Quyết định 212/QĐ-UB năm 1977 ban hành bản Quy định tạm thời về vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của ngành Thương binh và Xã hội thành phố của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu: | 212/QĐ-UB | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Vũ Đình Liệu |
Ngày ban hành: | 16/03/1977 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 212/QĐ-UB |
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 3 năm 1977 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ nghị định số 01/NĐ-74 ngày 12-9-1974 của Hội đồng Chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy chánh quyền các cấp ;
- Căn cứ quyết định số 03/QĐ ngày 20-1-1976 của Hội đồng Chánh phủ về việc thành lập và bổ nhiệm Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ;
- Căn cứ nghị định số 21/-CP ngày 23-11-1971 của Hội đồng Chánh phủ và thông tư số 02/NV ngày 3-12-1972 của Bộ Nội vụ (nay Bộ Thương binh và xã hội) về việc sửa đổi hệ thống tổ chức quản lý công tác thương binh và xã hội ở địa phương ;
- Theo đề nghị của các đồng chí Giám đốc Sở Thương binh xã hội và Trưởng Ban Tổ chức chánh quyền Thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. - Nay ban hành kèm theo quyết định này Bản Quy định tạm thời về vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Sở Thương binh và xã hội Thành phố, Phòng thương binh và xã hội quận, huyện, Ban Thương binh và xã hội phường, xã.
Điều 2. - Sở Thương binh và xã hội Thành phố, Phòng thương binh và xã hội quận, huyện, Ban Thương binh và xã hội phường, xã có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn cho cán bộ, công nhân , nhân viên cấp mình quán triệt và nghiêm chỉnh chấp hành ; phổ biến cho các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng trong địa phương phối hợp thực hiện.
Điều 3. - Các đồng chí Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân, Trưởng Ban tổ chức chánh quyền, Giám đốc Sở Thương binh và xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã, Trưởng phòng Thương binh và xã hội quận, huyện, Trưởng ban Thương binh và xã hội phường, xã và thủ trưởng các ngành, các cấp, các đoàn thể hữu quan theo trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
VỀ VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA PHÒNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẬN, HUYỆN
(Ban hành kèm theo quyết định số 212/QĐ-UB-TC ngày 16-3-1977 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)
Công tác thương binh và xã hội ở quận, huyện, dần dần ngày càng nhiều, phức tạp, khối lượng công tác ngày càng lớn lại mang ý nghĩa chính trị rất quan trọng trong quần chúng, trong các tổ chức cơ quan đoàn thể trong quận, huyện.
Để Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện tham mưu đắc lực cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, lãnh đạo công tác thương binh và xã hội, giúp Sở Thương binh và xã hội quản lý chặt chẽ các đối tượng và chỉ đạo tốt các cuộc vận động thực hiện chính sách, chế độ đối với các đối tượng thương binh và xã hội trong quận, huyện. Để đi vào nề nếp và kịp đáp ứng yêu cầu của công việc, nay quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động, các mối quan hệ của Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện.
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA PHÒNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẬN, HUYỆN
Điều 1.- Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân quận, huyện và Sở Thương binh và xã hội quản lý các mặt công tác thương binh và xã hội trong phạm vi toàn quận, huyện.
Điều 2.- Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện có nhiệm vụ và quyền hạn :
1. Căn cứ vào chủ trương, biện pháp của Ủy ban nhân dân quận, huyện chương trình kế hoạch công tác của Sở Thương binh và xã hội, từng thời gian xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Phòng.
2. Chỉ đạo Ban Thương binh và xã hội các phường, xã, xác định đúng và kịp thời các đối tượng thương binh và xã hội ; thống kê, lập hồ sơ, sổ sách quản lý tốt các đối tượng. Cấp phát các khoản trợ cấp đã được quy định cho các đối tượng thương binh và xã hội.
3. Chủ động cùng các ngành, các cấp, các giới trong quận, huyện, hướng dẫn giúp đỡ và kiểm tra đôn đốc các phường, xã thực hiện chăm sóc đời sống, sắp xếp công ăn việc làm, tổ chức sản xuất cho các đối tượng thương binh và xã hội.
Chỉ đạo việc chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu là con các đối tượng nhất là các cháu con liệt sĩ, mồ côi cả cha mẹ.
