Quyết định 2330/QĐ-UBND năm 2006 điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới xăng dầu tỉnh An Giang đến năm 2010
Số hiệu: 2330/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Phạm Kim Yên
Ngày ban hành: 23/11/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2330/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 23 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI XĂNG DẦU TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2010.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 59/2006/NĐ-CP , ngày 12/6/2006 của Chính phủ về quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;

Căn cứ Chương trình công tác số 01/CTr-UBND, ngày 22/2/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc giao trách nhiệm cho Sở Thương mại điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thương mại tại Tờ trình số 07/TTr-STM, ngày 02/11/2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới xăng dầu tỉnh An Giang đến năm 2010 (đính kèm bảng điều chỉnh Quy hoạch xăng dầu đến năm 2010).

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 1513/2003/QĐ-UBND, ngày 18/8/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2010;

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Thương mại; Thủ Trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan; UBND huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Tỉnh uỷ, TT. HĐND, TT UBND tỉnh;
- Sở Thương mại, Sở Kế hoạch & ĐT;
- Sờ Xây dựng, Sở Tài nguyên – MT;
- Sở Giao thông – VT, Sở Khoa học – CN;
- Công an tỉnh (PCCC);
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Lưu VT, KT, XDCB.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm Kim Yên

 

ĐIỀU CHỈNH

QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI XĂNG DẦU TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2010
(Kèm theo Quyết định số: 2330/QĐ-UBND ngày 23 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang )

I. Sự cần thiết điều chỉnh Quy họach :

- Điều chỉnh Quy hoạch để phù hợp với sự ra đời của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến họat động kinh doanh xăng dầu như Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu; quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; các văn bản của Ban chỉ đạo 127TW về tăng cường quản lý và chống xuất lậu xăng dầu qua biên giới Campuchia.

- Đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu phù hợp, đồng bộ với sự hình thành và phát triển các khu dân cư- đô thị, việc nâng cấp - mở rộng các trục giao thông quốc lộ, tỉnh lộ; khu công nghiệp, khu du lịch phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời với các giải pháp xây dựng và tổ chức quản lý kinh doanh xăng dầu phù hợp quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và sự gia tăng của các phương tiện vận tải qua tỉnh thời kỳ từ nay đến năm 2010.

II. Căn cứ pháp lý:

- Chương trình công tác năm 2006 của UBND tỉnh, giao Sở Thương mại tiến hành điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đến năm 2010.

- Nghị định số 59/2006/NĐ-CP , ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

- Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg , ngày 15 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phù về quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu.

- Quyết định số 1505/2003/QĐ-BTM , ngày 17 tháng 11 năm 2003 của Bộ Thương mại về quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu.

- Thông tư số 14/1999/TT.BTM ngày 07/7/1999 của Bộ Thương mại về hướng dẫn điều kiện kinh doanh xăng dầu.

- Các văn bản của Ban chỉ đạo 127TW về tăng cường quản lý và chống xuất lậu xăng dầu qua biên giới Campuchia.

- Nghị định 186/2004/NĐ-CP ngày 05/11/2004 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

- Công văn số 2241/BGT-VT ngày 24/4/2006 của Bộ Giao thông vận tải về thủ tục thoả thuận giữa Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về quy hoạch các điểm đấu nối vào quốc lộ.

