Quyết định 1827/QĐ-UBND năm 2018 về tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công, cơ chế kiểm tra, kiểm soát dịch vụ công thuộc lĩnh vực lưu trữ trên địa bàn tỉnh Sơn La
Số hiệu: 1827/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Cầm Ngọc Minh
Ngày ban hành: 26/07/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn thư, lưu trữ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1827/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 26 tháng 07 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ CÔNG, CƠ CHẾ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT DỊCH VỤ CÔNG THUỘC LĨNH VỰC LƯU TRỮ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13;

Căn cứ Luật Lưu trữ số 01/2011/QH13 ngày 11/11/2011;

Căn cứ Nghị định số 01/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Lưu trữ;

Căn cứ Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp;

Căn cứ Nghị định 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ Quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp lĩnh vực khác;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 09/2014/TT-BNV ngày 01/10/2014 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn về quản lý chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 486/TTr-SNV ngày 12 tháng 7 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chung

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

a) Ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công, cơ chế kiểm tra, kiểm soát dịch vụ công thuộc lĩnh vực Lưu trữ trên địa bàn tỉnh Sơn La; đồng thời gắn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ lưu trữ và các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ.

b) Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ lưu trữ và các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ trong việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công thuộc lĩnh vực lưu trữ.

2. Mục đích, nguyên tắc đánh giá

a) Kiểm tra năng lực, lựa chọn cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ - hoạt động nghiệp vụ lưu trữ theo quy định hiện hành của pháp luật; qua đó đánh giá được chất lượng hiệu quả hoạt động của dịch vụ lưu trữ; đồng thời là cơ sở để kiểm tra, kiểm soát kết quả dịch vụ lưu trữ. Giúp UBND tỉnh theo dõi, phát hiện, chỉ đạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện dịch vụ công thuộc lĩnh vực lưu trữ.

b) Khi tiến hành đánh giá phải đảm bảo khách quan, trung thực, chính xác, toàn diện, phản ánh đúng chất lượng của các dịch vụ hoạt động lưu trữ. Tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ lưu trữ.

3. Các hoạt động thuộc dịch vụ lưu trữ

Bảo quản, chỉnh lý, tu bổ, khử trùng, khử axit, khử nấm mốc, số hóa tài liệu lưu trữ không thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Nghiên cứu, tư vấn, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ lưu trữ.

Điều 2. Nội dung tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ công

1. Tiêu chí 1: Năng lực của tổ chức, cá nhân cung ứng các dịch vụ lưu trữ

a) Về cơ sở, vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động dịch vụ lưu trữ: Đảm bảo đủ điều kiện hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động dịch vụ lưu trữ.

b) Nhân lực phục vụ hoạt động dịch vụ lưu trữ: Phải đảm bảo có nguồn nhân lực phù hợp, chuyên môn ngành nghề ổn định theo quy chuẩn của Luật.

2. Tiêu chí 2: Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động lưu trữ đảm bảo điều kiện pháp lý theo quy định của Luật

a) Có đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ tại cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ cấp tỉnh.

b) Có Chứng chỉ hành nghề lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Tiêu chí 3: Tuân thủ quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật

a) Chấp hành quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động dịch vụ lưu trữ;

b) Sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu đột xuất của cơ quan đặt hàng.

c) Nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức đặt hàng cung cấp dịch vụ lưu trữ trong các đợt kiểm tra.

4. Tiêu chí 4: Chất lượng sản phẩm

a) Tuân thủ tiêu chuẩn, quy định, quy trình kỹ thuật chuyên ngành, định mức kinh tế - kỹ thuật trong quá trình thực hiện dịch vụ lưu trữ.

b) Chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền quản lý về chất lượng sản phẩm khi hoàn thành đưa vào sử dụng và quản lý.

5. Tiêu chí 5: Uy tín của tổ chức cung ứng dịch vụ

a) Đảm bảo tính chính xác, tin cậy, kịp thời của cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng dịch vụ.

b) Chất lượng các dịch vụ đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật, chuyên môn.

Điều 3. Cơ chế kiểm tra, kiểm soát dịch vụ công

1. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ lưu trữ

a) Có quyền quyết định việc lựa chọn tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật.

b) Quản lý, giám sát quy trình thực hiện và chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp các dịch vụ lưu trữ theo hợp đồng đã được ký kết.

c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan có thẩm quyền kiểm tra trong việc thực hiện các dịch vụ công về hoạt động lưu trữ.

d) Có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Sở Nội vụ trong quá trình triển khai các hoạt động dịch vụ lưu trữ tại cơ quan, tổ chức.

đ) Hàng năm chủ động xây dựng dự toán kinh phí, cân đối các nguồn chi để thực hiện các dịch vụ hoạt động lưu trữ đảm bảo phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả.

2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ

a) Tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về lưu trữ và pháp luật có liên quan.

b) Chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn nghiệp vụ của người tham gia hành nghề và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) trong quá trình thực hiện dịch vụ theo quy định của pháp luật.

c) Giải trình hoặc cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến kết quả thực hiện dịch vụ lưu trữ khi có yêu cầu của Sở Nội vụ theo quy định của pháp luật.

d) Bảo mật thông tin về hồ sơ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ lưu trữ; lưu trữ hồ sơ, tài liệu về việc thực hiện dịch vụ lưu trữ.

3. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

a) Tham mưu cho cấp có thẩm quyền quản lý Nhà nước về các hoạt động dịch vụ lưu trữ trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.

b) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động dịch vụ lưu trữ và sử dụng Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ trên địa bàn tỉnh.

b) Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ lưu trữ và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ thực hiện đúng quy định của Luật Lưu trữ.

c) Hàng năm tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền số lượng, chất lượng các cơ quan, tổ chức sử dụng dịch vụ lưu trữ trên địa bàn tỉnh; tổng kết, rút kinh nghiệm để việc sử dụng dịch vụ lưu trữ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được thực hiện tốt hơn.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC, Hiệp (30b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cầm Ngọc Minh

 





Nghị định 01/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật lưu trữ Ban hành: 03/01/2013 | Cập nhật: 05/01/2013