4. Tổ chức và hướng dẫn việc quy tập, xây dựng, tu bổ và bảo quản các nghĩa trang liệt sĩ và đài liệt sĩ.
5. Tổ chức và hướng dẫn việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng thương binh và xã hội trong các ngành, các cấp, các giới quán triệt và chấp hành tốt.
6. Lập dự toán thu, chi các loại kinh phí về thương binh và xã hội của quận, huyện, tổ chức thực hiện và chỉ đạo các Ban Thương binh và xã hội phường, xã thực hiện dự toán đó trong phạm vi địa phương ;
7. Xây dựng củng cố và kiện toàn Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện, các Ban Thương binh và xã hội phường, xã theo đúng quy định của Nhà nước và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên.
Theo dõi và nắm chắc đội ngũ cán bộ chuyên trách của Ban Thương binh và xã hội phường, xã, thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đó.
Điều 3.- Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện phân công chức trách cho từng cán bộ theo nguyên tắc thủ trưởng, vừa phụ trách chuyên đề, vừa chỉ đạo toàn diện công tác thương binh và xã hội, đồng thời phân công theo dõi chỉ đạo một số Ban Thương binh và xã hội phường, xã, việc phân công cụ thể như sau :
1) Trưởng phòng (là ủy viên Ủy ban nhân dân Quận, Huyện) :
- Phụ trách chung, căn cứ chủ trương của Ủy ban nhân dân quận, huyện và kế hoạch công tác của Sở Thương binh và xã hội mà đề ra phương hướng nhiệm vụ, lập chương trình kế hoạch của Phòng, trình Ủy ban nhân dân duyệt và chỉ đạo thực hiện ; tổng hợp tình hình, sơ kết và tổng kết và làm báo cáo lên cấp trên.
- Tuyên truyền phổ biến chính sách, chế độ đối với các đối tượng thương binh và xã hội cho cán bộ các ngành, các cấp và nhân dân quán triệt ; lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị cho các đối tượng thương binh và xã hội.
- Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, cho cán bộ Phòng quận và Ban phường, xã cải tiến lề lối làm việc.
- Theo dõi và đề nghị khen thưởng những đơn vị phường, xã và cá nhân có nhiều thành tích chấp hành tốt công tác thương binh và xã hội.
- Trực tiếp chỉ đạo toàn diện và làm chủ tài khoản của Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện.
2) Phó phòng kiêm nhiệm (là quận đội phó hoặc chính trị viên phó quận, huyện đội cử sang) :
- Giúp trưởng phòng phụ trách một số mặt công tác của Phòng và giúp trưởng phòng chỉ đạo khối công tác thương binh, liệt sĩ, gia đình quân nhân, quân nhân chuyển ngành, phục viên, người và gi đình có công với cách mạng.
- Quan hệ chặt chẽ giữa Phòng Thương binh và xã hội với Ban Chỉ huy quân sự quận, huyện để phối hợp công tác và giải quyết những việc tồn tại hoặc đột xuất của các đối tượng thương binh, liệt sĩ, quân nhân chuyển ngành, phục viên.
3) Phó phòng chuyên trách :
- Giúp trưởng phòng phụ trách chung các mặt công tác của phòng và thay mặt trưởng phòng khi trưởng phòng đi vắng.
- Chỉ đạo toàn diện các mặt công tác an toàn xã hội và công tác tài vụ theo sự phân công và ủy quyền của trưởng phòng.
- Chuyên trách công tác hưu trí, mất sức, tuất, tổ chức và hướng dẫn lập hồ sơ, thống kê số liệu, nắm tình hình di biến động và chăm lo đời sống các đối tượng trên.
- Cùng trưởng phòng trực tiếp chỉ đạo và xây dựng điển hình một phường, xã làm tốt công tác thương binh và xã hội.
4) Cán bộ chuyên trách công tác liệt sĩ :
- Tổ chức và hướng dẫn ban Thương binh và xã hội phường, xã xác định lập hồ sơ, sổ sách, thống kê liệt sĩ và gia đình liệt sĩ thống nhất từ trên xuống dưới, nắm chắc tình hình số liệu.
- Chuyên trách công tác báo tử theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp trên, nắm di biến động và giải quyết kịp thời những lầm lẫn, sai sót.
- Tổ chức và hướng dẫn việc quy tập, xây dựng tu bổ và bảo quản các nghĩa trang liệt sĩ và đài liệt sĩ.
- Nghiên cứu đề ra các biện pháp và hướng dẫn việc chăm sóc đời sống các gia đình liệt sĩ, chăm sóc nuôi dưỡng và bảo đảm việc học hành cho các con liệt sĩ.
5) Cán bộ chuyên trách công tác thương binh, bệnh binh, quân nhân chuyển ngành, phục viên, gia đình quân nhân, người và gia đình có công với cách mạng (gọi tắt là đối tượng thương binh) :
-Tổ chức và hướng dẫn Ban Thương binh và xã hội phường, xã xác định lập hồ sơ, sổ sách, thống kê các đối tượng thương binh, bệnh binh, quân nhân chuyển ngành, phục viên, gia đình quân nhân, người và gia đình có công với cách mạng thống nhất từ trên xuống dưới, nắm chắc tình hình số liệu.
- Theo dõi di biến động và kịp thời giải quyêt những lầm lẫn, sai sót.
- Đề ra các biện pháp, tổ chức và hướng dẫn việc chăm sóc đời sống và giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng cho các đối tượng thương binh.
6/ Cán bộ chuyên trách công tác hưu trí, mất sức, tuất :
- Tổ chức và hướng dẫn việc lập hồ sơ, sổ sách, thống kê nắm chắc về tình hình và số liệu đối tượng hưu trí, mất sức, tuất, thống nhất từ trên xuống dưới.
- Tổ chức khám lại sức khỏe cho những người mất sức và có kế hoạch giải quyết theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.
- Theo dõi nắm tình hình đời sống của những người hưu trí, mất sức lao động, các gia đình đuợc hưởng tiền tuất, để có biện pháp chỉ đạo chăm sóc đời sống kịp thời.
7/ Cán bộ chuyên trách công tác an toàn xã hội :
- Tổ chức và hướng dẫn việc lập hồ sơ, sổ sách, thống kê, nắm chắc tình hình, số liệu, nhất là khi có tình hình đột xuất của các đối tượng an toàn xã hội.
- Nắm tình hình đời sống những người già cả, tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa ; những người bị thiên tai, thương phế binh địch bị đời sống khó khăn ; những người lang thang nghiện hút (xì ke)… Đề ra biện pháp và tổ chức, hướng dẫn giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, nuôi dưỡng hoặc giúp đỡ đời sống các đối tượng đó.
- Tổ chức và hướng dẫn việc cứu tế thường xưyên và đột xuất, kiểm tra chặt chẽ và thực hiện tốt quy định tiêu chuẩn của Nhà nước.
8/ Cán bộ chuyên trách công tác kế toán tài vụ :
- Làm nhiệm vụ kế toán truởng theo chức năng, quyền hạn đã quy định trong điều lệ kế toán Nhà nước (cán bộ kế toán không được kiêm thủ quỹ và chủ tài khoản của Phòng).
- Mở sổ sách, thống kê tình hình, danh sách các đối tượng hưởng trợ cấp thương binh và xã hội thường xuyên, phát hiện những biến đổi, phản ánh với cấp trên kịp thời.
- Lập danh sách trợ cấp thường xuyên, nhận kinh phí và phân phối kinh phí đó cho các Ban Thương binh và xã hội phường, xã, trả trợ cấp cho các đối tượng theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên.
- Tập hợp các bản danh sách có chữ ký của các đối tượng đã nhận trợ cấp, kiểm tra phát hiện những khoản trả thừa, thiếu và bổ khuyết kịp thời những sai sót lầm lẫn.
- Thực hiên thanh quyết toán chính xác, đúng mẫu kiểu và đúng thời hạn đã quy định của cấp trên.
- Hướng dẫn nghiệp vụ cấp phát và định kỳ kiểm tra các Ban Thương binh và xã hội phường, xã thi hành nghiêm chỉnh nguyên tắc, chế độ cấp phát và quản lý tài chánh.
- Tổ chức bảo quản các tài liệu kế toán theo chế độ Nhà nước.
9/ Cán bộ chuyên trách công tác thủ quỹ, quản lý kho và tài sản của Phòng :
- Làm thủ quỹ của Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện theo quy định của Nhà nước trong điều kiện tài vụ (trách nhiệm về tiền mặt bằng phiếu thu, chi do kế toán lập và chủ tài khoản thông qua).
