, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Nhạc sĩ, biên đạo, nghệ sĩ múa, diễn viên, nghệ nhân các dân tộc.

3.3. Đơn vị thực hiện: Trung tâm Văn hóa tỉnh.

3.4. Thời gian: Quý II năm 2015.

4. Hoàn thiện và lựa chọn các điệu xòe tiêu biểu mang đậm bản sắc các dân tộc Sơn La.

4.1. Tổ chức hòa âm, phối khí nhạc xòe và dàn dựng, chỉnh lý, nâng cao các điệu xòe tiêu biểu

4.1.1. Nội dung

- Biên tập nhạc, hòa âm, phối khí, thu thanh các bản nhạc xòe tiêu biểu.

- Biên tập, dàn dựng, chỉnh lý nâng cao một số điệu xòe tiêu biểu.

- Tổ chức tập luyện và báo cáo tác phẩm.

4.1.2. Thành phần

Nhạc sĩ, biên đạo, nghệ sĩ múa, đạo diễn, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, diễn viên, nghệ nhân các dân tộc.

4.1.3. Đơn vị thực hiện: Trung tâm Văn hóa tỉnh.

4.1.4. Thời gian: Quý III năm 2015.

4.2. Tổ chức lựa chọn các điệu xòe tiêu biểu

4.2.1. Thành lập Hội đồng tuyển chọn:

- Nội dung: Lựa chọn các bản nhạc xòe, các điệu xòe tiêu biểu, mang tính cộng đồng cao cho các dân tộc Sơn La.

- Thành phần:

+ Các nhà chuyên môn: Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam; Chi Hội Nhạc sĩ tỉnh Sơn La; Chi Hội Nghệ sĩ múa tỉnh Sơn La; Trung tâm Văn hóa tỉnh; trường Trung cấp VHNT&DL tỉnh; Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh.

+ Các nhà quản lý: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn phòng UBND tỉnh.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Văn hóa tỉnh.

- Thời gian: Quý III năm 2015.

4.2.2. Tổ chức Hội thảo

- Nội dung: Tham gia ý kiến về các bản nhạc xòe, các điệu xòe tiêu biểu, mang tính cộng đồng cao cho các dân tộc ở Sơn La.

- Thành phần: Các nhạc sĩ, biên đạo múa, nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa, nghệ nhân các dân tộc, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh.

- Đơn vị thực hiện: Trung tâm Văn hóa tỉnh.

- Thời gian: Quý IV năm 2015.

4.3. Hoàn chỉnh các tác phẩm xòe đã được lựa chọn để báo cáo

4.3.1. Nội dung

Tổ chức tập luyện, dàn dựng, hoàn chỉnh các tác phẩm xòe được lựa chọn; biểu diễn báo cáo xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

4.3.2. Địa điểm: Trung tâm Văn hóa tỉnh.

4.3.3. Thời gian: Quý IV năm 2015.

5. Sản xuất phát hành đĩa DVD điệu xòe Sơn La

5.1. Nội dung

- Hòa âm, phối khí nhạc xòe: Tập hợp những nhạc sĩ có nhiều kinh nghiệm trong hòa âm nhạc cụ dân tộc đã từng tham gia sản xuất nhiều DVD, hiểu sâu về tính năng nhạc cụ dân tộc, có khả năng hòa âm - phối khí nhạc xòe bằng các nhạc cụ dân tộc.

- Biên đạo, dàn dựng: Lựa chọn các biên đạo múa có trình độ, kinh nghiệm, tâm huyết, say mê trong sáng tạo nghệ thuật.

- Biên tập thu thanh lời dẫn: Sưu tầm tài liệu, nghiên cứu nội dung các điệu xòe, phong tục tập quán, nguồn gốc xuất xứ…, để hình thành bài viết giới thiệu đầy đủ nội dung, ngắn gọn, xúc tích, dễ nhớ, dễ hiểu, lắng đọng theo từng điệu xòe cụ thể.

- Tổ chức quay, dựng phim, in DVD: Đảm bảo hình ảnh đẹp, phong phú, độ nét cao, rõ nhạc, các tuyến xòe dễ xem, dễ hiểu…

5.2. Lực lượng tham gia

Nhạc sĩ, biên đạo, nghệ sĩ múa, đạo diễn, nhà nghiên cứu văn hóa, quản lý văn hóa, quay phim, dựng phim, hóa trang, diễn viên, nghệ nhân các dân tộc.

5.3. Đơn vị thực hiện: Trung tâm Văn hóa tỉnh.

