Quyết định 1855/QĐ-UBND năm 2009 về đề án xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020
Số hiệu: 1855/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long Người ký: Phạm Văn Đấu
Ngày ban hành: 12/08/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1855/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 12 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 106/2009/NQ-HĐND , ngày 09 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long, khoá VII, kỳ họp lần thứ 16 về xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020;

Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Đấu

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ-UBND, ngày 12/8/2009 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

Căn cứ Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 03/11/2008 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng - khoá X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Căn cứ Nghị quyết số 106/2009/NQ-HĐND , ngày 09 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long, khoá VII, kỳ họp lần thứ 16 về xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020.

Uỷ ban nhân dân tỉnh lập Đề án Xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. THỰC TRẠNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC VÀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC CỦA TỈNH TỪ NĂM 1986 ĐẾN NAY:

1. Sự phát triển và đóng góp của đội ngũ trí thức trong tỉnh:

Cùng với sự phát triển chung, đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng nhanh về số lượng, nâng lên về chất lượng, góp phần trực tiếp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà; xoá đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đóng góp tích cực trong xây dựng những luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, nghị quyết, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài; sáng tạo một số công trình có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh; từng bước nâng cao trình độ khoa học và công nghệ tiếp cận với trình độ của khu vực và cả nước.

Theo kết quả điều tra lao động việc làm của Cục Thống kê và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thì tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng - đại học và trên đại học có bước phát triển đáng kể: Năm 2004 tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng - đại học là 4,14%, trên đại học là 0,04% (khoảng 280 người); đến năm 2008 tăng lên 6,85% và 0,12% (khoảng 840 người), trong đó có 06 tiến sỹ.

Đối với cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện, thành phố:

* Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ:

- Cao đẳng - đại học trở lên: 14.959/19.717, chiếm tỷ lệ 75,9%, trong đó có 84 thạc sỹ, 02 tiến sỹ;

- Trung cấp: 4.617, tỷ lệ 23,4%;

- Sơ cấp: 141, tỷ lệ 0,7%.

Riêng cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh có trình độ sau đại học là 14/160, đạt tỷ lệ 8,75%, trong đó có 02 tiến sỹ.

* Về trình độ chính trị:

- Cao cấp, cử nhân: 352, tỷ lệ 1,8%;

- Trung cấp: 614, tỷ lệ 3,1%;

- Sơ cấp và tương đương: 18.751, tỷ lệ 95,1%.

Đối với cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn:

* Về trình độ học vấn:

- Tiểu học: 129/3.804 người, tỷ lệ 3,4%;

- Trung học cơ sở: 977 người, tỷ lệ 25,7%;

- Trung học phổ thông: 2.698 người, tỷ lệ 70,9%.

* Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ:

- Chưa qua đào tạo: 2.176, tỷ lệ 57,2%;

- Sơ cấp: 181, tỷ lệ 4,7%;

- Trung cấp: 1.037, tỷ lệ 27,3%,

- Cao đẳng, đại học: 410, tỷ lệ 10,8%.

* Về trình độ chính trị:

- Chưa qua đào tạo: 1.238, tỷ lệ 32,5%;

- Sơ cấp: 1.033, tỷ lệ 27,2%;

- Trung cấp: 1.412, tỷ lệ 37,1%;

- Cao cấp: 121, tỷ lệ 3,2%.

Đối với cán bộ chủ chốt (ban thường vụ) cấp xã, phường, thị trấn:

* Về trình độ học vấn:

- Tiểu học: 02, tỷ lệ 0,3%;

- Trung học cơ sở: 120, tỷ lệ 19,5%;

- Trung học phổ thông: 494, tỷ lệ 80,2%.

* Về trình độ chuyên môn nhiệp vụ:

- Sơ cấp: 27, tỷ lệ 4,4%;

- Trung cấp: 97, tỷ lệ 15,7%;

- Cao đẳng, đại học: 98, tỷ lệ 15,8%.

Bộ phận trí thức tham gia công tác lãnh đạo và quản lý đã phát huy tốt vai trò, năng lực; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị của tỉnh.

Đội ngũ trí thức trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là lực lượng nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Phần lớn trí thức trẻ thể hiện tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh với kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, có những đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển tỉnh nhà.

2. Công tác xây dựng đội ngũ trí thức:

Cùng với thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, những năm qua Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh có những chủ trương, chính sách để đội ngũ trí thức của tỉnh phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, phát huy vai trò trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đã ban hành chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức đi học, luân chuyển cán bộ, Chương trình "Vĩnh Long 100" đào tạo sau đại học ở nước ngoài 100 cán bộ, công chức từ năm 2006 - 2011; Chương trình đào tạo nguồn nhân lực giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010; chính sách thu hút bác sỹ, dược sỹ về công tác ở tỉnh, đào tạo ngoại ngữ để có thể tham dự các khoá học ngắn ngày ở nước ngoài. Thành lập các quỹ khuyến học, quỹ học bổng Phạm Hùng, Trần Đại Nghĩa; cấp học bổng cho con em của tỉnh học đạt loại khá, giỏi...

