Quyết định 19/2016/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ vật tư, xi măng, sắt thép và kỹ thuật thực hiện Chương trình Kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Số hiệu: 19/2016/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai Người ký: Võ Ngọc Thành
Ngày ban hành: 05/04/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2016/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 05 tháng 4 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ VẬT TƯ, XI MĂNG, SẮT THÉP VÀ KỸ THUẬT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Điều 142 Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương;

Căn cứ Thông tư số 134/1999/TT-BNN-QLN ngày 25/9/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc tổ chức thực hiện kiên cố kênh mương;

Căn cứ văn bản số 832/HĐND-VP ngày 08/3/2016 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành mẫu thiết kế kênh bê tông xi măng và mức hỗ trợ để thực hiện Chương trình Kiên cố hóa kênh mương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 47/TTr-SNN ngày 23/3/2016 về việc Ban hành Quy định mức hỗ trợ vật tư, xi măng, sắt thép và kỹ thuật thực hiện Chương trình Kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định mức hỗ trợ vật tư, xi măng, sắt thép và kỹ thuật thực hiện Chương trình Kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh Gia Lai theo Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương.

Điều 2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành Quy định kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/4/2016.

Quyết định này thay thế Quyết định số 39/2001/QĐ-UB ngày 23/5/2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai về việc ban hành quy định tạm thời cơ chế hỗ trợ kinh phí, vật tư, thực hiện Chương trình Kiên cố hóa kênh mương; Bãi bỏ Quyết định số 367/QĐ-UBND ngày 20/5/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc bổ sung loại hình, mức hỗ trợ kinh phí, vật tư thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NL, KTTH, CNXD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH





Võ Ngọc Thành

 

QUY ĐỊNH

MỨC HỖ TRỢ VẬT TƯ, XI MĂNG, SẮT, THÉP VÀ KỸ THUẬT THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH KIÊN CỐ HÓA KÊNH MƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 19 /2016/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2016 của UBND tỉnh)

Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về cơ chế hỗ trợ vật tư, xi măng, sắt thép và kỹ thuật thực hiện Chương trình Kiên cố hóa kênh mương như sau:

Điều 1. Đối tượng điều chỉnh và Phạm vi áp dụng

1. Đối tượng:

- Các tuyến kênh nổi, đất cát thấm lớn, kênh đi qua vùng địa chất xấu không ổn định, vùng có địa hình phức tạp.

- Kênh mương các công trình là hồ chứa, đập dâng, trạm bơm đầu mối được xây dựng kiên cố đã phục vụ ổn định diện tích tưới từ 10ha trở lên.

- Kênh mương các công trình có nguồn nước hạn chế nhưng phải phục vụ diện tích tưới lớn có khả năng mở rộng để khai thác.

- Ưu tiên đầu tư kiên cố các tuyến kênh xây dựng ở vùng có diện tích tưới lớn thiếu nước nghiêm trọng, dễ bị sạt lở, kênh xây dựng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nhưng khai thác sử dụng có hiệu quả.

2. Phạm vi áp dụng:

Quy định này áp dụng đối với các công trình kênh loại 3 (kênh nội đồng) thực hiện theo Chương trình Kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Cơ chế mức hỗ trợ vật tư, xi măng, sắt, thép

Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ xi măng và kinh phí theo mức cố định (vật tư chính: cát, đá, thép, một phần ván khuôn) để thực hiện Chương trình Kiên cố hóa kênh mương đối với những kênh nội đồng do xã và các tổ chức quản lý khai thác trực thuộc cấp huyện quản lý; phần còn lại huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác (đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các tổ chức khác đứng trên địa bàn) bằng nhiều hình thức như: tiền mặt, ngày công lao động, xe máy thiết bị thi công, vật tư, vật liệu xây dựng.

UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và theo hồ sơ thiết kế định hình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để lựa chọn áp dụng loại hình, kích thước, kết cấu kênh mương cho phù hợp, không được lập hồ sơ thiết kế, dự toán mới làm tăng chi phí xây dựng.

