Quyết định 2130/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
Số hiệu: | 2130/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh An Giang | Người ký: | Nguyễn Thanh Bình |
Ngày ban hành: | 13/07/2017 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, Văn hóa , thể thao, du lịch, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2130/QĐ-UBND |
An Giang, ngày 13 tháng 7 năm 2017 |
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 138/TTr-SKHĐT ngày 06 tháng 7 năm 2017.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:
Phát triển du lịch phải gắn liền và đẩy mạnh hơn nữa việc bảo tồn và phát triển khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Xem việc bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng là giá trị cốt lõi. Khai thác tốt tiềm năng du lịch Trà Sư, tạo sản phẩm du lịch đặc thù, định hình thương hiệu điểm đến hấp dẫn trong kết nối tour tuyến đến An Giang và các khu vực lân cận.
Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phải theo hướng sinh thái, xanh, bền vững, không làm với quy mô lớn, vật liệu và hình thức phản cảm với khu bảo vệ cảnh quan và môi trường sinh thái xung quanh. Đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung huy động mọi nguồn lực kêu gọi đầu tư phát triển du lịch khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, có tính cạnh tranh so với các khu bảo tồn khác ở đồng bằng sông Cửu Long.
Phát triển du lịch nhưng phải có trách nhiệm bảo đảm cho cộng đồng địa phương có cơ hội tham gia, thụ hưởng thành quả của sự phát triển và có vai trò bảo vệ tài nguyên du lịch tại địa phương, cũng như cùng tham gia công tác giữ gìn, bảo vệ và phát triển khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư cùng với các đơn vị nhà nước có liên quan.
2.1. Mục tiêu chung
Nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng và lợi thế của khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Nâng cao hình ảnh và vị thế của khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, văn hóa của cộng đồng địa phương và du lịch An Giang với bạn bè trong nước và quốc tế. Nâng cấp, kiện toàn cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của toàn bộ khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Tổ chức lại các hoạt động du lịch hiện có tại khu bảo tồn theo hướng chuyên nghiệp, bài bản và bền vững. Tạo cơ chế giám sát, kiểm soát, xử lý tốt hơn đối với các tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với khu bảo tồn.
Xây dựng đội ngũ quản lý ngày càng năng động và chuyên nghiệp đáp ứng với qui mô phát triển của khu bảo vệ cảnh quan trong thời gian tới. Từng bước xây dựng định hình thương hiệu khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư là khu bảo tồn sinh thái đất ngập nước tốt nhất đồng bằng sông Cửu Long. Gắn các hoạt động du lịch với công tác giáo dục về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
2.2. Mục tiêu cụ thể
* Đến năm 2020:
Về lược khách: Du lịch Trà Sư phấn đấu vào năm 2020 đạt 182.500 lượt khách (khách lưu trú ngoài khu vực khu bảo vệ cảnh quan (hình thức homestay) là 1.200 lượt khách). Đến năm 2025, thu hút 292.000 lượt khách tham quan (khách lưu trú ước đạt 10.500 lượt khách; khách lưu trú ngoài khu vực khu bảo vệ cảnh quan (hình thức homestay) là 3.800 lượt khách).
Về tổng doanh thu xã hội: Doanh thu từ du lịch vào năm 2020 dự kiến đạt khoảng 18.250 triệu đồng. Năm 2025, tổng doanh thu xã hội từ du lịch đạt khoảng 40.880 triệu đồng.
* Định hướng đến năm 2030:
Về lược khách: Đến năm 2030, lượng khách đến tham quan du lịch ước đạt 365.000 lượt người (khách lưu trú sẽ tăng lên 18.250 lượt khách, khách lưu trú ngoài khu vực khu bảo vệ cảnh quan (hình thức homestay) là 7.500 lượt khách).
Về tổng doanh thu xã hội: Tổng doanh thu xã hội từ du lịch dự kiến đạt khoảng 73.000 triệu đồng.
3.1. Phát triển đồng thời thị trường khách du lịch nội địa và thị trường khách du lịch quốc tế
Thị trường khách du lịch nội địa: Phát triển thị trường khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, chú trọng thị trường khách du lịch với mục đích tìm hiểu đời sống rừng tràm Trà Sư, lễ hội, văn hóa - tâm linh, nghỉ dưỡng tại rừng tràm Trà Sư; đồng thời khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường khách du lịch theo chuyên đề và du lịch vui chơi giải trí.
