Quyết định 2193/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt phương hướng, giải pháp chủ yếu vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
Số hiệu: 2193/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình Người ký: Bùi Văn Tỉnh
Ngày ban hành: 08/11/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HOÀ BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2193/QĐ-UBND

Hoà Bình, ngày 08 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỘNG LỰC TỈNH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 144/2010/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt phương hướng, giải pháp chủ yếu phát triển vùng động lực tỉnh Hòa Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, gồm:

1. Vùng động lực

Trục trung tâm dọc Quốc lộ 6, đường cao tốc Hòa Lạc – thành phố Hòa Bình, lấy thành phố Hòa Bình làm hạt nhân. Dải hành lang tiếp giáp với Hà Nội dọc theo đường Hồ Chí Minh (thuộc phía bắc huyện Kỳ Sơn, và dọc theo huyện Lương Sơn đến bắc huyện Lạc Thủy), lấy huyện Lương Sơn làm hạt nhân.

Phát triển vùng động lực nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ chế, chính sách và con người, tạo thành vùng phát triển năng động về kinh tế, tiến bộ nhanh về văn hóa - xã hội, phát huy cao nội lực, ứng dụng những thành tựu kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, tạo thành đầu tàu thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

2. Quan điểm phát triển

Phát triển vùng động lực nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện và đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong kế hoạch trung, dài hạn (đã được Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XV, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua và Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt), cụ thể: Xây dựng tỉnh Hòa Bình có bước phát triển ngang với mức trung bình của cả nước và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Nền kinh tế đi lên từ phát triển công nghiệp tiên tiến và dịch vụ, có nền nông nghiệp, nông thôn phát triển, thân thiện với môi trường; gắn liền với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc tỉnh Hòa Bình”.

3. Mục tiêu, phương hướng phát triển chủ yếu

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng đạt tối thiểu 15%, cơ cấu kinh tế năm 2015: nông nghiệp giảm còn 12 - 15%, công nghiệp – dịch vụ đạt trên 85 - 88%.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp (công nghiệp chế tạo, công nghiệp nhẹ thuộc các lĩnh vực, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản…), dịch vụ (thương mại, du lịch, vui chơi giải trí, bưu chính viễn thông, tư vấn, tin học, tài chính tín dụng, khoa học công nghệ và các dịch vụ công nghệ cao, dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao) trên cơ sở khai thác tiềm năng thế mạnh và lợi thế của địa phương, hướng tới thị trường thành phố Hà Nội, đồng bằng sông Hồng, thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) theo hướng sản xuất hàng hóa, coi trọng chất lượng, sản phẩm sạch, hàm lượng dinh dưỡng cao, đáp ứng nhu cầu thành phố Hà Nội và vùng đồng bằng Bắc Bộ, tiến tới phục vụ xuất khẩu.

Phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, dịch vụ kết nối với thành phố Hà Nội và vùng phụ cận đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển văn hóa - xã hội nhằm nâng cao chất lượng giáo dục y tế, văn hóa, thể thao, mở rộng đào tạo nghề. Triển khai mạnh công tác xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa - xã hội và dạy nghề. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Giữ vững quốc phòng, an ninh, quản lý chặt chẽ địa bàn trọng điểm, các công trình quốc phòng, an ninh, khu quân sự. Hạn chế tối đa tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự, bảo đảm xã hội phát triển lành mạnh.

4. Quy hoạch và cơ chế chính sách

a) Công tác quy hoạch

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng động lực tỉnh Hòa Bình. Trong đó mỗi địa phương vùng động lực là một hợp phần của quy hoạch. Quy hoạch hợp phần của địa phương phải lựa chọn một hoặc hai lĩnh vực mũi nhọn mà địa phương có thế mạnh để tập trung phát triển.

Quy hoạch xây dựng vùng cho vùng động lực làm cơ sở để quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp, các khu thương mại, dịch vụ, du lịch,...

