Quyết định 2298/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010, định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 2298/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Thị Thúy Hòa
Ngày ban hành: 06/10/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2298/QĐ-UBND

Huế, ngày 06 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG THU GOM, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Thông tư 07/2008/TT-BXD ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 1070/QĐ-UB ngày 05 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt đề cương đề án Quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2989/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về quy định phân công, phân cấp và ủy quyền giải quyết một số vấn đề trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 1082/SXD-HTKT ngày 15 tháng 9 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi quy hoạch: Các đô thị và vùng phụ cận, các điểm dân cư tập trung, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Quan điểm quy hoạch:

- Quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn phải phù hợp với chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp của cả nước; quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan.

- Đảm bảo tính khoa học, sử dụng hợp lý về tài nguyên, thích ứng về kỹ thuật, có hiệu quả kinh tế được xã hội chấp nhận.

- Tạo điều kiện làm việc tốt cho đội ngũ những người lao động tham gia thu gom, xử lý chất thải rắn; từng bước đưa công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước vào sử dụng.

3. Mục tiêu quy hoạch:

- Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đủ năng lực xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng chất thải, hạn chế chôn lấp, nâng cao hiệu quả công tác xử lý chất thải rắn, đặc biệt là chất thải nguy hại.

- Xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư thu gom, xử lý chất thải rắn.

- Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng cao trách nhiệm cộng đồng, cải thiện môi trường sống để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội, tạo cơ sở vững chắc cho việc thực hiện thành công Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

- Góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững các đô thị và khu công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế.

4. Nội dung quy hoạch:

4.1. Dự báo khối lượng chất thải rắn đến năm 2010 và khối lượng chất thải rắn đến năm 2020:

a) Nguồn phát thải: Phát sinh từ các hoạt động của đô thị và hoạt động sản xuất công nghiệp, bao gồm chất thải khu dân cư, nơi công cộng, chất thải từ các hoạt động thương mại, dịch vụ đô thị, bệnh viện, chất thải công nghiệp, chất thải do hoạt động xây dựng.

b) Dự báo tổng lượng phát thải chất thải rắn:

- Chỉ tiêu tính toán:

+ Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh: đô thị đặc biệt, loại I là 1,3 kg/người/ngày, tỷ lệ thu gom là 100%; đô thị loại II là 1,0 kg/người/ngày, tỷ lệ thu gom ≥ 95%; đô thị loại III, IV là 0,9 kg/người/ngày, tỷ lệ thu gom ≥ 90%; đô thị loại V là 0,8 kg/người/ngày, tỷ lệ thu gom ≥ 85%. Lượng rác sinh hoạt giả thiết tăng 2%/năm. + Lượng chất thải rắn do khách du lịch: tính tương đương như dân địa phương.

+ Lượng chất thải rắn bệnh viện: đến năm 2010 là 2 kg/giường/ngày; đến năm 2020 là 2,5 kg/giường/ngày; trong đó, chất thải rắn bệnh viện nguy hại tính bằng 25% chất thải rắn bệnh viện.

+ Lượng chất thải rắn công nghiệp: 0,3 tấn/ha/ngày; trong đó, chất thải rắn công nghiệp nguy hại tính bằng 20% lượng chất thải rắn công nghiệp.

+ Chất thải rắn xây dựng: tính bằng 20% chất thải rắn sinh hoạt.

- Tổng lượng chất thải rắn ước tính:

Loại chất thải

Đến năm 2010

(tấn/ngày)

Đến năm 2020

(tấn/ngày)

- Chất thải rắn thông thường

631

2203

- Chất thải rắn nguy hại công nghiệp

27

253

- Chất thải rắn nguy hại bệnh viện

2

4

Tổng

660

2460

(Xem phụ lục I kèm theo)

4.2. Quy hoạch hệ thống địa điểm xử lý, chôn lấp chất thải rắn:

a) Quy định về lựa chọn địa điểm:

- Quỹ đất đủ lớn hoặc có khả năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

- Có khoảng cách phù hợp tới các nguồn phát sinh chất thải. Xây dựng khu xử lý chất thải rắn chung cho các đô thị, các khu công nghiệp gần nhau. Chất thải rắn công nghiệp nguy hại cần có khu xử lý liên tỉnh.

- Có khoảng cách ly an toàn tới các điểm dân cư, khu đô thị, khu du lịch, giải trí, di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan sinh thái và các điểm, công trình nhạy cảm khác.

- Điều kiện tự nhiên phù hợp; tránh xa vùng các - xtơ, các vết đứt gãy, vùng đất ngập nước, trượt lở; xa nguồn nước mặt, nước ngầm, cuối hướng gió.

- Điều kiện giao thông, cung cấp điện nước thuận lợi và được sự chấp thuận của cộng đồng.

b) Công nghệ xử lý chất thải rắn:

- Chất thải rắn đô thị: áp dụng công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận, các công nghệ nước ngoài phù hợp với điều kiện kinh tế, có hiệu quả, ít gây ô nhiễm môi trường. Tiêu hủy chất thải rắn theo phương pháp liên hợp xử lý (tái chế, tái sử dụng, chế biến phân hữu cơ,…) và chôn lấp hợp vệ sinh. Đối với chất thải rắn bệnh viện nguy hại thì tiêu hủy riêng bằng thiêu đốt.

- Chất thải rắn công nghiệp: cần xử lý tập trung kết hợp nhiều quy trình công nghệ khác nhau như đốt, chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý cơ học, hóa - lý.

c) Mô hình cơ sở xử lý chất thải rắn:

- Khu liên hợp xử lý chôn lấp chất thải rắn: áp dụng cho bãi chôn lấp rác phía Bắc và phía Nam thành phố Huế.

- Bãi chôn lấp chìm: áp dụng cho vùng gò đồi ở các huyện Phong Điền, A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Hương Thủy.

- Bãi chôn lấp kết hợp chìm nổi: áp dụng cho vùng đồng bằng ven biển ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, và khu đô thị Chân Mây - Lăng Cô.

d) Xác định vị trí, quy mô hệ thống cơ sở xử lý chất thải rắn: Ngoài các khu xử lý, chôn lấp chất thải rắn đang vận hành như Thủy Phương (huyện Hương Thủy), Phong Thu 1 (huyện Phong Điền) và đang xây dựng như Tứ Hạ (huyện Hương Trà), Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), Hồng Thượng (huyện A Lưới); quy hoạch xác định thêm 07 địa điểm cơ sở xử lý chất thải rắn: Phong Thu 2 (huyện Phong Điền), Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), Hương Văn (huyện Hương Trà), Phú Xuân (huyện Phú Vang), Cầu Bảng (huyện Phú Lộc), Hương Phú (huyện Nam Đông), Phú Sơn - Phú Bài (huyện Hương Thủy); đồng thời, xác định địa điểm chôn lấp cho 6 trung tâm tiểu vùng: Điền Hải (huyện Phong Điền), Vinh Hưng, La Sơn (huyện Phú Lộc), Bình Điền (huyện Hương Trà), Hương Giang (huyện Nam Đông), Hương Lâm (huyện A Lưới).

(Xem phụ lục II kèm theo)

4.3. Quy hoạch hệ thống thu gom chất thải rắn:

a) Nguyên tắc:

- Phải đơn giản, hiệu quả, đảm bảo thu gom và vận chuyển an toàn chất thải rắn đến nơi tập kết và xử lý.

- Thu gom chất thải rắn ở mức độ tối đa nhưng vẫn bảo đảm tiết kiệm về nhân lực, kinh phí đầu tư.

- Tổ chức hệ thống thu gom phù hợp trên cơ sở sử dụng chung các khu xử lý, chôn lấp chất thải rắn đối với các đô thị, khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp nằm gần nhau về địa lý.

- Chất thải rắn sinh hoạt tiến tới phân loại tại gia đình. Đối với chất thải rắn nguy hại phải được phân loại, thu gom và xử lý riêng.

b) Mô hình hệ thống thu gom chất thải rắn:

- Hệ thống thu gom quy mô nhỏ: áp dụng cho các trung tâm tiểu vùng, khu dân cư tập trung với ít phương tiện cơ giới, dùng xe thô sơ là chủ yếu, số lượng công nhân nhỏ.

- Hệ thống thu gom quy mô vừa: áp dụng cho các thị xã và thị trấn có quy mô dân số > 4.000 dân. Đơn vị tổ chức thu gom là các công ty với phương tiện cơ giới và nhân lực vừa phải.

