Quyết định 2118/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt kế hoạch hành động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên đến năm 2010 định hướng 2020 - tỉnh Hưng Yên do Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành
Số hiệu: 2118/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Nguyễn Bật Khách
Ngày ban hành: 15/11/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tổ chức chính trị - xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 2118/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 15 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG BẢO VỆ, CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHOẺ VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH NIÊN ĐẾN NĂM 2010 ĐỊNH HƯỚNG 2020 - TỈNH HƯNG YÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 2010/QĐ-BYT ngày 07/06/2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành kế hoạch tổng thể quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên Việt Nam giai đoạn 2006-2010, định hướng đến 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 07/06/2006 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ “Về đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 17/4/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về chương trình Dân số, gia đình và trẻ em giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến 2015”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 579/TTr-YT ngày 19/9/2007
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch hành động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên đến 2010, định hướng 2020 - tỉnh Hưng Yên với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu và chỉ tiêu cơ bản

1.1- Mục tiêu chung:

Cải thiện tình trạng sức khoẻ thể chất, tinh thần và xã hội của nhóm tuổi trẻ. Nâng cao kiến thức, thái độ, kỹ năng thực hành về chăm sóc sức khoẻ và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tiến tới giảm tình trạng có thai ngoài ý muốn, nhiễm HIV, tai nạn thương tích, sử dụng chất gây nghiện và rối loạn tâm lý ở vị thành niên và thanh niên.

1.2- Mục tiêu cụ thể :

- Nâng cao vai trò của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhà trường và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của vị thành niên và thanh niên. Tạo môi trường hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của vị thành niên và thanh niên. Thực hiện xã hội hoá bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên.

- Nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành về Sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tai nạn thương tích, lạm dụng chất gây nghiện và sức khoẻ tâm thần cho vị thành niên và thanh niên để tự bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.

- Đảm bảo cho vị thành niên và thanh niên tiếp cận dễ dàng và được đáp ứng đủ, an toàn, thuận tiện các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

- Xây dựng và triển khai rộng các mô hình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

1.3- Các chỉ tiêu cơ bản đến năm 2010:

- 100% cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương có nghị quyết và kế hoạch tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, trong đó có vị thành niên và thanh niên và 100% cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp được cung cấp thông tin và hỗ trợ cải thiện việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của vị thành niên và thanh niên.

- 100% cha mẹ và thầy cô giáo được cung cấp thông tin và hỗ trợ cải thiện việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của vị thành niên và thanh niên.

- Hằng năm: Giảm 10% trường hợp có thai ngoài ý muốn; 10% số trường hợp nhiễm HIV mới; 10% số tai nạn thương tích; 10% vị thành niên, thanh niên sử dụng ma tuý, rượu, bia, thuốc lá.

- 70% vị thành niên và thanh niên trao đổi và được tư vấn về tâm sinh lý; 80% vị thành niên và thanh niên biết thời điểm dễ có thai, 90% hiểu biết cơ bản các biện pháp tránh thai.

- 80% vị thành niên và thanh niên biết phòng tránh nhiễm khuẩn đường sinh sản và có hiểu biết đúng, đầy đủ về phương thức lây truyền HIV.

- 80% vị thành niên và thanh niên biết và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tư vấn, kỹ thuật về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, về vấn đề tâm lý, tình cảm khi có nhu cầu.

- 100% cơ sở chăm sóc sức khoẻ sinh sản thực hiện thông tin - giáo dục, tư vấn về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên và thanh niên.

- 80% các điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản được đào tạo, trang bị đủ phương tiện và điều kiện, thường xuyên cung cấp dịch vụ thân thiện cho vị thành niên và thanh niên.

- Xây dựng và từng bước triển khai rộng rãi mô hình điểm về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của vị thành niên và thanh niên trên địa bàn toàn tỉnh.

- 80% vị thành niên và thanh niên có khó khăn, có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận thông tin về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, có hiểu biết về sự lây truyền và cách phòng tránh HIV. Trong đó 50% tiếp cận được dịch vụ thân thiện vị thành niên và thanh niên.

- 100% vị thành niên và thanh niên hiểu biết một số hành vi nguy cơ cho sức khoẻ (sử dụng và lạm dụng chất gây nghiện, an toàn giao thông,...); 100% vị thành niên và thanh niên có vấn đề về sức khoẻ tâm thần được tư vấn, điều trị.

- 100% các trường học tổ chức tốt chương trình giáo dục sức khoẻ vị thành niên và thanh niên.

1.4- Định hướng đến năm 2020:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông về bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên.

- Triển khai rộng các mô hình bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên đã được xây dựng, rút kinh nghiệm và hoàn chỉnh mô hình trong giai đoạn 2010 - 2020.

- Tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng các điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện (cung cấp thông tin, tư vấn về lâm sàng) cho vị thành niên và thanh niên.

- Tiếp tục xây dựng môi trường thuận lợi cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên

2- Các giải pháp

2.1. Tăng cường thông tin - giáo dục truyền thông về bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên:

Tập trung nhân lực, phương tiện, huy động nhiều kênh truyền thông chuyển tải các thông tin, thông điệp từ nhiều nguồn, bằng nhiều hình thức về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên cho nhiều nhóm đối tượng, tạo sự quan tâm của cộng đồng đến sức khoẻ vị thành niên và thanh niên.

- Tăng cường giáo dục truyền thông đưa các kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng tránh HIV, phòng tránh tai nạn thương tích và lạm dụng chất gây nghiện, lạm dụng lao động, lạm dụng tình dục vị thành niên vào nội dung giảng dạy chính thức, kết hợp với các hoạt động ngoại khoá tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông nhằm giáo dục kỹ năng sống cho vị thành niên và thanh niên.

- Mở rộng và nâng cao chất lượng tư vấn sức khoẻ cho vị thành niên và thanh niên. Triển khai hoạt động tư vấn sức khoẻ cho vị thành niên và thanh niên tại các điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ từ tỉnh đến cơ sở. Thành lập nhóm tuyên truyền, tư vấn chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên, trang bị đủ phương tiện, ấn phẩm truyền thông; đào tạo kỹ năng tư vấn sức khoẻ vị thành niên và thanh niên cho cán bộ y tế tuyến cơ sở do cán bộ y tế làm nòng cốt, với sự tham gia của giáo viên, cán bộ đoàn, hội phụ nữ và các ban ngành đoàn thể.

2.2- Xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên:

- Xã hội hoá công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho vị thành niên và thanh niên nhằm huy động mọi nguồn lực ở trong nước và quốc tế cho việc thực hiện các mục tiêu. Đồng thời xác định vai trò các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, quần chúng và cộng đồng tham gia vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên; tạo ra sức mạnh tổng hợp, môi trường thuận lợi cho việc đưa ra các nhu cầu và đáp ứng nhu cầu bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho vị thành niên và thanh niên.

- Nâng cao vai trò, vị trí và trách nhiệm của gia đình và cộng đồng. Vận động gia đình tích cực và chủ động tham gia chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên. Huy động các nguồn lực, tạo sự ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng trong bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên.

- Huy động sự tham gia và tổ chức phối hợp tốt giữa các ngành, đoàn thể trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên. Đưa nội dung bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên vào kế hoạch hoạt động hàng năm của các ngành, đoàn thể, địa phương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được phân công.

- Đa dạng và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ cho vị thành niên và thanh niên tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến y tế xã, phường nhằm đáp ứng đủ, kịp thời, thuận tiện nhu cầu của đối tượng.

- Khuyến khích các cơ sở y tế ngoài công lập, các tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh tham gia cung cấp các dịch vụ có chất lượng cao cho công tác chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên.

- Tiếp nhận sự ủng hộ, hợp tác với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước trong bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên.

2.3-  Cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho vị thành niên và thanh niên:

- Xây dựng các điểm cung cấp dịch vụ thân thiện cho vị thành niên và thanh niên. Lồng ghép tư vấn tâm sinh lý, sức khoẻ với dịch vụ lâm sàng; tổ chức tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ cho vị thành niên và thanh niên, tạo điều kiện cho vị thành niên và thanh niên khi tiếp cận với các dịch vụ thân thiện luôn được giữ kín các thông tin.

- Tại các cơ sở cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản thân thiện có cán bộ y tế được đào tạo kiến thức cơ bản về tư vấn vị thành niên và thanh niên vị thành niên, có kỹ năng thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật chăm sóc sức khoẻ sinh sản với chất lượng tốt nhất, an toàn.

- Tại các trường Trung học phổ thông, cao đẳng và đại học triển khai thí điểm góc bạn hữu vị thành niên và thanh niên, nhằm đưa các kiến thức, hiểu biết về chăm sóc sức khoẻ sinh sản đến với các đối tượng ưu tiên là học sinh và sinh viên.

2.4- Nâng cao kỹ năng tiếp xúc, cung cấp dịch vụ thân thiện và tư vấn cho đội ngũ cán bộ y tế, thày cô giáo và đội ngũ đồng đẳng:

- Tổ chức các khoá đào tạo về kỹ năng tư vấn, tiếp xúc và cung cấp các dịch vụ thân thiện cho các đối tượng là cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản.

- Mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng tư vấn dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản thân thiện cho đội ngũ cán bộ là giáo viên các trường phổ thông, cao đẳng và đại học.

- Các nhà trường bồi dưỡng kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên và thanh niên cho học sinh, sinh viên; thông qua các em tuyên truyền kiến thức về sức khoẻ sinh sản đến bạn bè cùng lứa tuổi và các đối tượng khác trong cộng đồng.

2.5- Hỗ trợ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên:

- Nâng cao các hoạt động bảo vệ và giảm thiểu yếu tố nguy cơ từ môi trường sống của vị thành niên và thanh niên. Cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ đoàn, đội, cán bộ chính quyền và đoàn thể địa phương tham gia các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên.

- Giảm thiểu và từng bước loại bỏ các yếu tố nguy cơ như ma tuý, thuốc lá, rượu bia, gái mãi dâm... ra khỏi môi trường sống của giới trẻ bằng các biện pháp hành chính và xã hội. Tổ chức các hoạt động xã hội, tạo môi trường lành mạnh thu hút vị thành niên và thanh niên. Phát triển loại hình "câu lạc bộ", "điểm văn hoá", tổ chức các cuộc thi,... tạo môi trường lành mạnh, thu hút sự tham gia của vị thành niên và thanh niên, giúp họ tự bảo vệ và nâng cao sức khoẻ của bản thân.

- Huy động quần chúng, hội viên các chi hội đoàn thể tại cụm dân cư tham gia bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên.

- Kiên quyết xử lý các vi phạm lạm dụng lao động, lạm dụng tình dục vị thành niên.

2.6- Cơ chế chính sách:

- Tăng ngân sách nhà nước chi cho ngành y tế, trong đó có hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên, thanh niên.

- Tuyển dụng đủ cán bộ y tế trong các trường học theo Thông tư số 03/TTLT-BYT-BGD&ĐT nhằm tăng cường các hoạt động y tế trường học.

- Có chính sách khuyến khích cán bộ, học sinh làm công tác Đoàn kiêm nhiệm tại các nhà trường, cơ quan hành chính.

- Hỗ trợ vị thành niên, thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khoẻ miễn phí.

2.7- Giải pháp tài chính:

Tổng kinh phí dự kiến: 1.790.000.000đ.

Trong đó:

+ Nguồn kinh phí Trung ương:1.000.000.000đ.

+ Nguồn kinh phí địa phương: 790.000.000đ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

2.1- Tiến độ thực hiện:

* Giai đoạn 2007 - 2008:

- Tổ chức các hoạt động thông tin, giáo dục tuyên truyền vận động xã hội tạo sự ủng hộ của toàn xã hội đối với lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên và thanh niên.

- Triển khai thí điểm 2 mô hình, dịch vụ thân thiện với thanh niên và vị thành niên tại các cơ sở y tế và "góc bạn hữu" ở một số trường trung học phổ thông, cao đẳng và đại học trong tỉnh.

- Mở các lớp đào tạo kỹ năng tư vấn, giao tiếp, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cho các đối tượng là cán bộ y tế, giáo viên trong các nhà trường trung học phổ thông, cao đẳng và đại học, xây dựng mạng lưới cộng tác viên trong các nhà trường, tổ chức Đoàn, tổ chức phụ nữ, nông dân.

* Giai đoạn 2009 - 2010 (mở rộng mô hình can thiệp):

- Mở rộng các mô hình can thiệp được đánh giá có hiệu quả.

- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin giáo dục truyền thông trong nhà trường phổ thông và cộng đồng.

- Tổ chức giám sát, hỗ trợ về kỹ thuật cho các cơ sở đã triển khai các dịch vụ thân thiện vị thành niên và thanh niên.

- Tổng kết đánh giá kết quả triển khai hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên, rút ra những bài học kinh nghiệm để triển khai tiếp giai đoạn 2010 - 2020.

2.2- Công tác chỉ đạo:

- Thành lập tiểu ban chỉ đạo về chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên nằm trong ban chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ sinh sản của tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 31/12/2003.

- Trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản là cơ quan chuyên trách giúp tiểu ban chỉ đạo, điều phối và triển khai các hoạt động, thực hiện kế hoạch chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên.

- Phối hợp lồng ghép các hoạt động với các sở, ban ngành; Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban chỉ đạo phòng chống các tai nạn thương tích và tệ nạn xã hội với các chương trình, dự án y tế.

- Phối hợp lồng ghép trong nội bộ ngành y tế, lồng ghép các chương trình dự án như: Làm mẹ an toàn, kế hoạch hoá gia đình, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tai nạn thương tích,

2.3- Phân công nhiệm vụ:

- Sở Y tế:

Chủ trì và phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên: tổ chức các hoạt động thông tin, tư vấn, giáo dục truyền thông về sức khoẻ vị thành niên và thanh niên cho các đối tượng tại cộng đồng và trong nhà trường phổ thông; xây dựng các điểm cung cấp dịch vụ thân thiện vị thành niên và thanh niên tại các cơ sở y tế từ tỉnh đến huyện, từng bước triển khai thí điểm ở một số trường phổ thông và các trường Đại học, Cao đẳng. Tổ chức đào tạo mạng lưới cán bộ chuyên trách và cộng tác viên là cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, giáo viên, học sinh, Đoàn thanh niên về kỹ năng truyền thông, giao tiếp, cung cấp các tài liệu truyền thông đến mọi đối tượng.

- Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Phối hợp với Sở Y tế trình các cấp có thẩm quyền đảm bảo ngân sách và hướng dẫn các hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên theo dự toán 2007 - 2010.

Kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ vị thành niên và thanh niên theo mục tiêu, kế hoạch đã được phê duyệt.

- Sở Giáo dục và Đào tạo:

+ Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nội vụ tuyển dụng biên chế y tế trường học, xây dựng và chỉ đạo các trường học thực hiện chương trình giáo dục thể chất, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên và thanh niên, lạm dụng chất gây nghiện cho học sinh cấp phổ thông.

+ Bồi dưỡng cho giáo viên kiến thức, kỹ năng giảng dạy, truyền đạt các nội dung giáo dục giới tính, tình dục và sức khoẻ vị thành niên. Tham gia các hoạt động tuyên truyền vận động về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên cho học sinh.

- Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh:

Đưa nội dung giáo dục sức khoẻ vị thành niên và thanh niên vào chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cho đoàn viên thanh niên trong nhà trường và các cơ sở Đoàn ở địa phương, phối hợp với ngành y tế tổ chức các buổi truyền thông, cung cấp các tài liệu truyền thông cho đối tượng vị thành niên và thanh niên; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình, HIV/AIDS và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:

Phối hợp với ngành Y tế triển khai hoạt động tuyên truyền giáo dục kiến thức sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình, HIV/AIDS cho các đối tượng là thanh niên, vị thành niên đã lập gia đình, hướng dẫn các bà mẹ đang nuôi con biết cách thực hành dinh dưỡng đúng cho trẻ theo các nhóm tuổi, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, biết chăm sóc trẻ khi bị bệnh.

- Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 17/4/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Chương trình Dân số, gia đình và trẻ em giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015” và tổ chức các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khoẻ sinh sản, phòng chống lạm dụng sức lao động, lạm dụng tình dục trẻ em vị thành niên.

- UBND các huyện, thị xã:

Trên cơ sở nội dung kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành cụ thể hoá và triển khai kế hoạch tại địa phương. Xây dựng kế hoạch bảo vệ và chăm sóc nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên của huyện, thị xã, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để đảm bảo thực hiện. Chỉ đạo xã, phường thực hiện tốt công tác bảo vệ và chăm sóc nâng cao sức khoẻ vị thành niên và thanh niên. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện các mục tiêu và nội dung của kế hoạch tại địa phương.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành: Y tế, Tài Chính, Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh, Tỉnh Đoàn TNCS, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Thủ trưởng các sở, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Bật Khách

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.