Quyết định 18/2013/QĐ-UBND ban hành Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Số hiệu: | 18/2013/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Hậu Giang | Người ký: | Trần Công Chánh |
Ngày ban hành: | 03/07/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | An ninh quốc gia, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2013/QĐ-UBND |
Vị Thanh, ngày 3 tháng 7 năm 2013 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 03 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 12/2002/TT-BCA(A11) ngày 13 tháng 9 năm 2002 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2328/2009/QĐ-UBND ngày 26 tháng 08 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: ……/2013/QĐ-UBND ngày… tháng… năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khác; đơn vị lực lượng vũ trang; cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và mọi công dân làm việc, sinh sống trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
1. Tài liệu bí mật nhà nước thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Công tác bảo vệ bí mật nhà nước của tỉnh Hậu Giang là nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, đơn vị lực lượng vũ trang (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) và mọi công dân làm việc, sinh sống trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
3. Nghiêm cấm mọi hành vi làm lộ, thu thập, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước; mọi hành vi lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Điều 3. Người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước
Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm xác lập danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức mình.
Điều 4. Lập danh mục bí mật nhà nước
1. Căn cứ vào quy định tại các Điều 5, 6, 7 của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để xác định phạm vi bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật, tối mật, mật, đề nghị Ban chỉ đạo danh mục bí mật nhà nước của tỉnh xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Vào quý I (chậm nhất là cuối tháng 3) hàng năm, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, giải mật danh mục bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật, tối mật, mật đề nghị Ban chỉ đạo danh mục bí mật nhà nước của tỉnh xem xét, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Điều 5. Quy định độ mật đối với từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định, ban hành văn bản quy định cụ thể độ mật (Tuyệt mật, Tối mật, Mật) của từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức mình quản lý.
Điều 6. Xác định và đóng dấu độ mật đối với từng loại tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước tùy theo độ mật phải đóng dấu độ mật: Tuyệt mật, Tối mật, Mật.
2. Khi soạn thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước, người soạn thảo văn bản phải đề xuất mức độ mật của từng tài liệu, người duyệt ký văn bản chịu trách nhiệm quyết định đóng dấu độ mật và phạm vi lưu hành tài liệu mang bí mật nhà nước.
3. Đối với vật mang bí mật nhà nước phải có văn bản ghi rõ tên của vật lưu kèm theo và đóng dấu độ mật vào văn bản này.
4. Mực dùng để đóng các loại con dấu trên là mực màu đỏ tươi.
Điều 7. In, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Việc in, sao, chụp tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải thực hiện theo các quy định sau đây:
a) Phải tiến hành ở nơi đảm bảo bí mật và do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý tài liệu mang bí mật nhà nước theo quy định.
b) Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quyết định việc in, sao, chụp các tài liệu bí mật nhà nước và ghi cụ thể số lượng được in, sao, chụp. Tài liệu in, sao, chụp phải được bảo mật như tài liệu mật gốc, chỉ in, sao, chụp đúng số bản đã được quy định. Sau khi in, sao, chụp xong phải kiểm tra lại và hủy ngay bản dư thừa và những bản bị hỏng.
c) Đánh máy, in, sao, chụp tài liệu xong phải đóng dấu độ mật, dấu thu hồi tài liệu (nếu cần), đánh số trang, số bản, số lượng in, phạm vi lưu hành, nơi nhận, tên người đánh máy, in, sao, soát, chụp tài liệu.
d) Không được sử dụng máy tính đã nối mạng Internet để đánh máy, in sao tài liệu mật, lưu giữ thông tin bí mật nhà nước.
2. Bí mật nhà nước ở dạng băng, đĩa khi sao chụp phải được niêm phong và đóng dấu độ mật, ghi rõ tên người sao chụp ở bì niêm phong.
Điều 8. Phổ biến, nghiên cứu tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước
Việc phổ biến, nghiên cứu, trao đổi, sử dụng các thông tin, tài liệu, số liệu, sự việc, sự kiện thuộc danh mục bí mật nhà nước phải thực hiện đúng nguyên tắc sau:
1. Đúng đối tượng, phạm vi cần được phổ biến hoặc nghiên cứu.
