Quyết định 2108/QĐ-UBND năm 2009 về phê duyệt Đề cương chi tiết và dự toán kinh phí quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020
Số hiệu: 2108/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Phạm Văn Đấu
Ngày ban hành: 09/09/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2108/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 09 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP , ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP , ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP , ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP , ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKH , ngày 07/02/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP , ngày 07/9/2006 của Chính phủ ban hành về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH , ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP , ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Thông tư số 05/2003/TT-BKH , ngày 22/7/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội;

Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN , ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP , ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH , ngày 26/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch các sản phẩm chủ yếu;

Xét Tờ trình số 903/TTr-SKHĐT, ngày 03/8/2009 của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương chi tiết và dự toán kinh phí Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. TÊN ĐỀ CƯƠNG: Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020.

II. CHỦ ĐẦU TƯ: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long.

III. QUY MÔ, CẤP, LOẠI QUY HOẠCH:

- Cấp quy hoạch: Cấp tỉnh.

- Quy mô: 1.479km2/1.068.917 dân (diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Vĩnh Long năm 2008).

- Loại quy hoạch: Quy hoạch phát triển ngành.

IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN: Năm 2009 - 2010.

V. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020:

Phần mở đầu

- Các cơ sở pháp lý để thực hiện quy hoạch.

- Khái quát về vai trò, vị trí của tỉnh Vĩnh Long trong khu vực; tình hình phát triển kinh tế - xã hội; vai trò, thực trạng và yêu cầu phát triển ngành nghề nông thôn trong thời gian qua (giai đoạn 2001 - 2009); xác định quan điểm, mục tiêu, nội dung quy hoạch chủ yếu; bố cục dự án quy hoạch; giai đoạn quy hoạch; sản phẩm quy hoạch.

Phần I

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI, HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH VĨNH LONG

1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Long:

- Điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý: Diện tích, vị trí, khí hậu, thời tiết, thuỷ văn, nguồn tài nguyên...

- Điều kiện xã hội: Dân số, lao động, thu nhập, nguồn nhân lực. Chú ý lao động trong hoạt động của các ngành nghề nông thôn, lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề, nghệ nhân…

- Tổng quan phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2001 - 2009, dự kiến phát triển kinh tế xã hội 2010 - 2015, 2016 - 2020 (các chỉ tiêu phát triển chủ yếu của các ngành kinh tế chủ lực). Tình hình phát triển, hiện trạng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, các ngành nghề, lĩnh vực liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn. Nhận xét đánh giá hiện trạng, tình hình phát triển.

2. Hiện trạng phát triển ngành nghề nông thôn (giai đoạn 2001 - 2009):

- Công tác tổ chức, chỉ đạo, quản lý, điều hành, kết quả thực hiện các chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch, dự án về phát triển ngành nghề nông thôn. Nhận xét, đánh giá.

- Đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn về hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng, phát triển khoa học kỹ thuật, mở rộng thị trường. Nhận xét, đánh giá.

- Tổng hợp các hoạt động ngành nghề nông thôn theo địa bàn tỉnh, huyện đã hình thành và phát triển trong thời gian qua. Nhận xét, đánh giá.

- Giá trị sản xuất, xuất khẩu, lợi nhuận của các ngành nghề nông thôn trong toàn tỉnh và các huyện, thành phố; chú ý các ngành nghề chủ lực và ngành nghề truyền thống. Nhận xét, đánh giá.

- Hiệu quả kinh tế, xã hội của phát triển hoạt động ngành nghề nông thôn trong phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của nông hộ, xoá đói giảm nghèo, an sinh phúc lợi xã hội…. Nhận xét, đánh giá.

- Đánh giá tác động qua lại của phát triển ngành nghề nông thôn và phát triển kinh tế hợp tác, phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới. Nhận xét, đánh giá.

- Tình hình phát triển của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hộ gia đình sản xuất kinh doanh phát triển các ngành nghề nông thôn. Nhận xét, đánh giá.

- Sản phẩm ngành nghề nông thôn: Chú ý các sản phẩm hàng hoá xuất khẩu, các mặt hàng có sản lượng, giá trị lớn. Đánh giá khả năng phát triển các sản phẩm của ngành nghề nông thôn với sự cạnh tranh của hàng hoá công nghiệp, hàng nhập khẩu, hàng thay thế. Chú ý chất lượng hàng hoá do ngành nghề nông thôn sản xuất.

- Vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất và điều kiện lao động trong hoạt động, phát triển ngành nghề nông thôn.

3. Đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2010 (theo Quyết định phê duyệt số 3133/QĐ-UB ngày 22/9/2003 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long): Tình hình, số liệu từ năm 2003 đến năm 2009.

4. Đánh giá chung:

Những kết quả đạt được, những nội dung cần cải tiến, khắc phục, phân tích rõ các nguyên nhân, khả năng phát triển.

Phần II

DỰ BÁO PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN Ở VIỆT NAM VÀ TỈNH VĨNH LONG

- Phương pháp dự báo: Trình bày khái quát nội dung các phương pháp dự báo.

- Nội dung yêu cầu: Trên cơ sở phân tích dự báo về thị trường (trong, ngoài nước), quan hệ phát triển giữa các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, dịch vụ, ứng dụng công nghệ mới; khả năng cung cấp nguyên vật liệu, năng lượng; đô thị hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông nghiệp nông thôn… từ đó có đánh giá tiềm năng sản xuất, thị trường xuất khẩu; khả năng đáp ứng về số lượng, chất lượng mẫu mã hàng hoá cho các yêu cầu tiêu thụ trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu; nhận định khả năng phát triển hoạt động ngành nghề nông thôn, các ngành nghề mới có khả năng xuất hiện, các nghề sẽ phát triển mạnh cũng như một số ngành nghề có thể bị đào thải.

1. Dự báo chung tình hình phát triển hoạt động ngành nghề nông thôn ở Việt Nam: (Có bảng số liệu phân tích và các nội dung nhận xét cho từng giai đoạn).

2. Dự báo tình hình phát triển hoạt động ngành nghề nông thôn Vĩnh Long: (Có bảng số liệu phân tích và nội dung nhận xét cho từng giai đoạn, chú ý phân tích riêng các ngành nghề quan trọng, ngành nghề truyền thống ở Vĩnh Long).

Phần III

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020

1. Quan điểm, mục tiêu, các chỉ tiêu:

a) Quan điểm:

- Phát triển hiệu quả, bền vững ngành nghề nông thôn trên cơ sở sử dụng tối ưu các nguồn lực, nhất là các nguồn lực tại chỗ, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển; cũng như tranh thủ các nguồn lực trong nước, từ nước ngoài.

- Phát triển ngành nghề nông thôn chú trọng đến việc thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, phát triển du lịch, phát triển kinh tế hợp tác, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

- Bảo tồn các nghề truyền thống lâu đời không có hiệu quả kinh tế để giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của địa phương.

b) Mục tiêu:

- Mục tiêu tổng quát: Đến năm 2020, các hoạt động ngành nghề nông thôn sẽ đóng vai trò tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, xã hội… nói chung cũng như nông nghiệp, nông thôn… nói riêng.

- Mục tiêu cụ thể:

Mục tiêu phát triển cụ thể đến năm 2015, đến năm 2020 của hoạt động ngành nghề nông thôn, 7 nhóm hoạt động ngành nghề chủ yếu theo Điều 3 của Nghị định 66/2006/NĐ-CP và một số nghề chính có tổng giá trị sản xuất lớn, nhiều lao động tham gia. (Giá trị sản xuất, xuất khẩu; lợi nhuận; vốn đầu tư; số việc làm tăng thêm, số lao động tham gia, thu nhập bình quân, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân; cơ cấu…. của các nhóm ngành nghề nông thôn và của một số nghề chính).

2. Nội dung quy hoạch phát triển đến năm 2015, đến năm 2020:

Luận chứng các phương án phát triển hoạt động ngành nghề nông thôn (chú ý các ngành nghề chủ lực, ngành nghề truyền thống), các điều kiện chủ yếu đảm bảo tính khả thi của mục tiêu quy hoạch (vốn đầu tư, lao động, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, cung cấp nguyên liệu…).

Luận chứng các phương án phân bố hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh, cấp huyện.

Luận chứng các phương án tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề; tư vấn sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.

Danh mục công trình, dự án trọng điểm, khái toán và phân kỳ đầu tư, dự kiến tiến độ và khả năng huy động các nguồn vốn cho từng giai đoạn.

3. Đánh giá chung về dự án quy hoạch: Tính hiện thực, tính khả thi, hiệu quả của dự án quy hoạch.

Phần IV

GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp: Các nhóm giải pháp về:

- Nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về phát triển ngành nghề nông thôn, củng cố, phát huy vai trò các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề.

- Hỗ trợ xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn phục vụ phát triển hoạt động ngành nghề nông thôn.

- Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ vốn, xúc tiến thương mại, đầu tư, hỗ trợ ứng dụng, phát triển công nghiệp ngành nghề nông thôn, phát triển làng nghề…

- Hoàn thiện bộ máy, nâng cao năng lực quản lý kinh tế nhà nước về ngành nghề nông thôn.

- Đào tạo, thu hút, sử dụng lao động, chuyên gia ngành nghề nông thôn.

- Phát triển thị trường cho sản phẩm ngành nghề nông thôn, chú ý thị trường xuất khẩu.

- Tăng cường hợp tác, liên kết trong và ngoài nước để phát triển tiêu thụ các sản phẩm của ngành nghề nông thôn.

2. Tổ chức thực hiện quy hoạch:

- Vai trò bộ máy nhà nước, các thành phần kinh tế, các hiệp hội, các đoàn thể.

- Phân công trách nhiệm.

- Tổ chức thực hiện các dự án trọng điểm.

3. Cơ quan lập dự án quy hoạch, thời gian lập dự án quy hoạch:

- Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long.

- Các cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương và các sở ngành liên quan của tỉnh Vĩnh Long; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đơn vị tư vấn; các Bộ ngành trung ương và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

- Thời gian lập dự án quy hoạch: Từ tháng 8/2009 đến tháng 3/2010.

VI. DỰ TOÁN KINH PHÍ:

Tổng kinh phí (đã có thuế VAT): 387.718.880 đồng.

a) Dự toán chi phí theo định mức: Căn cứ Thông tư 03/2008/TT-BKH , ngày 01/7/2008 và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH , ngày 26/3/2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau:

 * Mức chi phí cho dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long:

 GiáQHT                   =        Gchuẩn x H1 x H2 x H3

                               =        500.000.000 đồng x 1 x 1,6 x 1,02

                               =        816.000.000 đồng.

 * Mức chi phí cho dự án quy hoạch ngành cấp tỉnh:

 Giángànhtỉnh                          = Gchuẩn x 30% x hệ số trượt giá x (1 + thuế suất VAT)

                                    = 816.000.000đ x 30% x 1,321x (1 +10%)

                                    = 355.718.880 đồng.

Ghi chú:

- Hệ số trượt giá (tháng 7/2009 so tháng 5/2007) được xác định tương ứng với chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố.

- Do Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH , ngày 26/3/2007 có hiệu lực từ ngày 13/5/2007 nên hệ số trượt giá được tính toán từ tháng 5/2007 đến tháng 7/2009.

b) Cơ cấu định mức chi phí cho các công việc cụ thể: Theo quy định tại Bảng 16 kèm theo Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH , ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

c) Dự toán chi phí ngoài định mức:

* Chi phí mua bản đồ nền:

2.000.000đ/bản x 16 bản = 32.000.000 đồng.

d) Tổng kinh phí:

355.718.880 đồng + 32.000.000 đồng = 387.718.880 đồng.

VII. NGUỒN VỐN: Vốn ngân sách tỉnh năm 2009 - 2010.

VIII. SẢN PHẨM QUY HOẠCH: Gồm có các báo cáo, bản vẽ, bản đồ và đĩa CD, cụ thể như sau:

- Các báo cáo quy hoạch lập theo nội dung quy định (báo cáo chính kèm theo các bản vẽ, bản đồ mô tả vị trí, hiện trạng, phương án quy hoạch theo từng thời kỳ).

- Báo cáo tóm tắt quy hoạch.

- Các văn bản pháp lý liên quan.

- Đĩa CD: Lưu trữ toàn bộ nội dung các báo cáo, bản vẽ, bản đồ…

(Số lượng và chi tiết các hồ sơ theo quy định tại điểm 2, chương III, phần II Thông tư 05/2003/TT-BKH ngày 22/7/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các sở ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Đấu