Quyết định 19/2011/QĐ-UBND về Quy định phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Điện Biên do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành
Số hiệu: 19/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên Người ký: Hoàng Văn Nhân
Ngày ban hành: 08/07/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 19/2011/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 8 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi ngày 04 tháng 4 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số: 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số: 115/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số: 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi;
Căn cứ Nghị định số: 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập;
Căn cứ Thông tư số: 45/2009/TT-BNNPTNT ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập và phê duyệt phương án bảo vệ công trình thủy lợi.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số: 249/QĐ-UB-NC ngày 15 tháng 3 năm 1995 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu (cũ) ban hành quy định khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nhân

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 19/2011/QĐ-UBND ngày 08 tháng 7 năm 2011 của UBND tỉnh Điện Biên)

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về phạm vi bảo vệ đối với các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

2. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Công trình thuỷ lợi” (viết tắt là CTTL) là công trình thuộc kết cấu hạ tầng nhằm khai thác mặt lợi của nước; phòng, chống tác hại do nước gây ra, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái, bao gồm: hồ chứa nước, đập đất, đập tràn, cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, kênh, công trình trên kênh và bờ bao, kè các loại.

2. “Công trình đầu mối” là công trình lấy nước từ nguồn hoặc công trình giữ nước để đưa vào hệ thống dẫn nước tưới, tiêu gồm: Hồ chứa nước, đập tràn dâng nước, cống lấy nước, trạm bơm.

3. "Tuyến kênh": Là tuyến dẫn nước từ công trình đầu mối về bãi tưới.

4. Đường bao công trình thủy lợi: Là giao tuyến giữa CTTL hoặc hạng mục công trình và mặt đất tự nhiên (sau đây gọi tắt là đường bao công trình).

5. Vùng phụ cận: Là diện tích đất (liền kề) ngoài đường bao CTTL.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức quản lý, bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi phải tuân thủ Pháp lệnh số: 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 04 tháng 4 năm 2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; Nghị định số: 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và những quy định hiện hành tại địa phương.

Chương II:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi

1. Đối với đập của các hồ chứa nước, phạm vi vùng phụ cận bảo vệ đập từ chân đập và hai bên vai đập trở ra (từ đường bao công trình trở ra):

a) Đập cấp I: Tối thiểu là 300m, phạm vi không được xâm phạm là 100m sát chân đập và hai vai đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập;

b) Đập cấp II: Tối thiểu là 200m, phạm vi không được xâm phạm là 50m sát chân đập và hai vai đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập;

c) Đập cấp III: Tối thiểu là 100m, phạm vi không được xâm phạm là 40m sát chân đập và hai vai đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập;

d) Đập cấp IV: Tối thiểu là 50m, phạm vi không được xâm phạm là 20m sát chân đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập; lớn hơn 5m từ đỉnh đập đất trở lên hoặc 20m tính theo mặt bằng đối với hai đầu đập;

e) Đập cấp V: Tối thiểu là 20m, phạm vi không được xâm phạm là 5m sát chân đập và hai vai đập, phạm vi còn lại được sử dụng cho các mục đích không gây mất an toàn đập;

2. Đối với hồ chứa nước có những đồi thấp (có cao trình đỉnh đồi cao hơn cao trình đỉnh đập đất với độ chênh cao nhỏ hơn 10 m) tham gia như một phần của đập đất và có mặt cắt ngang tương tự mặt cắt ngang đập chính (Ví dụ: Đồi B hồ Pa Khoang; hoặc đồi kẹp giữa đập đất số 1 và đập đất số 2 hồ Huội Phạ ...). Trường hợp này đồi được coi là đập và phạm vi vùng phụ cận được tính từ chân đồi trở ra.

3. Đối với khu vực lòng hồ, vùng phụ cận bảo vệ công trình xác định trên mặt đất tự nhiên, được tính từ đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập đất hoặc đỉnh tường chắn sóng (đối với đập có tường chắn sóng) trở xuống lòng hồ.

4. Đối với Kênh đắp nổi: Phạm vi bảo vệ tính từ chân mái ngoài của kênh trở ra:

TT

Lưu lượng thiết kế (m³/s)

Phạm vi bảo vệ (m)

1

Nhỏ hơn 0,50

1,0

2

Từ 0,50 đến dưới 1,0

1,5

3

Từ 1,0 đến dưới 2,0

2,0

4

Từ 2,0 đến dưới 5,0

2,5

5. Đối với kênh đào trong đất nguyên thổ (kênh chìm hoàn toàn), phạm vi bảo vệ được xác định theo mặt bằng:

TT

Địa hình

Lưu lượng chảy trong kênh Q (m³/s)

Q < 0,50

0,50 ≤ Q < 1,0

1,0 ≤ Q < 2,0

2,0 ≤ Q < 5,0

1

Sườn đồi

Phạm vi bảo vệ theo mặt bằng (m)

1.1

Ta luy dương (không có mặt bờ kênh), tính từ mép mái đào trở ra

1,0

1,0

1,0

1,0

1.2

Ta luy dương (có mặt bờ kênh), tính từ mép ngoài của bờ kênh trở ra

1,0

1,5

2,0

2,5

1.3

Ta luy âm, tính từ mép ngoài của mặt bờ kênh trở ra

1,0

1,5

2,0

2,5

2

Bằng phẳng, tính từ mép ngoài của mặt bờ kênh trở ra (áp dụng cho cả hai bên)

1,0

1,5

2,0

2,5

6. Đối với Kênh đào trong đất nguyên thổ (có một phần bờ kênh đắp), phạm vi bảo vệ phần bờ kênh đắp được xác định theo quy định tại điểm 4 điều này.

