Quyết định 2244/QĐ-UBND năm 2008 về phê duyệt Đề án Phòng chống bạo lực trong gia đình, phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình giai đoạn 2008 – 2011 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Số hiệu: 2244/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng Người ký: Huỳnh Đức Hòa
Ngày ban hành: 21/08/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2244/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 21 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC TRONG GIA ĐÌNH; PHÒNG, CHỐNG SỰ XÂM NHẬP CỦA TỆ NẠN XÃ HỘI VÀO GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2008 - 2011 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 ngày 21/11/2007 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Thực hiện Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/5/2008 về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 06/TTr-VHTTDL ngày 03/7/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phòng, chống bạo lực trong gia đình; Phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình giai đoạn 2008 - 2011 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đề án này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký ban hành./-

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

ĐỀ ÁN

PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC TRONG GIA ĐÌNH; PHÒNG, CHỐNG SỰ XÂM NHẬP CỦA TỆ NẠN XÃ HỘI VÀO GIA ĐÌNH GIAI ĐOẠN 2008 - 2010 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
 (Ban hành kèm theo Quyết định số: 2244/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

THÔNG TIN VỀ ĐỀ ÁN

Tên đề án: Phòng, chống bạo lực trong gia đình; Phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình giai đoạn 2008 - 2011 tỉnh Lâm Đồng.

(Thực hiện Quyết định 106/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005- 2010).

Mục tiêu tổng quát: Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tăng cường phòng, chống bạo lực trong gia đình và phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình; khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.

Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng.

Cơ quan thực hiện: Phòng Văn hóa, Thông tin các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Cơ quan phối hợp: các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Tư pháp,Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y Tế, Giáo Dục và Đào Tạo, Thông Tin và Truyền Thông và các ngành của tỉnh: Toà án, Viện Kiểm Sát, Công an, các cơ quan thông tin đại chúng, Mặt Trận Tổ Quốc, các Đoàn thể.

Địa bàn triển khai: Đề án được thực hiện tại 12 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh.

Thời gian thực hiện: Từ năm 2008 đến năm 2011

+ Giai đoạn 2008 - 2009: xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện mô hình điểm đề án.

+ Giai đoạn 2010 - 2011: duy trì, nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh, đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm đề án.

Tổng mức đầu tư của đề án: 1.476.000.000 đồng.

Trong đó:

+ Kinh phí của tỉnh: 600.000.000 đồng.

+ Kinh phí địa phương: 876.000.000 đồng.

Tham gia góp ý đề án: Đề án đã được các sở, ban, ngành đoàn thể tham gia góp ý kiến bằng văn bản: Công văn số: 272/STP-XDKT ngày 19/6/2008 của Sở Tư pháp; công văn số 153/STT&TT-BCXB ngày 10/6/2008 của sở Thông tin và Truyền thông; công văn số 928/TC-HCSN ngày 18/6/2008 của Sở Tài chính; công văn số 725/SGD&ĐT ngày 20/6/2008 của Sở Giáo dục và Đào tạo; công văn số 635/SYT-NVY ngày 17/6/2008 của sở Y tế; công văn ngày 05/6/2008 của Sở Kế hoạch và Đầu tư; công văn số 440/PC14 ngày 09/6/2008 của Công an tỉnh; công văn số 961/LĐTBXH-TE ngày 06/6/2008 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội; công văn số 130 CV/CCB ngày 10/6/2008 của Hội Cựu chiến binh; công văn số 142/CV-PN ngày 06/6/2008 của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng.

MỞ ĐẦU

Trong những năm gần đây, bạo lực trong gia đình cùng các tệ nạn xã hội đã và đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc và sự bền vững của nhiều gia đình Việt Nam và gây những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy, bạo lực trong gia đình, tệ nạn xã hội đã và đang là vấn đề bức xúc được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm giải quyết. Hoạt động phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội đã được các cơ quan, tổ chức xã hội và các gia đình hưởng ứng, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng với vai trò quản lý Nhà nước về gia đình đã và đang tiến hành nghiên cứu và thực hiện các giải pháp tích cực nhằm góp phần ngăn ngừa tệ nạn xã hội, tình trạng bạo lực trong gia đình thông qua cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, thôn, buôn, khu phố văn hóa.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, văn hoá xã hội và xu hướng hội nhập quốc tế của nước ta đã đem lại nhiều thành tựu to lớn tạo điều kiện cho gia đình Việt Nam phát triển toàn diện cả về kinh tế lẫn đời sống văn hóa tinh thần. Đồng thời, gia đình Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề thách thức và tiêu cực của tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, cờ bạc, bạo lực gia đình… là những nguy cơ hủy diệt giống nòi, phá vỡ những giá trị truyền thống văn hoá của gia đình, các chuẩn mực đạo đức của cá nhân và cộng đồng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế - xã hội.

