Quyết định 2078/QĐ-UBND năm 2009 ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
Số hiệu: 2078/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên Người ký: Vũ Hồng Bắc
Ngày ban hành: 27/08/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2078/QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 27 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2006 – 2010, TỈNH THÁI NGUYÊN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 1541/QĐ-UBND ngày 30/6/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);
Xét đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh (sau khi xin ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo) tại Công văn số 132/BDT-CSDT ngày 15/7/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có Chương trình 135 giai đoạn II và các thành viên Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2502/QĐ-UBND ngày 07/11/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Bắc

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG BAN CHỈ ĐẠO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC XÃ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010, TỈNH THÁI NGUYÊN

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Ban chỉ đạo Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (gọi tắt là BCĐ 135) được thành lập theo Quyết định số 1541/QĐ-UBND ngày 30/6/2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

BCĐ 135 có Tổ chuyên viên giúp việc; cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo là Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Các văn bản của BCĐ 135 do Trưởng ban ký thì sử dụng con dấu của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trường hợp do Phó trưởng ban thường trực ký theo sự uỷ quyền của Trưởng ban thì sử dụng con dấu của Ban Dân tộc tỉnh.

Điều 2: BCĐ 135 có chức năng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II) trên địa bàn toàn tỉnh.

BCĐ 135 chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh.

Điều 3: BCĐ 135 có các nhiệm vụ như sau:

- Căn cứ các quy định hiện hành của Nhà nước, giúp UBND tỉnh ban hành các quy định cụ thể về thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II phù hợp với điều kiện của tỉnh.

- Giúp UBND tỉnh tổng hợp, cân đối giao kế hoạch về mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.

- Chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện kế hoạch được giao.

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc cấp phát, thanh toán kinh phí thực hiện từng dự án đảm bảo kịp thời, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

- Chỉ đạo sự phối hợp giữa các ngành và cấp huyện nhằm đảm bảo thực hiện việc lồng ghép kịp thời, có hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án cùng với nguồn lực của Chương trình 135 đầu tư vào cùng địa bàn các xã về xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Chương trình, của các ngành ở tỉnh theo nhiệm vụ phân công và UBND cấp huyện, cấp xã; kiểm tra thực tế tại các công trình, các hộ hưởng lợi.

- Báo cáo về tình hình, tiến độ, kết quả thực hiện Chương trình 135 với Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh và thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 135 TW theo định kỳ (6 tháng và cả năm) và theo yêu cầu đột xuất.

- Giúp UBND tỉnh tổ chức việc sơ kết, tổng kết Chương trình và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo theo yêu cầu của UBND tỉnh và các quy định mới về Chương trình 135 giai đoạn II.

Chương II

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 4. Trưởng Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm chung về hoạt động của BCĐ 135, chủ trì các cuộc họp của BCĐ 135 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

Điều 5. Phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên BCĐ 135 như sau:

1. Ban Dân tộc tỉnh chịu trách nhiệm:

a) Giúp Trưởng ban chỉ đạo điều hành hoạt động của BCĐ, thường xuyên liên hệ với các thành viên BCĐ để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thành viên; chuẩn bị nội dung và điều kiện cho các cuộc họp của BCĐ; chủ trì cuộc họp BCĐ khi được sự ủy quyền của Trưởng BCĐ.

b) Đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực Chương trình 135 giai đoạn II theo quy định, cụ thể gồm những nội dung chính như sau:

- Thống nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để hướng dẫn các huyện lập kế hoạch hàng năm, tổng hợp kết quả thực hiện từng năm trên địa bàn báo cáo UBND tỉnh.

- Chủ trì xây dựng kế hoạch vốn thực hiện các dự án, chính sách thuộc Chương trình 135 cho từng huyện gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn.

- Thực hiện một số nội dung của dự án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng.

- Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hàng năm, giữa kỳ và khi kết thúc Chương trình.

- Điều hành hoạt động của Tổ chuyên viên giúp việc của BCĐ 135; triệu tập họp Tổ chuyên viên khi cần thiết.

- Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định tại Điều 3 của Quy chế này.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Thường xuyên phối hợp, lồng ghép với Chương trình 135 trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, đào tạo, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Cung cấp số hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của các huyện, xã, xóm bản và các thông tin cần thiết khác về công tác xoá đói giảm nghèo cho cơ quan thường trực và các thành viên Ban chỉ đạo.

- Phụ trách địa bàn huyện Phú Lương.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Tài chính, cơ quan thường trực bố trí kế hoạch vốn cho các dự án của Chương trình, tổng hợp phương án phân bổ vốn của Chương trình theo thẩm quyền và kiểm tra, giám sát nhiệm vụ được phân công.

- Chủ trì phối hợp với các ngành và có biện pháp nhằm huy động lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Chương trình 135.

- Phụ trách địa bàn huyện Đồng Hỷ.

4. Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan thường trực và Kho bạc Nhà nước bố trí nguồn ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác cho các dự án, chính sách của Chương trình 135.

- Hướng dẫn cụ thể việc áp dụng thực hiện chế độ, chính sách của Chương trình 135 nhằm đảm bảo sự thống nhất trên địa bàn tỉnh.

- Thẩm định và phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư công trình hoàn thành theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phụ trách địa bàn huyện Phú Bình.

5. Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm:

- Phối hợp với cơ quan thường trực, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND các huyện quản lý nhà nước về dự án, xây dựng kế hoạch tổng thể, kế hoạch hàng năm của dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án và tổng hợp báo cáo theo quy định.

- Chỉ đạo, theo dõi các huyện về: chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, quy hoạch phát triển lâm nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất.

- Phụ trách địa bàn huyện Võ Nhai.

6. Sở Xây dựng có trách nhiệm:

- Hướng dẫn UBND các huyện về trình tự thủ tục quản lý đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng công trình đối với các công trình xây dựng thuộc Chương trình 135.

- Phối hợp với cơ quan thường trực hướng dẫn, kiểm tra việc lập quy hoạch công trình xây dựng trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135.

- Phụ trách địa bàn huyện Phổ Yên.

7. Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên có trách nhiệm:

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Kho bạc Nhà nước các huyện thực hiện việc kiểm soát, thanh toán vốn dự án, công trình.

- Phối hợp với cơ quan thường trực, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, UBND các huyện kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình cấp phát và thanh toán.

- Phụ trách địa bàn huyện Định Hoá.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

- Thực hiện lồng ghép vốn với Chương trình 135 trong việc xây dựng trường, lớp nhằm hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135 đồng thời với việc hoàn thành mục tiêu kiên cố hoá trường lớp học trên địa bàn.

- Đảm bảo thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo như: chính sách cử tuyển, chế độ đối với học sinh, giáo viên...đối với các xã, xóm, bản hưởng Chương trình 135.

- Phụ trách địa bàn huyện Đại Từ.

9. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:

- Đảm bảo thực hiện lồng ghép các nguồn vốn trong xây dựng đường giao thông trên địa bàn các xã hưởng Chương trình 135 nhằm hoàn thành mục tiêu về đường giao thông đến năm 2010.

- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện thực hiện xây dựng các công trình giao thông đúng với quy hoạch và quy mô (loại, cấp công trình) cho phù hợp với tình hình ở địa phương và khả năng nguồn vốn, đạt chất lượng, hiệu quả cao.

- Phụ trách địa bàn thị xã Sông Công.

Chương III

NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO

Điều 6: Ban chỉ đạo 135 làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ; mỗi thành viên chịu trách nhiệm tập thể về thực hiện nhiệm vụ chung của Ban chỉ đạo, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân trước Ban chỉ đạo và trước pháp luật về nhiệm vụ cụ thể được phân công.

Điều 7: Ban chỉ đạo tổ chức họp định kỳ 6 tháng một lần và họp đột xuất khi cần thiết. Nội dung các cuộc họp do Thường trực Ban chỉ đạo chuẩn bị, báo cáo với Trưởng ban chỉ đạo và thông báo trước cho các thành viên. Các thành viên có trách nhiệm tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban chỉ đạo.

Điều 8: Thường trực Ban chỉ đạo giúp Ban chỉ đạo báo cáo tình hình, tiến độ, kết quả thực hiện với Thường trực Tỉnh uỷ, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 135 TW theo định kỳ và theo yêu cầu đột xuất.

Các ngành liên quan có trách nhiệm cung cấp tình hình, số liệu bằng văn bản theo đề nghị của cơ quan thường trực BCĐ 135 để tổng hợp thành báo cáo chung.

Các thành viên BCĐ 135 và Tổ chuyên viên giúp việc hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm. Kinh phí hoạt động của BCĐ 135 thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 9: Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II sẽ được BCĐ 135 xét đề nghị khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

Điều 10: Các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này hoặc vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý Chương trình 135 giai đoạn II thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 2502/QĐ-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2007 của UBND tỉnh Thái Nguyên.

Điều 12: Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung chưa phù hợp, Thường trực Ban chỉ đạo có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo để đưa ra cuộc họp Ban chỉ đạo thống nhất bổ sung, sửa đổi./.