Thị trường khách du lịch quốc tế: Phát triển thị trường khách du lịch quốc tế, chú trọng thị trường khách du lịch đến từ Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Singapore đối với các sản phẩm du lịch đặc thù, trải nghiệm đời sống rừng tràm Trà Sư, hệ sinh thái trong rừng tràm Trà Sư, tìm hiểu di sản văn hóa và các sản phẩm du lịch chính của Trà Sư. Đồng thời, tập trung khai thác các thị trường khác đối với các sản phẩm du lịch chính của Trà Sư.
3.2 Định hướng tour, tuyến kết nối du lịch giữa Trà Sư với các khu vực lân cận
Tuyến theo đường hàng không: Từ sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và sân bay thành phố Cần Thơ.
Tuyến theo đường bộ: Theo hệ thống các quốc lộ lớn nối thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Châu Đốc - PhnomPenh. Kết hợp tour du lịch đường sông, kết nối vận chuyển khách từ Châu Đốc vào thăm quan Trà Sư.
Tuyến theo đường sông: Hành trình thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Châu Đốc - PhnomPenh. Kết hợp tour du lịch đường sông, kết nối vận chuyển khách từ Châu Đốc vào tham quan Trà Sư.
Các tuyến du lịch chuyên đề: Về nguồn tìm hiểu văn hóa dân tộc Khmer; khám phá sinh thái núi, rừng; làng nghề; cộng đồng và nông nghiệp, nông thôn; lễ hội, tâm linh.
3.3. Định hướng xây dựng và tổ chức các hoạt động dành cho du khách tham quan và trải nghiệm khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư và vùng phụ cận
* Vùng bên trong khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư:
Phát triển loại hình du lịch tham quan như: Hoạt động Trekking rừng; ngắm chim, thú; tham quan nhà trưng bày động thực vật dưới tán rừng; thưởng thức các bộ phim 3D về thiên nhiên và động vật hoang dã; tham quan trải nghiệm, tìm hiểu cách trích xuất tinh dầu tràm; tham quan trại nuôi mật ong dưới tán rừng; tham quan và mua sắm các sản phẩm mỹ nghệ từ tràm; cà phê sách - thư viện sinh thái và quầy hàng lưu niệm.
Phát triển loại hình du lịch thể thao như: Bơi xuồng ba lá khám phá rừng tràm theo sơ đồ tuyến; khám phá rừng tràm bằng xe đạp đơn và xe đạp đôi.
Phát triển loại hình du lịch trải nghiệm như: Tham gia trồng rừng lưu niệm với Ban quản lý; tham gia thu hoạch các sản vật từ rừng; trải nghiệm ngủ tại rừng và tham gia các trò chơi dân gian tại khu Camping; trải nghiệm nghĩ dưỡng đẳng cấp tại các Bungalow mở, sinh thái dưới tán rừng; trải nghiệm Spa chăm sóc sức khỏe tại Trà Sư Spa.
Phát triển loại hình du lịch văn hóa như: Thưởng thức ẩm thực đặc trưng của rừng tràm tại Làng ẩm thực Trà Sư; thưởng thức nghệ thuật âm nhạc truyền thống Khmer.
* Vùng phụ cận bên ngoài rừng tràm Trà Sư:
Đi thuyền khám phá kênh rạch và cuộc sống của người dân vùng lân cận; hoạt động trải nghiệm mùa nước nổi: giăng lưới, giăng câu, soi ếch, bắt nhái, hái bông điên điển, dỡ chà bắt cá theo kênh,...; tham gia trồng và thu hoạch lúa với người dân địa phương; tham gia trải nghiệm chế biến các loại bánh từ đường thốt nốt với hộ gia đình sống tại địa phương; trải nghiệm tham quan bằng xe ngựa các địa điểm di tích và làng nghề dệt, làng nghề làm đường thốt nốt của cộng đồng người Khmer địa phương; nghỉ homestay tại nhà dân, khám phá cuộc sống của cư dân bản địa.
3.4. Định hướng các phân khu chức năng:
* Khu vực bên trong khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư:
Phân khu dịch vụ hành chính: Tổng diện tích hiện tại: 159 ha. Vị trí bao gồm giới hạn bởi kênh Trà Sư ở hướng Tây, kênh Tha La ở hướng Đông, kênh đào và kênh khoảnh số 2 ở hướng Bắc, kênh đê bao ngạn Nam ở hướng Nam. Chức năng cung cấp địa bàn cho các hoạt động dịch vụ du lịch, nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân và du khách.
