Quyết định 236/QĐ-TTG năm 2009 phê duyệt Đề án "Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài"
Số hiệu: 236/QĐ-TTG Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 20/02/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 01/03/2009 Số công báo: Từ số 137 đến số 138
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 236/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THÚC ĐẨY ĐẦU TƯ CỦA VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 273/TTr-BKH ngày 12 tháng 01 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

a) Thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam ra nước ngoài nhằm chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế.

b) Tăng cường các biện pháp, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

c) Quản lý có hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước.

2. Định hướng:

a) Về địa bàn đầu tư ra nước ngoài:

Tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh của các thành phần kinh tế Việt Nam trong đầu tư vào các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các nước trong khu vực, Liên Bang Nga..., từng bước mở rộng đầu tư sang các nước và thị trường mới như Mỹ La Tinh, Đông Âu, châu Phi dựa trên cơ sở lợi thế so sánh và thực lực của các thành phần kinh tế Việt Nam.

b) Về lĩnh vực ưu tiên đầu tư ra nước ngoài:

- Hỗ trợ các dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất điện năng, khai thác tài nguyên thiên nhiên, trong đó đặc biệt chú trọng các lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí và khoáng sản khác, lĩnh vực trồng cây công nghiệp.

- Khuyến khích và hỗ trợ các dự án đầu tư ra nước ngoài đáp ứng được các yêu cầu trong nước về nguyên liệu phục vụ sản xuất.

3. Giải pháp hỗ trợ thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài:

a) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi và định hướng cho các doanh nhân và doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn và hiệu quả.

b) Cải tiến thủ tục hành chính đối với đầu tư ra nước ngoài theo hướng đơn giản thuận tiện, mở rộng hơn nữa diện các dự án thuộc diện đăng ký, giảm bớt sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính ngay cả đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

c) Quy định đồng bộ các biện pháp khuyến khích và hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài một cách cụ thể, trong đó đặc biệt chú trọng các biện pháp hỗ trợ về cung cấp thông tin môi trường, cơ hội đầu tư nước sở tại, bảo hộ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài trong quá trình kinh doanh ở nước ngoài.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Để triển khai thực hiện các mục tiêu, định hướng và giải pháp nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Tổ chức triển khai thực hiện thống nhất nội dung các hiệp định, thỏa thuận song phương, đa phương giữa Việt Nam với các nước. Đồng thời, xúc tiến đàm phán, ký kết các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với một số nước, vùng lãnh thổ mà các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng đầu tư vào.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình Chính phủ trong năm 2009 Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đầu tư, mở rộng quy mô dự án thuộc diện đăng ký và quy định cụ thể ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, hạn chế, cấm đầu tư ra nước ngoài.

c) Xây dựng danh mục các địa bàn trọng điểm khuyến khích đầu tư ra nước ngoài cùng chính sách ưu đãi, chế độ hỗ trợ đi kèm.

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu, xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư ra nước ngoài phù hợp với đặc thù của từng địa bàn; đưa nội dung xúc tiến đầu tư ra nước ngoài thành một nội dung của Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.

đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan; các cơ quan đại diện ngoại giao đầu tư ở nước ngoài nghiên cứu, biên soạn tài liệu về luật pháp, chính sách, môi trường và cơ hội đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm nhằm cung cấp thông tin về cơ hội, chính sách, môi trường đầu tư của một số địa bàn trọng điểm cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý các cấp.

e) Chủ trì ban hành chế độ báo cáo của doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài và biện pháp chế tài, giám sát việc thực hiện chế độ báo cáo; ban hành cơ chế cung cấp thông tin về đối tác đầu tư của một số quốc gia, lãnh thổ có tiềm năng, cơ hội đầu tư.

g) Chịu trách nhiệm theo dõi và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

2. Bộ Tài chính:

a) Xây dựng, ban hành cơ chế ưu đãi hỗ trợ về tài chính, tín dụng đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang một số địa bàn trọng điểm, dự án đầu tư vào ngành lĩnh vực và địa bàn trọng điểm trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể quy định về chính sách tín dụng, bảo đảm nguồn vốn vay trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

c) Ban hành thông tư mới thay thế Thông tư số 97/2002/TT-BTC ngày 29 tháng 10 năm 2002 hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài trong quý III năm 2009.

d) Nghiên cứu và xây dựng phương án thành lập Quỹ hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009.

đ) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xúc tiến đàm phán, ký kết hiệp định tránh đánh thuế trùng với một số nước, vùng lãnh thổ chưa ký.

3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành quy định về đầu tư ra nước ngoài theo hình thức gián tiếp trình Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2009.

b) Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài của người cư trú là tổ chức, cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực đầu tư trực tiếp và gián tiếp ra nước ngoài) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2009.

4. Bộ Công Thương:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục ngành nghề, thị trường ưu tiên đầu tư; phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các dự án thuộc lĩnh vực, thị trường ưu tiên đầu tư như năng lượng, khai khoáng.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Xây dựng cơ chế hợp tác tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009.

b) Trao đổi và thoả thuận đưa nội dung an toàn lao động, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lao động vào Hiệp định ký kết về hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước mà Việt Nam có quan hệ hợp tác, đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009.

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng danh mục ngành nghề, thị trường ưu tiên đầu tư; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng, phê duyệt cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các dự án thuộc lĩnh vực, thị trường ưu tiên đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009.

b) Xây dựng chiến lược mở rộng đầu tư của Việt Nam vào các quốc gia trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2009.

c) Chú trọng triển khai các dự án đầu tư được thực hiện theo cam kết với các nước.

7. Bộ Ngoại giao:

a) Căn cứ các điều ước thoả thuận song phương đó được ký kết, cơ quan ngoại giao tại địa bàn, nơi doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, chủ động hỗ trợ nhà đầu tư trong xử lý các vấn đề vướng mắc trong quá trình hoạt động tại nước sở tại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

b) Hàng năm tổ chức gặp mặt các nhà đầu tư Việt Nam tại nước sở tại, đồng thời hỗ trợ thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam nhằm phát triển đầu tư của doanh nhân người Việt Nam trên địa bàn nước sở tại.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ được phân công và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào cuối quý IV năm 2009. Trường hợp phát sinh những vấn đề vượt quá thẩm quyền, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo để thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty 91;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5b). XH

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng