Quyết định 235/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025
Số hiệu: 235/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
Ngày ban hành: 23/01/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 235/QĐ-UBND

Huế, ngày 23 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 2989/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2006 của UBND tỉnh về quy định phân công, phân cấp và ủy quyền giải quyết một số vấn đề trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Nghị quyết số 11i/2008/NQ-HĐND ngày 11 tháng 12 năm 2008 của HĐND tỉnh về việc thông qua Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 54/SXD-HTKT ngày 15 tháng 01 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Pham vi quy hoạch: Hệ thống đô thị, điểm dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Quan điểm quy hoạch:

a) Quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt; phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành của tỉnh.

b) Phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn phải phù hợp yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và xu hướng liên kết, hội nhập, bảo đảm sự phát triển cân đối hài hoà giữa đô thị và nông thôn; bảo đảm tính ổn định, phát triển bền vững; xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; coi trọng việc quản lý theo đúng quy hoạch và pháp luật; kết hợp chặt chẽ với việc bảo đảm an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội.

3. Mục tiêu quy hoạch: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh nhằm tổ chức thực hiện hoàn chỉnh các tiêu chí hệ thống đô thị, hướng tới cả tỉnh Thừa Thiên Huế là thành phố loại I trực thuộc Trung ương, cụ thể:

a) Xây dựng hệ thống đô thị theo hướng gắn kết với nhau và với khu vực nông thôn bằng mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ;

b) Hình thành và phát triển các hạt nhân tăng cường, các cụm đô thị động lực trên cơ sở phát triển nhanh khu vực thành phố Huế và vùng phụ cận, đô thị Chân Mây - Lăng Cô và các thị trấn huyện lỵ, thị trấn trung tâm tiểu vùng;

c) Đầu tư cho khu vực nông thôn tạo thành vành đai, vệ tinh phát triển của các đô thị, khu kinh tế và các khu công nghiệp trong tỉnh.

4. Nội dung quy hoạch:

4.1. Dự báo phát triển dân số và đất xây dựng:

a) Dân số:

- Dân số toàn tỉnh năm 2007 là 1.145.259 người, dân số đô thị là 397.328 người; dự báo dân số toàn tỉnh đến năm 2015 khoảng 1.250.000 người, dân số đô thị khoảng 642.000 người; đến năm 2025 khoảng 1.395.000 người, dân số đô thị khoảng 942.500 người.

- Dân số trong độ tuổi lao động năm 2007 khoảng 620.000 người, đến năm 2015 khoảng 690.000 người và năm 2025 khoảng 780.000 người.

b) Đất xây dựng đô thị:

- Năm 2007: 5.166 ha, bình quân 130 - 150 m2/người.

- Dự báo đến năm 2015 vào khoảng 7.000 - 9.000ha, bình quân 130 - 150 m2/người.

- Đến năm 2025 vào khoảng 16.000 - 18.000ha, bình quân 150 - 170 m2/người.

4.2. Định hướng quy hoạch hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn:

a) Hệ thống đô thị:

- Tập trung phát triển thành phố Huế, các thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ, Thuận An, thị trấn Bình Điền để trở thành khu vực nội thị thành phố Thừa Thiên Huế trong tương lai. Đây là hạt nhân tăng trưởng của vùng, là trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, trung tâm văn hóa, nghệ thuật, trung tâm đào tạo đại học, trung tâm y tế chuyên sâu và chất lượng cao, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, trung tâm giao dịch quốc tế quan trọng của vùng và cả nước.

- Đầu tư phát triển mạnh khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thành trung tâm kinh tế và đô thị quan trọng, kết nối với thành phố Huế tạo nên trục kinh tế Huế - Chân Mây Lăng Cô, là trục phát triển dịch vụ - du lịch - công nghiệp năng động, là đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Xây dựng các thị trấn trung tâm huyện lỵ của các huyện ngoại thành: Phong Điền, A Lưới là đô thị loại IV (giai đoạn 2015 – 2025); Sịa, Phú Đa, Phú Lộc, Khe Tre là đô thị loại V.

- Xây dựng các thị trấn trung tâm tiểu vùng: Điền Hải, An Lỗ, Vinh Thanh, Vinh Hiền, La Sơn, Nam Đông, A Đớt, Hồng Vân,…

b) Hệ thống điểm dân cư nông thôn:

- Liên kết khu vực đô thị - nông thôn: tập trung xây dựng các kết cấu hạ tầng cho các đô thị nhỏ và điểm dân cư nông thôn. Phát triển các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với quy mô, vị trí hợp lý nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Các điểm dân cư nông thôn được liên kết với đô thị bằng mạng lưới giao thông và hạ tầng kinh tế khác, giữ vai trò phục vụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ cho đô thị, góp phần giảm tải và có điều kiện phát triển như một bộ phận của đô thị mở rộng.

- Mô hình phát triển mạng lưới đô thị, điểm dân cư nông thôn: Điểm dân cư nông thôn gắn với các cơ sở sản xuất chế biến với quy mô nhỏ, gắn với làng nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp, gắn với vùng sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, gắn với các chợ biên giới, các vùng kinh tế quốc phòng, đồn trạm biên phòng biên giới, hải đảo.

c) Lộ trình thực hiện:

- Xây dựng khu vực nội thị của thành phố Thừa Thiên Huế:

+ Hoàn thiện các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội đảm bảo các tiêu chí của đô thị loại I tại khu vực ranh giới quản lý hành chính hiện nay của thành phố Huế.

+ Đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng để hình thành thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, thị xã Thuận An, thị trấn Bình Điền đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I.

+ Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở kinh tế nối kết thành phố Huế với các đô thị mới Hương Thuỷ, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền để tạo lập khu vực nội thị cho thành phố Thừa Thiên Huế xứng đáng với các tiêu chí của đô thị loại I.

- Đẩy nhanh tốc độ xây dựng đô thị Chân Mây - Lăng Cô:

+ Xây dựng hoàn chỉnh các cơ sở kinh tế của Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; xây dựng các khu đô thị tại Chân Mây - Lăng Cô đảm bảo tiêu chí đô thị loại III.

+ Hoàn chỉnh, nâng cấp hạ tầng giao thông nối kết khu vực nội thị thành phố Thừa Thiên Huế với đô thị Chân Mây - Lăng Cô để tạo động lực cho không gian phát triển đô thị dọc hành lang ven biển.

- Xây dựng các thị trấn huyện lỵ và các thị trấn trung tâm tiểu vùng đạt các tiêu chí đô thị loại IV và V.

- Tập trung đầu tư cho khu vực nông thôn các cơ sở hạ tầng thiết yếu để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo dựng bộ mặt nông thôn mới.

4.3. Định hướng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật:

a) Quy hoạch giao thông:

- Đường bộ: Nâng cấp, hoàn thiện tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 49A, 49B, quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh; xây mới tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường 71, đường 74. Nâng cấp tỉnh lộ, huyện lộ; nâng cấp và xây dựng mới các đường giao thông đến trung tâm các xã; xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới.

- Đường hàng không: Đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Phú Bài đạt tiêu chuẩn sân bay quốc tế.

- Đường sắt: Nâng cấp ga Huế và ga Lăng Cô, dịch chuyển các ga Hương Thủy, Truồi, Thừa Lưu, xây dựng đường sắt vào Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tiến tới dịch chuyển đường sắt về phía Tây Huế; xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

- Đường biển: Hình thành tuyến vận tải cao tốc Bắc - Nam trên biển; xây dựng phát triển cảng biển Chân Mây; nâng cấp cảng Thuận An; xây dựng cảng Điền Lộc; phát triển cảng Tư Hiền thành cảng cá chuyên dụng.

- Đường thuỷ: Nâng cấp tuyến phá Tam Giang - đầm Cầu Hai và tuyến sông Hương từ cửa Thuận An đến ngã ba Tuần thành trục giao thông chính.

- Công trình phục vụ giao thông: Xây dựng các trung tâm tiếp vận để nối kết các loại hình giao thông đặt tại thành phố Huế, Chân Mây. Xây dựng mới một số bến xe khách tại Hương Trà, Hương Thuỷ, Chân Mây - Lăng Cô.

b) Chuẩn bị kỹ thuật:

- Chuẩn bị nền xây dựng: Tận dung đất hoang hoá, kém hiệu quả nông nghiệp khai thác quỹ đất có điều kiện thuận lợi vùng gò đồi để xây dựng đô thị. Cao độ xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn đảm bảo chống ngập úng, thoát nước tự nhiên tốt.

- Các công trình thuỷ lợi: Hoàn thiện xây dựng hệ thống các công trình thuỷ lợi hồ đầu nguồn, đập dâng, hồ thuỷ điện, đê bao để chống lũ, hạn chế thiệt hại về tài sản và con người.

- Thoát nước:

+ Các thành phố: Đến năm 2015 đạt 100% cống theo đường giao thông đô thị; đối với các thị xã, thị trấn, đến năm 2015 đạt 80% cống theo đường giao thông đô thị.

+ Thành phố Huế: Dùng hệ thống nửa riêng trong các khu phố cũ, tại các khu đô thị mới có hệ thống riêng.

+ Khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô: dùng hệ thống riêng hoàn toàn.

+ Các thị xã, thị trấn: Sử dụng hệ thống cống kết hợp đến năm 2015, sau năm 2015 tách thành hệ thống thoát nước riêng.

+ Các khu công nghiệp nhất thiết phải có công trình xử lý nước thải.

+ Các suối nhỏ, mương, khe tụ thuỷ: Cần khơi thông dòng chảy, kè hoặc bê tông hoá.

- Các giải pháp kỹ thuật khác:

+ Không xây dựng, xây dựng hạn chế hoặc xây dựng phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho dân cư và các công trình tại các khu vực cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất.

+ Củng cố các đoạn đê biển, đồng thời chống bão biển, sóng biển làm xói lở các điểm dân cư ven biển.

+ Vùng đồng bằng thường xuyên bị lũ lụt cần cảnh báo và tuyên truyền cho nhân dân sẵn sàng phòng chống và tránh lũ.

+ Tăng cường quản lý và trồng rừng đầu nguồn tăng độ che phủ cho rừng phòng hộ để chống xói lở và lũ quét, cải tạo đất trống đồi núi trọc.

+ Dọc theo bờ biển có khả năng bị ngập do nước biển dâng, khi xây dựng cần nghiên cứu kỹ điều kiện biến đổi khí hậu để đưa ra giải pháp hợp lý hạn chế ngập lụt.

c) Cấp điện:

- Tổng phụ tải yêu cầu giai đoạn 2015 là 450MW, giai đoạn 2025 là 1.411MW.

- Xây dựng hệ thống cấp điện đồng bộ, an toàn, đảm bảo đáp ứng 100% nhu cầu điện sinh hoạt, chiếu sáng cho các đô thị trong phạm vi của tỉnh. Xây dựng các nguồn thuỷ điện, phong điện, điện mặt trời. Quy hoạch phát triển lưới điện: 500KV, 220KV, 110KV và trung hạ thế,... đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, chiếu sáng cho các đô thị, khu công nghiệp.

d) Cấp nước:

- Nhu cầu cấp nước

+ Giai đoạn 2015: Tổng nhu cầu là 324.800 m3/ngày.đêm.

+ Giai đoạn 2025: Tổng nhu cầu là 594.300 m3/ngày.đêm.

- Nguồn nước: Cấp nước chủ yếu dùng nguồn nước mặt và nước mưa, hạn chế dùng nguồn nước ngầm.

- Giải pháp cấp nước:

+ Phát huy hiệu quả quản lý hệ thống cấp nước hiện nay. Mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước để đáp ứng mục tiêu cấp nước cho các đô thị.

+ Khai thác hợp lý các công trình cấp nước hiện có; mở rộng, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các công trình phù hợp với sự phát triển của các đô thị trong giai đoạn đến năm 2015 và 2025.

+ Ngoài các xã đã được cấp nước từ các đô thị, các khu dân cư nông thôn khác có thể xây dựng các hệ thống cấp nước tập trung tự chảy từ các nguồn nước suối hoặc bơm giếng. Khuyến khích nhân dân xây dựng các bể chứa nước mưa.

đ) Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

- Thoát nước thải:

+ Thành phố Huế: Khu vực cũ sử dụng hệ thống thoát nước hỗn hợp. Khu vực xây dựng mới sẽ xây cống thu nước thải riêng, xây các trạm bơm và trạm xử lý nước thải tập trung.

+ Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô: Sử dụng hệ thống thoát nước thải riêng.

+ Các đô thị khác: Dùng hệ thống cống thoát nước nửa riêng, trong đó thị xã Hương Thuỷ, thị xã Hương Trà thực hiện trong giai đoạn đầu, các đô thị khác giai đoạn đầu sử dụng hệ thống cống chung.

+ Các khu công nghiệp tập trung: Xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng, công trình xử lý nước thải. Công nghiệp phân tán và các làng nghề phải xử lý nước thải trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị.

- Thu gom và xử lý chất thải rắn: Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị đảm bảo đạt ≥ 95% đối với các đô thị loại II trở lên; ≥ 90% đối với các đô thị loại III và IV; 85% đối với đô thị loại V. Thu gom, xử lý rác thải y tế, rác thải công nghiệp đạt 100%; tái sử dụng, tái chế đạt 85%. Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn tuân thủ quy hoạch đã phê duyệt.

