Quyết định 19/2017/QĐ-UBND Quy định phân công, phân cấp thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Số hiệu: 19/2017/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
Ngày ban hành: 18/07/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2017/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 18 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ Xây dựng Quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ;

Căn cứ Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10 tháng 3 năm 2016 của Bộ Xây dựng Quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ Xây dựng Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 1855/TTr-SXD ngày 13 tháng 6 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy định phân công, phân cấp thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (các Sở: Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Giám đốc Ban Quản lý các khu công nghiệp, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết, Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 18 tháng 7 năm 2017 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các sở: Xây dựng, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Ban Quản lý các khu công nghiệp.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện).

4. Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện gồm: Phòng Quản lý Đô thị (đối với thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi), phòng Kinh tế (đối với huyện đảo Phú Quý), phòng Kinh tế hạ tầng (đối với các huyện còn lại).

Chương II

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP VÀ NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 3. Phân công, phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

1. Sở Xây dựng:

Quản lý chất lượng công trình dân dụng (nhà chung cư, nhà ở tập thể khác của tổ chức, công trình công cộng); công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình công nghiệp nhẹ (công nghiệp thực phẩm, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp chế biến nông, thủy và hải sản); công trình hạ tầng kỹ thuật (công trình cấp, thoát nước, công trình xử lý chất thải rắn, công trình chiếu sáng công cộng, công trình thông tin, truyền thông, nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, công viên, cây xanh, bãi đỗ xe ô tô, xe máy, cống, bể kỹ thuật, hào và tuy nen kỹ thuật); công trình giao thông trong đô thị (trừ công trình đường sắt, công trình cầu vượt sông và đường quốc lộ) được quy định tại Khoản I, II, III, IV Phụ lục I Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

2. Sở Giao thông vận tải:

Quản lý chất lượng công trình giao thông: Công trình đường bộ, công trình đường sắt, công trình cầu, công trình hầm, công trình đường thủy nội địa, công trình hàng hải, công trình hàng không (trừ các công trình do Sở Xây dựng quản lý) được quy định tại Khoản IV Phụ lục I Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Quản lý chất lượng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: Công trình thủy lợi, công trình đê điều, công trình chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản và các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khác được quy định tại Khoản V Phụ lục I Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

4. Sở Công thương:

Quản lý chất lượng công trình công nghiệp: Công trình luyện kim và cơ khí chế tạo; công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; công trình dầu khí; công trình năng lượng; công trình hóa chất được quy định tại Khoản II Phụ lục I Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Ban Quản lý các khu công nghiệp:

Quản lý chất lượng các loại công trình xây dựng thuộc địa bàn quản lý.

6. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Quản lý chất lượng các loại công trình xây dựng cấp III trở xuống do UBND cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn (gọi chung là UBND cấp xã) quyết định đầu tư, công trình do UBND cấp huyện cấp phép xây dựng thuộc địa bàn quản lý.

Điều 4. Nội dung quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng

1. Sở Xây dựng: Là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, thực hiện các việc sau:

a) Thực hiện các nội dung được quy định tại Điểm a, b, c, d, i Khoản 1 Điều 55 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ;

b) Kiểm tra công tác đánh giá an toàn chịu lực, an toàn vận hành trong quá trình khai thác, sử dụng sau khi nhận kết quả đánh giá về an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình, kiểm tra công tác nghiệm thu, việc thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quy định này đối với các công trình từ cấp II trở xuống;

c) Tham mưu UBND tỉnh thông báo và xử lý đối với các công trình xây dựng cấp I, cấp II quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quy định này đã hết thời hạn sử dụng và có nhu cầu sử dụng tiếp trên địa bàn khi nhận được báo cáo của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng;

d) Giúp UBND tỉnh tổ chức giám định công trình xây dựng khi được yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình, chủ trì tham mưu UBND tỉnh giải quyết sự cố đối với công trình xây dựng cấp II trở xuống quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quy định này trên địa bàn; theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình sự cố trên địa bàn;

đ) Báo cáo UBND tỉnh định kỳ hàng năm trước ngày 10 tháng 12 của năm, báo cáo đột xuất về việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

e) Tham mưu UBND tỉnh tổng hợp và báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn định kỳ hằng năm trước ngày 15 tháng 12 của năm và đột xuất; báo cáo danh sách các nhà thầu vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình trong quá trình tham gia các hoạt động xây dựng trên địa bàn.

