Quyết định 2358/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Số hiệu: 2358/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Hà Hoà Bình
Ngày ban hành: 20/09/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2358/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 20 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Luật Quy hoạch đô thị ngày 17/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Nghị định 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết định số 2057/QĐ-UBND ngày 15/8/2011 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc V/v phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Thông báo số 504-TB/TU ngày 26/3/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 65/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XV, kỳ họp thứ 4 về việc thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1577/TTr-SXD, ngày 24/8/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

2. Chủ đầu tư: Sở Xây dựng Vĩnh Phúc.

3. Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Viện quy hoạch xây dựng Vĩnh Phúc.

4. Phạm vi lập quy hoạch.

Phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc được giới hạn gồm 9 đơn vị hành chính: Thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, huyện Yên lạc, huyện Vĩnh Tường, huyện Tam Dương, huyện Tam Đảo, huyện Lập Thạch, huyện Sông Lô với tổng diện tích tự nhiên 1236,5km2, cụ thể:

- Phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Tuyên Quang;

- Phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ;

- Phía Đông và Nam giáp thành phố Hà Nội;

5. Tính chất:

- Là một tỉnh thuộc vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh;

- Là một vùng kinh tế tổng hợp có tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp sinh thái và là một đầu mối giao thông quan trọng của khu vực phía Bắc và cả nước;

- Là vùng đô thị lớn, trong đó đô thị Vĩnh Phúc là đô thị loại I, giữ vai trò là “hạt nhân”, hướng tới xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành thành phố vào những năm 20 của thế kỷ XXI;

- Có vị trí quan trọng về mặt an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường đối với Thủ đô Hà Nội và khu vực.

6. Các chỉ tiêu dự báo phát triển vùng đến năm 2030.

6.1. Kinh tế:

- Xây dựng cơ sở kinh tế vững chắc, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội toàn vùng có sự cạnh tranh cao;

- Xây dựng cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, dịch vụ và nông - lâm nghiệp; từng bước chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng và nông - lâm nghiệp trong những năm 20 của thế kỷ XXI;

- Giữ mức độ tăng trưởng nhanh, ổn định;

- Nâng mức thu nhập bình quân hàng năm đảm bảo các điều kiện an sinh xã hội.

6.2. Quy mô dân số:

- Năm 2011: 1.016.000 người, trong đó dân số đô thị 250.000 người, dân số nông thôn 766.000 người;

- Năm 2020: Dự báo 1.410.000 người, trong đó dân số đô thị 850.000 người, dân số nông thôn là 560.000 người;

- Năm 2030: Dự báo 1.800.000 người, trong đó dân số đô thị 1.250.000 người, dân số nông thôn 550.000 người.

6.3. Lao động:

Có kế hoạch đào tạo và giải quyết việc làm cho khoảng một triệu người trong độ tuổi lao động.

6.4. Cơ cấu sử dụng đất đai:

- Năm 2020: Đất nông nghiệp 764,33km2, bằng 61,81% đất tự nhiên của tỉnh; đất phi nông nghiệp 467,43km2 bằng, 37,80% đất tự nhiên của tỉnh; đất chưa sử dụng 4,74km2 bằng 0,38% đất tự nhiên của tỉnh;

- Năm 2030: Đất nông nghiệp 707,10km2, bằng 57,19% đất tự nhiên của tỉnh; đất phi nông nghiệp 524,66km2, bằng 42,43% đất tự nhiên của tỉnh; đất chưa sử dụng 4,74km2, bằng 0,38% đất tự nhiên của tỉnh.

6.5. Các chỉ tiêu sử dụng đất XD đô thị và nông thôn tính toán theo nhu cầu phát triển phù hợp với Tiêu chuẩn, Quy phạm và Quy chuẩn của Việt Nam.

7. Định hướng phát triển không gian vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030.