- Nghĩa trang: Quy hoạch xây dựng nghĩa trang đảm bảo các yêu cầu về môi trường. Xây dựng lò hoả táng để tiết kiệm đất chôn cất. Quy hoạch cụ thể tuân thủ quy hoạch hệ thống nghĩa trang toàn tỉnh đã được phê duyêt.

4.4. Định hướng phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội:

a) Cơ sở đào tạo: Xây dựng, phát triển các trường đại học và cao đẳng, các trung tâm đào tạo chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học tại thành phố Huế và vùng phụ cận.

b) Các cơ sở y tế: Tiếp tục đầu tư xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu, các bệnh viện đa khoa lớn. Xây dựng mới, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện y học cổ truyền, bệnh viện phục hồi chức năng. Xây dựng hoàn chỉnh các trung tâm y tế phù hợp với nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân địa phương.

c) Các cơ sở thể dục thể thao:

Cải tạo, nâng cấp sân vận động hiện nay ở thành phố Huế thành các sân vận động đa năng. Xây dựng mạng lưới công trình sân bãi thể dục thể thao kết hợp với các trung tâm văn hoá cấp thị trấn huyện lỵ.

5. Các nội dung quy hoạch xây dựng đợt đầu đến năm 2015:

a) Thành phố Huế: Tiếp tục xây dựng thành phố Huế là trung tâm chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ thương mại - du lịch, giáo dục đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu của tỉnh và vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.

b) Đô thị Chân Mây - Lăng Cô: Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để đô thị Chân Mây trở thành trung tâm dịch vụ thương mại lớn.

c) Đô thị Hương Thủy: Tiếp tục đầu tư hoàn thiện sân bay quốc tế Phú Bài, khu công nghiệp Phú Bài, các dự án hạ tầng đô thị và các điểm dân cư nông thôn.

d) Đô thị Hương Trà: tiếp tục đầu tư phát triển cở sở hạ tầng đô thị và nông thôn đặc biệt quan tâm đến hệ thống giao thông kết nối với thành phố Huế.

đ) Đô thị Thuận An: Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chú trọng các hệ thống giao thông liên kết với thành phố Huế.

- Nâng cấp các thị trấn huyện lỵ hiện có, các đô thị trung tâm tiểu vùng, thành lập mới thị trấn Phú Đa. Đồng thời chú trọng đầu tư xây dựng một số điểm dân cư nông thôn.

6. Các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư:

a) Các chương trình:

- Chương trình phát triển kinh tế -xã hội, kinh tế-đô thị dọc theo quốc lộ 1A.

- Chương trình nước sạch và giao thông nông thôn

- Chương trình bảo vệ môi trường (trồng rừng, rừng đầu nguồn, các biện pháp bảo vệ nguồn nước, giải quyết ô nhiễm công nghiệp).

- Chương trình xây dựng Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

- Chương trình cải tạo và xây dựng các hạ tầng xã hội: y tế, trường học, dịch vụ thương mại công cộng.

- Chương trình phát triển mạng lưới du lịch, đặc biệt là các tuyến du lịch sinh thái văn hoá, lịch sử.

- Chương trình phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị.

- Chương trình cải tạo và phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh.

b) Các dự án:

- Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông nối kết thành phố Huế với các đô thị Hương Thuỷ, Hương Trà, Thuận An, Bình Điền.

- Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn và nghĩa trang hợp vệ sinh cho các đô thị và điểm dân cư tập trung.

- Tiếp tục xây dựng hệ thống cấp nước cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn.

- Lập các dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải cho các đô thị.

- Kè các khu vực đã bị xói lở ở các bờ sông Hương, sông Truồi, sông Ô Lâu, bờ một số suối nhỏ trong khu dân cư, các thị trấn, các điểm dân cư tập trung

- Kè các khu vực trượt lở ven sườn núi trong các đô thị, dọc các đường giao thông để đảm bảo an toàn cho dân cư, phương tiện giao thông. Di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ trượt lở, đá lăn, và có biển cảnh báo các khu vực này.

7. Các giải pháp:

a) Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý đô thị; đổi mới cơ chế và chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quy hoạch, nhà đất, đầu tư, xây dựng quản lý khai thác và sử dụng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Có biện pháp đẩy mạnh và duy trì mục tiêu phát triển đô thị xanh, sạch, đẹp…

b) Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường vai trò, trách nhiệm sự tham gia của các bên liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị.

c) Đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm các đô thị, các khu công nghiệp, khu du lịch… theo các chương trình dự án, đúng với định hướng phát triển chung.

d) Xây dựng chính sách và các giải pháp vốn, trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, các nguồn vốn trong và ngoài nước vào mục đích phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Văn hoá Thể Thao và Du lịch, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Huế, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện