Quyết định 2354/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu: | 2354/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu | Người ký: | Lê Thanh Dũng |
Ngày ban hành: | 30/10/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Bổ trợ tư pháp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2354/QĐ-UBND |
Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 30 tháng 10 năm 2012 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 4413/QĐ-BTP ngày 08 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Tờ trình số 468/TTr-STP ngày 11 tháng 10 năm 2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tư pháp, Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2354/QĐ-UBND ngày 30 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Để triển khai thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10/5/2011, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý như sau:
- Việc triển khai thực hiện Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” phải đảm bảo đồng bộ, có chất lượng, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, từng bước xã hội hóa trợ giúp pháp lý bằng việc mở rộng và phát triển mạng lưới cộng tác viên, khuyến khích, thu hút và huy động tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý;
- Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với trợ giúp pháp lý, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân nói chung và người được trợ giúp pháp lý nói riêng, nhất là đối với các xã nghèo, xã vùng sâu;
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước bảo đảm yêu cầu về con người để tổ chức thực hiện các hoạt động về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và thành lập thêm các Chi nhánh nhằm đáp ứng có hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm để hoạt động trợ giúp pháp lý thực sự gần dân, sát cơ sở, giải quyết vụ việc ngay tại địa bàn, gắn với tuyên truyền, giải đáp pháp luật, giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp và không đúng pháp luật.
- Công tác trợ giúp pháp lý phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, trên cơ sở nòng cốt là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, huy động sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội và đội ngũ Cộng tác viên, Luật sư - cộng tác viên, Tư vấn viên pháp luật.
B. NỘI DUNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC:
I. GIAI ĐOẠN 2012 - 2015:
1. Tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý:
Xây dựng gắn Bảng thông tin và Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở tiếp dân của 80% Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp huyện; 100% trụ sở tiếp dân của các cơ quan tố tụng cấp tỉnh và cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân; thông tin về trợ giúp pháp lý trên Đài Truyền thanh cấp xã, cấp huyện; xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, thông tin về trợ giúp pháp lý trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu; lồng ghép với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, hoạt động xét xử lưu động của Tòa án; biên soạn tờ gấp, cẩm nang và các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật khác.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2012-2015.
2. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ trợ giúp pháp lý:
a) Xây dựng đề án kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi tắt là Trung tâm) giai đoạn 2012-2015, đồng thời hàng năm tăng biên chế cho Trung tâm nhằm đủ nguồn nhân lực để phục vụ nhân dân trong công tác trợ giúp pháp lý.
b) Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2012 - 2015.
b) Huy động, khuyến khích tối đa các tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức xã hội đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý, bảo đảm 50% - 60% tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2012-2015.
3. Tăng cường nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý:
a) Rà soát, đánh giá trình độ và nhân lực của trợ giúp pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh; phát triển khoảng 13 Trợ giúp viên pháp lý và khoảng 150 cộng tác viên, chú trọng xây dựng đội ngũ cộng tác viên là người có uy tín trong cộng đồng, phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: Năm 2012 - 2015.
b) Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý: hàng năm, cử chuyên viên pháp lý đang công tác tại Trung tâm và các Chi nhánh đi học các lớp đào tạo nghề luật sư do Học viện Tư pháp tổ chức đào tạo; các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; lớp bồi dưỡng lý luận chính trị Cao cấp; các đợt bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, UBND tỉnh tổ chức liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý. Đảm bảo hàng năm có từ 85-90% số người thực hiện trợ giúp pháp lý được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý và cập nhật kiến thức pháp luật mới.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: Năm 2012 - 2015.
4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và tăng cường trợ giúp pháp lý ở cơ sở:
a) Khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu trợ giúp pháp lý và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý theo định kỳ hàng năm nhằm bảo đảm đáp ứng được đầy đủ nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân; khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý; các chủ thể tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Bộ tiêu chuẩn chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp, Trung tâm trợ giúp pháp lý.
- Thời gian thực hiện: Năm 2012-2015.
b) Tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở (trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, sinh hoạt pháp luật theo chuyên đề,...), ưu tiên các vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm 100% các xã tại khu vực này thành lập và tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt/năm.
- Cơ quan thực hiện: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã, Tư pháp cấp huyện, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các tổ chức có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2012 - 2015.
5. Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động trợ giúp pháp lý:
a) Xây dựng mới hoặc cải tạo trụ sở làm việc của Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân; tăng cường kinh phí, bố trí phương tiện làm việc, đi lại, phục vụ hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các tổ chức có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Năm 2012-2015.
b) Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: Năm 2012-2015.
II. GIAI ĐOẠN 2016 - 2020:
1. Tăng cường hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý:
Rà soát, sửa đổi các nội dung mới trên các Bảng thông tin tại trụ sở tiếp dân của Ủy ban nhân dân, cơ quan hành chính cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã; Cơ quan tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ; cơ quan thanh tra quân đội các cấp và đồn biên phòng; thông tin về trợ giúp pháp lý trên 100% loa phát thanh cấp xã; xây dựng chuyên trang, chuyên mục thông tin về trợ giúp pháp lý trên 100% Đài Truyền thanh cấp huyện, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh, Báo Bà Rịa- Vũng Tàu; lồng ghép với các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; hoạt động xét xử lưu động của Tòa án; biên soạn tờ gấp, cẩm nang và các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật khác.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, phương tiện thông tin có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2020.
2. Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ trợ giúp pháp lý:
Xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế của Trung tâm giai đoạn 2016-2020, với mục đích bảo đảm tính độc lập trong hoạt động và chịu trách nhiệm về trợ giúp pháp lý.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện.
- Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2020.
