Quyết định 20/2007/QĐ-UBND về Quy định dạy, học thêm do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau
Số hiệu: 20/2007/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau Người ký: Trịnh Minh Thành
Ngày ban hành: 14/06/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 20/2007/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 14 tháng 6 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm phát luật ngày 03/12/2004 của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;

Căn cứ Quyết định số 03/2007/QĐ-BGD&ĐT ngày 31/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau".

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 16/2000/QĐ-UB ngày 15/9/2000 của UBND tỉnh Cà Mau về dạy thêm, học thêm đối với học sinh phổ thông./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh; (để b/c)
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Sở, Ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Thành viên UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Website Cà Mau; BCM;
 BAĐM; ĐPTTH Cà Mau;
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- CV Phòng Tổng hợp;
- Lưu: VT-Li22.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Minh Thành

 

QUY ĐỊNH

VỀ DẠY THÊM, HỌC THÊM
Ban hành kèm theo Quyết định số: 20/2007/QĐ-UBND ngày 14/6/2007 của UBND tỉnh về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

Văn bản này quy định về thủ tục, thẩm quyền cấp giấy phép và thu hồi giấy phép dạy thêm; các trường hợp được miễn cấp giấy phép dạy thêm; điều kiện đảm bảo chất lượng dạy thêm, học thêm; mức thu và sử dụng tiền dạy thêm; trách nhiệm của UBND các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các ngành liên quan trong việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Quy định này áp dụng đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện dạy thêm, học thêm:

1. Nội dung và phương pháp dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho học sinh; phải phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông và đặc điểm tâm, sinh lý của người học; không gây nên tình trạng học quá nhiều và vượt quá sức tiếp thu của người học.

2. Hoạt động dạy thêm có thu tiền trong hay ngoài nhà trường chỉ được thực hiện sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, trừ trường hợp được miễn giấy phép theo quy định này. Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm khi chưa được cấp phép hoặc giấy phép đã hết thời hạn.

3. Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Giáo viên bộ môn đang đứng lớp trong nhà trường không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường cho số học sinh đang theo học môn do giáo viên đó giảng dạy.

Điều 4. Các trường hợp không thực hiện việc dạy thêm, học thêm:

1. Không dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học. Việc ôn thi tốt nghiệp, ôn thi chuyển cấp, phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ bố trí trong các buổi học tại trường. Các trường hợp đặc biệt khác, do Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định theo thẩm quyền.

2. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng không tổ chức dạy thêm, học thêm theo chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau cho người học không phải là học sinh, học viên của cơ sở giáo dục đại học đó.

Điều 5. Giải thích thuật ngữ:

1. Dạy thêm, học thêm là hoạt động ngoài giờ học thuộc kế hoạch giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, do nhà trường phổ thông, cơ sở giáo dục khác hoặc cá nhân tổ chức thực hiện.

2. Học thêm là hoạt động học của người học có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức, ôn luyện thi cho bản thân theo chương trình giáo dục phổ thông.

3. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hoạt động do nhà trường phổ thông, do cơ sở giáo dục khác tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông thực hiện, bao gồm phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém; bồi dưỡng học sinh giỏi; dạy thêm cho những học sinh có nguyện vọng củng cố, bổ sung kiến thức; ôn thi tuyển sinh trung học phổ thông cho học sinh lớp 9; ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng cho học sinh lớp 12. Khi mở lớp dạy thêm, phải có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo, có đủ cơ sở vật chất và lớp học bảo đảm yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

4. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động do các tổ chức khác, ngoài các tổ chức nói tại khoản 3, Điều 5 của Quy định này, hoặc do cá nhân thực hiện bao gồm: bồi dưỡng kiến thức, ôn luyện thi. Tổ chức, cá nhân đăng ký mở lớp dạy thêm phải có đủ giáo viên đạt trình độ chuẩn được đào tạo, có đủ cơ sở vật chất và lớp học bảo đảm yêu cầu tại Quy định về vệ sinh trường học ban hành kèm theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT ngày 18/4/2000 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chương II

THỦ TỤC, THẨM QUYỀN CẤP GIẤY PHÉP VÀ THU HỒI GIẤY PHÉP DẠY THÊM

Điều 6. Thủ tục cấp giấy phép dạy thêm:

1. Hồ sơ xin cấp giấy phép dạy thêm gồm:

a) Đơn xin đăng ký dạy thêm (đối với cá nhân);

b) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ đào tạo và giấy tờ khác có liên quan của người đăng ký dạy thêm;

c) Biên bản kiểm tra về giáo viên, cơ sở vật chất dạy thêm;

d) Tờ trình đăng ký dạy thêm (đối với tổ chức, đơn vị, trường học).

2. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép dạy thêm:

a) Đối với các lớp dạy thêm trong nhà trường:

Trước khi mở lớp, Hiệu trưởng làm tờ trình nêu rõ phương án dạy thêm cụ thể gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (dạy thêm cấp THCS) hoặc gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (dạy thêm cấp THPT, ôn luyện thi tuyển sinh, …).

b) Đối với các lớp dạy thêm ngoài nhà trường:

- Nếu là giáo viên đang công tác, người đăng ký dạy phải làm đơn gửi Hiệu trưởng nhà trường, Hiệu trưởng xem xét và thành lập tổ kiểm tra để kiểm tra cơ sở vật chất; nếu đủ điều kiện, Hiệu trưởng có ý kiến đề nghị (kèm theo biên bản kiểm tra) gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (dạy thêm cấp THCS) hoặc gửi Sở Giáo dục và Đào tạo (dạy thêm cấp THPT, ôn luyện thi tuyển sinh và những loại hình khác) để xin cấp giấy phép.

- Nếu là các tổ chức ngoài nhà trường, giáo viên đã nghỉ công tác, người đăng ký dạy phải làm đơn kèm theo phương án tổ chức dạy thêm, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất quy định tại Điều 10, Điều 11 của quy định này gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với THCS) và Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với THPT, ôn luyện thi tuyển sinh và những loại hình khác) để được kiểm tra và cấp giấy phép.

3. Thời gian giải quyết cấp giấy phép, hiệu lực của giấy phép dạy thêm:

a) Giấy phép dạy thêm được cấp trong thời gian từ 5 đến 10 ngày làm việc sau khi cấp có thẩm quyền nhận đủ hồ sơ theo quy định.

b) Thời gian giấy phép có hiệu lực là 1 năm học. Trước khi hết thời hạn ít nhất 10 ngày, nếu tiếp tục dạy thêm phải đến cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép xin gia hạn (nếu là giáo viên đang công tác thì phải có ý kiến đề nghị xin gia hạn của Hiệu trưởng).

Điều 7. Thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép dạy thêm đối với nhà trường, tổ chức, cá nhân dạy thêm ở cấp THPT, lớp ngoại ngữ, ôn luyện thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT, trường Chuyên, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp giấy phép dạy thêm đối với nhà trường, tổ chức, cá nhân dạy thêm ở cấp THCS và cho phép dạy thêm không thu tiền.

Điều 8. Thẩm quyền thu hồi giấy phép dạy thêm:

1. Sở Giáo dục và Đào tạo thu hồi giấy phép dạy thêm đối với nhà trường, tổ chức, cá nhân dạy thêm ở cấp THPT, lớp ngoại ngữ, ôn luyện thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT, trường Chuyên, Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học và đề nghị phòng Giáo dục và Đào tạo thu hồi giấy phép do Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp.

2. Phòng Giáo dục và Đào tạo thu hồi giấy phép dạy thêm đối với nhà trường, tổ chức, cá nhân dạy thêm ở cấp THCS.

Điều 9. Các trường hợp được miễn cấp giấy phép dạy thêm:

Những người dạy kèm theo hình thức “gia sư” (dạy kèm không quá 2 học sinh/một lượt) theo yêu cầu của gia đình thì không thuộc loại hình tổ chức dạy thêm, nên người dạy không phải đăng ký xin phép, nhưng phải chịu trách nhiệm về chất lượng và nội dung giảng dạy.

Chương III

ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG DẠY THÊM, HỌC THÊM

Điều 10. Tiêu chuẩn để người dạy thêm đứng lớp dạy thêm:

1. Người dạy thêm phải có phẩm chất đạo đức tốt, được cơ quan thẩm quyền cấp giấy phép dạy thêm; trong thời gian bị kỷ luật thì không được dạy thêm.

2. Đạt chuẩn đào tạo theo cấp học đăng ký dạy thêm.

3. Có từ 3 năm trở lên đứng lớp giảng dạy môn, khối lớp đó.

4. Là giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên.

Người dạy thêm là cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu, ngoài các điều kiện trên (đã có trước khi nghỉ hưu), phải có sức khoẻ để đảm bảo dạy tốt.

Điều 11. Điều kiện về cơ sở vật chất của lớp dạy thêm:

1. Điều kiện về cơ sở vật chất của lớp dạy thêm trong nhà trường:

Sử dụng các phòng học trong nhà trường đạt chuẩn theo quy định để đặt lớp dạy thêm.

2. Điều kiện về cơ sở vật chất của lớp dạy thêm ngoài nhà trường:

a) Nơi đặt lớp phải có đủ ánh sáng, thoáng mát, yên tĩnh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Phòng học phải có hệ thống thông gió nhân tạo như quạt trần, quạt thông gió treo cao trên mức nguồn sáng. Số lượng bóng đèn chiếu sáng như sau: nếu là bóng đèn tóc thì cần 4 bóng đèn, mỗi bóng có công suất từ 150W đến 200W treo đều ở 4 góc; nếu là bóng đèn neon thì treo từ 6 - 8 bóng, mỗi bóng dài 1,2m. Các bóng đèn treo ở độ cao cách mặt bàn học sinh 2,8m.

b) Diện tích phòng học phải đạt mức 1,10m2 đến 1,25m2 cho 1 học sinh; chiều cao phòng học đạt 3,6m trở lên.

c) Bàn ghế, bảng đúng quy cách chống loá, đủ chỗ ngồi và tầm nhìn cho học sinh. Chiều cao bàn từ 61cm đến 74cm, chiều cao ghế từ 38cm đến 46cm. Bàn là loại bàn có 2 chỗ ngồi, mỗi chỗ ngồi rộng không dưới 0,5m.

Điều 12. Số lượng học sinh của mỗi lớp dạy thêm:

1. Học sinh học thêm trong nhà trường:

Ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, đối với mỗi môn học thuộc mỗi khối lớp có số lượng học sinh đăng ký học thêm từ đủ 1 lớp trở lên thì nhà trường tổ chức dạy thêm; số lượng mỗi lớp học không quá 35 học sinh.

2. Học sinh học thêm ngoài nhà trường:

Ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đối với mỗi môn học thuộc mỗi khối lớp, tuỳ theo điều kiện cơ sở vật chất để mở lớp nhưng không quá 35 học sinh/1 lớp.

Điều 13. Thời gian dạy thêm:

1. Dạy thêm trong nhà trường:

a) Cấp Trung học cơ sở đối với mỗi môn học thuộc mỗi khối lớp, mỗi tuần học 3 tiết/môn; cấp Trung học phổ thông đối với mỗi môn học thuộc mỗi khối lớp, mỗi tuần học từ 3 đến 4 tiết/môn. Thời gian dạy trong hè có thể tăng số tiết/môn nhưng không vượt quá 1,5 lần quy định cho mỗi cấp.

b) Dạy thêm cho học sinh lớp 12 ôn các môn thi tốt nghiệp trong 2,5 tháng trước kỳ thi, mỗi tuần không quá 5 buổi, mỗi buổi không quá 4 tiết.

c) Dạy thêm cho học sinh ôn luyện các môn để thi vào lớp 10 các trường THPT, trường Chuyên, thời gian học mỗi tuần không vượt quá 7 buổi, mỗi buổi không quá 4 tiết. Ôn luyện các môn thi vào trường Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học, thời gian học mỗi tuần không vượt quá 8 buổi, mỗi buổi không quá 4 tiết.

2. Dạy thêm ngoài nhà trường:

a) Cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đối với mỗi môn học thuộc mỗi khối lớp, mỗi tuần học thêm tương ứng như điểm a, khoản 1, Điều 13 của Quy định này.

b) Dạy thêm cho học sinh ôn luyện các môn để thi vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học thời gian học không vượt quá so với quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 13 của Quy định này.

Điều 14. Địa điểm dạy thêm:

1. Dạy thêm trong nhà trường dùng các phòng học trong nhà trường đạt chuẩn theo quy định để đặt lớp dạy thêm.

2. Dạy thêm ngoài nhà trường nơi đặt lớp phải thuận lợi cho việc đi lại của người học và đảm bảo các điều kiện nêu tại khoản 2, Điều 11 của Quy định này.

Chương IV

MỨC THU VÀ SỬ DỤNG TIỀN DẠY THÊM

Điều 15. Mức thu học phí và sử dụng tiền dạy thêm đối với các lớp dạy thêm trong nhà trường:

1. Mức thu tiền đối với cấp THCS không được quá 25.000 đồng/học sinh/tháng/môn. Mức thu tiền đối với cấp THPT không được quá 30.000 đồng/học sinh/tháng/môn. Thời gian dạy trong hè nếu tăng số tiết/môn nhiều hơn quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 13 thì mức thu không được quá 30.000 đồng đối với THCS và 40.000 đồng đối với THPT.

2. Mức thu đối với lớp 12 ôn thi tốt nghiệp không được quá 35.000 đồng/học sinh/tháng/môn. Đối với các lớp ôn luyện để thi vào lớp 10 các trường THPT, trường Chuyên, mức thu không được quá 60.000 đồng/học sinh/tháng/môn. Ôn luyện thi vào trường Trung Cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học, mức thu không được quá 70.000 đồng/học sinh/tháng/môn.

3. Tỷ lệ chi phí: 75% cho người trực tiếp giảng dạy, 15% để chi cho mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất của nhà trường, phần còn lại do Hiệu trưởng quyết định chi được xây dựng trong Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường.

Việc xét miễn, giảm và định mức thu tiền dạy thêm cụ thể, do Hiệu trưởng và giáo viên tham gia dạy thêm quyết định.

Điều 16. Mức thu học phí và sử dụng tiền dạy thêm đối với các lớp dạy thêm ngoài nhà trường:

1. Mức thu tiền đối với cấp THCS và THPT thực hiện tương ứng quy định tại khoản 1, Điều 15 của Quy định này.

2. Dạy thêm cho học sinh ôn luyện thi vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Cao đẳng, Đại học, mức thu tiền tương ứng khoản 2, Điều 15 của Quy định này.

3. Tỷ lệ chi phí: 90% cho người trực tiếp giảng dạy (trong đó có cơ sở vật chất hoặc thuê mướn, hợp đồng phòng học của tổ chức, cá nhân dạy thêm); 10% nộp cho cơ quan cấp phép dạy thêm để chi cho công tác quản lý và kiểm tra, do thủ trưởng đơn vị cấp phép quyết định chi.

Chương V

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 17. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp:

1. Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý đối với hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện, thành phố theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định tại văn bản này; tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn huyện, thành phố để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xử lý sai phạm.

2. Uỷ ban nhân dân xã (phường, thị trấn) chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo chức năng, quyền hạn và theo sự phân công của UBND huyện, thành phố; kịp thời phát hiện những sai phạm đề nghị cấp thẩm quyền xử lý.

Điều 18. Trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục:

1. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Cà Mau theo Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Quy định tại văn bản này; tổ chức chỉ đạo triển khai và hướng dẫn thực hiện cụ thể Quy định này; thanh tra, kiểm tra thường xuyên nhằm bảo đảm hiệu lực của Quy định về dạy thêm, học thêm; phát hiện nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

- Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh về dạy thêm, học thêm.

2. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo:

- Thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm; tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm hiệu lực của quy định về dạy thêm, học thêm; phát hiện nhân tố tích cực, phòng ngừa và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

- Thông báo công khai nơi tiếp công dân tại trụ sở cơ quan và điện thoại dùng cho việc tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh về dạy thêm, học thêm.

Điều 19. Trách nhiệm của các ngành có liên quan:

Các ngành có liên quan và cơ quan Báo, Đài địa phương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục và chính quyền các cấp để tuyên truyền, quản lý thực hiện tốt việc dạy thêm, học thêm theo chức năng và thẩm quyền; kịp thời phát hiện, phản ánh những sai phạm để đề nghị cấp thẩm quyền xử lý.

Điều 20. Trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu cơ sở giáo dục khác:

1. Tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường, bảo đảm quyền lợi của người học; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường của giáo viên, cán bộ, nhân viên do trường hoặc đơn vị mình quản lý. Thực hiện đúng tiến độ quy định của phân phối chương trình; không cắt xén chương trình, nội dung dạy học đã được quy định để dành cho dạy thêm, học thêm.

2. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm; định kỳ tổng kết và báo cáo tình hình dạy thêm, học thêm theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục.

Điều 21. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm:

1. Thực hiện các quy định tại văn bản này và các quy định khác về hoạt động giáo dục. Trước khi thực hiện dạy thêm, người tổ chức dạy thêm phải báo cáo cơ quan cấp giấy phép và Hiệu trưởng (nếu là giáo viên đang công tác) về kế hoạch dạy thêm, nội dung dạy thêm, danh sách người học, danh sách người dạy; đồng thời báo cho UBND xã, phường, thị trấn nơi đặt địa điểm dạy thêm biết.

2. Quản lý người học và tôn trọng quyền lợi của người học. Nếu tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm, phải báo cáo với cơ quan cấp giấy phép và thông báo công khai cho người học biết trước ít nhất là 30 ngày tính đến ngày tạm ngừng hoặc chấm dứt dạy thêm, hoàn trả các khoản tiền đã thu của người học tương ứng với phần dạy thêm không thực hiện.

3. Tổ chức, cá nhân dạy thêm phải kê khai thu nhập hàng tháng của người dạy thêm, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Thanh tra, kiểm tra:

Hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục và của chính quyền các cấp.

Điều 23. Khen thưởng:

Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định về dạy thêm, học thêm và được các cơ quan quản lý giáo dục đánh giá có nhiều đóng góp nâng cao chất lượng giáo dục thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Xử lý vi phạm:

1. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/04/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trường hợp không kê khai thu nhập cá nhân để trốn thuế, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 100/2004/NĐ-CP ngày 25/02/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

2. Cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quản lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thì bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17/03/2005 của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.

3. Cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm quy định về dạy thêm, học thêm, có hành vi lừa đảo hoặc tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định dẫn tới vi phạm các quy định về trật tự an toàn xã hội thì phải được xử lý thích đáng, bị áp dụng các hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.