Quyết định 188/QĐ-UBND năm 2013 phê quyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020
Số hiệu: 188/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau Người ký: Phạm Thành Tươi
Ngày ban hành: 31/01/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 31 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05/5/2010 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành thương mại;

Căn cứ Quyết định số 3098/QĐ-BCT ngày 24/6/2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 3568/UBND-KT ngày 15/9/2009 của UBND tỉnh Cà Mau về việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 463/QĐ-UBND ngày 26/3/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1486/QĐ-UBND ngày 26/9/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020;

Căn cứ Biên bản họp thông qua quy hoạch ngày 12/10/2011 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020;

Căn cứ Thông báo số 67-TB/TU ngày 27/11/2012 của Tỉnh ủy Cà Mau thông báo ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 51/TTr-SCT ngày 10/12/2012 về việc phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. Quan điểm phát triển.

Phát triển thương mại tỉnh Cà Mau trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng để phát triển thương mại trở thành ngành kinh tế quan trọng; thực hiện chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, nâng cao mức sống dân cư.

Phát triển thương mại tỉnh Cà Mau gắn bó chặt chẽ với sự phát triển chung của thương mại các vùng, miền và cả nước trên cơ sở tăng cường các liên kết kinh tế tạo thành mạng cung ứng và tiêu thụ.

Tổ chức thị trường và lưu thông hàng hóa hợp lý giữa các vùng trong tỉnh:

- Tạo lập hệ thống kinh doanh hợp lý tại thị trường đô thị có khả năng tổ chức nguồn hàng và phát luồng bán buôn phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu.

- Sắp xếp lại mạng lưới bán lẻ, dịch vụ, bảo đảm mua bán thuận tiện, văn minh trật tự và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Khuyến khích phát triển thương mại - dịch vụ ở nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng các khu dân cư mới, phát triển giao thông, xây dựng thị trấn, thị tứ, chợ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, phân công lại lao động.

Phát triển thương mại phải coi trọng cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Phát triển thương mại trên cơ sở khơi dậy và thu hút mọi tiềm năng, nguồn lực của các thành phần kinh tế; đặc biệt là khuyến khích và thu hút các thương gia lớn đến từ các thị trường lớn trong và ngoài nước.

Quy hoạch phát triển thương mại Cà Mau phải chú trọng đến đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật thương mại trên địa bàn tỉnh vừa đảm bảo thực hiện văn minh thương mại, năng lực thực hiện các hoạt động thương mại, vừa đảm bảo tính hiệu quả cao của cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư.

Quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng cần đặc biệt chú trọng đến yêu cầu nâng cao năng lực và vai trò quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thương mại của địa phương, đảm bảo vừa tuân thủ theo quy định của pháp luật, vừa tạo ra cơ hội cho các chủ thể kinh doanh phát triển năng động hơn.

II. Mục tiêu phát triển.

1. Mục tiêu chung.

Xây dựng ngành thương mại phát triển bền vững theo hướng văn minh, hiện đại; tăng tỷ trọng trong cơ cấu GDP của tỉnh. Phát huy vai trò của thương mại trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm cho nông nghiệp, nông dân; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân; góp phần ổn định an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; Mở rộng thị trường và đa dạng hóa ngành hàng xuất khẩu, phát triển các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; tăng cường xuất khẩu dịch vụ.

Tích cực thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Phát triển thương mại theo cơ cấu ngành hợp lý với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước.

Phát triển thị trường trong tỉnh trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển thị trường trong vùng và cả nước với thị trường nước ngoài; gắn hiệu quả kinh doanh thương mại với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể.

- Giá trị tăng thêm của ngành thương mại chiếm tỷ trọng 10,5 - 11% GDP của tỉnh vào năm 2015 và 14,5 - 15% GDP vào năm 2020.

- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội tăng bình quân 14,5 - 15%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015; tăng 15,5 - 16%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020 và bình quân chung khoảng 15 - 15,5%/năm trong cả giai đoạn 2011 - 2020.

- Thương mại hiện đại chiếm tỷ trọng 15-20% trong giai đoạn 2011 - 2015 và 20% - 25% giai đoạn 2016 - 2020.

- Đến năm 2015: Dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,4 - 1,5 tỷ USD; Năm 2020: 1,8 - 2,0 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015: 11,7%/năm; giai đoạn 2016 - 2020: 5,92%/năm.

- Phát triển thị trường: Giữ vững thị trường xuất khẩu hiện có, khai thác thị trường mới trên cơ sở nâng cao năng lực kinh doanh xuất khẩu của các doanh nghiệp, khai thác triệt để các cơ hội kinh doanh xuất - nhập khẩu hàng hóa thông qua các doanh nghiệp xuất - nhập khẩu đầu mối.

- Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng thương mại: Huy động nguồn lực của toàn xã hội thông qua chủ trương xã hội hóa đầu tư và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại hiện đại ở các khu đô thị, khu công nghiệp; hoàn thành về cơ bản phát triển các loại hình chợ.

- Phát triển nguồn nhân lực thương mại có kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp, theo kịp yêu cầu phát triển của thương mại trong nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

- Từng bước phát triển loại hình Thương mại điện tử phù hợp với nhu cầu của thị trường và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

III. Định hướng phát triển đến năm 2020.

1. Định hướng phát triển thị trường.

- Tại thị trường đô thị: Phát triển hệ thống phân phối hiện đại (Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi...) thuộc nhiều loại hình phân phối với quy mô thích hợp từng bước tiến tới quy mô lớn; khuyến khích các doanh nghiệp phân phối phát triển hệ thống phân phối theo “chuỗi”. Phát triển loại hình dịch vụ logistics với sự hình thành các kho bán buôn, trung tâm phân phối hàng hóa có trang bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại làm đầu mối phát luồng cho mạng lưới bán lẻ. Nâng cấp cải tạo một số chợ trung tâm, sắp xếp lại các chợ phường, liên phường, từng bước chuyển hóa một số chợ thành các siêu thị. Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại điện tử phù hợp với khả năng và nhu cầu của xã hội.

- Tại các vùng nông thôn: Lấy thị trấn huyện, và trung tâm cụm xã làm trung tâm, từ đó hình thành các khu, cụm kinh tế thương mại - dịch vụ. Hệ thống chợ và cửa hàng mua bán truyền thống vẫn là kênh lưu thông hàng hóa chủ yếu ở khu vực nông thôn trong suốt thời kỳ đến năm 2020; tại các thị trấn huyện lỵ cần xây dựng Trung tâm thương mại, siêu thị tổng hợp có quy mô vừa phải phù hợp với cấp độ đô thị và quy mô dân số. Hình thành và phát triển hợp tác xã thương mại - dịch vụ, thực hiện dịch vụ “đầu vào” cho sản xuất và tổ chức “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

2. Định hướng phát triển xuất, nhập khẩu.

- Mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giữ vững thị trường truyền thống. Tích cực mở rộng thị trường EU, Bắc Mỹ, chú trọng thị trường Trung Quốc, coi trọng xuất khẩu tại chỗ của các hoạt động dịch vụ và thị trường trong nước; thực hiện linh hoạt chính sách khuyến khích mở rộng thị trường phù hợp với những thay đổi của thị trường và luật pháp của nước nhập khẩu.

- Thực hiện đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, tích cực đầu tư để tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao; tập trung sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu có hàm lượng công nghệ cao.

- Cần nghiên cứu nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua việc thành lập các Tổng công ty, Tập đoàn... kinh doanh đa ngành.

3. Định hướng phát triển doanh nghiệp thương mại, các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh thương mại trên thị trường.

- Phát triển thương mại có vốn nhà nước hiện nay nói chung là có đủ năng lực và uy tín để giữ vai trò chủ đạo trong các hoạt động thương mại đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội vững chắc và đảm bảo lợi ích của người sản xuất, người tiêu dùng. Tổ chức doanh nghiệp thương mại Nhà nước theo mô hình mạng liên kết, trong đó doanh nghiệp Nhà nước là hạt nhân có nhiều đầu mối, mạng lưới thuộc mọi thành phần kinh tế, ở các khu vực thị trường trọng điểm cả trong và ngoài tỉnh.

- Các loại hình doanh nghiệp dân doanh, HTX thương mại - dịch vụ; hộ cá thể là lực lượng đông đảo chiếm tỷ trọng đa số trên thị trường; cần có chính sách ưu tiên phát triển hệ thống Hợp tác xã thương mại - dịch vụ, hộ kinh doanh cá thể ở thị trường nông thôn nhằm khuyến khích loại hình này phát triển đúng định hướng của nhà nước và tham gia tích cực vào các hoạt động kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

4. Định hướng phát triển các kênh lưu thông hàng hóa.

- Tổ chức kênh lưu thông hàng nông sản, thực phẩm: Việc tiêu thụ nông sản được tổ chức theo mô hình khởi đầu là HTX thương mại - dịch vụ và doanh nghiệp thương mại. Nhà nước khuyến khích thành lập Hợp tác xã thương mại - dịch vụ thực hiện chức năng làm dịch vụ cung ứng đầu vào cho hộ nông dân, chủ trang trại và tổ chức mua lại sản phẩm do hộ nông dân, chủ trang trại sản xuất theo hình thức hợp đồng kinh tế hai chiều với giá cả thị trường theo từng thời điểm.

- Kênh lưu thông hàng công nghiệp tiêu dùng:

Hàng hóa sản xuất tại các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh được tiêu thụ qua mạng lưới phân phối, bán buôn, bán lẻ của chính doanh nghiệp sản xuất, hoặc qua hệ thống đại lý tiêu thụ do doanh nghiệp sản xuất tự tổ chức đến với người tiêu dùng, hoặc xuất khẩu.

Hàng hóa từ nguồn ngoài tỉnh mang về được các doanh nghiệp thương mại tổ chức tiêu thụ thông qua mạng lưới phân phối: Hệ thống đại lý, các cửa hàng độc lập, Trung tâm thương mại, các siêu thị...

5. Định hướng phát triển hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại và truyền thống.

Xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại như: Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị tổng hợp và chuyên doanh, cửa hàng tiện ích... với phương thức kinh doanh tiên tiến, hiện đại, quản lý chuyên nghiệp kết hợp với việc duy trì, phát triển các chợ truyền thống phục vụ dân cư nông thôn.

6. Định hướng phát triển thương mại điện tử:

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện khung pháp lý...; khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng mua bán trực tuyến, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng chung cho các lĩnh vực quản lý doanh nghiệp, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, thống kê..,

7. Định hướng phát triển các dịch vụ phụ trợ cho phân phối hàng hóa.

Phát triển đa dạng và chuyên nghiệp hóa các dịch vụ phụ trợ cho quá trình phân phối hàng hóa như: vận chuyển, phân loại, đóng gói, bảo quản, lưu kho, lưu bãi, dịch vụ giao hàng, thanh toán...; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh các dịch vụ phụ trợ trong lưu thông phân phối.

8. Định hướng phát triển xúc tiến thương mại.

Đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại gắn với phát triển thị trường; trước hết tập trung vào khách hàng, thị trường truyền thống, mặt hàng chủ lực có sức cạnh tranh cao của tỉnh; tích cực tìm kiếm thị trường mới; từng bước đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định nhằm hạn chế rủi ro khi thị trường có biến động; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống cung cấp thông tin, dự báo thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, tổ chức quảng bá và lập chương trình bảo vệ thương hiệu. Hình thành và khuyến khích phát triển các hiệp hội, làng nghề và tổ chức xã hội nghề nghiệp khác trong việc hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường.

IV. Quy hoạch phát triển các loại hình hạ tầng thương mại.

- Quy hoạch xây dựng 11 Trung tâm thương mại, trong đó có 01 Trung tâm thương mại cấp tỉnh (hạng I) tại thành phố Cà Mau, 02 Trung tâm thương mại cấp vùng của tỉnh (hạng II) tại thị trấn Sông Đốc, Năm Căn và 8 Trung tâm thương mại cấp huyện (hạng III) tại các thị trấn huyện lỵ.

- Quy hoạch 8 Khu thương mại - dịch vụ tại thành phố Cà Mau và các huyện Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Đầm Dơi, Năm Căn.

- Quy hoạch xây dựng 6 siêu thị độc lập ngoài trung tâm thương mại và chỉnh trang siêu thị tại số 2-4 Hùng Vương, thành phố Cà Mau.

- Quy hoạch 01 tổng kho tại thành phố Cà Mau và 09 cụm kho tổng hợp tại các huyện: Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi và Năm Căn.

- Phát triển 03 trung tâm dịch vụ logistics tại thành phố Cà Mau, Năm Căn, Sông Đốc.

V. Tổng hợp nhu cầu vốn, đất cho phát triển thương mại, dự án ưu tiên đầu tư.

1. Nhu cầu vốn đầu tư: Tổng vốn đầu tư phát triển ngành thương mại Cà Mau giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 41.110 tỷ đồng (theo giá thực tế):

- Giai đoạn 2011 - 2015: 10.450 tỷ đồng (bình quân 2.090 tỷ đồng/năm).

- Giai đoạn 2016 - 2020: 30.660 tỷ đồng (bình quân 6.132 tỷ đồng/năm).

Nguồn vốn huy động nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế để thực hiện gồm các nguồn như: FDI, ODA, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, các hộ kinh doanh thương nhân... Ngân sách nhà nước hỗ trợ về công tác đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và đầu tư một số công trình hạ tầng đấu nối quan trọng để phát triển hạ tầng thương mại.

Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng chủ yếu của ngành thương mại trong kỳ quy hoạch 2011 - 2020 là 3.072 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2015 là 1.603 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020 là 1.469 tỷ đồng.

2. Nhu cầu đất đầu tư phát triển hạ tầng thương mại: Tổng nhu cầu đất bổ sung trong kỳ quy hoạch đối với các công trình hạ tầng thương mại toàn tỉnh khoảng 110-120 ha.

3. Các dự án ưu tiên đầu tư: Trong kỳ quy hoạch các dự án ưu tiên đầu tư như sau:

- Thứ nhất, lập quy hoạch chi tiết các dự án đầu tư: Trung tâm thương mại Cà Mau, Trung tâm thương mại Sông Đốc, Trung tâm thương mại Năm Căn và Trung tâm thương mại tại thị trấn các huyện, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Tổ chức thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch để đầu tư và mời gọi đầu tư các hạng mục công trình trong các trung tâm thương mại.

- Thứ hai, Ban Chỉ đạo phát triển chợ phối hợp với các huyện rà soát nhu cầu đối với những xã chưa có chợ, lập dự án đầu tư mới và nâng cấp chợ. Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020” để lập kế hoạch huy động vốn đầu tư phát triển chợ.

- Thứ ba, lập các dự án mời gọi đầu tư phát triển siêu thị.

- Thứ tư, xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu của tỉnh đến 2020.

- Thứ năm, lập đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh.

VI. Giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch.

1. Nhóm giải pháp và chính sách huy động vốn đầu tư.

- Đối với hệ thống chợ: Các chợ ở thành phố, thị trấn; siêu thị thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư. Các chợ vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) đầu tư theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với các Trung tâm thương mại, Trung tâm hội chợ triển lãm... Nhà nước tạo quỹ đất sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng; Doanh nghiệp thuê hoặc đấu giá xây dựng các công trình kinh doanh theo quy hoạch.

- Các công trình thương mại hiện đại có nhu cầu vốn lớn cần có chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

- Để thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, cần nghiên cứu các quy định của pháp luật để ban hành các chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính tín dụng, thuế... nhằm tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư.

2. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực.

- Công tác đào tạo cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, có tính kế thừa và đảm bảo liên tục có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, có kinh nghiệm đảm nhận nhiệm vụ. Đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng trong các lĩnh vực: nghiên cứu chiến lược, quản lý điều hành và thực thi công việc.

- Khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với các địa phương, các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực.

- Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho công chức được cử đi học và những người phải đảm nhận, kiêm nhiệm tạm thời công việc cho người đi học; lựa chọn và ưu đãi, hỗ trợ các sinh viên, học sinh giỏi nhằm tạo điều kiện để họ theo học các ngành nghề có nhu cầu sử dụng, đồng thời ký thỏa thuận hợp đồng để họ yên tâm trở về phục vụ tại địa phương khi hoàn thành chương trình đào tạo.

Thu hút thương nhân và lao động thương mại có tay nghề cao đến công tác và làm việc lâu dài trên địa bàn tỉnh.

3. Giải pháp phát triển khoa học công nghệ:

- Thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ. Có chính sách hỗ trợ đối với việc mua sắm thiết bị, đầu tư cải tiến kỹ thuật của các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ. Thực hiện các giải pháp và chủ trương phát triển thương mại điện tử. Căn cứ vào các chính sách hỗ trợ có liên quan, đưa ra giải pháp hỗ trợ có hiệu quả nhằm đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp.

- Tích cực nghiên cứu thị trường, đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm mới, đổi mới công nghệ trong chế biến hàng xuất khẩu nhằm tăng giá trị hàng xuất khẩu và tăng hiệu quả kinh tế.

4. Tăng cường hợp tác quốc tế, khu vực và các địa phương.

- Đối với thị trường ngoài nước có tính chiến lược cần chủ động trong việc tạo lập các mối liên kết song phương với nhiều cấp độ và hình thức khác nhau.

- Khuyến khích các hoạt động môi giới, trợ giúp tiếp cận thâm nhập thị trường mới.

- Khuyến khích khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại

- Tổ chức nghiên cứu thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường trọng điểm (đặc biệt là thị trường thành phố Hồ Chí Minh), thị trường các tỉnh lân cận để xác định lợi thế so sánh và khả năng giao lưu thương mại nhằm điều chỉnh phù hợp cơ cấu sản xuất và thương mại của tỉnh.

- Tăng cường mối liên kết giữa hoạt động thương mại Cà Mau với hoạt động thương mại các địa phương trong và ngoài nước. Nghiên cứu ban hành các điều kiện ưu đãi cho các địa phương có mối quan hệ liên kết thương mại với các doanh nghiệp của tỉnh.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh có thể tiếp cận được các thị trường khác trong và ngoài nước, cung cấp thông tin và các dịch vụ tư vấn về thị trường, chất lượng và giá cả các sản phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.

5. Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý của nhà nước về thương mại.

- Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược và quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển thương mại của tỉnh.

- Xây dựng và phát triển các hệ thống thị trường hàng hóa trên địa bàn.

- Phối hợp liên ngành để tăng năng lực quản lý ngành trong cơ chế kinh tế thị trường.

- Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn; từng bước tách dần chức năng quản lý hành chính với chức năng cung cấp dịch vụ công.

- Xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Công Thương với các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền đảm bảo tính thống nhất theo mục tiêu phát triển ngành thương mại

- Tăng cường công tác quản lý thị trường chống gian lận thương mại đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

- Tổ chức mạng lưới thông tin và công tác dự báo thị trường là biện pháp quan trọng để giúp hoạt động thương mại có hiệu quả.

Điều 2. Tổ chức thực hiện.

- Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị có liên quan công bố công khai Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện và thành phố Cà Mau triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020. Trên cơ sở các định hướng, mục tiêu của quy hoạch, đưa vào kế hoạch ngành, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương để thực hiện. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình tiến độ thực hiện quy hoạch và đề ra các biện pháp chỉ đạo thực hiện tiếp theo (kèm theo danh mục dự án ưu tiên đầu tư hạ tầng thương mại đến năm 2020).

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- Bộ Công Thương (b/c);
- Cng Thông tin điện tử tỉnh;
- PVP UBND tỉnh (Th);
- CVKT (T);
- Lưu: VT
, Ktr62/01

CHỦ TỊCH




Phạm Thành Tươi

 

DANH MỤC

DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 31/01/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau)

STT

Địa điểm

Diễn giải

Quy mô (hạng, ha, m2)

Thời gian đầu tư

2010-2015

2016-2020

1

2

3

4

5

6

1

THÀNH PHỐ CÀ MAU

Trung tâm thương mại cấp tỉnh - Phường 5-6 TP Cà Mau

I

 

x

2

Khu Trung tâm Thương mại - DV P2 (Khu vực trường THPT Hồ Thị Kỷ)

 

x

 

3

Siêu thị tổng hợp - Phường 1, TP Cà Mau

II

x

 

4

Siêu thị tổng hợp - Phường 9, TP Cà Mau

II

x

 

5

Siêu thị tổng hợp Khu A , xã Tắc Vân

II

x

 

6

Siêu thị tổng hợp (địa điểm tại góc đường Trần Hưng Đạo - Phan Ngọc Hiển, phường 5, TP Cà Mau, do Công ty TNHH TM-DV Sài Gòn-Cà Mau đầu tư)

II

x

 

7

Trung tâm Thương mại dịch vụ mua sắm tổng hợp cao cấp (khóm 6, phường 5, TP. Cà Mau, do Công ty Thương mại địa ốc Hoàng Tâm TNHH đầu tư)

III

x

 

8

Tổng kho Bán buôn - Quản lộ Phụng Hiệp, phường Tân Thành

 

 

x

1

HUYỆN THỚI BÌNH

TTTM - Khóm 8, thị trấn Thới Bình

III

 

x

2

Khu thương mại - Ấp 1, xã Trí Phải

 

x

 

1

HUYỆN U MINH

Trung tâm thương mại - thị trấn U Minh

III

 

x

2

Khu Thương mại - Dịch vụ Khánh Hội

 

x

 

3

Chợ Khánh Hội U Minh (Theo QĐ 012)

Hạng I

x

 

1

HUYỆN TRẦN VĂN THỜI

TTTM vùng của tỉnh - thị trấn Sông Đốc

II

x

 

2

Trung tâm thương mại - thị trấn Trần Văn Thời

II

x

 

3

Kho Bán buôn - khóm 11, thị trấn Sông Đốc

 

 

x

4

Kho Bán buôn - khóm 1, thị trấn Trần Văn Thời

 

 

x

1

HUYỆN CÁI NƯỚC

TTTM tổng hợp - thị trấn Cái Nước

II

x

 

1

HUYỆN ĐẦM DƠI

TTTM tổng hợp - khóm 4, thị trấn Đầm Dơi

II

x

 

1

HUYỆN NĂM CĂN

TTTM tổng hợp - khóm 2, thị trấn Năm Căn

II

x

 

2

Siêu thị - Khóm 5, thị trấn Năm Căn

II

x

 

3

Tổng Kho bán buôn - Khóm 2, thị trấn Năm Căn

 

 

x

1

HUYỆN PHÚ TÂN

Chợ tổng hợp BB-BL - TT Cái Đôi Vàm (theo QĐ 012)

Hạng I

x

 

 

Tổng cộng

 

 

16

7

 

 





Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ Ban hành: 14/01/2003 | Cập nhật: 22/02/2013