Quyết định 23/2008/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ cho nhân viên thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành
Số hiệu: 23/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên Người ký: Đinh Tiến Dũng
Ngày ban hành: 22/12/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 23/2008/QĐ-UBND

Điện Biên Phủ, ngày 22 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO NHÂN VIÊN THÚ Y CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn Luật Ban hành văn bản quy phạm Pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh thú y được Ủy ban thường vụ Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI thông qua ngày 29 tháng 4 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số: 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh thú y;
Thực hiện Công văn số: 1569/TTg-NN, ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đối với nhân viên thú y cấp xã; Công văn số: 16311/BTC-NSNN, ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính về hỗ trợ kinh phí chi trả phụ cấp cho nhân viên thú y cấp xã;
Căn cứ Nghị quyết số: 145/2007/NQ-HĐND kỳ họp thứ 15, Khóa XII ngày 12 tháng 12 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ cho nhân viên thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên;
Theo đề nghị của Liên ngành Nông nghiệp &PTNT - Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành chính sách hỗ trợ cho nhân viên thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên như sau:

1. Chức năng, nhiệm vụ của nhân viên thú y xã

a. Chức năng: Thú y xã là một bộ phận trực thuộc và chịu sự quản lý, điều hành trực tiếp của UBND xã, phường, thị trấn; tham mưu cho UBND xã, phường, thị trấn về kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn và chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trạm thú y huyện, thị xã, thành phố.

b. Nhiệm vụ:

- Tham mưu với UBND xã, phường, thị trấn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức hướng dẫn, vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện các nội quy, quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại địa bàn xã.

- Theo dõi, phát hiện và báo cáo ngay UBND xã, Trạm thú y huyện khi thấy dịch bệnh ở gia súc, gia cầm và các động vật khác tại địa bàn xã, phường, thị trấn.

- Trực tiếp chỉ đạo, tổ chức cho thú y viên thôn bản triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của Trạm thú y huyện, thị, thành phố.

- Thực hiện giám sát dịch bệnh, kiểm soát giết mổ động vật tại địa bàn xã, kiểm tra vệ sinh thú y theo uỷ quyền và hướng dẫn của Trạm thú y.

- Tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vật tư thiết bị không để thất thoát, lãng phí nhằm phục vụ cho công tác phòng , chống dịch bệnh trên địa bàn.

- Thực hiện báo cáo định kỳ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý; báo cáo kinh phí phòng chống dịch và các hoạt động khác có liên quan với UBND xã và Trạm thú y huyện.

2. Số lượng nhân viên thú y cấp xã.

Mỗi xã, phường, thị trấn được hợp đồng 01 nhân viên thú y xã (một người). Ưu tiên cán bộ có bằng cấp chuyên môn về chăn nuôi, thú y từ Trung cấp trở lên về công tác tại các xã, phường, thị trấn.

Trường hợp không có cán bộ đạt tiêu chuẩn nêu trên, UBND xã, phường, thị trấn hợp đồng người có hộ khẩu thường trú tại địa bàn đã qua các lớp đào tạo, tập huấn về Thú y có chứng chỉ hành nghề Thú y, có năng lực, kinh nghiệm hoạt động thú y ở xã, phường, thị trấn.

3. Mức hỗ trợ nhân viên thú y cấp xã:

Mức hỗ trợ đối với nhân viên thú y xã là: 200.000 đồng/người/tháng (Hai trăm ngàn đồng chẵn).

4. Nguồn kinh phí chi trả chính sách hỗ trợ cho nhân viên thú y cấp xã được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương theo dự toán hàng năm.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục Thú y tổ chức xây dựng mạng lưới thú y xã và triển khai thực hiện các nội dung trên đảm bảo chức năng, nhiệm vụ của thú y cấp xã.

3. Sở Tài chính: Cân đối bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh để thực hiện theo chính sách được duyệt;

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Xây dựng kế hoạch kinh phí hàng năm báo cáo Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, phân bổ kinh phí hỗ trợ hàng năm.

- Chỉ đạo cấp xã thực hiện tốt công tác thú y trên địa bàn đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009;

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Thủ trưởng các ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH CHỦ TỊCH




Đinh Tiến Dũng

 





Nghị định 33/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Thú y Ban hành: 15/03/2005 | Cập nhật: 14/01/2013