Quan tâm đầu tư để phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá, văn nghệ; tạo môi trường thuận lợi nhằm phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.

Nhìn chung, công tác trí thức của tỉnh những năm qua đã thể hiện sự coi trọng vị trí, vai trò của trí thức, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức và các hội trí thức của tỉnh hoạt động và phát triển.

3. Những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân:

Trước yêu cầu phát triển tỉnh nhà, thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đội ngũ trí thức của tỉnh còn có những yếu kém:

- Số lượng và chất lượng của trí thức trong tỉnh chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển toàn diện. Cơ cấu đội ngũ trí thức còn bất hợp lý về trình độ ngành nghề, độ tuổi, giới tính. Thiếu trí thức, chuyên gia giỏi, đầu ngành, đội ngũ kế cận hẫng hụt; hoạt động nghiên cứu khoa học chưa gắn bó chặt chẽ với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ số: Công trình được nghiên cứu, sáng chế còn ít; triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất, đổi mới trang thiết bị chưa nhiều.

Khoa học xã hội và nhân văn còn hụt hẫng về khả năng nghiên cứu lý luận, dự báo và định hướng, chưa giải đáp được những vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra; chưa có những công trình mang tính sáng tạo lớn, những công trình nghiên cứu còn sơ lược.

Trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật còn ít tác phẩm có giá trị tương xứng với sự sáng tạo của nhân dân trong phát triển sản xuất, đời sống, xây dựng đất nước và sự hy sinh trong bảo vệ tổ quốc, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật còn nhiều hạn chế.

Trí thức ở một số ngành, lĩnh vực và ở nhiều cơ quan, đơn vị nhất là cơ quan nghiên cứu, trường học, bệnh viện… trình độ còn hẫng hụt so với yêu cầu phát triển của tỉnh.

Một bộ phận trí thức còn thiếu tự tin, thụ động, thiếu tính nhạy bén, thiếu tinh thần hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào sản xuất và đời sống. Một số trí thức trẻ còn chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu tính phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn.

* Nguyên nhân hạn chế, yếu kém:

Những hạn chế yếu kém trên của đội ngũ trí thức có nhiều nguyên nhân, trong đó nền kinh tế của tỉnh vẫn còn trong tình trạng phát triển chậm, việc triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống còn nhiều hạn chế. Thị trường khoa học - công nghệ, văn hoá, văn nghệ, nghệ thuật đang hình thành, chưa có đầy đủ điều kiện để phát huy năng lực sáng tạo của lực lượng trí thức.

Một bộ phận trí thức chưa phát huy năng lực, kiến thức và thích ứng với cơ chế thị trường.

Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đối với công tác trí thức trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí của trí thức. Việc bố trí sử dụng trí thức chưa đúng năng lực, trình độ, ngành nghề… dẫn đến tâm trạng thiếu yên tâm trong công tác.

Hệ thống chính sách về trí thức còn thiếu và chưa đồng bộ; các tổ chức hội của trí thức được thành lập nhưng hoạt động chưa mạnh. Thiếu chính sách và cơ chế tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho trí thức yên tâm cống hiến; cơ chế phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài chưa phát huy tốt. Chủ trương, chính sách đào tạo đội ngũ trí thức chưa đồng bộ. Hệ thống giáo dục chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực có trình độ cao. Thiếu chính sách đủ mạnh để thu hút lực lượng trí thức bên ngoài về phục vụ cho tỉnh.

Cơ chế, chính sách về tài chính cho hoạt động khoa học - công nghệ, văn hoá, nghệ thuật còn hạn chế, khó khăn trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và ứng dụng.

II. NHỮNG MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục yếu kém, tồn tại và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhằm phát huy cao nhất mọi nguồn lực, tiềm năng trí tuệ của nhân dân, đặc biệt là năng lực sáng tạo của đội ngũ trí thức, xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ trí thức cả nước, để tiếp thu và làm chủ các công nghệ mới, đáp ứng tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của tỉnh đưa Vĩnh Long trở thành một tỉnh giàu đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc. Đề án Xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 có những mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp chủ yếu sau:

1. Mục tiêu chung:

Đến năm 2020 nâng số lượng lao động có trình độ sau đại học lên gấp 2,5 lần so với hiện nay (khoảng 2.100 người). Tạo môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức hoạt động có hiệu quả.

