Quyết định 18/2012/QĐ-UBND về Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương trên địa bàn tỉnh Sơn La
Số hiệu: 18/2012/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La Người ký: Nguyễn Ngọc Toa
Ngày ban hành: 12/10/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Thi đua, khen thưởng, các danh hiệu vinh dự nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2012/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 12 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG NHẬN DANH HIỆU GIA ĐÌNH VĂN HÓA, BẢN VĂN HÓA, TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;

Căn cứ Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương;

Xét đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1044/TTr-VHTTDL ngày 06 tháng 09 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp xã; các tập thể, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ; HĐND; UBND tỉnh;
- Bộ VH,TT&DL;
- Ban chỉ đạo TW phong trào “TDĐKXDĐSVH”;
- PCVP UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- VP Tỉnh ủy, ĐĐBQH &HĐND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT.VX.HA.50b.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Ngọc Toa

 

QUY CHẾ

CÔNG NHẬN DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”, “BẢN VĂN HÓA”, “TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA” VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND ngày 12 tháng 10 năm 2012 của UBND tỉnh Sơn La)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này thực hiện và cụ thể hóa Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương.

Quy chế Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận và đón nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các hộ gia đình cư trú trên địa bàn tỉnh Sơn La.

2. Các bản trên địa bàn tỉnh Sơn La.

3. Các khối phố, tiểu khu, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Sơn La. (Sau đây gọi chung là tổ dân phố).

4. Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến trình tự, thủ tục công nhận và đón nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

Việc bình xét công nhận “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” phải đảm bảo theo nguyên tắc công khai, dân chủ, đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, đúng thẩm quyền và đúng kỳ hạn.

Điều 4. Thẩm quyền và thời hạn công nhận

1. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận “Gia đình văn hóa” cho những hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa” hàng năm; ra Quyết định kèm giấy công nhận “Gia đình văn hóa” cho những hộ đạt 3 năm liên tục.

2. Chủ tịch UBND huyện, thành phố ra quyết định công nhận và cấp Giấy công nhận danh hiệu “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” cho các bản, tổ dân phố có 3 năm liên tục đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6, Điều 7 Quy chế này.

3. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định khen thưởng “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” tiêu biểu xuất sắc và đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” cho các gia đình, bản, tổ văn hóa đặc biệt tiêu biểu xuất sắc.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. TIÊU CHUẨN, THỦ TỤC CÔNG NHẬN DANH HIỆU "GIA ĐÌNH VĂN HÓA", "BẢN VĂN HÓA", "TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA"

Điều 5. Tiêu chuẩn công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa"

Thực hiện theo Điều 4, Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”; “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương (gọi chung là Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Điều 6. Tiêu chuẩn công nhận danh hiệu “Bản văn hóa”

1. Bộ máy tổ chức

a) Thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả Ban vận động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

b) Thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động các mô hình tự quản như: Nhóm liên gia tự quản, tổ an ninh nhân dân, bảo vệ dân phố theo từng cụm dân cư; mỗi nhóm, tổ tự quản bầu ra tổ trưởng và 1 đến 2 tổ phó để điều hành các hoạt động của tổ.

c) Người phụ trách nhà văn hóa bản đã được bồi dưỡng kiến thức qua các lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa, thể thao và du lịch.

2. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển

a) Thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, không còn hộ đói, bản vùng 1 tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh theo từng năm; bản vùng 2 tỷ lệ hộ nghèo bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của tỉnh theo từng năm không quá 4%; bản vùng 3 tỷ lệ hộ nghèo bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của tỉnh theo từng năm không quá 8%.

b) Có phong trào xóa nhà tạm, dột nát; tỷ lệ hộ có nhà ở bền vững tại bản vùng 1 đạt từ 80% trở lên; bản vùng 2 đạt 60% trở lên; Bản vùng 3 đạt từ 50% trở lên.

c) Có nhiều hoạt động hiệu quả về tuyên truyền, phổ biến và ứng dụng khoa học - kỹ thuật; phát triển nghề truyền thống; hợp tác và liên kết phát triển kinh tế.

d) Tỷ lệ lao động có việc làm, thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước.

đ) Bản vùng 1 có 80% trở lên; bản vùng 2 có 75% trở lên; bản vùng 3 có 70% trở lên tổng số hộ gia đình tham gia cuộc vận động xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội ở cộng đồng.

3. Đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú

a) Thực hiện tốt các tiêu chí quy định tại điểm e, điểm g, điểm h, điểm i, khoản 2, Điều 5 Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

b) Có nhà văn hóa, có sân chơi thể thao, có tủ sách, báo, tạp chí. Có trang thiết bị đảm bảo phục vụ sinh hoạt văn hóa thể thao cộng đồng.

c) Duy trì phong trào văn hóa, thể thao: Bản vùng 1 thu hút 40% trở lên; bản vùng 2 thu hút 35% trở lên; bản vùng 3 thu hút 30% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao ở cộng đồng; Có đội văn nghệ hoạt động thường xuyên.

d) Bản vùng 1 có 80% trở lên; bản vùng 2 có 75% trở lên, bản vùng 3 có 70% trở lên số hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; không có hành vi truyền bá và hành nghề mê tín dị đoan; không học và truyền đạo trái pháp luật.

đ) Tệ nạn xã hội (Ma túy, mại dâm, cờ bạc..) giảm. Không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội ở cộng đồng; được công nhận là “Bản đạt tiêu chuẩn không có ma túy” hoặc “Bản cơ bản đạt tiêu chuẩn 4 không về ma túy”; không có người sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại.

e) Bản vùng 1 có 70% trở lên; bản vùng 2 có 60% trở lên; bản vùng 3 có 50% trở lên hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”. Trong đó bản vùng 1 ít nhất 50% ; bản vùng 2 ít nhất 40%; bản vùng 3 ít nhất 30% gia đình văn hóa được công nhận 3 năm trở lên.

g) Xây dựng và quản lý sử dụng có hiệu quả các loại quỹ do nhân dân đóng góp.

4. Môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp

Thực hiện tốt các tiêu chí quy định tại khoản 3, Điều 5 Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

5. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Thực hiện tốt các tiêu chí quy định tại khoản 4, Điều 5 Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

6. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng

a) Thực hiện tốt chính sách của Nhà nước, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chăm sóc tốt các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

b) Thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo từ thiện, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, gia đình khó khăn, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam-dioxin…

Điều 7. Tiêu chuẩn công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”

1. Bộ máy tổ chức

a) Thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động có hiệu quả Ban vận động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

b) Thành lập, kiện toàn và duy trì hoạt động các mô hình tự quản như: Nhóm liên gia tự quản, tổ an ninh nhân dân, bảo vệ dân phố theo từng cụm dân cư; mỗi nhóm, tổ tự quản bầu ra 1 tổ trưởng và 1 đến 2 tổ phó để điều hành các hoạt động của tổ.

c) Người phụ trách nhà văn hóa tổ đã được bồi dưỡng qua các lớp tập huấn nghiệp vụ văn hóa, thể thao và du lịch.

2. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển

a) Có từ 80% hộ gia đình trở lên có đời sống kinh tế ổn định; nhiều hộ giàu, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh theo từng năm.

b) Có phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát. Có từ 85% số hộ gia đình trở lên có nhà ở được xây dựng bền vững.

c) Đạt tỷ lệ trên 80% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định; thu nhập bình quân đầu người/năm sau cao hơn năm trước.

d) Có nhiều hoạt động hiệu quả về tuyên truyền, phổ biến và ứng dụng khoa học-kỹ thuật; phát triển nghề truyền thống; hợp tác và liên kết phát triển kinh tế.

3. Có đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú

a) Có nhà văn hóa, sân thể thao phù hợp với điều kiện của tổ dân phố; có điểm sinh hoạt văn hóa - vui chơi giải trí dành cho người lớn và trẻ em.

b) Duy trì phong trào văn hóa, thể thao, thu hút 60% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao ở cộng đồng.

c) Có 80% trở lên số hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; nếp sống văn minh đô thị; không có hành vi truyền bá và hành nghề mê tín dị đoan; không học và truyền đạo trái pháp luật.

d) Không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội ở cộng đồng; không có người sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại.

đ) Có 80% trở lên hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”, trong đó ít nhất 60% gia đình văn hóa được công nhận 3 năm liên tục trở lên.

e) 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở trở lên; có phong trào “khuyến học, khuyến tài".

g) Không để xảy ra dịch bệnh lớn; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người; không có trẻ em bị suy dinh dưỡng; 100% trẻ em đều được tiêm chủng mở rộng và phụ nữ có thai được khám định kỳ.

h) Thực hiện tốt công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; không có tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

i) Có nhiều hoạt động đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ và tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các công trình công cộng; bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống ở địa phương.

4. Giữ gìn môi trường cảnh quan xanh, sạch đẹp

Thực hiện tốt các tiêu chí quy định tại khoản 3, Điều 6 Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

5. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Thực hiện tốt các tiêu chí quy định tại khoản 4, Điều 6 Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

6. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng

Thực hiện tốt các tiêu chí quy định tại khoản 5, Điều 6 Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mục 2. QUY TRÌNH CÔNG NHẬN DANH HIỆU "GIA ĐÌNH VĂN HÓA", "BẢN VĂN HÓA", "TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA"

Điều 8. Trình tự, thủ tục, hồ sơ, điều kiện công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”

1. Trình tự, thủ tục

a) Hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa với Ban công tác Mặt trận ở bản, tổ dân phố.

b) Trưởng Ban công tác Mặt trận ở bản, tổ dân phố chủ trì phối hợp với Trưởng bản, Tổ Trưởng tổ dân phố tổ chức họp các hộ dân, bình bầu gia đình văn hóa.

c) Căn cứ vào biên bản họp bình xét ở bản, tổ dân phố; Trưởng Ban công tác Mặt trận ở bản, tổ dân phố lập danh sách trình Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) thẩm định và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận “Gia đình văn hóa” hàng năm.

d) Căn cứ quyết định công nhận “Gia đình văn hóa” hàng năm, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở bản, tổ dân phố lập danh sách trình Ban chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cấp xã xem xét và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định công nhận và cấp Giấy công nhận “Gia đình văn hóa” 3 năm.

2. Điều kiện công nhận

a) Đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4, Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

b) Thời gian xây dựng “Gia đình văn hóa” là một (01) năm (công nhận lần đầu); ba (03) năm liên tục (cấp Giấy Công nhận).

3. Hồ sơ đề nghị gồm có

a) Bản đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa” của các hộ gia đình.

b) Biên bản họp bình xét của bản, tổ dân phố kèm theo danh sách những gia đình được đề nghị công nhận “Gia đình văn hóa” (có từ 60% trở lên số người tham gia dự họp nhất trí đề nghị).

c) Số bộ hồ sơ cần nộp là một (01) bộ, nộp trực tiếp tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 9. Trình tự, thủ tục, hồ sơ, điều kiện công nhận danh hiệu “Bản văn hóa”

1. Trình tự, thủ tục

a) Bản đăng ký xây dựng “Bản văn hóa” với Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp xã. Ban Chỉ đạo Phong trào cấp xã lập danh sách các bản đăng ký gửi Phòng Văn hóa và Thông tin và Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, thành phố.

b) Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư chủ trì phối hợp với Trưởng bản họp nhân dân trong bản đề nghị công nhận bản văn hóa vào quý IV hàng năm.

c) Căn cứ vào hồ sơ đề nghị công nhận bản văn hóa, Thường trực Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp xã tổ chức thẩm định, lập biên bản xác nhận kết quả năm thứ nhất và thứ hai (đối với trường hợp công nhận lần đầu); năm thứ ba (đối với trường hợp công nhận lại), lập danh sách, tờ trình gửi về Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các huyện, thành phố (gọi chung là cấp huyện). Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện tiến hành kiểm tra, thẩm định kết quả xây dựng bản văn hóa (lần cuối, có Biên bản kiểm tra).

d) Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và bộ phận Thi đua, khen thưởng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận, công nhận lại và cấp Giấy Công nhận cho các bản đạt danh hiệu “Bản văn hóa”

2. Hồ sơ đề nghị gồm có

a) Bản đăng ký; Báo cáo thành tích 2 năm xây dựng bản văn hóa đối với bản công nhận lần đầu; Báo cáo thành tích 3 năm xây dựng bản văn hóa đối với bản đề nghị công nhận lại của Ban công tác Mặt trận của bản, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Biên bản kiểm tra kết quả thực hiện tiêu chuẩn công nhận bản văn hóa của Ban Chỉ đạo cấp xã hàng năm đối với bản công nhận lần đầu, 3 năm đối với bản đề nghị công nhận lại; Biên bản kiểm tra, thẩm định kết quả thực hiện tiêu chuẩn công nhận bản văn hóa của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện, thành phố.

c) Tờ trình đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Hồ sơ đề nghị công nhận một (01) bộ, nộp trực tiếp tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố.

3. Điều kiện công nhận

a) Đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Quy chế này.

b) Thời gian đăng ký xây dựng bản văn hóa từ hai (02) năm trở lên (công nhận lần đầu); ba (03) năm trở lên (công nhận lại).