7.1. Cơ cấu quy hoạch vùng.

Cơ cấu quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc theo mô hình nhất thể hóa đô thị - nông thôn, gắn kết chặt chẽ với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phát triển hài hòa với thiên nhiên, trong đó:

- Đô thị Vĩnh Phúc gồm: Thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên, một phần các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương và Tam Đảo với tổng diện tích tự nhiên khoảng 31.860 ha, quy mô dân số 1,0 triệu người là đô thị trung tâm làm “hạt nhân” và “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển toàn vùng;

- Ba chùm đô thị vệ tinh được kết nối bằng đường vành đai 5 tỉnh Vĩnh Phúc, gắn với ba vùng kinh tế tự nhiên giữ vai trò hỗ trợ đô thị Vĩnh Phúc, trong đó: Chùm đô thị vệ tinh miền núi lấy thị trấn Hợp Châu và thị trấn Tây Thiên làm hạt nhân; chùm đô thị trung du lấy thị trấn Lập Thạch (trong tương lai là thị xã) làm hạt nhân; chùm đô thị đồng bằng lấy thị trấn Vĩnh Tường và thị trấn Thổ Tang (tương lai là thị xã) làm hạt nhân.

- Xây dựng hệ thống các điểm dân cư nông thôn mới gắn với ba vùng kinh tế nông nghiệp sinh thái Miền núi, Trung du và Đồng bằng, kết nối với ba chùm đô thị vệ tinh và đô thị Vĩnh Phúc.

- Hình thành vành đai xanh xung quanh đô thị Vĩnh Phúc, gắn kết với các hành lang xanh trong đô thị và các vùng nông nghiệp ven đô, tạo thành bộ khung bảo vệ thiên nhiên, đảm bảo cân bằng sinh thái và phát triển bền vững cho toàn tỉnh.

- Gắn kết với vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bằng hệ thống đường giao thông quốc gia và các trung tâm thu hút cấp vùng.

7.2. Hệ thống các vùng kinh tế - lãnh thổ trong tỉnh.

Tỉnh Vĩnh Phúc được phân thành 04 vùng kinh tế - lãnh thổ với 11 tiểu vùng sau:

- Vùng kinh tế đô thị Vĩnh Phúc: Diện tích 281,94 km2, gồm 05 tiểu vùng là - Vĩnh Yên; Bắc Vĩnh Yên; Nam Vĩnh Yên; Bình Xuyên và Phúc Yên.

- Vùng kinh tế lâm nghiệp - sinh thái - du lịch - dịch vụ phía Bắc: Diện tích 340,18 km2, gồm 01 tiểu vùng là huyện Tam Đảo, một phần huyện Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên.

- Vùng kinh tế nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại phía Nam: Diện tích 211,54 km2, gồm 02 tiểu vùng là Vĩnh Tường và Yên Lạc.

- Vùng kinh tế công - nông nghiệp - dịch vụ phía Tây: Diện tích 402,84 km2, gồm 03 tiểu vùng là Lập Thạch, Tam Dương và Sông Lô.

7.3. Hệ thống các vùng và cơ sở sản xuất.

- Các vùng và khu công nghiệp (KCN):

Ba vùng công nghiệp chính rộng 6.628 ha, gồm khoảng 16 KCN tập trung như sau:

+ Vùng Bình Xuyên: Tổng số 2.168 ha, gồm 06 KCN tập trung Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Nam Bình Xuyên, Bá Thiện, Bá Thiện II, Sơn Lôi;

+ Vùng Tam Dương: Tổng số 3.080 ha, gồm khoảng 05 KCN Tam Dương I, Tam Dương II, Hội Hợp, Chấn Hưng (các khu đã có danh mục quy hoạch đến năm 2020) và KCN phía Tây đô thị Vĩnh Phúc theo Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc;

+ Vùng Lập Thạch - Sông Lô: Tổng số 1.380 ha, gồm 05 KCN Lập Thạch I, Lập Thạch II, Sông Lô I, Sông Lô II và Thái Hòa - Liễn Sơn;

Các vùng công nghiệp khác rộng 867 ha gồm 05 KCN:

+ Vĩnh Yên: Diện tích 197 ha, 01 KCN Khai Quang;

+ Phúc Yên: Diện tích 200 ha, gồm KCN Phúc Yên và KCN Kim Hoa - Phúc Thắng;

+ Vĩnh Tường: Diện tích 470 ha, gồm KCN Vĩnh Thịnh và KCN Vĩnh Tường.