Trước thực trạng các tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, gây nhức nhối trong xã hội, chúng ta cần nhận thức một cách đầy đủ các nguyên nhân và tác hại của tệ nạn xã hội để có biện pháp ngăn ngừa, phòng chống một cách tích cực, có hiệu quả. Đây vừa là vấn đề cấp bách vừa là vấn đề lâu dài của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn thể cộng đồng. Với vai trò và đặc trưng của giáo dục gia đình, nếu được phát huy và thúc đẩy, chắc chắn gia đình sẽ góp phần không nhỏ trong phòng chống tệ nạn xã hội. Vấn đề này đã và đang được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhằm ngăn chặn, từng bước tiến tới loại trừ tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống xã hội, xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn cho mọi người dân và cho mọi gia đình.

Đề án "Phòng chống bạo lực trong gia đình, phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình" là một trong số những đề án được xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu của Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21/02/2005 của Ban bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005.

Đề án Phòng chống bạo lực trong gia đình, phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình là hướng đến mục tiêu "Nâng cao nhận thức, hành động của các thành viên trong gia đình và cộng đồng trong việc phòng chống và ngăn ngừa, tiến tới giảm cơ bản bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội vào năm 2011" được thực hiện theo nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, thực hiện các biện pháp truyền thông vận động và can thiệp dựa vào cộng đồng phù hợp với truyền thống văn hoá Việt Nam, bảo vệ kịp thời tính mạng, sức khoẻ của nạn nhân bạo lực gia đình, ngăn chặn xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình.

Đề án được xây dựng và triển khai thực hiện trong sự lồng ghép với các đề án khác để thực hiện Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam. Vì vậy, để giải quyết hai vấn đề lớn là phòng chống bạo lực trong gia đình và phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình, đề án đưa ra các giải pháp:

+ Thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền các Nghị quyết, pháp luật của Đảng và Nhà nước để nâng cao năng lực cho các gia đình trong việc ngăn ngừa, phòng chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội và xã hội hoá công tác phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và cộng đồng.

+ Thứ hai là xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ công tác phòng, chống tệ nạn xã hội xâm nhập gia đình và cộng đồng.

+ Thứ ba là đầu tư nguồn lực và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp thực hiện việc phòng chống, ngăn ngừa bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và cộng đồng.

+ Thứ tư là xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động phòng chống bạo lực và tệ nạn xã hội trong gia đình.

I. Căn cứ xây dựng Đề án

1. Cơ sở pháp lý

Nhận thức được mức độ nguy hại và ảnh hưởng của bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội đối với sự phát triển của xã hội cũng như tầm quan trọng của việc phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống tệ nạn xã hội trong giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, chính sách kịp thời cụ thể hóa bằng những quy định pháp luật như sau:

- Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

- Bộ luật Hình sự năm 1999 có những điều, khoản, điểm quy định việc nghiêm cấm và xử lý các tội danh có liên quan đến các tệ nạn xã hội.

- Luật Phòng, chống ma túy năm 2000.

- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ngày 21/11/2007.

- Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003.

- Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 1/03/1994 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về lãnh đạo phòng chống các tệ nạn xã hội.

- Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 26/3/2008 của Bộ Chính Trị và Chỉ thị 37-CT/TU ngày 17/4/2008 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

- Nghị định số 178/2004/NĐ-CP , ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết về thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm.

- Các quy định có liên quan đến vấn đề bạo lực gia đình trong một số văn bản pháp luật Việt Nam như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và những pháp lệnh, thông tư, quyết định khác có liên quan tới lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình.

- Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

- Quyết định số 106/2005/QĐ-TTg , ngày 16/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010.

- Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/5/2008 về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình;

- Quyết định số 1074/QĐ-UBND ngày 24/3/2006 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc Ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh Lâm Đồng.

2. Thực trạng bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội

Tệ nạn xã hội có thể xảy ra ở bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, chính là những mặt trái luôn tồn tại bên cạnh những giá trị tích cực mà toàn xã hội đang cố gắng xây dựng. Tệ nạn xã hội xảy ra rất đa dạng và có mức độ ảnh hưởng khác nhau tới sự phát triển cá nhân, gia đình và cộng đồng. Đề án này đề cập đến những loại tệ nạn xã hội có liên quan nhiều tới gia đình, có nguyên nhân từ việc thực hiện chưa hiệu quả các chức năng của gia đình.

