Quyết định 21/2002/QĐ-BNN ban hành tiêu chuẩn ngành về lĩnh vực môi trường của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Số hiệu: 21/2002/QĐ-BNN Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Bùi Bá Bổng
Ngày ban hành: 21/03/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21/2002/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH TIÊU CHUẨN NGÀNH VỀ LĨNH VỰC MÔI TRƯỜNG

BỘ TRƯ­ỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ nghị định số 73 CP ngày 1/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ vào pháp lệnh chất lư­ợng hàng hoá ngày 24 tháng 12 năm 1999;
Căn cứ vào quy chế lập, xét duyệt và ban hành tiêu chuẩn ngành ban hành kèm theo quyết định số 135/1999-QĐ-BNN-KHCN ngày 01 tháng 10 năm 1999;
Theo đề nghị của ông Vụ trư­ởng vụ Khoa học công nghệ và chất lư­ợng sản phẩm,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này 8 tiêu chuẩn ngành về lĩnh vực môi trường:

- 10TCN 492-2002 - Công trình khí sinh học nhỏ. Yêu cầu kỹ thuật chung;

- 10TCN 493-2002 - Công trình khí sinh học nhỏ. Yêu cầu về xây dựng;

- 10TCN 494-2002 - Công trình khí sinh học nhỏ. Yêu cầu về phân phối và  sử dụng khí;

- 10TCN 495-2002 - Công trình khí sinh học nhỏ. Tiêu chuẩn kiểm tra và nghiệm thu;

- 10TCN 496-2002 - Công trình khí sinh học nhỏ. Yêu cầu vận hành và bảo dưỡng;

- 10TCN 497-2002 - Công trình khí sinh học nhỏ. Yêu cầu về an toàn;

- 10TCN 498-2002 - Công trình khí sinh học nhỏ. Danh mục các thông số và đặc tính kỹ thuật cơ bản;

- 10TCN 499-2002 - Công trình khí sinh học nhỏ. Thiết kế mẫu.

Điều 2. 8 Tiêu chuẩn này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trư­ởng Vụ khoa học công nghệ và chất lư­ợng sản phẩm, Thủ trư­ởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯ­ỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
 VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯ­ỞNG



Bùi Bá Bổng

 


 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - hạnh phúc

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 492 - 2002

Công trình khí sinh học nhỏ. Phần 1: Yêu cầu kỹ thuật chung

Small Size Biogas Plant - Part 1: General Technical Requirements

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 21 /2002/QĐ/BNN

ngày 21 tháng 3 năm 2002)

1   Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các công trình khí sinh học nhỏ, đơn giản (thể tích phân huỷ 10 m3) dùng để xử lý chất thải, sản xuất khí sinh học và phân hữu cơ với nguyên liệu là các loại phân người, phân động vật và thực vật.

2   Thuật ngữ

2.1   Khí sinh học: hỗn hợp khí do quá trình phân huỷ các chất hữu cơ trong điều kiện kỵ khí (không có oxy) sinh ra.

2.2   Thiết bị khí sinh học: thiết bị dùng để xử lý kỵ khí các chất hữu cơ, sản xuất khí sinh học và bã thải.

2.3   Công trình khí sinh học: hệ thống bao gồm thiết bị khí sinh học, đường ống và dụng cụ sử dụng.

2.4   Bể phân huỷ: bộ phận chủ yếu của thiết bị khí sinh học làm nhiệm vụ lưu giữ các nguyên liệu trong những điều kiện thích hợp đảm bảo cho quá trình phân huỷ kỵ khí xảy ra thuận lợi.

2.5   Bộ tích khí: bộ phận của thiết bị khí sinh học làm nhiệm vụ thu tích khí sinh học được sản xuất ra để sử dụng vào các mục đích hữu ích.

2.6   Bể điều áp: bộ phận của thiết bị khí sinh học làm nhiệm vụ tạo ra áp suất khí bằng cách lưu giữ phần dịch phân huỷ trào ra khỏi bể phân huỷ khi khí sinh học được sản xuất ra.

2.7   Cửa vào: nơi để nạp nguyên liệu vào bể phân huỷ.

2.8   Cửa ra: nơi dịch phân huỷ được lấy đi khỏi bể phân huỷ.

2.9   Cửa thăm: nơi qua đó người có thể vào ra bể phân huỷ.

2.10 Đầu lấy khí: nơi lấy khí ra khỏi bộ tích khí  của thiết bị.

2.11 Nguyên liệu nạp: các chất hữu cơ được đưa vào bể phân huỷ để xử lý, sản xuất ra khí sinh học và bã thải.

2.12 Chất khô: phần còn lại của nguyên liệu sau khi đã sấy cho bay hơi hết nước.

2.13 Cơ chất: hỗn hợp nguyên liệu nạp được pha loãng với nước để đạt hàm lượng chất khô thích hợp với hoạt động của các vi khuẩn.

2.14 Dịch phân huỷ: môi trường chất lỏng nằm trong bể phân huỷ, nơi quá trình phân huỷ xảy ra.

2.15 Dịch thải: phần lỏng thải ra khỏi bể phân huỷ.

2.16 Bã cặn: phần đặc lắng đọng trong bể phân huỷ.

2.17 Tỉ lệ pha loãng: tỉ lệ giữa lượng nước dùng để pha loãng với lượng nguyên liệu nhằm tạo thành dịch phân huỷ có hàm lượng chất khô tối ưu cho quá trình phân huỷ.

2.18 Nạp từng mẻ: nạp một lần, sau một thời gian dài vài tháng mới nạp lần tiếp theo.

2.19 Thời gian lưu: thời gian nguyên liệu lưu giữ trong bể phân huỷ.

2.20 Thể tích bể phân huỷ: tổng thể tích của bể phân huỷ.

2.21 Thể tích phân huỷ: thể tích của phần bể phân huỷ chứa dịch phân huỷ khi áp suất khí trong thiết bị đạt trị số lớn nhất theo thiết kế.

2.22 Thể tích trữ khí: phần thể tích của thiết bị dùng để lưu giữ khí trong thiết bị.

2.23 Thể tích đệm: phần thể tích không hoạt động của các bộ phận nhưng có tác dụng phục vụ cho mục đích dự phòng hoặc an toàn.

2.24 Cỡ của thiết bị khí sinh học là:

-         Tổng thể tích của bể phân huỷ đối với thiết bị nắp cố định

-         Tổng thể tích của bể phân huỷ và thể tích của nắp trữ khí đối với thiết bị nắp nổi.

2.25 Thiết bị khí sinh học nhỏ:  thể tích phân huỷ từ 10 m3 trở xuống.

2.26 Công suất khí: lượng khí do thiết bị sinh ra trong một ngày.

2.27 Năng suất khí: lượng khí do thiết bị sinh ra trong một ngày tính cho một đơn vị thể tích phân huỷ.

2.28 Hiệu suất sinh khí: lượng khí do thiết bị sinh ra trong một ngày tính cho một đơn vị khối lượng nguyên liệu nạp hàng ngày.

2.29 Hệ số tích khí: tỷ lệ giữa thể tích trữ khí và công suất khí của thiết bị.

2.30 Áp suất khí: độ chênh giữa áp suất tuyệt đối của khí sinh học trong bộ tích khí của thiết bị và áp suất khí quyển.

2.31 Áp suất khí làm việc: áp suất khí trong điều kiện thiết bị hoạt động bình thường theo thiết kế.

2.32 Áp suất khí cực đại: giới hạn trên của áp suất khí làm việc.

2.33 Mức số không: mức dịch phân huỷ ở bể phân huỷ tương ứng với trạng thái áp suất khí bằng không theo thiết kế. Khi đó bề mặt chất lỏng trong bể phân huỷ và ngoài khí trời ngang nhau.

2.34 Mức thấp nhất: mức dịch phân huỷ ở bể phân huỷ tương ứng với trạng thái áp suất khí lớn nhất theo thiết kế. Khi đó bề mặt chất lỏng trong bể phân huỷ và ngoài khí trời chênh nhau nhiều nhất.

2.35 Mức xả tràn: mức dịch phân huỷ ở bể điều áp cao nhất theo thiết kế mà nếu vượt quá mức đó thì dịch phân huỷ sẽ tràn ra ngoài. Ở trạng thái này, dịch phân huỷ trong bể phân huỷ sẽ ở mức thấp nhất.

3   Phân loại thiết bị khí sinh học

3.1   Thiết bị nắp nổi: có bộ tích khí là một nắp úp vào phía trên bể phân huỷ và có thể nổi lên hoặc chìm xuống tuỳ theo lượng khí tích trong đó.

3.2   Thiết bị nắp cố định: có bộ tích khí là phần trên gắn liền với phần phân huỷ ở dưới tạo thành bể phân huỷ. Ngoài bể phân huỷ, thiết bị còn có bể điều áp nối với đầu ra của bể phân huỷ.

3.3   Thiết bị túi chất dẻo: một biến thể của thiết bị nắp cố định, được chế tạo bằng túi chất dẻo.

3.4   Thiết bị có bộ chứa khí tách riêng: bộ tích khí tách riêng với bể phân huỷ.

4   Những thông số chính đặc trưng cho thiết bị khí sinh học

Người thiết kế phải công bố các thông số đặc trưng biểu thị bằng các đơn vị thống nhất sau đây

4.1   Cỡ của thiết bị, được biểu thị bằng đơn vị mét khối (m3).

4.2   Thể tích phân huỷ, được biểu thị bằng đơn vị mét khối (m3).

4.3   Thể tích trữ khí, được biểu thị bằng đơn vị mét khối (m3).

4.4   Thể tích của nắp trữ khí hoặc thể tích của bể điều áp, được biểu thị bằng đơn vị mét khối (m3).

4.5   Công suất khí, được biểu thị bằng đơn vị mét khối/ngày (m3/ngày).

4.6   Loại nguyên liệu và lượng nạp hàng ngày được biểu thị bằng đơn vị kilogam/ngày (kg/ngày).

4.7   Tỉ lệ pha loãng, được biểu thị bằng đơn vị lít/kilogam (l/kg).

4.8   Thời gian lưu, được biểu thị bằng đơn vị ngày.

4.9   Áp suất khí cực đại, được biểu thị bằng đơn vị xentimet cột nước (cmH2O).

5   Yêu cầu cấu tạo

5.1   Thiết bị nhất thiết phải có cửa thăm.

5.2   Các bộ phận phải được bố trí hợp lý, thuận tiện cho việc vận hành.

5.3   Đảm bảo khả năng chịu tải của thiết bị khi không chứa dịch phân huỷ và khi hoạt động.

5.4   Kích thước của các bộ phận phải hợp lý, đảm bảo tiết kiệm vật liệu tối đa.

5.5   Ống đầu vào và đầu ra phải bố trí sao cho có thể xử lý được dễ dàng khi bị tắc.

5.6   Đầu dưới của ống lấy khí và miệng trên của ống đầu vào ít nhất phải cao hơn mức xả tràn là 15 cm để tránh nguy cơ làm tắc ống lấy khí và nguyên liệu tươi trào ra khỏi ống lối vào.

6   Yêu cầu thiết kế

6.1   Áp suất khí và chiều dầy lớp đất lấp trên vòm bể phân huỷ của thiết bị nắp cố định phải được tính toán sao cho vòm bể không bị nứt vỡ khi làm việc.

6.2   Các bể phải chịu được tải trọng di động bằng 200 kg/m2.

6.3   Tỷ lệ pha loãng đảm bảo sao cho cơ chất có hàm lượng chất khô là 9 ¸ 10% đối với phân động vật, 20 ¸ 22% đối với thực vật.

6.4   Thời gian lưu đối với phân động vật đảm bảo không nhỏ hơn giá trị tương ứng với nhiệt độ qui định ở bảng sau

Bảng 1 - Thời gian lưu qui định

Vùng

Nhiệt độ trung bình về mùa đông (OC)

Thời gian lưu (ngày)

I

10 - 15

60

II

15 - 20

50

III

³ 20

40

6.5   Thời gian lưu đối với nguyên liệu thực vật được qui định là 100 ngày.

7   Yêu cầu kỹ thuật

7.1   Độ kín khí của thiết bị phải đảm bảo sao cho mức độ tổn thất khí trong 24 giờ không vượt quá 5% tổng lượng khí sinh ra.

7.2   Năng suất khí trung bình ít nhất phải đạt 0,25 m3/m3 phân huỷ/ngày.

7.3   Tuổi thọ của thiết bị không được dưới 20 năm.

8   Yêu cầu vệ sinh môi trường

Chất thải sau khi xử lý qua thiết bị khí sinh học phải đạt các yêu cầu

8.1   Không còn mùi hôi thối.

8.2   Không có bọ gậy và giòi.

8.3   Hàm lượng các chất hữu cơ giảm tối thiểu 50% so với dịch phân huỷ đầu vào.

8.4   Trứng ký sinh trùng ít nhất giảm 95% so với dịch phân huỷ đầu vào, không phát hiện thấy trứng giun móc và trứng sán lá, mật độ coliform không vượt quá 106 MPN/100ml.

 

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - hạnh phúc

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 493 - 2002

Công trình khí sinh học nhỏ. Phần 2: Yêu cầu về xây dựng.

Small Size Biogas Plant - Part 2: Requirements for Construction

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 21/2002/QĐ/BNN

  ngày 21 tháng 3 năm 2002)

1   Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các công trình khí sinh học nhỏ, đơn giản (thể tích phân huỷ 10 m3) dùng để xử lý chất thải, sản xuất khí sinh học và phân hữu cơ với nguyên liệu là các loại phân người, phân động vật và thực vật.

2   Yêu cầu về công tác chuẩn bị

2.1  Lựa chọn kiểu thiết bị

Việc lựa chọn kiểu thiết bị cần căn cứ vào những yếu tố sau

2.1.1 Mức độ sẵn có về các vật liệu cần thiết và thợ thi công, xây dựng.

2.1.2 Giá vật liệu và nhân công.

2.1.3 Loại và số lượng nguyên liệu nạp sẽ sử dụng.

2.1.4 Những điều kiện về địa lý, thuỷ văn, khí hậu v.v. nơi xây thiết bị.

2.1.5 Trình độ hiểu biết và kinh nghiệm của tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm kỹ thuật.

2.2  Lựa chọn cỡ và các thông số khác của thiết bị

2.2.1 Lựa chọn cỡ thiết bị

Việc lựa chọn cỡ thiết bị cần căn cứ vào những yếu tố sau:

-         Loại và số lượng nguyên liệu nạp.

-         Chế độ vận hành: nạp liên tục hàng ngày hoặc từng mẻ hoặc kết hợp, lượng nước pha loãng...

-         Điều kiện khí hậu của địa phương.

-         Nhu cầu sử dụng khí.

2.2.2 Lựa chọn thể tích trữ khí của thiết bị

Lựa chọn thể tích trữ khí của thiết bị phải căn cứ vào các yếu tố sau:

-         Công suất sinh khí của thiết bị.

-         Mục đích sử dụng khí: đun nấu, thắp sáng, chạy máy phát điện...

-         Biểu đồ sử dụng khí hàng ngày.

2.3  Lựa chọn vị trí xây bể phân huỷ

2.3.1 Xây bể phân huỷ nên kết hợp với nhà xí và chuồng gia súc thành một hệ thống liên hoàn để phân người và phân gia súc có thể chảy tự động vào bể phân huỷ.

2.3.2 Khoảng cách từ bể phân huỷ tới giếng nước sinh hoạt tối thiểu phải là 10 m.

2.3.3 Khoảng cách từ bể phân huỷ tới bếp phải đảm bảo ngắn nhất trong điều kiện cho phép.

2.3.4 Bể phân huỷ cần đặt xa các cây lớn để tránh rễ cây đâm vào bể.

2.3.5 Nơi xây bể phân huỷ cần đảm bảo được chiếu nắng tối đa.

2.3.6 Nơi xây bể phân huỷ cần đảm bảo được kín gió tối đa.

2.3.7 Nơi xây bể phân huỷ cần tránh nguy cơ nước ngập vào bể.

2.3.8 Nơi xây bể phân huỷ nên có điều kiện nền đất thích hợp. Nếu nền đất yếu phải xử lý như qui định ở điều 5.

3   Yêu cầu về vật liệu xây dựng

3.1   Gạch: mac từ 75 trở lên.

3.2   Cát: cát sạch, không lẫn đất, rác.

3.3   Xi măng: xi măng poóc lăng mác từ  PC 30 trở lên.

3.4   Sỏi, đá dăm, gạch vỡ phải có bề mặt sạch, không dính đất hoặc các chất hữu cơ.

3.5   Bê tông: các bộ phận được đúc tại chỗ với mác ³150.

3.6   Vữa xây: có mác tương đương với mác gạch. Đối với xi măng PC 30, vữa xi măng có tỷ lệ cấp phối theo thể tích là 1 xi măng / 4 cát.

3.7   Vữa trát: thành phần theo những qui định ở điều 8 dưới đây.

3.8   Các loại ống dẫn nguyên liệu: đảm bảo không bị nứt, rò rỉ, ống dẫn nguyên liệu vào có đường kính từ 150 mm trở lên và ống lấy dịch thải ra có đường kính từ 100 mm trở lên,.

4   Yêu cầu về công tác đào đất

4.1  Thành hố đào

4.1.1 Trong trường hợp độ sâu hố đào không vượt quá giới hạn qui định ở bảng 1, thành hố có thể đào thẳng đứng.

Bảng 1 - Độ sâu cho phép đào thành hố thẳng đứng

Kích thước tính bằng mét

Loại đất

Trường hợp không có nước ngầm, đất có độ ẩm tự nhiên

Trường hợp có nước ngầm

Đất cát và đất cát sỏi

1,00

0,60

Đất thịt pha cát và đất thịt

1,25

0,75

Đất sét

1,50

0,95

Đất đặc biệt rắn chắc

2,00

1,20

4.1.2 Nếu địa điểm xây dựng không có nước ngầm, đất có độ ẩm tự nhiên và có cấu trúc đồng nhất, và độ sâu hố đào nhỏ hơn 5 m; hoặc địa điểm xây dựng có nước ngầm và độ sâu hố đào nhỏ hơn 3 m thì thành hố phải đảm bảo độ nghiêng như qui định ở bảng 2.

Bảng 2 - Độ nghiêng nhỏ nhất cho phép của thành hố

Loại đất

Độ nghiêng

Đất cát

1:1

Đất thịt pha cát

1:0,78

Đất có sỏi và đá cuội

1:0,67

Đất thịt

1:0,50

Đất sét

1:0,33

Đất hoàng thổ khô

1:0,25

Chú thích - Độ nghiêng là tỷ số giữa độ cao của thành hố và khoảng cách giữa chân và đỉnh của thành hố tính theo phương nằm ngang.

4.2  Bố trí hố đào

4.2.1 Kích thước hố đào phải bằng kích thước của các khối xây trong bản vẽ thiết kế cộng thêm 15 cm bề dầy lớp đất chèn lấp.

4.2.2 Trong trường hợp đất cứng chắc, có thể đặt các khối xây sát với thành hố, không cần chừa khoảng trống để lấp đất.

4.3  Những yêu cầu về việc đào hố

4.3.1 Không được phép làm xáo trộn đất nguyên thuỷ chung quanh hố cũng như chất các vật nặng và đất đã đào chung quanh hố. 

4.3.2 Nếu có nước ngầm thì nhất thiết phải đào rãnh thu nước quanh đáy về hố thu nước và thường kỳ bơm ra khỏi hố khi xây dựng và tăng chiều dày lớp đất lèn xung quanh khối xây để chống lại lực ác-si-mét nâng khối xây lên.

5   Yêu cầu về công tác làm nền móng

5.1   Các thiết kế được thực hiện phù hợp với điều kiện địa chất của nền đất sau: đất sét, đất thịt, đất cát, đất thịt pha cát và đất sỏi. Trong trường hợp gặp nền đất có địa chất đặc biệt thì cần theo những biện pháp xử lý dưới đây.

5.2   Đất bùn: Sau khi đào lớp bùn nhão, đầu tiên phải dùng đá to để lèn chặt, sau đó lấp đầy và san phẳng bằng xỉ than hoặc đá nghiền nhỏ, cuối cùng trát một lớp vữa xi măng tỉ lệ 1:5,5.

5.3   Đất cát chảy: Sau khi đào, đáy hố không được thấp hơn mực nước ngầm quá 0,5 m. Nếu vượt quá giới hạn trên thì nhất thiết phải có những biện pháp kỹ thuật để hạ thấp mực nước ngầm từ phía ngoài hố hoặc lựa chọn địa điểm khác.

5.4   Đất dễ bị lở hoặc đất hoàng thổ dễ bị xập: Trong trường hợp này cần phải thay đất bằng loại đất bình thường hoặc có những biện pháp để tiêu nước và giữ cho không thấm nước.

6   Yêu cầu về công tác xây gạch

6.1. Xây đáy

6.1.1.  Phải đầm chặt nền đất nguyên thuỷ.

6.1.2. Lót một lớp vữa xi măng cấp phối có tỷ lệ 1:5,5 dầy khoảng 1cm rồi lát gạch lên trên.

6.1.3. Đối với đáy tròn, phải định tâm và bán kính đáy rồi xây vòng gạch ngoài cùng trước. Sau đó lần lượt xây các vòng gạch bên trong sao cho các vòng đồng tâm và không trùng mạch với nhau.

6.2. Xây tường thành và nắp vòm

6.2.1 Trước khi xây, gạch phải được nhúng qua vào nước sao cho bên ngoài đã khô se nhưng bên trong vẫn còn ẩm.

6.2.2 Gạch phải được đặt ngay ngắn theo chiều ngang và theo chiều dọc, đảm bảo các viên gạch nằm thẳng hàng theo chiều ngang, không trùng mạch theo chiều dọc.

6.2.3 Mạch vữa phải đầy và được miết kỹ cả ở hai phía cho ngang bằng với mặt gạch.

6.2.4 Trường hợp phải lấp đầy khe hở giữa thành bể và thành hố đào thì phải tuân thủ những yêu cầu nêu ở điều 9 dưới đây.

6.2.5 Đối với tường hình trụ hoặc hình đới cầu, phải theo đúng các biện pháp định tâm để đảm bảo các viên gạch nằm cách đều tâm, tường xây không bị méo mó.

6.3. Lắp ống nạp nguyên liệu vào và ống lấy dịch thải ra

6.3.1 Phải đảm bảo độ cao của miệng trên và miệng dưới của các ống trên đúng như trong thiết kế.

6.3.2 Cả hai ống phải thẳng, không có chỗ gấp khúc để tránh bị tắc.

6.3.3 Phải đảm bảo miệng trên của các ống không bị vướng bởi bất cứ vật cản nào để khi cần có thể đưa một sào thẳng thọc vào ống nhằm thông tắc ống hoặc khuấy đảo dịch phân huỷ trong bể phân huỷ.

6.3.4 Phải đảm bảo miệng dưới của các ống nằm đối xứng với nhau về hai phía đối diện của bể phân huỷ.

6.3.5 Phải cố định các ống chắc chắn rồi mới dùng vữa gắn ống với thành bể, tránh không làm cho ống bị lay động khi vữa chưa khô chắc.

6.3.6 Cần đặc biệt lưu ý khi dùng vữa gắn ống với thành bể, đảm bảo sao cho chỗ gắn không bị rò rỉ sau này vì đây là nơi có nguy cơ rò rỉ cao. 

7   Yêu cầu về công tác đổ bê tông tại chỗ

7.1  Đổ bê tông dùng rãnh đất làm khuôn

7.1.1 Yêu cầu về trình tự xây dựng

7.1.1.1 Lấy dấu vị trí các bộ phận của thiết bị theo bản vẽ.

7.1.1.2 Đầu tiên đào rãnh đất để tạo khuôn đổ thành bể điều áp và hoàn thiện bề mặt để tạo khuôn cho phần vòm theo kích thước như bản vẽ thiết kế.

7.1.1.3 Tiến hành đổ bê tông thành và vòm bể điều áp.

7.1.1.4 Sau 10 ngày, moi đất ra khỏi bể điều áp.

7.1.1.5 Tiến hành đào rãnh khuôn bể điều áp, hoàn thiện bề mặt để tạo khuôn vòm bể, đào các rãnh ống lối vào và lối ra theo kích thước như bản vẽ thiết kế.

7.1.1.6 Đật và cố định các ống lối vào và lối ra.

7.1.1.7 Tiến hành đổ bê tông bể phân huỷ.

7.1.1.8 Sau 10 ngày, moi đất ra khỏi bể phân huỷ.

7.1.1.9 Tiến hành đổ bê tông đáy của bể phân huỷ và bể điều áp.

7.1.1.10     Trát các lớp vữa chống thấm phía trong các bể.

7.1.2 Khi đổ bê tông cần đầm kỹ, đồng đều, đối xứng. Cần miết và làm nhẵn phần ngoài của vòm bằng loại vữa bê tông.

7.2  Đổ bê tông dùng ván khuôn (cốp pha)

7.2.1 Ván khuôn

7.2.1.1 Ván khuôn ngoài: Trong trường hợp đất thích hợp với việc đào thành hố thẳng đứng, thành hố được dùng làm khuôn ngoài để đổ bê tông thành bể dạng hình trụ. Mẫu khuôn đất cần được gọt tỉa dần dần từ nhỏ đến to. Cần phải cạo, làm phẳng mặt khuôn đất hoặc trát một lớp đất thông thường, và phải giữ cho đất ẩm.

7.2.1.2 Ván khuôn trong: Có thể dùng thép, gỗ hoặc gạch làm ván khuôn trong. Khi xếp khuôn gạch, cần nhúng gạch vào nước và giữ cho ẩm phía trong nhưng khô phía ngoài. Không được để cho vữa rò rỉ qua các chỗ tiếp giáp giữa các viên gạch.

7.2.2 Vật liệu: phải đảm bảo các yêu cầu như đã nêu ở điều 3.

7.2.3 Trộn bê tông

7.2.3.1 Thành phần của bê tông phải đảm bảo sao cho cường độ bê tông không thấp hơn so với thiết kế. Tỷ lệ nước:xi măng phải giới hạn trong phạm vi 0,65 ¸ 0,55.