Điều 10. Trình tự, thủ tục, hồ sơ, điều kiện công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”

1. Trình tự, thủ tục

a) Tổ dân phố đăng ký xây dựng “Tổ dân phố văn hóa” với Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp xã. Ban Chỉ đạo Phong trào cấp xã lập danh sách các tổ đăng ký gửi Phòng Văn hóa và Thông tin và Mặt trận Tổ quốc cấp huyện.

b) Trưởng Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố chủ trì phối hợp với Tổ trưởng tổ dân phố họp dân cư xem xét các tiêu chí, đề nghị công nhận “Tổ dân phố văn hóa” vào quý IV hàng năm.

c) Căn cứ vào hồ sơ đề nghị công nhận tổ dân phố văn hóa, Thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp xã tổ chức thẩm định, lập Biên bản xác nhận kết quả năm thứ nhất và thứ hai (đối với trường hợp công nhận lần đầu); năm thứ ba (đối với trường hợp công nhận lại), lập danh sách, tờ trình gửi về Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện. Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện tiến hành kiểm tra, thẩm định kết quả xây dựng bản văn hóa (lần cuối, có Biên bản kiểm tra).

đ) Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và bộ phận Thi đua, khen thưởng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định công nhận, công nhận lại và cấp Giấy công nhận cho các Tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”.

2. Hồ sơ đề nghị gồm có

a) Bản đăng ký, Báo cáo thành tích 2 năm xây dựng tổ dân phố văn hóa đối với tổ dân phố công nhận lần đầu; báo cáo thành tích 3 năm xây dựng tổ dân phố văn hóa đối với tổ dân phố đề nghị công nhận lại của Ban công tác Mặt trận ở tổ dân phố, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

b) Biên bản kiểm tra kết quả thực hiện tiêu chuẩn công nhận “Tổ dân phố văn hóa” của Ban Chỉ đạo cấp xã hàng năm đối với tổ dân phố công nhận lần đầu, 3 năm đối với tổ dân phố đề nghị công nhận lại; Biên bản kiểm tra, thẩm định kết quả thực hiện tiêu chuẩn công nhận tổ dân phố văn hóa của Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện, thành phố.

c) Tờ trình đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã

Hồ sơ đề nghị công nhận một (01) bộ, nộp trực tiếp tại Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố.

3. Điều kiện công nhận

a) Đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 Quy chế này.

b) Thời gian đăng ký xây dựng Tổ dân phố văn hóa từ hai (02) năm trở lên (công nhận lần đầu); ba (03) năm trở lên (công nhận lại).

Chương III

TỔ CHỨC ĐÓN NHẬN DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”, “BẢN VĂN HÓA”, “TỔ DÂN PHỐ VĂN HÓA”

Điều 11. Tổ chức đón nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”

1. Thời gian, chương trình tổ chức đón nhận danh hiệu

a) Thời gian

Tổ chức đón nhận các danh hiệu Gia đình văn hóa, Bản văn hóa, Tổ dân phố văn hóa vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11) hàng năm.

b) Chương trình tổ chức đón nhận danh hiệu

* Phần lễ

Công bố quyết định của UBND xã, phường, thị trấn; huyện, thành phố công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”.

Trao Giấy công nhận danh hiệu và phần thưởng cho đại diện các “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”.

Phát động thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tổ chức đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” cho năm tiếp theo.

* Phần hội

Tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian dân tộc truyền thống hoặc tổ chức dạ hội, biểu diễn văn nghệ...

2. Kinh phí tổ chức

Sử dụng kinh phí tổ chức Ngày hội đại đoàn kết được cấp hàng năm và kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Thời gian xét và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”

Hàng năm, việc xét và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” được tổ chức một lần vào Quý IV của năm.

Điều 13. Giấy Công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”

Giấy Công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” được in theo mẫu quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 14. Tiền thưởng đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”

1. Tiền thưởng cho gia đình, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” theo Điểm c, Điểm d, Khoản 2, Điều 71 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.

2. Khuyến khích các địa phương, các cơ quan, đoàn thể căn cứ vào khả năng ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa, tăng kinh phí hỗ trợ cho các bản, tổ dân phố văn hóa xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động cho Nhà Văn hóa - Khu thể thao, khen thưởng cho các gia đình, bản, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La và các đơn vị có liên quan phổ biến, quán triệt, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quy chế này sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh.

2. Ngoài các danh hiệu do cấp xã; cấp huyện công nhận, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh lựa chọn “Gia đình văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” tiêu biểu xuất sắc đề nghị UBND tỉnh; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có điểm nào chưa phù hợp đề nghị các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị, xã hội; UBND các huyện, thành phố có ý kiến gửi Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và quy định của Nhà nước./.