- Quyết định số 2177/QĐ.UB ngày 16/9/2002 của UBND tỉnh An Giang, ban hành bản quy định về phạm vi lộ giới các tuyến đường bộ trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Các văn bản qui phạm pháp luật về môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08/9/2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường; Quyết định số 103/2005/QĐ-TTg ngày 12/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG MẠNG LƯỚI XĂNG DẦU TỈNH AN GIANG THỜI KỲ 2003-2006

I. Thực trạng mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh:

1. Các chủ thể kinh doanh xăng dầu và nguồn hàng cung ứng

Hiện nay có 7 doanh nghiệp đầu mối thiết lập hệ thống cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang:

1- Cty xăng dầu An Giang (Petrolimex ) – Đơn vị thành viên

2- Chi nhánh công ty Dầu khí Petro Mekong

3- Cty TNHH Dầu khí TP.HCM (Sài Gòn Petro)

4- Cty. Dầu khí Vũng Tàu (PDC)

5- Cty. Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex)

6- Chi nhánh thuộc Cty Xăng dầu Quân đội

7- Cty Thương mại Dầu khí (Petechim)

Cung ứng xăng dầu qua hệ thống 8 Tổng đại lý gồm:

1- Công ty TNHH Huy Hoàng

2- Công ty TNHH TM & DV Mỹ Hoà

3- DNTN An Kiên

4- DNTN Trương Dung

5- DNTN Khánh Phương

6- DNTN Minh Quân

7- DNTN Hiệp Hưng

8- DNTN Nguyễn Thanh Hồng

Thực hiện Quy chế quản lý kinh doanh xăng, dầu theo QĐ số 187/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu theo QĐ số 1505/2003/QĐ-BTM , ngày 17 tháng 11 năm 2003 của Bộ Thương mại, hệ thống phân phối xăng dầu của tỉnh đã được thiết lập, từng bước phát triển và ổn định, phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm an toàn năng lượng quốc gia, bảo đảm cân đối xăng dầu cho nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và tiêu dùng xã hội.

2. Mạng lưới cửa hàng xăng dầu:

2.1. Tốc độ phát triển: Sau 3 năm thực hiện Quy hoạch 2003 – 2006, đã có 107 cửa hàng xăng dầu xây dựng mới, tốc độ tăng bình quân trên dưới 5%/năm; phát triển tại khu vực nông thôn 80%, thành thị 9%, biên giới 11%. Các cửa hàng đều phát triển đúng theo quy hoạch đã ghi.

2.2. Quy mô: Tính đến 01/9/2006, toàn tỉnh có 408 cửa hàng kinh doanh xăng dầu với 1.422 trụ bơm, trong đó kinh doanh trên tuyến đường bộ là 269 cửa hàng (chiếm 66%), kinh doanh trên tuyến đường thủy là 139 cửa hàng (chiếm 34%). Căn cứ dung tích chứa, các cửa hàng được chia làm 3 loại:

+ Cửa hàng cấp I (>61m3- 150m3): 38 (chiếm 10% so tổng số)

+ Cửa hàng cấp II (16m3- 61m3): 256 (chiếm 63%)

+ Cửa hàng cấp III (<16m3) :       112 (chiếm 27%)

2.3. Vị trí, địa điểm phân bố cửa hàng trên địa bàn: Mật độ phân bố cửa hàng đồng đều, hài hoà và hợp lý, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho phát triển sản xuất nông - công nghiệp và giao thộng vận tải, giải quyết nhu cầu tiêu dùng của người dân từ thành thị, nông thôn và biên giới.

3. Hệ thống kho chứa, kho dự trữ :

Hiện nay hình thành hai loại hệ thống kho hỗ trợ cho nhau có hiệu quả trong quá trình dự trữ lưu thông và phân phối bán hàng có tổng sức chứa gần 26 ngàn m3 (trước đây chỉ có chỉ có 13,7 ngàn m3).

1. Tổng kho dự trữ thuộc hai chi nhánh xăng dầu đầu mối:

- Công ty xăng dầu An Giang (Petrolimex): Tổng số 2.700m3 kho Vịnh Tre huyện Châu Phú có sức chứa 2.100m3 và kho Mỹ Thạnh có sức chứa 600m3.

- Chi Nhánh Cty Petromekong: Kho trung chuyển tại thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, có sức chứa 185m3 và đang triển khai dự án đầu tư kho tại phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên, giai đoạn I sức chứa 2.650m3 trên tổng số 5.650m3 vào năm 2010 .