- Hệ thống thu gom lớn: áp dụng cho các đô thị có quy mô dân số >100.000 dân. Đơn vị tổ chức thu gom do các công ty với nhân lực lớn, phương tiện cơ giới trang bị đầy đủ.

c) Quy hoạch hệ thống thu gom và vận chuyển chất thải rắn:

- Đối với đô thị và vùng phụ cận, các điểm dân cư tập trung:

+ Các trung tâm tiểu vùng và điểm dân cư tập trung: tổ chức thu gom rác hàng ngày bằng xe đẩy tay, rồi dùng xe tải nhỏ chuyên chở đến nơi quy định. Tại điểm trung chuyển bố trí 01 container chứa chất thải rắn. Có thể định kỳ 2ngày/lần, sau 20h xe chuyên dụng đến vận chuyển chất thải rắn từ các thùng chứa ở các điểm trung chuyển vào bãi chôn lấp được quy hoạch. Cự ly vận chuyển tại các khu vực này từ nơi xa nhất đến bãi chôn lấp vào khoảng 10 km - 12 km.

+ Thị xã và các thị trấn: tổ chức thu gom hàng ngày bằng xe đẩy tay. Dọc các trục đường phố bố trí các thùng rác loại 200 - 250 lít. Một số điểm dân cư ven quốc lộ, dọc tuyến giao thông chính, sẽ đặt một số thùng rác công cộng để người dân tự đổ rác. Tại các chợ chính đặt container. Cần thiết bố trí các trạm trung chuyển chất thải rắn để ôtô vận chuyển về bãi chôn lấp theo quy hoạch trong ngày. Tổ chức vận chuyển sau 20h. Cự ly vận chuyển ở các khu vực này từ nơi xa nhất đến bãi chôn lấp khoảng 18 km.

+ Đô thị Chân Mây - Lăng Cô: tổ chức thu gom hằng ngày bằng xe đẩy tay. Bố trí các thùng rác loại 200 - 250 lít, khoảng cách trung bình 250m ở các đường phố. Tại các vị trí thích hợp xây dựng các điểm tập kết chất thải rắn. Ở các chợ, trung tâm thương mại lớn đặt các container. Rác ở trên bãi biển được thu gom chuyển về thùng chứa. Từ sau 20h hàng ngày xe chuyên dụng thu gom chuyển về bãi chôn lấp ở Lộc Thủy. Cự ly vận chuyển từ điểm xa nhất đến khu xử lý khoảng 18 - 20 km.

+ Thành phố Huế: ở các khu dân cư tổ chức thu gom hàng ngày bằng xe đẩy tay đưa đến các điểm tập trung. Bố trí các thùng chứa rác dung tích 250 lít và 650 lít dọc các đường phố. Chất thải rắn từ các trường học lớn, cơ quan hành chính, khách sạn được thu gom bằng xe chuyên dụng theo dạng hợp đồng. Có thể định kỳ 1 tuần/lần, thu gom chất thải rắn trên sông Hương và các thủy vực trong thành phố bằng các thuyền chuyên dụng. Từ sau 20h hàng ngày, xe chuyên dụng sẽ thu gom hết chất thải chuyển về các khu xử lý chất thải rắn phía Bắc và phía Nam thành phố Huế. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 15 - 18 km.

+ Về lâu dài tiếp tục tối ưu hóa việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn.

- Đối với bệnh viện: Phân loại chất thải từ cơ sở, lưu kho. Chất thải rắn bệnh viện nguy hại được thiêu đốt hoặc xử lý đặc biệt; lượng chất thải rắn bệnh viện thông thường tiến hành thu gom và chôn lấp cùng chất thải rắn đô thị tại các khu xử lý phía Bắc và Nam thành phố Huế theo quy hoạch.

- Đối với các khu công nghiệp:

+ Phân loại chất thải rắn công nghiệp tại nguồn. Tách chất thải rắn công nghiệp nguy hại ra khỏi chất thải rắn thông thường do xí nghiệp, nhà máy tự đảm nhận; đóng gói, lưu kho, bảo quản chất thải rắn công nghiệp nguy hại chờ đưa đi xử lý tại khu xử lý chất thải rắn công nghiệp tập trung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

+ Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường xử lý theo quy trình đối với chất thải rắn đô thị chuyển về các khu xử lý chất thải rắn phía Bắc và Nam thành phố Huế theo quy hoạch.

