Quyết định 2162/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW
Số hiệu: 2162/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Trần Quốc Nam
Ngày ban hành: 08/12/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2162/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN TRUNG TÂM ĐIỆN LỰC LNG CÀ NÁ GIAI ĐOẠN 1, CÔNG SUẤT 1.500 MW.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019.

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 26/11/2013;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 26/11/2014;

Căn cứ Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;

Căn cứ Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT ngày 18/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 52/2020/NĐ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư;

Căn cứ văn bản số 479/TTg-CN ngày 23/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung các Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná và Long Sơn vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia;

Căn cứ Quyết định số 299/QĐ-UBND ngày 14/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) Khu vực tổ hợp điện khí LNG;

Căn cứ công văn số 15-TB/TU ngày 30/11/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và công văn số 482/UBND-KTTH ngày 8/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc triển khai Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn I;

Xét đề xuất dự án của Giám đốc Sở công thương tại văn bản số 2125/SCT-CN ngày 18/11/2020; đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 4069/TTr-SKH&ĐT ngày 8 tháng 12 năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500 MW với các nội dung chính như sau:

1. Thông tin dự án:

1.1. Tên dự án: Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW.

1.2. Mục tiêu đầu tư dự án: Kinh doanh phát điện.

- Góp phần đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam trong bối cảnh các nguồn nhiệt điện chậm tiến độ và một số dự án dừng triển khai như Nhà máy điện hạt nhân.

- Tăng cường độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất do truyền tải xa, nâng cao chất lượng điện năng. Góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính cho ngành điện trong đầu tư phát triển nguồn điện.

- Đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính. Thúc đẩy các ngành công nghiệp, vận tải và dịch vụ và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho địa phương.

1.3. Phạm vi và quy mô đầu tư dự án:

a) Phần nhà máy: Xây dựng 01 nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500MW.

b) Hệ thống cung cấp và xử lý nguyên liệu:

- Xây dựng cảng nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng LNG thông qua cảng 4,8 triệu tấn/năm, bao gồm: 02 cảng lỏng; giai đoạn 1 xây dựng 01 bến; đê chắn sóng phía Đông; các công trình hạ tầng, phụ trợ phục vụ toàn bộ khu cảng nhập LNG.

- Kho chứa LNG công suất 4x1,2 triệu tấn/năm; quy mô 04 bồn chứa, mỗi bồn có sức chứa 180.000m3. Dự án giai đoạn 1 đầu tư toàn bộ hạ tầng kho chứa LNG và xây dựng, lắp đặt trước 01 bồn phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500MW.

- Kho tái hóa khí bao gồm 04 trạm tái hóa khí, công suất 4x1,2 triệu tấn/năm. Dự án giai đoạn 1 đầu tư toàn bộ hạ tầng khu tái hóa khí và xây dựng, lắp đặt trước 01 trạm tái hóa khí phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500 MW.

- Hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1, công suất 1,2 triệu tấn/năm.

c) Hệ thống truyền tải điện: Xây dựng sân phân phối 500kV với quy mô đảm bảo truyền tải công suất toàn bộ trung tâm điện lực LNG 6.000 MW. Dự án giai đoạn 1 đầu tư các ngăn lộ phục vụ dự án công suất 1.500 MW.

d) Xây dựng các công trình hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho toàn bộ Trung tâm điện lực LNG 6.000MW: Kênh lấy nước, kênh xả nước, xử lý nước thải, hệ thống cấp nước ngọt, tuyến ống nước sạch D400 khoảng 19,5km đấu nối vào tuyến ống nước sạch D400 hiện hữu tại cổng khu công nghiệp Phước Nam và tuyến ống nước thô D400 dài khoảng 5,5km đấu nối vào tuyến ống nước thô D400 hiện có tại vị trí ngã 3 Quốc lộ 1A đi Thương Diêm;...theo định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.4. Diện tích đất và mặt nước:

a) Diện tích đất:

- Diện tích xây dựng 01 nhà máy chính, công suất 1.500MW: khoảng 20 ha.

- Diện tích hành lang và tuyến đường ống cấp, trạm bơm và ống thải nước làm mát (chung cho 4 nhà máy): khoảng 3,86 ha.

- Diện tích sân phân phối điện (chung cho 4 nhà máy): khoảng 11,8 ha.

- Diện tích móng trụ đường dây 500kV đấu nối: khoảng 4,5 ha.

- Diện tích Kho LNG và công trình tái hóa khí (chung cho 4 nhà máy): khoảng 29,5 ha (diện tích này gồm 06 bồn chứa, ngoài việc bố trí 04 bồn chứa LNG cho cả Trung tâm điện lực, còn quy hoạch bố trí dự kiến 02 bồn chứa LNG cho Tổng kho LNG trong tương lai, mỗi bồn có sức chứa khoảng 180.000m3).

b) Diện tích mặt nước:

- Diện tích Cảng nhập LNG, hành lang và tuyến ống LNG (chung cho 4 nhà máy): khoảng 25 ha.

- Diện tích Đê chắn sóng: khoảng 12 ha.

- Diện tích Cửa nhận nước của trạm bơm và tuyến ống thải nước làm mát (chung cho 4 nhà máy): khoảng 5,53 ha.

1.5. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án:

Tổng vốn đầu tư sơ bộ thực hiện dự án: Khoảng hơn 49.000 tỷ đồng; vốn đầu tư sẽ được chuẩn xác sau khi Chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trong đó:

- Chi phí thực hiện dự án (tham khảo dự án tương tự): khoảng 41.000 tỷ đồng.

- Chi phí dự phòng: khoảng 8.000 tỷ đồng.

- Tổng chi phí đền bù di dân và tái định cư (tạm tính): khoảng 100 tỷ đồng.

1.6. Tiến độ đầu tư dự án:

- Hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và khởi công dự án trong quý III/2021.

- Hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong quý III/2024.

1.7. Thời hạn hoạt động dự án: 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư.

1.8. Địa điểm thực hiện dự án: Xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

1.9. Phương án huy động vốn: Nhà đầu tư được huy động vốn theo quy định của pháp luật để triển khai thực hiện dự án theo đúng nội dung, tiến độ dự án đã được phê duyệt.

1.10. Phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án:

- Dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua việc thu hút đầu tư với lượng vốn khoảng 49.000 tỷ đồng, góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người dân địa phương.

- Dự án tác động đến lực lượng lao động trong nước có điều kiện để nâng cao kiến thức, tay nghề thông qua môi trường làm việc và trình độ quản lý tiên tiến của các nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài.

- Dự án tạo được nhiều công ăn việc làm nên đời sống người dân địa phương được nâng lên, góp phần làm ổn định tình hình xã hội.

- Đóng góp thu ngân sách lớn cho địa phương thông qua các khoản đóng góp tiền thuê đất, thuế tài nguyên nước, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp,...

- Dự án thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

1.11. Một số yêu cầu khác của dự án:

a) Về công tác đầu tư xây dựng Kho cảng LNG:

- Về tiêu chí lựa chọn Kho cảng LNG: Việc lựa chọn Kho cảng LNG đảm bảo các nguyên tắc sau:

+ Đảm bảo tính khả thi và hiệu quả về mặt kỹ thuật bao gồm địa điểm (quỹ đất, cảng biển, tuyến luồng, vị trí địa lý, điều kiện khí hậu thuận lợi,...); loại hình kho phù hợp với cơ sở hạ tầng trong khu vực và phương án, khả năng cấp khí LNG cho các Nhà máy điện (phương án vận chuyển khí, kết nối đường ống, hạng mục phụ trợ khác...).

+ Bố trí đủ mặt bằng xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kho cảng LNG sử dụng cho cả Trung tâm điện lực (TTĐL).

+ Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật của cả Trung tâm điện lực, lựa chọn phương án kho chứa khí và trạm tái hóa khí phù hợp nổi (FSRU) hoặc có định (trên bờ).

+ Đồng bộ với quy hoạch tổng thể của địa phương về sử dụng đất, cảng, luồng tàu và quy hoạch về kinh tế - xã hội.

- Về công tác đầu tư xây dựng:

+ Trình tự đầu tư xây dựng Kho cảng LNG (chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, khảo sát, thẩm định thi công, nghiệm thu và vận hành) phải tuân thủ các quy định tại Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các quy định khác có liên quan, đảm bảo an toàn, hiệu quả cao nhất.

+ Áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam trong việc thiết kế, xây dựng và vận hành Kho cảng LNG (đối với các tiêu chuẩn Việt Nam chưa quy định, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế thông dụng) đảm bảo tuyệt đối an toàn, phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường theo quy định.

b) Về cơ chế và giá khí tái hóa cung cấp cho nhà máy điện cần xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc sau:

- Các doanh nghiệp phải chủ động đàm phán, ký kết và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các Hợp đồng/thỏa thuận thương mại; Chính phủ không cam kết, bảo lãnh; Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định chính sách chung, định hướng phát triển ngành, không chỉ đạo trực tiếp và can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp.

- Giá khí LNG nhập khẩu tại cảng sản xuất hoặc đến cảng người mua được doanh nghiệp đàm phán, thống nhất trên cơ sở phù hợp với thị trường quốc tế với cơ cấu phù hợp giữa hợp đồng ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đảm bảo tuyệt đối cạnh tranh, công khai, minh bạch và hiệu quả cao nhất.

- Có cơ chế đảm bảo cung ứng khí công bằng, minh bạch, cạnh tranh, chống độc quyền nhà cung cấp.

- Việc đàm phán bao tiêu sản lượng điện và sản lượng khí là thỏa thuận sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo hiệu quả đầu tư các Kho cảng LNG, các đường ống dẫn khí tái hóa và các Dự án Nhà máy điện trong TTĐL, không tạo sức ép lên giá điện và gánh nặng cho Tập Đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

- Giảm thiểu rủi ro, đầu tư thành công và hiệu quả cho toàn chuỗi dự án.

c) Về tổng mặt bằng và cơ chế đầu tư xây dựng hạ tầng dùng chung:

- Phương án tổng mặt bằng cho toàn bộ Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (bao gồm cả Kho cảng nhập LNG), đảm bảo an toàn, hiệu quả, thuận lợi trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy; tối ưu hóa các hạng mục dung chung (Cảng nhập LNG, Đê chắn sóng, đường vào Kho cảng LNG, hệ thống kênh dẫn, kênh xả nước làm mát, trạm phân phối LNG, sân phân phối điện,....).

- Các Nhà đầu tư dự án điện khí LNG còn lại thuộc Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná chia sẻ chi phí đầu tư các hạng mục dùng chung nêu trên (theo cơ chế do UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành).

d) Về vấn đề tính toán giá điện:

Việc đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 56/2014/TT-BCT ngày 19/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về phương pháp xác định giá phát điện, trình tự kiểm tra hợp đồng mua bán điện (Thông tư số 56/2014/TT-BCT) và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2014/TT-BCT .

Việc đàm phán PPA phải thực hiện theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 13/2017/TT-BCT ngày 03/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 56/2014/TT-BCT: “Chủ đầu tư dự án nhà máy điện có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị đàm phán hợp đồng mua bán điện gửi Bên mua điện để đàm phán và thực hiện các thủ tục thẩm định, phê duyệt để ký hợp đồng mua bán điện trước Ngày khởi công xây dựng công trình hoặc trước khi nhà máy điện thực hiện thí nghiệm phát điện lên hệ thống điện quốc gia” và đảm bảo giá điện không vượt khung giá do Bộ Công Thương ban hành hàng năm; và các quy định của pháp luật hiện hành.

đ) Về phương án đấu nối:

- Nhà đầu tư chịu trách nhiệm thuê đơn vị tư vấn lập báo cáo phương án đấu nối để nghiên cứu, tính toán, đánh giá cụ thể, chi tiết. Báo cáo phương án đấu nối vào hệ thống điện quốc gia kèm theo văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đề nghị gửi về Bộ Công Thương thẩm định trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

- Khi lập phương án đấu nối, cần lưu ý nghiên cứu, tính toán, giải trình các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, đặc biệt là ý kiến của Tập Đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia. Trong đó tập trung một số nội dung sau:

+ Về số liệu tính toán: đề nghị cập nhật toàn bộ quy mô công suất, tiến độ các nguồn đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt sung vào quy hoạch phát triển điện lực, cũng như các dự án đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh đã trình Bộ Công Thương thẩm định trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các dự án điện gió, điện mặt trời tại các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ; cập nhật quy mô công suất và tiến độ các nguồn lớn (như TTĐL Vĩnh Tân, Vân Phong, Sơn Mỹ) để tính toán phân tích đánh giá.

+ Về các kịch bản tính toán: đề nghị tính toán, kiểm tra trào lưu công suất của lưới điện khu vực miền Đông Nam Bộ đến năm 2025, 2030.

+ Về phương án đấu nối: trên cơ sở cập nhật quy mô nguồn điện, tính toán lại cân bằng công suất ở cấp điện áp 500kV và 220kV để đề xuất phương án đấu nối phù hợp, đảm bảo vận hành an toàn cũng như các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật hợp lý. Cần phân tích, đánh giá kỹ khả năng truyền tải trên đường dây 500kV Vĩnh Tân- Sông Mây, Thuận Nam-Chơn Thành và dòng ngắn mạch tăng cao trên hệ thống lưới điện truyền tải khu vực.

+ Do quy mô công suất dự kiến phát triển của TTĐL Cà Ná là rất lớn (6.000MW), khu vực Nam Trung Bộ tập trung nhiều trung tâm nhiệt điện/năng lượng tái tạo lớn nên cần thiết nghiên cứu đấu nối tổng thể, toàn diện, dài hạn cho khu vực này, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn vận hành cũng như các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật chung của toàn hệ thống.

+ Trên cơ sở tính toán trào lưu công suất với các chế độ vận hành khác nhau của lưới điện khu vực, đề xuất các công trình lưới điện bổ sung quy hoạch, đảm bảo giải phóng công suất các nhà máy điện và vận hành an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 cho lưới điện truyền tải.

2. Yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư:

2.1. Yêu cầu bắt buộc.

- Nhà đầu tư đã trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án năng lượng có vốn chủ sở hữu tối thiểu chiếm 15% trong tổng vốn đầu tư của từng dự án (ưu tiên tại Việt Nam) đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2020) với tổng công suất tối thiểu 1.000MW.

- Trường hợp nhà đầu tư liên danh, thành viên đứng đầu liên danh đã trực tiếp đầu tư thực hiện các dự án năng lượng có vốn chủ sở hữu tối thiểu chiếm 30% trong tổng vốn đầu tư của từng dự án (ưu tiên tại Việt Nam) đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2020) với tổng công suất tối thiểu 1.000MW.

2.2. Yêu cầu đánh giá

2.2.1. Về năng lực tài chính:

- Yêu cầu vốn chủ sở hữu: vốn chủ sở hữu nhà đầu tư phải thu xếp tối thiểu chiếm 15% tổng mức đầu tư của dự án đang xét. Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh. Đồng thời, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Nếu bất kỳ thành viên nào trong liên danh được đánh giá là không đáp ứng thì nhà đầu tư liên danh được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu.

+ Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ sở hữu vốn tối thiểu là 15% trong liên danh.

+ Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định trên cơ sở các số liệu tài chính của nhà đầu tư được cập nhật trong khoảng thời gian tối đa 28 ngày trước ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án và cam kết về việc huy động vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải kê khai thông tin, cung cấp các tài liệu về năng lực tài chính theo Mẫu số 02 tại Chương III của Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT ngày 18/9/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

+ Vốn chủ sở hữu còn lại của nhà đầu tư = Tổng vốn chủ sở hữu - Chi phí liên quan đến kiện tụng - vốn chủ sở hữu cam kết cho các dự án đang thực hiện và các khoản đầu tư dài hạn khác (nếu có) - vốn chủ sở hữu phải giữ lại theo quy định (Vốn chủ sở hữu dùng riêng cho phân bố hoặc theo yêu cầu pháp lý quy định với Nhà đầu tư; vốn chủ sở hữu phải giừ lại theo yêu cầu dự phòng đặc biệt cho các trường hợp có thể xảy ra; vốn chủ sở hữu khác được cam kết sẽ hoàn lại và không dùng cho tuyên bố cổ tức,...).

- Yêu cầu vốn khác: Có văn bản cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng hợp pháp theo quy định nhà nước Việt Nam.

2.2.2. Về năng lực kinh nghiệm:

Số lượng tối thiểu các dự án mà nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh hoặc đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu chính: Nhà đầu tư có 01 dự án loại 1; hoặc 02 dự án loại 2; hoặc 02 dự án loại 3 được đánh giá là Đạt; trường hợp không đủ, đánh giá là Không Đạt.

* Cách xác định dự án như sau:

- Loại 1: Dự án trong lĩnh vực sản xuất điện, điện khí LNG mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu và đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

+ Dự án có quy mô công suất tối thiểu bằng 50% quy mô công suất dự án đang xét và có tổng mức đầu tư tối thiểu bằng 51% tổng mức đầu tư của dự án đang xét.

+ Dự án mà nhà đầu tư có phần giá trị vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 50% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của dự án đang xét.

+ Dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành thương mại trong 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2020).

- Loại 2: Dự án trong lĩnh vực sản xuất điện, điện khí LNG mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính thực hiện các gói thầu xây lắp và đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

+ Giá trị phần công việc nhà đầu tư tham gia trong gói thầu/hợp đồng tối thiểu bằng 30% chi phí thực hiện của dự án đang xét.

+ Gói thầu/Hợp đồng đã kết thúc trong 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2020).

- Loại 3: Dự án trong lĩnh vực sản xuất điện, điện khí LNG mà đối tác cùng thực hiện đã tham gia với vai trò là nhà thầu chính thực hiện các gói thầu xây lắp và đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

+ Giá trị phần công việc đối tác cùng thực hiện tham gia trong gói thầu/hợp đồng tối thiểu bằng 30% chi phí thực hiện của dự án dang xét.

+ Gói thầu/Hợp đồng đã kết thúc trong 10 năm (từ năm 2010 đến năm 2020).