Mức hỗ trợ cho 1km kênh mương cụ thể như sau:

1. Kênh có kích thước: Bkênh x Hkênh= (0,3 x 0,5)m với kết cấu bê tông cốt thép mác M200 đá 1x2, chiều dày thành và đáy kênh là 0,08m, vữa lót dày 0,03m mác M50, dẫn nước phục vụ tưới khoảng 20ha đến 40ha.

Mức hỗ trợ cho 1km kênh: 37 tấn xi măng PCB40 và 200 triệu đồng.

2. Kênh có kích thước: Bkênh x Hkênh= (0,4 x 0,6)m với kết cấu bê tông cốt thép mác M200 đá 1x2, chiều dày thành và đáy kênh là 0,08m, vữa lót dày 0,03m mác M50, dẫn nước phục vụ tưới khoảng 40ha đến 70ha.

Mức hỗ trợ cho 1km kênh: 45 tấn xi măng PCB40 và 250 triệu đồng.

3. Kênh có kích thước: Bkênh x Hkênh= (0,5 x 0,7)m với kết cấu bê tông cốt thép mác M200 đá 1x2, chiều dày thành và đáy kênh là 0,10m, vữa lót dày 0,03m mác M50, dẫn nước phục vụ tưới khoảng 70ha đến 100ha.

Mức hỗ trợ cho 1km kênh: 65 tấn xi măng PCB40 và 300 triệu đồng.

Mức hỗ trợ xi măng được tính tại thời điểm công bố giá của Liên Sở Xây dựng - Tài chính.

Điều 3. Trình tự lập, xét duyệt thủ tục thiết kế dự toán và cấp phát nghiệm thu

Các công trình kiên cố hóa chủ yếu là kênh loại 3 (kênh nội đồng) Nhà nước và nhân dân cùng làm, chỉ lập thiết kế (theo thiết kế mẫu) và dự toán. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt và tổng hợp trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ vật tư, kinh phí. Sau khi Ngân hàng phát triển giải ngân vốn của Chương trình, Sở Tài chính căn cứ Quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh, thông báo vốn về cân đối ngân sách địa phương để UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Nhà nước.

Điều 4. Phân giao nhiệm vụ

1. Cấp tỉnh:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tổng hợp kế hoạch vốn hàng năm và 5 năm của Chương trình kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh để tham mưu cho UBND tỉnh đăng ký với Bộ, ngành Trung ương.

Tham mưu UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn hàng năm và 5 năm cho Chương trình kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh.

- Sở Tài chính:

Thực hiện cấp phát cho các địa phương sau khi có Quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh cho từng địa phương và giải ngân vốn từ Ngân hàng phát triển; theo dõi quyết toán đúng chế độ và quy định hiện hành của Nhà nước.

Tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn ngân sách hàng năm để hoàn trả các khoản vốn vay tín dụng của Nhà nước thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Ban hành các mẫu thiết kế định hình để các địa phương triển khai áp dụng, hướng dẫn kỹ thuật, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình Kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn tỉnh.

2. Cấp huyện:

UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về việc lập các thủ tục hồ sơ kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn, huy động lực lượng kỹ thuật giúp các xã lập hồ sơ để trình duyệt và đôn đốc triển khai thực hiện.

Định kỳ hàng tháng, quý báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương trên địa bàn về các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư.

3. Các xã và các tổ chức quản lý khai thác trực thuộc cấp huyện quản lý có công trình được Nhà nước hỗ trợ để thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương thì có thể:

a. Thành lập ban quản lý gồm:

- Trưởng ban: Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND xã.

- 01 kế toán: cán bộ có nghiệp vụ tài chính kế toán làm ủy viên.

- 01 kỹ thuật: cán bộ có nghiệp vụ kỹ thuật làm ủy viên.

b. Lập ban giám sát có đại diện Hội đồng nhân dân xã, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và đại diện của nông dân nơi có công trình.

Trong quá trình triển khai áp dụng quy định này nếu có khó khăn, vướng mắc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý./.