- Các vùng và khu du lịch, nghỉ dưỡng:

Phát triển các vùng và các khu du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái, văn hóa - tâm linh, du lịch cuối tuần và các loại hình du lịch khác như: Hội thảo, thể thao, thám hiểm, lễ hội…đáp ứng nhu cầu khoảng 4,45 - 4,65 triệu lượt khách vào năm 2020 và khoảng 9,0 triệu lượt khác vào năm 2030. Các khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung gồm:

+ 03 khu du lịch cấp Quốc gia: Đải Lải khoảng 1.000 ha, Hồ Sáu Vó khoảng 2.800 ha, Tây Thiên - Tam Đảo II khoảng 1.200 ha;

+ 06 khu du lịch cấp tỉnh: Đầm Vạc khoảng 500 ha, Tam Đảo I khoảng 300 ha, Hồ Làng Hà khoảng 400 ha, Hồ Vân Trục – hồ Bò Lạc khoảng 800ha, Đầm Rưng 300 ha và Bắc Ngọc Thanh khoảng 2.500 ha.

- Các vùng sản xuất nông lâm nghiệp: Diện tích sản xuất nông lâm nghiệp là 70.710 ha được phân thành 04 vùng với định hướng phát triển như sau:

+ Vĩnh Tường - Yên Lạc: Chủ yếu là lúa, hoa, rau chất lượng cao;

+ Tam Dương: Cây ăn quả, cây cảnh, vành đai xanh sinh thái, nông nghiệp sinh thái;

+ Lập Thạch - Sông Lô: Lúa, hoa màu, cây lâu năm;

+ Tam Đảo - Lập Thạch - Sông Lô: Cây ăn quả, rừng sản xuất, rừng sinh thái, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Tam Đảo.

7.4. Hệ thống các đô thị:

Hệ thống các đô thị Vĩnh Phúc gồm 21 đô thị dự kiến phân loại như sau:

a) Đô thị Vĩnh Phúc: Trở thành thành phố loại I thuộc tỉnh, giữ vai trò là trung tâm vùng, với quy mô dân số 1,0 triệu người.

b) Đô thị Vĩnh Tường: Là thị xã loại IV, giữ vai trò là trung tâm của vùng kinh tế phía Nam tỉnh Vĩnh Phúc, có quy mô dân số khoảng 210.000 người, tương lai là thị xã vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc.

c) Đô thị Lập Thạch: Là thị xã loại IV, giữ vai trò là trung tâm của vùng phía Tây tỉnh Vĩnh Phúc, có quy mô dân số khoảng 70.000 người, tương lai là thị xã vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc.

d) Đô thị Hợp Châu: Là thị trấn loại IV, giữ vai trò là trung tâm của vùng miền núi phía Bắc; là thị trấn huyện lỵ với quy mô dân số khoảng 50.000 người.

e) Đô thị Tam Hồng: Là thị trấn loại IV, giữ vai trò là trung tâm của tiểu vùng đồng bằng Yên Lạc và là thị trấn huyện lỵ (dự kiến) với quy mô dân số khoảng 50.000 người.

f) Các thị trấn:

Tổng số 16 thị trấn, là đô thị loại V, với tổng dân số là 137.000 người; trong có 02 thị trấn huyện lỵ là Hợp Hòa, Tam Sơn và; 03 thị trấn du lịch - dịch vụ là Tam Đảo, Tây Thiên (Đại Đình) và Bắc Ngọc Thanh; 10 thị trấn gồm Nguyệt Đức, Liên Châu, Sơn Đông, Đức Bác, Lãng Công, Hải Lựu, Bàn Giản, Vàng, Đạo Trù và Hợp Lý giữ vai trò là trung tâm các cụm xã, làm điểm tựa cho quá trình xây dựng phát triển nông thôn mới.

7.5. Hệ thống các điểm dân cư nông thôn:

Tổng số các điểm dân cư nông thôn gồm 67 xã, được phân bố như sau:

- Yên Lạc: 10 xã khoảng 65.000 người;

- Vĩnh Tường: 19 xã khoảng 135.000 người;

- Tam Dương: 7 xã khoảng 49.000 người;

- Lập Thạch: 10 xã khoảng 83.000 người;

- Sông Lô: 13 xã khoảng 65.000 người;

- Tam Đảo: 8 xã khoảng 55.000 người.

Việc xây dựng và phát triển các xã theo Quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn và 19 tiêu chí của Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương.

7.6. Hệ thống hạ tầng xã hội:

- Nhà ở: Xây dựng mới và cải tạo 49,60 triệu m2 nhà ở, trong đó 37,50 triệu m2 nhà ở tại các đô thị đạt chỉ tiêu bình quân 30 m2/người; 12,10 triệu m2 nhà ở tại các điểm dân cư nông thôn, đạt tiêu chuẩn bình quân 22 m2/ người.

- Hệ thống các trung tâm dịch vụ tổng hợp được tổ chức theo 4 cấp:

+ Cấp 1 (vùng): Đô thị Vĩnh Phúc;

+ Cấp 2 (tiểu vùng): Hợp Châu - Tây Thiên, Lập Thạch và Vĩnh Tường;

+ Cấp 3 (huyện): Tam Hồng, Hợp Hòa và Tam Sơn;

+ Cấp 4 (các cụm xã): Các thị trấn.

- Hệ thống các trung tâm chính trị - hành chính được tổ chức theo 3 cấp:

+ Cấp tỉnh: Vĩnh Yên;

+ Cấp huyện: Trung tâm 11 tiểu vùng;

+ Cấp xã: Các xã, phường, thị trấn.

- Hệ thống các trung tâm chuyên ngành:

+ Các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở nghiên cứu khoa học có diện tích khoảng 1.800 ha, bố trí tại đô thị Vĩnh Phúc là 1.500 ha; bố trí tại các chùm đô thị vệ tinh Hợp Châu, Vĩnh Tường và Lập Thạch khoảng 300ha;

+ Các cơ sở điều dưỡng, y tế cấp vùng có diện tích là 100-120 ha bố trí tại thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên, huyện Tam Dương, huyện Yên Lạc và các đô thị khác.

+ Cây xanh, mặt nước, công viên và khu thể dục thể thao có diện tích là 3.100 ha, trong đó 2.500 ha bố trí tại đô thị Vĩnh Phúc, còn lại 600 ha bố trí tại các đô thị trong tỉnh.

Trên địa bàn toàn tỉnh, kết nối hệ thống cây xanh, mặt nước, công viên và các khu thể dục thể thao tại các đô thị với vành đai xanh, hành lang xanh của đô thị Vĩnh Phúc và các vùng bảo tồn thiên nhiên, mặt nước, các vùng nông nghiệp chuyên canh để hình thành bộ khung bảo vệ thiên nhiên, cân bằng sinh thái;

8. Tổ chức lãnh thổ và quy hoạch sử dụng đất đai.

8.1. Tổ chức lãnh thổ:

- Giai đoạn 2012 – 2015:

+ Tỉnh Vĩnh Phúc gồm thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại III; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và 07 huyện Bình Xuyên, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch và Sông Lô;

