Quyết định 2309/QĐ-CTUBND năm 2010 về Kế hoạch xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Định
Số hiệu: 2309/QĐ-CTUBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Hồ Quốc Dũng
Ngày ban hành: 08/10/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2309/QĐ-CTUBND

Quy Nhơn, ngày 08 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH XÂY DỰNG, QUẢN LÍ KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Tư pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Hồ Quốc Dũng

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2309/QĐ-CTUBND ngày 08/10/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a. Tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển các Tủ sách pháp luật cấp xã hiện có, đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh;

b. Nâng cao hiệu quả trong việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật cấp xã và Tủ sách pháp luật tại các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, nhà trường và cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân. Phát huy hơn nữa vai trò của Tủ sách pháp luật trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền cơ sở và phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân;

c. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân dân nghiên cứu, tìm hiểu một cách dễ dàng, góp phần chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy được quyền dân chủ ở cơ sở.

2. Yêu cầu

a. Bảo đảm mỗi Tủ sách pháp luật đủ các sách báo, tài liệu pháp luật theo quy định nhằm phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân;

b. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của Tủ sách pháp luật, từ đó xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, địa phương và phải bảo đảm tiết kiệm, khai thác sử dụng có hiệu quả;

c. Đầu tư kinh phí xây dựng, bổ sung sách pháp luật, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Tủ sách pháp luật. Huy động sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong xây dựng Tủ sách pháp luật;

d. Bảo quản sách, báo, tài liệu pháp luật của Tủ sách pháp luật, tránh làm mất hoặc hư hỏng.

II. NỘI DUNG VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Nội dung

a. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định củng cố, thành lập Tủ sách pháp luật. Nội dung quyết định thành lập cần quy định cụ thể về địa điểm đặt Tủ sách pháp luật, cán bộ phụ trách, phạm vi và đối tượng phục vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của cán bộ phụ trách, kinh phí chi hàng năm cho Tủ sách pháp luật.

b. Địa điểm đặt Tủ sách pháp luật: Tủ sách pháp luật cấp xã được đặt tại phòng tiếp dân, phòng thủ tục hành chính "Một cửa" của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc nơi khác, nhưng phải thuận tiện cho việc khai thác, quản lý. Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị đặt tại vị trí thuận tiện cho người đọc.

c. Tủ sách pháp luật phải có các loại sách, báo, tài liệu pháp luật sau đây:

- Văn bản quy phạm pháp luật gồm: Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân và hoạt động của cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương;

- Tài liệu pháp luật phổ thông gồm: Sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân, tờ gấp, đề cương, băng, đĩa tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

- Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Công báo của tỉnh; báo pháp luật; Bản tin Tư pháp;

- Tủ sách pháp luật ở cấp xã phải có sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở; Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị phải có sách, tài liệu pháp lý phục vụ cho công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giảng dạy và học tập của cơ quan, đơn vị.

Tủ sách pháp luật cấp xã và Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị cần được thường xuyên chọn lọc, bổ sung các loại sách, báo, tài liệu khác để phục vụ nhu cầu người đọc.

d. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu pháp luật, như thực hiện số hóa các sách, tài liệu, thông tin pháp luật; kết nối Intemet, tiến tới kết hợp mô hình Tủ sách pháp luật truyền thống với Tủ sách pháp luật điện tử.

đ. Sách, báo, tài liệu pháp luật phải được vào sổ và bảo quản theo quy định của Nhà nước về tài sản công. Người làm mất hoặc hư hỏng sách, báo, tài liệu pháp luật phải bồi thường theo quy định.

e. Kinh phí đầu tư cho Tủ sách pháp luật cấp xã do ngân sách cấp xã bảo đảm theo quy định tại Điều 4 của Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ; mức chi cho Tủ sách pháp luật tối thiểu là 2.000.000 đồng/năm, không kể kinh phí đầu tư xây dựng tủ sách lần đầu. Kinh phí đầu tư cho tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị được dự trù trong ngân sách hàng năm, mức chi tùy thuộc vào nhu cầu của cơ quan, đơn vị.

f. Cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật ở cấp xã là công chức Tư pháp - Hộ tịch hoặc cán bộ được giao nhiệm vụ Tư pháp; Cán bộ quản lý Tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị có thể là cán bộ chuyên trách hoặc giao cho một cán bộ kiêm nhiệm tùy từng điều kiện cụ thể. Cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 7 của Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

g. Thời gian phục vụ: Tủ sách pháp luật mở cửa phục vụ hàng ngày theo thời gian làm việc của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp không có đủ điều kiện để phục vụ theo thời gian làm việc thì Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, đơn vị phải quy định rõ ngày, giờ phục vụ người đọc.