- Phụ trách quản lý kho tài sản, nguyên vật liệu của Phòng và của cơ quan cấp trên giao về.
10/ Cán bộ chuyên trách thống kê số liệu cơ bản, tổng hợp, thường trực và hành chánh :
- Tổ chức và hướng dẫn Ban thương binh và xã hội phường, xã và các ngành thống kê báo cáo số liệu cơ bản của các đối tượng do ngành quản lý. Trên cơ sở đó tổng hợp thành số liệu cơ bản của quận.
- Tiếp các đối tượng thương binh và xã hội có việc đến gặp Phòng. Nếu công việc thuộc Ban Thương binh và xã hội phường, xã hoặc cấp trên thì hướng dẫn cho đối tượng đến đó giải quyêt. Nhận đơn từ, tiếp phát công văn và phụ trách các công việc ăn ở, tiếp khách, chỗ làm việc cho cán bộ của Phòng quận, huyện.
- Làm báo cáo thường kỳ và bất thường gởi lên Ủy ban và Sở.
Lưu ý :
+ Trường hợp biên chế có 9 người thì cán bộ thứ 9 kiêm cả công việc của cán bộ thứ 10.
+ Trường hợp biên chế có 8 người thì cán bộ thứ 9 kiêm nhiệm như trên và đồng chí Phó phòng chuyên trách kiêm nhiệm cả công việc của cán bộ thứ 6.
+Truờng hợp biên chế có 7 người thì sự kiêm nhiệm như trên và đồng chí cán bộ thứ tư kiêm nhiệm cả phần công viêc của cán bộ thứ 5.
CÁC MỐI QUAN HỆ CỦA PHÒNG THƯƠNG BINHVÀ XÃ HỘI QUẬN HUYỆN
Điều 4.- Phòng Thương binh và xã hội chịu sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Ủy ban nhân dân và sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Thương binh và xã hội và nghiêm chỉnh chấp hành chế độ báo cáo thỉnh thị theo quy định.
Điều 5.- Phòng thương binh và xã hội quận, huyện quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa và cộng đồng trách nhiệm với các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng nhân dân trong quận, huyện về việc thực hiện các chủ trương chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng thương binh và xã hội. Để thực hiện tốt mối quan hệ này, phòng Thương binh và xã hội chủ động đề ra kế hoạch phối hợp, nhất là các ngành, các cấp, các đoàn thể có nhiều liên quan để cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Điều 6.- Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ ý kiến với Ủy ban nhân dân phường, xã để lãnh đạo Ban Thương binh và xã hội phưòng, xã thực hiện tốt các mặt công tác thương binh và xã hội trong địa phương.
Điều 7.- Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện trực tiếp chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với các Ban Thương binh và xã hội phường, xã.
Điều 8.- Trưởng phòng, Phó trưởng phòng với cán bộ, nhân viên trong phòng là mối quan hệ chỉ đạo và chịu sự chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt công tác của phòng.
Giữa cán bộ, nhân viên trong phòng có mối quan hệ hợp tác xã hội chủ nghĩa và cùng cộng đồng chịu trách nhiệm chung, nhằm giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ của phòng và chức trách của từng người.
Điều 9.- Trưởng phòng chịu trách nhiệm xây dựng chế độ làm việc của Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện.
Điều 10.- Trưởng Phòng Thương binh và xã hội có trách nhiệm tổ chức học tập bản quy định tạm thời này rộng rãi trong các cán bộ, nhân viên của phòng và các Ban Thương binh và xã hội phường, xã để quán triệt và nghiêm chỉnh chấp hành, đồng thời phổ biến cho các ngành, các cấp hữu quan để phối hợp, kết hợp thực hiện.
Điều 11. Hội nghị thường kỳ phòng để kiểm điểm, sơ kết, tổng kết các mặt công tác của phòng, phải kết hợp kiểm điểm việc chấp hành bản quy định này và báo cáo kết quả lên cấp trên.
Điều 12.- Trong quá trình thực hiện, nếu thấy điểm nào trong bản quy định tạm thời cần cụ thể thêm cho thích hợp với đặc điểm của quận thì Trưởng phòng Thương binh và xã hội báo cáo với Ủy ban nhân dân quận, huyện và do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định.