2. Chỉ tiêu cụ thể:

- Đến năm 2010:

+ Xây dựng xong quy hoạch đội ngũ trí thức trong hệ thống chính trị các cấp.

+ Sắp xếp các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh theo hướng có đại học chuyên ngành và 10% có trình độ thạc sĩ trở lên (khoảng 16 người).

- Đến năm 2015:

+ Có 50% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh và huyện, thành phố có trình độ thạc sỹ trở lên (khoảng 80 người).

+ Có 50% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (ban thường vụ Đảng uỷ) có trình độ đại học trở lên (khoảng 320 người).

- Đến năm 2020:

+ Có 80% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh và huyện, thành phố có trình độ thạc sỹ trở lên (khoảng 128 người).

+ Có 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (ban thường vụ Đảng uỷ) có trình độ đại học trở lên (640 người), trong đó có 30% có trình độ thạc sỹ (khoảng 192 người).

3. Nhiệm vụ và giải pháp:

a) Quy hoạch đào tạo đội ngũ trí thức: Hoàn chỉnh quy hoạch cán bộ từ cán bộ chủ chốt cấp xã đến các chức danh lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh, huyện, thành phố, để đảm bảo mỗi năm ít nhất có 100 cán bộ, công chức đi học sau đại học, trong đó có 30% là cán bộ công chức thuộc diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh, huyện, thành phố và cán bộ chủ chốt ở xã, đưa 30 cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đi đào tạo đại học nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra và đáp ứng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị.

b) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức:

Thực hiện tốt các chương trình, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt như: Chương trình đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm giai đoạn 2006 - 2010; Đề án Vĩnh Long 100; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức hàng năm. Đồng thời, khuyến khích các cơ quan, đơn vị đưa đi đào tạo trên chuẩn nghề nghiệp, nhất là đưa đi đào tạo sau đại học, để nâng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tạo nguồn để bổ sung các chức danh lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh và huyện, thành phố. Quan tâm đào tạo đội ngũ trí thức trẻ, đồng thời bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ trí thức đã kinh qua công tác thực tiễn.

c) Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức:

- Cụ thể hoá các chính sách của trung ương về dân chủ trong hoạt động khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hoá, nghệ thuật; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách hiện có và ban hành các chính sách mới theo điều kiện cụ thể của tỉnh; tăng đầu tư bằng nhiều nguồn lực tạo điều kiện cho trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh.

- Quy hoạch đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ trí thức: Đào tạo bằng nhiều hình thức trong tỉnh, trong nước và ngoài nước.

d) Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức:

Về trọng dụng nhân tài, cần công khai, minh bạch trong các khâu tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ quản lý trong hệ thống chính trị các cấp. Tạo điều kiện cho trí thức phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng và những kết quả cống hiến của mình cho tỉnh nhà và đất nước.

Về đãi ngộ, tôn vinh, ngoài các chính sách đãi ngộ hiện có cần đề ra các chủ trương phù hợp với tình hình mới, bảo đảm cho đội ngũ trí thức được hưởng đúng và đầy đủ các lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với kết quả lao động sáng tạo; tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh như: Tham gia nghiên cứu các đề tài, dự án cấp nhà nước, cấp tỉnh, cấp cơ sở,... tạo điều kiện để cán bộ khoa học kỹ thuật tham gia hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh, quốc gia, quốc tế. Đồng thời, có chính sách tập hợp trí thức trong và ngoài tỉnh, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác nghiên cứu khoa học mà tỉnh có nhu cầu.

Thực hiện tốt các chính sách đã ban hành như: Chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức đi học, luân chuyển cán bộ, cán bộ tăng cường về công tác ở xã; chính sách thu hút bác sỹ, dược sỹ về công tác ở tỉnh. Các chính sách này được điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn.

đ) Đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội của trí thức:

Thường xuyên thông tin cho đội ngũ trí thức về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tình hình của tỉnh và đất nước, quốc tế. Tăng cường công tác chính trị tư tưởng và trách nhiệm của trí thức trong học tập, rèn luyện, qua đó phấn đấu trưởng thành, vươn lên ngang tầm thời kỳ mới, thực hiện theo phương châm khoa học đi trước một bước bằng cách thông qua sự truyền bá của trí thức. Tiếp tục cụ thể hoá các chính sách hiện có để thu hút con em Vĩnh Long đang học ở các trường đại học, học viện khi tốt nghiệp ra trường về công tác ở tỉnh nhà.