2.1. Bạo lực gia đình

Bạo lực gia đình là vấn đề cuộc sống xã hội có tính chất nghiêm trọng, xảy ra trong cả nước nói chung, trong tỉnh Lâm Đồng nói riêng và trong các gia đình thuộc mọi tầng lớp của xã hội. Đối tượng của các hành vi bạo lực trong gia đình thường là phụ nữ, người già và trẻ em.

Bạo lực trong gia đình thường được che dấu để người ngoài không thấy, nó có thể hủy hoại sức khoẻ, tình cảm cũng như tài sản của nạn nhân, nó đe doạ sự ổn định của cả gia đình và gây ảnh hưởng tiêu cực cho tất cả các thành viên trong gia đình. Trong đó, trẻ em chịu tác động và ảnh hưởng lớn nhất từ vấn đề bạo lực gia đình. Bạo lực đối với trẻ em trong gia đình tồn tại ở các dạng như bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần và việc lạm dụng tình dục trẻ em. Những hình thức bạo lực này ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành và phát triển thể lực, trí lực, cũng như nhân cách của trẻ em.

Khi phải chứng kiến bạo lực trong gia đình, trẻ em lớn lên trong môi trường thiếu hạnh phúc, nhiều xung đột trong gia đình sẽ tổn thương tình cảm của các em, dẫn đến việc phát triển tinh thần và thể chất không bình thường. Nhiều trường hợp, không chịu nổi khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình giữa cha mẹ, các em đã bỏ gia đình đi lang thang kiếm sống. Điều này đã làm tăng tỉ lệ trẻ em lang thang và trẻ em vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, có những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình với hậu quả nghiệm trọng, án mạng xảy ra như chết vợ hoặc chết chồng. Hơn ai hết, trẻ em phải gánh chịu hậu quả này, các em phải mồ côi cha hoặc mẹ, thiếu đi tình yêu thương và sự chăm sóc của của cha hoặc mẹ, dẫn đến hạn chế những cơ hội để trẻ em có một cuộc sống đầy đủ, một cuộc sống bình thường trong tương lai.

Theo các số liệu ghi nhận được trên thực tế, tỷ lệ phụ nữ bị chồng ngược đãi chiếm tỷ lệ đa số hơn là người chồng bị ngược đãi. Chính vì vậy mà vấn đề bạo lực gia đình thường được gắn với bạo lực đối với phụ nữ. Bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình tồn tại ở các hình thức trực tiếp và gián tiếp, cả về thể chất và tinh thần như: bạo lực về thể chất gồm đánh đập, ngược đãi, hành hạ, gây thương tích, thậm chí giết vợ; bạo lực về tinh thần gồm những hành vi hành hạ tâm lý, những lời sỉ nhục, đe doạ, khủng bố tinh thần… hoặc thờ ơ, vô trách nhiệm với vợ; lạm dụng tình dục: cưỡng bức, ép buộc phụ nữ làm những việc liên quan đến tình dục trái với mong muốn của họ; và cấm đoán, hạn chế các hoạt động của vợ trong các mối quan hệ cộng đồng, xã hội, đặc biệt nghiêm cấm vợ tìm kiếm sự độc lập về kinh tế. Những hành động trên gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ, tình cảm của người phụ nữ và mức độ bạo lực cũng là một trong những thước đo về sự bất bình đẳng giới.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Lâm Đồng cho thấy từ năm 2000 đến năm 2007 đã có 19 vụ bạo lực gia đình dẫn đến chết người. Riêng năm 2007, trong số 53 vụ giết người trên phạm vi toàn tỉnh thì có 03 vụ do người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau.

Theo báo cáo của Toà án nhân dân tỉnh Lâm Đồng từ năm 2000 đến năm 2007, các toà án địa phương trong toàn tỉnh đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 7892 vụ án về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong đó có tới 3050 vụ án liên quan đến bạo lực gia đình, hành vi đánh đập ngược đãi, chiếm 38,4% trong tất cả các nguyên nhân dẫn đến ly hôn. (Trong đó có 1319 vụ ly hôn trong tổng số 3050 vụ án về hôn nhân gia đình chiếm tỷ lệ 43,2%).

