Quyết định 1826/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Kế hoạch quản lý chất thải y tế tỉnh Quảng Trị đến năm 2015
Số hiệu: 1826/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị Người ký: Nguyễn Quân Chính
Ngày ban hành: 10/10/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1826/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 10 tháng 10 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-BYT ngày 21 tháng 11 năm 2011 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới; Công văn số 5581/BYT-VPB1 ngày 24 tháng 8 năm 2012 của Bộ Y tế về việc đầu tư Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 1547/TTr-STNMT ngày 25 tháng 9 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch quản lý chất thải y tế tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2013 - 2015 (Kế hoạch kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất thải y tế theo đúng quy định của Nhà nước.

Ủy quyền cho Giám đốc Sở Y tế xem xét và phê duyệt kế hoạch quản lý chất thải y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn tỉnh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các Sở, Ban ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quân Chính

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TỈNH QUẢNG TRỊ ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1826/QĐ-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2013 của UBND tỉnh Quảng Trị)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường từ các chất thải phát sinh tại các cơ sở y tế nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đối với công tác xử lý nước thải: Đến năm 2015, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện tốt việc xử lý nước thải đúng quy định về vệ sinh môi trường;

- Đối với công tác xử lý chất thải rắn y tế: Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống xử lý rác thải y tế tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh. Đến năm 2015, tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh phải thực hiện quy trình thu gom, phân loại và vận chuyển rác đúng quy định về nơi xử lý tập trung. Việc xử lý chất thải rắn y tế tập trung tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh môi trường;

- Đối với công tác xử lý khí thải: Tất cả các cơ sở y tế được trang bị lò đốt rác thải y tế phải thực hiện xử lý khí thải đạt tiêu chuẩn về môi trường.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Định hướng chung

a) Các cụm xử lý

Căn cứ theo sự phát triển chung của tỉnh Quảng Trị, định hướng mô hình xử lý chất thải rắn y tế nguy hại theo cụm trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 được áp dụng cho 03 bệnh viện lớn là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải và Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh.

- Cụm xử lý số 01 (điểm xử lý tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh):

Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ xử lý chất thải y tế (CTYT) nguy hại cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa thành phố Đông Hà, Bệnh viện Đa khoa Cam Lộ và các cơ sở y tế khác trên địa bàn huyện Cam Lộ, thành phố Đông Hà;

- Cụm xử lý số 2 (điểm xử lý tại bệnh viện Đa khoa Triệu Hải):

Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải sẽ xử lý chất thải y tế nguy hại cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải, Bệnh viện Đa khoa Triệu Phong, Bệnh viện Đa khoa Hải Lăng và các cơ sở y tế khác trên địa bàn các huyện: Triệu Phong, Hải Lăng và thị xã Quảng Trị;

- Cụm xử lý số 03 (điểm xử lý tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh)

Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh sẽ xử lý chất thải y tế nguy hại cho Bệnh viện Đa Khoa huyện Vĩnh Linh, Bệnh viện Điều dưỡng phục hồi chức năng Cửa Tùng, Bệnh viện Đa khoa Gio Linh và các cơ sở y tế khác trên địa bàn các huyện: Vĩnh Linh và Gio Linh;

- Đối với Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa và Bệnh viện Đa khoa Đakrông, trong giai đoạn này sẽ đầu tư xử lý chất thải y tế nguy hại tại chỗ.

b) Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn y tế

- Các chủ nguồn thải là các bệnh viện, trung tâm y tế phải có cơ cấu tổ chức, cán bộ chuyên trách, sổ tay quản lý chất thải đồng thời có kế hoạch theo dõi, giám sát;

- Phải thực hiện đầy đủ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại (đối với các điểm xử lý), báo cáo giám sát môi trường hàng năm…

- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải y tế. Các chủ nguồn thải chịu trách nhiệm đối với chất thải y tế cho đến khi chúng được xử lý, tiêu hủy an toàn;

- Các cơ sở y tế tổ chức phân loại chất thải y tế ngay tại nơi phát sinh. Từng loại chất thải đựng trong túi, thùng có mã màu kèm theo biểu tượng đúng quy định. Bắt buộc phải có thùng đựng chất thải y tế cho từng loại chất thải nơi phát sinh, có kèm theo hướng dẫn cách phân loại, thu gom. Sử dụng thùng đựng chất thải theo đúng tiêu chuẩn quy định và được vệ sinh hàng ngày;

