Quyết định 2045/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án Mở rộng và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa" trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu: 2045/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Phan Đình Trạc
Ngày ban hành: 13/06/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2045/QĐ-UBND

Vinh, ngày 13 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN MỞ RỘNG VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THỰC HIỆN CƠ CHẾ "MỘT CỬA" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

CHỦ TỊCH UBND TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 94/2006/QĐ.TTg ngày 27/4/2006 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Kế hoạch CCHC Nhà nước giai đoạn 2006-2010;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 216/TTr-SNV ngày 22 tháng 3 năm 2007 và Sở Tài chính tại văn bản số: 1131/STC-CHVX ngày 5 tháng 6 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Mở rộng và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa" trên địa bàn tỉnh Nghệ An với những nội dung chính sau đây:

I. Mục tiêu:

1. Phấn đấu đến hết năm 2007 cơ chế "một cửa" với hình thức và quy mô phù hợp được áp dụng ở 100% số xã trong tỉnh; đến năm 2010, 100% các dịch vụ công, các lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đều được cung cấp thông qua cơ chế "một cửa";

2. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa" theo hướng hiện đại, liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin và tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2000.

II. Các nhiệm vụ và giải pháp chính:

1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo:

a) Các cấp uỷ Đảng đề ra mục tiêu cụ thể trong thực hiện cơ chế "một cửa" và đôn đốc lãnh đạo thực hiện mục tiêu đã đề ra;

b) Tập thể lãnh đạo có sự phân công trách nhiệm rõ ràng trong chỉ đạo, quản lý, điều hành bộ phận "một cửa"; gắn trách nhiệm người đứng đầu với công tác CCHC nói chung và thực hiện cơ chế “một cửa” nói riêng.

c) Đưa thêm nội dung lãnh đạo thực hiện CCHC vào các lớp tập huấn dành cho cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền.

2. Tổ chức thống nhất mô hình quản lý bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa” (sau đây gọi tắt là Bộ phận “một cửa”):

a) Đối với các ngành cấp tỉnh có nhiều lĩnh vực thực hiện theo cơ chế “một cửa” và UBND cấp huyện: áp dụng mô hình Bộ phận “một cửa” độc lập, tách rời bộ phận xử lý hồ sơ, do Chánh Văn phòng hoặc một đồng chí Phó Văn phòng phụ trách;

b) Đối với UBND cấp xã: áp dụng mô hình chuyên viên tiếp nhận hồ sơ đồng thời là người xử lý. Hạn chế áp dụng mô hình này ở cấp tỉnh và cấp huyện, trường hợp có tính đặc thù muốn thực hiện mô hình này phải được sự đồng ý của Ban chỉ đạo CCHC tỉnh;

c) ở những cơ quan có lượng giao dịch ít, nếu việc bố trí một biên chế để tiếp nhận hồ sơ ở tất cả các lĩnh vực là lãng phí thì áp dụng mô hình Phòng chuyên môn cử người tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận “một cửa” theo lịch sau đó đưa về phòng xử lý.

d) Phân công quản lý mô hình “một cửa” liên thông trên nguyên tắc: cơ quan đầu tiên tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có khối lượng và trách nhiệm công việc nhiều nhất là cơ quan đầu mối, chủ trì quản lý bộ phận “một cửa” liên thông.

3. Nhóm giải pháp về cơ chế.

a) Tăng cường phân công, phân cấp theo hướng tăng trách nhiệm, quyền hạn cho cấp trực tiếp xử lý; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; thống nhất áp dụng chung trên toàn tỉnh các mẫu đơn, mẫu giấy tờ hành chính khác.

b) Các ngành, địa phương có trách nhiệm nghiên cứu để chậm nhất đến năm 2010 đưa toàn bộ các dịch vụ hành chính công và các công việc thường xuyên phải tiếp xúc với tổ chức, công dân vào thực hiện theo cơ chế "một cửa".

c) áp dụng mô hình “một cửa” liên thông ở tất cả các lĩnh vực dịch vụ công có liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, trong đó, kết quả của cơ quan này là đầu vào của cơ quan khác. Trước hết là ở các lĩnh vực: thành lập doanh nghiệp (giấy chứng nhận ĐKKD, cấp mã số thuế, cấp giấy phép khắc dấu và con dấu), cấp phép quảng cáo, bồi thường GPMB...

d) Xây dựng cơ chế giám sát, tiêu chí đánh giá chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa"; tiến hành đánh giá công nhận các đơn vị đã áp dụng đạt yêu cầu, chưa đạt yêu cầu.

e) Phân công, bố trí cán bộ ở bộ phận “một cửa” hợp lý theo hướng trực tiếp nhận và trả hồ sơ tất cả các ngày trong tuần.

4. Hiện đại hoá công nghệ quản lý và trang thiết bị, văn phòng.

a) áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO 9001:2000 trong tất cả các lĩnh vực thực hiện theo cơ chế “một cửa”;

b) ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong xử lý, quản lý, giám sát công việc, thực hiện chuyển văn bản và trình ký qua mạng LAN, mạng Internet;

c) Công khai đầy đủ tại nơi giao dịch và trên mạng Internet các quy trình thủ tục hành chính, thời gian xử lý, phí và lệ phí, người xử lý hồ sơ, người chịu trách nhiệm tiếp nhận khiếu nại của dân, trách nhiệm và quyền hạn của dân khi giao dịch...

d) Tăng cường trang thiết bị cho bộ phận “một cửa”. Những đơn vị có lượng giao dịch lớn và nhạy cảm được lắp đặt máy xếp hàng, đếm số tự động, camera giám sát, hệ thống mã vạch, mã số... Được phép bố trí thêm dịch vụ photo coppy tài liệu hướng dẫn và các công văn giấy tờ tại nơi giao dịch; bộ phận “một cửa” được bố trí đủ diện tích, đặt ở vị trí thuận lợi cho giao dịch;

e) Công chức làm việc tại bộ phận "một cửa" sử dụng trang phục thống nhất.

5. Đảm bảo chất lượng và số lượng cán bộ, công chức:

a) Ưu tiên về số lượng và chất lượng cán bộ, công chức cho bộ phận “một cửa”; xây dựng tiêu chuẩn chức danh từng vị trí làm việc tại bộ phận "một cửa" và các vị trí liên quan làm cơ sở cho công tác đào tạo bồi dưỡng, bố trí công tác, tuyển dụng...

b) Mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng về ứng dụng công nghệ thông tin, ISO, kỹ năng hành chính, kỹ năng giao tiếp, chú trọng đến công chức làm việc ở bộ phận "một cửa", công chức trong dây chuyền xử lý, cán bộ, công chức cấp xã.

c) Có các hình thức khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức trong xử lý công việc theo cơ chế “một cửa”;

d) Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã căn cứ vào từng vị trí công tác, kết quả thực hiện công việc của cán bộ và quy định của Nhà nước về chế độ tài chính để quyết định chế độ đãi ngộ hợp lý cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận "một cửa". Trường hợp làm thêm ngoài giờ được chấm công và trả lương ngoài giờ theo quy định.

6. Kinh phí mở rộng và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa":

a) Kinh phí cụ thể do từng cơ quan, đơn vị lập theo hướng dẫn tại Thông tư 99/2006/TT-BTC ngày 20/10/2006 của Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện. Trong đó xác định quy mô đầu tư như sau:

- Quy mô hiện đại với đầy đủ trang thiết bị (như nêu tại điểm 4.d. trên đây) đối với các ngành, các địa phương có nhiều giao dịch, nhiều khách hàng như: thành phố Vinh, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng UBND tỉnh.

- Quy mô trung bình ở các ngành, các địa phương có khá nhiều giao dịch như: thị xã Cửa lò, Quỳnh Lưu, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ.

- Đối với các ngành, các địa phương có giao dịch ít thì nâng cao chất lượng cơ chế một cửa hiện đang vận hành bằng cách áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO và áp dụng tin học hoá trong xử lý và quản lý công việc;

- Đối với cấp xã: bố trí đủ thiết bị cơ bản, rà soát lại cơ chế quản lý, vận hành và lịch làm việc hợp lý.

b) Nguồn kinh phí để thực hiện mở rộng và nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa" theo đề án này được trích từ Ngân sách Nhà nước và các nguồn khác. Hàng năm Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các ngành và các địa phương liên quan lập dự toán kinh phí triển khai đề án trong năm để đưa vào kế hoạch ngân sách theo quy định.

7. Triển khai cơ chế "một cửa" đối với các xã vùng cao một cách hợp lý:

a) Lĩnh vực áp dụng cơ chế “một cửa” ở các xã vùng cao chủ yếu trước mắt là chứng thực và các dịch vụ công thiết yếu (khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn...) mở rộng dần sang lĩnh vực khác theo sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu giao dịch của nhân dân trong vùng.

b) UBND cấp huyện căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương mình có thể giao phòng Nội vụ - Lao động, thương binh và xã hội làm đầu mối, trực tiếp giúp UBND cấp xã triển khai thực hiện một số công việc cụ thể, như: chuẩn bị cơ sở vật chất, tập huấn hướng dẫn, tuyên truyền, khai trương, kiểm tra giám sát thực hiện cơ chế...; kinh phí của UBND tỉnh hỗ trợ cho các xã vùng cao phải được sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích.

8. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ, tham gia vào việc giám sát, góp ý và đánh giá chất lượng thực hiện cơ chế “một cửa” của các cơ quan Nhà nước.

III. Tiến độ triển khai:

1. Giai đoạn I (2007 – 2008): triển khai ở các ngành, các địa phương trọng điểm có liên quan nhiều đến dân và doanh nghiệp gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa Thông tin, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Nội vụ, Công an tỉnh, Cục Hải quan, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội tỉnh, UBND thành phố Vinh, UBND thị xã Cửa Lò, UBND các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành.

Sơ kết thực hiện giai đoạn I của đề án vào cuối năm 2008, đầu năm 2009.

2. Giai đoạn II (2009 - 2010): điều chỉnh các cơ chế, chính sách, mô hình cho phù hợp sau khi sơ kết giai đoạn I, áp dụng ở các đơn vị còn lại.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

1. Sở Nội vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có trách nhiệm hướng dẫn triển khai thực hiện quyết định này, định kỳ hàng tháng, hàng quý và hàng năm báo cáo cho UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.

b) Tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan lĩnh vực quản lý của ngành: các khoá đào tạo, tập huấn cho cán bộ công chức, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa", tiến hành kiểm tra, đánh giá, trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận các đơn vị đạt chuẩn.

c) Chủ trì thẩm định Kế hoạch thực hiện Đề án của các ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (về lĩnh vực áp dụng, quy mô đầu tư, tiến độ...).

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

a) Tham mưu bố trí đủ kinh phí để thực hiện Đề án;

b) Hướng dẫn và quản lý Nhà nước về tài chính trong thực hiện đề án ở các ngành, địa phương;

3. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai đề án này, trình UBND cấp trên trực tiếp phê duyệt để thực hiện.

4. Các cơ quan, đơn vị có liên quan khác căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao để lập kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của đề án đã nêu.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phan Đình Trạc