2. Các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành:

a) Thực hiện các nội dung được quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 55 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ;

b) Kiểm tra công tác đánh giá an toàn chịu lực, an toàn vận hành trong quá trình khai thác, sử dụng sau khi nhận kết quả đánh giá về an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình, kiểm tra công tác nghiệm thu, việc thực hiện bảo trì công trình xây dựng theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 Quy định này đối với các công trình từ cấp II trở xuống;

c) Tham mưu UBND tỉnh thông báo và xử lý đối với các công trình chuyên ngành cấp I, cấp II quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 Quy định này đã hết thời hạn sử dụng và có nhu cầu sử dụng tiếp trên địa bàn khi nhận được báo cáo của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng;

d) Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức giám định công trình xây dựng chuyên ngành khi được yêu cầu;

đ) Tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình, chủ trì tham mưu UBND tỉnh giải quyết sự cố công trình xây dựng cấp II trở xuống quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 3 Quy định này đối với công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn.;

e) Báo cáo UBND tỉnh, Sở Xây dựng định kỳ hàng năm (trước ngày 05 tháng 12 của năm) và đột xuất về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn.

3. Ban Quản lý các khu công nghiệp:

a) Hướng dẫn các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thuộc địa bàn quản lý thi hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

b) Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình xây dựng thuộc địa bàn quản lý;

c) Kiểm tra công tác đánh giá an toàn chịu lực, an toàn vận hành trong quá trình khai thác, sử dụng sau khi nhận kết quả đánh giá về an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình, kiểm tra công tác nghiệm thu, việc thực hiện bảo trì các loại công trình thuộc địa bàn quản lý từ cấp II trở xuống;

d) Thông báo và xử lý đối với các công trình xây dựng hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp trên địa bàn khi nhận được báo cáo của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng đối với các loại công trình thuộc địa bàn quản lý;

đ) Tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình, chủ trì tham mưu UBND tỉnh giải quyết sự cố công trình xây dựng cấp II trở xuống đối với công trình xây dựng thuộc địa bàn quản lý;

e) Báo cáo UBND tỉnh, Sở Xây dựng định kỳ hàng năm (trước ngày 05 tháng 12 của năm) và đột xuất về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành thuộc địa bàn quản lý.

4. UBND cấp huyện:

a) Thực hiện các nội dung tại Khoản 2 Điều 44 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ;

b) Thực hiện kiểm tra công tác đánh giá an toàn chịu lực, an toàn vận hành trong quá trình khai thác, sử dụng sau khi nhận kết quả đánh giá về an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình của chủ sở hữu hoặc người quản lý sử dụng công trình; kiểm tra việc thực hiện bảo trì công trình xây dựng (trừ công trình nhà ở riêng lẽ) theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Quy định này;

c) Thông báo và xử lý đối với các công trình xây dựng từ cấp III trở xuống trên địa bàn quản lý hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp thuộc địa bàn quản lý khi nhận được báo cáo của chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng;

d) Tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình đối với sự cố công trình xây dựng theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Quy định này;

đ) Đối với công tác quản lý chất lượng và bảo trì nhà ở riêng lẽ.

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện khảo sát, thiết kế, thi công nhà ở phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc được phê duyệt, giấy phép xây dựng (nếu có).

Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của pháp luật về sử dụng vật liệu xây dựng; bảo đảm an toàn chịu lực, an toàn trong sử dụng, mỹ quan, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy, nổ.

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng; hướng dẫn việc thực hiện bảo trì công trình nhà ở theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư số 05/2015/TT-BXD ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ Xây dựng Quy định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẽ; xử lý những sai phạm được phát hiện trong quá trình kiểm tra theo quy định.

5. Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện:

a) Thực hiện các nội dung tại Điểm a, b, c, d Khoản 3 Điều 55 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ;

b) Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Quy định này và đối với công trình nhà ở riêng lẽ từ 7 tầng trở lên;

c) Báo cáo sự cố và giải quyết sự cố đối với sự cố công trình xây dựng theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Quy định này;

d) Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Sở Xây dựng định kỳ hàng năm (trước ngày 05 tháng 12 của năm) và đột xuất về tình hình chất lượng công trình xây dựng thuộc địa bàn quản lý.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng, Sở Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND cấp huyện, phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện chịu trách nhiệm thực hiện Quy định này.

2. Các nội dung liên quan về quản lý chất lượng công trình không đề cập trong Quy định này, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn và các văn bản quy định hiện hành.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Sở Xây dựng để hướng dẫn hoặc tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.