+ Thành lập một số phường và thành lập mới các thị trấn là đô thị loại V theo nhu cầu phát triển;

+ Đẩy mạnh phát triển các khu dân cư nông thôn theo Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Giai đoạn 2016 - 2020:

+ Tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III; thị xã Vĩnh Tường là đô thị loại IV; thị xã Bình Xuyên là đô thị loại IV và 05 huyện Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch và Sông Lô;

+ Thành lập một số phường và thành lập mới một số thị trấn là đô thị loại V theo yêu cầu phát triển;

+ Tiếp tục phát triển Chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Giai đoạn 2021 – 2030:

+ Tỉnh Vĩnh Phúc gồm: Thành phố Vĩnh Phúc trực thuộc tỉnh là đô thị loại I (trên cơ sở hợp nhất 03 đô thị Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Phúc Yên); thị xã Vĩnh Tường là đô thị loại IV; thị xã Lập Thạch là đô thị loại IV và 04 huyện Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo và Sông Lô;

+ Xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đạt tiêu chuẩn thành phố loại I thuộc tỉnh, đảm bảo đủ điều kiện để tỉnh Vĩnh Phúc trở thành thành phố;

+ Thành lập mới thị xã Lập Thạch, đô thị loại IV;

+ Xây dựng thị trấn Hợp Châu, thị trấn Tam Hồng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV;

+ Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

8.2. Quy hoạch sử dụng đất đến 2030.

- Ưu tiên dành quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất hai lúa theo chỉ tiêu do Chính phủ giao, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đai được Quốc hội phê duyệt;

- Dành đủ đất cho xây dựng và phát triển đô thị, đặc biệt là đô thị Vĩnh Phúc và hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội, kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng diện rộng;

- Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các loại đất thuộc hành lang an toàn các sông suối, mặt nước, đất bộ khung bảo vệ thiên nhiên và các vùng đất cấm xây dựng theo quy định của pháp luật.

9. Định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

9.1. Giao thông:

- Đường bộ:

+ Giao thông đối ngoại: Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; các trục đường chính: Quốc lộ 2, đường BOT tránh Quốc lộ 2, Quốc lộ 2B, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 23; đường vành đai 4,5 và đường vành đai 5 của Thủ đô Hà Nội;

+ Giao thông nội vùng: Gồm 10 hướng tuyến nối với trung tâm đô thị Vĩnh Phúc, trong đó có 01 tuyến đi Lào Cai, 01 tuyến đi Phú Thọ, 02 tuyến đi Tuyên Quang, 02 tuyến đi Thái Nguyên và 04 hướng tuyến đi Thủ Đô Hà Nội.

Trên cơ sở các đường vành đai số 1, số 2, số 3 trong Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, bổ sung 02 đường vành đai số 4 và số 5 kết nối các trung tâm thu hút ngoài đô thị Vĩnh Phúc.

- Đường sông: Sông Hồng và sông Lô.

- Hàng không: Sân bay quốc tế Nội Bài cách trung tâm đô thị Vĩnh Phúc khoảng 30 km về phía đông.

- Đường sắt và giao thông công cộng:

+ Xây mới tuyến đường sắt khổ rộng 1,43m Hà Nội - Lào Cai; nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hiện hữu; xây dựng tuyến đường sắt nhẹ (LRT) Bắc Nam, xây dựng tuyến đường sắt du lịch Nội Bài – Vĩnh Phúc.

+ Xe buýt gồm tuyến xe buýt nhanh (BRT) (Phúc Yên-Vĩnh Yên); các tuyến xe buýt Vĩnh Yên - Tam Đảo; Vĩnh Yên - Chợ Chang; Vĩnh Yên - Tam Sơn; Vĩnh Yên - Việt Trì, Vĩnh Yên - Hà Nội; các tuyến vành đai ngoài, vành đai giữa, vành đai trong và các tuyến khác.