- Túi sạch thu gom chất thải phải luôn có sẵn tại nơi chất thải phát sinh để thay thế cho túi cùng loại đã được thu gom chuyển về nơi lưu giữ tạm thời. Chất thải được thu gom vào các dụng cụ có mã màu quy định và phải có nhãn hoặc ghi bên ngoài túi nơi phát sinh chất thải;

- Các chất thải y tế nguy hại không để lẫn với nhau hoặc với chất thải thông thường. Trường hợp để lẫn chất thải y tế nguy hại vào chất thải thông thường thì hỗn hợp đó phải được xử lý, tiêu hủy như chất thải y tế nguy hại;

- Lượng chất thải trong mỗi túi chỉ đầy ¾ túi, sau đó buộc cổ túi lại;

- Tần suất thu gom: nhân viên được phân công hàng ngày chịu trách nhiệm thu gom các chất thải y tế nguy hại và chất thải thông thường từ nơi phát sinh về nơi tập trung chất thải ít nhất một lần trong ngày;

- Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao trước khi thu gom về nơi tập trung, cần được xử lý ban đầu tại nơi phát sinh chất thải;

- Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phát sinh phải được vận chuyển riêng về nơi lưu giữ chất thải của cơ sở y tế ít nhất một lần một ngày;

- Cơ sở y tế phải quy định đường vận chuyển và giờ vận chuyển chất thải. Tránh vận chuyển chất thải qua các khu vực chăm sóc người bệnh và các khu vực nhạy cảm khác. Túi vận chuyển phải buộc kín miệng và được vận chuyển bằng xe chuyên dụng. Tuyệt đối không được làm rơi vãi chất thải, nước thải và phát tán mùi hôi trong quá trình vận chuyển;

- Nhà lưu giữ chất thải y tế: có buồng lưu giữ chất thải nguy hại, chất thải thông thường và chất thải có thể tái chế riêng biệt. Nhà lưu giữ phải đảm bảo các điều kiện sau: cách xa nhà ăn, buồng bệnh, lối đi công cộng và khu vực tập trung đông người tối thiểu là 10 m, có đường để xe chuyên chở chất thải từ bên ngoài đến, có mái che, hàng rào bảo vệ và có khóa cửa. Diện tích nhà lưu giữ cần xây dựng phù hợp với quy mô của từng bệnh viện, có phương tiện rửa tay, phương tiện bảo hộ cho nhân viên, có hóa chất làm vệ sinh, có hệ thống cống thóat nước, tường và nền chống thấm, thông khí tốt. Khuyến khích xây dựng nhà lưu giữ có bảo quản lạnh;

- Thời gian lưu giữ trong nhà lưu giữ chất thải y tế của các cơ sở y tế không quá 48 giờ (lưu giữ trong nhà bảo quản lạnh hoặc thùng lạnh thời gian lưu tối đa là 72 giờ);

- Chất thải giải phẫu phải được xử lý hàng ngày;

- Đối với các cơ sở có lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian thu gom tối thiểu hai lần trong một tuần;

- Phân công ít nhất một cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm đã được đào tạo, tập huấn về quản lý chất thải y tế đảm nhận việc phân loại, quản lý chất thải y tế, phòng ngừa và ứng phó sự cố tại cơ sở;

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố do chất thải y tế gây ra, gồm các nội dung: biện pháp, quy trình phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp đối với các loại sự cố rò rỉ, đổ tràn và tai nạn lao động. Các thủ tục thông báo và yêu cầu trợ giúp khi có sự cố. Có phương án, địa điểm cứu người, kế hoạch sơ tán tại cơ sở và khu vực phụ cận. Xây dựng các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường sau khi kết thúc sự cố và các vấn đề liên quan khác;

- Đối với cơ sở có hệ thống xử lý chất thải rắn nhưng bị hỏng thì phải tu bổ, nâng cấp, hoặc xây dựng mới.

c) Công tác quản lý, xử lý chất thải lỏng

- Cơ sở y tế phải được xây dựng hệ thống thu gom riêng nước mưa và nước thải. Nước từ hệ thống thu gom nước mưa có thể thải trực tiếp ra hệ thống thu gom nước đô thị. Nước thu từ các phòng, khoa và khu sinh hoạt sẽ tập trung vào để xử lý trước khi thải ra cống thu gom nước đô thị;

- Đối với cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải: xây dựng hệ thống xử lý nước thải đảm bảo nước thải đạt cột B - QCVN 28:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế;

- Đối với cơ sở có hệ thống xử lý nước thải nhưng bị hỏng, nước thải ra môi trường không đạt cột B - QCVN 28:2010/BTNMT thì phải tu bổ, nâng cấp, hoặc xây dựng mới;