3. Tăng cường nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý:
a) Phát triển khoảng 18 Trợ giúp viên pháp lý và khoảng 200 cộng tác viên, chú trọng phát triển các cộng tác viên trợ giúp pháp lý là phụ nữ và người dân tộc thiểu số, nhân viên xã hội, người có uy tín trong cộng đồng...
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp phối hợp với các tổ chức đoàn thể có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2020.
b) Bảo đảm 100% người thực hiện trợ giúp pháp lý được đào tạo, bồi dưỡng với các hình thức phù hợp để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý hành chính nhà nước, trình độ chính trị, tin học và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp pháp lý, có trình độ và năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý ở các hình thức: tư vấn, tham gia tố tụng, hòa giải ... và có kỹ năng phối hợp thuần thục trong hoạt động nghiệp vụ; có trình độ cao trong tổ chức, giải quyết vụ việc, quản lý cộng tác viên và trợ giúp pháp lý cộng đồng.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2020.
4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý và tăng cường trợ giúp pháp lý ở cơ sở:
a) Tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở, bảo đảm 100% cấp xã thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01 đợt/ năm, đáp ứng 100% nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân ngay tại cơ sở.
- Cơ quan thực hiện: Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã, Tư pháp cấp huyện, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các tổ chức có liên quan.
- Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2020.
b) Tổng kết, đánh giá các hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở, củng cố, kiện toàn, đổi mới các mô hình thực hiện trợ giúp pháp lý, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng phong phú và đa dạng của người được trợ giúp pháp lý.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2020.
5. Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động trợ giúp pháp lý:
a) Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động trợ giúp pháp lý tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và tổ chức bộ máy, cán bộ đáp ứng có chất lượng đầy đủ nhu cầu của người dân.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các tổ chức có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện.
- Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2020.
b) Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức và cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: Năm 2016 - 2020.
III. GIAI ĐOẠN 2020 - 2030:
1. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trợ giúp pháp lý:
Kiện toàn đội ngũ Luật sư Nhà nước theo hướng chuyên môn hóa và chuyên nghiệp, hiện đại; bảo đảm 100% người thực hiện trợ giúp pháp lý đáp ứng về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp để bảo đảm quyền lựa chọn người thực hiện trợ giúp pháp lý của người được trợ giúp pháp lý.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: Năm 2020 - 2030.
2. Tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động trợ giúp pháp lý:
Khảo sát, nghiên cứu và xác định mức ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển trợ giúp pháp lý.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp.
- Thời gian thực hiện: Năm 2020 - 2030.
3. Kiểm tra, đánh giá, tổng kết, báo cáo việc tổ chức thực hiện Chiến lược:
Tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược để đánh giá toàn diện về mô hình tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý nhà nước và xã hội và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân sau 10 năm thực hiện Chiến lược.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện.
- Thời gian thực hiện: Năm 2020 - 2030.
Để đảm bảo thực thi có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý, cần quán triệt, nâng cao nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý trong cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức, coi đây là một trong các nhiệm vụ góp phần tích cực trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh phối hợp với thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Sở Tư pháp:
- Chủ trì phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch này; hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chủ trì phối hợp các Sở, ngành có liên quan kiểm tra việc triển khai kế hoạch; xác lập cơ chế kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, kiểm tra nguồn lực bố trí cho hoạt động trợ giúp pháp lý, thực hiện việc khen thưởng, xử lý vi phạm và kiến nghị các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý.
- Chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Xây dựng kế hoạch kiện toàn tổ chức bộ máy kèm theo chương trình hoạt động trợ giúp pháp lý theo giai đoạn của Kế hoạch để thực hiện tốt việc kiện toàn Trung tâm và Chi nhánh.
2. Sở Nội vụ:
Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp xác định cụ thể về tổ chức bộ máy, định mức biên chế cho Trung tâm và Chi nhánh trong từng năm; tham mưu, thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định số lượng biên chế cho Trung tâm và các Chi nhánh trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.
3. Sở Kế hoạch và đầu tư:
Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch phát triển, hỗ trợ đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Trung tâm và các Chi nhánh.
4. Sở Tài chính:
Hàng năm cân đối ngân sách bố trí kinh phí đảm bảo cho hoạt động của bộ máy Trung tâm và các Chi nhánh; kinh phí chi thường xuyên và kinh phí chi cho hoạt động chuyên môn nghiệp vụ để Trung tâm và Chi nhánh triển khai có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý theo yêu cầu của Kế hoạch được giao.
5. Các Sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh:
- Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện tốt Kế hoạch này và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Trung tâm và Chi nhánh thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo việc khuyến khích cán bộ, công chức làm cộng tác viên trợ giúp pháp lý; phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp bố trí cơ sở vật chất, địa điểm làm việc cho việc thành lập các Chi nhánh đặt tại huyện; chỉ đạo Phòng Tư pháp và các cơ quan, đoàn thể liên quan phối hợp với Trung tâm, Chi nhánh thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý theo kế hoạch.
6. Các cơ quan, tổ chức, đoàn thể.
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tích cực đóng góp, tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý; đồng thời khuyến khích các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư, các tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng tạo điều kiện, hỗ trợ cho các Trợ giúp viên pháp lý và Luật sư - Cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ trợ giúp pháp lý cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
- Hàng năm, Sở Tư pháp tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện đúng tiến độ./.
Quyết định 678/QĐ-TTg năm 2017 Bộ Tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 Ban hành: 19/05/2017 | Cập nhật: 24/05/2017
Quyết định 4413/QĐ-BTP năm 2011 về Kế hoạch tổng thể triển khai Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 Ban hành: 08/12/2011 | Cập nhật: 29/03/2012
Quyết định 678/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 Ban hành: 10/05/2011 | Cập nhật: 14/05/2011