Quyết định 2059/QĐ-TTg năm 2015 về thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020
Số hiệu: 2059/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 24/11/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 06/12/2015 Số công báo: Từ số 1171 đến số 1172
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2059/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO, HỘI ĐỒNG VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM GIAI ĐOẠN 2015 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Căn cứ Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Thành lập Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) và Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Hội đồng vùng).

Điều 2. Thành viên Ban chỉ đạo gồm:

1. Trưởng Ban: Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

2. Phó Trưởng Ban thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các thành viên:

3. Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

4. Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính.

5. Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương.

6. Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

7. Ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

8. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

9. Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

10. Ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế.

11. Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

12. Ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

13. Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

14. Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

15. Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

16. Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Điều 3. Thành viên Hội đồng vùng.

1. Thành viên Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội là Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nhiệm kỳ 2015 - 2016.

2. Thành viên Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng là Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nhiệm kỳ 2015 - 2016.

3. Thành viên Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh là Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhiệm kỳ 2015 - 2016.

4. Thành viên Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long gồm:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau.

- Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ là Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long nhiệm kỳ 2015 - 2016.

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng.

- Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo được quy định tại Điều 2 Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020.

- Nhiệm vụ, quyền hạn và chế độ làm việc của Hội đồng vùng được quy định tại Điều 3 Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 1022/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, các Ông, Bà có tên tại các Điều 2, Điều 3 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

 

Điều 2. Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

1. Nhiệm vụ và quyền hạn:

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng có tính chất liên ngành, liên vùng liên quan đến hoạt động điều phối phát triển các vùng KTTĐ. Ban Chỉ đạo có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng KTTĐ; các giải pháp thúc đẩy phối hợp phát triển giữa các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong các vùng KTTĐ và giữa các vùng KTTĐ với các vùng khác.

b) Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phối hợp trong việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện các liên kết vùng trên các lĩnh vực như xây dựng kết cấu hạ tầng, môi trường, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

c) Theo dõi, đôn đốc và giải quyết các vấn đề điều phối thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng KTTĐ.

d) Xây dựng chương trình phối hợp phát triển của các Bộ và các vùng KTTĐ. Tổ chức phối hợp giữa các vùng KTTĐ với các vùng khác.

đ) Tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình phát triển và phối hợp phát triển của các vùng KTTĐ.

2. Thành phần của Ban Chỉ đạo và chế độ làm việc.

a) Trưởng ban: Phó Thủ tướng Chính phủ.

b) Phó Trưởng ban thường trực: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

c) Các thành viên Ban Chỉ đạo:

- Thứ trưởng hoặc tương đương của các Bộ và cơ quan ngang Bộ:

Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và Văn phòng Chính phủ.

- Chủ tịch Hội đồng vùng.

d) Chế độ làm việc: Theo chế độ đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Trưởng Ban Chỉ đạo được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.

đ) Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan làm nhiệm vụ thường trực của Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy giúp việc hiện có (Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiện toàn Văn phòng Ban Chỉ đạo bảo đảm đủ nhân lực (bao gồm cả cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm) để thực hiện nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo và công chức của Văn phòng Ban Chỉ đạo thuộc biên chế công chức của Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ được bố trí trong phạm vi biên chế công chức được giao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

e) Kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo và của Văn phòng Ban Chỉ đạo được tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Kinh phí hoạt động được cấp về Văn phòng Ban Chỉ đạo; Văn phòng Ban Chỉ đạo được phép sử dụng tài khoản và bộ máy tài vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Xem nội dung VB
Điều 3. Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm

1. Nhiệm vụ và quyền hạn:

Hội đồng vùng là tổ chức kết nối giữa Ban Chỉ đạo với các địa phương trong vùng KTTĐ và chỉ đạo, điều phối các liên kết trong vùng. Hội đồng vùng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Chỉ đạo và tổ chức phối hợp các địa phương trong vùng KTTĐ thực hiện các Quy hoạch phát triển của vùng KTTĐ; theo dõi quá trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch của địa phương trong vùng. Tiếp nhận, cụ thể hóa, tổ chức vận hành triển khai các văn bản chính sách, chủ trương phát triển, các nội dung thực hiện liên kết vùng.

b) Tổng hợp kế hoạch điều phối hàng năm, xây dựng kế hoạch liên kết phối hợp toàn vùng trong năm kế hoạch; thống nhất kế hoạch liên kết nội bộ vùng với các địa phương trong vùng, xây dựng nội dung, quy mô, mức độ tính chất thực hiện các liên kết, phương thức tổ chức thực hiện các liên kết. Tổng hợp danh mục các chương trình dự án đầu tư phát triển có tính chất liên tỉnh trong vùng.

c) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện các liên kết, giải quyết các vấn đề nảy sinh hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo phối hợp giải quyết.

d) Tổng hợp, báo cáo Văn phòng Ban Chỉ đạo theo định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình phát triển và phối hợp phát triển của vùng KTTĐ.

2. Thành phần và chế độ làm việc

a) Chủ tịch Hội đồng vùng: Là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố được bầu luân phiên trong số các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng KTTĐ, nhiệm kỳ hai năm.

b) Thành viên Hội đồng vùng: gồm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng KTTĐ, riêng vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long có sự tham gia của Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

c) Chế độ làm việc: Hội đồng vùng làm việc theo chế độ tập thể, biểu quyết theo đa số và thông qua cơ chế Hội nghị liên tịch. Hội nghị liên tịch được tổ chức mỗi năm hai lần để bàn thảo và quyết định những nội dung hợp tác quan trọng (khi cần Chủ tịch Hội đồng vùng có thể triệu tập họp đột xuất).

Chủ tịch Hội đồng vùng được sử dụng con dấu của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng KTTĐ đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng vùng.

d) Cơ quan làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng vùng là Sở Kế hoạch và Đầu tư (của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao luân phiên làm Chủ tịch Hội đồng vùng). Sở Kế hoạch và Đầu tư sử dụng bộ máy của mình để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng vùng.

đ) Kinh phí hoạt động của Hội đồng vùng được tổng hợp trong dự toán ngân sách hàng năm của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng và được quản lý, thanh toán, quyết toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan. Kinh phí hoạt động được cấp về Sở Kế hoạch và Đầu tư của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng vùng.

Xem nội dung VB