- Phạm vi thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý (Xem phụ lục II kèm theo).

5. Các dự án ưu tiên đầu tư:

- Xây dựng và sớm đưa vào sử dụng các bãi chôn lấp chất thải rắn: Tứ Hạ (Hương Trà), Hồng Thượng (huyện A Lưới).

- Xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn Quảng Lợi (huyện Quảng Điền).

- Xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn Phú Xuân (huyện Phú Vang).

- Xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn Phú Bài - Phú Sơn (huyện Hương Thủy).

6. Nguồn vốn đầu tư: Bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương; nguồn vốn tài trợ nước ngoài; nguồn vốn vay dài hạn, vốn huy động từ các nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

7. Ưu đãi đầu tư: Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, các công trình phụ trợ thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thực hiện theo các quy định hiện hành.

8. Phân công thực hiện:

a) Sở Xây dựng: Quản lý quy hoạch, lập kế hoạch triển khai, tổ chức công bố quy hoạch, hướng dẫn các địa phương, các chủ đầu tư thực hiện nội dung quy hoạch đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cân đối, bố trí vốn ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Hướng dẫn các nhà đầu tư về các cơ chế, chính sách đầu tư.

c) Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt. Hướng dẫn các nhà đầu tư các cơ chế, chính sách tài chính.

d) Sở Khoa học Công nghệ: Thẩm định, đánh giá, phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát và nghiệm thu công nghệ xử lý chất thải rắn trong và ngoài nước.

đ) Sở Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đất đai; theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường theo quy định đối với hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn đã được đầu tư xây dựng.

e) UBND các huyện và thành phố Huế: Phối hợp với các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan thực hiện công tác quản lý nhà nước theo quy định hiện hành đối với các dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện và thành phố Huế; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

PHỤ LỤC I

TỔNG LƯỢNG PHÁT THẢI CHẤT THẢI RẮN ƯỚC TÍNH Ở CÁC ĐÔ THỊ VÀ VÙNG PHỤ CẬN, KHU CÔNG NGHIỆP CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2298 /QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

Bảng 1. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt:

Năm

2010

2020

Dân số đô thị (người)

519.500

788.000

Chất thải rắn phát sinh bình quân (kg/người/ngày)

0,76

0,93

Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (tấn/ngày)

395

733

Bảng 2. Khối lượng chất thải rắn du lịch:

Năm

2010

2020

Số khách (người)

3.310.000

6.110.000

Ngày lưu trú trung bình (ngày)

2,05

2,75

Tổng số ngày khách (ngày)

6.785.500

16.802.500

Số khách trung bình (người/ngày)

18.590

46.034

Chất thải rắn bình quân (kg/người/ngày)

0,76

0,93

Khối lượng chất thải rắn phát sinh (tấn/ngày)

14

43

Bảng 3. Khối lượng chất thải rắn bệnh viện:

Năm

2010

2020

Số giường bệnh

3.900

6.500

Chất thải rắn phát sinh bình quân (kg/giường)

2

2,5

Khối lượng chất thải rắn bệnh viện (tấn/ngày)

8

16

Khối lượng chất thải rắn nguy hại (tấn/ngày, tính = 25% chất thải rắn bệnh viện)

2

4

Bảng 4. Khối lượng chất thải rắn công nghiệp:

Năm

2010

2020

Diện tích khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch

1.168

7.023

Diện tích sẽ được lấp đầy (ha)

450

4.214

Chất thải rắn phát sinh bình quân (tấn/ha)

0,3

0,3

Chất thải rắn công nghiệp (tấn/ngày)

135

1.264

Chất thải rắn công nghiệp nguy hại (tấn/ngày, tính = 20% chất thải rắn công nghiệp)

27

253

Bảng 5. Khối lượng chất thải rắn xây dựng:

Năm

2010

2020

Chất thải rắn xây dựng (tấn/ngày, tính = 25% chất thải rắn sinh hoạt)

79

147

Bảng 6. Bảng tổng hợp khối lượng chất thải rắn:

 

CTR thông thường

(tấn/ngày)

CTR nguy hại

(tấn/ngày)

Năm

2010

2020

2010

2020

- Chất thải rắn sinh hoạt

395

733

0

0

- Chất thải rắn bệnh viện

8

16

2

4

- Chất thải rắn du lịch

14

43

0

0

- Chất thải rắn công nghiệp

135

1264

27

253

- Chất thải rắn xây dựng

79

147

0

0

Tổng cộng

631

2203

29

257

 

PHỤ LỤC II

QUY HOẠCH HỆ THỐNG ĐỊA ĐIỂM XỬ LÝ CHÔN LẤP CHẤT THẢI RẮN ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2298 /QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)

TT

Tên khu xử lý chất thải rắn

Địa điểm

Quy mô (ha)

Phạm vi phục vụ

A

Các trung tâm tiểu vùng và điểm dân cư tập trung

1

Điền Hải

Xã Điền Hải, huyện Phong Điền

5 - 7

Xã Điền Hải và các xã lân cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 10 km.

2

Bình Điền

Xã Bình Điền, huyện Hương Trà

5 - 7

- Xã Bình Điền và các xã lân cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 10 km.

3

Vinh Hưng

Xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc

5 - 7

- Xã Vinh Hưng và các xã lân cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 10 km.

4

La Sơn

Xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc

5 - 7

- Xã Lộc Sơn và các xã lân cận, đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 10 km.

5

Hương Giang

Xã Hương Giang, huyện Nam Đông

5 - 7

- Xã Hương Giang và các xã lân cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 12 km.

6

Hương Lâm

Xã Hương Lâm, huyện A Lưới

5 - 7

- Xã Hương Lâm và các xã lân cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 14 km.

B

Các thị xã và thị trấn:

1

Phong Thu 1

**

Xã Phong Thu, huyện Phong Điền

5 - 7

- Thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu, các điểm dân cư tập trung dọc theo tuyến quốc lộ 1A từ Phong Điền đến An Lỗ đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 15 km.

2

Phong Thu 2

Xã Phong Thu, huyện Phong Điền

5 - 7

- Thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu, các điểm dân cư tập trung dọc theo tuyến quốc lộ 1A từ Phong Điền đến An Lỗ đối với chất thải rắn sinh hoạt (khi đóng cửa Phong Thu 1). Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 15 km.

3

Quảng Lợi

Xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền

5 - 7

- Thị trấn Sịa, trung tâm tiểu vùng Thanh Hà, điểm dân cư Mai Dương đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 13 km.

4

Tứ Hạ

*

Thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà

5 - 7

- Thị trấn Tứ Hạ và các vùng phụ cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 14 km.

5

Phú Xuân

Xã Phú Xuân, huyện Phú Vang

5 - 7

- Thị trấn Phú Đa, thị xã Thuận An, trung tâm tiểu vùng Vinh Thanh đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 18 km.

6

Cầu Bảng

Xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc

5 - 7

- Thị trấn Phú Lộc và điểm dân cư Truồi đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 10 km.

7

Hương Phú

Xã Hương Phú, huyện Nam Đông

5 - 7

- Thị trấn Khe Tre và vùng phụ cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 10 km.

8

Hồng Thượng

*

Xã Hồng Thượng, huyện A Lưới

5 - 7

- Khu vực A Co – A Lưới và các vùng lân cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 14 km.

C

Khu đô thị Chân Mây – Lăng Cô

1.

Lộc Thủy

*

Xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc

10 - 15

- Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 18 - 20 km.

D

Thành phố Huế

1.

Thủy Phương

**

Xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy

20

- Thành phố Huế và vùng phụ cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 16 km.

2

Hương Văn

Huyện Hương Trà

40

(Giai đoạn 1:

5 - 7)

- Thành phố Huế và vùng phụ cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Dùng 1 phần cho chất thải rắn công nghiệp, bệnh viện. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 16 -18 km.

3

Phú Sơn - Phú Bài

Giáp ranh giữa xã Phú Sơn - thị trấn Phú Bài, huyện Hương Thủy

30 - 40

(Giai đoạn 1:

5 - 7 ha)

- Thành phố Huế (khi đóng cửa khu xử lý chất thải rắn Thủy Phương). Thị trấn Phú Bài và vùng phụ cận đối với chất thải rắn sinh hoạt. Dùng 1 phần cho chất thải rắn công nghiệp, bệnh viện. Cự ly vận chuyển từ nơi xa nhất đến khu xử lý khoảng 20 km.

Ghi chú:

* : Bãi đang xây dựng.

** : Bãi đang vận hành.