Quyết định 2188/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2020
Số hiệu: 2188/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang Người ký: Đàm Văn Bông
Ngày ban hành: 03/10/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2188/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 03 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Theo Quyết định số 2804/QĐ-UBND ngày 14/9/2010 của UBND tỉnh Hà Giang về phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Hà Giang đến năm 2020;

Theo Báo cáo thẩm định số 180/BC-HĐTĐ ngày 5/7/2013 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, thành phố tỉnh Hà Giang đến năm 2020; Tờ trình số 102/TT-SKH ngày 01/10/2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Giang đến năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Giang đến năm 2020 với những nội dung sau:

I. KHÁI QUÁT CHUNG

1. Tên dự án: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Giang đến năm 2020.

2. Cơ quan phê duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.

3. Chủ đầu tư dự án: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Giang.

4. Thời gian thực hiện: Đến năm 2020.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Quan điểm phát triển

1.1. Phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Giang phải theo hướng tới văn minh, hiện đại, phù hợp với định hướng chung của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

1.2. Phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Giang đến năm 2020 phải phát huy được các thế mạnh, lợi thế so sánh của thành phố, huy động tối đa các nguồn lực để tạo ra bước đột phá về tăng trưởng kinh tế.

1.3. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại tương xứng với đô thị loại III, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa thành phố Hà Giang với các huyện trong tỉnh cũng như toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

1.4. Gắn liền tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Từng bước giảm sự chênh lệch về mức sống giữa khu vực nội thành và ngoại thành; nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng tới công tác đào tạo lại đội ngũ cán bộ của thành phố có trình độ đáp ứng được nhiệm vụ trong thời đại phát triển hiện nay.

1.5. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với quốc phòng - an ninh, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển và mở rộng quan hệ đối ngoại.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng thành phố Hà Giang trở thành thành phố du lịch miền núi biên giới, có nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững trên cơ sở phát huy tốt các lợi thế so sánh của thành phố về điều kiện tự nhiên, xã hội, nguồn tài nguyên, đất đai và lao động; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển mạnh ngành kinh tế mũi nhọn là thương mại - dịch vụ - du lịch, đồng thời coi trọng phát triển công nghiệp - thủ công nghiệp và sản xuất nông lâm nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu sáng - xanh - sạch - đẹp của đô thị trung tâm, đậm bản sắc văn hóa địa phương; ưu tiên phát triển kinh tế vùng nông thôn để rút ngắn khoảng cách giữa hai vùng nội thành và ngoại thành. Đẩy mạnh công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vào phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo phát triển các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng xã hội văn minh, kỷ cương, đậm đà bản sắc dân tộc.

2.2. Mục tiêu cụ thể

2.2.1. Mục tiêu về kinh tế

Trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2020, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 19% -> 16% (đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 14,0%). Dự báo đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12-14%.

Cơ cấu kinh tế: Tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp.

- Đến năm 2015: Thương mại, dịch vụ chiếm 70,8%; Công nghiệp - Xây dựng 24,8%; Nông - Lâm nghiệp 4,4%.

- Đến năm 2020: Thương mại, dịch vụ chiếm 74,45%; Công nghiệp - Xây dựng 22,55%; Nông - Lâm nghiệp 3,0%.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 32,5 triệu đồng/người năm 2015 và 66,9 triệu đồng/người vào năm 2020.

Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế thành phố đến năm 2015 đạt 2.146 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 4911 tỷ đồng.

Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2015 đạt từ 300 tỷ đồng trở lên, năm 2020 đạt từ 550 tỷ đồng trở lên.

2.2.2. Mục tiêu về xã hội

- Phấn đấu hạ tỷ lệ tăng dân số từ 1,293% năm 2012 xuống còn 1,2% năm và 1,0% năm 2020, giảm thiểu hộ sinh con thứ 3.

- Đến năm 2015 đưa tỷ lệ hộ khá và giàu đạt từ 71% trở lên, đến năm 2020 tỷ lệ hộ khá và giàu đạt từ 75% trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,46% năm 2012 xuống còn dưới 1% vào giai đoạn 2016 - 2020.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế để phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở, duy trì tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng theo các chương trình của nhà nước đạt 100%; đưa tỷ lệ số trạm y tế xã, phường có bác sỹ đạt 40% năm 2015 và đến năm 2020 đạt 45%.

- Phấn đấu đến năm 2015 có 85% số trường đạt chuẩn Quốc gia, 100% giáo viên đạt chuẩn, đến năm 2020 tất cả các trường học trên địa bàn thành phố đạt chuẩn Quốc gia.

- Đến năm 2020, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 100%, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt 100%.

- Đến năm 2020, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 85% trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 80%.

- Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phấn đấu đến năm 2020 có 100% dân số được nghe đài TNVN và xem truyền hình, 100% xã, phường có bưu điện văn hóa và có điểm truy cập Internet. Đạt tỷ lệ 80 thuê bao Intenet/100 dân, 160 thuê bao điện thoại/100 dân.

- Xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đạt trong sạch, vững mạnh.

2.2.3. Mục tiêu về môi trường

Nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 68% vào năm 2015 và đạt 70% năm 2020.

Đảm bảo đến năm 2020, 100% dân số nội thành và ngoại thành được sử dụng nước sạch; chất thải sinh hoạt, chất thải y tế và chất thải tại khu công nghiệp các điểm sản xuất kinh doanh khu vực nội thành được thu gom và xử lý đạt trên 90%, khu vực ngoại thành đạt trên 60%.

3. Định hướng phát triển ngành và lĩnh vực

3.1. Thương mại - Dịch vụ và Du lịch

3.1.1. Định hướng chung

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2015 bình quân 20,7% năm và giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 16,9% năm.

Tập trung khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, đồng thời huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện các loại hình dịch vụ, du lịch gắn du lịch trên cơ sở quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020, đưa thương mại - dịch vụ - du lịch phát triển đa dạng, hiện đại tương xứng với tiềm năng vốn có của một tỉnh vùng cao biên giới có phong cảnh đẹp, hùng vĩ và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của thành phố (đến năm 2015 chiếm 70,8%, năm 2020 chiếm 74,45%),

Mở rộng liên kết trong phát triển du lịch để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, các làng văn hóa du lịch và gắn với phát triển các ngành, nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ và phát triển văn hóa, văn nghệ truyền thống dân tộc tại các làng văn hóa du lịch.

Mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế, giao lưu trao đổi hàng hóa với các tỉnh bạn và với nước Trung Quốc. Đồng thời làm tốt chức năng là đầu mối hậu cần, dịch vụ cho khu vực cao nguyên đá Đồng Văn.

3.1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Thương mại - Dịch vụ:

Tiếp tục đầu tư xây dựng nâng cấp hoàn thiện các chợ trên địa bàn, phát triển mạng lưới tiêu thụ rộng khắp. Tổng số chợ quy hoạch đến năm 2020 là 7 chợ, nhu cầu cần đất cho mạng lưới chợ đến năm 2020 là 10.000 m2, với tổng vốn đầu tư 22 tỷ đồng.

Phát triển các tuyến phố dịch vụ theo ngành, nghề như may mặc, kim khí, điện dân dụng, ăn uống, giải khát, các khu văn hóa ẩm thực gắn với xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị, văn minh thương mại.

Đầu tư xây dựng các khu trung tâm thương mại - dịch vụ tổng hợp hạng II (tại phường Trần Phú) và Trung tâm Hội chợ triển lãm (đường 19/5 phường Nguyễn Trãi) nhằm đẩy mạnh các hoạt động thương mại và phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm ngày càng lớn của người dân.

b) Du lịch:

Phát triển đa dạng hóa các loại hình du lịch (sinh thái, nghỉ dưỡng, leo núi, quá cảnh...) với hệ thống các khu du lịch, nghỉ dưỡng của thành phố, bao gồm:

+ Khu du lịch sinh thái vui chơi giải trí Thạch Lâm Viên, Suối Tiên, Núi Cấm, Hàm hổ; cụm du lịch Trường Xuân; vườn đa dạng sinh học, sinh thái núi Mỏ Neo.

+ Các làng văn hóa dân tộc Tày, Dao kết hợp khai thác du lịch văn hóa, nhân văn.

Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu du lịch, khu khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu phố ẩm thực và nguồn nhân lực của ngành du lịch. Phát triển hệ thống làng văn hóa dân tộc kết hợp với lễ hội, ngành nghề truyền thống phục vụ du lịch; đào tạo phát triển đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp phục vụ du khách trong nước và ngoài nước.

Hình thành và khai thác có hiệu quả các tuyến du lịch trên địa bàn thành phố, liên vùng như: Tuyến TP.Hà Giang - Cổng trời Tam Sơn (Quản Bạ) - Dinh thự nhà họ Vương - Cột cờ Lũng Cú - phố cổ Đồng Văn ( Đồng Văn) - Mã Pì Lèng - Khâu Vai (Mèo Vạc) - TP. Hà Giang; Tuyến TP. Hà Giang - Bắc Quang - Xín Mần - Hoàng Su Phì - TP.Hà Giang; Tuyến TP. Hà Giang - Bắc Mê - Tuyên Quang...

c) Tài chính - Tín dụng:

Phấn đấu thu ngân sách hàng năm tăng từ 15 - 20%, đến năm 2015 tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt: 300 tỷ đồng và dự kiến đến năm 2020 đạt 550 tỷ đồng.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đa dạng hóa hình thức huy động vốn nhằm huy động vốn nhàn rỗi trong nhân dân đáp ứng nhu cầu vay của các thành phần kinh tế để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo nguồn vốn cho vay đối với các hộ nghèo và các đối tượng khác theo chương trình tạo thêm việc làm, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững.

3.2. Công nghiệp - Xây dựng

3.2.1. Định hướng chung

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2015 bình quân 17,6% năm và giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 15,2% năm.

Tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển trong các lĩnh vực công nghiệp tiềm năng của thành phố như: Gia công cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản với công nghệ tiên tiến và quy mô hợp lý, đảm bảo có hiệu quả kinh tế, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Phát triển cụm điểm công nghiệp tại các xã Ngọc Đường, phường Ngọc Hà; các dự án phát triển công nghiệp dự kiến sẽ hình thành chủ yếu tại khu vực ngoại thành (xã Phương Thiện và xã Phương Độ) nhằm giải quyết việc làm cho phần lớn lao động nông thôn, đồng thời để giảm ảnh hưởng đến môi trường đô thị.

3.2.2. Mục tiêu cụ thể

Tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm tiêu dùng. Đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến chè có công suất vừa và nhỏ với công nghệ tiên tiến tại các xã Phương Độ, Phương Thiện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đa dạng hóa các loại sản phẩm từ chè, từng bước xây dựng thương hiệu chè của thành phố trên thị trường.

Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Tập trung đầu tư vào các loại vật liệu xây dựng có điều kiện phát triển do có nguồn nguyên liệu tại chỗ như gạch ngói các loại, xi măng. Hình thành các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp như sản xuất các thiết bị vệ sinh, gốm sứ cao cấp...với quy mô thích hợp, công nghệ tiên tiến, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.

Phát triển mạnh mẽ các ngành nghề thủ công nghiệp nông thôn, các ngành nghề thủ công truyền thống như nghề ren, đúc, đan lát, nghề mộc, dệt vải, thêu in hoa trên vải bằng sáp ong... Phát triển làng nghề sản xuất mây tre đan, hàng tiêu dùng phục vụ du lịch ở thôn Tiến Thắng xã Phương Thiện.

Thực hiện tốt quy hoạch đô thị theo hướng mở rộng thành phố Hà Giang để phát triển thêm một số khu đô thị mới ở khu vực phường Phương Thanh (dự kiến trước đây), khu vực phía Nam (sát nhập toàn bộ xã Đạo Đức và Phú Linh của huyện Vị Xuyên vào thành phố). Triển khai xây dựng các dự án: Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ xây dựng đường Cầu Mè - công viên nước Hà Phương; khu trung tâm hành chính thành phố Hà Giang tại đường Hữu Nghị; trung tâm bồi dưỡng chính trị thành phố; Quảng trường….vv.

Tiếp tục vận động nhân dân hoàn thành các chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm, chương trình do nhân dân tự làm như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường bê tông, đường giao thông nông thôn, rãnh thoát nước, xây dựng nhà văn hóa xã, lát gạch vỉa hè... Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, thủ công nghiệp tập trung trên địa bàn, đảm bảo việc làm, đời sống cho bộ phận nhân dân thuộc diện thu hồi đất sản xuất.

3.3. Ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản

3.3.1. Định hướng chung

Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2015 bình quân 6,7% năm và giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 6,5% năm.

Mở rộng diện tích trồng rau, hoa, quả tạo vùng sản xuất thực phẩm sạch có chất lượng cao và có sản phẩm đặc sản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; hình thành và phát triển vành đai thực phẩm nhằm tăng trưởng và phát triển bền vững ngành trồng trọt, chăn nuôi của thành phố; tăng số lượng, chất lượng, mức độ an toàn và tính cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm quyền lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng theo quy định của nhà nước.

3.2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Một số loại cây trồng chính

- Cây lúa: Đến năm 2015 diện tích gieo trồng đạt 660 ha, năng suất bình quân 6,01 tấn/ha, sản lượng 3.969,23 tấn. Năm 2020 tổng diện tích gieo trồng đạt 660 ha, năng suất bình quân 6,31 tấn/ha, sản lượng 4,167 tấn.

- Cây ngô: Đến năm 2015 diện tích cây ngô 230 ha, năng suất bình quân đạt 4,5 tấn/ha, sản lượng 1.035,0 tấn. Đến năm 2020 diện tích cây ngô 225 ha, năng suất bình quân đạt 5,0 tấn/ha, sản lượng 1.125,0 tấn.

- Cây rau đậu các loại:

Giai đoạn 2013-2015: xây dựng vùng trồng rau chuyên canh với quy mô 260 ha tương ứng với sản lượng đạt 10.400 tấn, quy hoạch liền vùng, liền khoảnh từ 2-5 ha trở lên, tập trung ở 3 xã (chú trọng phát triển 2 xã Phương Thiện và Phương Độ). Trong đó có 4 khu vực rau VietGAP quy mô mỗi khu vực khoảng từ 10-20 ha.

Giai đoạn 2016-2020: Duy trì vùng trồng rau chuyên canh với diện tích 260 ha, do khả năng tăng diện tích rất hạn chế, chỉ theo hướng thâm canh tăng năng suất.

- Cây ăn quả: Đến năm 2015 diện tích cây ăn quả đạt 100 ha, sản lượng đạt 200 tấn và đến năm 2020 đạt 200 ha, sản lượng đạt 500 tấn.

- Cây chè: Đến năm 2015 diện tích chè đạt 276 ha, sản lượng chè búp tươi là 917,7 tấn và đến năm 2020 diện tích đạt 300 ha, sản lượng đạt 1.140 tấn.

- Cây thảo quả: Đến năm 2015 diện tích đạt 182 ha, năng suất bình quân đạt 3 tấn/ha và đến năm 2020 đạt 220 ha, năng suất bình quân đạt 3,2 tấn/ha.

b) Chăn nuôi

* Phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng cung cấp thịt và trứng:

- Phát triển chăn nuôi gia cầm theo quy mô hộ gia đình và theo hướng trang trại vừa và nhỏ. Đến năm 2015: Tại 4 xã, phường thuộc vành đai thực phẩm của thành phố đạt 80.000 con gia cầm và đạt khoảng 90.000 con vào năm 2020. Sản lượng thịt xuất chuồng đến năm 2015 khoảng 144 tấn và đến năm 2020 đạt khoảng 162 tấn.

- Phấn đấu đến năm 2015 cung cấp ra thị trường thành phố khoảng 4,5 triệu quả trứng, tương đương phải nuôi khoảng 20.000 con gia cầm, thủy cầm đẻ trứng và đến năm 2020 cung cấp cho thành phố khoảng 7 triệu quả trứng tương đương với việc phải nuôi 35.000 con gia cầm, thủy cầm sinh sản.

- Tốc độ tăng trưởng đàn gia cầm đạt 8% vào năm 2015 và đạt 10% vào năm 2020.

* Phát triển chăn nuôi lợn:

- Đến năm 2015 trên địa bàn tại các xã, phường thuộc vành đai thực phẩm của thành phố đạt khoảng 17.800 con và định hướng đến năm 2020 có khoảng 20.000 con. Sản lượng thịt xuất chuồng năm 2015 khoảng 1.245 tấn và đến năm 2020 khoảng 1.400 tấn.

- Tốc độ tăng trưởng đàn lợn đạt 8%/năm vào năm 2015 và đạt 10% vào năm 2020.

* Phát triển chăn nuôi đại gia súc:

- Đến năm 2015, đàn trâu có 3.956 con, đàn bò có 255 con, đàn dê có 890 con. Đến năm 2020, đàn trâu có 5.050 con, đàn bò có 326 con, đàn dê có 1.278 con.

- Tốc độ tăng trưởng trung bình của đàn trâu, bò tăng 5%/năm, đàn dê tăng 7,5%/năm trong giai đoạn (2013-2020).

* Phát triển nuôi trồng thủy sản:

- Phấn đấu đến năm 2015 diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 80 ha và đến năm 2020 đạt 88 ha. Tổng sản lượng đến năm 2015 đạt 440 tấn và đến năm 2020 tổng sản lượng đạt 530 tấn.

- Đến năm 2015, 3 xã Phương Độ, Phương Thiện và Ngọc Đường phấn đấu mỗi xã có 2 đến 3 ha nuôi cá chép ruộng và đến năm 2020 có khoảng 5 đến 7 ha trên mỗi xã.

c) Lâm nghiệp

Chuyển dần một số diện tích rừng khoanh nuôi, tái sinh phát triển chậm, rừng cây bụi sang trồng rừng sản. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ che phủ rừng đạt 68% và đến năm 2020 đạt 70%.

Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất lâm nghiệp trong cơ cấu kinh tế khu vực nông - lâm nghiệp - thủy sản từ 5,3% hiện nay lên 8% năm 2015 và đến năm 2020 đạt 12%.

3.4. Phát triển các lĩnh vực xã hội

3.4.1. Dân số, lao động

Hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,293% năm 2012 xuống còn 1,2% năm 2015 và 1,0% năm 2020, giảm tới mức thấp nhất tỷ lệ hộ sinh con thứ 3; giảm tỷ lệ tăng dân số cơ học từ 2% xuống còn 1,7% vào năm 2015 và còn 1,5% vào năm 2020, dự kiến đến năm 2015 dân số toàn thành phố có 57.476 người và đến năm 2020 có 69.290 người.

Đến năm 2015, số người trong độ tuổi lao động toàn thành phố có 38.415 và năm 2020 có 45.394, tăng 13.394 người so với năm 2012. Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 65% và đến năm 2020 đạt 85%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2015 đạt 60% và đến năm 2020 đạt 80%.

3.4.2. Giáo dục - đào tạo

a) Về giáo dục:

Giáo dục mầm non: Phấn đấu đến năm 2015 hoàn chỉnh hệ thống giáo dục mầm non trong toàn thành phố. Đến năm 2020 tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đến nhà trẻ đạt 85%, trẻ từ 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 99,8%; 100% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Giáo dục tiểu học: Đến năm 2020, 100% số trường tiểu học trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia, 100% số giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên.

Giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông: Tăng tỷ lệ học sinh trung học cơ sở đúng độ tuổi lên 100% vào năm 2015, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào trường trung học phổ thông từ 99,5% năm 2012 lên 99,8% năm 2015 và đạt 99,9% năm 2020; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 98% năm 2012 lên 99,5% năm 2015, đạt 99,8% năm 2020. Phấn đấu đến năm 2020 thành phố Hà Giang được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục THPT, các trường THPT trên địa bàn thành phố đạt chuẩn quốc gia và 100% giáo viên đạt trình độ đại học trở lên.

Về cơ sở vật chất: Đến năm 2020 các trường học trên địa bàn thành phố cơ bản có đủ các khối công trình phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy học tập theo tiêu chuẩn trường đạt chuẩn quốc gia như phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thư viện, vườn trường, sân chơi...

b) Về đào tạo

Đến năm 2015, thu hút 80% học sinh, sinh viên trong độ tuổi vào các trường Trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp và đạt trên 95% vào năm 2020. Nâng cao tỷ lệ số người có trình độ đại học và cao đẳng trong dân cư lên 45% vào năm 2015 và đạt 55% vào năm 2020.

Thành lập Trung tâm hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh;

3.4.3. Y tế

Hoàn thiện bộ tiêu chí quốc gia y tế xã, hoàn thiện trang thiết bị, hiện đại hóa phương tiện điều trị cho các bệnh viện, các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế xã, phường; tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho tuyến xã. Đến năm 2020, 100% nhà trạm được xây dựng kiên cố, đầy đủ các phòng chức năng theo tiêu chí quốc gia về y tế.

Phấn đấu đến năm 2015 đạt 1,8 bác sỹ/vạn dân và đến năm 2020 đạt 2 bác sỹ/vạn dân, 100% trạm y tế có bác sĩ, y sĩ sản nhi, y sỹ y học cổ truyền, nữ hộ sinh, cán bộ dược.

Duy trì tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi, tiêm chủng đủ 7 loại vắc xin dự phòng đạt 100%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm xuống còn dưới 6% vào năm 2015 và còn dưới 3% vào năm 2020, 100% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván, không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.

3.4.4. Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao

* Văn hóa:

Phấn đấu đến năm 2020, có 95% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 98% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “làng văn hóa”, 100% đơn vị cơ quan đạt tiêu chuẩn văn hóa, 98% tuyến phố đạt tiêu chí “tuyến phố văn minh đô thị”, 100% các thôn bản, tổ khu phố có đội văn nghệ, thể thao.

Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của thành phố Hà Giang. Quảng bá những khu di tích lịch sử gắn liền với sự hình thành và phát triển của thành phố, các công trình tâm linh và có ý nghĩa về mặt khảo cổ.

Tiếp tục đầu tư, xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa, các khu vui chơi giải trí từ thành phố đến cơ sở để đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao trên địa bàn.

* Thông tin - truyền thông:

Phát triển mạng Internet, mạng quản lý cơ sở dữ liệu tại các cơ quan Đảng và Nhà nước; nâng cao chất lượng phát sóng truyền thanh, truyền hình nhằm đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, phấn đấu tỷ lệ phủ sóng truyền thanh, truyền hình đạt 100%, số hộ được nghe đài phát thanh và xem truyền hình đạt 100%; nâng cấp và xây dựng mới các đài truyền thanh không dây FM cho các xã phường đảm bảo việc thông tin tuyên truyền sâu rộng từ chính quyền cơ sở đến người dân.

Đến năm 2015, hoàn thành việc xây dựng Đài phát thanh và truyền hình của thành phố.

* Thể dục - thể thao:

Đẩy mạnh các phong trào thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn... Phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng các vận động viên năng khiếu, tài năng thi đấu thể thao thành tích cao. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tạo điều kiện cho hoạt động thể dục thể thao phát triển.

3.5. Quy hoạch sắp xếp điều chỉnh dân cư

Từ nay đến năm 2015 thành phố cần bố trí sắp xếp và ổn định chỗ ở cho 315 hộ với 1.052 nhân khẩu. Trong đó: Đối tượng nằm trong vùng dự án nhà máy thủy điện Phương Độ 45 hộ với 216 nhân khẩu, đối tượng sắp xếp ổn định dân cư thuộc các khu vực giải phóng mặt bằng, các hộ thiếu chỗ ở, thiếu đất sản xuất 270 hộ với 836 nhân khẩu. Quỹ đất ở để xây dựng các khu tái định cư và các căn hộ phục vụ đối tượng có thu nhập thấp dự kiến được bố trí chủ yếu tại khu vực ngoại thành bao gồm các xã Phương Độ, Phương Thiện, Ngọc Đường.

3.6. Quy hoạch xây dựng đô thị

* Hướng phát triển đô thị:

- Đến năm 2020 thành phố Hà Giang cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại II và được xây dựng văn minh, hiện đại, kiến trúc cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Không gian đô thị Hà Giang phát triển mở rộng về phía Nam gắn với đường tránh Quốc lộ 2, sát nhập toàn bộ xã Đạo Đức và Phú Linh của huyện Vị Xuyên vào thành phố bao gồm 7 phường: Quang Trung, Trần Phú, Ngọc Hà, Nguyễn Trãi, Minh Khai, Phương Thanh, Phú Hưng và 5 xã: Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ, Đạo Đức và Phú Linh.

- Tổ chức không gian đô thị được phân thành các khu vực chính như sau:

+ Khu vực nội thành: bao gồm 7 phường trung tâm Nguyễn Trãi, Trần Phú, Minh Khai, Quang Trung, Ngọc Hà, Phú Hưng, Phương Thanh.

+ Khu vực phát triển mới:

Khu đô thị cầu 3/2: phân thành 2 khu gồm khu bờ Đông sông Miện và khu bờ Tây sông Miện.

Khu đô thị Phú Hưng: Tổ 1, 2 phường Minh Khai và thôn Bản Lắp xã Phú Linh Huyện Vị Xuyên (Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính).

Khu đô thị phía Tây: phân thành 3 khu gồm khu đô thị Phương Thanh, khu đô thị Tiến Thắng, khu đô thị mới phía Nam.

Khu đô thị Tây Bắc:

+ Các khu công nghiệp, kho tàng, thủ công nghiệp: Bố trí tại các xã Phương Độ và xã Phương Thiện.

+ Các khu công viên, cây xanh, thủ công nghiệp bố trí gắn với các khu đô thị.

+ Khu du lịch, vui chơi giải trí: được xây dựng trên cơ sở khai thác cảnh quan núi, sông và các làng văn hóa dân tộc.

3.7. Quy hoạch nông thôn mới

Đến năm 2020 có 100% số xã (3 xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí về nông thôn mới). Trong đó:

100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, hệ thống thủy lợi cung cấp nước tưới tiêu và hệ thống kênh mương nội đồng được cứng hóa trên 50%.

100% các thôn, xóm đều có nhà văn hóa công cộng, sân bãi thể thao phù hợp. Các xã đều có chợ nông thôn và điểm bưu điện văn hóa, 100% các xã sử dụng dịch vụ Internet.

3.8. An ninh - Quốc phòng - Đối ngoại

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt phương án ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người, bảo đảm trật tự kỷ cương, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, mở rộng liên doanh, liên kết, hợp tác với các vụ, viện, trung tâm, các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị kinh tế trong và ngoài tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng, đặc biệt là công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

3.9. Phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường bền vững

- Phấn đấu đến năm 2020 có 100% dân số được dùng nước hợp vệ sinh. Tất cả nhà trẻ, trường học, trạm y tế, chợ, trụ sở UBND xã và các công trình công cộng khác ở nông thôn có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Trong giai đoạn (2013 - 2020), đầu tư xây dựng 18 trạm bơm nước thải, 3 trạm xử lý nước thải và 5 hồ sinh học. Riêng nước mưa được thu gom thoát ra sông Lô, sông Miện và một số suối tự nhiên.

- Xây dựng các khu xử lý rác thải áp dụng công nghệ thích hợp tại các phường Ngọc Hà, Minh Khai và các khu đô thị mới Cầu Mè và Tây Bắc. Phấn đấu thu gom và xử lý trên 90% rác thải đối với khu vực đô thị và 60% đối với các xã.

- Đến năm 2020, tỷ lệ số cơ sở sản xuất, kinh doanh được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc Chứng chỉ ISO 14001 (hệ thống quản lý môi trường) đạt 98%; Tỷ lệ sản phẩm, hàng hóa được ghi nhãn môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14021 (nhãn môi trường) đạt 100%; Tỷ lệ cải tạo, phục hồi các khu vực khai thác khoáng sản, trả lại cảnh quan môi trường đạt 95%.

- Đến năm 2020 phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đạt 70%.

4. Quy hoạch sử dụng đất

Đến năm 2020, phương án quy hoạch sử dụng các nhóm đất như sau:

Tổng diện tích tự nhiên 13.392,8 ha, trong đó:

Nhóm đất nông nghiệp 11.379,97 ha, chiếm 84,97%; nhóm đất phi nông nghiệp 1.790,01 ha, chiếm 13,37%; nhóm đất chưa sử dụng 222,82 ha, chiếm 1,66% diện tích tự nhiên.

5. Quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng

5.1. Giao thông

Nâng cấp quốc lộ 4C (đoạn qua địa phận thành phố) có chiều dài 30 km thành đường cấp 4.

Nâng cấp, cải tạo quốc lộ 34 (đoạn qua địa phận thành phố) có chiều dài 7 km thành đường cấp 3.

Xây dựng đường tránh quốc lộ 2 về phía Tây qua thành phố Hà Giang đoạn từ Cầu Mè đến thôn Hạ Thành, xã Phương Độ với chiều dài 10,9 km, mặt cắt ngang 27 m.

* Giao thông nội thành

Cải tạo, mở rộng và chỉnh trang hệ thống đường hiện trạng tại khu vực nội và ngoại thành, đảm bảo 100% các tuyến đường nội thành, đường liên xã, liên thôn đến năm 2015 được rải nhựa, bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng.

Xây dựng mới cầu Yên Biên I.

Xây dựng cầu BTCT mới nối Quốc lộ 2 - Phú Linh tại khu vực phía Nam thành phố, vị trí gần Cầu Mè.

Xây dựng mới cầu Tùng Tạo (đường Phạm Hồng Cao).

Xây dựng mới một số tuyến đường chính:

- Từ ngã ba cầu Phong Quang - Công viên nước Hà Phương (Phường Quang Trung xã Phương Độ).

- Tuyến đường chạy dọc theo sông Miện thuộc phường Trần Phú - phường Ngọc Hà.

- Tuyến đường đôi Cầu Mè - công viên nước Hà Phương.

- Tuyến đường nối từ đường Phạm Hồng Cao bám bờ sông Miện nối với đường Lý Thường Kiệt.

- Đường vòng núi Hàm Hổ (đường Phùng Hưng).

Xây dựng bến xe

- Xây dựng điểm đỗ xe phường Nguyễn Trãi, Trần Phú, Minh Khai, xã Phương Thiện và 5 tuyến xe buýt.

- Xây dựng bến xe khách phía Nam thuộc thôn Cầu Mè, xã Phương Thiện, diện tích 7,7 ha.

- Xây dựng bến xe tĩnh thành phố, diện tích 0,6 ha.

5.2. Công trình cấp nước

Xây dựng trạm cấp nước tại thủy điện 302 xã Phương Độ (công suất 10.000 m3/ngđ) để cấp nước sạch cho các khu đô thị mới nằm dọc theo tuyến đường đôi Cầu Mè - công viên nước Hà Phương, khu đô thị mới phía Nam thành phố.

Xây dựng mới nhà máy nước tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện (công suất 8.000 - 10.000 m3/ngđ).

Xây dựng mới Trạm cấp nước suối Thác Ngoan tại khu đô thị Phương Thanh (công suất 4.000 m3/ngđ).

5.3. Công trình thoát nước, xử lý phế thải, vệ sinh môi trường

Xây dựng 3 trạm xử lý nước thải, diện tích 0,5 ha/trạm;

Xây dựng nhà máy xử lý rác thải áp dụng công nghệ thích hợp tại phường Minh Khai, diện tích 10 ha.

Xây dựng điểm bãi thải, xử lý chất thải của thành phố giai đoạn II, diện tích 5 ha.

Xây dựng điểm thu gom, xử lý chất thải của 3 xã, diện tích 1 ha/điểm.

Xây dựng 2 nghĩa trang tập trung tại thôn Lúp xã Phương Độ diện tích khoảng 17 ha và thôn Lâm Đồng xã Phương Thiện diện tích khoảng 8 ha

Xây dựng mới nghĩa trang liệt sĩ thành phố (P. Phương Thanh) diện tích 5 ha.

Xây dựng mới đài hóa thân.

5.4. Công trình điện sinh hoạt, điện chiếu sáng

- Xây dựng mới trạm biến áp 220 KV, quy mô 6 ha.

- Lưới trung áp 22 KV: Tiến hành cải tạo toàn bộ lưới 10 KV hiện có thành 22 KV. Đối với các tuyến 22 KV mới dùng cáp ngầm để đảm bảo mỹ quan cho đô thị.

- Xây dựng trạm biến áp + đường dây 0,4KV tại các khu tái định cư cạnh chợ và khu K8, khu tái định cư Lâm Đồng.

- Hoàn chỉnh toàn bộ mạng lưới chiếu sáng hiện có cho thành phố: Bổ sung, cải tạo mạng lưới chiếu sáng cho các trục đường nội thị, xây dựng tuyến chiếu sáng cho các khu vực xây dựng mới.

- Sửa chữa, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu giao thông thành phố.

5.5. Công trình giáo dục

- Xây dựng mới các trường mầm non Nguyễn Trãi, Trần Phú, Phương Thanh; trường tiểu học Minh Khai 2, Phương Thanh; trường THCS phường Phương Thanh

- Xây dựng nhà đa năng tại các trường: Trường THCS Yên Biên, trường THCS Lê Lợi, trường THCS Ngọc Hà, trường THCS Minh Khai, trường THCS Phương Thiện, trường THCS Phương Độ;

- Xây dựng bổ sung công trình phụ trợ trường mầm non Sơn Ca (P.Ngọc Hà);

- Xây mới nhà lớp học mầm non thôn Gia Vài, thôn Cao Bành xã Phương Thiện;

- Xây mới nhà lớp học mầm non + Tiểu học thôn Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài xã Phương Độ.

5.6. Công trình y tế

- Xây dựng mới trạm y tế phường Quang Trung, Phương Thanh, Minh Khai II (tách phường);

- Cải tạo sửa chữa Trung tâm y tế Thành phố, trạm y tế xã Phương Độ, trạm y tế phường Ngọc Hà (Xây mới các hạng mục phụ trợ);

5.7. Thủy lợi

Xây dựng mới cụm công trình thủy lợi kết hợp cấp nước sinh hoạt xã Phương Độ, hệ thống tưới tiêu vùng trồng rau chuyên canh phường Ngọc Hà, kè chống sạt lở tại các khu vực tái định cư, khu vực bờ Tây sông Lô, bờ Đông sông Lô, hai bên bờ sông Miện và các khu vực có nguy cơ xói lở, ngập úng trên địa bàn thành phố; nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi hiện có tại các xã Ngọc Đường, Phương Độ, Phương Thiện, phường Quang Trung.

5.8. Công trình thương mại, dịch vụ, khu du lịch

- Xây dựng trung tâm thương mại hạng II tại phường Trần Phú;

- Xây dựng trung tâm Hội chợ triển lãm tại đường 19/5;

- Xây dựng các khu du lịch: Khu Núi Cấm - Suối Tiên, khu du lịch công viên nước Hà Giang, khu du lịch sinh thái Sơn Hải (Bồng Lai), khu du lịch sinh thái tâm linh núi Mỏ Neo.

- Xây dựng mới các chợ: chợ phường Nguyễn Trãi, chợ phường Ngọc Hà, chợ cầu Phong Quang phường Quang Trung, chợ xã Phương Độ.

- Nâng cấp, cải tạo chợ trung tâm thành phố Hà Giang tại phường Trần Phú, chợ xã Phương Thiện.

6. Các chương trình đầu tư ưu tiên

- Xây dựng nhà máy thủy điện Phương Độ công suất 23 MW tại xã Phương Độ vào giai đoạn 2013 - 2015.

- Đầu tư xây dựng nhà máy (xưởng) sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất, sửa chữa cơ khí tại các xã Ngọc Đường, Phương Thiện, phường Quang Trung.

- Xây dựng các khu du lịch: Núi Cấm, Suối Tiên, công viên nước Hà Phương, khu sinh thái Lâm Viên (Công ty TNHH Sơn Hải), núi Mỏ Neo.

- Xây dựng trung tâm thương mại hạng II tại phường Trần Phú;

- Xây dựng trung tâm Hội chợ triển lãm tại đường 19/5 phường Nguyễn Trãi.

- Xây dựng khu đô thị mới Phương Thanh và khu đô thị 3 - 2.

- Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới phường Quang Trung với quy mô 19 ha, giai đoạn 2013 - 2015.

- Dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị mới phía Nam thành phố với quy mô 25 ha, giai đoạn 2013 - 2015.

7. Các nhóm giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch

7.1. Giải pháp về huy động vốn đầu tư

* Tổng nhu cầu vốn đầu tư

Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố Hà Giang giai đoạn 2013 - 2020 khoảng 7.383 tỷ, trong đó:

+ Giai đoạn 2013 - 2015 là 2.680 tỷ đồng, bình quân 893 tỷ đồng/năm.

+ Giai đoạn 2016 - 2020 là 4.703 tỷ đồng, bình quân 940,6 tỷ đồng/năm.

- Đầu tư cho sản xuất: 1.600 tỷ đồng, chiếm 21,67%.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng: 5.643 tỷ đồng, chiếm 76,4%.

- Đầu tư phát triển nguồn nhân lực: 90 tỷ đồng, chiếm 1,22%.

- Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư: 50 tỷ đồng, chiếm 0,68%

* Khả năng huy động vốn đầu tư

Khả năng huy động các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khoảng 50%; vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước khoảng 20%; vốn ngoài quốc doanh (vốn của doanh nghiệp và vốn trong dân) khoảng 20%; vốn liên doanh, liên kết với các địa phương ngoài thành phố, các nguồn vốn vay, vốn huy động khoảng 10% để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

7.2. Nhóm giải pháp về phát triển kinh tế

Tập trung đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi mới năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với điều kiện của địa phương vào sản xuất. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung bao gồm vùng lúa chất lượng cao; vùng rau, hoa chuyên canh; vùng sản xuất chè, thảo quả chất lượng cao.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thương mại, phát triển thị trường để hỗ trợ mọi thành phần kinh tế phát triển. Có các cơ chế, chính sách phù hợp để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa các doanh nghiệp, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng, không an toàn, hàng giả, hàng nhập lậu xâm nhập vào thị trường.

Thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách hành chính theo hướng chuyên nghiệp hóa, bổ sung hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt chính sách khuyến khích phát triển CN - TCN trên địa bàn, đảm bảo sự minh bạch, thông thoáng, thân thiện về môi trường đầu tư đối với các nhà đầu tư. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện luật doanh nghiệp, luật HTX, quảng bá tiềm năng lợi thế và cơ chế, chính sách ưu đãi của thành phố trên các kênh thông tin đại chúng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để thu hút các nhà đầu tư.

7.3. Nhóm giải pháp về phát triển thị trường

Mở rộng thị trường trên cơ sở đẩy mạnh giao lưu kinh tế hàng hóa nhằm thực hiện tốt việc tiêu thụ hàng hóa nông sản cho nông dân; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm (trong nước và xuất khẩu); nâng cao năng lực dự báo thị trường, trên cơ sở thông tin thị trường để xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất, lựa chọn hình thức và thời điểm tham gia thị trường hiệu quả nhất; xây dựng mạng lưới đại lý, các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm rộng khắp; đầu tư phát triển hệ thống chợ, hình thành những trục, những tụ điểm giao lưu hàng hóa trên địa bàn các xã.

7.4. Nhóm giải pháp về phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội

Xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến; tiếp tục thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế đối với người nghèo, chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi, thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho cư dân nông thôn; rà soát, giảm thiểu các khoản đóng góp có tính chất bắt buộc đối với nông dân; tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện và thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ cơ sở.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, dân số, giảm tỷ lệ sinh ở nông thôn; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở các thôn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc; nâng cao chất lượng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát huy truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống mới ở khu dân cư.

Đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu kiện của nhân dân, không để gây thành những điểm nóng ở nông thôn; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện bình đẳng giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, năng lực và vị thế của phụ nữ trong xã hội.

7.5. Giải pháp về cơ chế chính sách

Nghiên cứu và đề xuất các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng phù hợp với điều kiện của địa phương.

Có chính sách thích hợp để các thành phần kinh tế yên tâm đầu tư lâu dài, tạo điều kiện cho phát triển sản xuất, tạo sức cạnh tranh cho các mặt hàng của huyện trên thị trường trong và ngoài nước.

Có chính sách trợ giá và cho vay vốn lãi suất ưu đãi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho vùng phát triển các cây, con có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là khuyến khích và trợ giá cho chủ trang trại sử dụng có hiệu quả đất trống đồi trọc.

7.6. Chính sách phát triển nguồn nhân lực

Tập trung đầu tư cho việc phát triển nhân lực của thành phố; chú trọng công tác phát triển nhân lực trong từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Từng bước xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật, nhà quản lý có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển các ngành kinh tế của thành phố trong thời kỳ hội nhập; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo nguồn nhân lực.

Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, làm tốt công tác tư vấn về chính sách, pháp luật lao động, dạy nghề, đi xuất khẩu lao động đối với người lao động; tư vấn về định hướng học nghề, giới thiệu việc làm sau đào tạo cho người lao động.

Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển nhân lực; hàng năm thành phố có kế hoạch sử dụng ngân sách địa phương để đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước, đồng thời có chính sách thỏa đáng để thu hút nhân tài đến làm việc tại địa phương, đặc biệt là cán bộ kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề...vv.

7.7. Giải pháp về khoa học công nghệ và bảo vệ tài nguyên môi trường

Xây dựng các tiểu vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học triển khai ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ mới, sử dụng giống mới, năng suất chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của thành phố, phổ biến rộng rãi các phương pháp bảo vệ thực vật tiên tiến, ứng dụng các tiến bộ sinh học trong nuôi trồng thủy sản, cải tạo đàn gia súc, gia cầm. Nghiên cứu ứng dụng công nghiệp hiện đại trong các ngành sản xuất và dịch vụ.

Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Tăng cường và đa dạng hóa đầu tư bảo vệ môi trường. Đầu tư các công trình xử lý chất thải ở các khu, cụm công nghiệp, bệnh viện, khu đô thị... đảm bảo chất thải được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sản xuất sạch để giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

8. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

Công khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, để nhân dân biết, kiểm tra, giám sát và theo dõi quá trình thực hiện quy hoạch.

Cụ thể hóa Quy hoạch bằng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm; kế hoạch hàng năm phải bám vào các mục tiêu quy hoạch đã được duyệt và tiến độ phải thực hiện trong từng thời kỳ.

Giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầu tư phát triển theo quy hoạch; tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành và các địa phương trong việc thực hiện quy hoạch; cuối mỗi kỳ quy hoạch (năm 2015, năm 2020) tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch của từng kỳ, bổ sung và điều chỉnh lại mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế.

Xây dựng chương trình hành động và các chương trình phát triển theo từng giai đoạn của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố Hà Giang và các sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTr. Tỉnh ủy;
- TTr. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- LĐVP...
- Lưu VT, TH.

CHỦ TỊCH




Đàm Văn Bông