Quyết định 1860/QĐ-UBND năm 2013 về tiếp tục dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2013 - 2015
Số hiệu: 1860/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hưng Yên Người ký: Doãn Thế Cường
Ngày ban hành: 04/10/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Đất đai, Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1860/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 04 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIẾP TỤC DỒN THỬA ĐỔI RUỘNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003;

Căn cứ các Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993, số 85/CP ngày 28/8/1999 của Chính phủ về giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp;

Căn cứ Nghị quyết số 62/NQ-CP ngày 23/5/2013 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Hưng Yên;

Căn cứ Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 14/6/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2013-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 285/TTr-STNMT ngày 05/9/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc tiếp tục dồn thửa đổi ruộng đất nông nghiệp thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2013 - 2015.

Điều 2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quy định này đều bãi bỏ.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Doãn Thế Cường

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC TIẾP TỤC DỒN THỬA ĐỔI RUỘNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2013 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1860/QĐ-UBND ngày 04/10/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này áp dụng đối với các xã, thị trấn có đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Không thực hiện dồn thửa đổi ruộng (Viết tắt: DTĐR) đối với những diện tích hiện là đất sản xuất nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết cho phép chuyển mục đích sử dụng vào mục đích khác; các dự án đã có chủ trương tiếp nhận đầu tư; các dự án có thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất; các dự án có tính khả thi cao trước năm 2015.

3. Không DTDR đối với diện tích đất nông nghiệp (đất vườn, ao...) trong khu dân cư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. UBND các cấp; các cơ quan chuyên môn: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

2. Hộ gia đình, cá nhân đã được giao ruộng sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 28/4/1992 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Hưng (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 03) và theo Luật Đất đai 1993, tại thời điểm năm 1993.

3. Các địa phương đang triển khai thực hiện Dự án VLAP vẫn tiến hành bình thường đồng thời với việc thực hiện DTĐR, không để việc DTĐR ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện của Dự án VLAP.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Việc DTĐR thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận, công khai, dân chủ, cùng có lợi, trên cơ sở có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đảm bảo ổn định chính trị, an ninh trật tự và an toàn xã hội ở nông thôn.

2. Giữ nguyên đối tượng, định suất được giao ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 03 trước đây (người đã chết không lấy đất ra, người mới sinh không chia thêm).

Không đặt vấn đề xem xét lại những nội dung, kết quả việc thực hiện giao ruộng đất cho nông dân sản xuất nông nghiệp tại thời điểm năm 1993 và thực hiện DTĐR giai đoạn 2001 - 2003.

3. Thực hịên DTĐR phải gắn với quy hoạch phát triển nông nghiệp, quy hoạch thuỷ lợi, quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2015 của huyện, tỉnh.

4. Khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tự nguyện chuyển đổi, chuyển nhượng, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật. Phần ruộng đất đã tự chuyển đổi, chuyển nhượng và sử dụng đất phù hợp với quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì tiếp tục được sử dụng để ổn định đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Điều 4. Mục tiêu phấn đấu

Sau DTĐR, toàn tỉnh phấn đấu đạt trên 60% hộ gia đình, cá nhân có 01 thửa, số hộ còn lại có không quá 02 thửa đất nông nghiệp.

Phần II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Công tác chuẩn bị

1. Thành lập Ban Chỉ đạo DTĐR các cấp do Chủ tịch UBND quyết định thành lập; Trưởng Ban chỉ đạo phân công trách nhiệm cho từng thành viên.

Ban Chỉ đạo tỉnh, huyện, thành phố thành lập Tổ công tác giúp việc. Các xã, thị trấn thành lập Tiểu ban thực hiện ở các thôn, giúp việc Ban Chỉ đạo DTĐR cấp xã.

2. Tổ chức hội nghị triển khai thực hiện ở các cấp theo kế hoạch của UBND tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; để đông đảo nông dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, đối tượng áp dụng, nội dung, nguyên tắc, phương pháp tổ chức thực hiện công tác DTĐR đất nông nghiệp gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận cao khi tổ chức thực hiện.

3. Tổ chức tập huấn cho cán bộ chuyên môn các cấp, nhất là cán bộ xã, thôn; các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện.

4. Mỗi huyện, thành phố tổ chức làm điểm từ 2 - 3 xã, sau đó tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên địa bàn toàn huyện (2014).

Điều 6. Xây dựng phương án và phương pháp DTĐR đất nông nghiệp

1. Xây dựng phương án:

Phương án DTĐR phải tuân thủ theo Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

- UBND cấp xã tiến hành điều tra thu thập thông tin tài liệu ban đầu; xây dựng phương án DTĐR đất nông nghiệp; trong đó, xác định vị trí, diện tích tiếp tục DTĐR, đất công ích và đất quy hoạch cho các mục đích phi nông nghiệp, lập phương án DTĐR.

- UBND cấp xã chịu trách nhiệm lập phương án DTĐR cho từng thôn (lấy thôn làm đơn vị DTĐR) và phương án toàn xã. Về nguyên tắc, phương án DTĐR phải giữ nguyên ranh giới, ổn định diện tích mặt bằng của từng thôn trong xã, thị trấn đã phân bổ tại thời điểm giao ruộng năm 1993 trước đây; các hộ, cá nhân nhận đất theo thôn là chính để thuận lợi cho việc sản xuất, quản lý (không lấy đất của thôn này chia cho người dân thôn khác khi không có sự đồng thuận cao).

- Các xã, thị trấn vận động các hộ gia đình, cá nhân góp một phần diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng để làm đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng theo quy hoạch được duyệt, phục vụ trực tiếp cho phương án DTĐR để sản xuất nông nghiệp, đáp ứng được xu thế phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

2. Phương pháp DTĐR:

- Phương pháp áp dụng chủ yếu là rút bù diện tích (tức là quy đổi theo hệ số K cho từng hạng đất); hộ gia đình, cá nhân nhận đất tốt, vị trí thuận lợi thì được nhận diện tích ít hơn mức bình quân chung; hộ gia đình, cá nhân nhận đất xấu, vị trí không thuận lợi thì được nhận diện tích đất nhiều hơn mức bình quân chung.

Để đảm bảo công bằng khi chuyển đổi thì dùng hệ số “K” tương ứng với các hạng đất để điều chỉnh diện tích (Hệ số K từ 0,8 đến 1,2 lần theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường). Việc xác định hệ số K chuyển đổi phải do nhân dân công khai bàn bạc, tính toán, quyết định phù hợp với các điều kiện, đặc điểm cụ thể của vùng đất sản xuất nông nghiệp của địa phương đó.

- Lấy diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được giao theo định suất tại thời điểm năm 1993 và kết quả thực tế DTĐR giai đoạn 2001 - 2003 trừ phần diện tích đã được Nhà nước thu hồi hoặc chuyển nhượng, tặng cho…theo quy định của pháp luật (nếu có) làm cơ sở tính toán DTĐR.

Điều 7. Tổ chức đăng ký nhận ruộng và giao ruộng tại thực địa

Sau khi UBND cấp xã niêm yết công khai các bản đồ quy hoạch sử dụng đất, phương án DTĐR tại các nơi công cộng (đến các thôn) để toàn dân biết, tìm hiểu và góp ý kiến cụ thể vào phương án; UBND cấp xã chỉ đạo các Tiểu ban DTĐR ở từng thôn tiến hành tổ chức bốc thăm nhận đất, cắm mốc, tiến hành đo đạc, giao đất trên thực địa cho các hộ gia đình, cá nhân.

Thời điểm thuận lợi nhất để thực hiện việc giao đất trên thực địa là sau các vụ thu hoạch lúa, nhất là sau thu hoạch vụ mùa, trồng cây vụ đông.

Điều 8. Hoàn thiện hồ sơ địa chính

Sau khi các hộ gia đình, cá nhân nhận đất trên thực địa thì tiến hành đo đạc, lập bản đồ; lập hồ sơ địa chính, cấp và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và các quy định khác có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai, quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. Cấp uỷ, UBND các cấp; các sở, ban, ngành có liên quan; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện có hiệu quả quy định này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phản ánh kịp thời bằng văn bản về Ban Chỉ đạo Dồn thửa đổi ruộng tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.