2. Hệ thống kho phân phối của 8 tổng đại lý : 4.262m3, tại TP.Long Xuyên có 2 kho với sức chứa 1.462m3, Tân Châu có 2 kho với sức chứa 610m3, Chợ Mới có 1 kho với sức chứa 580m3, An Phú có 1 kho với sức chứa 590m3, Phú Tân có 1 kho với sức chứa 580m3 và Thọai Sơn có 1 kho với sức chứa 440m3 và kho chứa bán hàng của đại lý bán lẻ gần 19 ngàn m3.

II. Công tác tổ chức, quản lý kinh doanh trên địa bàn tỉnh:

Trong đợt khảo sát, kiểm tra cuối năm 2002, toàn tỉnh có 362 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó cửa hàng xăng dầu thuộc doanh nghiệp Nhà nước là 17, còn lại là sở hữu của doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Căn cứ quy định tại Thông tư 14/1999/TT-BTM , ngày 07/ 7/ 1999 của Bộ Thương mại về hướng dẫn điều kiện kinh doanh xăng dầu thì trong tổng số 362 cửa hàng kinh doanh xăng dầu có 282 cửa hàng đủ điều kiện theo quy định; số còn lại còn một số vi phạm cần phải điều chỉnh như:

- Chưa đạt quy chuẩn như về khoảng cách an tòan PCCC, mốc lộ giới, vị trí neo đậu, đặt bồn chứa hoặc trụ bơm không đúng quy định : 43 cửa hàng

- Địa điểm kinh doanh nằm trong quy họach phải giải tỏa : 12 cửa hàng

- Kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, không đúng nội dung ghi trong giấy phép kinh doanh: 25 cửa hàng

Qua kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên bằng các biện pháp nghiệp vụ, biện pháp hành chính của các lực lượng chức năng đến nay hầu hết cửa hàng vi phạm đã nêu đều tự khắc phục, sửa chữa sai sót, kinh doanh đúng quy định đối với mặt hàng kinh doanh có điều kiện, trong đó có 23 hộ chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác.

Thực hiện Quyết định số 1513/2003/QĐ-UB, ngày 18 tháng 8 năm 2003 của UBND tỉnh AG về việc phê duyệt Quy họach mạng lưới cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2010; Quyết định số 187/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý kinh doanh xăng dầu và Quy chế đại lý kinh doanh xăng dầu theo QĐ số 1505/2003/QĐ-BTM , ngày 17 tháng 11 năm 2003 của Bộ Thương mại đã đạt được một số kết quả khá tốt đồng thời cũng tồn tại hạn chế cần khắc phục.

1. Kết quả đạt được:

- Thiết lập mạng lưới kinh doanh xăng dầu đi vào trật tự, nề nếp theo hệ thống phân phối, tạo thuận lợi trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát.

- Doanh nghiệp chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương chính sách trong kinh doanh.

- Nâng cấp, phát triển các cửa hàng + cây xăng xây dựng quy mô, trang thiết bị hiện đại.

- Chấn chỉnh đầu tư xây dựng cửa hàng tràn lan, không đảm bảo quy trình, quy chuẩn, thu hẹp dần các điểm bán xăng dầu nhỏ lẻ bằng chai, lọ.

- Khống chế được xuất lậu xăng dầu qua biên giới khi có tình trạng chênh lệch giá giữa 2 bên Việt Nam – Campuchia.

2. Những tồn tại, hạn chế.

- Tại một số vùng xa, đi lại không thuận tiện vẫn còn tồn tại các điểm bán chai lọ, thùng phuy, dùng bơm lắc tay.

- Tình trạng chất lượng không đảm bảo, đo đếm không chính xác làm thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng.

III. Nhận xét, đánh giá:

Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội cũng như việc gia tăng của các họat động dịch vụ nhất là hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa, thời gian qua mạng lưới kinh doanh xăng dầu đã phát triển tăng qua từng năm. Năm 2000 toàn tỉnh có 253 cửa hàng đến 2002 là 352 (tăng 39% so với năm 2000), năm 2004 là 373 (tăng 6% so với năm 2002) và tại thời điểm tháng 9/2006 là 408 cửa hàng (tăng 9% so với năm 2004).

Hoạt động kinh doanh thực hiện theo hệ thống phân phối. Theo đó, các thương nhân là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng các qui định về hàng hóa kinh doanh có điều kiện, được kinh doanh xăng dầu trên thị trường nội địa dưới hình thức đại lý và chịu trách nhiệm về giá cả, số lượng, chất lượng xăng dầu bán ra theo các cam kết trong hợp đồng đại lý. Trách nhiệm của đại lý bán lẻ xăng dầu là ký kết hợp đồng đại lý với doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hoặc doanh nghiệp làm tổng đại lý về giao nhận, vận chuyển, giá bán và thù lao.... Đại lý bán lẻ chỉ được làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một doanh nghiệp là doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hoặc doanh nghiệp làm tổng đại lý, và chỉ được bán lẻ xăng dầu của một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối theo hợp đồng đại lý đã ký kết; thường xuyên bán xăng dầu ra thị trường và không được bán cao hơn giá bán lẻ do doanh nghiệp xăng dầu đầu mối quy định; chấp hành các quy định cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật về đo lường, chất lượng xăng dầu bán ra.

Công tác quản lý cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đã được phân cấp về các Phòng Kinh tế huyện, thị, thành phố thực hiện tạo thuận tiện và giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp đều chấp hành đúng quy định pháp luật hiện hành về kinh doanh hàng hóa có điều kiện.

Vấn đề cần quan tâm hiện nay là tình trạng bán xăng dầu sử dụng bơm lắc tay còn khá nhiều mặc dù đã tăng cường kiểm tra, xử phạt và nghiêm cấm sử dụng, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Tân Châu và Phú Tân, khoảng hơn 100 điểm, ước lượng tiêu thụ khoảng 60.000 lít/tháng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng do không đảm bảo chất lượng và số lượng, nhưng trên hết là nguy cơ về an toàn cháy nổ do không tuân thủ các quy định an toàn trong kinh doanh xăng dầu và thường tập trung tại các khu dân cư.

Phần thứ hai

ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI XĂNG DẦU TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2010

I. Quan điểm, định hướng:

- Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải theo qui hoạch, phân bố hợp lý giữa các vùng trong tỉnh, tuân thủ đúng các quy định của nhà nước về mặt hàng kinh doanh có điều kiện..

- Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu của sản xuất và đời sống, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, bảo đảm hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội: người kinh doanh có lãi, quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo, mua bán thuận tiện, dễ dàng.

- Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước xây dựng các cửa hàng hiện đại với phương thức bán văn minh, kết hợp với các dịch vụ kèm theo như rửa xe, thay dầu, bảo dưỡng, ...

- Cải tạo, nâng cấp hệ thống cửa hàng xăng dầu hiện có đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện về an toàn PCCC, bảo vệ môi trường, trật tự giao thông. Đối với những cửa hàng đảm bảo đủ các điều kiện về kinh doanh xăng dầu thì vẫn giữ nguyên, các cửa hàng chưa đảm bảo các điều kiện kinh doanh thì phải bổ sung và hoàn thiện. Kiên quyết di dời và xoá bỏ các cửa hàng không đáp ứng quy định hiện hành về điều kiện kinh doanh xăng dầu.