Đưa hoạt động của liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh đi vào hoạt động nền nếp, có chất lượng và hiệu quả để liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật đóng vai trò trung tâm, có trách nhiệm tập hợp các hội thành viên nhằm củng cố, phát triển và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là trong việc tư vấn, phản biện các đề tài, dự án khoa học.

e) Nâng cao chất lượng lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ Đảng, chính quyền:

Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội về vai trò, vị trí của trí thức trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền cần xác định công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để xã hội hiểu đúng vai trò, vị trí của đội ngũ trí thức; đồng thời đội ngũ trí thức nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội. Mặt khác, cần phát huy tài năng, trọng dụng những trí thức có đạo đức tốt, có năng lực làm công tác quản lý kể cả trong và ngoài Đảng; có phương thức và cơ chế quản lý, sử dụng trí thức phù hợp để phát huy năng lực cống hiến của trí thức.

Những người đứng đầu cấp uỷ Đảng, chính quyền định kỳ tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của trí thức đóng góp cho mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh. Các cấp uỷ Đảng có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo trí thức và công tác trí thức, đưa công tác trí thức vào nghị quyết, chương trình hành động hàng năm, nhiệm kỳ để triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nội vụ:

Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thường vụ Tỉnh uỷ sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh theo hướng có đại học chuyên ngành và có trình độ thạc sỹ trở lên; cơ cấu vào ban thường vụ Đảng uỷ xã, phường, thị trấn có trình độ đại học và thạc sỹ theo đúng tỷ lệ đã đề ra cho từng giai đoạn.

Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ trong việc sắp xếp các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh theo hướng có đại học chuyên ngành và 50% có trình độ thạc sĩ trở lên (50% còn lại đưa vào kế hoạch đào tạo hàng năm). Cơ cấu cán bộ chủ chốt cấp xã (ban thường vụ Đảng uỷ) có trình độ đại học trở lên ít nhất là 50% (50% còn lại đưa vào kế hoạch đào tạo hàng năm). Đưa đi đào tạo đại học và sau đại học theo kế hoạch đề ra, đảm bảo đến năm 2020 đạt các mục tiêu của đề án.

Theo dõi việc tổ chức thực hiện và hàng năm báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Năm 2009:

+ Xây dựng kế hoạch, tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn tỉnh. Chọn người có đức, có tài đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh và huyện, thành phố giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020 và kế hoạch đào tạo từng năm để đạt được các chỉ tiêu của đề án.

+ Xây dựng đề án trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các chính sách, chế độ thu hút người có học hàm, học vị cao về công tác tại Vĩnh Long.

+ Tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc thí điểm thi tuyển các chức danh trưởng, phó phòng chuyên môn thuộc sở, ngành tỉnh và các phòng chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

- Đến năm 2010:

+ Xây dựng xong quy hoạch đội ngũ trí thức trong hệ thống chính trị các cấp.

+ Sắp xếp các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh theo hướng có đại học chuyên ngành và 10% có trình độ thạc sỹ trở lên.

- Đến năm 2015:

+ Có 50% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh và huyện, thành phố có trình độ thạc sỹ trở lên.

+ Có 50% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (ban thường vụ Đảng uỷ) có trình độ đại học trở lên.

- Đến năm 2020:

+ Có 80% cán bộ lãnh đạo, quản lý và trưởng, phó ngành tỉnh và huyện, thành phố có trình độ thạc sỹ trở lên.

+ Có 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (ban thường vụ Đảng uỷ) có trình độ đại học trở lên, trong đó có 30% có trình độ thạc sỹ.

2. Sở Tài chính:

Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng các định mức, chế độ, chính sách cho công tác đào tạo đội ngũ trí thức của tỉnh nói chung, cho hệ thống chính trị nói riêng. Phối hợp với các ngành liên quan xây dựng, điều chỉnh các chính sách thu hút trí thức về làm việc tại tỉnh.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch đào tạo đại học và sau đại học giai đoạn 2010 - 2015 và 2015 - 2020 và kế hoạch đào tạo từng năm để đạt được các chỉ tiêu của đề án.

4. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố: Tiến hành rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức của địa phương, đơn vị được phân công quản lý; tiến hành quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo sau đại học theo kế hoạch chung của tỉnh. Chú ý đến cán bộ, công chức xã, phường thị trấn.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Nguồn kinh phí từ ngân sách của tỉnh Vĩnh Long. Ngoài kinh phí đào tạo của Đề án Vĩnh Long 100 (khoảng 86 tỷ đồng), kinh phí dự kiến cho việc xây dựng đội ngũ trí thức của tỉnh đến năm 2020 là 24,464 tỷ đồng và chi theo mức chi thực tế hàng năm.

Trên đây là Đề án Xây dựng đội ngũ trí thức tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020./.