Quyết định 19/2009/QĐ-UBND ban hành quy định điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành
Số hiệu: | 19/2009/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Vĩnh Long | Người ký: | Phạm Văn Đấu |
Ngày ban hành: | 15/10/2009 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
|
Số: 19/2009/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày 15 tháng 10 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN AN TOÀN CỦA PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA THÔ SƠ CÓ TRỌNG TẢI TOÀN PHẦN DƯỚI 1 TẤN HOẶC CÓ SỨC CHỞ DƯỚI 5 NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26.11.2003;
Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 15.6.2004;
Căn cứ nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01.3.2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27.01.2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 19/2005/QĐ-BGTVT ngày 25.03.2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa phải đăng ký, nhưng không thuộc diện đăng kiểm;
Căn cứ báo cáo số 51/BC.STP ngày 18/6/2008 của Giám đốc Sở Tư pháp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy định điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải phối hợp các ngành chức năng tỉnh vàỉUy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức và triển khai thực hiện nội dung quy định của quyết định này.
Điều 3. Các ông, (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thường trực Ban an toàn giao thông (ATGT) tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày được đăng công báo tỉnh./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
QUY ĐỊNH
ĐIỀU KIỆN AN TOÀN CỦA PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA THÔ SƠ CÓ TRỌNG TẢI TÒAN PHẦN DƯỚI MỘT TẤN HOẶC CÓ SỨC CHỞ DƯỚI NĂM NGƯỜI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 19 /2009/QĐ-UBND ngày 15/10/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định điều kiện an toàn, cách xác định các kích thước cơ bản, xác định sức chở của phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới một tấn hoặc có sức chở dưới năm người.
2. Quy định này áp dụng đối với.
a) Tổ chức, cá nhân có phương tiện thủy nội địa thô sơ có trọng tải toàn phần dưới một tấn hoặc có sức chở dưới năm người tham gia hoạt động giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
b) Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa
c) Quy định này không áp dụng đối với các phương tiện thủy nội địa làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Các từ ngữ trong quy định này được hiểu như sau:
1. Phương tiện thô sơ là phương tiện không có động cơ chỉ di chuyển bằng sức người hoặc sức gió, sức nước.
2. Điều kiện an toàn là các điều kiện tối thiểu của phương tiện để đảm bảo an toàn khi phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa.
3. Mạn khô là chiều cao của phần thân phương tiện, từ mép trên vạch dấu mớn nước an toàn đến mép boong.
4. Sức chở của phương tiện là trọng tải toàn phần hoặc sức chở người của phương tiện ứng với vạch dấu mớn nước an toàn.
5. Dụng cụ cứu sinh là các loại phao và các vật dụng nổi khác như ( áo phao, can nhựa … ).
Chương II
QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN AN TOÀN CỦA PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
Điều 3. Điều kiện an toàn
1. Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị thủng, không có nước vào bên trong khi phương tiện hoạt động; phải có một đèn thắp sáng màu trắng nếu phương tiện hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ ngồi, phải chắc chắn và cân bằng trên phương tiện.
2. Mạn khô của phương tiện chở hàng phải đảm bảo bằng 100mm; mạn khô của phương tiện chở người và hàng hóa phải đảm bảo bằng 150mm.
3. Phương tiện phải được đo đạt xác định kích thước, sức chở và được sơn vạch dấu mớn nước an toàn.
4. Đủ dụng cụ cứu sinh tương đương số người được phép chở trên phương tiện.
Điều 4. Xác định các kích thước cơ bản, sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện
1. Xác định các kích thước cơ bản của phương tiện.
a) Chiều dài lớn nhất (ký hiệu L max), tính bằng mét, đo theo chiều dọc trên mặt phẳng dọc tâm từ mút lái đến mút mũi phương tiện.
b) Chiều rộng lớn nhất (ký hiệu B max), tính bằng mét, đo theo chiều ngang ở mặt cắt rộng nhất của phương tiện.
c) Chiều cao mạn (ký hiệu D), tính bằng mét, đo từ đáy phương tiện đến mép boong ở vị trí giữa chiều dài L max.
d) Chiều chìm (ký hiệu d), tính bằng mét, đo từ đáy phương tiện đến mép trên của vạch dấu mớn nước an toàn ở vị trí giữa chiều dài L max.