II. Dự báo nhu cầu xăng dầu đến năm 2010

Qua sản lượng nhiên liệu lưu thông hàng năm, yêu cầu phục vụ sản xuất - tiêu dùng, dự báo nhu cầu xăng dầu trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 12%/năm

Đơn vị tính: 1.000 m3

Giai đoạn 2006-2010

Năm

Dự báo nhu cầu

2006

320

2007

358

2008

400

2009

450

2010

505

III. Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh:

Căn cứ tốc độ tăng bình quân giai đọan 2006-2010 của ngành nông nghiệp-thủy sản, công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, hệ thống cung ứng nhiên liệu phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh họat tăng bình quân 12-15%/năm. Căn cứ thực trạng và nhu cầu phát triển mạng lưới xăng dầu của các địa phương trong tỉnh, điều chỉnh Quy họach đến năm 2010:

- Xây dựng, phát triển mới 287 cửa hàng, trong đó, hệ thống cửa hàng thuộc công ty Xăng dầu An Giang là 36.

- Nâng cấp, cải tạo chiếm tỷ trọng khoảng 10% so với phát triển mới.

1. Về vị trí:

1.1. Cửa hàng xăng dầu phục vụ phương tiện vận tải đường dài:

Bố trí trên tuyến đường Quốc lộ 91 (Long Xuyên - Châu Đốc - Tịnh Biên), tuyến đường Hồ Chí Minh (Long Xuyên - Thoại Sơn - Rạch Giá); khu vực cửa khẩu quốc gia và quốc tế, khuyến khích phát triển xây dựng theo quy mô cung ứng xăng dầu kết hợp với các loại hình kinh doanh, dịch vụ khác như: sửa chữa, bảo dưỡng xe, bán hàng hoá, ăn nghỉ qua đêm...

1.2. Cửa hàng xăng dầu phục vụ giao thông nội tỉnh và phát triển sản xuất:

Đầu tư xây dựng trên các tuyến tỉnh lộ như tuyến đường 941, 942, 943, 944, 948, 952, 953, 954, 956, 957 với quy mô đảm bảo đáp ứng nhu cầu thị trường, phục vụ kịp thời nhiên liệu cho các phương tiện vận tải trên tuyến đường, nhu cầu sản xuất, phương tiện đi lại của người dân địa phương.

1.3. Cửa hàng xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại chỗ ở thành phố, thị xã và địa bàn các huyện:

- Khu vực đô thị (thành phố, thị xã, khu công nghiệp) bố trí các cửa hàng xăng dầu cấp I và cấp II đầu các cửa ngõ ra vào, trên các tuyến đường chính và tùy theo nhu cầu thực tế mà kết hợp phát triển các dịch vụ khác cho phù hợp.

- Khu vực thị trấn, thị tứ, xã phường: căn cứ vào nhu cầu nhiên liệu cho sinh hoạt và tiêu dùng, vùng sản xuất nông nghiệp, cụm công nghiệp chế biến mà bố trí cửa hàng xăng dầu phù hợp thực tế.

- Cửa hàng nổi trên sông: chủ yếu tập trung tại các vị trí thuận tiện, đảm bảo yêu cầu về bến đậu, môi trường, an tòan giao thông thủy, phục vụ nhu cầu vận tải đường thủy. Hạn chế tối đa phát triển cửa hàng xăng dầu trên sông (không khuyến khích phát triển).

2. Xây dựng yêu cầu quy hoạch về không gian kiến trúc, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hành lang an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Yêu cầu đảm bảo theo các quy định, quy chuẩn hiện hành và phải được các cơ quan chức năng chứng nhận, phê duyệt.

2.1. Quy hoạch theo không gian thị trường:

Trên địa bàn tỉnh, việc quy hoạch các cửa hàng xăng dầu tập trung cho mục đích chính là đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của xã hội, cho nên việc phát triển không gian thị trường phải hợp lý, đảm bảo khoảng cách, cự ly an toàn giữa hai cửa hàng.

Đối với các dự án thiết kế khu công nghiệp, khu du lịch, khu dân cư, sản xuất, … bố trí địa điểm cung cấp xăng dầu cho hoạt động của khu vực, phục vụ nhu cầu sinh hoạt phải đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC, môi trường...