* Chỉ dẫn chung đối với Nhà đầu tư: Kinh nghiệm của nhà đầu tư bằng tổng số dự án của nhà đầu tư/thành viên liên danh và đối tác đã thực hiện. Các dự án/gói thầu nhà đầu tư/đối tác thực hiện phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng theo hợp đồng đã ký kết mới được xem xét, đánh giá. Nhà đầu tư phải cung cấp các biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước để chứng minh việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng đối với các dự án/gói thầu đã thực hiện.

2.3. Về các tiêu chí khác:

Nhà đầu tư phải có cam kết đầy đủ các nội dung sau:

- Cam kết ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án theo quy định pháp luật đầu tư và của UBND tỉnh Ninh Thuận.

- Cam kết không yêu cầu bảo lãnh và hỗ trợ của Chính phủ về chuyển đổi ngoại tệ (bao gồm tỷ giá chuyển đổi).

- Cam kết về rủi ro:

+ Cam kết không yêu cầu bảo lãnh về hợp đồng mua bán điện, thu mua sản lượng điện sản xuất (phát ra), nhà đầu tư cam kết tự thỏa thuận đàm phán PPA với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

+ Cam kết không khiếu kiện trong trường hợp có sự thay đổi, điều chỉnh các nội dung yêu cầu đối với nhà đầu tư hoặc hủy bỏ kết quả lựa chọn nhà đầu tư vì lý do an ninh quốc phòng.

- Cam kết về thực hiện đầu tư dự án:

+ Cam kết không mua bán, chuyển nhượng dự án dưới bất kỳ hình thức nào trong thời gian triển khai dự án đầu tư đến khi nhà máy đưa vào vận hành và phát điện thương mại (COD), trường hợp vi phạm thì thu hồi dự án mà không bồi thường.

+ Cam kết tiến độ đầu tư hoàn thành đưa dự án vào hoạt động trong quý III năm 2024, và có cam kết trường hợp không triển khai theo đúng tiến độ đăng ký thì dự án bị thu hồi và không được bồi thường, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

+ Cam kết thành lập doanh nghiệp tại địa phương, thực hiện các nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật.

- Cam kết chấp hành quy định về an ninh, quốc phòng an ninh theo luật pháp Việt Nam.

- Cam kết đầu tư xây dựng hạng mục kè Đông, nạo vét luồng lạch đảm bảo cho tàu 300.000 tấn ra vào cảng hoạt động trong năm 2022; cam kết trả chi phí cho chủ đầu tư cảng tổng hợp Cà Ná với công trình dùng chung được xây dựng trước đó (bao gồm chi phí nạo vét luồng lạch) phù hợp với tiến độ đầu tư cảng tổng hợp Cà Ná.

+ Cam kết đầu tư khu cảng khí 1,8 triệu tấn/năm kết hợp với đầu tư nhà máy tái hóa khí, đường ống dẫn khí đến nhà máy, đường ống cấp nước và xả cho nhà máy LNG và thu nước thải theo hình thức xã hội hóa.

+ Cam kết thực hiện việc đầu tư theo pháp luật Việt Nam, mọi tranh chấp khiếu kiện giải quyết theo pháp luật Việt Nam, Tòa án Việt Nam; trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

+ Cam kết xây dựng phương án đấu nối, thỏa thuận đấu nối truyền tải điện vào hệ thống lưới Quốc gia theo quy định; có biên bản thỏa thuận đấu nối với đơn vị quản lý Trạm biến áp (TBA), đường dây truyền tải.

+ Cam kết thực hiện điều kiện kỹ thuật của dự án theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam hiện hành; áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Điều 2. Trách nhiệm của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện Thuận Nam, đơn vị có liên quan:

1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Tổ chức công bố danh mục dự án theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ; Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT ngày 18/9/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

- Đề xuất thành lập Hội đồng đánh giá năng lực, kinh nghiệm (gồm thành viên các Sở, ngành, UBND huyện Thuận Nam) để tổ chức đánh giá năng lực, kinh nghiệm các Nhà đầu tư theo quy định.

- Báo cáo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của Nhà đầu tư, số lượng Nhà đầu tư đạt yêu cầu và trình Chủ tịch UBND tỉnh việc tổ chức thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ; Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT ngày 18/9/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Giao các Sở ngành, UBND huyện Thuận Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đánh giá năng lực kinh nghiệm các nhà đầu tư theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công thương; Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Tư pháp; Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thuận Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, TTHĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cổng đăng ký đấu thầu quốc gia;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm CNTT và TT;
- Lưu: VT, KTTH.

CHỦ TỊCH




Trần Quốc Nam