Quyết định 2160/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu du lịch suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa
Số hiệu: 2160/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Vương Văn Việt
Ngày ban hành: 09/07/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2160/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 09 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG TỶ LỆ 1/2000 KHU DU LỊCH SUỐI CÁ CẨM LƯƠNG, HUYỆN CẨM THỦY, TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng; Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 7 tháng 4 năm 2008 về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng; Thông tư số 10/2010/TT-BXD ngày 11/8/2010 quy định hồ sơ từng loại quy hoạch đô thị và các quy định của pháp luật có liên quan;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1123/TTr-SVHTTDL ngày 23 tháng 6 năm 2014, của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 3319/SXD-QH ngày 02 tháng 7 năm 2014 xin phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu du lịch suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu du lịch suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, với nội dung chính sau:

1. Mục tiêu:

- Cụ thể hóa định hướng phát triển quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2218/QĐ-UBND ngày 16 tháng 7 năm 2009;

- Khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, xã hội và nhân văn vốn có để trở thành điểm tham quan du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực;

- Làm cơ sở pháp lý cho việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, lập dự án đầu tư xây dựng các khu chức năng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu du lịch.

2. Phạm vi, ranh giới, diện tích lập quy hoạch:

a) Phạm vi, ranh giới:

- Phía Bắc giáp núi đá phía Bắc xã Cẩm Lương;

- Phía Nam giáp làng Vân, xã Cẩm Thạch;

- Phía Tây giáp đồi Phóng xã Cẩm Lương;

- Phía Đông giáp làng Ngọc và cánh đồng lúa xã Cẩm Lương, sông Lục Tô xã Cẩm Bình.

b) Diện tích lập quy hoạch: khoảng 300 ha, thuộc ranh giới 3 xã Cẩm Lương, Cẩm Thạch và Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy.

3. Tính chất, chức năng:

Là Khu du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh; là động lực phát triển kinh tế - xã hội xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy và vùng lân cận.

4. Quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng:

4.1. Quy hoạch sử dụng đất:

Tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch 300 ha.

STT

Loại đất

Diện tích
(m2)

Tỷ lệ (%)

I

Đất trung tâm đón tiếp và điều hành

4.357

1,38

II

Đất khu lưu trú

186.367

6,21

III

Đất khu vui chơi giải trí và hoạt động du lịch

296.970

9,9

IV

Đất cây xanh cảnh quan

1.490.628

49,70

V

Đất công cộng

50.006

1,67

VI

Đất ở

333.213

11,11

VII

Đất nông nghiệp

269.299

8,98

vm

Đất nghĩa địa

7.904

0,26

IX

Đất hạ tầng kỹ thuật

7.450

0,25

X

Đất dự trữ phát triển

158.919

5,30

XI

Đất giao thông liên hệ các khu chức năng

161.904

5,40

 

Tổng:

2.999.115

100,00

4.2. Phân khu chức năng và tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan:

4.2.1. Khu đón tiếp:

- Quy mô: Diện tích 2,38 ha;

- Chức năng chính:

+ Nhà bảo vệ: được bố trí ngoài cổng của khu đón tiếp;

+ Nhà tiếp đón: được xây dựng ở vị trí tiếp cận thuận lợi cho du khách; công trình là nơi tiếp đón khách du lịch và người dân tới thăm, hướng dẫn cho du khách các điểm du lịch và giới thiệu văn hóa địa phương;

+ Ban quản lý được xây dựng ở phía Bắc nhà tiếp đón với đủ chỗ làm việc cho các bộ phận chuyên môn đáp ứng yêu cầu quản lý toàn bộ khu du lịch;

+ Bưu điện, Ngân hàng: được thiết kế xây dựng phục vụ cho nhu cầu của du khách và người dân địa phương.

4.2.2. Khu bãi đỗ xe: Diện tích 1,59 ha.

4.2.3. Khu tổ chức lễ hội và vui chơi giải trí:

- Quy mô: Diện tích 4,1 ha;

- Chức năng chính: Là nơi tổ chức các chương trình thể thao và biểu diễn, ca múa nhạc, các điệu múa dân gian, tổ chức các trò chơi dân gian phục vụ du khách; là nơi vui chơi giải trí, bán hàng giải khát, lưu niệm;

- Khu tổ chức lễ hội và vui chơi giải trí có các công trình sau:

+ Vườn thủy tộc: Được thiết kế là một hồ nước rộng và nông với 3 cấp chênh lệch nhau, tạo ra dòng chảy của nước từ phía Bắc xuống Nam; trên hồ bố trí đài phun nước và tượng các loài động vật sống dưới nước được làm bằng bê tông;

+ Khu thể thao, trò chơi dân gian và tổ chức các chương trình lễ hội; Khu thể thao bao gồm sân bóng đá, sân bóng chuyền, sân cầu lông, và các sân tổ chức các trò chơi dân gian, ngày lễ hội sẽ được sử dụng làm nơi khai mạc lễ hội;

+ Khu dịch vụ: gồm 15 quán bán hàng bố trí dọc theo đường giao thông ở phía Đông khu vui chơi, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.

- Các công trình khác:

+ Chòi nghỉ: trong khu vực có 03 chòi nghỉ, được bố trí phù hợp, thuận tiện cho du khách;

+ Trong khu vực chủ yếu được lát đá xanh Thanh Hóa, trên lối vào chính có lát đá theo hoa văn đặc trưng của người Mường.

4.2.4. Khu suối cá Cẩm Lương:

- Quy mô: Diện tích 7,47 ha;

- Tính chất: Khu di tích, danh lam thắng cảnh độc đáo với cảnh quan thiên nhiên đẹp và nhiều sự tích huyền bí;

- Chức năng chính:

+ Cổng chào: Nằm ngay lối vào khu suối cá; bên cạnh xây dựng nhà bảo vệ;

+ Khu Đền thờ rắn: nằm bên bờ suối Ngọc, lưng tựa núi Trường Sinh, mặt hướng ra suối; Đền thờ rắn được bảo tồn, cầu gỗ được tu sửa, tôn tạo; khuôn viên xung quanh được lát đá, toàn bộ cây to lâu năm được giữ nguyên hiện trạng;

+ Suối cá: Khu vực suối cá gồm lòng suối, khe suối, đền thờ rắn, lối lên hang Đăng, động Cây Đăng; toàn bộ khu vực này được bảo tồn, tôn tạo, đảm bảo môi trường và đời sống, sinh trưởng của đàn cá; suối cá bao gồm khe suối chảy từ trong núi Trường Sinh và lòng suối rộng cách khe suối khoảng 100m;

+ Hang Cây Đăng: Đường lên hang Đăng nằm ngay miệng khe suối cá. Theo đường bậc bước khoảng 70m lên cửa hang; bậc được lát đá đá tự nhiên. Hai bên trồng cây bóng mát, trồng hoa, khóm cây lá màu tạo cảnh cho tuyến tham quan;

+ Khu công viên: Từ cổng chào vào khoảng 25m, phía Tây trục chính; giữ lại 3 nhà sàn hiện có thành 3 nhà phục vụ du lịch. Xây dựng quán nghỉ ở giữa khu. Phía Đông Bắc quán nghỉ xây dựng giàn hoa gốm, họa tiết cách điệu của dân tộc Mường; Đường dạo lát đá len lỏi giữa các thảm cỏ, cây xanh cảnh quan, cây bụi hoa; điểm trong khu một vài tiểu cảnh non bộ, phần đường dạo lát đá chạy men theo bờ suối xây dựng mềm mại, điểm trên đường các bồn cây trồng cây bóng mát, du khách có thể nghỉ ngơi, ngắm suối dưới ghế đá đặt ở gốc cây;

+ Khu dịch vụ: Khu dịch vụ được chia làm 3 khu vực, bao gồm: Khu A: (vị trí: nằm phía Bắc suối cá, chức năng: Khu dịch vụ bán hàng lưu niệm, sản phẩm địa phương và giải khát); Khu B: (Vị trí: nằm phía Đông lối lên chùa, phía Bắc giáp công viên, chức năng: khu dịch vụ giải khát, bán hàng lưu niệm, các quán bán có quy mô nhỏ, xây dựng theo kiến trúc truyền thống; các quán bố trí trồng cây xen giữa tạo sự riêng biệt giữa các quán, phía sau các quán trồng cây bóng mát và cây bụi; ranh giới giữa khu dân cư hiện có và khu dịch vụ trồng tre tạo thành nền xanh); Khu C: (Vị trí: nằm phía Đông lối bậc bước lên khu chùa; chức năng: bán hàng giải khát, dịch vụ đồ lễ, Khu dịch vụ sử dụng nhà sàn hiện có gồm 1 nhà sàn của dân, 1 nhà sàn và 1 nhà vệ sinh của ban quản lý cũ. Xây dựng khuôn viên xung quanh có cảnh quan đẹp, tạo thành khu giải khát ngoài trời);