h. Hình thức phục vụ: bằng hình thức đọc tại chỗ hoặc cho mượn đọc.

i. Phương thức khai thác Tủ sách pháp luật:

- Thường xuyên tuyên truyền về vị trí, vai trò của Tủ sách pháp luật trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; vận động, giới thiệu cho cán bộ và nhân dân đến nghiên cứu, đọc sách, báo, tài liệu pháp luật;

- Kịp thời thông báo nội dung sách, báo, tài liệu pháp luật mới trên các bảng tin, trạm tin, loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị để tạo điều kiện thuận tiện cho người đọc tìm hiểu, đọc, mượn sách, báo, tài liệu pháp luật của Tủ sách pháp luật;

- Tích cực tổ chức giới thiệu sách, báo, tài liệu pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ, thi tìm hiểu pháp luật để nâng cao hiệu quả khai thác Tủ sách pháp luật;

- Thực hiện việc trao đổi, luân chuyển sách, tài liệu pháp luật giữa các loại hình Tủ sách pháp luật trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

2. Phân công thực hiện

a. Sở Tư pháp:

Giúp UBND tỉnh hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi các cấp, các ngành ở địa phương thực hiện có hiệu quả Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ;

- Biên soạn các tài liệu nghiệp vụ, tài liệu pháp luật phù hợp cấp, phát miễn phí cho Tủ sách pháp luật ở địa phương, cơ quan, đơn vị;

- Xây dựng mẫu Nội quy hoạt động của Tủ sách pháp luật trên cơ sở mẫu Nội quy do Bộ Tư pháp xây dựng;

- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn hình thức, biện pháp xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật theo đặc thù của từng địa bàn; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành trong việc kiểm tra, sử dụng các loại hình Tủ sách pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật;

- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm về xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp.

b. Sở Tài chính:

Hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể. tỉnh và các địa phương lập dự toán xác định nguồn kinh phí, thanh toán, quyết toán kinh phí hàng năm, đảm bảo công tác xây dựng, quản lý, duy trì tủ sách pháp luật theo quy định tại Điều 4 Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

c. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh:

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị trong ngành..

Hướng dẫn việc trao đổi, luân chuyển sách, tài liệu pháp luật giữa Tủ sách pháp luật cấp xã với các loại hình Tủ sách pháp luật khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác văn bản quy phạm pháp luật.

Báo Bình Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò của Tủ sách pháp luật; vận động, giới thiệu cho cán bộ, nhân dân đến đọc, mượn sách, báo, tài liệu pháp luật.

d. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác.

đ. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:

Chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn việc xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc người có công và các cơ sở xã hội khác thuộc chức năng quản lý nhà nước của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội.

e. Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh:

Chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở các đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.

f. Các sở, ban, ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo việc xây dựng, quản lý, khai thác có hiệu quả Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị do mình quản lý; nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật; bảo đảm kinh phí từ ngân sách xây dựng, kịp thời bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật; kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

g. UBND các huyện, thành phố:

Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn trực thuộc thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần chú ý đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật, đa dạng các loại hình tủ sách pháp luật để phù hợp với đặc thù tại địa phương mình, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác văn bản quy phạm pháp luật;

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục phát huy và duy trì tủ sách pháp luật đã được xây dựng; tổ chức luân chuyển sách, tài liệu pháp luật giữa các loại hình Tủ sách pháp luật ở địa phương. Bố trí công chức tư pháp - hộ tịch hoặc cán bộ được giao nhiệm vụ tư pháp xã, phường, trị trấn phụ trách tủ sách pháp luật cấp xã; duy trì và đảm bảo kinh phí từ ngân sách xây dựng, bổ sung sách, báo, tải liệu pháp luật cho tủ sách pháp luật cấp xã, khuyến khích hỗ trợ kinh phí xây dựng, duy trì hoạt động của các loại hình tủ sách pháp luật;

- Bảo đảm, hỗ trợ kinh phí hàng năm từ ngân sách địa phương trong việc duy trì, kịp thời bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Tủ sách pháp luật;

- Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tỉnh tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách cho đội ngũ cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật ở cơ sở;

- Kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

h. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận:

- Vận động nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng Tủ sách pháp luật;

- Chỉ đạo, quản lý và hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật do tổ chức mình quản lý;

- Kiểm tra, sơ kết, tổng kết công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Quá trình thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh, đề xuất để UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết.

2. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện, đồng gửi Sở Tư pháp để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tư pháp.

3. Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này./.