Quyết định 2243/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch Quản lý, điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm và bệnh mạn tính tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2013-2020
Số hiệu: 2243/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Nguyễn Khắc Hào
Ngày ban hành: 27/11/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2243/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 27 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH QUẢN LÝ, ĐIỀU TRỊ NGOẠI TRÚ BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM VÀ MỘT SỐ BỆNH MẠN TÍNH TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Căn cứ Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 18/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2012 - 2015;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 1075/TTr-SYT ngày 29/10/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch Quản lý, điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm và một số bệnh mạn tính tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2013-2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng cường tổ chức quản lý điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm và một số bệnh mạn tính từ tỉnh đến y tế cơ sở nhằm từng bước hạn chế tỷ lệ biến chứng và tử vong, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ và bảo toàn quỹ bảo hiểm y tế.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

a) Các bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, Bệnh viện Tâm thần kinh, Bệnh viện Lao và bệnh phổi), tất cả các Trung tâm y tế huyện, thành phố và 25% số trạm Y tế xã, phường, thị trấn (40 trạm) có khoa, đơn vị, bộ phận quản lý và điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm và một số bệnh mạn tính.

b) Phấn đấu từ 60% cán bộ y tế làm công tác quản lý điều trị ngoại trú các bệnh không lây nhiễm được đào tạo chuyên ngành sâu và 90% được đào tạo lại, đào tạo liên tục, tập huấn, cập nhật về biện pháp dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh không lây nhiễm và một số bệnh mạn tính tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

c) Có từ 50% trở lên số bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản được phát hiện; theo dõi và điều trị có hệ thống từ 50% số người mắc các bệnh trên đã được phát hiện theo phác đồ do Bộ Y tế quy định.

d) Tăng cường phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời các bệnh ung thư như: Ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng...đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư ở các tuyến, đặc biệt là ung thư giai đoạn cuối.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe

Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên; đặc biệt là hệ thống truyền thanh xã, nhằm nâng cao nhận thức và tác động thay đổi hành vi của cộng đồng về bệnh không lây nhiễm và một số bệnh mạn tính. Nhận diện được các yếu tố nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, căng thẳng thần kinh, ô nhiễm môi trường… để chủ động phòng tránh và từ bỏ. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, khi phát hiện bệnh phải đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị. Đảm bảo tuân thủ các hướng dẫn, tư vấn của cán bộ y tế, không tự ý điều trị không có kiểm soát hoặc bỏ điều trị gây biến chứng, hậu quả nghiêm trọng.

2. Kiện toàn và phát triển mạng lưới quản lý, điều trị ngoại trú các bệnh không lây nhiễm

a) Đối với các cơ sở y tế công lập

- Các cơ sở y tế tuyến tỉnh:

+ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối: Thành lập Khoa (bộ phận) Quản lý và điều trị ngoại trú, thực hiện công tác chỉ đạo tuyến xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở. Tổ chức quản lý, điều trị ngoại trú các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, ung thư, loét dạ dày tá tràng, viêm gan mạn tính, bệnh thận mạn tính, thoái hóa khớp...;

+ Bệnh viện Lao và bệnh phổi: Duy trì phòng tư vấn quản lý điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản;

+ Bệnh viện Tâm thần kinh: Duy trì hoạt động của phòng chỉ đạo tuyến quản lý điều trị bệnh nhân tâm thần và động kinh tại cộng đồng.

- Trung tâm Y tế các huyện, thành phố: Thành lập Tổ Quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm tại Khoa Nội hoặc Khoa Khám bệnh;

- Các trạm Y tế xã, phường, thị trấn: Thành lập bộ phận quản lý, điều trị ngoại trú các bệnh không lây nhiễm và thực hiện quản lý, điều trị ngoại trú bệnh tăng huyết áp;

b) Đối với các cơ sở y tế ngoài công lập: Khi đủ điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật, các đơn vị xây dựng Đề án và có Tờ trình đề nghị Sở Y tế thẩm định và phê duyệt.

3. Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực

Trên cơ sở thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có tại các cơ sở y tế và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra phục vụ cho công tác quản lý, điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm và một số bệnh mạn tính, ngành Y tế tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo cán bộ y tế có đủ trình độ để phục vụ cho công tác quản lý, điều trị ngoại trú tại các cơ sở y tế:

- Xây dựng và tổ chức các lớp đào tạo nâng cao trình độ về mô hình quản lý và điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm và một số bệnh mạn tính cho các cơ sở y tế trong toàn tỉnh;

- Tổ chức và gửi đào tạo các lớp đào tạo liên tục về siêu âm tim mạch, điện tâm đồ, đo chức năng hô hấp, nội soi dạ dày tá tràng, xét nghiệm sinh hóa... nhằm trang bị các kiến thức và kỹ năng thực hành cho các cán bộ trực tiếp thực hiện;

- Đào tạo và bổ sung các bác sĩ cho Trung tâm y tế tuyến huyện và y tế xã nhằm đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện nhiệm vụ thông qua các hình thức đào tạo như đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng, liên kết đào tạo với các trường đại học y dược trên toàn quốc...

- Phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trung ương, các chuyên khoa đầu ngành và các chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm trong việc đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ. Tổ chức thực hiện tốt đề án 1816 (luân phiên cử cán bộ hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên cho tuyến dưới), công tác chỉ đạo tuyến của các bệnh viện tuyến trung ương nhằm tiếp nhận một cách có hiệu quả các kỹ thuật được chuyển giao;

- Các cơ sở y tế ngoài công lập có kế hoạch và chủ động thực hiện các hình thức đào tạo để nâng cao trình độ cho cán bộ y tế bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nghiệp vụ theo quy định của cấp có thẩm quyền;

- Giao Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Phố Nối, Bệnh viện Lao và bệnh phổi xây dựng mô hình quản lý và điều trị ngoại trú các bệnh không lây nhiễm và mạn tính, sau đó tập huấn chuyển giao xuống các trung tâm y tế huyện, thành phố; các trung tâm y tế huyện, thành phố tổ chức tập huấn và chuyển giao về các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

4. Danh mục các bệnh cần tập trung phát hiện, quản lý, điều trị ngoại trú có kiểm soát

- Tăng huyết áp;

- Đái tháo đường;

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính;

- Hen phế quản;

- Ung thư;

- Loét dạ dày tá tràng;

- Thoái hóa khớp;

- Goute; rối loạn chuyển hóa lipid;

- Bệnh gan mạn tính; thận mạn tính;

- Nhóm bệnh nhân sau can thiệp động mạch vành;

- Một số bệnh mạn tính khác.

5. Đầu tư trang thiết bị y tế

a) Nguyên tắc đầu tư: Phù hợp với trình độ đào tạo và khả năng triển khai ở các tuyến điều trị khác nhau. Tập trung trang thiết bị y tế phục vụ cho chẩn đoán, theo dõi và đánh giá kết quả điều trị.

b) Cụ thể:

- Các cơ sở y tế tuyến tỉnh: Đầu tư đủ các trang thiết bị y tế theo quy định để thực hiện việc chẩn đoán, quản lý, điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm và một số bệnh mạn tính như máy siêu âm tim mạch, điện tim, đo chức năng hô hấp, nội soi dạ dày tá tràng, nội soi phế quản, xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm HbA1C, sinh hóa miễn dịch…;

- Trung tâm Y tế các huyện, thành phố: Phấn đấu tất cả các bệnh viện được đầu tư máy siêu âm màu, máy xét nghiệm sinh hóa, máy đo HbA1C, máy đo chức năng hô hấp và máy nội soi tiêu hóa;

- Tuyến xã: Đầu tư máy đo huyết áp, máy xét nghiệm máu đơn giản (xét nghiệm đường máu, ure, CTM, nhóm máu…).

6. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm y tế trong việc triển khai các dịch vụ y tế, hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân về chính sách pháp luật bảo hiểm y tế, nhằm tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Đẩy mạnh công tác giám định, kiểm tra, quyết toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế kịp thời.

7. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn

Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện các nội dung hoạt động, các điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự để kịp thời hướng dẫn về chính sách, hỗ trợ về nghiệp vụ, uốn nắn các trường hợp sai phạm nhằm ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, làm trái quy định của Nhà nước.

8. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế

a) Thực hiện tốt chủ trương khuyến khích phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập tham gia vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

b) Tăng cường liên doanh liên kết, huy động các nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước vào công tác đầu tư các nguồn lực cho kế hoạch như đào tạo nhân lực, trang bị máy móc, thiết bị y tế…

9. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch

- Đào tạo nguồn nhân lực: Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2011- 2015 và từ nguồn ngân sách hàng năm của các đơn vị sự nghiệp;

- Đầu tư trang thiết bị y tế và xây dựng cơ sở vật chất: Đầu tư bằng nguồn ngân sách của trung ương, địa phương và các nguồn hợp pháp khác (như xã hội hóa, tổ chức quốc tế ....).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Là cơ quan thường trực, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể từng năm để triển khai thực hiện Kế hoạch;

- Tranh thủ và tích cực huy động các nguồn lực của trung ương và các tổ chức quốc tế để triển khai thực hiện kế hoạch;

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện, định kỳ hàng năm sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện; tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính

Tham mưu đề xuất với UBND tỉnh bố trí ngân sách hàng năm để các đơn vị y tế thực hiện kế hoạch, bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị cho y tế xã.

3. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp để mở rộng diện tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt là bảo hiểm y tế tự nguyện. Tổ chức đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu cho đối tượng có thẻ tại những trạm y tế đủ điều kiện theo quy định;

- Tổ chức việc thẩm định, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh cho người bệnh được quản lý, điều trị ngoại trú có kiểm soát theo kế hoạch một cách thuận lợi;

- Chủ trì, phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác hướng dẫn, giám định và kiểm tra tại các cơ sở y tế, nhằm đảm bảo sử dụng quỹ bảo hiểm y tế an toàn và hiệu quả.

4. Báo Hưng Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng: Phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bệnh không lây nhiễm và một số bệnh mạn tính, biết cách phòng, chống bệnh và các yếu tố nguy cơ gây bệnh, có ý thức đi khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

5. Các Sở, ngành có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Phối hợp với Sở Y tế và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Ban chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tại y tế cơ sở trên địa bàn, đảm bảo có hiệu quả.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Y tế, Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh; thủ trưởng các sở, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành ./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Khắc Hào