Trên thực tế, không phải lúc nào pháp luật cũng có thể can thiệp sâu vào vấn đề bạo lực gia đình. Nhiều người vẫn ngộ nhận hoặc lẫn lộn bạo lực gia đình với cuộc sống gia đình riêng tư, họ cho rằng vợ chồng có thể cãi cọ, đánh nhau để dàn xếp mâu thuẫn gia đình và người ngoài không có quyền can thiệp vào cuộc sống riêng tư của gia đình họ.

Mặt khác, pháp luật còn thiếu những quy định về bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân của bạo lực gia đình. Điều này dẫn đến tình trạng nạn nhân đã tố cáo những trường hợp bạo lực nghiêm trọng, nhưng rồi bản thân họ vẫn không muốn xử lý kẻ vi phạm vì lo lắng cho sự an toàn của bản thân và con cái họ.

Trong cuộc sống phụ nữ thường là nạn nhân của bạo lực gia đình và không có nhiều sự lựa chọn, phần lớn họ phải chịu đựng ngược đãi mà không muốn nói cho người ngoài biết. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người phụ nữ có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của hàng xóm, bạn bè và họ hàng để ngăn chặn bạo lực. Chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương như tổ, cụm dân cư, các tổ, ban hoà giải, Hội Phụ nữ thường chỉ can thiệp vào những trường hợp nghiêm trọng hoặc thường xuyên; tổ hoà giải là tổ chức có chức năng hoà giải cặp vợ chồng trong các trường hợp có đơn xin ly hôn.

2.2 Tệ nạn mại dâm và ma túy

Tệ nạn mại dâm xuất hiện ở nước ta từ rất lâu. Đến nay tệ nạn này có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2000 ước tính toàn tỉnh có khoảng 700 gái mại dâm. Trong đó, số gái mại dâm có hồ sơ quản lý là 448 (Số tích lũy), số gái mại dâm lưu động là 224. Đến năm 2007, con số này đã giảm xuống ước tính là 600 gái mại dâm chuyên nghiệp và gái bán chuyên nghiệp, năm 2007, chi cục PCTNXH phối hợp với cơ quan công an các đơn vị địa phương khảo sát triệt phá 06 vụ hoạt động mại dâm, bắt 37 đối tượng can tội chứa mại dâm và mua bán dâm, trong đó chủ chứa là 05 đối tượng, mua dâm 16 đối tượng và bán dâm là 16 đối tượng.

Từ năm 2001 đến 2005, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã lập 91 hồ sơ gái mại dâm, trình Hội đồng tư vấn xét xử, đề nghị đưa vào cở sở chữa bệnh, đồng thời giao 04 đối tượng về địa phương và gia đình quản lý. Trong năm 2006 có 15 đối tượng được giáo dục,chữa bệnh tại trung tâm và có 120 đối tượng được chữa bệnh tại cộng đồng. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức dạy nghề tại cộng đồng cho 15 đối tượng và tạo việc làm cho 04 đối tượng. Riêng năm 2007, đã lập hồ sơ đưa 16 gái mại dâm vào cơ sở chữa bệnh và có 26 đối tượng được giáo dục, chữa bệnh tại trung tâm, 126 đối tượng được giáo dục tại cộng đồng, các đơn vị đã chữa trị cho một số lượng lớn gái mại dâm như: thành phố Đà Lạt, thị xã Bảo Lộc, các huyện Di Linh, Đức Trọng và Lâm Hà...

 Nguyên nhân của tệ nạn này xuất phát từ nhiều phía, nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bị xô đẩy vào con đường bán thân kiếm tiền. Thêm vào đó là những kẻ bất lương, sẵn sàng kiếm sống trên thân thể của người khác bằng những thủ đoạn như lừa đảo, tổ chức đường dây buôn bán, cưỡng ép phụ nữ hành nghề mại dâm. Bên cạnh đó cùng với sự phát triển của xã hội và những mặt trái của nó, rất nhiều cô gái vì nhận thức hạn chế, hoặc do gia đình tan vỡ, thiếu sự quan tâm … sa chân vào con đường lầm lạc này đã gây cho gia đình, xã hội nhiều tác hại và tốn kém về tài chính và nhân lực.

Theo số liệu tổng hợp của Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, từ năm 2006 đến hết quý I năm 2007 toàn tỉnh có 319 phụ nữ lấy chồng nước ngoài, 1924 phụ nữ đi làm ăn xa.

Theo báo cáo của Công an tỉnh, tệ nạn sử dụng ma tuý và các chất gây nghiện đang trở thành vấn nạn của xã hội khi số người sử dụng, buôn bán, tàng trữ chất ma tuý ngày một tăng. Tính đến cuối năm 2007, tỉnh Lâm Đồng có trên 600 người sử dụng ma tuý trong đó có những địa phương có tỷ lệ người nghiện cao như thành phố Đà Lạt (chiếm 50% trên địa bàn toàn tỉnh). Ngoài ra còn có các địa phương khác như Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc. Trong năm 2007 lực lượng phòng chống ma tuý đã triệt phá trên 30 vụ buôn bán ma tuý, bắt giữ trên 40 đối tượng buôn bán ma tuý, thu được một lượng lớn heroin và cần sa.

Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu do chưa kiểm soát được nguồn cung cấp ma tuý từ bên ngoài vào cũng như tình trạng buôn bán ma tuý trong nước, có một nguyên nhân quan trọng khác là việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 56/CP chưa đạt hiệu quả.

3. Những khó khăn, thách thức

Thực tiễn cho thấy nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh, tồn tại và phát triển tệ nạn xã hội ở Lâm Đồng giai đoạn hiện nay là rất đa dạng. Có thể nêu ra một số nguyên nhân cụ thể như sau:

Một là do cơ chế kinh tế thị trường tác động, nền kinh tế vốn lạc hậu, kém phát triển lại chịu hậu quả của các cuộc chiến tranh, không đủ khả năng giải quyết các vấn đề xã hội trong một thời gian ngắn, nhất là khi chuyển sang cơ chế thị trường và chính sách mở cửa đã khiến cho các tệ nạn xã hội bùng nổ nhanh chóng.

Tình trạng thiếu việc làm, việc làm không ổn định hoặc thất nghiệp đã khiến một bộ phận lớn nhân dân gặp khó khăn trong cuộc sống, không ít người bị xô đẩy vào các tệ nạn xã hội. Nghèo đói là một trong những nguyên nhân làm cho hàng ngàn người (trong đó có khoảng một nửa là phụ nữ) từ bỏ nông thôn ra thành phố kiếm việc làm và dễ sa chân vào tệ nạn mại dâm.

 Sự đổi mới về cơ chế đã mang lại nhiều thành tựu về kinh tế song cũng bộc lộ nhiều mặt trái về xã hội như sự bất bình đẳng và sự phân hoá giàu nghèo ngày càng sâu sắc, sức mạnh đồng tiền lấn át các giá trị đạo đức tốt đẹp; sự xuống cấp của đạo đức xã hội, sự hình thành lối sống thực dụng, trụy lạc, giáo dục gia đình bị buông lỏng do một số bậc cha mẹ bị cuốn hút vào các hoạt động của kinh tế thị trường bỏ quên chức năng của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con cái là những nguyên nhân quan trọng góp phần làm gia tăng thêm các tệ nạn xã hội.

Hai là, Công tác quản lý Nhà nước về Gia đình là một lĩnh vực mới nên còn nhiều tồn tại và khó khăn. Nhìn chung chúng ta chưa có một chiến lược tổng thể để khắc phục các tệ nạn xã hội, nhiều chính sách xã hội mới chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa có cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện hoặc thiếu các biện pháp đồng bộ. Hệ thống chính sách xã hội chậm được hoàn thiện, đặc biệt là những chính sách xã hội trực tiếp hướng vào việc phòng chống các tệ nạn xã hội cụ thể.

Ba là, trong điều kiện cơ chế thị trường, không chỉ có các gia đình nghèo mải lo kiếm tiền mà ngay cả các gia đình khá giả đã dùng đồng tiền để thay thế sự quan tâm của mình đối với con cái trong việc chăm sóc sức khoẻ, học tập và tu dưỡng đạo đức. Nhiều gia đình lo mải mê làm kinh tế nên đã sao nhãng việc thực hiện chức năng giáo dục con cái, đôi khi còn "khoán trắng" trách nhiệm này cho các tổ chức đoàn thể và xã hội. Mất điểm tựa tinh thần và sự kiểm soát là tổ ấm gia đình, các thành viên dễ bị sa vào "vòng xoáy" của tệ nạn xã hội.

Có thể tóm tắt một số khó khăn, thách thức trong việc phòng chống tệ nạn xã hội như sau:

- Tệ nạn xã hội ngày càng biến đổi với các loại hình tinh vi hơn, tính chất nguy hiểm hơn, các đối tượng tham gia ngày một nhiều hơn.

- Nhận thức của người dân và các cấp lãnh đạo quản lý chưa theo kịp được với thực trạng tệ nạn xã hội hiện nay.

- Các chức năng của gia đình và việc thực hiện các chức năng đó có nhiều biến đổi. Đặc biệt là sự suy giảm của chức năng giáo dục - xã hội hoá ảnh hưởng trực tiếp tới sự hình thành nhân cách cá nhân.

- Sự sa sút về mặt đạo đức, lối sống, quan hệ cộng đồng vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của tệ nạn xã hội. Vì vậy, việc củng cố các giá trị, chuẩn mực xã hội cũng như mối quan hệ giữa cá nhân - gia đình và xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội.

II. Mục tiêu của Đề án

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; tăng cường phòng, chống bạo lực trong gia đình và phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình; khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và vận động người dân xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, xây dựng gia đình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc".

2. Mục tiêu cụ thể

Mục tiêu 1: Đến năm 2011, 100% các gia đình được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội; từ 40% đến 60% gia đình ở địa bàn triển khai đề án tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và được cung cấp tài liệu phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội tại gia đình.

Mục tiêu 2: Củng cố các cơ chế và giải pháp can thiệp phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình để đến năm 2011 tỷ lệ bạo lực trong gia đình, tệ nạn xã hội giảm bình quân hàng năm từ 10 - 15% tại các địa bàn triển khai đề án, từ 80 đến 90% số người bị bạo lực gia đình được các tổ chức cộng đồng giúp đỡ.

Mục tiêu 3: Đến năm 2011, 100% cán bộ làm công tác gia đình; cán bộ, nhân viên tác nghiệp tại các Trung tâm tư vấn, các trung tâm cai nghiện, trung tâm giáo dục dạy nghề tại các địa bàn triển khai đề án được nâng cao kỹ năng quản lý, tư vấn và truyền thông, 100% huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh triển khai thực hiện đề án.

III. Đối tượng

- Các thành viên trong gia đình, các nhóm đối tượng tại các địa bàn triển khai đề án.

- Cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các địa bàn triển khai đề án.

- Cán bộ làm công tác gia đình, cán bộ tư vấn tại các trung tâm cai nghiện, trung tâm giáo dục dạy nghề.

- Cán bộ làm công tác truyền thông, phóng viên ở các cơ quan thông tấn báo chí.

IV. Thời gian thực hiện

1. Giai đoạn 1: (2008 - 2009). Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là:

 - Xây dựng, phê duyệt và triển khai đề án.

 - Tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội đối với gia đình.

 - Nhân bản bộ tài liệu nội dung phòng, chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội xâm nhập gia đình.

 - Thử nghiệm, đánh giá sơ kết và nhân rộng các hoạt động của đề án tại các địa bàn trọng điểm của các huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh.

2. Giai đoạn 2: (Từ 2010-2011). Nhiệm vụ của giai đoạn này là:

 - Duy trì và nhân rộng hoạt động đề án tại 12 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

 - Đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm đề án vào năm 2011.

V. Các giải pháp thực hiện Đề án

1. Tăng cường năng lực cho các gia đình và toàn xã hội trong việc ngăn ngừa, phòng chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội.

1.1. Tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường lối, chính sách, pháp luật và giới thiệu các điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong việc phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội; phát hiện, phê phán hành vi vi phạm, xúi giục, cản trở, bao che các hành vi bạo lực gia đình và hành vi gây tệ nạn xã hội.

1.2. Tổ chức phát động cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật với nhiều hình thức phong phú về chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội phù hợp, hấp dẫn, lôi cuốn đối với từng nhóm đối tượng.

1.3. Nhân bản và phân phối tài liệu với nội dung phòng, chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

1.4 Tập huấn về kỹ năng ngăn ngừa, phòng chống và giải quyết các vụ bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội cho các thành viên, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ, đội xung kích, tổ hoà giải.

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và xã hội hoá công tác phòng, chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình và cộng đồng.

2.1. Xây dựng chính sách và biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và cộng đồng nhằm nâng cao sự hỗ trợ của pháp lý xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền, vận động và thực hiện các giải pháp can thiệp có hiệu quả.

2.2. Xây dựng cơ chế phối hợp và thực hiện chương trình hành động giữa các Sở ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng trong việc phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội.

2.3 Huy động mọi cá nhân, gia đình và toàn xã hội tham gia phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội, phát huy vai trò của gia đình và dòng họ, đề cao các hương ước, quy ước của cộng đồng, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật.