7.2.3.2 Độ sụt của bê tông mới trộn phải nằm trong giới hạn 4 ¸ 7 cm.

7.2.3.3 Sai số về lượng vật liệu sử dụng: Khi trộn bê tông, vật liệu phải đảm bảo đúng tỷ lệ qui định.

7.2.4 Đổ bê tông

7.2.4.1 Trước khi đổ bê tông, phải làm sạch các chất ngoại lai bám vào ván khuôn và tưới nước để làm ẩm khuôn.

7.2.4.2 Tiến hành đổ bê tông theo qui trình xoáy trôn ốc để đồng thời tạo hình luôn một lúc. Cần đảm bảo cho bê tông được lèn chặt, không có vết rỗ tổ ong hoặc vẩy cá.

7.2.5  Bảo dưỡng

7.2.5.1 Bê tông cần được bảo dưỡng sao cho bề mặt luôn ẩm.

7.2.5.2 Bê tông đổ tại chỗ, ngoài trời cần được che phủ bằng bao tải hoặc rơm và tưới nước giữ ẩm.

7.2.5.3 Mười hai giờ sau khi đổ, bê tông cần được bảo dưỡng ở điều kiện ẩm liên tục trong thời gian ít nhất là 7 ngày.

7.2.5.4 Trong trường hợp có bổ sung phụ gia hoá dẻo vào bê tông, thời gian bảo dưỡng không được dưới 14 ngày.

7.2.6 Tháo dỡ ván khuôn

7.2.6.1 Khi tháo ván khuôn các mặt bên, thời gian bảo dưỡng phải trên 5 ngày.

7.2.6.2 Khi tháo ván khuôn chống đỡ, thời gian bảo dưỡng phải trên 10 ngày.

8   Yêu cầu về công tác trát các lớp vữa chống thấm khí

Lớp vữa chống thấm khí được áp dụng cho phần chứa khí của công trình khí sinh học. Việc trát các lớp vữa chống thấm khí phải thực hiện theo qui trình 5 bước như dưới đây

8.1. Đối với bể phân huỷ xây bằng gạch

8.1.1 Quét lớp hồ nền: Quét một lớp hồ xi măng nguyên chất với tỷ lệ nước - xi măng là 0,4. Quét 2 lần, đảm bảo đồng đều trên toàn bề mặt cần chống thấm.

8.1.2 Trát lớp vữa nền: Trát một lớp vữa xi măng cát dày 1 cm theo tỷ lệ 1:2,5. Miết kỹ 2, 3 lần liên tục trước khi vữa rắn lại.

8.1.3 Quét lớp hồ giữa: Một ngày sau khi trát lớp vữa nền, lặp lại bước tại điều 8.1.1.

8.1.4 Trát lớp vữa ngoài: Lặp lại bước tại điều 8.1.2.

8.1.5 Đánh màu lớp ngoài cùng: Đánh màu lớp ngoài cùng dày 3 mm bằng xi măng nguyên chất.

8.1.6 Nên phủ thêm một lớp chống thấm khí đặc biệt bằng xi măng pha phụ gia chống thấm khí, natri silicat hoặc parafin... để tăng độ kín khí của lớp trát.

8.2. Đối với bể phân huỷ xây bằng bê tông đổ tại chỗ

Việc trát lớp vữa chống thấm cũng phải tuân theo các yêu cầu như ở các bước tại điều 8.1.1, 8.1.2, 8.1.5 và 8.1.6, nghĩa là bỏ bớt lớp hồ xi măng và lớp vữa ở giữa.

9   Yêu cầu về công tác san lấp đất

9.1  Khe hở phải được lấp đầy bằng đất thông thường.

9.2  Việc lấp đất phải thực hiện một cách đối xứng và đồng đều ở mọi phía của bể để tránh tác động của tải trọng cục bộ gây nứt vỡ.

9.3  Đất lấp  cần được đầm chặt hết lớp này đến lớp tiếp theo.

9.4  Việc lấp đất lên nắp vòm chỉ được thực hiện khi sau khi đổ bê tông ít nhất 10 ngày và chiều dầy lớp đất phải đảm bảo đúng theo thiết kế.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - hạnh phúc

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 494 - 2002

Công trình khí sinh học nhỏ. Phần 3: Yêu cầu về phân phối và sử dụng khí.

Small Size Biogas Plant - Part 3: Requirements for

 Distribution and Utilization of Gas

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 21/2002/QĐ/BNN  

ngày 21 tháng 3 năm 2002)

 

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các công trình khí sinh học nhỏ, đơn giản (thể tích phân huỷ 10 m3) dùng để xử lý chất thải, sản xuất khí sinh học và phân hữu cơ với nguyên liệu là các loại phân người, phân động vật và thực vật.

2. Yêu cầu về hệ thống đường ống dẫn khí

2.1  Các loại ống sau đây có thể dùng để dẫn khí

2.1.1 Ống nhựa PVC.

2.1.2 Ống thép tráng kẽm.

2.1.3 Ống nhựa mềm.

2.2  Kích thước ống cần được lựa chọn căn cứ theo độ dài của ống và lưu lượng khí cần chuyển tải tới dụng cụ sử dụng sao cho đảm bảo được áp suất khí cung cấp cho dụng cụ sử dụng nằm trong giới hạn tối ưu. Thông thường để cung cấp đủ khí cho 2 bếp đun, đường kính ống có thể được xác định như sau

2.2.1 Với chiều dài dưới 30 m, đường kính ống là 12 mm.

2.2.2 Với chiều dài dưới 50 m, đường kính ống là 19 mm.

2.2.3 Với chiều dài dưới 100 m, đường kính ống là 25 mm.

2.3  Việc lắp đặt ống cần tuân theo những yêu cầu sau

2.3.1 Hạn chế tối đa những chỗ gấp khúc để tránh tổn thất áp suất khí.

2.3.2 Phải đảm bảo kín khí, đặc biệt là ở những chỗ nối.

2.3.3 Phải bố trí sao cho nước đọng trong đường ống được tự động thu và xả đi. Nếu đường ống được lắp phía trên ống lấy khí ra khỏi bể phân huỷ thì nơi thu nước đọng có thể là chính bể phân huỷ. Trường hợp khác thì phải lắp bẫy thu nước đọng.

2.3.4 Phải tạo một độ dốc tối thiểu là 2% để nước đọng trong đường ống tự động chảy được về nơi thu nước đọng.

2.3.5 Phải bảo vệ ống tránh khỏi các tác động cơ học làm hỏng ống.

2.3.6 Phải tránh lắp đường ống đi qua những nơi dễ cháy nổ để đề phòng hoả hoạn.

3. Yêu cầu về van khoá

3.1    Van khoá phải đảm bảo kín khí cả khi mở cho khí lưu thông qua đường ống. Các loại van cầu hoặc van côn là loại thích hợp.

3.2    Cần kiểm tra độ kín khí của van trước khi lắp vào đường ống.

4. Yêu cầu về bếp

4.1 Yêu cầu về chất lượng bếp

Bếp khí sinh học dùng để đun nấu phục vụ sinh hoạt gia đình phải đảm bảo các yêu cầu dưới đây.

4.1.1 Yêu cầu chung

4.1.1.1 Đơn giản và dễ thao tác.

4.1.1.2 Đa dụng, nghĩa là có thể dùng cho nhiều cỡ nồi.

4.1.1.3 Dễ làm vệ sinh.

4.1.1.4 Dễ thay thế, sửa chữa.

4.1.1.5 Giá thành hợp lý.

4.1.1.6 Hình dáng hấp dẫn.

4.1.1.7 Chất lượng kỹ thuật cao như qui định chi tiết ở điều 4.2.

4.1.2 Yêu cầu về kỹ thuật

4.1.2.1 Hoạt động được trong phạm vi thay đổi áp suất và lưu lượng rộng.

4.1.2.2 Hiệu suất cao: ở chế độ định mức phải đạt từ 50% trở lên.

4.1.2.3 Cung cấp nhiệt đồng đều trên toàn diện tích được đốt nóng.

4.1.2.4 Ngọn lửa không bị bay khỏi các lỗ đốt.

4.1.2.5 Dễ bắt cháy, ngọn lửa nhanh chóng và dề dàng lan chuyền sang toàn thể các lỗ đốt của bộ đốt.

4.1.2.6 Khi hoạt động không gây tiếng ồn.

4.1.2.7 Tuổi thọ lâu bền.

4.2 Yêu cầu về sử dụng bếp

4.2.1 Lắp đặt: Phải lắp đặt bếp ở nơi thích hợp dễ thao tác, không bị gió lùa.

4.2.2 Châm lửa: Khi châm lửa, cần đưa mồi lửa tới gần lỗ đốt rồi mới mở khoá cho khí thoát ra và bắt cháy.

4.2.3 Điều chỉnh: Cần điều chỉnh bếp trước khi tiến hành đun nấu sao cho đạt chế độ cháy tốt nhất

4.2.3.1 Ngọn lửa gọn và xanh.

4.2.3.2 Ngọn lửa tập trung ở đáy nồi, không chùm ra ngoài đáy nồi.

4.2.3.3 Ngọn lửa cháy ổn định.

4.2.4 Bảo dưỡng: Phải thường xuyên làm vệ sinh bếp, đặc biệt là giữ cho các lỗ đốt không bị bịt tắc và van khoá không bị hở khí.

5. Yêu cầu về đèn

Đèn khí sinh học dùng để thắp sáng phục vụ sinh hoạt là loại đèn mạng. Đèn cần tuân theo những yêu cầu sau.

5.1  Yêu cầu về chất lượng đèn

5.1.1 Yêu cầu chung

Như đối với bếp.

5.1.2 Yêu cầu về kỹ thuật

5.1.2.1 Hoạt động được trong phạm vi thay đổi áp suất rộng.

5.1.2.2 Hiệu suất phát quang phải đạt 1,2 ¸ 2,0 lm/W (lumen/oát).

5.1.2.3 Đảm bảo mạng sáng đều trên toàn bề mặt.

5.1.2.4 Đèn cháy ổn định.

5.1.2.5 Khi hoạt động không gây tiếng ồn.

5.1.2.6 Tuổi thọ lâu bền.

5.2  Yêu cầu về sử dụng đèn

5.2.1 Lắp đặt: Phải lắp đặt đèn ở nơi thích hợp để chiếu sáng tốt, dễ thao tác, không bị gió lùa và không bị lay động dễ làm rụng mạng, xa những vật dễ bắt lửa.

5.2.2 Châm lửa: Khi châm lửa, cần đưa mồi lửa tới gần mạng rồi mới mở khoá cho khí thoát ra và bắt cháy.

5.2.3 Điều chỉnh: Cần điều chỉnh đèn sao cho đạt chế độ cháy tốt nhất

5.2.3.1 Mạng cháy sáng nhất.

5.2.3.2 Đèn sáng ổn định.

5.2.4 Tất đèn: Chỉ được tắt đèn bằng cách đóng van khoá khí lại.

5.2.5 Lắp và thay mạng

5.2.5.1 Lắp mạng mới:

-         Nong mạng ra và nắn sao cho mạng phồng đều như một quả cầu rỗng rồi buộc mạng chặt vào tổ ong.

-         Đưa mồi lửa lại gần mạng rồi từ từ mở van khí cho mạng bắt cháy.

-         Điều chỉnh đèn cho tới khi các vùng tối của mạng không còn nữa.

-         Tắt đèn nếu không cần sử dụng.

5.2.5.2 Thay mạng:

-         Dùng bao bảo vệ tay rồi cẩn thận tháo bỏ mạng rách và chôn lấp ở nơi xa, tránh hít phải bụi của mạng vì có phóng xạ.

-         Tháo tổ ong ra dể làm sạch rồi lắp lại.

-         Lắp mạng mới như điều 5.2.5.1.

5.2.6 Bảo dưỡng

5.2.6.1 Mạng đã được đốt trở nên dễ vỡ. Do đó cần tránh cho đèn không bị trấn động mạnh hoặc chạm vật cứng vào mạng vì dễ làm mạng bị rách hoặc rụng.

5.2.6.2 Phải thường xuyên làm vệ sinh đèn, đặc biệt là giữ cho các lỗ vòi phun không bị tắc và van khoá không bị hở khí.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - hạnh phúc

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 495 - 2002

Công trình khí sinh học nhỏ. Phần 4: Tiêu chuẩn kiểm tra và nghiệm thu

Small Size Biogas Plant - Part 4: Standard for Check and Acceptance

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 21/2002/QĐ/BNN

 ngày 21 tháng 3 năm 2002)

1   Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các công trình khí sinh học nhỏ, đơn giản (thể tích phân huỷ 10 m3) dùng để xử lý chất thải, sản xuất khí sinh học và phân hữu cơ với nguyên liệu là các loại phân người, phân động vật và thực vật.

2   Công tác làm đất

2.1    Khả năng chịu tải của đất ở đáy bể phân huỷ phải ³ 5000 kg/m2

Phương pháp kiểm tra: Quan sát và kiểm tra chất lượng của đất và kiểm tra lại hồ sơ thiết kế.

2.2    Đất để lấp phải được đầm chặt theo từng lớp. Khối lượng thể tích của đất khô phải bằng 1800 kg/m3 với sai số không vượt quá 0,03 kg/m3.

Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ xây dựng và mẫu đất để xác định. Mỗi thiết bị khí sinh học cần có 2 mẫu đất.

2.3    Độ nghiêng, đường kính và độ cao của hố đào cần theo những qui định sau

2.3.1. Độ nghiêng cần tuân thủ theo qui định ở bảng 1.

Bảng 1

Loại đất

Độ nghiêng

Loại đất

Độ nghiêng

Đất cát

1:1

Đất thịt

1:0,5

Đất thịt pha cát

1:0,78

Đất hoàng thổ

1:0,25

Đất sét

1:0,33

Đất đá sỏi hay đá cuội

1:0,67

Chú thích - Độ nghiêng là tỷ số giữa độ cao của thành hố và khoảng cách giữa chân và đỉnh của thành hố tính theo phương nằm ngang.

2.3.2. Đường kính hố đào cần phải phù hợp với các kích thước theo yêu cầu của quá trình xây dựng.

2.3.3. Các sai số cho phép về đường kính, độ cao, độ thẳng đứng và độ nhẵn bề mặt của thành hố đào được qui định ở bảng 2.

Bảng 2

Hạng mục

Sai số cho phép (mm)

Phương pháp kiểm tra

Số điểm kiểm tra

Đường kính

± 5

Đo bằng thước

4

Độ cao

+ 15

- 5

Kéo căng ngang một sợi dây định mức rồi đo bằng thước

4

Độ thẳng đứng

± 5

Đo bằng dây dọi và thước

4

Độ nhẵn bề mặt

± 5

Kiểm tra bằng thước

4

3   Công tác xây gạch

3.1    Vữa xây phải đầy mạch và được miết chặt. Độ lấp đầy của vữa ở các mạch theo phương thẳng đứng và theo phương nằm ngang không được dưới 95%. Không được để có những khe trống nối thông hai phía của khối xây.

Phương pháp kiểm tra: Nhấc ra ba viên gạch ở những vị trí khác nhau lần lượt ở thành và ở vòm bể phân huỷ rồi đo diện tích tiếp xúc của vữa với các bề mặt của gạch bằng một lưới 50 ô vuông. Kết quả đo là giá trị trung bình của 3 vị trí kiểm tra.

3.2    Cường độ của vữa

Cường độ trung bình của vữa không được dưới mác 75.

3.3    Phương pháp đặt gạch

Không được để trùng mạch đứng. Mạch vữa ngang phải ngang thẳng và đều với sai số về độ bằng phẳng phải nhỏ hơn 10 mm.

Phương pháp kiểm tra: Quan sát và đo bằng thước.

3.4    Sai số cho phép và phương pháp kiểm tra trong công tác xây gạch được qui định ở bảng 3.

Bảng 3

Hạng mục

Sai số cho phép (mm)

Phương pháp kiểm tra

Số điểm kiểm tra

Đường kính

± 5

Đo bằng thước

2

Độ cao

+ 5

- 15

Kéo căng ngang một sợi dây định mức rồi đo bằng thước

4

Độ thẳng đứng

± 5

Đo bằng dây dọi và thước

4

Độ nhẵn bề mặt

± 5

Kiểm tra bằng thước

4

4   Công tác đổ bê tông tại chỗ

4.1    Công tác làm khuôn

4.1.1. Các khuôn gạch, khuôn gỗ, khuôn thép và các bộ phận đỡ có liên quan cần phải có đủ sức bền, độ cứng và độ ổn định, dễ lắp ráp và tháo ra. Phương pháp kiểm tra: lắc bằng tay và kiểm tra bằng cách quan sát.

4.1.2. Yêu cầu khuôn phải kín khít, vữa không được rò rỉ ra ở những khe nối giữa các bộ phận của khuôn. Kiểm tra bằng cách quan sát.

4.1.3. Khuôn đổ bê tông phần vòm của bể phân huỷ và bể điều áp phải đảm bảo các sai số cho phép như qui định ở bảng 4.

Bảng 4 - Sai số cho phép và phương pháp kiểm tra đối với khuôn

bê tông nắp vòm

Hạng mục

Loại

Sai số cho phép

(mm)

Phương pháp kiểm tra

Số điểm

kiểm tra

Độ nhô cao

Khuôn gỗ

± 10

Dùng thước hay thước chuẩn phẳng

3

Khuôn thép

± 5

3

Kích thước mặt cắt

 

+ 5

Dùng thước

3

 

- 3

Khuôn cho nắp vòm

Bán kính cong

± 10

Dùng thước đo iát

3

4.2    Cường độ bê tông

Giá trị trung bình của cường độ bê tông của những chi tiết như nắp cửa thăm của bể phân huỷ, nắp bể điều áp không được nhỏ hơn mác 150.

Phương pháp kiểm tra: Dùng búa thử cường độ bê tông.

4.3    Thao tác đổ bê tông

Khi đổ bê tông cần phải rung và nén chặt. Không được để xuất hiện các lỗ rỗ tổ ong, các vết xù xì vẩy cá cũng như những vết nứt.

Phương pháp kiểm tra: Quan sát. Các sai số cho phép và phương pháp kiểm tra tuân theo bảng 5.

Bảng 5

Hạng mục

Sai số cho phép (mm)

Phương pháp kiểm tra

Số điểm kiểm tra

Đường kính

+5 -3

Kiểm tra bằng thước

4

Độ dầy

+5 -3

Kiểm tra bằng thước

4

Độ nhẵn bề mặt

± 4

Kiểm tra bằng thước

4

5   Công tác trát các lớp vữa chống thấm

5.1  Các lớp vữa chống thấm phải đầy vữa và nén chặt bằng cách xoa và miết. Không được để có những vết lộ cát, vết nứt, vết rỗ, chỗ nhô lên hoặc chỗ bong tróc. Bề mặt lớp trát phải nhẵn sáng. Các lớp phải gắn kết chặt chẽ với nhau.

Phương pháp kiểm tra: Quan sát hoặc kiểm tra bằng cách gõ búa gỗ.

5.2  Tỷ lệ của vữa phải theo đúng yêu cầu như qui định ở điều 8 của tiêu chuẩn "10 TCN     ....: 2001. Công trình khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 2: Yêu cầu về xây dựng".

Phương pháp kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ xây dựng.

5.3  Tỷ lệ nước và xi măng của hồ xi măng nguyên chất không được vượt quá 0,4. Việc quét lớp hồ phải đồng đều. Quá trình và số lần quét đều phải theo yêu cầu như qui định ở điều 8 của tiêu chuẩn "10 TCN              : 2001. Công trình khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 2: Yêu cầu về xây dựng". Không được phép có chỗ bỏ sót không quét lớp hồ xi măng.

Phương pháp kiểm tra: Quan sát và kiểm tra hồ sơ xây dựng.

5.4  Lớp hồ xi măng chống thấm khí ngoài cùng phải đảm bảo tỷ lệ nước và xi măng không được vượt quá 0,4, tỷ lệ xi măng và phụ gia chống thấm cũng như thủ tục quét tuân theo đúng yêu cầu như qui định ở điều 8 của tiêu chuẩn "10 TCN           : 2001. Công trình khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 2: Yêu cầu về xây dựng".

Phương pháp kiểm tra: Quan sát và kiểm tra hồ sơ xây dựng.

5.5  Chiều dầy các lớp phải đồng đều và theo đúng yêu cầu như qui định ở điều 8 của tiêu chuẩn "10 TCN           : 2001. Công trình khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 2: Yêu cầu về xây dựng". Tổng chiều dầy của các lớp không được vượt quá sai số ± 5mm.

Phương pháp kiểm tra: Đo bằng thước.

6   Phương pháp kiểm tra và nghiệm thu toàn bộ thiết bị khí sinh học

6.1  Kiểm tra bằng quan sát trực tiếp

Trước khi nghiệm thu và đưa thiết bị vào hoạt động, phải kiểm tra xem công trình có tuân theo đúng các yêu cầu thiết kế qui định trong tiêu chuẩn "10 TCN             : 2001. Công trình khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 2: Yêu cầu về xây dựng" hay không.

Phương pháp kiểm tra: Xem lại hồ sơ xây dựng, đo lại các kích thước của từng phần và đối chiếu với thiết kế. Mặt trong của công trình không được có các vết rỗ tổ ong, vết nứt, chỗ phồng rộp, vẩy cá, vết lộ cát, vết rò rỉ nước và những khuyết tật khác có thể nhìn thấy bằng mắt và kiểm tra bằng cách gõ búa gỗ.

6.2  Kiểm tra độ kín nước

Việc kiểm tra độ kín nước của thiết bị khí sinh học được bắt đầu bằng kiểm tra độ kín đối với nước. Việc kiểm tra chỉ được tiến hành khi đã lấp đất phần hố đào bên ngoài công trình và khối xây đã được dưỡng hộ ít nhất là 8 - 10 ngày.

Phương pháp kiểm tra: Từ từ đổ nước vào bể phân huỷ cho tới khi mực nước dâng lên tới cốt tràn. Đợi 30 phút cho nước ngấm hết vào các bộ phận của công trình. Đánh dấu mực nước và theo dõi trong 12 giờ. Nếu mực nước rút khoảng 2 - 3 cm là công trình đảm bảo kín nước.

6.3  Kiểm tra độ kín khí

Kiểm tra kín khí chỉ tiến hành khi đã kiểm tra kín nước và tin chắc công trình đảm bảo kín nước.

6.3.1 Kiểm tra đường ống dẫn khí

Sau khi hệ thống đường ống dẫn khí từ bộ tích khí tới nơi sử dụng đã được lắp ráp hoàn chỉnh với các phụ kiện gồm van tổng ngay đầu đường ống, áp kế chữ "U" và bếp ở 2 nhánh cuối đường ống, phải kiểm tra độ kín của đường ống.

Phương pháp kiểm tra: Đóng van tổng để bịt kín đầu đường ống. Đổ nước vào áp kế tới mức theo thiết kế. Tháo bếp khỏi đường ống để có một đầu ống hở. Thổi vào ống từ đầu hở để nâng áp suất trong ống lên khoảng 20 cm cột nước (thể hiện ở độ chênh mực nước ở 2 nhánh của áp kế). Bịt đầu ống hở lại và theo dõi trong khoảng 30 phút. Nếu độ chênh của áp kế không giảm thì đường ống đảm bảo độ kín. Ngược lại thì đường ống đã bị rò rỉ. Giữ khí trong ống ở áp suất cao và dùng nước xà phòng để tìm chỗ hở. Xử lý chỗ bị rò rỉ rồi kiểm tra lại như trên.

6.3.2 Kiểm tra phần tích khí

Sau khi đã kiểm tra độ kín nước của thiết bị khí sinh học, độ kín khí của đường ống và tin chắc chúng đã đảm bảo kín nước và kín khí, phải tiến hành kiểm tra độ kín khí của bộ phận tích khí.

Phương pháp kiểm tra:

-         Với thiết bị nắp nổi: Giữ nguyên nước đã đổ đầy hệ thống khi thử kín nước, kể cả nước trong "gioăng" nước. Đóng van tổng ở nắp chứa khí lại và úp nắp chứa khí vào gioăng nước. Lúc này nắp sẽ ở trạng thái nổi cao trong gioăng nước. Đánh dấu mức nổi của nắp và theo dõi. Nếu sau 24 giờ, nắp không chìm xuống là đảm bảo độ kín. Ngược lại, cần dùng nước xà phòng tìm chỗ rò khí và xử lý.

-         Với thiết bị nắp cố định: Bơm lấy bớt nước đã đổ đầy khi thử kín nước, sao cho mực nước rút xuống dưới mức số không (xem bản vẽ thiết kế) khoảng 50 cm. Đậy nắp cửa thăm (đã nối với van tổng) và dùng đất sét để bịt kín lại. Đóng kín đầu ống dẫn khí để hở khi kiểm tra độ kín của đường ống. Mở van tổng cho phần chứa khí của thiết bị khí sinh học thông với áp kế. Bơm nước vào bể phân huỷ để nén khí, nâng áp suất khí lên dần. Khi áp suất đạt tới giá trị tối đa theo thiết kế thì ngừng bơm. Đánh dấu độ chênh của áp kế và theo dõi trong 24 giờ. Nếu áp suất giảm không quá 3% thì thiết bị khí sinh học đảm bảo độ kín khí đạt yêu cầu.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - hạnh phúc

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 496 - 2002

Công trình khí sinh học nhỏ. Phần 5: Yêu cầu vận hành và bảo dưỡng

Small Size Biogas Plant - Part 5: Requirements for Operation and Maintenance

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 21 /2002/QĐ/BNN 

 ngày 21 tháng 3 năm 2002)

1. Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các công trình khí sinh học nhỏ, đơn giản (thể tích phân huỷ 10 m3) dùng để xử lý chất thải, sản xuất khí sinh học và phân hữu cơ với nguyên liệu là các loại phân người, phân động vật và thực vật.

2. Yêu cầu về khởi động

2.1  Kiểm tra chất lượng công trình trước khi đưa vào hoạt động

Thiết bị khí sinh học chỉ được đưa vào hoạt động sau khi đã được kiểm tra theo "10 TCN  495 - 2002. Công trình khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 4: Tiêu chuẩn kiểm tra và nghiệm thu" và đảm bảo các yêu cầu về kín nước và kín khí.

2.2  Chuẩn bị nguyên liệu nạp

2.2.1 Nguyên liệu nạp phải có chất lượng tốt, không lẫn những tạp chất không phân huỷ được như đất, cát, gạch, đá... hoặc khó phân huỷ như gỗ, mùn cưa... và những chất độc hại cho vi khuẩn như thuốc sát trùng, xà phòng, bột giặt hoặc phân gia súc có uống hoặc tiêm kháng sinh hay thuốc phòng bệnh.

2.2.2 Đối với phân gia súc và gia cầm, có thể thu gom trước tối đa là 10 ngày và giữ ẩm, tránh cho phân bị khô hoặc đã hoai. Nếu có điều kiện thì ngâm phân vào nước để xử lý sơ bộ theo tỷ lệ 1 tới 3 lít nước cho 1 kg phân (1 ¸ 3 : 1).

2.2.3 Đối với nguyên liệu thực vật như bèo tây, các cây thuỷ sinh, các cây phân xanh, rơm rạ... cần được xử lý sơ bộ trước. Nguyên liệu cần được đập rập, băm nhỏ và đánh đống theo từng lớp dầy khoảng 50 cm. Sau mỗi lớp cần tưới nước vôi, đổ một lớp phân gia súc rồi xếp tiếp lớp sau. Khi đã hoàn thành việc xếp đống, cần che đậy bên ngoài và tưới ẩm trong thời gian khoảng 7 tới 10 ngày về mùa hè và 15 tới 20 ngày về mùa đông.

2.2.4 Để đảm bảo thiết bị nhanh chóng hoạt động và sản xuất đủ khí theo thiết kế, lượng nguyên liệu nạp ban đầu cần đảm bảo ít nhất đạt 50% so với thiết kế.

2.3  Nạp nguyên liệu

2.3.1 Trước khi nạp, nếu đã đậy cửa thăm thì phải mở van ống thu khí sao cho không gian trong bể phân huỷ được thông thoáng với khí quyển bên ngoài.

2.3.2 Nếu có dùng nguyên liệu thực vật thì phải nạp nguyên liệu thực vật đã xử lý sơ bộ vào trước, sau đó nạp phân động vật, đảm bảo sao cho dịch phân ngập nguyên liệu thực vật.

2.3.3 Với phân đã được xử lý sơ bộ thì múc đổ thẳng vào bể phân huỷ. Với phân tươi thì phải pha loãng và trộn đồng đều với nước theo tỷ lệ 1 tới 3 lít nước cho 1 kg phân tươi (1 ¸ 3 :1), sau đó đổ vào bể phân huỷ. Việc hoà trộn nên thực hiện ngay ở bể nạp bằng cách dùng một nút đậy miệng ống lối vào lại rồi đổ phân và nước vào bể nạp. Lấy gậy đánh cho tan phân ra và khuấy trộn để tạo thành dịch phân huỷ đồng đều. Sau đó mở nút đậy ra cho phân xối mạnh vào bể phân huỷ.

2.3.4 Nếu đủ phân thì nạp đầy tới mức thiết kế. Nếu không đủ phân thì tối thiểu cũng phải nạp tới mức cao hơn miệng dưới của các ống đầu vào và đầu ra khoảng 10 cm. Trong trường hợp này có thể pha loãng nguyên liệu hơn mức bình thường.

2.3.5 Việc nạp ban đầu cần thực hiện nhanh chóng trong một ngày.

2.3.6 Sau khi nạp nguyên liệu đã hoàn thành, đậy kín bể phân huỷ lại để đợi cho quá trình phân huỷ kỵ khí sản sinh ra khí sinh học tiến triển.

2.3.7 Hàng ngày phải khuấy đảo dịch phân huỷ bằng cách dùng một cái sào thọc sâu vào bể phân huỷ qua ống đầu vào hoặc đầu ra và dịch chuyển mạnh sào lên xuống nhiều lần. Nếu thiết bị có lắp bộ phận khuấy đảo thì sử dụng bộ phận này để khuấy đảo. Mỗi lần khuấy đảo kéo dài khoảng 15 phút. Mỗi ngày khuấy đảo 2 lần.

2.3.8 Khi không có điều kiện xử lý sơ bộ nguyên liệu trước ở ngoài, có thể dùng bể phân huỷ làm nơi xử lý sơ bộ nguyên liệu rồi sau đó mới cho thiết bị hoạt động theo điều kiện kỵ khí.

2.4  Đưa khí vào sử dụng

2.4.1 Để kiểm tra xem khí đã cháy được chưa, nhất thiết phải đưa khí qua bếp và tiến hành châm thử khí ở mặt đốt của bếp. Tuyệt đối không được châm lửa thử khí ngay ở đầu ống dẫn khí gần bộ chứa khí.

2.4.2 Những mẻ khí đầu tiên chưa cháy được, cần xả hết rồi lại tích khí mới.

2.4.3 Khi khí bắt đầu bắt cháy là có thể sử dụng được. Nên dùng cho hết khí rồi lại tích mẻ khí mới. Như vậy chất lượng khí sẽ nhanh chóng được cải thiện.

2.4.4 Ngọn lửa lúc đầu có thể bay khỏi mặt đốt của bếp, để ổn định ngọn lửa cần đặt nồi lên bếp rồi mới châm lửa.

3. Yêu cầu về vận hành hàng ngày

3.1  Nạp nguyên liệu

3.1.1 Việc nạp nguyên liệu bổ sung hàng ngày chỉ được tiến hành sau khi nạp ban đầu 2 tuần nếu hoạt động của thiết bị tiến triển bình thường nghĩa là chất lượng và số lượng khí ngày càng nâng cao.

3.1.2 Nguyên liệu thực vật phải nạp từng mẻ. Phân nạp bổ sung hàng ngày.

3.1.3 Nguyên liệu nạp hàng ngày phải đảm bảo các yêu cầu chất lượng tương tự như đã qui định ở điều 2.2 đối với nguyên liệu nạp ban đầu.

3.1.4 Số lượng nguyên liệu nạp hàng ngày không được vượt quá thông số thiết kế.

3.1.5 Phải hoà trộn đều phân với nước pha loãng ở bể nạp theo tỷ lệ nước pha loãng tương tự như qui định ở điều 2.3.3. Đảm bảo lượng cơ chất nạp không vượt quá giá trị thiết kế. Cho phân chảy xối vào bể phân huỷ qua ống đầu vào.

3.2  Khuấy đảo dịch phân huỷ

Hàng ngày phải khuấy đảo dịch phân huỷ tương tự như qui định ở điềụ 2.3.7.

3.3  Sử dụng khí

3.3.1 Sử dụng hết lượng khí sinh ra hàng ngày theo đúng các yêu cầu như qui định ở "10 TCN 494 - 2002. Công trình khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 3: Yêu cầu về phân phối và sử dụng khí".

3.3.2 Đảm bảo áp suất khí tích lại trong thiết bị khí sinh học không được vượt quá 100 cm cột nước.

3.4  Sử dụng bã thải

3.4.1 Dịch thải lỏng: dịch thải lỏng cần được lấy đi hàng ngày ở đầu ra với dung tích bằng lượng nguyên liệu nạp bổ sung hàng ngày. Nếu dùng để tưới cây, cần pha loãng để có nồng độ đạm thích hợp. Nếu cần lưu giữ lại thì phải chứa trong một bể kín để tránh tổn thất đạm do bay hơi.

3.4.2 Bã cặn đặc: khi lấy bã cặn đặc nằm lưu trong bể phân huỷ để bón cây thì phải phơi nắng hoặc dùng vôi để diệt hết trứng ký sinh trùng rồi mới đem bón.

3.5  Theo dõi hoạt động của thiết bị

3.5.1 Cần theo dõi tình trạng hoạt động của thiết bị thông qua năng suất sinh khí. Năng suất khí tụt xuống bất thường chứng tỏ đã có trục trặc xảy ra, cần phát hiện nguyên nhân và khắc phục kịp thời.

3.5.2 Năng suất khí của thiết bị được đánh giá theo mức độ nổi cao của nắp chứa khí đối với thiết bị nắp nổi và áp suất khí cực đại đối với thiết bị nắp cố định.

4. Yêu cầu về bảo dưỡng

4.1  Bảo dưỡng hàng ngày

4.1.1 Nạp nguyên liệu và lấy bã thải đi.

4.1.2 Lấy đất, cát... khỏi bể nạp.

4.1.3 Đảm bảo đủ nước ở gioăng nước của thiết bị nắp nổi và ở lớp đất sét gắn kín nắp của thiết bị nắp cố định.

4.2  Bảo dưỡng định kỳ

4.2.1 Hàng tháng

4.2.1.1 Làm sạch bếp và các dụng cụ sử dụng khác.

4.2.1.2 Tháo nước đọng ở bẫy nước đọng.

4.2.2 Hàng năm

4.2.2.1 Sơn lại mặt ngoài nắp chứa khí bằng thép đối với thiết bị nắp nổi theo thủ tục sau:

+        Tháo bỏ mọi trọng vật đặt ở trên nắp.

+        Đóng van khí, tích đầy khí vào nắp cho tới khi khí sủi bọt ra khỏi mép dưới nắp để nâng nắp lên độ cao nhất.

+        Giữ cho nắp ở vị trí cố định nhưng vẫn đảm bảo cho bể phân huỷ được đậy kín, không để không khí lọt vào.

+        Dùng nước rửa sạch mặt nắp.

+        Dùng bàn chải sắt để đánh sạch rỉ.

+        Dùng nước rửa sạch mặt nắp sau khi đánh rỉ và để cho khô.

+        Sơn một lớp sơn chống rỉ những chồ bị rỉ nhiều.

+        Sơn một lớp sơn chống rỉ toàn mặt nắp.

+        Sơn phủ ngoài một lớp sơn màu sẫm.

+        Sơn khô mới cho nắp hoạt động trở lại.

4.2.2.2 Lấy bỏ váng và lắng cặn

Việc lấy bỏ váng và lắng cặn có thể thực hiện hàng năm hoặc vài năm một lần tuỳ thuộc vào tình hình hình thành váng và lắng cặn. Thông thường nên thực hiện mỗi năm một lần vào cuối mùa thu để thiết bị hoạt động tốt vào mùa đông.

Việc lấy bỏ váng và lắng cặn được tiến hành theo thủ tục sau:

+        Mở nắp của bể phân huỷ ra:

-         Đối với thiết bị nắp nổi: Để cho nắp nổi lên tới vị trí cao nhất như khi sơn lại. Mở van cho khí trong nắp thông với khí trời và từ từ nâng nắp và đưa ra khỏi bể phân huỷ.

-         Đối với thiết bị nắp cố định: Lấy lớp đất sét gắn kín nắp đi. Mở van cho khí trong bể phân huỷ thông với khí trời rồi từ từ nhấc nắp và đưa ra khỏi bể phân huỷ.

-         Khi mở nắp cần đặc biệt đề phòng cháy nổ và ngạt thở như qui định ở "10 TCN 497 - 2002. Công trình khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 6: Yêu cầu về an toàn".

+        Đợi cho khí sinh học thoát ra hết khỏi bể phân huỷ rồi mới tiến hành các công việc tiếp theo.

+        Dùng dụng cụ thích hợp để lấy bỏ váng.

+        Bơm hoặc múc bớt khoảng hai phần ba dịch phân huỷ đi.

+        Dùng dụng cụ thích hợp để lấy lắng cặn đi. Cần đặc biệt chú ý phòng ngạt thở như qui định ở " 10 TCN 497 - 2002. Công trình khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 6: Yêu cầu về an toàn".

+        Đưa thiết bị hoạt động trở lại như lần nạp ban đầu.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - hạnh phúc

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 497 - 2002

Công trình khí sinh học nhỏ. Phần 6: Yêu cầu về an toàn.

Small Size Biogas Plant - Part 6: Requirements for Safety.

(Ban hành kèm theo Quyết định số:21/2002/QĐ/BNN 

 ngày 21 tháng 3 năm 2002)

1   Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các công trình khí sinh học nhỏ, đơn giản (thể tích phân huỷ 10 m3) dùng để xử lý chất thải, sản xuất khí sinh học và phân hữu cơ với nguyên liệu là các loại phân người, phân động vật và thực vật.

2   Yêu cầu an toàn đối với thiết bị khí sinh học

2.1  Đề phòng đất sụt lở

Khi đào hố bể phân huỷ phải đảm bảo các yêu cầu qui định ở điều 4 "10 TCN            : 2001. Công trình  khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 2: Yêu cầu về xây dựng" để tránh sạt lở gây nguy hiểm cho người đào đất.

2.2  Đề phòng gây nứt vỡ bể phân huỷ

2.2.1 Khi xây dựng phải đảm bảo các yêu cầu xây dựng ở điều 6, 7 và 9 của "10 TCN            : 2001. Công trình  khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 2: Yêu cầu về xây dựng" để tránh gây sập vòm và làm thành bể bị nứt vỡ.

2.2.2 Khi thiết bị hoạt động, không được để cho áp suất khí vượt quá giới hạn 100 cm cột nước.

2.3  Đề phòng các trục trặc trong hoạt động của thiết bị

2.3.1 Không để các vật rắn rơi vào làm tắc các ống đầu vào và đầu ra.

2.3.2 Không được để các độc tố ức chế hoạt động của các vi khuẩn lọt vào bể phân huỷ như thuốc sát trùng, xà phòng, bột giặt hoặc phân gia súc có uống hoặc tiêm kháng sinh hay thuốc phòng bệnh. Nếu sơ ý để xảy ra tình trạng đó thì phải lấy bỏ toàn bộ dịch phân huỷ đi, thau rửa sạch bể phân huỷ và khởi động lại thiết bị.

3   Yêu cầu an toàn về phòng cháy nổ

3.1  Đề phòng cháy nổ ở bộ chứa khí

3.1.1 Tuyệt đối không được châm lửa trực tiếp vào đầu ra của ống dẫn khí ở bộ chứa khí.

3.1.2 Khi mở nắp bể phân huỷ đang hoạt động để bảo dưỡng, sửa chữa, cần tránh không có các nguồn lửa ở gần.

3.1.3 Không hàn nắp chứa khí khi đang có khí ở bên trong.

3.2  Đề phòng cháy nổ ở dụng cụ sử dụng

Châm lửa ở bếp và đèn phải tuân theo qui định ở điều 4.2.2 và 5.2.2 của "10 TCN 494 - 2002. Công trình  khí sinh học cỡ nhỏ - Phần 3: Yêu cầu về phân phối và sử dụng khí"

3.3  Đề phòng cháy nổ ở nơi sử dụng

Khi phát hiện thấy khí sinh học rò rỉ ở nơi sử dụng trong nhà nhờ ngửi thấy mùi của nó, tuyệt đối không được châm lửa, phải mở cửa và quạt cho khí thoát ra khỏi nhà, tìm nơi rò rỉ khí để khắc phục.

4   Yêu cầu an toàn về phòng ngạt thở

4.1  Phòng ngạt thở

4.1.1 Khi cần xuống bể phân huỷ để bảo dưỡng , sửa chữa phải tuân theo các biện pháp phòng ngừa sau

4.1.1.1 Phải mở hết nắp bể cho thoáng khí.

4.1.1.2 Lấy bớt dịch phân huỷ cho mực chất lỏng ít nhất cũng tụt xuống dưới các đầu ống vào và ra.

4.1.1.3 Phải đợi cho bể phân huỷ được mở trong 2, 3 ngày hoặc quạt cho khí thoát ra khỏi bể phân huỷ.

4.1.1.4 Thả một động vật nhỏ xuống bể để kiểm tra xem con vật có bị ngạt thở không. Nếu con vật không bị ngạt thở thì người mới được xuống bể để làm việc.

4.1.1.5 Người xuống bể phải thắt dây an toàn và có người theo dõi ở trên để có thể nhanh chóng kéo người xuống bể lên khỏi bể nếu người đó có hiện tượng bị ngạt.

4.1.2 Khi phát hiện thấy khí sinh học rò rỉ ra trong một buồng kín, phải nhanh chóng mở cửa và quạt cho khí thoát ra khỏi nhà, tìm nơi rò rỉ khí để khắc phục.

4.2  Cấp cứu người bị ngạt thở

4.2.1 Nếu người xuống bể phân huỷ bị ngạt và người theo dõi không có cách nào để kéo người đó lên thì người theo dõi phải cố gắng nhanh chóng thổi không khí xuống bể để đẩy hết khí sinh học đi. Chỉ sau khi bể phân huỷ được cấp không khí tốt người theo dõi mới được xuống để đưa người bị ngạt lên.

4.2.2 Nhanh chóng đưa người bị ngạt tới nơi thoáng khí, mở các cúc áo ở cổ và ngực, nới rộng thắt lưng, làm hô hấp nhân tạo và thổi ngạt, cố làm cho người bị ngạt tỉnh lại.

4.2.3 Đưa người bị ngạt đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - hạnh phúc

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 498 - 2002

Công trình khí sinh học nhỏ. Phần 7:

Danh mục các thông số và đặc tính kỹ thuật cơ bản

Small Size Biogas Plant - Part 7: List of Necessary Parameters

 and Technical Specìications

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 21/2002/QĐ/BNN 

 ngày 21 tháng 3 năm 2002)

 

1   Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho việc thông tin các công trình khí sinh học nhỏ, đơn giản (thể tích phân huỷ 10 m3) dùng để xử lý chất thải, sản xuất khí sinh học và phân hữu cơ với nguyên liệu là các loại phân người, phân động vật và thực vật.

2   Thông tin về thiết kế và xây dựng

2.1     Loại bể phân huỷ

2.1.1 Nắp cố định

2.1.1.1       Khí được tích giữ ở bên trong.

2.1.1.2       Khí được tích giữ ở bên ngoài.

2.1.2 Nắp nổi

2.1.2.1       Không có gioăng nước.

2.1.2.2       Có gioăng nước.

2.1.3 Túi bằng chất dẻo

2.1.3.1       Khí được tích giữ ở bên trong.

2.1.3.2       Khí được tích giữ ở bên ngoài.

2.2   Các đặc điểm kỹ thuật của thiết bị

2.2.1 Vật liệu xây dựng

2.2.1.1       Gạch.

2.2.1.2       Bê tông.

2.2.1.3       Kim loại.

2.2.1.4       Chất dẻo.

2.2.1.5       Các loại khác.

2.2.2 Hoàn thiện mặt thành trong

2.2.2.1       Trát vữa.

2.2.2.2       Phủ.

2.2.2.3       Sơn.

2.2.2.4       Cách khác.

2.2.3 Dạng hình học

2.2.3.1       Hình cầu.

2.2.3.2       Hình trụ

2.2.3.3       Hình hộp.

2.2.3.4       Hình ống nằm ngang.

2.2.3.5       Các dạng khác.

2.2.4 Các kích thước: biểu thị bằng mét.

2.2.5 Những đặc điểm chính

2.2.5.1       Đầu vào.

2.2.5.2       Đầu ra.

2.2.5.3       Cửa thăm.

2.2.5.4       Dụng cụ để khuấy đảo.

2.2.5.5       Các đặc điểm khác.

2.2.6 Cách lắp đặt

2.2.6.1       Trên mặt đất.

2.2.6.2       Dưới mặt đất.

2.2.6.3       Nửa nổi, nửa chìm.

2.2.7 Phương pháp khuấy đảo

2.2.7.1       Cơ học.

2.2.7.2       Hồi lưu dịch phân huỷ.

2.2.8 Thiết bị an toàn

2.2.8.1       Van xả giảm áp.

2.2.8.2       Bẫy nước đọng.

2.2.9 Bộ tích khí

2.2.9.1       Kiểu loại:

-         Kết hợp với bể phân huỷ.

-         Tách riêng.

2.2.9.2       Vật liệu chế tạo/xây dựng.

2.2.9.3       Hình dạng hình học.

2.2.9.4       Kích cỡ biểu thị bằng m3.

2.3   Các thông số thiết kế

2.3.1 Nhiệt độ không khí tại địa phương

2.3.1.1 Nhiệt độ trung bình năm.

2.3.1.2 Nhiệt độ cao nhất trung bình trong năm.

2.3.1.3 Nhiệt độ thấp nhất trung bình trong năm.

2.3.2 Nguyên liệu nạp

2.3.2.1 Loại nguyên liệu:

-         Phân động vật: phân lợn, phân bò, phân trâu, phân gà, phân người...

-         Thực vật: bèo, rơm rạ, rác hữu cơ, cây phân xanh...

2.3.2.2 Đặc tính:

-         Thành phần: hàm lượng tổng chất khô và chất khô dễ bay hơi (hoặc tro) biểu thị bằng phần trăm tổng trọng lượng; hàm lượng các nguyên tố C, N, P, K biểu thị bằng phần trăm trọng lượng chất khô.

-         Độ pH của dịch phân huỷ.

-         Nhu cầu oxy hoá học của dịch phân huỷ (ký hiệu: COD), biểu thị bằng mg/l.

2.3.2.3 Biện pháp xử lý:

-         Xử lý sơ bộ: bằng cơ học, bằng hoá sinh...

-         Tỷ lệ pha loãng nước:nguyên liệu biểu thị bằng tỉ số lít nước pha loãng tính cho 1 kg nguyên liệu.

2.3.3 Tốc độ nạp biểu thị bằng kg/m3/ngày nguyên liệu nạp.

2.3.4 Thời gian lưu biểu thị bằng ngày.

2.3.5 Thể tích của bể phân huỷ biểu thị bằng m3

2.3.5.1 Tổng thể tích của bể phân huỷ.

2.3.5.2 Thể tích phân huỷ (thể tích hữu hiệu).

2.3.6 Khí sinh học

2.3.6.1 Năng suất khí thiết kế biểu thị bằng m3/ngày.

2.3.6.2 Hệ số tích khí.

2.3.6.3 Thể tích bộ chứa khí.

2.3.6.4 Áp suất khí cực đại biểu thị bằng centimet cột nước (cmH2O).

2.3.6.5 Tổng thể tích của bể điều áp (nếu có).

2.3.6.6 Thể tích hữu hiệu của bể điều áp (nếu có).

2.3.7 Bã thải

2.3.7.1 Thời gian lưu giữ bã thải.

2.3.7.2 Lượng chất độn:

-         Khối lượng biểu thị bằng kg.

-         Thể tích biểu thị bằng m3.

2.3.7.3 Thể tích bể chứa bã thải biểu thị bàng m3.

2.4   Chi phí đầu tư

Việc đánh giá chi phí đầu tư phải tính đầy đủ các hạng mục sau

2.4.1 Phần công trình xây dựng

2.4.1.1 Nguyên vật liệu:

-         Gạch.

-         Xi măng.

-         Cát vàng.

-         Cát mịn.

-         Sỏi/đá dăm.

-         Thép tròn.

-         Ống thép (các loại).

-         Ống nhựa (các loại).

-         Ván khuôn.

-         Các loại khác.

2.4.1.2 Nhân công:

-         Công đào đất.

-         Công xây dựng.

-         Công san lấp.

-         Công khác.

2.4.1.3 Chi phí vận chuyển.

2.4.1.4 Các khoản chi khác.

2.4.2 Nắp hoặc vòm chế tạo riêng

2.4.2.1 Nguyên vật liệu:

-         Thép (các loại).

-         Compodit.

-         Sơn.

-         Các loại khác.

2.4.2.2 Nhân công:

-         Chế tạo.

-         Sơn.

-         Công khác.

2.4.2.3 Chi phí vận chuyển.

2.4.2.4 Các khoản chi khác.

2.4.3 Hệ thống phân phối và dựng cụ sử dụng khí

2.4.3.1 Ống dẫn khí (các loại).

2.4.3.2 Phụ kiện: van khoá, ống nối, tê, cút, keo dán...

2.4.3.3 Áp kế.

2.4.3.4 Bếp.

2.4.3.5 Đèn.

2.4.3.6 Các thứ khác.

2.4.4 Dịch vụ kỹ thuật

2.4.4.1 Chi phí thiết kế.

2.4.4.2 Chi phí hướng dẫn, giám sát thi công, kiểm tra, hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng.

2.4.4.3 Các khoản chi khác.

3   Thông tin về hoạt động

3.1    Thủ tục khởi động và cấy vi khẩn ban đầu.

3.2  Thời gian theo dõi để thu thập số liệu báo cáo (tính bằng ngày).

3.3  Nhiệt độ không khí

3.3.1 Nhiệt độ trung bình trong thời gian theo dõi.

3.3.2 Nhiệt độ cao nhất trong thời gian theo dõi.

3.3.3 Nhiệt độ thấp nhất trong thời gian theo dõi.

3.4  Nạp nguyên liệu

3.4.1 Loại nguyên liệu

3.4.1.1 Phân động vật: phân lợn, phân bò, phân trâu, phân gà, phân người...

3.4.1.2 Thực vật: bèo, rơm rạ, rác hữu cơ, cây phân xanh...

3.4.2 Đặc tính

3.4.1.1 Thành phần: hàm lượng tổng chất khô và chất khô dễ bay hơi (hoặc tro) biểu thị bằng phần trăm tổng trọng lượng; hàm lượng các nguyên tố C, N, P, K biểu thị bằng phần trăm trọng lượng chất khô.

3.4.1.2 Độ pH của dịch phân huỷ.

3.4.1.3 Nhu cầu oxy hoá học của dịch phân huỷ (ký hiệu: COD), biểu thị bằng mg/l.

3.4.3 Biện pháp xử lý

3.4.3.1 Xử lý sơ bộ: bằng cơ học, bằng hoá sinh...

3.4.3.2 Tỷ lệ pha loãng nước:nguyên liệu biểu thị bằng tỉ số lít nước pha loãng với 1 kg nguyên liệu.

3.4.4 Tốc độ nạp biểu thị bằng lượng nguyên liệu nạp ứng với một mét khối thể tích phân huỷ trong một ngày (kg/m3/ngày).

3.5  Thời gian lưu biểu thị bằng ngày.

3.6  Thể tích của bể phân huỷ biểu thị bằng m3

3.6.1 Tổng thể tích của bể phân huỷ.

3.6.2 Thể tích phân huỷ (thể tích hữu hiệu).

3.7  Khí sinh học

3.7.1 Năng suất khí biểu thị bằng m3/ngày.

3.7.2 Áp suất khí cực đại biểu thị bằng cmH2O.

3.7.3 Áp suất khí làm việc cực đại biểu thị bằng cmH2O.

3.8  Bã thải

3.8.1 Thời gian lưu giữ bã thải biểu thị bằng ngày.

3.8.2 Chất độn

3.8.2.1 Loại chất độn.

3.8.2.2 Lượng chất độn trong thời gian lưu giữ theo khối lượng biểu thị bằng kg và thể tích biểu thị bằng m3.

4   Thông tin về hiệu ích

4.1  Thông tin về mặt năng lượng

4.1.1 Hàm lượng mêtan của khí sinh học, biểu thị bằng phần trăm theo thể tích.

4.1.2 Tốc độ tiêu thụ khí biểu thị bằng m3/h

4.1.2.1 Tốc độ tiêu thụ khí để đun nấu.

4.1.2.2 Tốc độ tiêu thụ khí để thắp sáng.

4.1.2.3 Tốc độ tiêu thụ khí để phục vụ các mục đích khác.

4.2  Thông tin về mặt nông nghiệp

4.2.1 Phân bón

4.2.1.1 Hàm lượng các chất dinh dưỡng N, P, K biểu thị bằng phần trăm trọng lượng khô.

4.2.1.2 Định mức bón biểu thị bằng kg/ha (trọng lượng khô).

4.2.2 Thức ăn động vật

4.2.2.1 Hàm lượng các chất dinh dưỡng Ca, P, chất béo, protein, cacbon hydrat biểu thị bằng phần trăm trọng lượng khô; vitamin biểu thị bằng I.U/g.

4.2.2.2 Chất lượng về mặt vệ sinh: Các nguồn gây bệnh và ký sinh trùng biểu thị bằng số lượng/g.

4.2.2.3 Định mức cho ăn biểu thị bằng kg/đầu con (trọng lượng khô).

4.2.3 Các sử dụng khác.

4.3  Thông tin về vệ sinh và y tế công cộng

4.3.1 Xử lý rác thải

4.3.1.1 Loại rác được xử lý:

-         Phân động vật.

-         Phân người.

-         Rác hữu cơ khác.

4.3.1.2 Lượng rác được xử lý biểu thị bằng kg/ngày hoặc t/tháng.

4.3.1.3 Mức độ giảm COD, BOD5, các mầm bệnh biểu thị bằng phần trăm.

4.3.2 Xử lý nước thải

4.3.2.1 Lượng nước thải được xử lý biểu thị bằng m3/ngày.

4.3.2.2 Mức độ giảm COD, BOD5, các mầm bệnh biểu thị bằng phần trăm.

4.4  Thông tin về kinh tế

Việc đánh giá kinh tế được thực hiện theo phương pháp phân tích chi phí-lợi ích theo quan điểm người ứng dụng với các thành phần sau

4.4.1 Chi phí hàng năm (C) là tổng của 2 thành phần sau

4.4.1.1 Đầu tư ban đầu (I): kể tới tất cả các khoản chi phí như đã nêu ở mục 2.4.

4.4.1.2 Chi phí vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế được giả thiết bằng 5% đầu tư ban đầu.

4.4.2 Lợi ích hàng năm (B) là tổng của 2 thành phần sau

4.4.2.1 Lợi ích thu được do sử dụng khí thay thế các nhiên liệu khác:

-         Nếu dùng để đun nấu hoặc thắp sáng thì so với khí hoá lỏng với giả thiết 1 m3 khí thay thế 0,45 kg khí hoá lỏng.

-         Nếu dùng để chạy máy phát điện nhỏ thì so với xăng 92 với giả thiết 1 m3 khí thay thế 1 lít xăng.

4.4.2.2 Lợi ích thu được do sử dụng bã thải làm phân bón

Lợi ích về phân bón được tính với giả thiết thành phần dinh dưỡng của phân không đổi trừ nitơ. Các bước tính toán như sau:

-         Tính tổng số lượng nguyên liệu tươi đã sử dụng trong năm.

-         Tính tổng lượng nitơ của nguyên liệu tươi trên cơ sở hàm lượng nitơ của nguyên liệu như qui định ở mục 3.4.2.1.

-         Tính lượng nitơ thu được nếu dùng lượng nguyên liệu trên để ủ phân compốt với giả thiết lượng nitơ ở phân ủ bằng 50% nguyên liệu tươi.

-         Tính lượng nitơ thu được ở phân khí sinh học trên cơ sở hàm lượng nitơ của phân khí sinh học như qui định ở mục 4.2.1.1.

-         Tính lượng nitơ tăng thêm được do dùng phân khí sinh học thay phân ủ compốt.

-         Tính lượng phân urê hàm lượng nitơ 46% tương đương với lượng nitơ tăng thêm ở trên.

-         Tính lợi ích thu được về phân bón căn cứ theo giá phân urê.

4.4.3 Các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế theo quan điểm người ứng dụng

4.4.3.1      


Hiện giá thu nhập thuần (NPV) tính theo công thức

Trong đó:

n : Tuổi thọ của công trình được giả thiết là 20 năm.

Bt : Lợi ích hàng năm

Ct : Chi phí hàng năm


at : Hệ số chiết khấu, tính như sau:

r : Tỷ suất chiết khấu, được lấy bằng 10%.

t : Số thứ tự của năm phát sinh đồng tiền trong dòng tiền tệ.

4.4.3.2      


Hiện giá hệ số sinh lời

Các ký hiệu tương tự như trên.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ

PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - hạnh phúc

 

TIÊU CHUẨN NGÀNH 10 TCN 499 - 2002

Công trình khí sinh học nhỏ. Phần 8: Thiết kế mẫu.

Small Size Biogas Plant - Part 8: Standard Designs.

(Ban hành kèm theo Quyết định số:  21/2002/QĐ/BNN 

 ngày 21 tháng 3 năm 2002)

1   Phạm vi áp dụng

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các công trình khí sinh học nhỏ, đơn giản (thể tích phân huỷ 10 m3) dùng để xử lý chất thải, sản xuất khí sinh học và phân hữu cơ với nguyên liệu là các loại phân người, phân động vật và thực vật.

2   Đặc điểm chung về những kiểu được lựa chọn

2.1    Các kiểu được lựa chọn trong thiết kế mẫu là những kiểu đã được phát triển và ứng dụng rộng rãi trong toàn quốc trên mười năm nay.

2.2    Các kiểu trên được thiết kế lại căn cứ theo những qui định của bộ tiêu chuẩn "10 TCN          :2001. Công trình khí sinh học cỡ nhỏ".

3   Nội dung của tập thiết kế mẫu

3.1  Các loại thiết bị

Các kiểu thiết bị khí sinh học được lựa chọn thuộc hai loại thiết bị khí sinh học là nắp  cố định và nắp nổi với dạng hình đới cầu hoặc hình trụ.

3.2  Phạm vi thiết kế

3.2.1 Các cỡ của thiết bị có thể tích phân huỷ là 2, 3, 4, 5, 6, 8, 10 m3. Mỗi thể tích phân huỷ tương ứng với ba thể tích trữ khí bằng 1:6, 1:5 và 1:4 thể tích phân huỷ, nghĩa là ứng với năng suất khí 0,33; 0,40 và 0,50 m3/m3 phân huỷ/ngày.

3.2.2 Các thiết kế được thực hiện phù hợp với điều kiện địa chất của đất sau: đất sét, đất thịt, đất cát, đất thịt pha cát và đất đồi. Khi gặp đất có địa chất đặc biệt cần có biện pháp xử lý thích hợp.

3.3  Đặc điểm của các bản vẽ

3.3.1 Mỗi kiểu được giới thiệu chung trong một bản vẽ với hình chiếu bằng và hai mặt cắt cơ bản.

3.3.2 Các thông số, kích thước và vật liệu chính tương ứng với từng cỡ được cho trong một bảng kèm theo. Thể tích được đo bằng mét khối (m3), kích thước được đo bằng xentimet (cm). Định mức vật liệu được tính với xi măng PC30 và gạch thẻ (51020).

3.4  Các bản vẽ

Phần bản vẽ gồm các hình sau

3.4.1 Hình 1- Thiết bị nắp cố định đới cầu sâu, kiểu KT.1.

3.4.2 Hình 2- Thiết bị nắp cố định đới cầu nông, kiểu KT.2.

3.4.3 Hình 3- Thiết bị nắp cố định thân trụ, vòm cầu, kiểu KT.3.

3.4.4 Hình 4- Thiết bị nắp nổi đới cầu sâu, kiểu KT.4.

3.4.5 Hình 5- Thiết bị nắp nổi đới cầu nông, kiểu KT.5.

3.4.6 Hình 6- Thiết bị nắp nổi hình trụ, kiểu KT.6.

3.5  Các ký hiệu dùng trong bản vẽ và bảng thông số, kích thước, vật liệu

Bảng 1 - Các ký hiệu dùng trong bản vẽ và bảng thông số, kích thước, vật liệu

 

Thứ tự

Ký hiệu

Đại lượng được thể hiện bởi ký hiệu

1

Vd

Thể tích phân huỷ (m3)  

2

Vg

Thể tích trữ khí (m3)

3

Rd

Bán kính bể phân huỷ (cm)

4

Rg

Bán kính bể điều áp (cm)

5

H1, H2, H3

Chiều cao các phần khác nhau (cm)

6

D1, D2, D3

Đường kính các phần khác nhau (cm)

7

Hxa

Khoảng cách từ mức số không tới mức xả tràn (cm)

8

d

Đường kính ống thép (cm)

9

B, C

Các kích thước của bể điều áp kiểu KT.3 (cm)

10

Cốt đáy (cm)

11

Pmax

Áp suất cực đại (cm cột nước)

 

 

 


Bảng 2 - Các thông số, kích thước và vật liệu đối với các cỡ thiết bị nắp cố định

kiểu KT.1

Thông số

Các cỡ

2.36

2.44

2.57

3.56

3.68

3.87

4.75

4.92

5.18

5.95

6.16

6.50

7.15

7.40

7.65

9.55

9.76

10.46

11.85

12.02

13.03

Vd (m3)

2.00

2.00

2.00

3.00

3.00

3.00

4.00

4.00

4.00

5.00

5.00

5.00

6.00

6.00

6.00

8.00

8.00

8.00

10.00

10.00

10.00

Vg (m3)

0.33

0.40

0.50

0.50

0.60

0.75

0.67

0.80

1.00

0.83

1.00

1.25

1.00

1.20

1.50

1.33

1.60

2.00

1.67

2.00

2.50

Rd (cm)

88

89

90

101

102

104

111

112

114

120

121

123

127

129

130

140

141

145

151

150

156

Rg (cm)

56

60

64

64

69

74

71

76

82

77

82

88

82

87

100

090

102

104

102

133

114

H1 (cm)

47

43

39

53

49

44

57

53

48

61

57

51

65

60

58

71

69

59

79

79

64

H2 (cm)

26

28

31

28

31

35

30

33

37

32

35

39

33

37

48

36

45

45

42

63

49

Hxa (cm)

42

43

46

47

49

52

50

53

56

54

56

60

57

59

52

61

54

69

58

37

71

Pmax (cm)

67

72

78

75

80

87

81

86

94

86

92

100

90

96

100

97

99

114

100

99

120

D1 (cm)

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

D2 (cm)

62

70

79

76

85

95

90

97

109

97

108

119

106

118

165

123

166

145

160

253

170

CĐ (cm)

168

170

172

188

190

192

204

206

209

217

219

222

229

231

232

248

249

255

264

264

2.71

Gạch (viên)

730

760

800

920

960

1010

1090

1130

1190

1240

1290

1360

1390

1440

1510

1650

1700

1820

1880

1990

2080

Xi măng (kg)

280

300

310

360

370

400

420

440

470

480

510

540

540

570

620

640

690

720

750

880

840

Cát (m3)

0.7

0.8

0.8

0.9

1.0

1.0

1.1

1.1

1.2

1.2

1.3

1.4

1.4

1.4

1.5

1.6

1.7

1.8

1.9

2.1

2.1

Sỏi (m3)

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.2

0.1

0.2

0.2

0.2

0.4

0.2

Sắt F6 (kg)

4

4

4

4

4

6

5

6

7

7

7

8

7

8

15

10

15

11

15

34

16

 


 

 


Bảng 3 - Các thông số, kích thước và vật liệu đối với các cỡ thiết bị nắp cố định

 kiểu KT.2

Thông số

Các cỡ

2.36

2.44

2.57

3.55

3.68

3.87

4.75

4.91

5.18

5.94

6.16

6.50

7.14

7.40

7.82

9.55

9.90

10.46

11.95

12.24

13.10

Vd (m3)

2.00

2.00

2.00

3.00

3.00

3.00

4.00

4.00

4.00

5.00

5.00

5.00

6.00

6.00

6.00

8.00

8.00

8.00

10.00

10.00

10.00

Vg (m3)

0.33

0.40

0.50

0.50

0.60

0.75

0.67

0.80

1.00

0.83

1.00

1.25

1.00

1.20

1.50

1.33

1.60

2.00

1.67

2.00

2.50

Rd (cm)

101

102

103

115

117

119

127

129

131

137

139

141

146

148

150

161

163

166

173

174

179

Rg (cm)

56

60

65

65

69

75

72

77

83

78

83

89

83

88

95

91

97

105

99

110

114

H1 (cm)

63

60

57

71

68

64

78

75

70

84

80

75

89

85

80

97

93

87

1.04

1.02

93

H2 (cm)

24

26

28

26

28

31

28

31

34

29

32

36

31

34

37

33

36

40

35

43

43

Hxa (cm)

41

43

45

45

48

50

49

51

54

52

55

58

54

57

61

59

62

66

63

57

70

Pmax (cm)

65

68

74

71

76

82

77

81

88

81

87

94

85

91

98

92

98

107

98

100

113

D1 (cm)

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

50

D2 (cm)

65

73

82

83

89

100

95

105

115

106

114

126

116

125

137

130

141

154

144

182

170

CĐ (cm)

137

139

140

153

154

156

165

166

168

175

176

179

184

185

188

199

201

204

212

212

217

Gạch (viên)

790

810

850

960

1000

1040

1110

1150

1210

1250

1300

1360

1370

1430

1500

1610

1670

1760

1810

1880

1990

Xi măng (kg)

320

330

350

390

410

430

450

470

500

510

530

560

560

580

620

650

680

730

730

790

820

Cát (m3)

0.8

0.9

0.9

1.0

1.1

1.1

1.2

1.2

1.3

1.3

1.3

1.4

1.4

1.5

1.6

1.6

1.7

1.8

1.8

1.9

2.0

Sỏi (m3)

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.2

0.1

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

Sắt F6 (kg)

4

4

4

4

5

7

6

7

7

7

7

10

8

10

11

10

11

14

11

19

16



 

 

Bảng 4 - Các thông số, kích thước và vật liệu đối với các cỡ thiết bị nắp cố định

kiểu KT.3

Thông số

Các cỡ

2.34

2.41

2.52

3.51

3.63

3.81

4.70

4.87

5.15

5.91

6.14

6.51

7.13

7.42

7.90

9.60

10.03

10.53

12.12

12.71

13.40

Vd (m3)

2.00

2.00

2.00

3.00

3.00

3.00

4.00

4.00

4.00

5.00

5.00

5.00

6.00

6.00

6.00

8.00

8.00

8.00

10.00

10.00

10.00

Vg (m3)

0.33

0.40

0.50

0.50

0.60

0.75

0.67

0.80

1.00

0.83

1.00

1.25

1.00

1.20

1.50

1.33

1.60

2.00

1.67

2.00

2.50

Rd (cm)

76

77

78

88

88

90

96

98

99

104

105

108

111

112

115

122

124

126

132

134

137

H1 (cm)

35

32

26

40

35

29

43

38

30

46

40

31

48

41

31

50

43

34

52

43

34

H2 (cm)

39

41

44

41

43

46

42

44

47

43

45

48

44

46

48

44

47

53

45

48

54

Hxa (cm)

61

60

57

59

57

54

58

56

53

57

55

52

56

54

52

56

53

57

55

52

56

Pmax (cm)

100

102

101

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

100

110

100

100

110

B (cm)

110

110

110

110

110

117

110

119

137

121

135

154

133

148

170

155

173

188

175

195

211

C (cm)

49

60

80

77

96

117

105

119

137

121

135

154

133

148

170

155

173

188

175

195

211

CĐ (cm)

232

230

226

247

244

239

260

255

250

270

265

259

278

273

266

293

287

291

305

298

301

Gạch (viên)

1520

1550

1590

1850

1890

1940

2140

2180

2250

2400

2450

2540

2640

2700

2810

3080

3170

3290

3490

3590

3740

Xi măng (kg)

480

490

510

580

600

630

680

710

750

770

800

850

850

890

950

1000

1050

1110

1150

1210

1280

Cát (m3)

1.3

1.3

1.3

1.5

1.6

1.6

1.8

1.8

1.9

2.0

2.0

2.1

2.2

2.3

2.4

2.6

2.7

2.8

2.9

3.0

3.2

Sỏi (m3)

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.2

0.1

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.3

0.2

0.3

0.3

0.3

0.3

0.4

Sắt F6 (kg)

5

5

5

5

6

7

7

8

9

8

9

11

8

10

13

11

13

15

14

17

19

 


Bảng 5 - Các thông số, kích thước và vật liệu đối với các cỡ thiết bị nắp nổi kiểu KT.4

Thông số

Các cỡ

2.47

2.56

2.69

3.69

3.82

4.02

4.91

5.08

5.34

6.13

6.34

6.61

7.34

7.55

7.92

9.72

10.05

10.52

12.13

12.53

13.13

Vd (m3)

2.00

2.00

2.00

3.00

3.00

3.00

4.00

4.00

4.00

5.00

5.00

5.00

6.00

6.00

6.00

8.00

8.00

8.00

10.00

10.00

10.00

Vg (m3)

0.33

0.40

0.50

0.50

0.60

0.75

0.67

0.80

1.00

0.83

1.00

1.25

1.00

1.20

1.50

1.33

1.60

2.00

1.67

2.00

2.50

Rd (cm)

81

80

79

92

92

91

101

101

99

109

108

108

116

115

114

128

127

125

137

136

135

H1 (cm)

74

73

70

84

82

78

91

89

85

98

95

93

103

103

98

115

112

106

123

119

113

H2 (cm)

62

65

69

69

72

76

75

78

83

79

83

85

83

85

90

88

92

98

94

98

104

D1 (cm)

63

69

76

76

83

92

87

95

105

97

105

107

105

105

116

110

120

132

122

132

145

D2 (cm)

95

101

108

108

115

124

119

127

137

129

137

147

137

145

156

150

160

172

162

172

185

CĐ (cm)

167

168

168

189

190

190

207

207

207

221

222

223

234

235

235

257

257

257

275

275

275

d (cm)

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

4

3

4

4

4

4

4

4

4

4

Ống thép (m)

5.17

5.38

5.66

5.66

5.90

6.21

6.04

6.31

6.66

6.37

6.66

7.03

6.66

6.96

7.36

7.15

7.48

7.92

7.56

7.92

8.39

Thép tấm (m2)

3.17

3.50

3.96

3.96

4.39

4.98

4.66

5.17

5.88

5.29

5.88

6.69

5.88

6.53

7.45

6.95

7.74

8.83

7.92

8.83

10.09

Gạch (viên)

590

630

680

770

830

910

950

1030

1140

1120

1220

1320

1290

1380

1540

1600

1750

1980

1940

2140

2430

Xi măng (kg)

170

180

200

230

240

260

270

290

320

320

350

370

370

390

430

450

490

550

540

590

670

Cát (m3)

0.6

0.6

0.7

0.7

0.8

0.9

0.9

1.0

1.0

1.0

1.1

1.2

1.2

1.2

1.4

1.4

1.6

1.7

1.7

1.9

2.1

Sỏi (m3)

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

 



Bảng 6 - Các thông số, kích thước và vật liệu đối với các cỡ thiết bị nắp nổi kiểu KT.5

Thông số

Các cỡ

2.47

2.56

2.69

3.70

3.83

4.02

4.91

5.09

5.34

6.13

6.34

6.62

7.34

7.56

7.93

9.73

10.05

10.54

12.14

12.54

13.14

Vd (m3)

2.00

2.00

2.00

3.00

3.00

3.00

4.00

4.00

4.00

5.00

5.00

5.00

6.00

6.00

6.00

8.00

8.00

8.00

10.00

10.00

10.00

Vg (m3)

0.33

0.40

0.50

0.50

0.60

0.75

0.67

0.80

1.00

0.83

1.00

1.25

1.00

1.20

1.50

1.33

1.60

2.00

1.67

2.00

2.50

Rd (cm)

92

92

91

106

105

104

116

115

114

125

124

123

132

132

131

146

145

143

157

156

154

H1 (cm)

87

85

83

98

96

93

107

105

101

115

112

111

122

121

117

135

132

127

145

141

136

H2 (cm)

63

66

69

70

73

77

75

78

83

79

83

86

83

86

91

89

93

98

94

99

105

D1 (cm)

63

69

76

76

83

92

87

95

105

97

105

107

105

105

116

110

120

132

122

132

145

D2 (cm)

95

101

108

108

115

124

119

127

137

129

137

147

137

145

156

150

160

172

162

172

185

CĐ (cm)

140

141

142

158

159

160

172

173

174

184

185

187

195

197

198

214

215

216

229

230

231

d (cm)

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

4

3

4

4

4

4

4

4

4

4

Ống thép (m)

5.17

5.38

5.66

5.66

5.90

6.21

6.04

6.31

6.66

6.37

6.66

7.03

6.66

6.96

7.36

7.15

7.48

7.92

7.56

7.92

8.39

Thép tấm (m2)

3.17

3.50

3.96

3.96

4.39

4.98

4.66

5.17

5.88

5.29

5.88

6.69

5.88

6.53

7.45

6.95

7.74

8.83

7.92

8.83

10.09

Gạch (viên)

760

770

800

920

950

980

1070

1100

1140

1200

1240

1250

1330

1340

1380

1520

1560

1620

1720

1770

1830

Xi măng (kg)

230

230

240

280

280

290

320

330

340

360

360

370

390

390

400

440

450

470

500

510

530

Cát (m3)

0.8

0.8

0.8

0.9

0.9

0.9

1.0

1.1

1.1

1.1

1.2

1.2

1.2

1.3

1.3

1.4

1.5

1.5

1.6

1.6

1.7

Sỏi (m3)

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

0.1

 


Bảng 7 - Các thông số, kích thước và vật liệu đối với các cỡ thiết bị nắp nổi kiểu KT.6

Thông số

Các cỡ

2.50

2.56

2.66

3.73

3.83

3.98

4.97

5.10

5.30

6.20

6.37

6.62

7.43

7.63

7.93

9.88

10.15

10.55

12.33

12.66

13.16

Vd (m3)

2.00

2.00

2.00

3.00

3.00

3.00

4.00

4.00

4.00

5.00

5.00

5.00

6.00

6.00

6.00

8.00

8.00

8.00

10.00

10.00

10.00

Vg (m3)

0.33

0.40

0.50

0.50

0.60

0.75

0.67

0.80

1.00

0.83

1.00

1.25

1.00

1.20

1.50

1.33

1.60

2.00

1.67

2.00

2.50

H1 (cm)

148

145

141

167

163

158

183

178

172

196

191

184

207

202

194

227

221

212

244

237

227

H2 (cm)

52

59

70

56

64

75

59

67

80

62

70

84

64

73

87

68

78

93

71

82

98

D1 (cm)

78

78

78

96

96

96

110

110

110

122

122

122

133

133

133

151

151

151

166

166

166

D2 (cm)

110

110

110

128

128

128

142

142

142

154

154

154

165

165

165

183

183

183

198

198

198

D3 (cm)

124

124

124

142

142

142

156

156

156

168

168

168

179

179

179

197

197

197

212

212

212

CĐ (cm)

190

194

200

213

217

223

231

236

242

247

251

258

261

265

272

285

289

295

305

309

315

d (cm)

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

3

4

3

4

4

4

4

4

4

4

4

Ống thép (m)

5.12

5.40

5.82

5.55

5.86

6.32

5.89

6.23

6.73

6.18

6.54

7.07

6.44

6.81

7.37

6.87

7.28

7.89

7.24

7.68

8.32

Thép tấm (m2)

3.57

3.85

4.26

4.46

4.81

5.33

5.24

5.65

6.27

5.94

6.41

7.12

6.59

7.12

7.91

7.78

8.41

9.35

8.86

9.58

10.66

Gạch (viên)

1300

1370

1470

1660

1750

1900

2000

2110

2290

2310

2440

2660

2610

2760

3020

3170

3370

3690

3710

3950

4340

Xi măng (kg)

390

420

460

500

540

590

610

650

720

700

760

840

800

860

960

980

1050

1180

1150

1240

1400

Cát (m3)

1.2

1.3

1.4

1.6

1.7

1.8

1.9

2.0

2.2

2.2

2.3

2.6

2.5

2.7

3.0

3.0

3.3

3.7

3.5

3.8

4.3

Sỏi (m3)

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

0.2

Sắt F6 (kg)

6

6

6

7

7

7

8

8

8

9

9

9

9

9

9

11

11

11

11

11

11

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.