Quyết định 2139/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt dự án quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020 do tỉnh Cao Bằng ban hành
Số hiệu: 2139/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng Người ký: Lô Ích Giang
Ngày ban hành: 26/10/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2139/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 26 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG TỈNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 236/2005/QĐ-TTg ngày 26 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển bưu chính Việt Nam đến năm 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông tại Tờ trình số 98/TTr-SBCVT ngày 10 tháng 8 năm 2007;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo kết quả thẩm định số 355/BC-KH&ĐT ngày 29 tháng 8 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Tên Dự án

Quy hoạch phát triển bưu chính, viễn thông tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020.

II. Mục tiêu phát triển của Dự án

1. Bưu chính

a) Mục tiêu chung

- Phổ cập đa dịch vụ đến các bưu cục, điểm bưu điện văn hoá xã; hoàn thiện chất lượng dịch vụ, cải thiện mạng lưới rộng hơn đưa dịch vụ đến gần hơn với khách hàng, kết hợp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ bưu chính và chuyển phát thư trong môi trường cạnh tranh lành mạnh.

- Phát triển dịch vụ bưu chính đi đôi với việc đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể

Phát triển mạng lưới bưu cục đến năm 2010 toàn tỉnh có 393 điểm phục vụ bưu chính, bán kính phục vụ bình quân 2,3 km, số dân phục vụ bình quân 1.320 người/điểm phục vụ. Đến năm 2015 tăng thêm khoảng 140 điểm phục vụ so với năm 2010, bán kính phục vụ dưới 2 km, số dân phục vụ bình quân dưới 1.000 người/điểm phục vụ.

c) Phương án phát triển

Chi tiết như trong báo cáo quy hoạch, bao gồm:

- Mạng bưu chính;

- Dịch vụ bưu chính;

- Đổi mới sản xuất kinh doanh;

- Phát triển nguồn nhân lực;

- Phát triển thị trường chuyển phát thư;

- Tự động hoá mạng bưu chính.

2. Viễn thông

a) Mục tiêu phát triển

- Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông có công nghệ hiện đại, có độ phủ sóng rộng khắp với dung lượng lớn, hình thành mạng lưới thông tin có chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ và hoạt động có hiệu quả.

- Đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, đồng thời phải đảm bảo phục vụ tốt và kịp thời cho công tác an ninh, quốc phòng trong mọi tình huống.

- Đẩy mạnh việc phổ cập viễn thông và Internet, rút ngắn khoảng cách sử dụng dịch vụ giữa các vùng. Cung cấp các dịch vụ viễn thông và Internet với chất lượng tốt, giá cước hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng dịch vụ.

- Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội: viễn thông và Internet trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng GDP ngày càng tăng, nâng cao năng suất lao động, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể

- Phát triển mạng viễn thông nội tỉnh có dung lượng lớn, có độ an toàn và tin cậy cao, kết nối nhiều hướng, đáp ứng nhu cầu cấp bách các dịch vụ băng rộng. Phát triển mạng cáp quang đến tất cả các xã trên địa bàn tỉnh.

- Mở rộng vùng phủ sóng thông tin di động đến các xã và dọc theo các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ quan trọng.

- Đến năm 2010 đạt mật độ điện thoại cố định 11 máy/100 dân, điện thoại di động đạt mật độ 18 máy/100 dân. Đến năm 2015 mật độ điện thoại cố định đạt 21 máy/100 dân, điện thoại di động đạt 33 máy/100 dân; 100% số xã được phổ cập điện thoại cố định và 70% số xã có điểm truy cập Internet công cộng. Sau năm 2015 về cơ bản nhu cầu sử dụng Internet được đáp ứng.

c) Phương án phát triển

Nhất trí định hướng phát triển theo phương án 3: “giữ nguyên công nghệ hiện tại, xây dựng mạng thế hệ mới (NGN) cho các thuê bao phát triển mới và cung cấp dịch vụ mới, thay thế dần công nghệ hiện tại bằng công nghệ NGN từ năm 2008 đến năm 2015”.

III. Định hướng phát triển

1. Bưu chính

Hoàn thành việc phát triển mạng lưới và phát triển rộng khắp các dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ tài chính. Mở rộng lĩnh vực cung cấp dịch vụ ứng dụng rộng rãi cho mọi lĩnh vực và giải trí.

Xây dựng các điểm phục vụ đến các điểm dân cư vùng sâu, vùng xa. Đến năm 2020, mạng lưới điểm phục vụ được xây dựng đến các thôn, bản.

Ứng dụng công nghệ hiện đại triển khai tự động hoá trong khai thác và tin học hoá các công đoạn bưu chính. Đến năm 2020 hoàn thành triển khai công nghệ tự động hoá cấp tỉnh. Lộ trình ứng dụng tin học tự động hoá cấp bưu cục, điểm phục vụ thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020. Phát triển kinh doanh từ các dịch vụ mới, dịch vụ lai ghép, dịch vụ tài chính dựa trên mạng bưu chính điện tử. Tăng tỷ trọng doanh thu từ các dịch vụ mới. Doanh thu từ các dịch vụ truyền thống chiếm dưới 20% tổng doanh thu ngành bưu chính.

2. Viễn thông

a) Các chỉ tiêu đến năm 2020

- 100% nhu cầu dịch vụ viễn thông được đáp ứng;

- 100% số thuê bao Internet là băng rộng;

- Đến năm 2020 mật độ điện thoại cố định đạt 30 máy/100 dân, điện thoại di động đạt 55 máy/100 dân;

- Dịch vụ viễn thông cố định được phổ cập tới tất cả các hộ gia đình;

- Dịch vụ thông tin di động: phủ sóng 100% các vùng dân cư;

- Truyền hình cáp (bao gồm cả hữu tuyến và vô tuyến) cung cấp trên phạm vi toàn tỉnh tới các thôn, bản.

b) Định hướng phát triển dịch vụ

- Phát triển dịch vụ theo hướng cung cấp ứng dụng cho mọi lĩnh vực: Chính phủ điện tử, đào tạo, y tế, thương mại, nông nghiệp…;

- Các dịch vụ dữ liệu, ứng dụng chiếm phần lớn doanh thu viễn thông, khách hàng sử dụng dịch vụ giải trí, truyền hình theo yêu cầu và tiếp cận dễ dàng;

- Duy trì và mở rộng cung cấp các dịch vụ công ích;

- Thúc đẩy các doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh triển khai nhanh đầu tư, cung cấp dịch vụ. Không hạn chế số doanh nghiệp bán lại và cung cấp dịch vụ;

- Các tổ chức, doanh nghiệp phát thanh, truyền hình số/cáp được phép mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực viễn thông để khai thác tối đa năng lực của mạng phát thanh, truyền hình số/cáp;

- Các doanh nghiệp trên thị trường sẽ phân tách thành hai dạng là doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và doanh nghiệp cung cấp và bán lại dịch vụ.

c) Định hướng công nghệ

- Phát triển mạng truy nhập cáp quang trong toàn tỉnh theo mô hình mạng NGN đa dịch vụ. Khách hàng được cung cấp dịch vụ băng rộng và truy nhập đa giao thức. Thay thế các tuyến cáp đồng bằng cáp quang đến cấp xã để dịch vụ viễn thông tại nông thôn có chất lượng và đa dạng bằng với các dịch vụ tại thành thị. Ưu tiên xây dựng mạng truy nhập quang nhằm giảm chi phí xây dựng, truy nhập tốc độ cao, nâng cao chất lượng dịch vụ. Hoàn thành xây dựng mạng truy nhập quang xuống đến cấp xã trong giai đoạn 2015 - 2020.

- Xây dựng mạng chuyển mạch đa dịch vụ tốc độ cao, các thiết bị chuyển mạch đa dịch vụ (Multi-service Switch) với công nghệ chuyển mạch theo giao thức IP sẽ thay thế mạng chuyển mạch kênh truyền thống. Sau khi hình thành mạng lõi NGN sẽ triển khai hệ thống chuyển mạch NGN trong tỉnh. Với năng lực chuyển mạch NGN, toàn tỉnh sẽ cần một trung tâm chuyển mạch. Năm 2008, xây dựng trung tâm chuyển mạch NGN và những năm tiếp theo tiếp tục mở rộng cho phù hợp với nhu cầu.

- Xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng cùng đầu tư và chia sẻ hạ tầng, cho phép nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông qua việc cho thuê hạ tầng mạng. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có (truyền hình cáp, truyền hình số, thông tin trên đường dây điện lực…), cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet.

- Mạng lõi sẽ là mạng hạ tầng chung quốc gia do nhiều doanh nghiệp thiết lập. Mạng truy nhập do các doanh nghiệp hạ tầng xây dựng và quản lý. Cung cấp dịch vụ cho khách hàng thông qua mạng truy nhập sẽ do nhiều doanh nghiệp cạnh tranh trên cơ sở thuê lại mạng nội hạt của doanh nghiệp hạ tầng.

d) Định hướng đầu tư

Giai đoạn 2015 - 2020 là giai đoạn chuyển đổi công nghệ và hạ tầng mạng, cần đầu tư lớn để thay đổi công nghệ. Các dự án lớn đầu tư giai đoạn này là:

- Thay đổi lõi mạng cố định dung lượng 300 ngàn thuê bao;

- Xây dựng mạng thuê bao cáp quang;

- Mạng thông tin di động dung lượng 400 ngàn thuê bao.

IV. Tác động môi trường

1. Bưu chính

Đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có khoảng 550 điểm phục vụ bưu chính. Xây dựng thêm 17 điểm Bưu điện văn hoá xã, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.700 m2, còn lại phát triển theo mô hình đại lý Bưu điện, phân bố trên địa bàn toàn tỉnh. Do đó tác động của việc xây dựng các điểm phục vụ bưu chính đến môi trường là rất nhỏ.

2. Viễn thông

- Đến năm 2015, có 167 trạm phát sóng BTS để đảm bảo phủ sóng di động trên địa bàn toàn tỉnh. Các trạm có công suất trung bình 20 W, tần số hoạt động trong giải tần 400 MHz đến 2 GHz, chiều cao cột ăngten 60 m, khoảng cách giữa các trạm BTS từ 1.000 m trở lên. Việc xây dựng các công trình viễn thông bao gồm các tổng đài, các trạm BTS, các tuyến cáp và cột đều phải được thẩm định, kiểm tra chứng nhận phù hợp các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định trước khi xây dựng, lắp đặt đảm bảo giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường.

V. Giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về vốn và nguồn vốn

a) Bưu chính

- Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển bưu chính trong giai đoạn 2006 - 2015 dự kiến 19.375 triệu đồng; trong đó, giai đoạn 2006 - 2010 là 8.365 triệu đồng và giai đoạn 2011- 2015 là 11.010 triệu đồng.

- Cơ cấu vốn: vốn ngân sách Nhà nước là 885 triệu đồng (chiếm 4,6%), vốn doanh nghiệp và nguồn khác là 18.490 triệu đồng (chiếm 95,4%).

b) Viễn thông

- Nhu cầu vốn phát triển viễn thông và Internet giai đoạn 2006 - 2015 dự kiến 871.653 triệu đồng; trong đó, giai đoạn 2006 - 2010 là 444.756 triệu đồng, giai đoạn 2010 - 2015 là 426.897 triệu đồng.

- Cơ cấu vốn: vốn ngân sách 6.235 triệu đồng (chiếm 0,7%); vốn doanh nghiệp và nguồn khác 707.237 triệu đồng (chiếm 81,2%); Quỹ Viễn thông công ích 158.181 triệu đồng.

2. Phát triển thị trường

a) Bưu chính

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia thị trường chuyển phát, phát hành báo chí.

- Xã hội hoá mạng điểm phục vụ dưới hình thức đại lý, điểm cung cấp dịch vụ theo hình thức hợp đồng giữa các doanh nghiệp và các điểm sinh hoạt ở các thôn, bản. Giai đoạn 2010 - 2015 phát triển mạng điểm phục vụ thôn, bản.

- Phát triển thị trường viễn thông đến thôn, bản trong giai đoạn đến năm 2010 thông qua mạng điểm Bưu điện văn hoá xã, các trường Trung học Phổ thông. Sau năm 2010 đưa dịch vụ đến thôn, bản thông qua các điểm phục vụ như nhà văn hoá thôn, bản; trường Trung học Cơ sở.

b) Viễn thông

- Quy hoạch số lượng doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: phát triển thị trường lành mạnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tích luỹ vốn, mở rộng kinh doanh, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá loại hình dịch vụ.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia bán lại dịch vụ, cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng, dịch vụ Internet, phát triển hạ tầng mạng nội hạt đến các thôn, bản.

3. Phát triển khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực

- Tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ đảm bảo khả năng cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp. Hình thành các quỹ khoa học công nghệ để hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới.

- Nâng cao chất lượng đào tạo, tổ chức đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ thông tin.

4. Triển khai đồng bộ các quy hoạch

- Xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành khác. Thực hiện đầu tư một lần đồng bộ với xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị… đảm bảo mỹ quan và giảm chi phí.

- Triển khai có hiệu quả Chương trình Viễn thông công ích giai đoạn 2006 - 2010, từng bước nâng cao mức độ phổ cập dịch vụ, giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- Sở Bưu chính - Viễn thông có trách nhiệm công bố, triển khai thực hiện Quy hoạch này, đồng thời có trách nhiệm theo dõi, đề xuất điều chỉnh Quy hoạch cho phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế của tỉnh. Phối hợp với Sở Xây dựng tiến hành rà soát các công trình bưu chính, viễn thông hiện có trên địa bàn tỉnh. Đề xuất xử lý đối với những đơn vị thi công công trình vi phạm, ảnh hưởng đến các công trình, kiến trúc khác, không tuân thủ quy hoạch.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: căn cứ Quy hoạch được duyệt, phối hợp với Sở Bưu chính - Viễn thông, Sở Tài chính cân đối, đảm bảo kinh phí cho các dự án phát triển bưu chính, viễn thông sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch.

- Các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ và các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp cùng Sở Bưu chính - Viễn thông triển khai thực hiện Quy hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Bưu chính - Viễn thông; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Giao thông vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lô Ích Giang