3. Tổ chức triển khai và nâng cao chất lượng các giải pháp can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và cộng đồng.

3.1. Tổ chức triển khai việc giáo dục, tư vấn cho các thành viên gia đình, đặc biệt là các thành viên gia đình có nguy cơ dẫn tới bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội.

3.2. Tổ chức việc hoà giải mâu thuẫn và tranh chấp giữa các thành viên gia đình và giải quyết các khó khăn về vật chất và tinh thần của mỗi thành viên trong gia đình.

3.3.Giáo dục tại cộng đồng đối với người có hành vi bạo lực gia đình, nghiện rượu bia, và người có biểu hiện tham gia vào các hoạt động mại dâm; người có hành vi xúi giục gây bạo lực, nghiện ma túy; người cản trở phòng, chống bạo lực gia đình; người bao che không xử lý hành vi bạo lực gia đình, nghiện ma túy, mại dâm.

3.4. Thực hiện các biện pháp kinh tế xã hội hỗ trợ việc phòng, chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội; tập trung giúp đỡ các đối tượng hoàn lương, các gia đình có nguy cơ cao ổn định cuộc sống.

3.5. Tổ chức thực hiện các biện pháp để phát hiện báo tin, ngăn chặn và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội.

3.6. Thực hiện các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với người có hành vi bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng và các hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội.

3.7. Chăm sóc và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội về y tế, tinh thần, nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

4. Xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng mô hình phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội.

4.1. Nhân rộng mô hình tổ dân phố, khu dân cư trong sạch, không có bạo lực gia đình, không có người sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, cờ bạc.

4.2. Tăng cường việc nâng cao nhận thức và thực hiện Pháp lệnh Phòng chống ma túy và Pháp lệnh Phòng chống mại dâm, Luật Phòng chống bạo lực gia đình (Phối hợp với đề án tuyên truyền vận động).

4.3. Duy trì và nhân rộng mô hình câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững tại các huyện, thị, thành phố.

4.4. Duy trì và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ gia đình phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình tại các huyện, thị, thành phố.

4.5. Duy trì và nhân rộng mô hình đội xung kích can thiệp giải toả các vụ bạo lực gia đình và củng cố tổ hòa giải ở cơ sở.

5. Nâng cao năng lực trong việc quản lý điều hành và tổ chức thực hiện phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội.

5.1. Khảo sát thực trạng, đánh giá ảnh hưởng của bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội đối với gia đình; đánh giá nhận thức, thái độ cuả gia đình và cộng đồng trong việc phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội.

5.2. Tập huấn, nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp.

5.3. Tập huấn, nâng cao kỹ năng tuyên truyền vận động, kỹ năng tư vấn, kỹ năng tuyên truyền cho các cán bộ tác nghiệp tại các Trung tâm tư vấn, Trung tâm giáo dục dạy nghề, Trung tâm cai nghiện.

5.4. Giám sát và đánh giá đột xuất và thường xuyên các hoạt động của đề án và thực hiện đánh giá giữa kỳ, cuối kỳ.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Phân công nhiệm vụ

1.1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đề án phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình.

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Công an, Sở Tư pháp, Sở Thông tin - Truyền thông, Đài PTTH tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội trên các phương tiện thông tin đại chúng.

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát để đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình; vận động xã hội đấu tranh, phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm đối với gia đình; chủ động phối hợp giải quyết các vấn đề xã hội như: bạo hành, bất bình đẳng giới trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình…. Thông qua công tác này, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình điển hình, những địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác về gia đình.

d) Căn cứ đề án được duyệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn UBND các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động theo định kỳ hàng năm, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và Chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010; tổ chức tổng kết tình hình thực hiện đề án vào năm 2011.

e) Chỉ đạo xây dựng mô hình tổ dân phố, khu dân cư trong sạch không có bạo lực gia đình, không có người sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, cờ bạc.

f) Có kế hoạch giám sát định kỳ hoặc đột xuất đảm bảo quản lý và theo dõi tiến độ thực hiện các mục tiêu, các chỉ đạo đồng thời có trách nhiệm theo dõi kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động của đề án theo kế hoạch được phê duyệt.