2. Tổ chức ở nơi đảm bảo bí mật, an toàn.
3. Chỉ được chép, ghi âm, ghi hình khi được phép của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật đó. Các băng ghi âm, ghi hình phải được quản lý, bảo vệ như tài liệu gốc.
Điều 9. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
Cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện việc vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước thực hiện theo đúng quy định tại Điều 10 của Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ. Cụ thể như sau:
1. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước ở trong nước do cán bộ làm công tác bảo mật, hoặc cán bộ giao liên riêng của cơ quan, tổ chức thực hiện. Nếu vận chuyển, giao nhận theo đường bưu điện phải thực hiện theo quy định riêng của ngành bưu điện.
2. Vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước giữa các cơ quan, tổ chức trong nước với các cơ quan, tổ chức của Nhà nước Việt Nam ở nước ngoài do lực lượng giao liên ngoại giao thực hiện.
3. Mọi trường hợp vận chuyển, giao nhận tài liệu, vật mang bí mật nhà nước thông qua các đơn vị giao liên phải thực hiện theo nguyên tắc giữ kín, niêm phong.
4. Khi vận chuyển tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải có đủ phương tiện bảo quản và lực lượng bảo vệ để đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển.
5. Nơi gửi và nơi nhận phải tổ chức kiểm tra, đối chiếu nhằm phát hiện những sai sót, mất mác để xử lý kịp thời; việc giao nhận phải được ghi đầy đủ vào sổ theo dõi riêng, người nhận phải ký nhận.
6. Cán bộ đi công tác chỉ được mang những tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ được giao; phải được lãnh đạo trực tiếp duyệt và đăng ký với bộ phận bảo mật; phải có kế hoạch bảo vệ tài liệu, vật mang bí mật nhà nước trong thời gian mang đi công tác; khi hoàn thành nhiệm vụ phải cùng bộ phận bảo mật kiểm tra và nộp lại cho cơ quan.
Điều 10. Thống kê, lưu giữ, bảo quản, sử dụng tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Các cơ quan, tổ chức, địa phương lưu giữ bí mật nhà nước phải thống kê tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước của mình theo trình tự thời gian và từng độ mật.
2. Tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, Tối mật phải được lưu giữ riêng, có phương tiện bảo quản, bảo vệ đảm bảo an toàn, chống mất cắp, cháy nổ. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý bí mật nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc thống kê, cất giữ, bảo quản bí mật nhà nước trong phạm vi quyền hạn của mình. Không được tự ý mang ra khỏi cơ quan. Trường hợp cần thiết phải mang tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đi công tác hoặc mang về nhà riêng thì phải được sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, đơn vị và chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp tài liệu, vật bí mật đó, phải đăng ký với bộ phận bảo mật và có phương án bảo mật chặt chẽ. Mọi trường hợp khi phát hiện tài liệu, vật mang bí mật nhà nước bị mất, tráo đổi, hư hỏng, hoặc bí mật nhà nước bị lộ, lọt phải báo cáo ngay với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị để có biện pháp xử lý kịp thời.
Điều 11. Tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước
1. Việc tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật, Tối mật, Mật trên địa bàn tỉnh Hậu Giang do Giám đốc các sở, Thủ trưởng ban, ngành tỉnh (hoặc tương đương) quyết định đối với mật mã thực hiện theo quy định của Ban Cơ yếu Chính phủ.
2. Trong quá trình tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước phải đảm bảo yêu cầu không để lộ, lọt bí mật nhà nước. Tiêu hủy vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải làm thay đổi hình dạng và tính năng, tác dụng. Tiêu hủy tài liệu phải đốt, xén, nghiền nhỏ, đảm bảo không thể phục hồi được.
3. Trong trường hợp đặc biệt không có điều kiện tổ chức tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước theo các quy định trên, nếu tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không được tiêu hủy ngay sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho an ninh, quốc phòng hoặc các lợi ích khác của Nhà nước, thì người đang quản lý tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đó được quyền tiêu hủy, nhưng sau đó phải báo cáo bằng văn bản với người đúng đầu cơ quan, tổ chức và cơ quan Công an cùng cấp. Nếu việc tự tiêu hủy tài liệu, vật mang bí mật nhà nước không có lý do chính đáng thì người tự tiêu hủy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Điều 12. Bảo vệ bí mật nhà nước khi được truyền đi bằng phương tiện thông tin liên lạc
1. Mọi nội dung tài liệu mang bí mật nhà nước nếu truyền bằng phương tiện viễn thông thì phải được mã hóa theo quy định của pháp luật về cơ yếu.
2. Không trao đổi thông tin bí mật nhà nước qua điện thoại. Trong các cuộc họp có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước, tuyệt đối không được sử dụng micrô vô tuyến hoặc sử dụng điện thoại di động với mọi hình thức.
Điều 13. Bảo vệ bí mật nhà nước trong quan hệ tiếp xúc, làm việc với tổ chức, cá nhân nước ngoài
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có ý thức giữ gìn bí mật nhà nước và chấp hành đúng quy định của pháp luật, không được tiết lộ bí mật nhà nước. Trong trường hợp thi hành công vụ mà nội dung quan hệ tiếp xúc có liên quan đến bí mật nhà nước, thì chỉ được thông tin những nội dung được cấp có thẩm quyền cho phép, phải ghi biên bản những nội dung tiếp xúc, báo cáo với người đã duyệt và nộp lại tại bộ phận bảo mật.
2. Việc cung cấp những thông tin có liên quan đến bí mật nhà nước cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được cân nhắc kỹ theo nguyên tắc:
a) Bảo vệ lợi ích quốc gia;
b) Chỉ được cung cấp thông tin được cấp có thẩm quyền duyệt theo quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 33/2002/NĐ-CP , ngày 28 tháng 3 năm 2002 của Chính phủ. Cụ thể như sau:
- Bí mật nhà nước thuộc độ Tuyệt mật do Thủ tướng Chính phủ duyệt;
- Bí mật nhà nước thuộc độ Tối mật do Bộ trưởng Bộ Công an duyệt, riêng trong lĩnh vực Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng duyệt;
- Bí mật nhà nước thuộc độ Mật do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương duyệt;
c) Yêu cầu bên nhận tin sử dụng đúng mục đích thỏa thuận và không được tiết lộ cho bên thứ ba.
Điều 14. Mang tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước ra nước ngoài
Công dân Việt Nam mang tài liệu, vật thuộc phạm vi bí mật nhà nước ra nước ngoài phục vụ công tác, nghiên cứu khoa học phải xin phép và được sự đồng ý của người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, bảo vệ bí mật tài liệu, vật mang theo. Nếu cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải thực hiện theo quy định bảo vệ bí mật nhà nước trong quan hệ tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Điều 12 Quy chế này.
Điều 15. Cam kết bảo vệ bí mật nhà nước và tiêu chuẩn cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước
1. Cán bộ làm công tác liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước (người làm công tác văn thư lưu trữ, đánh máy, công nghệ thông tin, chuyên viên nghiên cứu, cơ yếu, người được giao nhiệm vụ bảo quản, lưu giữ bí mật nhà nước) phải có phẩm chất tốt, có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức cảnh giác giữ gìn bí mật nhà nước, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao và phải cam kết bảo vệ bí mật nhà nước bằng văn bản; văn bản cam kết nộp cho bộ phận bảo mật của cơ quan, tổ chức lưu giữ.
2. Những người được giao nhiệm vụ tiếp xúc với tài liệu, vật mang bí mật nhà nước dưới mọi hình thức phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 16. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Kinh phí sử dụng để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.
TRÁCH NHIỆM CỦA THỦ TRƯỞNG, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÓ LIÊN QUAN ĐẾN BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
1. Tổ chức triển khai Quy chế này đến tận cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị mình để quán triệt và nghiêm túc thực hiện. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và đơn vị trực tiếp quản lý có trách nhiệm kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
2. Định kỳ vào quý III (chậm nhất là cuối tháng 9) hàng năm báo cáo công tác bảo vệ bí mật nhà nước về Ban Chỉ đạo (qua phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh) và tạo điều kiện thuận lợi khi đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo đến làm việc tại đơn vị mình; đồng thời, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên.
3. Thường xuyên kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước ở đơn vị, địa phương mình, kịp thời phát hiện những sai sót để có biện pháp khắc phục, xử lý; qua đó, có biện pháp chủ động phòng ngừa, hạn chế hậu quả xấu do lộ, lọt bí mật nhà nước gây ra.
4. Tài liệu mật đã được công bố xem như đã giải mật, nhưng phải được tổ chức quản lý chặt chẽ như tài liệu mật.
Điều 18. Trách nhiệm người soạn thảo tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước
1. Phải thận trọng, tỉ mỉ thực hiện đúng nguyên tắc đối với các văn bản thuộc bí mật nhà nước.
2. Phải làm cam kết bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Không được soạn thảo thừa, những tài liệu soạn thảo thừa phải tiêu hủy và có sự chứng kiến của lãnh đạo trực tiếp (kể cả bản thảo, văn bản hư hỏng, đĩa vi tính và các tài liệu, vật khác có liên quan đến bí mật nhà nước).
Tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước sẽ được khen thưởng theo quy định pháp luật:
1. Phát hiện và tố giác kịp thời mọi hành vi làm lộ, lọt bí mật nhà nước như: dò xét, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước.
2. Khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Tìm được tài liệu, vật thuộc bí mật nhà nước bị mất, ngăn chặn hoặc hạn chế được hậu quả, tác hại do việc làm lộ, lọt, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước do người khác gây ra.
4. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tổ chức, cá nhân có hành vi chiếm đoạt, mua bán, làm lộ, lọt, làm mất bí mật nhà nước, lợi dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, tiêu hủy trái phép bí mật nhà nước, gây ảnh hưởng đến công cuộc bảo vệ an ninh - quốc phòng, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật của đất nước thì tùy theo mức độ, tính chất vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 21. Chế độ báo cáo về công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Định kỳ trước ngày 20/11 hàng năm, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo về tình hình công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức mình. Đồng thời, kịp thời báo cáo những vụ lộ, lọt bí mật nhà nước xảy ra hoặc các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 22. Xây dựng quy chế bảo vệ bí mật nhà nước
Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức căn cứ Quy chế này để xây dựng danh mục tài liệu bảo vệ bí mật nhà nước, biện pháp cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Điều 23. Chế độ kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước
1. Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác bảo vệ bí mật nhà nước sẽ được áp dụng trên các lĩnh vực đối với từng việc, từng cá nhân, từng khâu công tác, từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn tỉnh.
2. Giao Ban Chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội trên địa bàn tỉnh (kể cả cơ quan Trung ương đóng tại địa phương) mỗi năm ít nhất một lần.
3. Kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước phải đánh giá đúng những ưu, khuyết điểm, phát hiện những thiếu sót, sơ hở và có những biện pháp khắc phục ngay. Trong trường hợp không khắc phục được thì phải kịp thời báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét.
4. Việc kiểm tra phải có biên bản ghi chép đầy đủ để lưu và báo cáo về cấp trên trực tiếp theo hệ thống dọc, đồng thời gửi cơ quan Công an cùng cấp để theo dõi.
1. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bố trí cán bộ làm công tác lưu trữ nhằm đảm bảo bảo vệ bí mật nhà nước theo đúng quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; Có trách nhiệm tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong phạm vi quản lý theo thẩm quyền được giao, kịp thời phát hiện khắc phục những thiếu sót, sơ hở đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp quản lý để có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Thường trực Ban Chỉ đạo bảo vệ bí mật nhà nước (Công an tỉnh) có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản ánh về Công an tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời điều chỉnh./.
Nghị định 33/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước Ban hành: 28/03/2002 | Cập nhật: 10/12/2009