7. Phạm vi bảo vệ hạng mục chôn chìm (đường ống, xi phông... ), cầu máng: Tính từ đường bao của hạng mục công trình ra các phía là 3,0m.

8. Đối với trạm bơm, tính từ mép ngoài móng hàng rào bảo vệ trở vào (trường hợp nền hàng rào là đất đắp thì tính từ chân mái đắp trở vào).

9. Phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi quan trọng quốc gia theo quy định tại Điều 23 Nghị định số: 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Điều 5. Cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận công trình thủy lợi

1. Đối với các công trình đang trong quá trình xây dựng hoặc đang lập dự án đầu tư:

Chủ đầu tư xây dựng công trình phải thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận (đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng) và bàn giao lại cho tổ chức, cá nhân quản lý khai thác và bảo vệ CTTL khi bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

2. Đối với các công trình đã đưa vào khai thác trước khi có Quy định này và chưa cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận sẽ do tổ chức, cá nhân quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thực hiện. Kinh phí thực hiện được lấy trong thủy lợi phí cấp bù (phần dành cho sửa chữa thường xuyên). Tổ chức, cá nhân quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi có trách nhiệm:

- Lập phương án bảo vệ công trình, trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt (theo Điều 6 và Điều 7 - Thông tư số: 45/2009/TT- BNNPTNT) và tổ chức thực hiện theo quy định tại Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Xác định, cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận bảo vệ công trình thủy lợi theo phương án bảo vệ công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn công trình thủy lợi và phạm vi vùng phụ

cận theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Kỹ thuật cắm mốc:

a) Khoảng cách giữa các mốc:

- Đối với đập từ cấp II trở lên của hồ chứa nước: Khoảng cách 2 mốc liền nhau là 20m (đập ở gần khu đô thị, dân cư tập trung); là 50m (đập không gần khu đô thị, dân cư tập trung).

- Đối với đập từ cấp III trở xuống của hồ chứa nước: Khoảng cách 2 mốc liền nhau tối đa là 100m và phải nhìn thấy nhau.

- Đối với khu lòng hồ chứa nước có dung tích từ 5 triệu m³ trở lên (trừ những hồ có độ dốc lòng hồ lớn hoặc lưu vực là rừng rậm, không có dân sinh và các hoạt động kinh tế, dịch vụ): Cắm mốc theo đường biên (tại các điểm chuyển hướng) có cao trình bằng cao trình đỉnh đập, khoảng cách 2 mốc liền nhau, tuỳ điều kiện cụ thể để quy định, tối đa không quá 300m.

- Đối với tuyến kênh, đường ống dẫn nước (hở hoặc chôn chìm): Cắm mốc tại các điểm chuyển hướng; trên các đoạn thẳng khoảng cách 2 mốc liền nhau là 100 m (kênh đi qua đô thị, khu dân cư tập trung); là 300m (kênh không đi qua đô thị, khu dân cư tập trung).

b) Cấu tạo một mốc chỉ giới:

- Kết cấu: 6 dài 84 cm và 05BTCT M200, cốt thép gồm 6 dài 19 cm (đã tính cả chiều dài 02 thanh dọc  uốn móc hai đầu).thanh ngang

- Kích thước mốc: Dài x Rộng x Cao = 0,90m x 0,15m x 0,10m.

- Các thông tin ghi trên mốc: Trên thân mốc phần nổi phải được ghi các thông tin sau (khắc chìm và tô sơn đỏ)

+ Tên công trình (ví dụ: TL LOONG LUÔNG)

+ Chỉ giới bảo vệ - Cấm di chuyển.

+ Số hiệu mốc (ví dụ: 01, 02 ...)

c) Độ sâu chôn mốc: Mốc được chôn sâu 40 cm và phải đầm chặt.

Điều 6. Xử lý vi phạm

1. Các cá nhân, tổ chức có hành vi lấn chiếm, sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo mức độ vi phạm.

2. Cá nhân, tổ chức làm công tác quản lý khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hành vi lấn chiếm, sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thì tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả xảy ra mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho các hình vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi hoặc giải quyết xử lý trái pháp luật thì tùy theo tính chất mức độ và hậu quả xảy ra mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm và thực hiện chính sách đối với từng trường hợp cụ thể, thực hiện theo Nghị định số: 140/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và các quy định hiện hành khác có liên quan.

Chương III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Theo dõi, báo cáo định kỳ hàng năm kết quả thực hiện Quyết định này.

- Đôn đốc, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình thủy lợi tại địa phương lập phương án bảo vệ công trình; thẩm định, trình duyệt và theo dõi việc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi.

2. UBND cấp huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phòng Kinh tế), đôn đốc các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình thủy lợi tại địa phương lập phương án bảo vệ công trình và theo dõi việc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi do cấp huyện quản lý tại địa phương.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc vấn đề mới phát sinh các đơn vị phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.