Quy hoạch sử dụng đất cho vùng động lực theo hướng tiết kiệm quỹ đất (nhất là những nơi thuận lợi về giao thông, mặt bằng), trong đó xác định rõ đất đai dành cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ và đất cho sản xuất nông nghiệp.

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao.

b) Quản lý ngân sách

Phân chia tỷ lệ (%) điều tiết nguồn thu cho ngân sách các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn vùng động lực tối đa mức trần mà Luật Ngân sách nhà nước cho phép (đặc biệt đối với khoản thu sử dụng đất nhằm tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương).

c) Quản lý đầu tư công

Lập kế hoạch đầu tư trung hạn, trong đó cơ cấu lại đầu tư ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp (hạ tầng khu, cụm công nghiệp), dịch vụ (hạ tầng thương mại, du lịch).

Phân cấp quyết định đầu tư, giao nhiệm vụ chủ đầu tư ở mức tối đa theo quy định của Luật Xây dựng, các văn bản hướng dẫn và các văn bản khác (như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) cho các huyện, thành phố đối với các dự án thuộc ngân sách địa phương và ngân sách tỉnh hỗ trợ.

d) Thu hút đầu tư

Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, bao gồm: Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá qua các phương tiện truyền thông, trực tiếp tiếp xúc với nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước,... Phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, tỉnh, huyện, các nhà đầu tư hạ tầng trong xúc tiến đầu tư. Bố trí ngân sách xúc tiến đầu tư cho các huyện, thành phố vùng động lực và tăng ngân sách xúc tiến đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

Chủ động (sau khi đã có quy hoạch và quy hoạch chi tiết) chuẩn bị đầu tư, thực hiện rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông, đường điện đến địa giới quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ,... tạo đất sạch hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ngân sách tỉnh hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư một số hạng mục các khu công nghiệp (đối với khu công nghiệp không được ngân sách Trung ương hỗ trợ), cụm công nghiệp như đường trục nội bộ, xử lý nước thải, đường điện nội bộ như sau: Các khu công nghiệp có diện tích dưới 200ha: Không quá 40 tỷ đồng; trên 200ha: Không quá 50 tỷ đồng; các cụm công nghiệp, mỗi cụm không quá 7 tỷ đồng.

Xây dựng cơ chế góp vốn, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm, hình thành các quỹ hỗ trợ nông dân và các hỗ trợ khác đảm bảo thu nhập và cuộc sống cho người nông dân sau khi thu hồi đất cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ.

e) Chính sách phát triển nông nghiệp

Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

5. Cải cách hành chính

a) Tập trung cao cho công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đưa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đi vào thực chất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp để giảm thời gian làm thủ tục cấp, cho thuê đất, cấp chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, giải phóng mặt bằng, cấp mã số thuế, con dấu.

a) Phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ và ngân sách ở mức cao nhất mà pháp luật cho phép cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các sở, ngành.

6. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng

a) Đầu tư hạ tầng giao thông

Xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình, xây dựng 01 cầu qua sông Đà.

Nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đến thành phố Hòa Bình (dự án của Bộ Giao thông Vận tải).

Nâng cấp Quốc lộ 21, Quốc lộ 12B và đường 12B.

Xây dựng mới tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh – thị trấn Lương Sơn (qua xã Hòa Sơn).

Nâng cấp và mở rộng tuyến đường 445, thị trấn Kỳ Sơn – Hợp Thịnh nối với tuyến đường vành đai 6 Hà Nội.

Xây dựng đường nối điểm đầu đường Hòa Lạc – Hòa Bình với xã Phú Minh (Kỳ Sơn).

Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cảng trên sông Đà (bao gồm cảng Bích Hạ và một số cảng khác), bến thuyền trên sông Bôi (Lạc Thủy).

b) Phát triển hạ tầng đô thị

Tiếp tục quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị thành phố Hòa Bình làm cơ sở đầu tư tập trung phát triển khu Bờ trái, khu trung tâm Quỳnh Lâm, khu Chăm Mát (đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường Trương Hán Siêu, đường Chi Lăng kéo dài, khu trung tâm Quỳnh Lâm, tuyến đường Chăm Mát, đường Lê Thánh Tông, đường Hòa Bình – Thanh Sơn (Phú Thọ), hệ thống thoát nước thải thành phố Hòa Bình, công viên Tuổi Trẻ, công viên hồ Thịnh Lang,...).