5.4. Thời gian: Quý IV năm 2015.

6. Tổ chức tập huấn mẫu

6.1. Nội dung

- Hướng dẫn các động tác cơ bản về các điệu xòe.

- Tập riêng từng điệu xòe.

- Lắp ráp các điệu xòe thành một điệu xòe Sơn La hoàn thiện.

6.2. Đối tượng tập huấn Là diễn viên, tuyên truyền viên, thanh thiếu niên tiêu biểu nòng cốt các dân tộc thuộc 12 huyện, thành phố; lực lượng vũ trang, trường học, đơn vị…, (mỗi lớp từ 30 - 40 người).

6.3. Đơn vị thực hiện: Trung tâm Văn hóa tỉnh.

6.4. Thời gian: Quý IV năm 2015.

7. Phổ cập toàn dân

7.1. Nội dung

- Hướng dẫn các động tác cơ bản về các điệu xòe.

- Tập riêng từng điệu xòe.

- Lắp ráp các điệu xòe thành một điệu xòe Sơn La hoàn thiện.

7.2. Thành phần tham gia phổ cập: Diễn viên, tuyên truyền viên…, đã được tập huấn mẫu.

7.3. Đơn vị thực hiện: Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện, thành phố.

7.4. Thời gian: Quý IV năm 2015.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Nguồn kinh phí được sử dụng từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp trực tiếp cho các đơn vị dự toán thực hiện các nội dung được phân công nhiệm vụ.

Tổng kinh phí khoảng: 1.328.480.000 đồng.

(Một tỷ ba trăm hai mươi tám triệu bốn trăm tám mươi ngàn đồng chẵn)

(có Biểu chi tiết kèm theo)

IV. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phương pháp tổ chức thực hiện Đề án

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật căn cứ chức năng, nhiệm vụ cụ thể, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án.

2. Lực lượng tham gia thực hiện Đề án

- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật.

- Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

- Lựa chọn những đồng chí cán bộ có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm ở các đơn vị chức năng tham gia tổ giúp việc cho Đề án.

3. Yêu cầu chung

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật báo cáo đánh giá thực hiện nội dung và tiến độ thực hiện với UBND tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

V. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA ĐỀ ÁN

1. Sự thành công của Đề án là đóng góp thiết thực của tỉnh Sơn La đối với cả nước trong việc góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về "Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

2. Sự thành công của Đề án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa nhạc xòe và điệu xòe tiêu biểu, đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La phổ cập tới cán bộ, Đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng và giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Qua đó giới thiệu đặc trưng văn hóa các dân tộc tỉnh Sơn La tới bạn bè trong và ngoài nước, góp phần tăng cường đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Khâu nối, đôn đốc, định kỳ báo cáo tiến độ việc thực hiện Đề án với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Là cơ quan chủ trì; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án.

3. Sở Tài chính

Thẩm định, trình UBND tỉnh cấp kinh phí đảm bảo cho các đơn vị thực hiện Đề án.

4. Văn phòng UBND tỉnh

Đôn đốc các đơn vị trong việc triển khai các nội dung của Đề án.

5. Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật

Xây dựng kế hoạch, tổ chức trại “Sưu tầm, chỉnh lý, nâng cao một số điệu xòe mang bản sắc văn hóa các dân tộc Sơn La”.

6. UBND các huyện, thành phố

- Chỉ đạo phối hợp thực hiện công tác khảo sát, điền dã, sưu tầm các điệu xòe tại địa phương.

- Chỉ đạo thực hiện tốt việc tập huấn, phổ cập các điệu xòe rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân; tham gia Hội thi “Vũ điệu xòe” Sơn La./.

 

DỰ TOÁN KINH PHÍ

SƯU TẦM, SÁNG TÁC VÀ PHỔ BIẾN MỘT SỐ ĐIỆU MÚA XÒE MANG BẢN SẮC VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC SƠN LA
(Kèm theo Quyết định số 2366/QĐ-UBND ngày 28 tháng 8 năm 2014 của UBND tỉnh Sơn La

STT

Nội dung

Số tiền

I

KHẢO SÁT NGHIÊN CỨU, SƯU TẦM, BIÊN TẬP, HỘI THẢO VÀ GIỚI THIỆU NHẠC VÀ VŨ ĐIỆU XÒE

91.780.000

-

Lưu trú: 8 người x 4 ngày x 120. 000 x 7 huyện

26.880.000

-

Tiền ngủ: 8 người x 3 đêm x 150 000 x 7 huyện

25.200.000

-

Xăng xe ô tô đi 7 huyện và TP: 1.500km x 0.20 x 25.000 đ

7.500.000

-

Mua pin, đĩa, băng: 8 huyện, thành phố x 200.000 đ

1.600.000

-

Mua máy thu thanh: 2 cái x 2.500.000 đ

5.000.000

 