2. Xác định sức chở của phương tiện.
a) Đối với phương tiện chuyên dùng chở hàng dưới 1 tấn (dưới 1.000 kg kể cả người điều khiển phương tiện) được xếp trực tiếp và cân bằng trên phương tiện tương ứng với mạn khô của phương tiện người bằng 100 mm.
b) Đối với phương tiện chuyên dùng chở người, dưới 5 người (từ 1 đến 4 người kể cả trẻ em) người điều khiển phương tiện phải xếp đủ chổ ngồi và cân bằng trên phương tiện tương ứng với mạn khô của phương tiện bằng 150 mm.
c) Đối với phương tiện sử dụng vừa để chở người và hàng hóa phải có đủ chỗ ngồi cho người và xếp hàng hóa phải cân bằng trên phương tiện tương ứng với mạn khô của phương tiện bằng 150 mm.
3. Sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.
Dấu mớn nước an toàn của phương tiện được sơn bằng một vạch sơn có màu khác với màu sơn mạn phương tiện, vạch sơn có chiều dầy 20mm, chiều dài 200mm nằm ngang trên hai bên mạn tại vị trí giữa của chiều dài L max, cách mép boong 100mm đối với phương tiện chở hàng, cách mép boong 150 mm đối với phương tiện chở người và hàng hóa.
Điều 5. Trách nhiệm của chủ phương tiện
1. Đo các kích thước cơ bản, xác định sức chở, sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện theo quy định tại Điều 4 của quy định này, chịu trách nhiệm tính chính xác của các số liệu đo và việc sơn vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện.
2. Kê khai điều kiện an toàn của phương tiện theo mẫu kèm theo quy định này.
3. Có trách nhiệm duy trì và đảm bảo các điều kiện an tòan của phương tiện theo quy định tại Điều 3 của quy định này khi phương tiện hoạt động.
4. Người điều khiển phương tiện phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan huyện, thành phố trong tỉnh
Phòng Quản lý đô thị thành phố Vĩnh Long, Phòng Công thương các huyện hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương có trách nhiệm hướng dẫn chủ phương tiện lập bản kê khai điều kiện an tòan của phương tiện và thực hiện các quy định về điều kiện an toàn phương tiện thủy nội địa.
Hướng dẫn các cơ sở đóng mới phương tiện thô sơ thủy nội địa tại địa phương thực hiện các quy định về điều kiện an toàn phương tiện thủy nội địa.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Công an tỉnh chỉ đạo Cảnh sát giao thông đường thủy phối hợp Thanh tra Giao thông vận tải, Công an các huyện, thành phố kiểm tra xử lý các phương tiện vi phạm theo quy định hiện hành.
Điều 8. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức và kiểm tra việc thực hiện kê khai điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa, lập sổ quản lý phương tiện ở địa phương theo quy định của Luật giao thông đường thủy nội địa.
Điều 9. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các đoàn thể xã hội tuyên truyền, phổ biến giáo dục nhân dân của địa phương và các cơ sở đóng mới, cá nhân, tập thể có phương tiện thủy nội địa được quy định tại Điều 1 của quy định này, phải thực hiện nghiêm về quy định điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông trên đường thủy nội địa./.
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------
BẢN KÊ KHAI ĐIỀU KIỆN AN TOÀN CỦA PHƯƠNG TIỆN THỦY NỘI ĐỊA
( Dùng cho loại phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người )
Tên chủ phương tiện:……………………………………….……………...............
Địa chỉ chủ phương tiện: …………………………………………………………...
Loại phương tiện: ……………………………………………………………………
Vật liệu đóng phương tiện: …………………………………………………………
Kích thước phương tiện: ( Lmax x Bmax x D x d ) = (…...x…...x…..x…...) m
Khả năng khai thác:
a) Trọng tải toàn phần : …………………….. tấn.
b) Sức chở người : ………………………..người.
c) Sức chở người ……… người và ………... kg hàng.
Tình trạng thân vỏ: ………………………………………………………………….
Vạch dấu mớn nước an toàn đã được sơn ( kẻ) trên hai mạn và mạn khô còn: ………………….. mm.
Dụng cụ cứu sinh: số lượng ………… ( chiếc ); Loại: ……………………………
Đèn tín hiệu: ………………………………….……………………………………….
Tôi cam đoan tất cả các phần ghi trong bản kê khai này là đúng sự thật, nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật .
Tại: ………………, ngày ….. tháng …. năm ……
Xác nhận của UBND Phường/Xã |
Chủ phương tiện |
Quyết định 19/2005/QĐ-BGTVT về điều kiện an toàn của phương tiện thuỷ nội địa phải đăng ký nhưng không thuộc diện đăng kiểm do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Ban hành: 25/03/2005 | Cập nhật: 23/03/2013
Nghị định 09/2005/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa Ban hành: 27/01/2005 | Cập nhật: 17/09/2012
Nghị định 21/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giao thông đường thủy nội địa Ban hành: 01/03/2005 | Cập nhật: 26/03/2010