Quyết định 2111/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020
Số hiệu: 2111/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 28/11/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 12/12/2011 Số công báo: Từ số 619 đến số 620
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2111/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH HƯNG YÊN ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Vùng thủ đô Hà Nội, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực.

2. Phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và dịch vụ; coi trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm những lĩnh vực có lợi thế, có giá trị tăng cao, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

3. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo vệ tài nguyên và môi trường; xây dựng đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội.

4. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học công nghệ; phát huy truyền thống văn hiến, khuyến khích tinh thần năng động sáng tạo của nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp để xây dựng Hưng Yên trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của Vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước.

5. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ để xây dựng Hưng Yên đến năm 2020 là tỉnh đạt mức khá trong vùng đồng bằng sông Hồng với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; có hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, theo hướng hiện đại.

Phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo để đáp ứng nguồn lực cho phát triển; tạo môi trường đầu tư - kinh doanh lành mạnh, có sức cạnh tranh cao; liên kết chặt chẽ với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các địa phương khác để phát triển nhanh và bền vững, tạo tiền đề vững chắc để Hưng Yên cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020; nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về phát triển kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12,5% và đạt khoảng 12 - 13,2% trong giai đoạn 2016 - 2020; GDP bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD vào năm 2015 và trên 4.300 USD vào năm 2020.

- Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế để đến năm 2015 tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm khoảng 33%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 50% và nông nghiệp chiếm khoảng 17%. Đến năm 2020 phấn đấu đạt dịch vụ: 37,8 - 39,2%, công nghiệp - xây dựng: 50 - 51% và nông nghiệp: 10,5 - 11,2%.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đến năm 2015 đạt trên 17.000 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt trên 35.000 tỷ đồng. Phấn đấu tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 17%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 18%/năm.

- Tăng thu ngân sách nhằm đảm bảo các nhiệm vụ chi của tỉnh và từng bước có tích lũy. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ thu ngân sách đạt khoảng 11,5% và đến năm 2020 đạt khoảng 9,9% tổng giá trị gia tăng trên địa bàn tỉnh.

- Tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 63,8% và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 65,9% tổng giá trị gia tăng.

b) Về phát triển xã hội

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3% vào năm 2015 (theo chuẩn nghèo mới) và giữ ổn định đến năm 2020 là dưới 3%; tạo thêm việc làm hàng năm cho trên 2,2 vạn lao động; nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo đạt 55% vào năm 2015 và khoảng 63 - 67% vào năm 2020.

- Đến năm 2015 có số cơ quan, đơn vị và gia đình văn hóa đạt trên 85% và trên 95% vào năm 2020; số làng và khu phố được công nhận là làng, khu phố văn hóa đạt 80% vào năm 2015 và đạt khoảng 90% năm 2020.

- Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông. Đến năm 2020 đạt 100% số phòng học và 50% số phòng học bộ môn của bậc phổ thông được kiên cố hóa; đến 2015 phấn đấu có 30% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 55% trường trung học cơ sở và 30% trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2020 các chỉ tiêu này là 55%, 100%, 80%, 55%.

- Đến năm 2015 có 96% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; phấn đấu đạt các chỉ tiêu: 6 bác sỹ/1 vạn dân vào năm 2015 và đạt hơn 7 bác sỹ/1 vạn dân và có 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế vào năm 2020.

c) Về bảo vệ môi trường

- Đến năm 2015 phấn đấu có 97% dân cư đô thị sử dụng nước sạch và 94% dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 85% các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; 70% các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý chất thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, thu gom và xử lý chất thải rắn đạt 97% ở khu vực đô thị và đạt 55% ở khu vực nông thôn; xử lý 95% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải bệnh viện.

- Giải quyết tốt vệ sinh môi trường đô thị, nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường các khu công nghiệp, khu du lịch, làng nghề trên cơ sở giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái.

III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC

1. Về nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, hiệu quả, bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, áp dụng kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, tiêu thụ tạo ra những sản phẩm sạch, có năng suất cao và giá trị gia tăng lớn; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn trên cơ sở quy hoạch nông thôn mới; quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đáp ứng cho nhu cầu phát triển của tỉnh.

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng năm đạt bình quân 4% trong giai đoạn 2011 - 2015 và đạt 2,5 - 3% giai đoạn 2016 - 2020; tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, thủy sản bình quân hàng năm đạt khoảng 2,2% trong giai đoạn 2011 - 2015 và đạt khoảng 1,6% giai đoạn 2016 - 2020.

- Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng phát triển các nông sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao để hình thành cơ cấu nông nghiệp với tỷ lệ giữa các ngành trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ vào năm 2015 là: 45%, 50%, 5% và vào năm 2020 là: 41%, 52%, 7%.

- Đến năm 2015 có 25% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đạt 75% vào năm 2020.

2. Về công nghiệp - xây dựng

- Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2011 - 2015 tăng 19%/năm, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 16,6%/năm. Tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân trong ngành công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 16% giai đoạn 2011 - 2015 và đạt khoảng 13,5% giai đoạn 2016 - 2020.

- Phát triển mạnh công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, hiện đại và phát triển có chọn lọc trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp phụ trợ, bảo đảm có giá trị gia tăng cao; xây dựng các trung tâm công nghiệp công nghệ cao gắn với các ngành nông nghiệp và dịch vụ của địa phương trên cơ sở quy hoạch công nghiệp của cả vùng.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm hoàn thiện đồng bộ và có chất lượng hạ tầng các khu công nghiệp; gắn kết chặt chẽ với phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và dịch vụ, du lịch; điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch hệ thống khu, cụm công nghiệp, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, cơ sở dạy nghề và các công trình hạ tầng xã hội. Đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút mạnh các nguồn vốn trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực và công nghệ cao.

3. Về thương mại và dịch vụ

- Phấn đấu giá trị dịch vụ tăng 16% trong giai đoạn 2011 - 2015 và tăng khoảng 16,5 - 17% giai đoạn 2016 - 2020; tốc độ tăng giá trị gia tăng trong ngành dịch vụ đạt 13 - 14% trong giai đoạn 2011 - 2015 và đạt 15 đến 16% giai đoạn 2016 - 2020.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành các Trung tâm thương mại, chợ đầu mối cấp vùng theo quy hoạch; củng cố và tăng cường hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn và tạo bước đột phá để thu hút và phát triển du lịch, dịch vụ. Từng bước hướng tới xây dựng và phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ hiện đại, chất lượng cao như tài chính, tín dụng, ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm, tư vấn pháp luật và các lĩnh vực khác.

- Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các thành phần kinh tế, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đầu tư phát triển du lịch và dịch vụ, hình thành các quần thể du lịch, trung tâm vui chơi, giải trí chất lượng cao, trung tâm nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái …

4. Về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật

a) Giao thông

Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết với Thủ đô Hà Nội và các địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.

- Đường bộ: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải triển khai trong việc xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường vành đai 4 Hà Nội; đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên.

- Đường sông và hệ thống thủy lợi: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường thủy trên hệ thống sông đào Bắc Hưng Hải; cảng sông Hồng, sông Luộc; nạo vét, nâng cấp các trục sông kết hợp giao thông đường thủy; tiêu thoát nước và cấp nước.

- Về đường giao thông nông thôn: Phấn đấu đến năm 2020 các tuyến đường tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III; đường huyện đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV và 100% các tuyến đường giao thông liên xã, thôn, bảo đảm được cứng hóa vào năm 2015.

- Đường sắt: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (đoạn qua Hưng Yên).

b) Về cấp điện và cấp, thoát nước

- Về cấp điện: Phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xây dựng, cải tạo, nâng công suất đường dây cao thế và các trạm biến áp; xây dựng đường dây trung thế và các trạm biến áp phân phối; cải tạo, nâng cấp lưới điện hạ thế ở đô thị và nông thôn bảo đảm cung cấp điện ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt, đời sống của nhân dân.

- Về cấp, thoát nước: Bố trí kinh phí địa phương và huy động nguồn lực xã hội để xây dựng, mở rộng mạng lưới cấp nước cho thành phố Hưng Yên, các thị trấn, các khu công nghiệp; phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản đạt chỉ tiêu dân số đô thị được sử dụng nước sạch và dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.

- Xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước của thành phố Hưng Yên, các thị trấn, các khu, cụm công nghiệp; chú trọng đầu tư hệ thống thoát nước vả xử lý nước thải ở nông thôn, nhất là các làng nghề, khu vực chăn nuôi tập trung.

c) Về thông tin và truyền thông

Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng hiện đại, chất lượng cao. Trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn thiện tổng đài và trạm phát sóng thông tin di động; thay thế các thiết bị tổng đài bằng các nút chuyển mạch, hệ thống truyền dẫn bằng cáp quang, thực hiện ngầm hóa mạng cáp trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống xã hội, từng bước cung cấp các dịch vụ đa dạng theo chuẩn quốc tế.

5. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội

a) Giáo dục và đào tạo

- Phát triển giáo dục - đào tạo cân đối về quy mô, loại hình, tăng cường chất lượng, hiệu quả. Xây dựng đề án, quy hoạch phát triển ngành giáo dục và đào tạo đến 2020 đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nhu cầu phát triển cho Hưng Yên, Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Phấn đấu để Hưng Yên tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về giáo dục - đào tạo của cả nước.

- Phấn đấu đến năm 2015 đạt 55% số cháu vào nhà trẻ các loại hình và đến năm 2020 đạt trên 75%; 90% cháu vào mẫu giáo và đến năm 2020 đạt 97%; 99,5% trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và 100% học sinh tiểu học vào lớp 6, khoảng 80% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học trung học phổ thông các loại hình. Đến năm 2020 đạt trên 40% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương vào đại học và cao đẳng (năm 2015 là 35%).

- Triển khai xây dựng Khu đại học Phố Hiến phù hợp với yêu cầu phát triển, phấn đấu thu hút các trường đại học vào Khu đại học Phố Hiến.

- Đẩy mạnh dạy nghề cho người lao động, nhất là lao động nông nghiệp, nông thôn ở các vùng chuyên canh cây trồng, chăn nuôi, vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp để có nhiều cơ hội việc làm, tự tạo việc làm.

b) Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân

- Xây dựng hệ thống y tế phát triển toàn diện theo hướng hiện đại và chuyên sâu; có cơ sở vật chất kỹ thuật cao, đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Củng cố và phát triển hệ thống y tế dự phòng và hệ thống cấp cứu, vận chuyển cấp cứu, cứu hộ - cứu nạn; củng cố và phát triển hệ thống dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

- Mở rộng quy mô các bệnh viện, phấn đấu đạt tỷ lệ 25,6 giường bệnh/1 vạn dân vào năm 2015 và đạt 27 giường/1 vạn dân vào năm 2020. Mở rộng và hiện đại hóa bệnh viện tuyến tỉnh, huyện; xây dựng mới và đưa vào sử dụng bệnh viện sản - nhi. Phát triển bệnh viện đa khoa Phố Nối thành bệnh viện khu vực.

c) Văn hóa, thông tin, thể dục thể thao

- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khu phố văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ gia đình văn hóa đạt trên 90% và đến năm 2020 đạt trên 95%. Số làng và khu phố được công nhận là làng, khu phố văn hóa đạt 80% vào năm 2015 và đạt 90% vào năm 2020.

- Thực hiện tốt công tác trùng tu, bảo tồn, tôn tạo các di tích quốc gia và tỉnh. Khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao dưới nhiều hình thức. Nâng cấp và mở rộng hệ thống phát thanh truyền hình đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

d) Lao động, việc làm và giảm nghèo

- Giải quyết việc làm mới mỗi năm cho trên 2 vạn lao động. Tăng quỹ thời gian sử dụng lao động ở nông thôn lên khoảng 88% và giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở thành thị xuống còn dưới 2,2% vào năm 2020.

- Chú trọng nâng cao chất lượng việc làm và tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động. Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; thực hiện chính sách trợ giúp về đất đai, dạy nghề, tạo việc làm, khuyến nông, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm gắn với việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm và khuyến khích các hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo, hạn chế tình trạng tái nghèo.

- Đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội, chăm sóc người có công; quan tâm, chăm lo đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách, các hộ nghèo.

6. Bảo vệ môi trường

- Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi và từng bước nâng cao chất lượng môi trường, nhất là môi trường nước và môi trường không khí.

- Khuyến khích việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng tạo các sản phẩm không gây hại hoặc ít gây hại đến môi trường; tái chế và sử dụng các sản phẩm tái chế trong sản xuất và đời sống.

- Bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn về môi trường ngay từ khâu xây dựng và phê duyệt quy hoạch, dự án đầu tư; phấn đấu đến năm 2020, các huyện, thành phố, thị xã đều có điểm chứa rác thải tập trung và xử lý bằng phương pháp thích hợp, đáp ứng các tiêu chí môi trường.