+ Khu dịch vụ và giới thiệu đặc sản, văn hóa truyền thống bản địa: (Vị trí: nằm phía Bắc khu dịch vụ A; Chức năng chính: Các nhà sàn tiếp đón du khách, giới thiệu các đặc sản và thưởng thức ẩm thực truyền thống, giới thiệu các ngành nghề mây tre đan, thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mường và các ngành nghề truyền thống độc đáo khác),

+ Khu sinh thái bản địa: (Vị trí: Là một khu nghỉ dưỡng có địa hình bằng phẳng, ba mặt là núi, phía trước là cánh đồng rộng lớn; Chức năng chính: Đây là khu vực nghi dưỡng lý tưởng của du khách; Trong khu tạo cảnh quan sinh thái đẹp, thiên nhiên có hồ nước, quán nghỉ);

+ Khu bảo tồn văn hóa mường: (Vị trí: Nằm phía Bắc của suối cá, ba mặt là núi, phía trước là cánh đồng rộng lớn; tính chất: là khu bảo tồn văn hóa Mường và phát huy các giá trị văn hóa địa phương; đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động phục vụ du lịch, dịch vụ du lịch để phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh gắn với cộng đồng dân cư trong khu vực, trong khu tạo cảnh quan đẹp, nhà được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Mường;

+ Khu vườn hoa cây xanh: (Vị trí: nằm phía Đông trục chính và công viên; chức năng chính: Là các dải cây xanh, thảm cỏ tạo khoảng đệm giữa khu dân cư và khu du lịch);

4.2.3. Khu chùa:

- Quy mô: Diện tích 2,979 ha;

- Vị trí: Chùa được đặt trên núi, cao so với khu vực suối khoảng 300m;

- Chức năng chính: Là khu tâm linh, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và du khách.

4.2.4. Khu khách sạn, nghỉ dưỡng Thung Ong:

- Quy mô: Diện tích 11,99 ha;

- Chức năng chính: Là khu khách sạn, nhà hàng, tổ hợp thể thao và nghỉ dưỡng; hệ thống dịch vụ và nghỉ dưỡng bao gồm 44 phòng khách sạn (trong đó có 8 phòng cao cấp), 2 bể bơi, 2 sân tenis, 2 nhà hàng, 3 khu giải khát, quán bar được kết nối hài hòa với nhau bởi hệ thống đường giao thông liên hoàn, được xây dựng công phu nhằm mang lại cho khách những trải nghiệm du lịch ấn tượng, độc đáo về văn hóa của người dân miền núi Thanh Hóa.

4.2.5. Khu cắm trại, du lịch leo núi Thung Ngân:

- Quy mô: Diện tích 6,64 ha;

- Chức năng chính: Là khu cắm trại, dịch vụ leo núi và thể dục thể thao; nhằm cải tạo vi khí hậu và cảnh quan đẹp phía Đông sân cắm trại chính là một hồ nước rộng với hệ thống cây xanh cảnh quan chạy xung quanh.

4.2.6. Khu ẩm thực sinh thái hồ Kim Mẫm:

- Quy mô: Diện tích 6,3 ha trong đó có 3,4 ha là hồ nước;

- Chức năng chính: Là khu giải trí, câu cá thư giãn yên tĩnh và thưởng thức những món ăn đặc trưng của địa phương.

4.2.7. Khu du lịch sinh thái, leo núi Thung Man Nhỏ - Thung Mây;

- Quy mô: Diện tích 36,9 ha;

- Chức năng chính: Là khu du lịch sinh thái, thể thao leo núi mạo hiểm; trong khu sinh thái Thung Mây và Thung Man Nhỏ có bố trí 2 điểm cứu hộ để phục vụ kịp thời cho du khách tham quan leo núi.