Đầu tư xây dựng thị trấn Lương Sơn tạo điều kiện để thị trấn và vùng phụ cận phát triển thành thị xã trong tương lai.

Quy hoạch đầu tư chuyển trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn về xã Mông Hóa.

Quy hoạch, đầu tư khu vực Chợ Bến thành thị trấn.

Quy hoạch, đầu tư hạ tầng thị trấn Thanh Hà.

c) Đầu tư khu, cụm công nghiệp

Kêu gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; đồng thời nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, hạ tầng đến chân hàng rào khu, cụm công nghiệp, cụ thể như sau:

Tiếp tục mở rộng Khu công nghiệp Lương Sơn.

Tạo điều kiện để nhà đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà, nhà nước (ngân sách tỉnh) tiếp tục hỗ trợ theo dự án đã được phê duyệt.

Các khu công nghiệp Nhuận Trạch, Mông Hóa, Yên Quang, Nam Lương Sơn, Thanh Hà: Kêu gọi và tạo điều kiện đề nhà đầu tư thực hiện đầu tư, kinh doanh hạ tầng. Nhà nước hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, đường giao thông, đường điện đến chân hàng rào bằng ngân sách tỉnh. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương lập các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ của nhà nước, tổ chức thực hiện.

Kêu gọi và hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp Hòa Sơn, VITACO, Cao Thắng, Thanh Nông, Phú Thành I, Phú Thành II. Ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định.

d) Phát triển hạ tầng thương mại, du lịch

Đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại và dịch vụ Bờ trái, Trung tâm hội chợ triển lãm của tỉnh, chợ trung tâm Lương Sơn, chợ Bãi Nai (Kỳ Sơn); chợ Thanh Hà (Lạc Thủy), các chợ khu vực nông thôn, chợ trung tâm cụm xã.

Tập trung đầu tư hạ tầng du lịch hồ sông Đà trở thành tiêu điểm thu hút du lịch, hạ tầng du lịch khu vực Lương Sơn, bắc Lạc Thủy.

e) Đầu tư hệ thống điện theo quy hoạch, đặc biệt là hệ thống điện phục vụ sản xuất, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ đảm bảo cung cấp đủ, ổn định điện cho phát triển sản xuất kinh doanh.

7. Đào tạo nguồn nhân lực

a) Đẩy mạnh đào tạo nghề, chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, lành nghề, đủ sức cung ứng cho các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại trong, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

b) Đầu tư và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển các trường nghề ở vùng động lực thành các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao.

c) Tập trung nâng cấp các trường nghề hiện có của tỉnh: Trường Cao đẳng nghề, Trường Trung học Kinh tế kỹ thuật, Trung tâm dạy nghề: Lương Sơn, Lạc Thủy, Kỳ Sơn. Khuyến khích các cơ sở dạy nghề của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo. Mở rộng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng dạy nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thành phố, Trung tâm Tổng hợp Kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề của tỉnh.

e) Thu hút các trường đại học, cơ sở dạy nghề đầu tư trong vùng động lực. Đầu tư nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm thành Trường Đại học Hòa Bình và đủ điều kiện trở thành trường đại học đa ngành nghề vào năm 2020.

8. Tổ chức thực hiện

a) Thành lập Ban chỉ đạo phát triển vùng động lực do một đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm phó ban. Các uỷ viên là lãnh đạo các ngành, các huyện, thành phố trong vùng động lực. Ban chỉ đạo giúp Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc phát triển vùng động lực.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phát triển vùng động lực, có nhiệm vụ tổng hợp tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách và giải pháp cho Ban chỉ đạo.

c) Trên cơ sở quyết định này của Uỷ ban nhân dân tỉnh (trong đó Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt chương trình hành động cụ thể giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương), các ngành, địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, dự án cụ thể (đã được duyệt trong kế hoạch triển khai) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.

d) Định kỳ hằng năm, các ngành, địa phương tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phát triển vùng động lực do mình phụ trách, đồng thời đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách, chương trình, dự án mới, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thành phố thuộc vùng động lực chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Bùi Văn Tỉnh

 

KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỘNG LỰC TỈNH HÒA BÌNH

(Kèm theo Quyết định số 2193 /QĐ-UBND ngày 08 /11/2011 của UBND tỉnh)

STT

Tên nhiệm vụ

Cơ quan chủ trì thực hiện

Thời gian ban hành văn bản hoặc tổ chức thực hiện

1

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng động lực tỉnh Hòa Bình. Trong đó mỗi địa phương vùng động lực là một hợp phần của quy hoạch. Quy hoạch hợp phần của địa phương phải lựa chọn một hoặc hai lĩnh vực mũi nhọn mà địa phương có thế mạnh để tập trung phát triển.

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố vùng động lực

Hoàn thành năm 2012

2

Quy hoạch xây dựng vùng cho vùng động lực làm cơ sở để quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp, các khu thương mại, dịch vụ, du lịch,...

Sở Xây dựng; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố vùng động lực; Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Sở Công thương; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

Năm 2012 - 2013

3

Quy hoạch sử dụng đất cho vùng động lực theo hướng tiết kiệm quỹ đất (nhất lừ những nơi thuận lợi về giao thông, mặt bằng), trong đó xác định rõ đất đai dành cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ và đất cho sản xuất nông nghiệp.

Sở Tài nguyên và Môi trường

Hoàn thành năm 2012

4

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch vùng phát triển nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố vùng động lực

Hoàn thành năm 2012

5

Phân chia tỷ lệ (%) điều tiết nguồn thu cho ngân sách các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn vùng động lực tối đa mức trần mà Luật Ngân sách nhà nước cho phép (đặc biệt đối với khoản thu sử dụng đất nhằm tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương).

Sở Tài chính

Hoàn thành năm 2012

6

Lập kế hoạch đầu tư trung hạn, trong đó cơ cấu lại đầu tư ngân sách nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp (hạ tầng khu, cụm công nghiệp), dịch vụ (hạ tầng thương mại, du lịch).

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Hoàn thành năm 2011

7

Phân cấp quyết định đầu tư, giao nhiệm vụ chủ đầu tư ở mức tối đa theo quy định của Luật Xây dựng, các văn bản hướng dẫn và các văn bản khác (như Chương trình nông thôn mới) cho các huyện, thành phố đối với các dự án thuộc ngân sách địa phương và ngân sách tỉnh hỗ trợ.

Sở Xây dựng

Hoàn thành năm 2012

8

Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, bao gồm: tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá qua các phương tiện truyền thông, trực tiếp tiếp xúc với nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước,... Phối hợp giữa trung ương, tỉnh, huyện, các nhà đầu tư hạ tầng trong xúc tiến đầu tư. Bố trí ngân sách xúc tiến đầu tư cho các huyện, thành phố vùng động lực và tăng ngân sách xúc tiến đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Ban quản lý các Khu công nghiệp; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố vùng động lực

Từ năm 2012

9

Chủ động (sau khi đã có quy hoạch và quy hoạch chi tiết) chuẩn bị đầu tư, thực hiện rà phá bom mìn, giải phóng mặt bằng, xây dựng đường giao thông, đường điện đến địa giới quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị, dịch vụ,... tạo đất sạch hấp dẫn các nhà đầu tư.

Ban quản lý Các khu công nghiệp; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố vùng động lực; Sở Công thương

Từ năm 2011

10

Ngân sách tỉnh hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư một số hạng mục các khu công nghiệp (đối với khu công nghiệp không được ngân sách Trung ương hỗ trợ), cụm công nghiệp như đường trục nội bộ, xử lý nước thải, đường điện nội bộ như sau: các khu công nghiệp có diện tích dưới 200ha: không quá 40 tỷ đồng; trên 200ha: không quá 50 tỷ đồng; các cụm công nghiệp, mỗi cụm không quá 7 tỷ đồng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính

Từ năm 2012

11

Xây dựng cơ chế góp vốn, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm, hình thành các quỹ hỗ trợ nông dân và các hỗ trợ khác đảm bảo thu nhập và cuộc sống cho người nông dân sau khi thu hồi đất cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính

Hoàn thành năm 2012

12

Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Hoàn thành năm 2012

13

Tập trung cao cho công tác cải cách thủ tục hành chính theo hướng đưa bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đi vào thực chất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp để giảm thời gian làm thủ tục cấp, cho thuê đất, cấp chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh, giải phóng mặt bằng, cấp mã số thuế, con dấu.

Sở Nội vụ; các Sở Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Cục Thuế tỉnh; Công an tỉnh; Sở Tài nguyên Môi trường; Sở Thông tin Truyền thông...

2011 - 2015

14

Phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ và ngân sách ở mức cao nhất mà pháp luật cho phép cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện, các sở, ngành.

Sở Nội vụ; các sở, ngành

2012 - 2015

15

Xây dựng tuyến đường cao tốc Hòa Lạc đến thành phố Hòa Bình, xây dựng 01 cầu vượt sông Đà.

Sở Giao thông Vận tải

Hoàn thành năm 2015

16

Nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Hà Nội – Hòa Bình (dự án của Bộ Giao thông Vận tải).

 

2012 - 2015

17

Nâng cấp Quốc lộ 21, Quốc lộ 12B và đường 12B.

Sở Giao thông Vận tải

Hoàn thành năm 2013

18

Xây dựng mới tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh – thị trấn Lương Sơn (qua xã Hòa Sơn).

Uỷ ban nhân dân huyện Lương Sơn

Hoàn thành năm 2015

19

Nâng cấp và mở rộng tuyến đường 445 thị trấn Kỳ Sơn – Hợp Thịnh nối với tuyến đường vành đai 6 Hà Nội.

Sở Giao thông Vận tải

2014 - 2016

20

Xây dựng đường nối điểm đầu đường Hòa Lạc – Hòa Bình với xã Phú Minh (Kỳ Sơn).

Sở Giao thông Vận tải

2014 - 2017

21

Đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cảng trên sông Đà (bao gồm cảng Bích Hạ và một số cảng khác), bến thuyền trên sông Bôi (Lạc Thủy).

Sở Giao thông Vận tải; Uỷ ban nhân dân huyện Lạc Thủy

2013 - 2020

22

Tiếp tục quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị thành phố Hòa Bình làm cơ sở đầu tư tập trung phát triển khu Bờ trái, khu trung tâm Quỳnh Lâm, khu Chăm Mát (đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường Trương Hán Siêu, đường Chi Lăng kéo dài, khu trung tâm Quỳnh Lâm, tuyến đường Chăm Mát, đường Lê Thánh Tông, đường Hòa Bình – Thanh Sơn (Phú Thọ), hệ thống thoát nước thải thành phố Hòa Bình, công viên Tuổi Trẻ, công viên hồ Thịnh Lang,...).

Sở Xây dựng; Uỷ ban nhân dân thành phố Hòa Bình; Sở Giao thông Vận tải

2011 - 2020

23

Đầu tư xây dựng thị trấn Lương Sơn tạo điều kiện để thị trấn và vùng phụ cận phát triển thành thị xã trong tương lai.

Uỷ ban nhân dân huyện Lương Sơn

2011 - 2025

24

Quy hoạch đầu tư chuyển trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn về xã Mông Hóa.

Uỷ ban nhân dân huyện Kỳ Sơn

2013 - 2025

25

Quy hoạch, đầu tư khu vực Chợ Bến thành thị trấn.