7. An ninh, quốc phòng và trật tự xã hội

Kết hợp nhiệm vụ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm ổn định và vững chắc.

IV. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN

1. Phương hướng Quy hoạch hệ thống đô thị Hưng Yên đến năm 2020:

- Thành phố Hưng Yên: Là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh. Thành phố phát triển mạnh các lĩnh vực dịch vụ, trở thành một trong những đô thị trung tâm quan trọng của Vùng đồng bằng sông Hồng về các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân và du lịch. Phấn đấu xây dựng thành phố Hưng Yên cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2020.

- Xây dựng các đô thị Mỹ Hào, Văn Giang và các đô thị có cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội sớm thực sự là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội, trung tâm công nghiệp của huyện, của vùng trong tỉnh.

- Hình thành các điểm dân cư nông thôn tại các huyện với chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội các cụm xã.

2. Định hướng bố trí không gian phát triển công nghiệp

- Gắn phát triển không gian công nghiệp với quá trình đô thị hóa; phát triển công nghiệp nhanh và bền vững, tuân thủ đúng quy hoạch tổng thể, bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định xã hội.

- Đẩy mạnh đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; hiệu quả và bảo vệ môi trường. Phấn đấu đến năm 2015, các khu, cụm công nghiệp được lấp đầy và đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả.

- Nghiên cứu phát triển phù hợp các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư sản xuất và kinh doanh theo hướng tập trung, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

- Quy hoạch đồng bộ các khu đô thị và dân cư, gắn phát triển dịch vụ tại các vùng có quy hoạch khu công nghiệp tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn nhà đầu tư.

V. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN; CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

(Phụ lục kèm theo)

VI. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về huy động vốn đầu tư

Nhu cầu vốn đầu tư trong giai đoạn 2011 - 2015 dự báo là 120.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 310.000 tỷ đồng, với cơ cấu nguồn vốn dự kiến: Bao gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương; vốn ngân sách địa phương và vốn huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm, Tỉnh cần có các giải pháp để huy động cao nhất các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; huy động nguồn vốn từ quỹ đất, thu hút vốn từ các thành phần kinh tế, trong đó:

- Tập trung đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng trọng yếu và các dự án cấp vùng trên địa bàn Tỉnh. Xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án kêu gọi đầu tư đến năm 2020, trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Tỉnh, chú trọng khai thác nguồn vốn ODA.

- Cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục đầu tư; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư; ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn, minh bạch, phù hợp với các quy định của pháp luật;

- Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, phát thanh, truyền hình, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, … để huy động vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực này;

- Mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, BTO, PPP, … tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thị trường vốn; phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư, góp vốn đầu tư theo quy định của pháp luật.

2. Phát triển nguồn nhân lực

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào hoạt động Khu đại học Phố Hiến, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Hưng Yên và Vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước.

- Đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục đào tạo, chú trọng phát triển hệ thống đào tạo nghề; khai thác tốt, hiệu quả các cơ sở đào tạo hiện có trên địa bàn, triển khai thực hiện đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

- Từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức nhà nước bằng cách đào tạo, đào tạo lại theo đúng nhiệm vụ, chức danh; đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ, công chức. Khuyến khích, hỗ trợ các cán bộ trẻ tự đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn, tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh.

- Xây dựng và phổ biến các cơ chế chính sách khuyến khích, tạo môi trường làm việc và sinh hoạt phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3. Về cơ chế chính sách

- Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng cường năng lực quản lý của hệ thống chính quyền, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở pháp luật hiện hành. Tiếp tục giải phóng năng lực sản xuất, thực hiện chính sách phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

- Đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính; đổi mới chế độ công chức, công vụ và tăng cường phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp hành chính, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ sản xuất, kinh doanh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Công khai hóa chính sách đầu tư, giá thuê đất, giá đền bù giải phóng mặt bằng hàng năm cho nhà nhà đầu tư chủ động hạch toán, kinh doanh.

4. Phát triển thị trường

- Mở rộng và tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước; chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu, thị trường trong vùng, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long; đồng thời quan tâm đến sức mua của thị trường nông thôn để tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

- Khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường, nhất là thị trường cho các loại nông sản của Tỉnh có lợi thế để thúc đẩy sản xuất, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân.

5. Phát triển khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường

- Có các biện pháp gắn phát triển khoa học và công nghệ với sản xuất; tăng cường đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.

- Khuyến khích hoạt động trao đổi, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh ứng dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp và công nghệ trong các khu chế biến nông sản. Tăng cường các hoạt động liên kết, nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ và hợp tác giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông trong phát triển nông nghiệp.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, sinh thái để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ GIÁM SÁT QUY HOẠCH

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên công bố, phổ biến Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh; đồng thời xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện Quy hoạch.

2. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện, đồng thời phải có đánh giá việc thực hiện Quy hoạch để xác định cụ thể những nội dung không còn phù hợp hoặc chưa đáp ứng nhu cầu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

3. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện việc kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.

Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan), các dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên căn cứ vào Quy hoạch được phê duyệt, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt theo quy định các nội dung sau:

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trong Tỉnh để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

2. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn gắn với các dự án cụ thể để có kế hoạch bố trí vốn đầu tư phù hợp.

3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành (nếu vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh trong từng giai đoạn, nhằm thu hút đầu tư, huy động tốt các nguồn lực thực hiện Quy hoạch.

Điều 4. Các Bộ, ngành Trung ương liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên trong quá trình thực hiện Quy hoạch.

2. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực cần phối hợp với tỉnh Hưng Yên để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của quy hoạch; xem xét, hỗ trợ Tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN; CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 VÀ ĐẾN NĂM 2020 CỦA TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2111/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

A

CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN

1

Chương trình phát triển đô thị (thành phố, thị xã, thị trấn), khu đô thị mới; chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

2

Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên; chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao tỉnh Hưng Yên

3

Chương trình việc làm, dạy nghề và giảm nghèo; chương trình phát triển giáo dục - đào tạo tỉnh Hưng Yên; chương trình chăm sóc sức khỏe nhân dân

4

Đề án quy hoạch phát triển vùng tỉnh Hưng Yên; đề án quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp

5

Đề án xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn; đề án sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao tỉnh Hưng Yên

6

Đề án phát triển kinh tế vùng bãi; đề án phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

7

Đề án quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải Tỉnh

8

Đề án xây dựng trường mầm non và phổ thông tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn quốc gia

9

Đề án xây dựng thiết chế văn hóa; đề án phát triển sự nghiệp thể dục - thể thao

B

CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ

I

DỰ ÁN DO CÁC BỘ, NGÀNH ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1

Xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn tỉnh Hưng Yên

2

Xây dựng đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và tuyến tránh đường quốc lộ 39.

3

Mở rộng, nâng cấp quốc lộ 38, quốc lộ 38B và các cầu trên tuyến

4

Đường vành đai 3,5 và đường vành đai 4 Hà Nội

5

Đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường cao tốc Tây Bắc

6

Xây dựng cầu La Tiến trên đường 202 nối Hưng Yên với Thái Bình

7

Đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Hải Phòng qua tỉnh Hưng; bãi tập kết hàng hóa và container tại ga Lạc Đạo; nghiên cứu xây dựng quy hoạch tuyến đường sắt Lạc Đạo - thành phố Hưng Yên

8

Nâng cấp hệ thống sông Hồng, sông Luộc. Xây dựng công trình điều tiết nước hạ lưu sông Hồng. Xây dựng các âu thuyền thuộc hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải

9

Cải tạo, nạo vét, kiên cố hóa kênh mương: Đồng Quê - Cửu An, Kim Sơn, Điện Biên, Tây Nam Kẻ Sặt, hệ thống Bắc Hưng Hải

10

Nâng cấp hệ thống đê và kết hợp hệ thống giao thông các tuyến sông Hồng, sông Luộc, sông Bắc Hưng Hải; cải tạo, nâng cấp các trạm bơm hiện có để phục vụ tưới tiêu. Xây dựng các trạm bơm Liên Nghĩa, Nghi Xuyên, Chùa Tổng, Tân Hưng và Nam Kẻ Sặt để phục vụ diện tích tiêu ra sông ngoài

II

CÁC DỰ ÁN DO TỈNH LÀM CHỦ ĐẦU TƯ

1

Nâng cấp đường tỉnh lộ 200 hoàn chỉnh theo quy mô đường cấp III vào năm 2015 và nâng từ đường cấp III lên cấp I đồng bằng

2

Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 196, 198, 199, 202, 204, 205, 206, 209, 207B, đường trục Trung tâm khu đô thị phía Nam quốc lộ 5, các đường cứu hộ, cứu nạn phòng chống lụt bão huyện Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ, Văn Lâm, Văn Giang và thành phố Hưng Yên; các tuyến đường vành đai thành phố Hưng Yên, vành đai đô thị Mỹ Hào

3

Đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam tỉnh Hưng Yên từ cầu vượt quốc lộ 5 đến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng (nối với đường 281 Bắc Ninh)

4

Củng cố, nâng cấp và kè đê tả sông Hồng, sông Luộc

5

Cải tạo, nạo vét, nâng cấp các trục sông; cải tạo, nạo vét, kiên cố hóa hệ thống kênh mương

6

Xây mới 04 trạm bơm: Phan Đình Phùng, Vinh Quang, Cầu Gáy, Văn Giang 2. Cải tạo, nâng cấp 06 trạm bơm: Hưng Long, Bần, Cầu Thôn, Cảnh Lâm, Ngọc Lâm và Quần Ngọc

7

Đầu tư xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh

8

Xây dựng khu đại học Phố Hiến tại thành phố Hưng Yên; cụm các trường đại học tại huyện Mỹ Hào và huyện Khoái Châu

9

Kiên cố hóa và tăng cường cơ sở vật chất trường học, lớp học; tăng cường cơ sở vật chất trường cao đẳng Sư phạm, cao đẳng Y tế, trung cấp Nghề, trung cấp Giao thông vận tải, trung cấp Thể dục thể thao; xây dựng trường trung học phổ thông chuyên Tỉnh, trường trung cấp Y tế

10

Xây dựng mới bệnh viện Sản - Nhi. Nâng cấp và mở rộng bệnh viện Đa khoa Phố Nối thành bệnh viện cấp vùng

11

Cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trung tâm y tế dự phòng Tỉnh và cấp huyện

12

Cải tạo, nâng cấp và mở rộng bệnh viện Đa khoa Tỉnh, bệnh viện Mắt, bệnh viện Lao và bệnh Phổi, bệnh viện Tâm thần kinh, bệnh viện Y học cổ truyền và các trung tâm y tế huyện

13

Các công trình, dự án về văn hóa, thể dục thể thao

14

Cải tạo, nâng cấp và xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Hưng Yên và các huyện: Văn Lâm, Yên Mỹ, Kim Động, Khoái Châu, Phù Cừ, Tiên Lữ; xây dựng dự án xử lý rác thải, nước thải các thị trấn, khu công nghiệp, làng nghề, bệnh viện …

III

CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ ĐẦU TƯ

1

Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp

2

Xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại các huyện, thành phố và xây dựng các cảng ICD cấp vùng tại các huyện Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên

3

Xây dựng các khu đô thị mới thành phố Hưng Yên, Phố Nối (Mỹ Hào) và một số thị trấn các huyện

4

Xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ thương mại

5

Xây dựng khu du lịch tuyến sông Hồng; khu du lịch sinh thái các bãi ngoài đê sông Hồng

6

Xây dựng cảng sông Hồng, cảng sông Luộc. Xây dựng các bến sông

7

Xây dựng bến xe loại II tại thành phố Hưng Yên và bến xe loại III tại các huyện

8

Cải tạo, nâng cấp và xây mới các cơ sở thể dục thể thao và vui chơi giải trí tại thành phố, các huyện, xã, phường, thị trấn

9

Xây dựng Khách sạn chất lượng cao tại thành phố Hưng Yên; xây dựng Bệnh viện chất lượng cao tại thành phố Hưng Yên và huyện Văn Giang

10

Các dự án bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm, các dự án phát triển chăn nuôi trang trại và khu giết mổ tập trung xa khu dân cư

11

Các dự án đầu tư ưu tiên trong & ngoài khu công nghiệp thuộc các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ cao, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, khách sạn, cơ sở nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật cao …

12

Xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở sinh viên, nhà ở công nhân và nhà ở thương mại tại thành phố Hưng Yên, các đô thị và các khu, cụm công nghiệp tập trung

Ghi chú: Về vị trí, quy mô diện tích sử dụng đất và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng thời kỳ.