- Các công trình giao thông đầu mối:

+ Xây dựng các bến xe liên tỉnh gần với các tuyến xe buýt, các nhà ga đường sắt và các cảng du lịch;

+ Xây dựng 04 cảng sông: Như Thụy, Đức Bác, Vĩnh Thịnh, Trung Hà và 02 cảng ICD tại Bình Xuyên, Tam Dương;

+ Xây dựng các cầu vượt sông, đường hầm Tam Đảo và các nút giao thông khác mức.

9.2. Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng:

- Cốt san nền:

Khống chế các cốt san nền tối thiểu cho các khu vực: Lưu vực sông Phan 8,7 đến 9,0m; Đầm Vạc 8,9m; bắc hồ Điều Hòa 8,8m; Hương Canh 8,8m; khu vực sông cà Lồ 8,9-9,0 m; các khu vực khác 9,0 m.

- Thoát nước mưa:

Hình thành 07 vùng thoát nước mưa, lưu vực sông Lô và phía tây Lập Thạch thoát về sông Lô; lưu vực phía đông Lập Thạch và tây bắc Tam Đảo thoát về sông Phó Đáy; 04 lưu vực tại Tam Dương, Vĩnh Yên, Vĩnh Tường - Yên Lạc, Bình Xuyên, Phúc Yên và nam Tam Đảo thoát về sông Cà Lồ và hệ thống hồ điều hòa thoát động lực ra sông Hồng; lưu vực phía nam Vĩnh Tường và Yên Lạc thoát trực tiếp ra sông Hồng (ngoài đê tả sông Hồng); thoát nước mưa tại các đô thị, khu dân cư nông thôn theo quy hoạch xây dựng được duyệt.

- Các biện pháp trị thủy:

Thoát nước cưỡng bức ra sông Hồng; cải tạo sông Phan, sông Cà Lồ; xây dựng các công trình thủy lợi tại các lưu vực chính: Lưu vực thượng lưu sông Phan; lưu vực xung quanh Vĩnh Yên và lưu vực sông Cà Lồ; cải tạo và nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đê kè.

9.3. Cấp nước:

- Nhu cầu lượng cấp nước: 840.000 m3/ng.đ, trong đó nhu cầu trước mắt khoảng 550.000 m3/ng.đ và dự phòng cho tương lai là 290.000 m3/ng.đ.

- Nguồn nước: Nước mặt sông Lô và sông Hồng là nguồn cấp chủ yếu; hạn chế sử dụng nước ngầm.

- Mạng lưới cấp nước:

+ Đối với đô thị Vĩnh Phúc, đô thị Vĩnh Tường và thị trấn Hợp Hòa xây dựng nhà máy lấy nước từ sông Lô có công suất giai đoạn đầu 365.000 m3/ng.đ, cùng với các nhà máy nước hiện có hoặc đang xây dựng tại Vĩnh Yên, Hợp Thịnh, Phúc Yên, Vĩnh Tường, Tam Dương để cung cấp nước cho khu vực;

+ Đối với khu vực đô thị Lập Thạch: Nâng công suất nhà máy nước Lập Thạch (nước mặt sông Lô) cung cấp nước cho đô thị Lập Thạch và các KCN Lập Thạch I, Lập Thạch II, Sông Lô II;

+ Đối với các đô thị loại IV, đặc biệt vùng núi phía bắc, việc cấp nước có thể dựa vào các nguồn nước mặt (hồ chứa nước), nước mưa và nước ngầm tại chỗ.

9.4. Cấp điện:

- Tổng phụ tải: 2.900 MW.

- Nguồn cấp: Lưới điện 220KV Việt Trì - Sóc Sơn và lưới điện 110KV Việt Trì.