VỀ VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI PHƯỜNG, XÃ (PHƯỜNG, XÃ, GỌI CHUNG LÀ XÃ)
(Ban hành kèm theo quyết định số 212/QĐ-UB-TC ngày 16-3-1977 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)
Công tác thương binh và xã hội ở xã ngày càng phát triển, khối lượng công tác dần dần rộng lớn.
Để Ban Thương binh và xã hội đủ sức giúp Đảng ủy và Ủy ban nhân dân xã trực tiếp tổ chức, vận động các ngành, các cấp, các đoàn thể trong xã chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng thuơng binh và xã hội trong xã thành phong trào thường xuyên, liên tục trong quần chúng nhân dân. Ban Thương binh và xã hội xã cần được quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức hoạt động của Ban để đi vào nề nếp.
VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI XÃ
Điều 1.- Ban Thương binh và xã hội xã là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân xã và Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện quản lý các mặt công tác thương binh và xã hội ở xã.
Điều 2.- Ban Thương binh và xã hội xã có nhiệm vụ, quyền hạn :
1. Căn cứ vào chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ và chương trình kế hoạch của ngành dọc cấp trên nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân xã quyết định những chủ trương, kế hoạch và biện pháp công tác thương binh và xã hội, đồng thời tổ chức tuyên truyền vận động các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng nhân dân trong xã chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng thương binh và xã hội thành phong trào thuờng xuyên, liên tục.
2. Theo sự hướng dẫn và chỉ đạo của cơ quan chuyên môn cấp trên, giíp cấp trên xác định đúng và kịp thời các đối tượng thương binh và xã hội trong xã ; lập danh sách thống kê, phân loại các đối tượng thương binh và xã hội ; xây dựng và bảo quản sổ sách nhằm tổ chức quản lý tốt các đối tượng thương binh và xã hội trong xã.
3. Cùng các ngành, các cấp, các đoàn thể và cơ sở sản xuất của quần chúng ở xã tổ chức việc chăm sóc đời sống, sắp xếp việc làm, tổ chức sản xuất nhằm ổn định đời sống, vững mạnh và lâu dài cho các đối tượng thương binh và xã hội, giáo dục và chăm sóc đời sống và học hành đối với các con là con của đối tượng thương binh và xã hội, nhất là con liệt sỉ, con quân nhân, con cán bộ cách mạng và cháu mồ côi cả cha, mẹ.
4. Nắm chắc tình hình tư tưởng, đời sống, nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của các đối tượng thương binh và xã hội các ngành, các cấp, các đoàn thể, thường xuyên tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng ; không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần tự hào dân tộc và ý chí tự lực tự cường.
5. Tổ chức, vận động các đoàn thể quần chúng nhân dân sưu tầm, quy tập, xây dựng và bảo quản nghĩa trang liệt sĩ, đài liệt sĩ (nếu có), cùng với ngành văn hóa thông tin xây dựng và quản lý nhà truyền thống và nhà bia liệt sĩ (nếu có).
6. Nhận và giúp Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện, tổ chức chỉ đạo việc trả các khoản phụ cấp theo danh sách cho các đối tượng thương binh và xã hội trong xã và báo cáo kết quả đó lên Phòng Thương binh và xã hội đúng quy định, kịp thời phát hiện và đề nghị lên cấp trên giải quyết những người được hưởng mà chưa được hưởng hoặc những người hưởng không đúng chính sách, chế độ.
7. Đề nghị lên cấp trên khen thưởng những đơn vị và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác thương binh và xã hội.
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BAN THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VÀ CHỨC TRÁCH CỦA TỪNG ỦY VIÊN BAN
Điều 3.- Cơ cấu tổ chức của Ban Thương binh và xã hội xã :
- Trưởng ban là Phó Chủ tịch hoặc Ủy viên Ủy ban nhân dân xã.
- Phó Trưởng ban kiêm nhiệm, là Phó trưởng ban hoặc Chính trị viên quân sự ở xã cử sang.
- Phó Trưởng ban chuyên trách (chọn trong số thương binh, bệnh binh, quân nhân xuất ngũ, gia đình liệt sĩ hoặc gia đình quân nhân ở xã..)
- Ủy viên là đại diện Ban Chấp hành Nông hội xã (hoặc hợp tác xã nông nghiệp).
- Ủy viên là đại diện của Ban Mặt trận xã.
- Ủy viên là đại diện của Ban Chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ xã.
- Ủy viên là đại diện của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh xã.
Điều 4.- Phân công chức trách của từng ủy viên Ban:
1/ Trưởng ban : phụ trách chung công tác của Ban, trực tiếp phụ trách công việc như sau :
- Nghiên cứu đề xuất với Ủy ban nhân dân xã về chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch và các biện pháp công tác đối với các mặt công tác thương binh và xã hội ở xã.
- Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của Ban trong từng thời gian (quý, năm) và chỉ đạo thực hiện các chương trình kế hoạch đó, sơ kết, tổng kết và báo cáo tình hình công tác của Ban lên Ủy ban nhân dân xã và Phòng Thương binh và xã hội quận, huyện.
- Tuyên truyền, phổ biến các chánh sách, chế độ, thể lệ về công tác thương binh và xã hội trong toàn xã ; lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của các đối tượng.
- Phụ trách công tác thi đua, khen thưởng.
- Chủ trì việc phối hợp với các ngành, các đoàn thể.. trong xã, đôn đốc việc thực hiện chánh sách thương binh và xã hội.
2/ Phó Trưỏng ban kiêm nhiệm (là Phó Trưởng ban hoặc chính trị viên quân sự xã).
- Giúp Trưởng ban phụ trách chung, thay mặt Trưởng ban khi Trưởng ban và Phó Trưởng ban chuyên trách đi vắng được Trưởng ban ủy nhiệm phụ trách các công việc như sau :
+ Cùng với Phó Trưởng ban chuyên trách làm công tác báo tử và tổ chức truy điệu liệt sĩ ở xã.
+ Phối hợp với các ngành, các đoàn thể quần chúng trong xã làm tốt công tác tư tưởng cho gia đình liệt sĩ trước, trong và sau khi báo tử ; tổ chức giáo dục, động viên, chăm sóc về tinh thần và vật chất đối với gia đình liệt sĩ, giáo dục chăm sóc đời sống và học hành cho các con liệt sĩ.
+ Vận động các ngành đoàn thể quần chúng trong xã tổ chức việc đón tiếp thương binh, quân nhân xuất ngũ về xã và nhanh chóng sắp xếp công việc làm ăn đề sớm ổn định đời sống cho anh chị em.
3/ Phó Trưởng ban chuyên trách :
- Giúp Trưởng ban phụ trách chung công tác của Ban, thay mặt Trưởng ban khi đi vắng. Được Trưởng ban ủy nhiệm các phần việc như :
+ Tổ chức chỉ đạo việc xác định các đối tượng thương binh và xã hội, tiến hành lập danh sách, kịp thời bổ sung, điều chỉnh khi có sự thay đổi để nắm danh sách được chính xác ; xây dựng và bảo quản các loại sổ sách đã được quy định của cấp trên.
+ Nhận và giúp đỡ Phòng Thương binh và xã hội quận trả các khoản phụ cấp cho các đối tượng Thương binh và xã hội theo quy định “Tại nhà, tận tay, đúng kỳ, đủ số”, kịp thời phát hiện những lầm lẫn sai sót, báo cáo lên cấp trên đúng quy định.
+ Tổ chức báo tử liệt sĩ theo phương châm “Tại nhà đồng bộ” cùng với Phó Trưởng ban kiêm nhiệm tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ. Phụ trách việc tổ chức quản lý nghĩa trang liệt sĩ.
+ Cùng với các Ủy viên là đại diện các ban, các đoàn thể, nghiên cứu sắp xếp việc làm, giúp đỡ, chăm sóc đời sống cho các đối tượng thương binh và xã hội.
+ Giúp Trưởng ban tổng hợp tình hình, làm báo cáo lên trên, chuẩn bị nội dung và tổ chức các cuộc hội nghị của Ban.
4/ Ủy viên là đại diện Ban chấp hành Nông hội xã :
- Phổ biến các chính sách có liên quan đến đời sống, của các đối tượng thương binh và xã hội trong các tổ chức sản xuât nông nghiệp, thủ công nghiệp.., giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ, quân nhân và gia đình có công với cách mạng neo đơn, gặp khó khăn về đời sống hoặc sinh hoạt khác.
- Nghiên cứu, phát triển ngành nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp các đối tượng thương binh và xã hội, tham gia lao động phù hợp với thương tật, khả năng và sức khỏe của mọi người nhằm ổn định đòi sống vững chắc và lâu dài cho các đối tượng đó.
5. Ủy viên là đại diện Ban Mặt trận xã :
Tuyên truyền, phổ biến chính sách đối với thương binh và xã hội trong các ngành, các giới vận động các phụ lão, các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, thường xuyên thăm hỏi chăm sóc và giúp đỡ đời sống các đối tượng thương binh và xã hội.
- Tham gia nghiên cứu về ngành, nghề và tổ chức sản xuất cho các đối tượng thương binh và xã hội.
- Vận động các ngành, các giới đón thương binh và quân nhân xuất ngũ về xã ; làm công tác xây dựng, quy tập, tu bổ. bảo quản nghĩa trang liệt sĩ, đài liệt sĩ và nhà bia của xã (nếu có).
- Phối hợp với các ngành hữu qna trong xã kiểm tra việc thực hiện các chính sách về thương binh và xã hội.
6/ Ủy viên là đại diện Ban chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ xã :
- Cùng với ủy viên đại diện Mặt trận làm một số công việc trên.
- Giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng các đối tượng thương binh và xã hội thuộc giới mình, không ngừng phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý chí tự lực tự cường.
- Tổ chức, vận động việc chăm sóc đời sống các con của đối tượng thương binh và liệt sĩ nhất là đối với các cháu là con liệt sĩ, con mồ côi cả cha, mẹ.
7. Ủy viên là đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh xã :
- Cùng với ủy viên đại diện mặt trận làm một số công việc trên.
- Giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng các đối tượng thương binh và xã hội thuộc giới mình (kể cả những người chưa phải là đoàn viên) không ngừng phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý chí tự lực tự cường.
- Tổ chức, vận động các trường phổ thông chăm sóc đời sống và việc học hành cho con của các đối tượng thương binh và xã hội.
- Tổ chức, vận động trong giới mình tích cực giúp đỡ về đời sống cho những đối tượng thương binh và xã hội có nhiều khó khăn.
Để quản lý và thực hiện tốt các chính sách, chế độ đối với các đối tượng thương binh và xã hội, ngoài phần việc nói trên ở điều 4, Trưởng ban, Phó ban và các ủy viên cần có sự phân công phụ trách hướng dẫn, giúp đỡ về nội dung sinh hoạt và giải quyêt những vấn đề cụ thể của mỗi đối tượng theo tình hình thực tế của địa phương.
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA BAN THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI XÃ
Điều 5.- Ban Thương binh và xã hội xã chịu sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của Ủy ban nhân dân xã và sự chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Thương binh và xã hội quận.
Điều 6.- Ban thương binh và xã hội xã hợp tác chặt chẽ với các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng nhân dân trong xã để thực hiện tốt công tác thương binh và xã hội. Trưởng ban chủ động đề ra chương trình kế hoạch phối hợp, kết hợp chặt chẽ với các mặt công tác của ngành, các đoàn thể quần chúng để thực hiện tốt các chánh sách, chế độ, thể lệ đối với thương binh và xã hội.
Điều 7.- Các ủy viên trong Ban Thương binh và xã hội xã cùng nhau hợp tác xã hội chủ nghĩa và cộng đồng trách nhiệm trong việc hoàn thành chương trình, kế hoạch công tác của Ban.
Điều 8.- Ban Thương binh và xã hội xã có trách nhiệm xây dựng chế độ, lề lối làm việc của Ban.
Điều 9.- Trưởng Ban Thương binh và xã hội có trách nhiệm phổ biến nội dung bản quy định tạm thời này trong toàn thể Ban để quán triệt và nghiêm chỉnh chấp hành, đồng thời phổ biến trong các ngành, các đoàn thể để phối hợp và kết hợp thực hiện.
Điều 10. Trong các cuộc hội nghị thường kỳ cần kết hợp việc kiểm điểm, sơ kết, tổng kết mà kiểm điểm chấp hành bản quy định này của Ban và báo cáo kết quả đó lên Ủy ban nhân dân xã và Phòng Thương binh và xã hội quận.
Điều 11.- Trong quá trình thực hiện bản quy định tạm thời này, nếu thấy điểm nào cần được bổ sung hoặc sửa đổi cho thích hợp thì phản ánh lên Ủy ban nhân dân quận để xét quyết định, nhưng không được trái với tinh thần cơ bản quy định này.