2.2. Quy hoạch theo vùng lãnh thổ:

- Việc triển khai địa điểm xây dựng cửa hàng được chọn theo hướng bảo đảm triệt để các quy chuẩn an toàn chuyên ngành, thuận lợi cho kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội; tuyến đường giao thông nối khu dân cư, khu du lịch, các trung tâm thương mại, dịch vụ có nhu cầu và thu hút nhiều phương tiện giao thông, khu kinh tế cửa khẩu, khu sản xuất…

- Về địa điểm xây dựng hay neo đậu, do UBND huyện, thị, thành phố xem xét xác nhận phù hợp yêu cầu phát triển của địa phương.

2.3. Quy mô và quy cách thiết kế, xây dựng cửa hàng xăng dầu theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành. Thiết kế các cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo đầy đủ các chức năng chủ yếu như: hệ thống bơm, bồn chứa xăng, dầu, hệ thống nạp kín bể chứa nước cứu hoả, vòi nước áp lực rửa xe, nhà bán hàng, nhà quản lý, nhà làm việc, quầy hàng dịch vụ, bãi đỗ xe, công trình vệ sinh, các thiết bị phòng chống cháy nổ.v.v. . .

Cửa hàng kinh doanh xăng dầu cấp I phải có chiều rộng mặt tiền từ 40 – 50m, cửa hàng cấp II có chiều rộng mặt tiền từ 30 – 40m, cửa hàng cấp III có chiều rộng mặt tiền 25 – 30m.

2.4. Nhu cầu sử dụng đất và các yêu cầu vê bảo vệ môi trường.

- Địa điểm xây dựng cửa hàng xăng dầu phù hợp quy hoạch sử dụng đất chi tiết.

- Về đánh giá tác động môi trường: Thực hiện quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường, chủ dự án có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Về ứng phó sự cố tràn dầu: Chủ cơ sở có trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Điều 8 Quyết định số 103/2005/QĐ-TTg ngày 12/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

IV. Quy hoạch hệ thống kho chứa, kho dự trữ xăng dầu :

Trong giai đoạn 2006 - 2010, khả năng số lượng tiêu thụ tăng trên 50% so năm 2005. Do đó để chủ động cung ứng kịp thời cho mạng lưới bán lẻ, đảm bảo dự trữ an toàn cho nhu cầu của tỉnh và dự phòng khi có sự cố về nhiên liệu. Phát triển hệ thống kho chứa + dự trữ định hướng đến năm 2010 đạt 42 ngàn m3 – 45 ngàn m3, trong đó:

+ Hệ thống kho chứa của các tổng đại lý + cửa hàng là 30 -33 ngàn m3

+ Hệ thống kho dự trữ 12 ngàn m3 (Cty Xăng dầu An Giang 6 ngàn m3, Chi nhánh Petro Mekong 6 ngàn m3).

V. Giải pháp thực hiện Quy hoạch:

- Đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu vi phạm quy định về kinh doanh có điều kiện: Từng bước xử lý các cửa hàng đang họat động nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Các sở, ngành chức năng có liên quan phối hợp với địa phương có hướng xử lý dứt điểm qua phân loại xác định từng trường hợp cụ thể.

- Đối với cửa hàng mà địa điểm kinh doanh nằm trong quy họach khu dân cư, khu điểm du lịch... nếu chưa triển khai quy họach mà cửa hàng có đủ điều kiện thì xét cấp Giấy chứng nhận hàng năm, bên cạnh thông báo để cửa hàng có cam kết sẽ ngưng kinh doanh xăng dầu khi cơ quan chức năng xác định thời gian triển khai quy hoạch.

- Đối với cửa hàng cố định không thể khắc phục đủ điều kiện theo quy định thì bằng các biện pháp hành chính kết hợp vận động doanh nghiệp chuyển đổi ngành nghề kinh doanh trong phạm vi thời gian cam kết (căn cứ từng trường hợp cụ thể qua thống nhất giữa các ngành và địa phương).

- Đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ có nguy cơ cháy nổ cao gây thiệt hại đối với cộng đồng dân cư cần kiên quyết xóa bỏ, đồng thời xác định vị trí hình thành cửa hàng theo quy hoạch đã được phê duyệt nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

- Đối với các xã thuộc tuyến biên giới, cần có sự phối hợp giữa các ngành và địa phương rà soát, cân đối nhu cầu để bố trí cửa hàng phù hợp đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng đồng thời kiểm soát mức tiêu thụ.

- Đối với cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã tự xây dựng và đang hoạt động, vi phạm quy định về kinh doanh có điều kiện, yêu cầu các sở, ngành liên quan phối hợp với địa phương kiểm tra xử lý, nếu không phù hợp quy hoạch thì hướng dẫn, vận động cơ sở chuyển đổi ngành nghề kinh doanh hoặc di dời cửa hàng đến địa điểm quy hoạch gần nhất (nếu có).

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các Sở, Ngành:

- Sở Thương mại: Hướng dẫn trình tự thủ tục, thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh về ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP , ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Phối hợp đơn vị chuyên môn tổ chức trang bị kiến thức về nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu cho các đối tượng theo quy định.

- Sở Tài nguyên - Môi trường:

Nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất các địa phương quỹ đất cho mạng lưới xăng dầu theo quy hoạch điều chỉnh.

Hướng dẫn trình tự, thủ tục, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và hướng dẫn trình tự, thủ tục về đất đai.

- Sở Khoa học và Công nghệ:

Hướng dẫn, thẩm định cấp Giấy chứng nhận kiểm định trụ bơm.

Tổ chức kiểm tra chất lượng xăng dầu và phương tiện đo lường đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tránh gian lận thương mại.

- Sở Giao thông Vận tải:

+ thẩm tra mức độ phù hợp đối với cửa hàng xăng dầu thuộc tuyến đường bộ và đường thuỷ do địa phương quản lý.

+ Xác định vị trí đấu nối trên tuyến quốc lộ, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét quyết định nội dung thoả thuận theo quy định khi có dự án đầu tư.

+ Hướng dẫn các cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc các tuyến đường thủy do Trung ương quản lý phù hợp với quy định.

- Công an tỉnh (PCCC): Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Hướng dẫn cấp giấy, kiểm tra xử lý về an toàn PCCC.

2. Trách nhiệm của UBND huyện, thị, thành phố:

- Căn cứ Quyết định điều chỉnh Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức công khai rộng rãi về quy họach phát triển mạng lưới xăng dầu trên địa bàn để tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu đầu tư.

- Căn cứ điều chỉnh Quy hoạch, xác định địa điểm phát triển phù hợp nhu cầu trên từng địa bàn, xác nhận bằng văn bản địa điểm xây dựng trên mặt đất và neo đậu dưới sông đối với các cửa hàng thành lập mới.

- Hướng dẫn các quy chuẩn về không gian kiến trúc, thiết kế, kết cấu công trình, cấp phép xây dựng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu theo quy định hiện hành.

- Hướng dẫn và tổ chức đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.

- Nghiêm cấm và có biện pháp ngăn chặn, không được phát triển và xóa dần những điểm bán xăng dầu sử dụng bơm lắc tay, chứa trong can nhựa hoặc chai lọ bán nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn cháy nổ.

- Đối với địa phương thuộc tuyến biên giới: Cân đối nhu cầu sản xuất và tiêu dùng nhiên liệu, theo dõi số lượng tiêu thụ của các đại lý kinh doanh xăng dầu để có kế hoạch sắp xếp, bố trí cho phù hợp, không để tình trạng xuất lậu xăng dầu sang biên giới và không phát triển mới.