- Trạm biến thế: Xây mới 02 trạm 220KV gồm trạm Vĩnh Tường II, trạm Bá Thiện. Xây dựng 12 trạm 110KV gồm: Hội Hợp, Vĩnh Tường III, Yên Lạc, Tam Đảo I, Tam Đảo II, Gia Khánh, Tam Hợp, Sông Lô, Tam Dương, Hoàng Lâu, Sông Lô và Lập Thạch II. Cải tạo mở rộng các trạm 220KV gồm: Vĩnh Yên, Lập Thạch và Vĩnh Tường II.

9.5. Thoát nước thải và vệ sinh môi trường.

- Thoát nước thải: Nhu cầu thoát và xử lý khoảng: 670.000 m3/ng.đ. Xây dựng 05 trạm xử lý nước thải tập trung tại đô thị Vĩnh Phúc, đối với các đô thị khác xây dựng các trạm xử lý riêng.

- Thu gom chất thải rắn (CTR): Lượng chất thải rắn: 4200 m3/ng.đ. Đối với đô thị Vĩnh Phúc, xây dựng 04 trạm xử lý có quy mô trung bình 5,0ha/ trạm ( bố trí trong các KCN tập trung), trước mắt tập trung xây dựng 01 trạm xử lý. Đối với các đô thị khác, xây dựng các trạm xử lý CTR riêng.

- Công viên nghĩa trang: Nhu cầu đất xây dựng khoảng 300ha, trong đó công viên nghĩa trang dành cho đô thị Vĩnh Phúc khoảng 200ha, còn 100 ha bố trí phân tán tại các chùm đô thị vệ tinh và các khu dân cư nông thôn.

Địa điểm xây dựng công viên nghĩa trang tập trung được xác định cụ thể trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các huyện Bình Xuyên và Tam Đảo.

9.6. Bảo vệ môi trường.

- Xử lý hiện trạng môi trường: Có biện pháp xử lý kiên quyết và dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay để đảm bảo an toàn cho nguồn cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu, bảo vệ môi trường đất, môi trường không khí; bảo vệ quỹ rừng và sự đa dạng sinh học, các hệ sinh thái đặc trưng.

- Xây dựng quy chế quản lý và có biện pháp kiểm soát bảo vệ môi trường cho các vùng bảo tồn, hạn chế phát triển; vùng môi trường đô thị và các khu du lịch; vùng rừng phòng hộ, vành đai xanh, hành lang xanh và hệ thống cây xanh công cộng; vùng nông thôn, làng nghề, vùng đất ngập nước và các hệ sinh thái rừng, sông hồ chứa nước.

- Các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường: Giám sát, xử lý các vi phạm, gây ô nhiễm; đánh giá tác động môi trường và cam kết thực hiện bảo vệ môi trường đối với từng dự án; tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thích hợp trong các hoạt động bảo vệ môi trường.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Xây dựng các chương trình trọng điểm đầu tư xây dựng vùng:

- Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị;

- Chương trình xây dựng nông thôn mới;

- Chương trình bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

2. Giải pháp thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng vùng:

- Tăng cường và ưu tiên công tác quy hoạch và kế hoạch;

- Chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch phục vụ phát triển các dự án đầu tư và xây dựng;

- Thu hút đầu tư và huy động các nguồn vốn;

- Xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại và đồng bộ, coi trọng phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng;

- Xây dựng thể chế và chính sách ưu tiên phát triển vùng;

- Đổi mới và nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước;

- Xây dựng lộ trình tái cấu trúc lãnh thổ hợp lý theo giai đoạn phát triển;

- Tăng cường sức cạnh tranh của đô thị hạt nhân, các chùm đô thị vệ tinh và các vùng điểm dân cư nông thôn;

- Coi trọng công tác chính trị, tư tưởng, phát huy dân chủ trong cộng đồng và vai trò tham dự của dân cư;

- Giao Sở Xây dựng đề xuất với UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch và xây dựng vùng tỉnh.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan và đơn vị có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH





Hà Hòa Bình

 





Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng Ban hành: 24/01/2005 | Cập nhật: 06/12/2012