4.2.8. Khu làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Cẩm Lương:

- Quy mô: Diện tích 0,88 ha;

- Chức năng chính: Là trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Cẩm Lương.

4.2.9. Khu Trường mầm non Cẩm Lương:

- Quy mô: Diện tích 0,2 ha;

- Chức năng chính: Giáo dục.

4.2.10. Khu tưởng niệm liệt sĩ xã Cẩm Lương:

- Quy mô: Diện tích 0,1 ha;

- Chức năng chính: là nơi tưởng niệm ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ của xã, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ sau.

4.2.11. Khu Chợ du lịch Cẩm Lương

- Quy mô: Diện tích 0,65 ha;

- Chức năng chính: Thương mại, dịch vụ.

4.2.12. Khu dịch vụ Hương Lý:

- Quy mô: Diện tích 0,83 ha;

- Tính chất: Là khu sản xuất và giới thiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ đặc trưng, truyền thống của địa phương đến với du khách trong và ngoài nước.

4.2.13. Khu du lịch tâm linh chùa Rồng:

- Quy mô: Diện tích 6,57 ha;

- Tính chất: Là điểm du lịch văn hóa tâm linh kết hợp với tổ chức lễ hội, trò chơi dân gian và các hoạt thể dục thể thao; bên cạnh đó giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa địa phương.

- Phân khu chức năng:

+ Bãi đỗ xe: Diện tích 0,6 ha được tổ chức trên phía Bắc của khu du lịch;

+ Khu dịch vụ: Diện tích 0,45 ha bao gồm các quán bán hàng bố trí dọc theo trục đường vào khu di tích chùa Rồng;

+ Khu sân lễ hội và thể dục thể thao: Diện tích 3,1 ha được thiết kế với sân cỏ lớn ở trung tâm, khu vực này sẽ diễn ra các hoạt động phục vụ cho lễ hội hàng năm của khu di tích lịch sử chùa Rồng, tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động thể dục thể thao tập thể, với số lượng người đông đảo. Bố trí 1 sân khấu ngoài trời để thuận tiện cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ và khai mạc lễ hội; bên cạnh đó là sân cầu lông, sân bóng chuyền và khu sân thi đấu cờ người. Hệ thống cây xanh với bãi cỏ rộng với cây cảnh, cây xanh bóng mát;

+ Khu chợ quê: Diện tích 0,5 ha được thiết kế với một nhà chợ chính có nơi làm việc của ban quản lý ở chính giữa, bao quanh là những quán lá cọ, tái hiện lại nét đặc trưng của khu chợ vùng nông thôn miền núi. Chợ có bãi đỗ xe riêng trong khu phục vụ cho du khách và người dân tới mua sắm. Tại đây người dân sẽ mang tới bán những mặt hàng nông, lâm, thổ sản và đặc sản địa phương;

+ Khu di tích Chùa Rồng: Diện tích 1,96 ha, chùa được bảo tồn, tôn tạo. Xung quanh được thiết kế gồm nhà tiếp đón được bố trí gần với lối vào chính của khu di tích với hướng tiếp cận thuận lợi cho du khách; Bên trong khuôn viên chùa được tổ chức với lối đi và sân chùa ở giữa, 2 hồ cảnh quan hai bên. Hệ thống cây xanh cảnh quan được bố trí ven đường dạo và các điểm nhìn đẹp tạo điểm nhấn cho khu di tích.

4.2.14. Khu dịch vụ du lịch hồ thủy điện:

- Nhà máy thủy điện trên sông Mã giữ mức nước sông Mã ở phía thượng lưu luôn ổn định ở mức nước + 27,85 m;

- Quy mô: Diện tích 1,14 ha;

- Khu dịch vụ hồ thủy điện có các công trình:

+ Bãi đỗ xe: Tại đây có bố trí trạm bán xăng dầu, trạm rửa xe, sửa xe phục vụ khách qua đường và tới nghỉ. Khu nhà nghỉ với 3 nhà được làm theo kiểu nhà sàn của người Mường;

+ Bến thuyền có nơi nghỉ ngơi giải khát và bến thuyền phục vụ du khách bơi thuyền vui chơi trên hồ;

+ Các quán bán hàng lưu niệm, giải khát cho du khách bố trí gần đường quốc lộ. Quán nghỉ yên tĩnh bố trí trong khu; nhà quản lý, quầy bar và các phòng hát karaoke đảm bảo phục vụ du khách.

+ Giàn hoa và hệ thống cây xanh tạo bóng mát, cảnh quan đẹp cho khu nghỉ.

4.2.15. Khu Tiểu thủ công nghiệp Cẩm Thạch:

- Quy mô: Diện tích 0,66 ha;

- Tính chất: Là khu sản xuất và giới thiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, truyền thống của địa phương đến với du khách.

4.2.16. Khu Chợ xã Cẩm Thạch

- Quy mô: Diện tích 0,55 ha;

- Tính chất: Là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán hàng hóa của nhân dân, mang nét đặc trưng về văn hóa của địa phương.

5. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

5.1. Quy hoạch San nền:

- Thiết kế nền khu vực với hướng thoát chính là gom về các đoạn mương, suối hiện trạng và đổ ra sông Mã.

- Dốc nền thiết kế chủ yếu đảm bảo từ 0,4% đến 1%. Một số khu vực cảnh quan có thể thiết kế độ dốc nền đường 4%-10%.

- Cao độ nền thiết kế khu vực khống chế từ +27,5m đến +31,10m tùy theo từng khu vực thiết kế.

5.2 Quy hoạch thoát nước mưa:

- Mạng lưới thoát nước mưa được tính toán thiết kế đảm bảo thu và vận chuyển nước mưa ra khỏi dự án một cách nhanh nhất, tránh úng ngập đường và các khu dân cư;

- Toàn bộ diện tích thoát nước mưa trong phạm vi dự án được thoát thẳng ra sông, hồ, mương gần nhất;

- Hệ thống thoát nước mưa bao gồm các tuyến cống BTCT D600- D1000mm, các hố thu nước mưa trực tiếp từ lòng đường và các hố ga thăm dọc tuyến cống;

- Hệ thống rãnh B500 thu nước tiếp giáp giữa dự án và vùng đồi núi để thu lượng nước chảy từ núi xuống;

- Các tuyến đường có vỉa hè rộng > 6 m, tuyến cống thoát nước mưa đặt trên vỉa hè; các tuyến đường có vỉa hè rộng < 6 m, tuyến cống thoát nước mưa đặt dưới đường.

5.3. Quy hoạch cấp nước:

- Nguồn nước cấp cho dự án được lấy từ giếng khoan sau khi được xử lý sẽ đưa vào hệ thống cấp nước cho dự án;

- Nước ngầm khai thác từ giếng khoan dẫn tới trạm xử lý, nước sạch sau trạm xử lý qua mạng lưới đường ống truyền tải, phân phối, dịch vụ tới các đối tượng tiêu thụ nước đó là khách du lịch, nhân viên phục vụ khu du lịch...

- Nhu cầu lưu lượng tính toán:

+ Khu 1 tổng lượng nước cần cung cấp khoảng Q = 250 m3/ngđ, xây dựng 02 giếng khoan (trong đó có 01 giếng dự phòng), công suất mỗi giếng 10m3/h. Xây dựng 01 trạm xử lý tập trung, xử lý nước đạt tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt TCVN 5002:2003, công suất trạm xử lý Q = 250m3/ngđ;

+ Khu 2 tổng lượng nước cần cung cấp khoảng Q = 10 m3/ngđ, xây dựng 01 trạm xử lý tập trung, xử lý nước đạt tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt TCVN 5002:2003, công suất trạm xử lý Q = 10m3/ngđ xây dựng 01 giếng khoan công suất giếng 1m3/h;

+ Khu 3 tổng lượng nước cần cung cấp khoảng Q =10 m3/ngđ, xây dựng 01 trạm xử lý tập trung, xử lý nước đạt tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt TCVN 5002:2003, công suất trạm xử lý Q = 10m3/ngđ xây dựng 01 giếng khoan công suất giếng 1m3/h;

+ Khu 4 tổng lượng nước cần cung cấp khoảng Q =10 m3/ngđ, xây dựng 01 trạm xử lý tập trung, xử lý nước đạt tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt TCVN 5002:2003, công suất trạm xử lý Q = 10m3/ngđ xây dựng 01 giếng khoan công suất giếng 1m3/h.