Uỷ ban nhân dân huyện Lương Sơn

2012 - 2020

26

Quy hoạch, đầu tư hạ tầng thị trấn Thanh Hà.

Uỷ ban nhân dân huyện Lạc Thủy

2013 - 2020

27

Kêu gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố vùng động lực; Sở Công thương

2011 - 2020

28

Tiếp tục mở rộng khu công nghiệp Lương Sơn.

Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh

2012 - 2015

29

Tạo điều kiện để nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Bờ trái sông Đà, nhà nước (ngân sách tỉnh) tiếp tục hỗ trợ theo dự án đã được phê duyệt.

Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh

Hoàn thành năm 2013

30

Các khu công nghiệp Nhuận Trạch, Mông Hóa, Yên Quang, nam Lương Sơn, Thanh Hà: Kêu gọi và tạo điều kiện đề nhà đầu tư thực hiện đầu tư, kinh doanh hạ tầng. Nhà nước hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, đường giao thông, đường điện đến chân hàng rào bằng ngân sách tỉnh. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương lập các dự án sự dụng nguồn hỗ trợ của nhà nước, tổ chức thực hiện.

Ban quản lý Các khu công nghiệp tỉnh; Sở Công thương

2011 - 2015

31

Kêu gọi và hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các cụm công nghiệp Hòa Sơn, VITACO, Cao Thắng, Thanh Nông, Phú Thành I, Phú Thành II. Ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định.

Uỷ ban nhân dân huyện Lương Sơn, Lạc Thủy

2011 - 2015

32

Đầu tư xây dựng khu thương mại Bờ trái, Trung tâm hội chợ triển lãm của tỉnh, chợ trung tâm Lương Sơn, chợ Bãi Nai (Kỳ Sơn), chợ Thanh Hà (Lạc Thủy), các chợ khu vực nông thôn, chợ trung tâm cụm xã.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố vùng động lực; Sở Công thương

2012 - 2018

33

Tập trung đầu tư hạ tầng du lịch hồ sông Đà trở thành tiêu điểm thu hút du lịch, hạ tầng du lịch khu vực Lương Sơn, bắc Lạc Thủy.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch; Uỷ ban nhân dân huyện Lương Sơn, Lạc Thủy

Từ năm 2013

34

Đầu tư hệ thống điện theo quy hoạch, đặc biệt là hệ thống điện phục vụ sản xuất, các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, thương mại, du lịch, dịch vụ đảm bảo cung cấp đủ, ổn định điện cho phát triển sản xuất kinh doanh.

Sở Công thương

2012 - 2017

35

Đẩy mạnh đào tạo nghề, chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, lành nghề, đủ sức cung ứng cho các lĩnh vục sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại trong, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Sở Lao động - Thương binh và xã hội; Sở Giáo dục Đào tạo

Từ năm 2012

36

Đầu tư và thu hút đầu tư của doanh nghiệp phát triển các cơ sở dạy nghề ở vùng động lực thành các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao.

Sở Lao động - Thương binh và xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố vùng động lực

Từ năm 2012

37

Tập trung nâng cấp các trường nghề hiện có của tỉnh: Trường Cao đẳng nghề, Trường Trung học Kinh tế Kỹ Thuật, Trung tâm dạy nghề: Lương Sơn, Lạc Thủy, Kỳ Sơn. Khuyến khích các cơ sở dạy nghề của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo. Mở rộng quy mô đào tạo và nâng cao chất lượng dạy nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên huyện, thành phố, Trung tâm Tổng hợp Kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề của tỉnh.

Sở Lao động - Thương binh và xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố vùng động lực

Từ năm 2012

38

Thu hút các trường đại học, cơ sở dạy nghề đầu tư trong vùng động lực. Đầu tư nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm thành Trường Đại học Hòa Bình và đủ điều kiện trở thành trường đại học đa ngành nghề vào năm 2020.

Sở Lao động - Thương binh và xã hội; Sở Giáo dục và Đào tạo

Từ năm 2012

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH