Quyết định 2005/QĐ-UBND năm 2007 về quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các sở ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn do Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành
Số hiệu: 2005/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Tây Ninh Người ký: Nguyễn Văn Nên
Ngày ban hành: 21/09/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 2005/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 21 tháng 09  năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI CÁC SỞ, NGÀNH TỈNH, ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, THỊ Xà VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 93/QĐ-TTg ngày 22/06/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 201/2002/QĐ-UBND ngày 16/8/2002; 105/1998/QĐ-UBND ngày 10/09/1998; 115/2001/QĐ-UBND ngày 28/06/2001; 220, 221, 222/2005/QĐ-UBND ngày 01/11/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành và điều chỉnh, bổ sung đề án thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa” tại các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Nên

 

QUY CHẾ

THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI CÁC SỞ, NGÀNH TỈNH, ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2005/QĐ-UBND ngày 21 tháng 09  năm 2007 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông

1. Cơ chế một cửa là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân, bao gồm cả tổ chức, cá nhân nước ngoài (Sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của một cơ quan hành chính Nhà nước, từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính Nhà nước.

2. Cơ chế một cửa liên thông là cơ chế giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính từ hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính Nhà nước.

Điều 2. Các nguyên tắc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông

1.  Thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng, đúng pháp luật.

2. Công khai các thủ tục hành chính, mức thu phí, lệ phí, giấy tờ, hồ sơ và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân.

3. Nhận yêu cầu và trả kết quả tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

4. Bảo đảm giải quyết công việc nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức, cá nhân.

5. Đảm bảo sự phối hợp giải quyết công việc giữa các bộ phận, cơ quan hành chính Nhà nước để giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân.

Điều 3. Cơ quan áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông

1. Cơ chế một cửa được áp dụng đối với các cơ quan sau:

a) Văn phòng Ủy ban nhân dân, các sở và cơ quan tương đương (Sau đây gọi là cơ quan chuyên môn cấp tỉnh) thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân huyện, thị xã thuộc tỉnh (Sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện);

c) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (Sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã);

d) Các cơ quan được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc đặt tại tỉnh của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Cơ chế một cửa liên thông được áp dụng đối với một số cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy chế này.

Điều 4. Phạm vi áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông

1. Thực hiện cơ chế một cửa trong giải quyết các công việc liên quan trực tiếp tới tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy chế này.

2. Thực hiện cơ chế một cửa liên thông để giải quyết một số lĩnh vực công việc liên quan trực tiếp tới tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật cùng thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính Nhà nước quy định tại khoản 1 Điều 3 Quy chế này.

Chương 2:

VỊ TRÍ, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ

Điều 5. Vị trí của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả  

1. Đối với cơ chế một cửa:

a) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cơ quan chuyên môn cấp tỉnh đặt tại Văn phòng cơ quan và chịu sự quản lý toàn diện của Văn phòng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, riêng đối với Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì đặt tại Phòng Hành chính - Tổ chức và chịu sự quản lý toàn diện của Phòng Hành chính - Tổ chức.

b) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở Ủy ban nhân dân cấp huyện đặt tại Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, chịu sự quản lý toàn diện của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở Ủy ban nhân dân cấp xã đặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phụ trách.

2. Đối với cơ chế một cửa liên thông:

a) Đối với cơ chế một cửa liên thông giữa nhiều cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp: Tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết và trả kết quả được thực hiện tại một đầu mối là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một trong số các cơ quan hành chính Nhà nước có liên quan;

b) Đối với cơ chế một cửa liên thông giữa cơ quan hành chính Nhà nước các cấp: Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện có, có trách nhiệm giải quyết công việc của tổ chức, cá nhân liên quan tới thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Điều 6. Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 

1. Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chịu sự quản lý toàn diện của Văn phòng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, riêng đối với Văn phòng Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì chịu sự quản lý toàn diện của Phòng Hành chính - Tổ chức.

2. Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu sự quản lý toàn diện của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân cấp xã là các chức danh quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, chịu sự quản lý toàn diện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 7. Hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa

1. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết công việc liên hệ, nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

2. Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm xem xét hồ sơ của tổ chức, cá nhân:

a) Trường hợp yêu cầu của tổ chức, cá nhân không thuộc phạm vi giải quyết thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

b) Trường hợp hồ sơ chưa đúng, chưa đủ theo quy định thì hướng dẫn cụ thể một lần, đầy đủ để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh;

c) Trường hợp hồ sơ chưa đủ các yếu tố pháp lý cần thiết để giải quyết nhưng cán bộ tiếp nhận đã nhận và chuyển cho cán bộ thụ lý thì chậm nhất trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận, cán bộ thụ lý phải nêu rõ yêu cầu về bổ sung hồ sơ cho cán bộ tiếp nhận để phát hành phiếu báo bổ sung hồ sơ đến người nộp. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện một lần và thời gian chờ bổ sung không tính vào thời gian giải quyết hồ sơ đã niêm yết.

d) Đối với các loại công việc theo quy định giải quyết trong ngày làm việc không được ghi giấy hẹn thì tiếp nhận và giải quyết ngay, sau đó trình lãnh đạo có thẩm quyền ký, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân, thu phí, lệ phí đối với những công việc được thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

e) Đối với các loại công việc theo quy định được ghi giấy hẹn thì tiếp nhận và viết giấy biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả, chủ trì, phối hợp với bộ phận chức năng có liên quan giải quyết hồ sơ, sau đó trình lãnh đạo có thẩm quyền ký, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân, thu phí, lệ phí đối với những công việc được thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông

1. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết công việc được quy định áp dụng cơ chế một cửa liên thông liên hệ, nộp hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một cơ quan hành chính Nhà nước theo quy định.

2. Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm xem xét hồ sơ của tổ chức, cá nhân:

a) Trường hợp yêu cầu của tổ chức, cá nhân không thuộc thẩm quyền giải quyết thì hướng dẫn để tổ chức, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết;

b) Trường hợp hồ sơ chưa đúng, chưa đủ theo quy định thì hướng dẫn cụ thể một lần, đầy đủ để tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn chỉnh.

c) Trường hợp hồ sơ chưa đủ các yếu tố pháp lý cần thiết để giải quyết nhưng cán bộ tiếp nhận đã nhận và chuyển cho cán bộ thụ lý thì chậm nhất trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận, cán bộ thụ lý phải nêu rõ yêu cầu về bổ sung hồ sơ cho cán bộ tiếp nhận để phát hành phiếu báo bổ sung hồ sơ đến người nộp. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện một lần và thời gian chờ bổ sung không tính vào thời gian giải quyết hồ sơ đã niêm yết.

3. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả căn cứ vào tính chất công việc có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy trình sau:

a) Ghi giấy biên nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả, chủ trì, phối hợp với bộ phận chức năng có liên quan xử lý hồ sơ, sau đó trình lãnh đạo để giải quyết theo trách nhiệm thẩm quyền;

b) Trực tiếp liên hệ với các cơ quan liên quan để giải quyết hồ sơ. Các cơ quan liên quan có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, giải quyết theo thẩm quyền, đúng thời gian quy định;

c) Nhận kết quả, trả lại cho tổ chức, cá nhân, thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Chương 3:

CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM VÀ KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 9. Phòng làm việc, trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả 

Phòng làm việc, trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp được bố trí theo quy định chung tại Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, ngoài ra được bố trí cụ thể như sau:

1. Diện tích phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả:

a) Đối với cơ quan chuyên môn cấp tỉnh: Tối thiểu 40m2;

b) Đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện: Tối thiểu 80m2;

c) Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã: Tối thiểu 40m2;

d) Trong tổng diện tích phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải dành 50% diện tích để bố trí nơi ngồi chờ cho tổ chức, cá nhân;

e) Trường hợp tình trạng trụ sở hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu về diện tích, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp ở địa phương được dành diện tích thấp hơn quy định để bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và nơi ngồi chờ cho tổ chức, cá nhân nhưng thời gian kéo dài không quá ngày 31 tháng 10 năm 2008.

2. Trang thiết bị của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: Mức tối thiểu phải có máy vi tính, máy fax, máy in, điện thoại cố định, ghế ngồi, bàn làm việc, nước uống, quạt mát hoặc máy điều hoà nhiệt độ và các trang thiết bị khác để đáp ứng nhu cầu làm việc; khuyến khích cơ quan hành chính Nhà nước các cấp ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân.

3. Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trang bị đồng phục cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, xem xét, bố trí các trang thiết bị cần thiết để phục vụ theo hình thức trợ giá cho tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu về photocopy, đánh máy vi tính các tài liệu, hoàn chỉnh biểu mẫu, hồ sơ, điện thoại.

Điều 10. Kinh phí thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông

Kinh phí thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được sử dụng trong phạm vi dự toán ngân sách tỉnh hàng năm và từ các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Khen thưởng, kỷ luật

1. Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đảm bảo số lượng, chất lượng, thời gian theo quy định là một trong những căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác hàng năm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp và của cán bộ, công chức.

2. Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã và cán bộ, công chức hoàn thành tốt các nhiệm vụ về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông được xem xét, khen thưởng hàng năm theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng. Cán bộ, công chức có năng lực tốt trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông là nguồn cán bộ trong quy hoạch được xem xét, bổ nhiệm của cơ quan.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định hoặc cản trở việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông thì coi là không hoàn thành nhiệm vụ công tác hàng năm; tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 4:

TRÁCH NHIỆM TRIỂN KHAI, TỔ CHỨC THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG

Điều 12. Trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Ban hành quy chế quy định công việc giải quyết theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong đó bao gồm các loại công việc giải quyết ngay trong ngày làm việc không phải ghi giấy hẹn, loại công việc giải quyết phải ghi giấy hẹn; thời gian giải quyết công việc; quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; trách nhiệm của các bộ phận, cơ quan liên quan trong thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; trách nhiệm của cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (gửi quy chế này về Sở Nội vụ trước ngày 10 tháng 10 năm 2007 để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

2. Ban hành quyết định thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (gửi quyết định này về Sở Nội vụ trước ngày 05 tháng 11 năm 2007 để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh). 

3. Bố trí cán bộ, công chức đúng chuyên môn, nghiệp vụ làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

4. Hướng dẫn, chỉ đạo việc tổ chức thu các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

5. Niêm yết công khai các quy định, thủ tục hành chính, giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí, lệ phí và thời gian giải quyết các loại công việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

6. Tập huấn về nghiệp vụ và cách giao tiếp với tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

7. Thông tin, tuyên truyền để tổ chức, cá nhân biết về hoạt động của cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương.

8. Định kỳ 6 tháng, hàng năm kiểm tra việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông thuộc phạm vi quản lý.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

1. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định quy định mức phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tham mưu giúp việc chuyên trách công tác cải cách hành chính; làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.

2. Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế quy định đối với những công việc liên quan trực tiếp tới tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật cùng thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính Nhà nước cùng cấp hoặc giữa các cấp hành chính. 

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Xây dựng Sở Tài chính

1. Cân đối kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy chế này.

2. Cân đối ngân sách tỉnh hàng năm để bảo đảm kinh phí thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã về trang thiết bị quy định tại khoản 2, 3 Điều 9 Quy chế này.

3. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định quy định chế độ công tác phí đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cấp phù hợp với quy định khung của Bộ Tài chính; quyết định mức thu đối với khoản thu về phí, lệ phí có trong danh mục thuộc thẩm quyền được phép ban hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Bưu chính - Viễn thông và Sở khoa học Công nghệ

1. Khuyến khích cơ quan hành chính Nhà nước các cấp ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân.

2. Khuyến khích xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000, theo Quyết định số 144/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế này; hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và năm gửi báo cáo về Sở Nội vụ (Trước ngày 10 của tháng cuối quý) để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 17. Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan theo dõi, kiểm tra, báo cáo kết quả việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Quy chế này./.