Quyết định 2365/2013/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Số hiệu: | 2365/2013/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Kạn | Người ký: | Hoàng Ngọc Đường |
Ngày ban hành: | 23/12/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2365/2013/QĐ-UBND |
Bắc Kạn, ngày 23 tháng 12 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Thông tư số: 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số: 2072/TTr-SNV ngày 12 tháng 12 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, TỔ DÂN PHỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2365/2013/QĐ-UBND ngày 23/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của thôn, làng, xóm, bản (gọi chung là thôn); tiểu khu, tổ dân phố, tổ nhân dân (gọi chung là tổ dân phố) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Thôn, tổ dân phố
Thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn; nơi thực hiện dân chủ một cách trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản và tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao.
Điều 3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư số: 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố.
Chương II
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THÔN, TỔ DÂN PHỐ
Điều 4. Tổ chức của thôn, tổ dân phố
Mỗi thôn, tổ dân phố có Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và các tổ chức tự quản khác của thôn, tổ dân phố.
Điều 5. Nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố
Nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số: 04/2012/TT-BNV .
Điều 6. Hội nghị của thôn, tổ dân phố
Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố triệu tập và chủ trì hội nghị thôn, tổ dân phố.
1. Hội nghị thôn, tổ dân phố được tổ chức sáu tháng một lần (một năm 02 lần), khi cần có thể tổ chức họp bất thường.
2. Thành phần hội nghị là toàn thể cử tri, hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố. Hội nghị được tiến hành khi có trên 50% số cử tri, hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tham dự. Trường hợp thôn, tổ dân phố có địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung thì có thể tổ chức các cuộc họp theo từng cụm dân cư. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổng hợp kết quả cuộc họp của từng cụm dân cư thành kết quả chung của thôn.
3. Nội dung hội nghị thôn, tổ dân phố:
- Triển khai các văn bản của cấp trên (nếu có).
- Thảo luận, quyết định và thực hiện các công việc tự quản, bảo đảm đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; xây dựng đời sống mới; giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, thuần phong mỹ tục trong cộng đồng dân cư; xây dựng cơ sở hạ tầng thôn, tổ dân phố; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố.
- Bàn biện pháp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã giao.
4. Các hình thức để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp hoặc biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 1; Khoản 1 Điều 2; Khoản 1 Điều 3; Khoản 1 Điều 4; Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 5 Chương I của hướng dẫn ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số: 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17/4/2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Các cuộc họp của thôn, tổ dân phố phải được ghi biên bản.
Điều 7. Thành lập thôn, tổ dân phố mới
1. Việc thành lập thôn, tổ dân phố mới phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:
- Đối với thôn: Phải có từ 70 hộ gia đình trở lên;
- Đối với tổ dân phố: Phải có từ 100 hộ gia đình trở lên.
b) Các điều kiện khác.
Thôn và tổ dân phố phải có cơ sở hạ tầng (quỹ đất để xây dựng nhà họp và các công trình phù trợ) phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và ổn định cuộc sống của người dân.
2. Thành lập thôn, tổ dân phố mới khi tổ chức định canh, định cư, di dân giải phóng mặt bằng, điều chỉnh địa giới hành chính và khi thực hiện quy hoạch giãn dân được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc ở vùng sâu, vùng xa có địa hình chia cắt, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn thì quy mô số hộ gia đình có thể thấp hơn quy định tại Quy chế này.
3. Trường hợp thành lập phường, thị trấn từ xã thì chuyển các thôn hiện có của xã thành tổ dân phố thuộc phường, thị trấn.
Điều 8. Quy trình và hồ sơ thành lập, ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có
Quy trình thành lập thôn, tổ dân phố mới, ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư số: 04/2012/TT-BNV .
Chương III
TRƯỞNG THÔN, TỔ TRƯỞNG TỔ DÂN PHỐ
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn và Tổ trưởng tổ dân phố
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn và Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số: 04/2012/TT-BNV .
Điều 10. Tiêu chuẩn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố
1. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là người có tinh thần yêu nước, trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, gắn bó và tận tụy với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
2. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, phải có hộ khẩu và cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố; đủ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe, nhiệt tình, phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm; có kiến thức văn hóa, có năng lực, kinh nghiệm và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc của cộng đồng dân cư và của cấp trên giao. Bản thân và gia đình luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.
Điều 11. Quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố
Quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 12 Thông tư số: 04/2012/TT-BNV .
Điều 12. Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố
1. Nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, tối đa không quá hai năm rưỡi.
2. Trường hợp thành lập thôn, tổ dân phố mới hoặc khuyết Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn chỉ định Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời để điều hành hoạt động của thôn, tổ dân phố cho đến khi bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố mới trong thời hạn không quá sáu tháng.
3. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận.
Điều 13. Chế độ, chính sách đối với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố
1. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được hưởng mức phụ cấp hàng tháng theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn những kiến thức, kỹ năng cần thiết theo quy định; nếu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được biểu dương, khen thưởng; không hoàn thành nhiệm vụ, có vi phạm khuyết điểm, không được nhân dân tín nhiệm thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Tổ chức thực hiện Quy chế
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy chế này.
2. Sở Nội vụ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quy chế.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết./.
Thông tư 04/2012/TT-BNV hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố Ban hành: 31/08/2012 | Cập nhật: 17/09/2012
Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN về hướng dẫn thi hành các điều 11, điều 14, điều 16, điều 22 và điều 26 của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn Ban hành: 17/04/2008 | Cập nhật: 24/04/2008