1.2. Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể cấp tỉnh

a) Tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật về: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Bình đẳng giới; Phòng chống ma túy mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

b) Phối hợp các cơ quan liên quan kiến nghị các biện pháp và tổ chức thực hiện pháp luật về: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Bình đẳng giới; Phòng chống ma túy mại dâm và các tệ nạn xã hội khác, chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.

c) Tham gia giám sát việc thực hiện luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

1.3. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp tuyên truyền và tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Bình đẳng giới; Phòng chống ma túy mại dâm và các tệ nạn xã hội khác.

b) Tổ chức các cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

c) Phối hợp các ngành liên quan tổ chức các hoạt động dạy nghề, tín dụng, tiết kiệm để hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.

1.4. Sở Kế hoạch Đầu tư

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan để đưa các tiêu chí về công tác Gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

b) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ làm công tác gia đình các cấp và nguồn kinh phí cho hoạt động của công tác gia đình tại địa phương.

1.5. Sở Tài Chính

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

b) Hàng năm căn cứ vào dự toán kinh phí thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về gia đình, công tác gia đình do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập, Sở Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí ngân sách và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

c) Hướng dẫn và kiểm tra các sở, ngành và điạ phương trong việc sử dụng nguồn ngân sách dành cho công tác gia đình.

1.6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thực hiện có hiệu quả các chương trình xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ việc làm; đào tạo nghề cho thanh niên phù hợp với từng vùng kinh tế, chú trọng dạy nghề cho con em gia đình các dân tộc thiểu số, gia đình chính sách; tổ chức mạng lưới giới thiệu việc làm cho người lao động.

b) Đề xuất các chính sách, chế độ hỗ trợ gia đình chính sách xã hội, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình dân tộc thiểu số thông qua chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm để phấn đấu tự vươn lên ổn định cuộc sống.

c) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đề án phòng chống bạo lực gia đình và phòng chống tệ nạn xã hội xâm nhập gia đình.

d) Hướng dẫn, tổ chức thực hiện giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

1.7. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tổ chức tốt việc khám chữa bệnh cho người nghèo và các chương trình phòng, chống dịch, các bệnh xã hội ở vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn.

b) Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở để cung cấp tại chỗ các dịch vụ y tế, đặc biệt là các cơ sở điều trị, phục hồi sức khỏe tinh thần cho nạn nhân của bạo lực gia đình.

c) Xây dựng và triển khai thực hiện quy chế về tiếp nhận, chăm sóc y tế đối với bệnh nhân là nạn nhân của bạo lực gia đình tại các cơ sở khám chữa bệnh và triển khai quy trình chữa trị nghiện rượu tại địa phương.

1.8. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Chủ trì, hướng dẫn triển khai thực hiện việc lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục và đào tạo phù hợp với các cấp học, ngành học.

b) Nhà trường và các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân có trách nhiệm thực hiện lồng ghép kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình giáo dục theo quy định.

1.9. Sở Thông tin - Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng

a) Sở Thông tin - Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội.

b) Thông tin kịp thời các chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội.

1.10 Sở Tư pháp, Tòa án tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Công an tỉnh

a) Sở Tư pháp, Tòa án tỉnh, Việt kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng chống bạo lực trong gia đình, tệ nạn xã hội, thực hiện việc hướng dẫn, giúp đỡ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình.

b) Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội.

1.11. UBND các huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh

a) Thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện đề án phòng chống bạo lực trong gia đình và phòng chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

b) Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn đưa các mục tiêu về xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội dài hạn và ngắn hạn ở địa phương.

c) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện đề án phòng chống bạo lực trong gia đình và phòng chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm với UBND tỉnh (Thông qua sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để tổng hợp báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Đánh giá

Đề án được đánh giá sơ kết vào năm 2009 và tổng kết vào cuối năm 2011.

VII. Hiệu quả kinh tế, xã hội của Đề án

Việc triển khai đề án sẽ nâng cao năng lực cho các gia đình và cộng đồng về việc phòng, chống bạo lực gia đình và tệ nạn xã hội; đề án sẽ giúp cho các gia đình tại địa phương có năng lực để phòng, chống, ngăn ngừa những hiện tượng, những biểu hiện không lành mạnh làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, đến việc giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước.

Đề án hướng tới mục tiêu giảm cơ bản bạo lực gia đình và sự xâm nhập tệ nạn xã hội vào gia đình đến năm 2011, góp phần xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững.

VIII. Kinh phí thực hiện Đề án

Hàng năm, căn cứ vào dự toán kinh phí thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về gia đình và công tác gia đình do sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch lập, sở Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí ngân sách và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định./-