- Mạng lưới cấp nước chữa cháy: Là mạng lưới cấp nước chữa cháy kết hợp cấp nước sinh hoạt.

+ Các họng cứu hỏa được đấu nối vào đường ống cấp nước chính (cấp 1) có đường kính F ³ 100 và được bố trí gần ngã ba, ngã tư hoặc trục đường lớn... đảm bảo thuận lợi cho công tác phòng cháy, chữa cháy. Trên mạng lưới cấp nước bố trí các trụ cứu hỏa F ³100 với khoảng cách 150 m đặt 1 trụ cứu hỏa. Nước cấp cho xe cứu hỏa được lấy từ các trụ cứu hỏa dọc đường. Các trụ cứu hỏa kiểu nổi theo tiêu chuẩn 6379-1998.

+ Các công trình công cộng đều phải xây dựng các bể chứa dự trữ chữa cháy trong 3 h, và đặt các trạm bơm chữa cháy trong nhà, và các hệ thống chữa cháy tự động trong các công trình quan trọng.

5.4. Quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

- Thiết kế tuyến rãnh thoát nước B300 - 400 mm xây gạch đậy tấm đan BTCT thoát nước sinh hoạt cho khu nhà liền kề;

- Thiết kế tuyến cống thoát nước BTCT D300 - 600 mm thoát nước cho khu nhà biệt thự và công trình công cộng;

- Hệ thống đường ống thoát nước bẩn đặt trên dải đất phân cách vỉa hè và chỉ giới xây dựng công trình, tim cống cách mép trong vỉa hè 1 - 1,5 m. Cống BTCT đúc sẵn có đường kính từ D300 - D600 mm, độ sâu chôn cống đầu tiên (tính từ đỉnh cống đến mặt đất) 0,5 m; Cống chịu tải trọng BH-13. Đế cống bằng BTCT #200 đúc sẵn hoặc đổ tại chỗ tùy theo điều kiện thi công thực tế;

- Rác thải sinh hoạt được phân loại và thu gom theo các điểm tập kết bố trí trong khu, sau đó được vận chuyển bằng xe đẩy rác đến bãi rác tập trung của xã; Dự kiến bố trí các thùng thu gom CTR bằng nhựa có nắp đậy tại vị trí với cự ly nhỏ hơn 100m để tiện cho việc bỏ rác của người dân và khách tham quan rác khách bộ hành.

5.5. Quy hoạch cấp điện:

- Mạng điện trung thế:

+ Trạm biến áp sử dụng trạm kiểu kín, trạm xây hoặc trạm kiot hợp bộ đặt tại khu vực cây xanh hoặc khuôn viên nhằm đảm bảo mỹ quan cho dự án;

+ Hiện tại một số trạm biến áp nằm trong đồ án quy hoạch cấp điện cho cả các phụ tải thuộc phạm vi của đồ án và phụ tải lân cận không thuộc phạm vi. Vì vậy khi các trạm biến áp mới được xây dựng, các trạm biến áp hiện trạng này vẫn được giữ nguyên để cấp điện cho các phụ tải lân cận;

+ Hệ thống cáp trung thế đặt trong các hào cáp chôn ngầm dọc các tuyến đường quy hoạch;

- Hệ thống chiếu sáng:

+ Hệ thống chiếu sáng sử dụng các đèn bóng cao áp HPS 250W, HPS 150W, chóa đèn chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, chịu được xâm thực của môi trường; Cột đèn cao áp dùng loại cốt thép bát giác liền cần mạ kẽm nhúng;

+ Nguồn điện cho chiếu sáng đèn đường ~ 380/220KV sẽ lấy nguồn từ tủ phân phối điện hạ thế của trạm biến áp gần nhất;

+ Tủ điều khiển chiếu sáng có khả năng tự động đóng cắt các tuyến đèn theo chế độ thời gian định sẵn nhằm tiết kiệm điện năng, được đặt trên vỉa hè quy hoạch có cấp độ bảo vệ IP55;

+ Cáp điện chiếu sáng dùng loại 0,6KV-Cu/XLPE/DSTA/PVC tiết diện 4x16mm2 luồn ống nhựa chịu lực HDPE chôn ngầm trực tiếp trong đất có bảo vệ, trong phạm vi vỉa hè.

5.6. Quy hoạch giao thông:

a) Giao thông đối ngoại

- Đường bộ: Trục đường chính nối liền khu vực với Quốc lộ 217 bao gồm:

+ Trục giao thông trên được xuyên suốt khu vực theo hai hướng là hướng từ Cầu Treo hiện có đi vào và hướng từ Cầu Cứng đang thi công;

+ Trục giao thông chính nối khu di tích chùa Rồng với đường quốc lộ 217;

+ Các trục chính có mặt cắt đường 12m. Trong đó bề rộng mặt đường 7m; vỉa hè hai bên 2x2,5m;

- Đường thủy:

+ Khu vực có đoạn sông Mã chảy qua, lòng sông rộng có thể đáp ứng được khả năng vận hành của một số tàu thuyền nhỏ, có thẻ phục vụ cho mục đích du lịch đường thủy từ Cửa Hới lên cẩm Thủy;

+ Đặc biệt trong giai đoạn sắp tới khu vực có dự án đập thủy điện sẽ tạo thành diện tích mặt nước rất thuận tiện cho tổ chức du lịch trên hồ thủy điện;

- Giao thông đối nội:

+ Các tuyến đường giao thông nội bộ trong khu vực có chiều rộng mặt cắt đường 6,0m-7,0m. Trong đó bề rộng mặt đường 3m-4m; vỉa hè hai bên 2x1,5m;

+ Thiết kế tổ chức tuyến đường thám hiểm qua các thung. Các tuyến này chỉ mạng tính chất định hướng nhằm phục vụ mục đích du lịch mạo hiểm.

6. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư:

Ưu tiên đầu tư các dự án có tính chất tạo lực cho khu du lịch, gồm:

- Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông chính của Khu du lịch;

- Dự án đầu tư xây dựng Khu Suối cá Cẩm Lương;

- Dự án đầu tư xây dựng Khu tâm linh chùa Rồng;

- Dự án đầu tư khu tiếp đón;

- Dự án đầu tư xây dựng Khu tổ chức lễ hội và vui chơi giải trí.

7. Các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu, kiểm soát và bảo vệ môi trường:

- Hệ sinh thái: Bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn đảm bảo nguồn nước trong lành và đầy đủ cho suối cá; không cho nước thải sinh hoạt của các khu dân cư quanh suối cá chảy vào suối cá;

- Nước thải sinh hoạt của khu dân cư và các khu chức năng phải được thu gom và được xử lý sơ bộ bằng bể tự hoại ba ngăn rồi mới thải ra cánh đồng tưới;

- Trong quá trình thi công cần quy hoạch các bãi tập kết máy móc ở những khu hợp lý có các điểm thu nước mặt riêng, đảm bảo ở xa suối cá và phải được xử lý theo quy định chống thẩm thấu dầu máy và các chất thải có hại xuống các sông suối đặc biệt là suối cá; tuyệt đối không sử dụng hóa chất với các loại cây trồng trong khu vực quy hoạch;

- Chất lượng nước: cần được lấy mẫu và kiểm tra định kỳ;

- Rác thải cần được thu gom và tập kết để xử lý.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Cẩm Thủy và các đơn vị liên quan tổ chức công bố rộng rãi nội dung quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch Suối cá Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy để nhân dân biết, kiểm tra, giám sát và thực hiện.

- Tiếp nhận, quản lý hồ sơ, tài liệu quy hoạch được giao và tổ chức thực hiện theo quy hoạch được duyệt theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức định vị tim tuyến, lộ giới các trục giao thông chính trên thực địa;

- Lập chương trình, dự án ưu tiên đầu tư hàng năm và dài hạn, xác định các biện pháp thực hiện quy hoạch xây dựng trên cơ sở huy động mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nguồn khai thác từ quỹ đất bằng các cơ chế chính sách theo quy định hiện hành của nhà nước;

b) Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Cẩm Thủy và các ngành chức năng liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý thực hiện theo quy hoạch được duyệt và theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy; Viện trưởng Viện Quy hoạch - Kiến trúc Thanh Hóa và Thủ trưởng các ngành, các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3 Quyết định;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, CN.
H1(2014)QDPD_QH1-2000_KDL suoi ca CamThuy

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Văn Việt