- Công nghệ xử lý nước thải bệnh viện phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường, phù hợp với địa hình, kinh phí đầu tư, chi phí vận hành, bảo trì và trình độ kỹ thuật chuyên môn của từng bệnh viện;

- Sau hệ thống xử lý nước thải, lượng bùn sinh ra được quản lý như chất thải rắn y tế;

- Xây dựng cửa xả nước thải thuận tiện cho việc kiểm tra giám sát;

- Định kỳ kiểm tra chất lượng xử lý nước thải, ghi sổ tay quản lý vận hành và kết quả kiểm tra liên quan.

d) Công tác quản lý, xử lý khí thải

- Các phòng xét nghiệm, kho hóa chất, dược phẩm phải có hệ thống thông khí và các tủ hút hơi khí độc đảm bảo tiêu chuẩn quy định;

- Các thiết bị sử dụng hóa chất độc hại dạng khí phải có hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường;

- Khí thải ra từ các lò đốt chất thải rắn y tế phải được xử lý đạt QCVN 02:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế.

2. Xây lắp và thiết bị

a) Quản lý chất thải rắn

- Phương tiện để phân loại, thu gom, vận chuyển và lưu giữ:

Xây dựng 03 nhà lưu giữ chất thải y tế diện tích lớn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh.

Xây dựng 09 nhà lưu giữ chất thải y tế diện tích nhỏ cho Bệnh viện Đa khoa các huyện: Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Hướng Hóa, Đăkrông, thành phố Đông Hà, bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Cửa Tùng, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi.

Mua sắm các thiết bị đựng chất thải y tế, phương tiện bảo hộ lao động, phương tiện phụ trợ dùng trong một (01) năm;

- Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại bên ngoài bệnh viện:

Mua sắm 03 xe chuyên dụng vận chuyển chất thải nguy hại cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh.

- Cơ sở xử lý chất thải y tế:

+ Xử lý ban đầu chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao có thể áp dụng một trong các phương pháp sau: xử lý ban đầu bằng phương pháp tiệt khuẩn bằng nhiệt ướt, vi sóng, hóa học hoặc các công nghệ hiện đại khác đạt tiêu chuẩn;

+ Phương pháp xử lý và tiêu hủy chất thải lây nhiễm: chất thải sắc nhọn; chất thải giải phẫu; chất thải hóa học; chất thải dược phẩm; chất thải gây độc tế bào; chất thải chứa kim loại nặng; chất thải phóng xạ; các bình áp suất; chất thải rắn thông thường; hóa chất nguy hại như tro lò đốt hoặc hóa chất chứa nhiều kim loại nặng sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo Sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án như trơ hóa, đóng rắn, chôn lấp trong các hố chôn xi măng, trả nhà cung cấp hoặc vận chuyển tới bãi chôn lấp đặc biệt dành cho chất thải nguy hại... Bùn của hệ thống xử lý nước thải vốn được xem là chất thải nguy hại sẽ được nạo vét định kỳ và tiêu hủy bởi đơn vị tiêu hủy chất thải có giấy phép và đủ phương tiện chuyên dụng;

+ Công trình tiêu hủy sau cùng: xây dựng 09 bể bê tông cô lập chất thải sắc nhọn, 14 bể bê tông cô lập chất thải giải phẫu (V= 2 m3/bể) trong đó Bệnh viện Đa khoa tỉnh (xây 03 bể), các bệnh viện khác mỗi bệnh viện 01 bể. Xây dựng 02 bể bê tông cô lập chất thải lò đốt (V = 2 m3/bể) cho 02 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Đakrông và Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa.

b) Thu gom và xử lý nước thải

- Định hướng công trình xử lý nước thải cho các bệnh viện

Duy trì vận hành, bảo dưỡng 07 công trình xử lý nước thải cho Bệnh viện Đa khoa của các huyện: Cam Lộ, Hướng Hóa, Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, thành phố Đông Hà và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Duy trì vận hành, bảo dưỡng 03 công trình xử lý nước thải cho các Trung tâm: Trung tâm Y tế thị xã Quảng Trị, Trung tâm Kiểm nghiệm và Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS.

Xây mới/nâng cấp 04 công trình xử lý nước thải cho bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh, Bệnh viện Đa khoa Đakrông;

- Các công trình xử lý nước thải cho các cơ sở y tế khác

Xây mới 01 công trình xử lý nước thải cho bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị (bệnh viện mới), Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Cửa Tùng.

Xây mới 01 công trình xử lý nước thải công suất nhỏ/cơ sở cho các trung tâm dự phòng và các trạm y tế xã/phường.

3. Giải pháp tài chính

Sở Y tế Quảng Trị sẽ tiến hành huy động nhiều nguồn vốn để thực hiện quản lý chất thải y tế trên toàn tỉnh như ngân sách tỉnh, các tổ chức quốc tế và các nguồn khác…

Đối với Dự án hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện vay vốn ngân hàng thế giới, căn cứ các tiêu chí lựa chọn đầu tư và thực trạng quản lý chất thải bệnh viện tại thời điểm này, Sở Y tế Quảng Trị đề xuất hỗ trợ đầu tư cải thiện thực trạng quản lý CTYT tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, gồm:

- Bệnh viện Đa khoa Khu vực Triệu Hải: xử lý chất thải rắn nguy hại (theo cụm bệnh viện) và xử lý nước thải;

- Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Linh: xử lý chất thải rắn nguy hại (theo cụm bệnh viện) và xử lý nước thải;

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị: xử lý chất thải rắn nguy hại (theo cụm bệnh viện) và xử lý nước thải.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

Chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện thực hiện kế hoạch quản lý chất thải y tế trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện đề án sau khi được phê duyệt.

Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các hoạt động quản lý liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, nước thải, khí thải y tế trên địa bàn tỉnh.

Trực tiếp điều hành, kết hợp với các ban ngành liên quan trong tỉnh, bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch.

Chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm đảm bảo đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế quản lý và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

Giao cho người đứng đầu các cơ sở y tế làm nhiệm vụ:

- Chịu trách nhiệm về quản lý chất thải y tế từ khi phát sinh tới khâu tiêu hủy cuối cùng;

- Mua và cung cấp các phương tiện chuyên dụng, đạt tiêu chuẩn cho việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, phối hợp vớ các cơ quan môi trường, các cơ sở xử lý chất thải của địa phương để xử lý, tiêu hủy chất thải y tế theo quy định;

- Quản lý tốt việc xử lý chất thải tại các cơ sở hành nghề y tế tư nhân;

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế quản lý và xử lý chất thải y tế.

Ngành y tế tổ chức, đánh giá kết quả thực hiện Đề án quản lý và xử lý chất thải mỗi 6 tháng và cả năm.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các dự án phát triển bệnh viện.

Phối hợp với Sở Y tế để kiểm tra, giám sát và xác nhận công trình xây dựng và lắp đặt thiết bị hệ thống xử chất thải y tế rắn, lỏng và khí đảm bảo các chất thải ra đạt quy định theo các quy chuẩn hiện hành.

Theo dõi, giám sát, thanh tra kiểm tra việc đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại, xin cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại, xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch quản lý chất thải nguy hại trong các cơ sở y tế cũng như tác động của chất thải y tế đối với môi trường nước, không khí, đất.

3. Sở Xây dựng

Chịu trách nhiệm quy hoạch, thiết kế, xây dựng bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh, quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành các hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải đô thị, thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng các công trình y tế phải đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải y tế.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chịu trách nhiệm tham mưu trình UBND tỉnh cân đối vốn xây dựng cơ bản cho các công trình, dự án liên quan đến lĩnh vực môi trường y tế đã được phê duyệt; phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất các chính sách đầu tư cho bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế.

5. Sở Tài chính

Chịu trách nhiệm tham mưu trình UBND tỉnh cân đối bố trí dự toán kinh phí về công tác bảo vệ môi trường y tế hàng năm theo chủ trương phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

Khuyến khích xây dựng các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như đầu tư phát triển công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường, các giải pháp xử lý môi trường…

7. UBND các cấp

Đưa chỉ tiêu quản lý và xử lý chất thải y tế vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của địa phương thông qua cấp ủy Đảng, HĐND các cấp để xem xét quyết định và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả từng nội dung cụ thể đã nêu trong Đề án.

Tăng cường quản lý nhà nước về công tác quản lý và xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

8. Các Công ty Môi trường đô thị trên địa bàn

Có trách nhiệm thu gom chất thải y tế thông thường trên toàn bộ tỉnh Quảng Trị và xử lý, chôn lấp theo đúng quy định của pháp luật.

9. Công an tỉnh, thành phố, thị xã, huyện

Chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở không thực hiện đúng quy định của pháp luật về môi trường.

10. Các cơ quan truyền thông

Báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình và các cơ quan Thông tấn, Báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh kịp thời đăng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về môi trường và công tác bảo vệ môi trường trong các cơ sở y tế; biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở y tế; phản ánh kịp thời các sự việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường.