Quyết định 2164/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng trục đường Lý Thường Kiệt - Đống Đa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 2164/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
Ngày ban hành: 07/10/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2164/QĐ-UBND

Huế, ngày 07 tháng 10 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG TRỤC ĐƯỜNG LÝ THƯỜNG KIỆT - ĐỐNG ĐA, THÀNH PHỐ HUẾ, TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư 07/2008/TT-BXD ngày 07 tháng 4 năm 2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 2989/2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về quy định phân công, phân cấp và ủy quyền giải quyết một số vấn đề trong công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Căn cứ Quyết định số 1470/QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Nhiệm vụ thiết kế quy hoạch chi tiết xây dựng trục đường Lý Thường Kiệt - Đống Đa, thành phố Huế;

Căn cứ Quyết định số 1742/QĐ-UBND ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 1852/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Văn bản thẩm định số 886/SXD-KTQH ngày 08 tháng 9 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng trục đường Lý Thường Kiệt - Đống Đa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế với một số nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi, ranh giới quy hoạch: Đường Lý Thường Kiệt (từ giao lộ đường Ngô Quyền - Hoàng Hoa Thám - Nguyễn Tri Phương - Hà Nội - Lý Thường Kiệt đến sông An Cựu; đường Đống Đa (từ giao lộ Hà Nội - Hùng Vương - Bến Nghé - Lê Quý Đôn đến giao lộ Đống Đa - Nguyễn Huệ - Hai Bà Trưng), được giới hạn như sau:

a) Phía Bắc giáp đường Hà Nội;

b) Phía Nam giáp đường Phan Đình Phùng và sông An Cựu.

c) Phía Đông giáp đất khu dân cư phường Phú Hội.

d) Phía Tây giáp khu dân cư đường Hai Bà Trưng.

Khu vực nghiên cứu có diện tích 29 ha.

2. Tính chất: Là khu vực quy hoạch nhằm xác định, điều chỉnh chức năng sử dụng một số khu đất để giải quyết nhu cầu đầu tư, chỉnh trang đô thị và hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ cho việc phát triển hai bên trục đường Lý Thường Kiệt và đường Đống Đa, thành phố Huế.

3. Cơ cấu sử dụng đất:

Stt

Loại đất

Diện tích sử dụng (m2)

Tỷ lệ (%)

1.

Đất thương mại dịch vụ

84.250

29,05

2.

Đất cơ quan, văn hóa

42.390

14,62

3.

Đất giáo dục

39.350

13,57

4.

Đất tôn giáo

2.220

0,77

5.

Đất y tế

750

0,26

6.

Đất ở chỉnh trang

22.295

7,69

7.

Đất cây xanh, bãi đỗ xe

1.710

0,59

8.

Đất giao thông

97.035

33,46

 

Tổng cộng

290.000

100,00

4. Quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc:

a) Bố cục không gian kiến trúc toàn khu vực:

- Quy hoạch chủ yếu theo định hướng chỉnh trang và hạn chế giải tỏa, di dời dân cư trong khu vực; chuyển đổi mục đích sử dụng đất của một số khu vực biệt thự cũ, trụ sở cơ quan ở các vị trí quan trọng thành đất dịch vụ đô thị.

- Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan: các công trình hành chính, dịch vụ đô thị và cây xanh công cộng phải gắn kết hài hòa khu vực trung tâm phía Nam thành phố Huế và vùng phụ cận.

- Bố trí các điểm nhấn, các điểm nhìn quan trọng tại các góc giao lộ của các trục đường lớn thành phố.

b) Tổ chức không gian các khu vực trọng tâm:

- Các khu vực ngã sáu đường Ngô Quyền - Hoàng Hoa Thám - Nguyễn Tri Phương - Hà Nội - Lý Thường Kiệt và ngã tư Lý Thường Kiệt - Đống Đa; khu quảng trường trước Nhà Văn hóa Trung tâm: Các công trình kiến trúc yêu cầu thiết kế hợp khối và cao tầng; khuyến khích xây dựng công trình thương mại, dịch vụ du lịch. Đối với nhà ở của nhân dân khuyến khích cải tạo nâng cấp.

- Các công trình dịch vụ đô thị: Được xây dựng mới tại một số điểm dọc trục đường Lý Thường Kiệt - Đống Đa, cạnh các giao lộ của đường Lý Thường Kiệt - Đống Đa, đường Lý Thường Kiệt - Phan Đình Phùng, đường Đống Đa - Nguyễn Huệ - Hai Bà Trưng,…

- Các công trình tôn giáo: duy trì, tu bổ.

- Quảng trường: tổ chức tại giao lộ Hà Nội - Hùng Vương - Bến Nghé - Lê Quý Đôn - Đống Đa (phía trước Nhà Văn hóa Trung tâm).

- Điểm xanh công cộng: tổ chức trước trụ sở Liên đoàn Lao động tỉnh và xen kẽ với các khu đất xây dựng công trình trên các trục đường.

- Bãi đỗ xe: xây dựng phía sau trụ sở Công ty cổ phần Kinh doanh Nhà, tổ chức đường vào từ đường Lý Thường Kiệt (bên cạnh công trình Bưu điện tỉnh).

c) Các yêu cầu về quy hoạch kiến trúc:

- Công trình dịch vụ đô thị:

+ Mật độ xây dựng ≤ 60%; tầng cao từ 7 - 15 tầng.

+ Chỉ giới xây dựng đường Lý Thường Kiệt: lùi ≥6m so với chỉ giới đường đỏ đối với các khu đất từ đường Hà Nội đến đường Đống Đa; đối với khu đất 14 -16 -18 - 20 đường Lý Thường Kiệt, chỉ giới xây dựng lùi 4,5m so với chỉ giới đường đỏ và khối cao tầng lùi 6m so với chỉ giới đường đỏ; các khu đất số 26, 28 đường Lý Thường Kiệt chỉ giới xây dựng lùi 9m so với chỉ giới đường đỏ.

+ Chỉ giới xây dựng đường Đống Đa: đối với công trình khách sạn (Công ty xăng dầu Thừa Thiên Huế) lùi 10m so với chỉ giới đường đỏ; công trình Trung tâm kỹ thuật (Công ty Thông tin di động - VMS) lùi 4,5m so với chỉ giới đường đỏ; các khu đất khác chỉ giới xây dựng lùi 6m với chỉ giới đường đỏ.

- Công trình hành chính: Mật độ xây dựng ≤ 45%; tầng cao từ 4 - 7 tầng; chỉ giới xây dựng lùi 6m so với chỉ giới đường đỏ.

- Công trình trường học: Mật độ xây dựng ≤ 35%; tầng cao 3 - 4 tầng.

+ Chỉ giới xây dựng lùi 20m so với chỉ giới đường đỏ đối với trường Đại học Khoa học Huế; các trường THCS, trường mẫu giáo, mầm non lùi 10m so với chỉ giới đường đỏ.

- Kiến trúc công trình nhà ở:

+ Khu chung cư Đống Đa: Mật độ xây dựng ≤35%; tầng cao từ 7 - 15 tầng; chỉ giới xây dựng lùi ≥15m so với chỉ giới đường đỏ đường Đống Đa, lùi ≥10m so với chỉ giới đường đỏ đường Lê Hồng Phong.

+ Nhà ở trong khu vực ổn định và chỉnh trang: Tầng cao tối đa 4 tầng; mật độ xây dựng 100%; chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ.

+ Đối với đường kiệt: Chỉ giới xây dựng trùng với chỉ giới đường đỏ.

- Nhà ở biệt thự (xây mới): Tầng cao tối đa 3 tầng; mật độ xây dựng ≤75%; chỉ giới xây dựng lùi ≥5m so với chỉ giới đường đỏ.

- Kiến trúc cảnh quan cây xanh, quảng trường:

+ Quảng trường: Không gian cây xanh gắn liền với không gian khu vực xây dựng trung tâm hội nghị quốc tế.

+ Cây xanh thảm cỏ: Sử dụng các loại cây cảnh, hoa, cây bóng mát theo mùa dọc hai bên đường và trong các điểm xanh công cộng.

5. Quy hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật:

a) Chuẩn bị kỹ thuật:

- San nền: Giữ nguyên địa hình tự nhiên, chỉ san lấp cục bộ phục vụ xây dựng cho từng lô đất.

- Thoát nước mưa: Tổ chức hệ thống thoát nước mưa riêng; hướng thoát ra sông An Cựu.

b) Giao thông:

- Đường Lý Thường Kiệt (ký hiệu mặt cắt I - I): lộ giới 26m (6m + 14m + 6m).

- Đường Đống Đa (ký hiệu mặt cắt II - II): lộ giới 36m (6m + 10,5m + 3m + 10,5m + 6m). Tim đường hiện tại mở về phía Bắc 17,5m, về phía Nam 18,5m.

- Các đường kiệt:

+ Kiệt thông: 5,5m.

+ Kiệt cụt: 3m.

c) Cấp nước:

- Chỉ tiêu cấp nước:

+ Trước mắt: 150 lít/người/ngày đêm.

+ Dài hạn: 180 lít/người/ngày đêm.

+ Các nhu cầu nước khác tính toán theo tiêu chuẩn quy định.

- Nguồn nước: Được lấy từ đường ống cấp nước chính của thành phố trên các tuyến đường.

- Mạng lưới: Đường ống trong khu quy hoạch được thiết kế mạng vòng nhánh cụt, bố trí dọc các trục đường thuận tiện cho việc kết nối.

- Hệ thống cấp nước phòng cháy chữa cháy: Được bố trí đúng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy quy định. Các họng cứu hỏa cách nhau 150m.

d) Cấp điện:

- Chỉ tiêu cấp điện sinh hoạt:

+ Đợt đầu: 1.100 kwh/người/năm.

+ Dài hạn: 2.100 kwh/người/năm.

- Chỉ tiêu phụ tải sinh hoạt:

+ Đợt đầu: 450 w/người.

+ Dài hạn: 700 w/người.

+ Các nhu cầu dùng điện khác tính toán theo tiêu chuẩn quy định.

- Nguồn điện: Từ hệ thống cấp điện khu vực.

- Lưới điện: Lưới điện trung thế, hạ thế của khu vực dùng cáp ngầm bố trí dọc các tuyến giao thông.

- Chiếu sáng công cộng: Hệ thống chiếu sáng được thiết kế theo tiêu chuẩn, sử dụng đèn cao áp.

đ) Thoát nước và vệ sinh môi trường:

- Thoát nước thải: Xây dựng hệ thống thu gom nước thải riêng theo dự án thoát nước thành phố. Các công trình phải xây bể tự hoại đúng quy cách. Nước thải của công trình cần được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại, lắng lọc trước khi đổ vào hệ thống chung. Tiến tới nước thải được thu gom đấu nối vào hệ thống thoát nước thải đô thị.

- Vệ sinh môi trường: Chỉ tiêu rác thải là 1,3 kg/người/ngày, thu gom được 100%. Tổ chức thu gom và xử lý rác thải theo quy định của khu vực.

e) Hệ thống thông tin liên lạc: Hệ thống cáp, hộp nối đặt đồng bộ. Mạng lưới cáp bố trí ngầm dưới vỉa hè theo hệ thống giao thông.

6. Các hạng mục ưu tiên đầu tư:

- Triển khai các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại khu vực theo quy hoạch được phê duyệt.

- Xây dựng các khu dịch vụ, thương mại tại các khu đất thay đổi mục đích sử dụng dọc trục đường Lý Thường Kiệt - Đống Đa, tại góc đường Lý Thường Kiệt - Phan Đình Phùng.

Điều 2. Trên cơ sở quy hoạch chi tiết được duyệt, giao trách nhiệm cho các cơ quan liên quan thực hiện các công việc sau:

1. Sở Xây dựng: Là cơ quan đầu mối thực hiện chức năng tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng; phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Huế công bố quy hoạch.

2. Ủy ban Nhân dân thành phố Huế: Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức công bố quy hoạch; cắm mốc chỉ giới xây dựng ngoài thực địa; cung cấp thông tin quy hoạch; lựa chọn giải pháp xây dựng phù hợp; lập kế hoạch vốn ngân sách và huy động nguồn vốn khác triển khai các hạng mục đầu tư; thực hiện công tác quản lý trên địa bàn.

3. Các Sở ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp thực hiện các chức năng nhiệm vụ được giao.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Giám đốc Kho Bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế; Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện