Quyết định 20/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020
Số hiệu: 20/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước Người ký: Nguyễn Văn Lợi
Ngày ban hành: 04/01/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/QĐ-UBND

 Bình Phước, ngày 04 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG THU GOM, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;  

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Thông tư số 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn một số điều của Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về Quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 15/7/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Qui hoạch hệ thống bãi chôn lấp, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 639/TTr-STNMT ngày 20/12/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm quy hoạch

Quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn phù hợp với chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp (KCN) Việt Nam đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; quy hoạch xây dựng và các quy hoạch khác có liên quan đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Tiếp cận ph­ương thức quản lý chất thải rắn của các nư­ớc tiên tiến trên thế giới hiện nay, đồng thời phù hợp với điều kiện Việt Nam. Áp dụng công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận, các công nghệ nước ngoài có chọn lọc phù hợp với điều kiện kinh tế, trình độ công nghệ của Việt Nam và của tỉnh Bình Phước. Tìm cách giảm tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp, nhằm giảm thiểu tác động môi trường, chi phí đầu tư xây dựng bãi chôn lấp và tăng hiệu quả sử dụng đất.

Quy hoạch phân bố hợp lý địa điểm và xây dựng các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh sao cho mỗi khu xử lý chất thải rắn sẽ phục vụ 1 địa bàn huyện hoặc thị xã. Ưu tiên các khu xử lý chất thải rắn nguy hại và ưu tiên trên địa bàn đô thị, KCN tập trung. Quy hoạch và xây dựng khu xử lý chất thải rắn phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của nhân dân.

2. Mục tiêu quy hoạch

2.1. Mục tiêu chung

Chất thải rắn phải được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020, trung bình mỗi huyện có một khu xử lý chất thải rắn nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Bình Phước từ nay đến năm 2020 gắn với quy hoạch phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn được nâng cao, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn được thiết lập.

Nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn nhằm cải thiện chất lượng môi trường sống bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2015

- Thu gom trên 95% chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ và du lịch;

- Thu gom trên 50% chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực nông thôn;

- Thu gom và xử lý trên 95% chất thải rắn nguy hại và 100% chất thải rắn y tế;

- Phấn đấu 50% hộ gia đình, 100% doanh nghiệp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 50% các tuyến đường trong đô thị có trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, 80% khu vực công cộng có thùng chứa chất thải rắn;

- Trên 95% cơ sở tiểu thủ công nghiệp xử lý các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

b) Định hướng đến năm 2020

- Thu gom 100 % chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực đô thị, công nghiệp, dịch vụ và du lịch;

- Thu gom trên 70% chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực nông thôn;

- Thu gom và xử lý 100% chất thải rắn nguy hại và chất thải rắn y tế;

- Phấn đấu 70% hộ gia đình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 70% các tuyến đường trong đô thị có trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt, 90% khu vực công cộng có thùng chứa chất thải rắn;

- 100% cơ sở tiểu thủ công nghiệp xử lý các loại chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

3. Nội dung quy hoạch

3.1. Dự báo khối lượng chất thải rắn đến năm 2020:

a) Nguồn phát thải

Phát sinh từ các hoạt động của dân cư và hoạt động sản xuất công nghiệp, bao gồm chất thải khu dân cư, nơi công cộng, chất thải từ các hoạt động thương mại, dịch vụ, bệnh viện, chất thải công nghiệp, xây dựng.

b) Dự báo tổng lượng phát thải chất thải rắn

- Chỉ tiêu tính toán:

+ Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh: thị xã Phước Long 0,60kg/người/ngày; thị xã Đồng Xoài 0,84kg/người/ngày; thị xã Bình Long 0,58kg/người/ngày; huyện Bù Gia Mập 0,35kg/người/ngày; huyện Lộc Ninh 0,43kg/người/ngày; huyện Bù Đốp 0,37kg/người/ngày; huyện Hớn Quản 0,42kg/người/ngày; huyện Đồng Phú 0,45kg/người/ngày; huyện Bù Đăng 0,62kg/người/ngày; huyện Chơn Thành 0,65kg/người/ngày. Mục tiêu thu gom tại các khu vực đô thị là 95% đến năm 2015, 100% đến năm 2020. Mục tiêu thu gom tại các khu vực nông thôn là 50% đến năm 2015, 70% đến năm 2020;

+ Lượng chất thải rắn công nghiệp: 0,1 tấn/ha/ngày; trong đó, chất thải rắn công nghiệp nguy hại tính bằng 10% lượng chất thải rắn công nghiệp. Mục tiêu thu gom là 70%, 95%, 100% tương ứng với năm 2010, 2015, 2020;

+ Lượng chất thải rắn y tế: Chất thải rắn y tế thông thường là 0,3kg/giường bệnh/ngày. Chất thải rắn y tế nguy hại là 0,25kg/giường bệnh/ngày đối với bệnh viện; 0,2 kg/giường bệnh/ngày đối với phòng khám; 0,15 kg/giường bệnh/ngày đối với trạm y tế xã, phường.

- Tổng lượng chất thải rắn cần thu gom (ước tính):

Loại chất thải

Năm 2010

(tấn/năm)

Đến năm 2015

(tấn/năm)

Đến năm 2020

(tấn/năm)

- Chất thải rắn sinh hoạt

48.773

128.387

182.765

- Chất thải rắn công nghiệp

60.057

765.138

1.212.287

- Chất thải rắn y tế

339

339

339

Tổng

109.169

893.864

1.395.391

(Chi tiết tại phụ lục I kèm theo)

3.2. Quy hoạch địa điểm khu xử lý, chôn lấp chất thải rắn:

a) Quy định về lựa chọn địa điểm

- Quỹ đất đủ lớn hoặc có khả năng mở rộng để đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

- Có khoảng cách phù hợp tới các nguồn phát sinh chất thải. Xây dựng khu xử lý chất thải rắn chung cho các đô thị, các khu công nghiệp gần nhau. Chất thải rắn công nghiệp nguy hại cần có khu xử lý riêng.

- Có khoảng cách ly an toàn tới các điểm dân cư, khu đô thị, khu du lịch, giải trí, di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan sinh thái và các điểm, công trình nhạy cảm khác.

- Phải phù hợp các tiêu chí liên quan đến điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, kỹ thuật xây dựng và vận hành, địa chất thủy văn...ở từng huyện, thị xã. Tầm quan trọng của các tiêu chí được đặt trong mối tương quan chung của các yếu tố đó.

- Điều kiện giao thông, cung cấp điện nước thuận lợi và được sự chấp thuận của cộng đồng.

b) Công nghệ xử lý chất thải rắn

- Chất thải rắn đô thị: ưu tiên áp dụng công nghệ trong nước đã được cấp giấy chứng nhận, các công nghệ nước ngoài phù hợp với điều kiện kinh tế, có hiệu quả, ít gây ô nhiễm môi trường. Xử lý chất thải rắn theo phương pháp khu liên hợp xử lý (tái chế, tái sử dụng, chế biến phân hữu cơ,…) và chôn lấp hợp vệ sinh.

- Đối với chất thải rắn bệnh viện nguy hại thì tiêu hủy riêng bằng phương pháp thiêu đốt trong lò đốt chuyên dụng.

- Chất thải rắn công nghiệp: Cần xử lý tập trung kết hợp nhiều quy trình công nghệ khác nhau như đốt, chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý cơ học, hóa - lý.

c) Mô hình cơ sở xử lý chất thải rắn

- Xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn theo mô hình khu liên hợp xử lý chất thải rắn: Áp dụng cho 06 khu xử lý chất thải rắn qui hoạch mới.

- Đối với các bãi rác cũ: trước mắt đầu tư nâng cấp cải tạo các hạng mục chủ yếu, bảo đảm vệ sinh môi trường theo qui định. Về lâu dài, đầu tư xây dựng theo mô hình khu liên hợp xử lý chất thải rắn.

d) Xác định vị trí, quy mô các khu xử lý chất thải rắn

Ngoài 04 khu xử lý chất thải rắn hiện tại thuộc các huyện, thị xã: Thị xã Đồng Xoài (khu xử lý chất thải rắn tại ấp 1, xã Tiến Hưng); huyện Lộc Ninh (bãi rác tại ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh); huyện Bù Đốp (bãi rác tại ấp 3, xã Hưng Phước); huyện Đồng Phú (bãi rác tại ấp Suối Đôi, xã Tân Hưng). Quy hoạch 06 khu xử lý chất thải rắn mới cho 06 huyện, thị xã: Thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản (vị trí tại ấp 2, Xã Minh Tâm); thị xã Phước Long (vị trí tại thôn 7, xã Long Giang); huyện Bù Gia Mập (vị trí tại thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa); huyện Bù Đăng (vị trí tại Thôn 1, xã Đoàn Kết); huyện Chơn Thành (02 vị trí tại ấp 5, xã Minh Lập và ấp Bào Teng, xã Minh Quang).

(Chi tiết tại phụ lục II kèm theo)

3.3. Quy hoạch hệ thống thu gom chất thải rắn

a) Nguyên tắc xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn - Đối với chất thải rắn sinh hoạt: Cải tạo nâng cấp quy hoạch mới địa điểm các điểm tập kết chất thải rắn hoặc trạm trung chuyển tại các huyện, thị xã theo nguyên tắc 2 - 3 xã/phường/thị trấn gần nhau được bố trí thành 01 cụm thu gom. Tuyến thu gom vận chuyển được thiết kế theo nguyên tắc xác định khoảng cách ngắn nhất của các tuyến đường chính tại các huyện, thị xã nối liền từ điểm tập kết đến nơi xử lý. Hiện tại, các xã/phường/thị trấn của mỗi huyện, thị xã có thể bố trí 1 điểm tập kết chất thải rắn cho 2 đến 3 xã/phường/thị trấn ở gần nhau, cự li thu gom về điểm tập kết tối đa khoảng 1,0 km. Khu vực nông thôn, mỗi thôn ấp dân cư tập trung hoặc 4 - 5 thôn ấp nhỏ ở gần nhau có thể hình thành một điểm tập kết chất thải rắn. Mỗi điểm tập kết chất thải rắn có diện tích khoảng 200m2. Về lâu dài, bố trí xây dựng ở mỗi huyện tối thiểu 01 trạm trung chuyển hợp vệ sinh để chứa chất thải rắn, đồng thời cải tạo, nâng cấp hoặc thay thế dần các các điểm tập kết thu gom chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường ở các xã, phường.

- Đối với chất thải rắn thải công nghiệp: bố trí hợp lý các tuyến thu gom, vận chuyển phù hợp với các tuyến giao thông vận tải chính của tỉnh và sự phát triển ngành công nghiệp, ưu tiên cho các KCN, CCN (có thể kết hợp với các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt). Riêng đối với chất thải nguy hại phải được vận chuyển trực tiếp đến nơi xử lý tập trung mà không qua các trạm trung chuyển.

- Đối với chất thải rắn y tế: Khuyến khích vận chuyển bằng xe tải đông lạnh có thùng kín; xe tải có thùng kín bằng thép không rỉ, có thành, có nắp, có đáy kín, dễ cho chất thải vào, dễ lấy chất thải ra, dễ làm sạch, dễ tẩy uế, dễ làm khô. Các bệnh viện, trung tâm y tế phải bố trí lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại. Trung tâm y tế, bệnh viện của các huyện, thị xã chịu trách nhiệm xử lý chất thải rắn y tế nguy hại cho các trạm y tế, phòng khám.

b) Quy hoạch hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn

- Chất thải rắn sinh hoạt: Chất thải rắn của các hộ dân được đựng trong bao nilon dung tích 5,10,15 lít tùy mức độ thải của từng hộ sau khi thực hiện phân loại chất thải rắn. Tổ chức thực hiện thu gom hàng ngày bằng xe đẩy tay. Dọc các tuyến đường chính, các điểm dân cư ven quốc lộ, các khu công cộng phải bố trí các thùng chất thải rắn loại 200 - 250 lít. Xe đẩy tay thu gom các bao chất thải rắn và vận chuyển đến điểm tập trung, chất thải rắn thải được xe ép chất thải rắn vận chuyển tới bãi đổ tập trung.

- Chất thải rắn chợ: Thu gom và giải quyết triệt để trong ngày không để tồn đọng. Đối với chất thải rắn chợ trung tâm, chợ lớn cần phải có thùng chứa chất thải rắn tập trung hợp vệ sinh. Cần thiết phải bố trí các trạm trung chuyển chất thải rắn. Các hộ kinh doanh phải có dụng cụ đựng chất thải rắn riêng của mình, nhân viên vệ sinh của chợ phải thường xuyên thu gom và vận chuyển chất thải rắn ra thùng chứa tập trung. Sau mỗi ngày hoạt động, rác chợ phải được thu gom triệt để lên xe ép rác để vận chuyển về khu xử lý. Đối với các chợ nhỏ, việc thu gom chất thải rắn sẽ được tiến hành sau mỗi buổi tan chợ, nhân viên vệ sinh thu gom chất thải rắn và vận chuyển chất thải rắn bằng xe đẩy tay tới điểm tập trung.

- Chất thải rắn công nghiệp: Chất thải rắn thải phải được phân riêng thành 2 loại: Chất thải rắn không độc hại và chất thải rắn có chứa các chất độc hại. Việc thu gom và phân riêng do các xí nghiệp, nhà máy tự đảm nhận. Chất thải rắn thải sau khi phân loại được lưu chứa trong các thùng chứa chất thải rắn riêng để được vận chuyển riêng cho từng loại. Đối với KCN, các thùng chứa chất thải rắn của KCN có thể được tập trung tại một chỗ, đối với các cơ sở công nghiệp có quy mô nhỏ, lượng chất thải rắn sinh ra ít, có thể tiến hành thu gom như một hộ dân sinh hoạt thông thường.

- Chất thải rắn y tế: Các bệnh viện, các cơ sở y tế nhất thiết phải trang bị cho các khoa khám và chữa bệnh, các khu vực công cộng và các khu điều trị tối thiểu 3 loại thùng chứa chất thải rắn có màu sắc khác nhau với quy định cụ thể: thùng màu xanh dùng đựng chất thải rắn thải sinh hoạt (không nguy hại) như rau cỏ, vỏ trái cây, thức ăn dư thừa và các loại chất thải rắn tương tự; thùng màu đỏ dùng để đựng các loại chất thải rắn như bông băng phẫu thuật, kim tiêm, ống nhựa, giấy, túi nilon, các chất dễ cháy và đặc biệt một số phòng, bộ phận còn dùng để đựng các mô phẫu thuật; thùng màu vàng dùng để đựng chai lọ, vỏ đồ hộp, sành sứ và các loại chất thải khác bằng kim loại. Chất thải rắn sinh hoạt (trong thùng màu xanh) sẽ được xe thu gom mang đi xử lý tập trung hàng ngày, chất thải rắn y tế đựng trong các thùng đỏ sẽ được đem đốt trong lò đốt chuyên dụng, chất thải rắn trong thùng vàng có thể đem chôn lấp hoặc tái sử dụng dưới dạng phế liệu.

(Bản đồ quy hoạch phân bố các tuyến thu gom và trạm trung chuyển chất thải rắn đề xuất chi tiết trong Phụ lục 1 Bộ bản đồ của báo cáo).

4. Các dự án ưu tiên đầu tư

4.1. Giai đoạn 2011 - 2012: Đề xuất 02 dự án ưu tiên, gồm:

- Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn cho các đô thị khu vực phía Nam Quốc lộ 13, công suất 100-150 tấn/ngày, vị trí tại khu đất 10,8ha thuộc ấp 2, xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản.

- Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị Phước Long, công suất 100-150 tấn/ngày, vị trí tại khu đất 5 - 6 ha thuộc thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long.

4.2. Giai đoạn 2012 - 2015: Đề xuất 06 dự án ưu tiên, gồm:

- Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị Bù Đăng, công suất 100tấn/ngày, vị trí tại khu đất 04ha thuộc Thôn 1, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng.

- Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị Đồng Phú, công suất 50tấn/ngày, vị trí tại khu đất 22,78ha thuộc ấp suối Đôi, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú.

- Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị Bù Gia Mập, công suất 50 tấn/ngày, vị trí tại khu đất 10,8ha thuộc thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập.

- Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị Lộc Ninh, công suất 50 tấn/ngày, vị trí tại khu đất 04ha thuộc ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh, huyện Lộc NInh.

- Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị Bù Đốp, công suất 50 tấn/ngày, vị trí tại khu đất 4,18ha thuộc ấp 3, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp.

- Dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn đô thị Phú Riềng, công suất 50 tấn/ngày, vị trí dự kiến tại khu đất khoảng 10 ha thuộc xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập.

5. Nguồn vốn đầu tư

Nguồn vốn từ Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011-2020; vốn ngân sách trung ương, vốn địa phương; nguồn vốn tài trợ nước ngoài; nguồn vốn vay dài hạn, vốn huy động từ các nhà đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác.

6. Ưu đãi đầu tư

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn, các công trình phụ trợ thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư thực hiện theo các quy định hiện hành.

7. Các giải pháp chủ yếu

7.1. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong việc thực hiện sản phẩm công ích theo qui định của pháp luật.

7.2. Phải tiến hành lập dự án đầu tư và xây dựng khu xử lý chất thải rắn cho các huyện, thị xã lâu dài để đáp ứng cho yêu cầu phát triển đô thị và công nghiệp hiện tại và tương lai. Đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn theo đúng tiêu chuẩn về xây dựng, tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường.

7.3. Ban hành các văn bản hướng dẫn chuyên ngành về quản lý chất thải rắn cho tỉnh. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo hình thức BOT, BT... Ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá cho công tác vệ sinh môi trường đô thị. Xây dựng tiêu chuẩn vệ sinh đô thị, xây dựng quy chế thu phí và lệ phí vệ sinh đô thị, biện pháp chế tài, xử phạt hành chính.

7.4. Củng cố, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý, vận hành chất thải rắn. Hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động công ích hoặc dịch vụ công .

7.5. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đổi mới công nghệ, lựa chọn công nghệ phù hợp, hiệu quả cho địa phương.

7.6. Hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng các đề tài khoa học, xây dựng một số mô hình thu gom, xử lý chất rắn điển hình phục vụ cho vệ sinh môi trường đô thị.

7.7. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý chất thải rắn. Tăng cường công tác giáo dục nhân dân có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường đô thị. Tạo thói quen thu gom và phân loại rác từ các hộ gia đình - Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu lượng rác thải bình quân đầu người mỗi ngày dưới 1kg/người - ngày.

8. Tổ chức thực hiện

8.1. Sở Xây dựng:

- Tổ chức công bố quy hoạch; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập Kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch này; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các địa phương, các chủ đầu tư trong việc thực hiện nội dung quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.

- Thẩm định các công trình xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, kiểm tra, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các huyện, thị xã lập danh mục dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên để bố trí vốn (ngân sách, ODA và các nguồn vốn khác), trong đó, tập trung theo hướng xã hội hóa.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh để trình UBND tỉnh xem xét, ban hành theo quy định.

- Hằng năm, lập báo cáo định kỳ, đột xuất tổng hợp tình hình quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

8.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Cân đối, bố trí vốn ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Hướng dẫn các nhà đầu tư về các cơ chế, chính sách đầu tư.

8.3. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí ngân sách cho các dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt. Hướng dẫn các nhà đầu tư các cơ chế, chính sách tài chính.

- Tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành khung giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

8.4. Sở Khoa học và Công nghệ: Thẩm định các công nghệ, thiết bị xử lý, tái chế chất thải rắn trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát và nghiệm thu công nghệ xử lý chất thải rắn trong và ngoài nước.

8.5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đất đai; tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách ưu đãi về đất đai cho hoạt động quản lý chất thải rắn.

- Quản lý nhà nước về môi trường đối với hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế và UBND các huyện, thị xã định kỳ kiểm tra, giám sát tình hình quản lý chất thải rắn tại các Khu, Cụm công nghiệp, Khu kinh tế và các xí nghiệp riêng lẻ trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế định kỳ kiểm tra, giám sát việc quản lý chất thải rắn y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì các chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành thẩm định thành phần và tính chất chất thải rắn có xuất xứ từ nước ngoài nhập khẩu vào tỉnh.

8.6. Sở Y tế:

Chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải rắn y tế. Thường xuyên giám sát tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn ý tế nguy hại có nguồn gốc từ hoạt động y tế trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt Quy chế quản lý chất thải rắn y tế ban hành kèm theo Quyết định định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 03/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

8.7. Ban Quản lý Khu kinh tế:

- Chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thống nhất về quản lý chất thải rắn trong phạm vi mình quản lý.

- Phối hợp với các cơ quan có chức năng thanh kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý chất thải rắn tại các KCN, Khu kinh tế.

8.8. UBND các huyện, thị xã:

- Tổ chức các hoạt động quản lý chất thải rắn trên địa bàn địa phương theo qui định.

- Phối hợp với Sở Xây dựng công bố công khai quy hoạch quản lý chất thải rắn.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển chất thải rắn.

Điều 2. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Y tế, Khoa học và Công nghệ, Ban quản lý Khu kinh tế; Chủ tịch UBND huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Lợi

 

PHỤ LỤC I

DỰ BÁO TỔNG LƯỢNG CHẤT THẢI RẮN CẦN THU GOM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN TỪ NAY ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 20/QĐ-UBND ngày 04/01/2011 của UBND tỉnh)

Bảng 1. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt:

Stt

Huyện/thị

Lượng CTR sinh hoạt cần thu gom

(Tấn/năm)

2010

2015

2020

1

TX.Phước Long

8686,80

11390,40

13899,60

2

TX. Đồng Xoài

16189,20

28303,20

34538,40

3

TX. Bình Long

6181,20

13345,20

16286,40

4

H. Bù Gia Mập

5317,20

11854,80

19238,40

5

H. Lộc Ninh

1051,20

10994,40

17121,60

6

H. Bù Đốp

1072,80

4662,00

7124,40

7

H. Hớn Quản

2210,40

8539,20

13856,40

8

H. Đồng Phú

3592,80

9064,80

14090,40

9

H. Bù Đăng

1242,00

18986,40

29959,20

10

H. Chơn Thành

3229,20

11246,40

16650,00

 

Tổng

48.773

128.387

182.765

Bảng 2. Khối lượng chất thải rắn công nghiệp:

STT

Huyện, thị xã

Lượng chất thải rắn công nghiệp cần thu gom (tấn/năm)

Năm 2010

Năm 2015

Năm 2020

1

TX Phước Long

2309,62

5497,22

11863,22

2

TX Đồng Xoài

3192,69

9907,12

21267,14

3

TX Bình Long

1827,89

4317,61

6370,72

4

H. Bù Gia Mập

11730,22

20004,86

31459,67

5

H. Lộc Ninh

5037,26

436930,24

645410,25

6

H. Bù Đốp

2591,90

4974,43

8645,16

7

H. Hớn Quản

7845,05

42147,13

108667,44

8

H. Đồng Phú

6934,70

161349,88

242598,94

9

H. Bù Đăng

10624,04

19212,79

32785,24

10

H. Chơn Thành

7964,29

60796,52

103221,07

Tổng

60.057,66

765.137,81

1.212.288,85

Bảng 3. Khối lượng chất thải rắn y tế:

Huyện/thị

Số giường

Lượng chất thải y tế

CTYT nguy hại

CTYT thông thường

Kg/ngày

Tấn/năm

Kg/ngày

Tấn/năm

TX.Phước Long

149

35,3

12,708

44,7

16,092

TX. Đồng Xoài

635

155

55,8

190,5

68,58

TX. Bình Long

164

44,3

15,948

55,2

19,872

H. Bù Gia Mập

90

18

6,48

27

9,72

H. Lộc Ninh

180

41

14,76

54

19,44

H. Bù Đốp

85

19,5

7,02

25,5

9,18

H. Hớn Quản

65

13

4,68

19,5

7,02

H. Đồng Phú

105

23,5

8,46

31,5

11,34

H. Bù Đăng

196

40,2

14,472

52,8

19,008

H. Chơn Thành

95

21,5

7,74

28,5

10,26

Tổng

1.764

411,3

148,068

526,2

190,512

 

PHỤ LỤC II

QUY HOẠCH ĐỊA ĐIỂM KHU XỬ LÝ, CHÔN LẤP CHẤT THẢI RẮN ĐẾN NĂM 2020

Stt

Tên huyện/thị

Bãi chất thải rắn

Đề xuất quy hoạch địa điểm

Vị trí

Diện tích

1

TX.Phước Long

Hiện tại

QH mới

thôn 7, xã Long Giang

5-6 ha

2

TX. Đồng Xoài

Hiện tại

Hiện tại

ấp 1, xã Tiến Hưng

11,7 ha

3

TX. Bình Long

Hiện tại

QH mới

(sử dụng chung bãi chất thải rắn QH mới cho huyện Hớn Quản)

ấp 2, Xã Minh Tâm

10,8 ha

4

H. Bù Gia Mập

Chưa có

QH mới

Thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa

10,8 ha

5

H. Lộc Ninh

Hiện tại

Hiện tại

ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh

4 ha

6

H. Bù Đốp

Hiện tại

Hiện tại

ấp 3, xã Hưng Phước

4,18 ha

7

H. Hớn Quản

Hiện tại

QH mới

ấp 2, Xã Minh Tâm

10,8 ha

8

H. Đồng Phú

Hiện tại

Hiện tại

ấp Suối Đôi, xã Tân Hưng

22,78 ha

9

H. Bù Đăng

Hiện tại

QH mới

Thôn 1, xã Đoàn Kết

4 ha

10

H. Chơn Thành

Hiện tại

QH mới

(02 vị trí)

ấp 5, xã Minh Lập

(xử lý CTRNH)

2 ha

ấp Bào Teng, xã Minh Quang

35 ha