Phân Khu bảo vệ nghiêm ngặt: Tổng diện tích của các khoảnh này là 441 ha, có chức năng: Bảo vệ và tái tạo những cảnh quan tiêu biểu của vùng đồng bằng ngập lũ; bảo tồn các quần xã thực vật, bảo vệ khu làm tổ, cư trú và nơi kiếm ăn của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim nước và các loài dơi; tạo nơi cư trú thích hợp cho các loài thủy sản và cung cấp nguồn giống thủy sản tự nhiên cho những vùng lân cận; cung cấp địa bàn du lịch sinh thái giáo dục bảo vệ môi trường.
Phân khu phục hồi hệ sinh thái: Tổng diện tích là 245 ha, có chức năng: Cung cấp nơi cư trú phụ cho các loài động vật ở vùng lõi; nghiên cứu, khôi phục cảnh quan thiên nhiên của hệ sinh thái đất ngập nước.
* Khu vực bên ngoài rừng tràm Trà Sư:
Bãi xe Trà Sư kết hợp khu bán đặc sản địa phương: Diện tích 5.000 m2. Vị trí cuối đường 30/4.
Bến xuồng dành cho khách tham quan và trải nghiệm cuộc sống đồng ruộng, sông nước.
Các nhà nghỉ dạng homestay; các khách sạn mini, nhà nghỉ tư nhân.
Bến xe ngựa, xe Bus chở khách tham quan các điểm di tích, công trình tôn giáo, làng nghề tại xã Văn Giáo.
3.5. Định hướng công tác quảng bá, xúc tiến và xây dựng thương hiệu, hình ảnh về du lịch rừng tràm Trà Sư
Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch sinh thái, tạo nhận thức về Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư thân thiện với môi trường, với tài nguyên động thực vật phong phú cùng với các dịch vụ tiện nghi, vui chơi giải trí hấp dẫn và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, hiếu khách.
Đa dạng các kênh quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận với thông tin điểm đến du lịch rừng tràm Trà Sư. Đẩy mạnh quảng bá du lịch rừng tràm Trà Sư tại các thị trường du lịch trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ... Ngoài ra, cần đẩy mạnh cung cấp thông tin du lịch rừng tràm Trà Sư tại thành phố Châu Đốc, vì qua thực tế nhiều khách quốc tế đến Trà Sư phản ánh rằng thông tin du lịch về rừng tràm Trà Sư còn rất hạn chế, nhất là ở Châu Đốc.
Xây dựng hệ thống nhận dạng thương hiệu du lịch rừng tràm Trà Sư: Logo, slogan (khẩu hiệu du lịch) đảm bảo tính thẩm mỹ, khoa học và thu hút.
3.6. Định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch
Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch rừng tràm Trà Sư cần đặc biệt chú trọng đến hạ tầng giao thông vì nói về hoạt động du lịch là nhắc đến những chuyến đi và giao thông là huyết mạch kết nối du khách với điểm đến.
Nâng cấp khu vực bãi xe hiện có thành trung tâm dừng chân và bán các mặt hàng lưu niệm, các dịch vụ ăn uống phục vụ khách tham quan. Tập trung nghiên cứu vấn đề nước sạch vào phục vụ hoạt động du lịch trong rừng tràm cũng như vấn đề xử lý rác thải. Bên cạnh đó, cần nâng cấp các bến tàu, bến xuồng và nhà chờ trong khu vực rừng tràm Trà Sư theo hướng tận dụng các vật liệu tự nhiên, thiết kế hài hòa, thu hút.
3.7. Định hướng phát triển du lịch bền vững
Phát triển du lịch sinh thái bền vững chú trọng đến các yếu tố ít gây ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên của khu bảo tồn thiên nhiên; thu hút sự tham gia của các cá nhân, cộng đồng, khách du lịch sinh thái, các nhà điều hành tour và các cơ quan chính quyền.
Hàng năm tổ chức các chương trình thông tin tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên rừng đối với các địa phương lân cận khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư và toàn huyện Tịnh Biên.
3.8. Định hướng giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình phát triển du lịch tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư:
Từng bước thay thế phương tiện vận chuyển du khách theo hướng thân thiện với môi trường như xe điện, xe ngựa, xuồng chèo, tàu chạy bằng năng lượng sạch, năng lượng mặt trời,... Thay thế dần các phương tiện vận chuyển du khách gây tiếng ồn lớn, tiêu hao nhiên liệu và phát sinh khí thải gây ô nhiễm như hiện nay.
Ưu tiên sử dụng điện lưới, năng lượng mặt trời, trong trường hợp sử dụng máy phát điện dự phòng phải chọn lựa loại ít tiếng ồn và khí thải, nhiên liệu sử dụng dầu DO có hàm lượng khí thải lưu huỳnh nhỏ hơn 1%.
Xây dựng bể chứa nước thải sinh hoạt, thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường. Bố trí các điểm thu gom hợp lý, tiện lợi nhằm thu gom và xử lý triệt để rác thải, phân loại chất thải khi xử lý.
Tổ chức thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường đối với cán bộ, nhân viên và người dân tham gia hoạt động du lịch tại khu bảo vệ cảnh quan.
4. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:
4.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách
Thực hiện chính sách xã hội hóa du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động du lịch. Mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn, có đủ tiềm năng và nguồn lực đầu tư vào các dự án cơ sở vật chất lớn, đồng bộ nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của khu bảo vệ cảnh quan, tránh những dự án manh mún, nhỏ lẻ không tạo được bản sắc, hình ảnh và bức tranh phát triển chuyên nghiệp chung của Trà Sư.
Khuyến khích xã hội hóa trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan và duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ, sinh kế miệt vườn và làng nghề thủ công… Đồng thời, có chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn du lịch về công tác tại rừng tràm Trà Sư. Trong đó, hướng đến con em địa phương tốt nghiệp các các chuyên ngành văn hóa du lịch, môi trường.
4.2. Giải pháp về mô hình tổ chức khai thác và quản lý du lịch
Quy hoạch đề xuất thành lập Trung tâm Du lịch sinh thái Trà Sư (Tra Su Eco-tourism Center). Trụ sở đặt tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Trung tâm do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp tự chủ về tài chính, trực thuộc và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, có chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện việc quản lý, tổ chức và phát triển các hoạt động về du lịch sinh thái và giáo dục môi trường trong Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư.
4.3. Giải pháp về vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch
Nguồn vốn ngân sách nhà nước: Tập trung vào phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho cán bộ quản lý và người dân địa phương xung quanh.
Nguồn thu từ hoạt động du lịch: Ưu tiên sử dụng đầu tư theo quy định của pháp luật cho công tác bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái do tác động từ hoạt động du lịch; ưu tiên cho các hoạt động xây dựng hạ tầng cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt, trang bị đủ phương tiện và thuận lợi để du khách bỏ rác; tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường, giáo dục môi trường.
Nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh: Mời gọi các nhà đầu tư rót vốn vào Trà Sư, hàng năm tỉnh cần tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội,... với những chính sách ưu đãi đặc biệt về đất đai, thuế cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cần tranh thủ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn ODA, vốn viện trợ của các tổ chức nước ngoài cho các dự án phát triển hạ tầng, bảo tồn đa dạng tài nguyên, môi trường ở các khu bảo vệ cảnh quan và dự án hỗ trợ cộng đồng làm du lịch như dự án của Hội nông dân An Giang đã thực hiện tại huyện Tịnh Biên thông qua viện trợ của Hội nông dân Hà Lan,…
4.4. Giải pháp về xúc tiến quảng bá, liên kết du lịch hướng đến các thị trường trọng điểm
Đầu tư xây dựng một Clip quảng cáo (TVC) chuyên nghiệp, ấn tượng hướng đến nhóm đối tượng du khách trẻ, thích khám phá và trải nghiệm thiên nhiên hoang sơ. Đầu tư thiết kế ấn phẩm quảng bá offline sống động, ấn tượng và chuyên nghiệp: bản đồ du lịch dành cho khách tham quan (Tourist Map), cẩm nang về đa dạng sinh học các loài động thực vật của Trà Sư. Trước hết là nhắm đến các công ty lữ hành và thị trường trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Các ấn phẩm này cần được quảng bá tại các công ty du lịch, các hội chợ và sự kiện du lịch như Hội chợ du lịch quốc tế ITE, Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long,...