BD nghệ nhân cung cấp tư liệu: 6 người x 200.000 x 8 huyện TP

9.600.000

-

Bồi dưỡng diễn viên, nghệ nhân xòe mẫu: 20 người x 100.000 x 8 huyện, TP

16.000.000

II

MỞ TRẠI SƯU TẦM, SÁNG TÁC MỘT SỐ ĐIỆU MÚA XÒE MANG BẢN SẮC VH CÁC DÂN TỘC SƠN LA (Thành phần 25 người)

198.750.000

-

Vé xe: 20 người x 200.000 đ x 2 chiều

8.000.000

-

Lưu trú: 25 người x 150.000 đ x 15 ngày

56.250.000

-

Tiền ngủ: 25 người x 150.000 x 14 tối

52.500.000

-

Thuê xe đi thực tế: 12 ngày x 3.500.000 đ/ngày

42.000.000

-

BD 08 đội văn nghệ: 8 x 2.500.000 đ

20.000.000

-

BD công tác viên khảo sát, sưu tầm lấy tư liệu: 100 người x 100.000 đ/người

10.000.000

-

Tiền vật tư, nước uống, thuốc phòng bệnh

10.000.000

III

TỔ CHỨC HỘI THI VŨ ĐIỆU XÒE TỈNH SƠN LA LẦN THỨ NHẤT NĂM 2014

479.030.000

1

Kinh phí hỗ trợ đội xòe các huyện, thành phố

 

 

Chi chế độ diễn viên tập luyện tại huyện, thành phố

 

-

Chi tiền ăn diễn viên: 15 người x 4 ngày x 120,000 đ/người/ngày x 12 huyện, thành phố

86.400.000

-

Chi tiền bồi dưỡng tập luyện: 15 người x 5 ngày x 60,000 đ/người/ngày x 12 huyện, thành phố

54.000.000

-

Chi tiền nước uống tập luyện: 15 người x 5 ngày x 5,000 đ/người/ngày x 12 huyện thành phố

4.500.000

2

KP tham gia hội thi của 12 huyện, TP (15 người/huyên, TP)

 

-

Chi tiền ăn: 15 người x 2 ngày x 120.000 đ/ngày x 12 huyện, TP

43.200.000

-

Tiền ngủ: 15 người x 2 đêm x 150.000đ/người x 11 huyện

49.500.000

-

Bồi dưỡng biểu diễn: 15 người x 100.000đ/người x 2 ngày x 12 huyện, TP

36.000.000

-

Hỗ trợ hóa trang: 15 người x 90.000 đ/đợt

16.200.000

-

Tiền nước uống: 15 người x 2 ngày x 10.000 đ x 12 huyện, TP

3.600.000

-

Thuê phương tiện đi lại: 1 xe x 3.000.000 đ x 2 ngày

6.000.000

3

Tổ chức hội thi

 

*

Chi trang trí, khánh tiết tuyên truyền

 

-

In tít phông chính (7 m x 12 m): 84 m2 x 70.000 đ

5.880.000

-

Cắt dán, căng treo khẩu hiệu tuyên truyền: 10 KH x 550.000 đ

5.500.000

-

Mua pháo điện hoa khai mạc và bế mạc: 5 quả x 2 lần x 300.000 đ

3.000.000

-

Khung và in pano chương trình (KT: 2 m x 4 m)

2.000.000

-

Thuê cây cảnh

 

+

Cây to: 2 cây x 100.000 đ/cây x 3 ngày

600.000

+

Chậu cảnh nhỏ: 5 chậu x 40.000 đ/chậu x 3 ngày

600.000

-

Chi biên tập bài, thu thanh CD

300.000

-

Trang trí xe đi tuyên truyền: 6 m2 x 300.000 đ/m2

1.800.000

-

Xăng xe đi tuyên truyền: 2 buổi x 300,000 đ

600.000

4

Chi khen thưởng

 

*

Chi giải toàn đoàn

 

-

Giải A 06 giải x 5.000.000 đ/giải

30.000.000

-

Giải B 06 giải x 4,000.000 đ/giải

24.000.000

*

Giải các phần thi

 

-

Giải đạo diễn tác giả xuất sắc: Giải A: 6 giải x 1.000.000 đ

6.000.000

5

Chi phí khác

 

-

In giấy công nhận giải nhất, nhì, ba, khuyến khích: 12 cái x 60.000 đ

720.000

-

Mua khung giấy công nhận: 12 cái x 35.000 đ

420.000

-

May cờ lưu niệm: 12 cái x 150.000 đ

1.800.000

-

Nhuận bút thiết kế ma két trang trí tổng thể

1.000.000

-

Nhuận bút nhóm viết kịch bản tổng thể: 02 người x 500.000 đ

1.000.000

-

Họp BTC, BGK: 17 người x 2 lần x 150.000 đ

5.100.000

-

Bồi dưỡng BGK chấm thi: 7 người x 5 buổi x 300.000 đ

10.500.000

-

Bồi dưỡng thư ký: 2 người x 5 buổi x 100.000 đ

1.000.000

 

Bồi dưỡng BTC: 11 người x 5 buổi x 150.000 đ

8.250.000

-

Điều hành sân khấu: 2 người x 200.000 đ x 5 buổi

2.000.000

-

Chi bồi dưỡng kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng: 7 người x 150.000 x 6 buổi

6.300.000

-

Quay phim các điệu xòe: 02 máy x 2 ngày x 1.200.000 đ

4.800.000

-

Dựng phim điệu xòe đẹp: 60 phút

7.200.000

-

Chi dẫn chương trình: 2 người x 5 buổi x 400.000 đ

4.000.000

-

Chi văn phòng phẩm, vật liệu vệ sinh (Thi và chạy chương trình): 7 buổi x 900,000 đ

6.300.000

-

Mua hoa tươi để bàn: 8 bát x 50.000 đ

400.000

-

Mua hoa lẵng bục phát biểu: 02 lẵng x 300,0000 đ

600.000

-

Mua hoa tặng các giải toàn đoàn: 12 bó x 50.000 đ

600.000

-

Nước uống (họp trù bị + hội thi): 4 kiện x 90.000 đ

360.000

-

Điện nước hội trường (thi và chạy chương trình): 8 x 800,000 đ

6.400.000

-

Chi liên hoan tổng kết hội thi: 12 đội x 15 người x 150,000 đ

27.000.000

-

Phục vụ, công an bảo vệ: 12 người x 100,000 đ x 3 ngày

3.600.000

IV

HOÀN THIỆN VÀ LỰA CHỌN CÁC ĐIỆU XÒE TIÊU BIỂU MẠNG BẢN SẮC CÁC DÂN TỘC SƠN LA

149.000.000

1

Tổ chức hòa âm, phối khí nhạc xòe và dàn dựng, chỉnh lý các điệu xòe tiêu biểu

 

-

Hòa âm phối khí: 06 bài x 2.000.000 đ/bài

12.000.000

-

Phòng thu thanh: 06 bài x 1 ngày/bài x 800.000 đ/ngày

4.800.000

-

Nhuận bút tác giả: 06 tác phẩm nhạc x 2.000.000 đ/bài

12.000.000

-

Nhuận bút biên đạo múa: 06 tác phẩm x 2.000.000 đ

12.000.000

-

Nhạc sĩ: 6 người x 5 ngày x 400.000 đ

12.000.000

-

Biên đạo: 4 người x 5 ngày x 400.000 đ

8.000.000

2

Tổ chức lựa chọn các điệu xòe tiêu biểu

 

2.1

Thành lập Hội đồng tuyển chọn

 

 

BD Hội đồng tuyển chọn: 20 người x 200.000 đ x 2 ngày

8.000.000

2.2

Tổ chức hội thảo

 

-

Tài liệu: 30 bộ x 40.000 đ

1.200.000

-

Đĩa DVD tài liệu: 30 đĩa x 50.000 đ

1.500.000

-

Thuê màn hình trình chiếu: 01 bộ x 800.000 đ

800.000

-

Thuê hội trường: 01 ngày x 4.500 đ

4.500.000

-

Chi bồi dưỡng các nhà nghiên cứu: 30 người x 200.000 đ

6.000.000

3

Hoàn chỉnh các tác phẩm xòe đã được lựa chọn để báo cáo

 

-

Chỉnh lý và phối khí cho dàn nhạc dân tộc: 5 nhạc x 2.000.000 đ

10.000.000

-

Dàn nhạc cụ dân tộc luyện tập: 8 người x 10 ngày x 200.000 đ

16.000.000

-

Chỉ huy dàn nhạc: 02 người x 10 ngày x 300.000 đ

6.000.000

-

Diễn viên luyện tập: 30 người x 5 ngày x 100.000 đ

15.000.000

-

Mua bộ sạp

1.500.000

-

Điện nước hội trường: 5 ngày x 800.000 đ

4.000.000

-

Quay phim: 2 người x 3 ngày x 300.000 đ

1.800.000

-

Dựng phim DVD: 50 phút

7.500.000

-

In đĩa báo cáo: 20 đĩa x 20.000 đ

400.000

-

BD hội đồng CM duyệt: 20 người x 200.000 đ

4.000.000

V

SẢN XUẤT PHÁT HÀNH ĐĨA DVD

133.700.000

-

Sáng tác luýt

500.000

-

In luýt hộp đĩa: 1.000 cái x 5.000 đ/cái

5.000.000

-

Mua tem xuất bản: 1.000 cái x 1.000 đ/cái

1.000.000

-

In sang đĩa: 1.000 đĩa x 20.000 đ/đĩa

20.000.000

-

Mua đĩa gốc: 10 đĩa x 70.000 đ/đĩa

700.000

-

Duyệt DVD: 15 người x 100.000 đ/người

1.000.000

-

Giấy phép xuất bản: 01 giấy x 1.500.000 đ

1.500.000

-

Thuê máy quay phim: 8 ngày x 02 máy x 500.000 đ/ngày/máy

8.000.000

-

Xăng xe đi quay hình: 1000 km x 0.20 x 25.000 đ

5.000.000

-

Hòa âm phối khí: 06 bài x 2.000.000 đ/bài

12.000.000

-

Phòng thu thanh: 06 bài x 1 ngày/bài x 800.000 đ/ngày

4.800.000

-

Nhuận bút tác giả: 06 tác phẩm nhạc x 2.000.000 đ/bài

12.000.000

-

Nhuận bút biên đạo múa: 06 tác phẩm x 2.000.000 đ

12.000.000

-

Dựng phim

5.000.000

-

Đôi xòe đẹp quay phim: 30 người x 200.000 đ/người x 2 ngày

12.000.000

-

Bồi dưỡng kỹ thuật: 3 người x 5 ngày x 200.000 đ/người

3.000.000

-

Kịch bản tổng thể: 2 người x 1.200.000 đ/người

2.400.000

-

Đạo diễn quay điền giã: 2 người x 8 ngày x 200.000 đ/người

3.200.000

-

Đạo diễn hình: 2 người x 8 ngày x 200.000 đ/người/ngày

3.200.000

-

Chi quay phim chính: 1 người x 8 ngày x 200.000 đ/người/ngày

1.600.000

-

Chi quay phim phụ: 2 người x 8 ngày x 200.000 đ/người/ngày

3.200.000

-

Trang phục nguyên bản quay phim: 30 bộ x 40.000 đ/bộ x 3 ngày

3.600.000

-

Trang phục cách tân quay phim: 30 bộ x 40.000 đ/bộ x 3 ngày

3.600.000

-

Thuê hóa trang: 30 người x 100.000 đ/người x 3 ngày

9.000.000

-

Biên tập, đọc lời giới thiệu: 2 người x 200.000 đ/người

400.000

VI

TỔ CHỨC TẬP HUẤN

276.220.000

 

Tập huấn mẫu

276.220.000

-

Biên soạn tài liệu: 05 tài liệu x 500.000 đ

2.500.000

-

In tài liệu: 05 tài liệu x 120.000 đ x 12 huyện TP

720.000

-

CD nhạc tài liệu: 40 đĩa x 20.000 đ x 12 huyện TP

9.600.000

-

DVD hình động tác xòe: 40 đĩa x 40.000 đ x 12 huyện TP

19.200.000

-

Lưu trú giảng viên: 6 người x 5 ngày x 120.000 đ x 12 huyện TP

43.200.000

-

Tiền ngủ giảng viên: 6 người x 4 đêm x 150 000 đ x 12 huyện TP

43.200.000

-

Vé xe đi và về: 4 người x 300.000 đ x 8 huyện, TP

9.600.000

-

Báo cáo viên: 10 buổi x 500.000 đ/ buổi x 12 huyện, TP

60.000.000

-

Học viên: 40 người x 5 ngày x 30.000 đ x 12 huyện, TP

72.000.000

-

Trang trí: 12 tít x 700.000 đ

8.400.000

-

Khen thưởng: 10 người x 250.000 đ x 12 huyện, TP

3.000.000

-

Khung giấy khen: 10 cái x 40.000 đ x 12 huyện, TP

4.800.000

VII

PHỔ CẬP TOÀN DÂN (Diễn viên, tuyên truyền viên đã được tập huấn mẫu)

 

 

TỔNG CỘNG

1.328.480.000

Số tiền ghi bằng chữ: Một tỷ ba trăm hai mươi tám triệu bốn trăm tám mươi ngàn đồng chẵn.

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.