Tổ chức Farmtrip cho các công ty lữ hành, các phóng viên, nhà báo, những người nổi tiếng trên các diễn đàn mạng xã hội du lịch đến trải nghiệm, viết cảm nhận về khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Đa dạng các kênh quảng bá trong đó có các chương trình truyền hình về văn hóa du lịch của HTV và VTV (đối với thị trường khách nội địa), quảng bá bằng các video clip trên youtube, chiến dịch quảng bá bằng chia sẻ và cảm nhận trên Facebook, Twitter, Tripadvisor, Lonely Planet để hướng vào thị trường khách quốc tế.
4.5. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại địa phương. Trong đó, chọn lọc đào tạo các cán bộ và những người dân có tâm huyết tham gia hoạt động du lịch thành lực lượng nòng cốt trong các phát triển du lịch tại khu bảo vệ cảnh quan. Tổ chức các chuyến thực tế cho cán bộ và nhân viên tại rừng tràm Trà Sư đến học tập kinh nghiệm về du lịch sinh thái ở các tỉnh khác trong nước và ở nước ngoài. Tăng cường mở các lớp tập huấn về hoạt động homestay, trang bị cho các hộ kinh doanh lưu trú và ăn uống những kỹ năng về đầu tư sắp xếp cơ sở, quy trình tiếp đón, phục vụ khách. Ưu tiên trong việc thành lập tổ hướng dẫn viên tại điểm, thuyết minh giới thiệu phục vụ khách tham quan. Trong đó, có cả thuyết minh viên tiếng Việt và tiếng Anh.
4.6. Giải pháp về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững
Tăng cường tuyên truyền cho du khách bằng nhiều hình thức về ý thức bảo tồn thiên nhiên tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư như vai trò của rừng, mức cảnh báo về nguy cơ tuyệt chủng của các loài chim quý hiếm ở khu vực rừng tràm và liên tưởng đến các vấn đề môi trường cấp thiết mà thế giới đang phải đối mặt. Tổ chức các hoạt động giúp cho du khách góp phần vào công tác bảo vệ môi trường tại rừng tràm Trà Sư như cho khách tham gia trồng cây lưu niệm. Phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn sinh thái và văn hóa, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù đi liền với kiểm soát chất lượng dịch vụ hướng đến sự hài lòng của du khách và lợi ích cộng đồng địa phương.
4.7. Giải pháp về ứng phó biến đổi khí hậu và phòng cháy, chữa cháy rừng
Xác định vùng trọng điểm có khả năng xảy ra cháy cao, thường ở khu vực tiếp giáp với đất canh tác nông nghiệp của người dân. Xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm. Phối hợp với chính quyền các xã vùng đệm tuyên truyền cho người dân về Luật bảo vệ rừng và các quy định của Nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ký cam kết về bảo vệ rừng với tất cả các hộ dân sống xung quanh khu bảo vệ cảnh quan. Tuyên truyền và bắt buộc du khách khi vào tham quan phải tuân thủ các quy tắc về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thành lập Ban chỉ huy và các tổ phòng cháy chữa cháy gồm Trạm Kiểm lâm Trà Sư và chính quyền các xã xung quanh khu bảo vệ cảnh quan. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy phải chuyên nghiệp, hiệu quả, phản ứng nhanh. Trạm Kiểm lâm thường xuyên thu thập thông tin, xử lý báo cáo kịp thời cho các cấp có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô.
5. Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư (Phụ lục kèm theo)
Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch
1. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân huyện Tịnh Biên, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến ban hành các chủ trương, chính sách quản lý phát triển du lịch tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và chính quyền địa phương, tiến hành tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch để sớm công bố và phổ biến quy hoạch. Đồng thời, tổ chức xây dựng các chương trình, đề án, dự án ưu tiên đầu tư nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trong quy hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng các công trình dự án đầu tư phát triển du lịch tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư trình Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt. Đồng thời, hướng dẫn thủ tục đăng kí đầu tư kinh doanh du lịch, có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đầu tư cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ du lịch Trà Sư.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư cho các dự án hạ tầng kỹ thuật và chương trình phát triển du lịch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư.
4. Sở Xây dựng: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan tham gia ý kiến ngành về các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư theo nội dung quy hoạch.
5. Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư và Sở Tài chính ghi vốn để thực hiện duy tu, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh theo quy hoạch được phê duyệt để phục vụ phát triển du lịch tại khu bảo vệ cảnh quan.
6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị được giao trực tiếp quản lý khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư với trách nhiệm cao nhất là bảo vệ và phát triển rừng. Chi cục sẽ là đơn vị giữ vai trò nồng cốt trong việc tham gia vào các đề án, chương trình phát triển du lịch tại khu bảo vệ cảnh quan trong thời gian tới, đặc biệt là công tác xét chọn, giám sát việc thực hiện và tổ chức thực hiện các dự án du lịch.
7. Ủy ban nhân dân huyện Tịnh Biên và chính quyền các xã lân cận khu bảo vệ cảnh quan: Tham gia công tác xét chọn, giám sát thực hiện các dự án phát triển du lịch tại khu bảo vệ cảnh quan và vùng phụ cận. Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch tại địa bàn quản lý. Đề xuất các chương trình tuyên truyền giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch và bảo vệ tài nguyên rừng. Thực hiện công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ tại các khu, điểm, tuyến du lịch ở vùng đệm.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban ngành có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tịnh Biên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ THỜI KỲ 2025 - 2030 CỦA RỪNG TRÀM TRÀ SƯ
(Kèm theo Quyết định số 2130/QĐ-UBND ngày 13 tháng 7 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
TT |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ |
1 |
Bãi xe ô tô dành cho đoàn khách du lịch |
2 |
Nâng cấp tuyến đường bờ bao vòng quanh khu bảo vệ cảnh quan |
3 |
Xây dựng cầu tàu mới có hệ thống máy che, cầu dẫn cho người khuyết tật |
4 |
Cổng chào mang nét đặc trưng của Trà Sư |
5 |
Nâng cấp nhà quản lý - điều hành - trang thiết bị làm việc |
6 |
Nhà đón tiếp khách và thuyết minh ban đầu về khu bảo vệ cảnh quan |
7 |
Khu trưng bày tiêu bản động thực vật tiêu biểu của khu bảo vệ cảnh quan |
8 |
Mua sắm và thay mới đội tàu vận chuyển khách |
9 |
Các tuyến đi bộ khám phá xuyên rừng (forest trekking route) |
10 |
Khu vui chơi thể thao ngoài trời |
11 |
Các nhà ngắm chim, thú (bird and wild life watching house) |
12 |
Làng ẩm thực Trà Sư |
13 |
Khu trích xuất trưng bày, buôn bán giới thiệu về tinh dầu tràm Trà Sư |
14 |
Khu nuôi, buôn bán giới thiệu về ong mật và các sản phẩm từ ong mật |
15 |
Nhà chế tác và trưng bày các sản phẩm mỹ nghệ, lưu niệm từ gỗ tràm gió |
16 |
Khu chiếu phim 3D về môi trường và cuộc sống hoang dã |
17 |
Thư viện - cà phê sách sinh thái |
18 |
Khu sân khấu ngoài trời biểu diễn xiếc thú (khỉ, vẹt, trăn,...) |
19 |
Khu sân khấu có máy vòm dành cho các chương trình nghệ thuật (âm nhạc Khmer và đàn ca tài tử) |
20 |
Khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp kết hợp Spa trị liệu (Trà Sư Lodge) |
21 |
Mua sắm xe điện vận chuyển khách đến các điểm tham quan, vui chơi giải trí |
22 |
Xây dựng Logo, slogan, website riêng cho từng thị trường để quảng bá về khu bảo vệ cảnh quan |
23 |
Chương trình Farmtrip, quảng bá xúc tiến hàng năm về du lịch Trà Sư |
24 |
Biên soạn các ấn bản, bản đồ, sơ đồ chỉ dẫn về khu bảo vệ cảnh quan |
25 |
Chương trình nâng cao năng lực về quản trị điểm đến cho cán bộ quản lý (capacity building), gồm các lớp học nghiệp vụ quản lý và ngoại ngữ hằng năm. |
26 |
Chương trình quan trắc, nghiên cứu đánh giá tác động môi trường hằng năm và triển khai ứng dụng công nghệ GIS vào công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư |
27 |
Hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải |
28 |
Chương trình nâng cao năng lực cộng đồng địa phương tham gia phát triển du lịch (các lớp huấn luyện nghiệp vụ giao tiếp, ăn uống, lưu trú,...) |
29 |
Chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư |
* Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.
Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 11/01/2008 | Cập nhật: 17/01/2008
Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 07/09/2006 | Cập nhật: 16/09/2006